Ngày thứ hai (03-01-2022) – Trang suy niệm

02/01/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần II Mùa Giáng Sinh Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 3, 22 – 4, 6

“Hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng lãnh nhận được nơi Chúa, vì chúng ta giữ các giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người. Và đây là giới răn của Người: chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người, là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.

Các con thân mến, chớ tin bất cứ thần trí nào, nhưng hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì có nhiều tiên tri giả đã xuất hiện trong thế gian. Do điều này mà các con biết là thần trí của Thiên Chúa: Thần trí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô đã đến trong xác phàm thì là bởi Thiên Chúa; còn thần trí nào phủ nhận Chúa Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa mà ra, đó là thần trí của Phản-Kitô; các con nghe nói rằng nó đến, và hiện giờ nó đã ở trong thế gian rồi.

Các con thân mến, các con bởi Thiên Chúa mà ra và đã thắng nó, vì Đấng ở trong các con thì cao trọng hơn kẻ ở trong thế gian. Chúng thuộc về thế gian, nên nói chuyện thế gian, và thế gian nghe theo chúng. Chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra. Ai biết Thiên Chúa, thì nghe chúng ta; còn ai không bởi Thiên Chúa, thì không nghe chúng ta. Do đó mà chúng ta biết được thần trí chân thật và thần trí dối trá. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 2, 7-8. 10-11

Đáp: Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp (c. 8a).

Xướng:

1) Ta sẽ tuyên rao thánh chỉ của Chúa: Chúa đã phán bảo cùng Ta: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con. Hãy xin Cha và Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp, và cùng kiệt cõi đất làm gia tài”. – Đáp.

2) Giờ đây, hỡi các vua, hãy nên hiểu biết; quân vương mặt đất nên giác ngộ. Hãy kính sợ làm tôi Chúa và hân hoan mừng Ngài; hãy khiếp run tỏ bày sự vâng phục Chúa. – Đáp.

ALLELUIA: Mt 4,17

Alleluia, alleluia! – Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 4, 12-17. 23-25

“Nước trời đã đến gần”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng:

“Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.

Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

03/01/2022 – THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH

Thánh Danh Chúa Giê-su

Mt 4,12-17.23-25

ĐỊA CHỈ ĐÁNG LƯU Ý

“Hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng của bóng tối tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Mt 4,15-16)

Suy niệm: Thay vì chọn Giê-ru-sa-lem hay những địa danh nổi tiếng của Do Thái làm điểm truyền giáo đầu tiên, Đức Giê-su chọn miền Ga-li-lê, là nơi có nhiều dân tộc và người ngoại giáo sinh sống. Sự khác thường này là dấu chỉ loan báo Nước Thiên Chúa đã đến: phòng tiệc Nước Trời mở sẵn, không chỉ dành cho những khách có thiệp mời, mà còn cho những khách ở các ngả đường, bất kể sắc dân, văn hoá, nô lệ hay tự do. Tin Mừng không giới hạn ở Do Thái, nhưng cho muôn dân. Ga-li-lê như là một thế giới nhân loại thu hẹp, nay trong thế giới này, Đức Giê-su đang vãi xuống những hạt giống đức tin, bằng cách rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh hoạn tật nguyền cho dân. Người nông phu thì chờ mong mùa gặt, Đức Giê-su cũng chờ mong ngày hạt giống nẩy bông kết hạt. Tin Mừng thuật lại, đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm ở Ga-li-lê này “đã tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en” (Mt 15,31).

Mời Bạn: Nơi bạn đang sống hội tụ nhiều thành phần, chính kiến, tôn giáo, trình độ, có khi đa số là những người chưa biết Chúa. Chúa có vô tình khi để bạn sống ở giữa môi trường ấy không? Hay Ngài đang muốn nơi bạn điều gì?

Chia sẻ: Người xưa nhắc nhở “văn ôn, võ luyện”, còn bạn, bạn làm gì để tài bồi cho kinh nghiệm truyền giáo?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy chọn làm một việc với ý hướng cầu nguyện cho việc truyền giáo.

Cầu nguyện: Hát “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán, lúa chín đầy đồng…”

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Từ sau lễ Hiển Linh đến lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa,
Giáo Hội cho chúng ta đọc các bài Tin Mừng về việc Chúa tỏ mình.
Mỗi bài là một dịp Chúa tỏ mình cho Dân của Người.
Bài đọc hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình lần đầu tiên
tại Galilê, vùng đất có nhiều người ngoại giáo sinh sống.
Ngài tỏ mình tại Caphácnaum, một tỉnh lớn chuyên đánh cá gần hồ Galilê,
tỉnh này nằm trong địa giới của chi tộc Naptali ngày xưa.
Thánh Mátthêu thấy việc tỏ mình này làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia:
“Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng,
những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1).

Như thế Đức Giêsu chính là ánh sáng rực rỡ xua tan bóng tối,
Người nâng dậy những ai đang ngồi trong cảnh chết chóc, tối tăm.
Phần sau của bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy điều đó (Mt 4, 23-25).
Đức Giêsu đã đi khắp vùng Galilê để làm ba việc:
dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh nhân.
Thật ra việc dạy dỗ và việc rao giảng có thể coi là một,
nếu thế chương trình hành động của Đức Giêsu sẽ gồm giảng dạy và chữa bệnh.
Dù giảng dạy hay chữa bệnh, Đức Giêsu chỉ muốn một điều
đó là làm vơi nhẹ gánh nặng của những người đang đau khổ.
Đức Giêsu loan báo Nước Trời đã đến gần (Mt 4, 17),
và Người chứng tỏ cho thấy Nước ấy đã đến thật rồi
qua việc chữa lành moi bệnh hoạn tật nguyền của dân.

Cách đây hai ngàn năm, đã có những người bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt.
Ngày nay, dù khoa học tiến bộ, nhưng bệnh tật vẫn không tha con người.
Y khoa vẫn phải đối mặt với những chứng bệnh mới, chưa có thuốc chữa.
Con người không bị ám bởi quỷ, nhưng bởi những sản phẩm do mình làm ra.
Làm thầy dạy và làm lương y là hai nghề đặc biệt
tiếp nối công việc ngày xưa của Thầy Giêsu,
để loan báo cho thế giới hôm nay về sự sống, ánh sáng và hy vọng.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,
xin cho những người nghèo khổ được no đủ.

Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,
xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện
với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.

Vì Chúa bị kết án bất công,
xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.

Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,
xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.

Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,
xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.

Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,
xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.

Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,
xin cho đất nối lại với trời,
con người nối lại mối dây liên đới với nhau.

Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,
xin cho chúng con biết đón lấy đời thường
với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

3 THÁNG GIÊNG

Nẻo Đường Khôn Ngoan Kín Nhiệm

Nơi chân trời của Lễ Giáng Sinh có xuất hiện ba khuôn mặt mới mẻ: ba nhà thông thái đến từ phương Đông. Cuộc hiển linh của Thiên Chúa đã gần kề. Trong phụng vụ của Giáo Hội, Lễ Hiển Linh mang ý nghĩa một sự biểu lộ trong đó Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài và bày tỏ vinh quang của Ngài.

Nhận thức ý nghĩa của ngày lễ như vậy, chúng ta trước hết sẽ nghĩ đến ánh sao đã xuất hiện trên bầu trời và dẫn đường cho các nhà thông thái. Chúng ta cũng sẽ nghĩ đến cuộc hành trình xa xôi trong đó ba người đã dõi bước theo ánh sao chỉ đường ở tít cuối chân trời.

Nhưng ngày Lễ Hiển Linh có hàm chứa một ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta chiêm ngắm nẻo bước kín nhiệm mà các nhà thông thái này đã đi qua; đó là cuộc hành trình nội tâm tiến đến với Chúa và cảm nhận sự tỏ lộ vinh quang của Ngài. Hành trình này bắt đầu với cuộc gặp gỡ thần nhiệm của cõi lòng và trí khôn con người với ánh sáng của chính Thiên Chúa. Nói theo ngôn ngữ của Thánh Gio-an: “Aùnh sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đã đến trong trần gian” (Ga 1, 9).

Rõ ràng là ba nhà thông thái này đã bước theo ánh sáng ấy ngay cả trước khi ánh sao kia hiện ra trước mắt họ. Qua huyền nhiệm ẩn chứa trong mọi tạo vật, họ nghe tiếng Thiên Chúa thầm thì rất rõ: “Ta đây. Ta hiện hữu. Ta là Đấng Tạo Hóa và là Chúa của toàn thể vũ trụ”.

Và chắc chắn đã có những lúc họ thoáng thấy Thiên Chúa kéo họ lại thật gần với Ngài. Ngài đã bắt đầu mạc khải cho họ sự thật rằng Ngài đang đi vào giữa lòng thế giới. Họ được hé mở cho biết nhiệm cục cứu độ – dù một cách xa xa chứ chưa phải là một nhận hiểu đầy đủ.

Và các nhà thông thái đã dùng đức tin để đáp lại cuộc hiển linh kín nhiệm mà Thiên Chúa đã thực hiện trong tâm hồn họ.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 03/01

Danh Thánh Chúa Giêsu

1Ga  3,22-4,6; Mt 4, 12-17. 23-25.

Lời Suy Niệm: “Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt; và Người đã chữa họ.”

          Trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 432 cho chúng ta biết: Trong tiếng Do-thái “Giêsu” có nghĩa là Cứu Độ. Danh “Giêsu” nói lên rằng chính Danh Thánh Thiên Chúa hiện diện nơi bản thân của “Con Ngài”. Đấng đã làm người để cứu chuộc mọi người khỏi tội lỗi một cách dứt khoát. “Giêsu” là một danh thần linh; Danh duy nhất mang lại ơn cứu độ; và từ nay mọi người có thể kêu cầu Danh của Người; bởi vì qua Nhập Thể, chính Người đã kết hợp với tất cả mọi người, đến độ “dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ. (Cv 4, 12).

          Lạy Chúa Giêsu. Danh Thánh của Chúa là trung tâm của kinh nguyện Kitô giáo. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn khẩn nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Để lãnh nhận sự bình an của Chúa cho tâm hồn và thân xác.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

03 Tháng Giêng

  Bí Quyết Hạnh Phúc

Trong một chương trình truyền hình Mỹ, người ta phỏng vấn một cụ già, tuổi hạc rất cao. Người ta đặt câu hỏi như sau: “Thưa cụ, chắc cụ có một bí quyết đặc biệt để được hạnh phúc?”

Cụ già trả lời một cách đơn sơ như sau: “Không, tôi chẳng có bí quyết nào gọi là đặc biệt cả. Trái lại, nó rất đơn giản như chiếc mũi trên mặt ông vậy!”. Cụ già giải thích như sau: “Mỗi buổi sáng mai, lúc thức dậy, tôi có hai điều chọn lựa, một là sống hạnh phúc, hai là sống bất hạnh. Ông nghĩ xem, tôi sẽ chọn điều nào? Dĩ nhiên tôi phải chọn được hạnh phúc”.

Câu trả lời trên đây của cụ già thật đơn giản. Abraham Lincol đã nói như sau: “Con người sở dĩ có được hạnh phúc, sung sướng hay không cũng tại lòng tưởng nghĩ như vậy”. Bạn có thể hạnh phúc, nếu bạn muốn như thế. Ðó là điều dễ thực hiện nhất trên đời. Bạn hãy chọn lựa sự bất hạnh. Ði đến đâu bạn cũng than thân trách phận, chắc chắn bạn sẽ được như ý. Nhưng nếu lúc nào bạn cũng tự nhủ rằng: “Mọi việc đều tốt đẹp, đời vẫn đẹp và đáng sống. Tôi chọn sống hạnh phúc”, thì chắc chắn bạn sẽ được điều bạn muốn.

Trẻ con rành về nghệ thuật sống hạnh phúc hơn người lớn. Trẻ em mang vào giấc ngủ của mình vô số những mộng mơ và chúng cũng thức giấc với vô số những mộng ước, trong đó cơ bản nhất vẫn là được vui chơi.

Người lớn mà có được một tinh thần như trẻ thơ lúc tráng niên và vào tuổi già, thì quả là một thiên tài, vì họ nắm được niềm hạnh phúc thật trong tâm hồn mà Chúa đã dành để cho tuổi thanh xuân. Chúa Giêsu quả là tế nhị khi Ngài nói với chúng ta rằng cần phải có tinh thần trẻ thơ thì mới vào được Nước Trời. Nước Trời là gì nếu không phải là được sống hoan lạc trong tình yêu thương của Chúa?

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh

Bài đọc: I Jn 3:22-4:6; Mt 4:12-17, 23-25.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải học Lời Chúa để nhận ra sự thật!

Chúng ta đang sống trong thế giới vàng thau lẫn lộn: sự thiện và sự ác, sự thật và sự giả trá điêu ngoa. Một người bình thường rất khó nhận ra sự thật từ biết bao nhiêu sự gian dối, người thành thật từ những người giả trá điêu ngoa. Làm sao để nhận ra sự thật và người thành thật?

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những tiêu chuẩn để nhận ra sự thật. Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan cho chúng ta 2 tiêu chuẩn để nhận ra sự thật: (1) Người nói sự thật là những người tin vào Đức Kitô; và (2), người nói sự thật sẽ bị thế gian ghét bỏ. Trong Phúc Âm, Thánh Matthêu tường thuật bước đường đầu trong sứ vụ rao giảng của Đức Kitô: Ngài không những mang ánh sáng xua tan những vùng tăm tối sự chết của Dân Ngọai, mà còn cả cho những người Do-Thái đang mong chờ Đấng Cứu Thế ra đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phải ở lại trong Thiên Chúa để nhận ra sự thật.

1.1/ Làm thế nào để ở lại trong Thiên Chúa? Theo Gioan, để ở lại trong Thiên Chúa, các tín hữu phải giữ các giới răn: “Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.” Theo truyền thống Do-Thái, biết Thiên Chúa không phải chỉ là họat động của tri thức, nhưng phải ảnh hưởng đến đời sống của người tin; nói cách khác, biết Thiên Chúa là phải giữ các giới răn của Ngài. Theo Gioan, hai giới răn quan trọng nhất là:

(1) Phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người: Theo Gioan, đây là điều kiện để trở thành tín hữu, thành con Thiên Chúa. Sở dĩ Gioan nhắc lại điều này, là có những bè rối xuất thân từ cộng đòan tín hữu, từ chối nhân tính hay thiên tính của Đức Kitô.

(2) Phải yêu thương nhau: Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa. Khi một người có Thiên Chúa, là có cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngược lại, ai ghét anh em mình, kẻ ấy sẽ không có Thiên Chúa.

1.2/ Làm thế nào để nhận ra sự thật? Phải cân nhắc để nhận ra sự thật: “Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian.” Hai tiêu chuẩn cần dựa vào để nhận ra sự thật:

(1) Người nói sự thật là người nhìn nhận Đức Kitô đến từ Thiên Chúa: “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên Phản-Kitô.” Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi. Thời Thánh Gioan, có ít nhất 2 bè rối chống nhân tính của Đức Kitô là Phái Thuần Tri Thức và Bè rối Docetism; trong khi Nhóm Do-Thái bảo thủ từ chối không tiếp nhận thiên tính của Chúa Giêsu.

(2) Người nói sự thật không được thế gian chấp nhận: Đối với Gioan, chỉ có trắng hay đen, chứ không có vùng xám ở giữa; chỉ có sự thật của những người tin theo Đức Kitô hay sự gian trá của những người không tin Đức Kitô. Người Kitô hữu là những người tin Đức Kitô. Họ thuộc về Thiên Chúa. Họ nói sự thật và thế gian không tin họ. Kẻ Phản-Kitô là những người từ chối không tin Đức Kitô. Họ thuộc về thế gian. Họ nói những điều giả trá và thế gian tin họ. Tuy nhiên, Gioan củng cố niềm tin của các tín hữu: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em thuộc về Thiên Chúa, và anh em đã thắng được các ngôn sứ giả đó, vì Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian. Các ngôn sứ giả đó thuộc về thế gian; vì thế, chúng nói theo thế gian, và thế gian nghe chúng. Còn chúng ta, chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Ai biết Thiên Chúa thì nghe chúng ta. Ai không thuộc về Thiên Chúa thì không nghe chúng ta. Chúng ta cứ dựa vào đó mà nhận ra thần khí dẫn đến sự thật và thần khí làm cho sai lầm.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu tỏ mình cho tất cả mọi người.

2.1/ Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ giảng dạy cho Dân Ngọai tại miền Bắc của Galilee:

Galilee là vùng đất phì nhiêu, rất đông dân, nhưng bao quanh bởi các Dân Ngọai: Phía Tây Bắc là người Phoenicia, phía Đông Bắc là người Syria, và phía Nam là người Samaria; vì thế, Galilee chịu nhiều ảnh hưởng của Dân Ngọai hơn bất cứ vùng nào của người Do-Thái. Hơn nữa, Galilee còn là trục lộ giao thông của miền Trung Đông: Con Đường Ven Biển nối từ Damascus, Syria, tới Ai-Cập, rồi qua Phi Châu phải băng ngang qua Galilee; Con Đường tới phía Đông cũng phải qua Galilee. Vì thế, có thể nói: giao thông của thế giới phải ngang qua Galilee. Trong khi đó, Judah ở một vị trí tách biệt, không tiện lợi cho việc giao thông tới các nơi trên thế giới. Có người nhận xét về sự khác biệt giữa hai miền như sau: “Galilee là đường dắt tới mọi nơi, trong khi Judah không dắt tới đâu cả.” Điều này cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu rất tinh tế trong việc lựa chọn địa danh để rao giảng. Ngài chọn Galilee là chỗ đông dân cư, và là chỗ qua lại của nhiều nền văn minh thế giới; để nhiều người có cơ hội nghe Tin Mừng Ngài rao giảng.

Trình thuật hôm nay cũng đề cập tới việc Chúa Giêsu làm ứng nghiệm lời Tiên-tri Isaiah khi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng tại vùng này: “Này đất Zebulun, và đất Naphtali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Jordan, hỡi Galilee, miền đất của Dân Ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.”

2.2/ Từ Zebulun và Naphtali, Tin Mừng của Chúa Giêsu được lan rộng ra khắp nơi:

(1) Trước hết, Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng trong khắp miền Galilee; sau đó đến các vùng: Thập Tỉnh, Thành Jerusalem, miền Judah, và vùng bên kia sông Jordan. Dân chúng các nơi lũ lượt kéo đến đi theo Người.

(2) Họat động truyền gíao của Chúa Giêsu: Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng là “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Ngài giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa lành họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải nhận ra nhu cầu học hỏi Lời Chúa để biết và sống theo sự thật.

– Chỉ có một cách duy nhất để nhận ra sự thật từ bao nhiêu sự gian dối là dựa vào Lời của Thiên Chúa.

– Hai tiêu chuẩn căn bản để nhận ra sự thật: chúng ta phải tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa và phải giữ các giới răn của Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

**************