Ngày thứ hai (04-04-2022) – Trang suy niệm

03/04/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần V Mùa Chay Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Đn 13, 1-9. 15-17. 19-30. 33-62 (Bài dài)

“Đây tôi phải chết, dù tôi không làm điều họ vu khống cho tôi”.

Trích sách Tiên tri Đaniel.

Trong những ngày ấy, có một người đàn ông ở Babylon tên là Gioakim cưới bà vợ tên là Susanna, con của Helcia, bà rất xinh đẹp và có lòng kính sợ Chúa, vì cha mẹ bà là những người công chính, đã dạy con cho biết giữ luật Môsê. Lúc đó Gioakim rất giàu có, ông có một khu vườn gần nhà ông, các người Do-thái năng lui tới nhà ông, vì ông là người đáng kính hơn mọi người khác.

Năm đó, người ta đã đặt lên hai vị thẩm phán trong dân. Chúa đã phán về những kẻ ấy rằng: “Sự gian ác phát sinh từ Babylon bởi những vị thẩm phán kỳ lão, là những người xem ra như cai quản dân chúng”. Các ông năng lui tới nhà ông Gioakim, nên tất cả những ai kiện tụng, thì tìm gặp các ông ở đó. Đến trưa, khi dân chúng trở về nhà, bà Susanna vào đi bách bộ trong vườn của chồng. Hai vị kỳ lão thấy bà mỗi ngày đi bách bộ trong vườn, thì phải lửa dục mê đắm; hai ông mất lương tâm, không còn muốn đưa mắt nhìn lên trời và không còn muốn nhớ đến sự xét xử công minh.

Hai ông chờ ngày thuận tiện, lúc bà Susanna vào vườn như hôm trước và hôm trước nữa, bà chỉ dẫn theo hai cô thiếu nữ, bà muốn tắm trong vườn, vì trời nóng bức. Lúc bấy giờ ở đó không có ai, ngoài hai vị kỳ lão đang ẩn núp và ngắm nhìn bà. Bà nói với hai cô thiếu nữ rằng: “Hãy mang dầu và thuốc thơm cho ta, rồi đóng cửa vườn lại để ta tắm”.

Khi hai cô thiếu nữ ra khỏi vườn, hai vị kỳ lão đứng lên, tiến lại gần bà Susanna và nói: “Kìa cửa vườn đã đóng hết; không ai trông thấy ta đâu, chúng tôi say mê bà, bà hãy chấp nhận lời yêu cầu của chúng tôi và hiến thân cho chúng tôi. Nếu bà không chấp nhận, chúng tôi sẽ làm chứng nói bà phạm tội với một thanh niên, và vì đó, bà đã bảo các cô thiếu nữ ra khỏi vườn”.

Bà Susanna thở dài và nói: “Tôi phải khốn cực tư bề; nếu tôi hành động như thế, tôi phải chết, và nếu tôi không hành động như thế, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà tôi phải tay các ông mà không làm điều gì phạm tội trước mặt Chúa thì hơn!” Đoạn bà tri hô lên, nên hai vị kỳ lão cũng kêu lên tố cáo bà. Và một trong hai ông chạy ra mở cửa vườn. Khi người nhà nghe tiếng kêu la trong vườn, liền đổ xô ra cửa để xem coi việc gì đã xảy ra. Khi nghe hai vị kỳ lão kể lại, thì các đầy tớ rất lấy làm hổ thẹn, vì thiên hạ không khi nào nghe nói như thế về bà Susanna.

Ngày hôm sau, khi dân chúng tụ họp tại nhà ông Gioakim, chồng bà Susanna, hai vị kỳ lão cũng đến, lòng đầy những ý nghĩ bất chính để tố cáo bà Susanna cho người ta giết bà. Hai ông nói với dân chúng: “Các người hãy đi tìm bà Susanna, con ông Helcia, vợ của ông Gioakim”. Người ta liền sai đi bắt bà, bà đến với cả cha mẹ, con cái và tất cả họ hàng. Nhưng tất cả họ hàng và mọi kẻ biết rõ bà đều khóc lóc.

Khi hai vị kỳ lão ra đứng giữa dân chúng, hai ông đặt tay lên đầu bà. Bà Susanna thì khóc lóc, ngước mắt lên trời, vì tâm hồn bà tin tưởng nơi Chúa. Hai vị kỳ lão nói: “Khi chúng tôi đi bách bộ một mình trong vườn, bà này đi vào với hai đứa tớ gái. Bà bảo hai đứa đóng cửa vườn lại, rồi đi ra. Bấy giờ một chàng thanh niên đã ẩn núp trong vườn tiến tới gần bà và phạm tội với bà. Lúc đó chúng tôi núp ở góc vườn, nhìn thấy tội ác, chúng tôi liền chạy đến bắt quả tang hai người đang phạm tội. Chúng tôi không bắt được chàng thanh niên, vì anh ta khoẻ mạnh hơn chúng tôi, nên đã mở cửa tẩu thoát. Còn bà này chúng tôi bắt được, chúng tôi gạn hỏi chàng thanh niên đó là ai, nhưng bà không muốn nói cho chúng tôi biết. Đó là điều chúng tôi xin làm chứng”. Dân chúng tin lời hai ông nói, vì hai ông là bậc kỳ lão trong dân và là thẩm phán, nên họ lên án tử hình cho bà.

Bấy giờ bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa hằng hữu, Đấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con”.

Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Đaniel. Trẻ này kêu lớn rằng: “Còn tôi, tôi không vấy máu bà này”. Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: “Lời mi nói có ý nghĩa gì?” Đứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: “Hỡi con cái Israel, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Israel? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà”.

Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Đaniel: “Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão”. Đaniel liền nói với họ: “Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho”.

Khi hai ông đứng xa nhau, Đaniel gọi ông thứ nhất đến và nói: “Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm, ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: ‘Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính’. Vậy nếu ông thấy bà Susanna phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây chò”. Đaniel liền nói: “Đúng là ông nói dối. Đây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông”. Đaniel cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Đaniel nói với ông này rằng: “Hỡi dòng giống Canaan, chớ không phải dòng giống Giuđa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Israel, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây sồi”. Đaniel liền nói: “Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông”.

Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Đoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Đaniel đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống, họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Môsê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan. Đó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Đn 13, 41c-62

Trong những ngày ấy, dân chúng lên án tử hình bà Susanna. Bấy giờ bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa hằng hữu, Đấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con”.

Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Đaniel. Trẻ này kêu lớn rằng: “Còn tôi, tôi không vấy máu bà này”. Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: “Lời mi nói có ý nghĩa gì?” Đứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: “Hỡi con cái Israel, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Israel? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà”.

Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Đaniel: “Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão”. Đaniel liền nói với họ: “Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho”.

Khi hai ông đứng xa nhau, Đaniel gọi ông thứ nhất đến và nói: “Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm. Ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: ‘Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính’. Vậy nếu ông thấy bà Susanna phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây chò”. Đaniel liền nói: “Đúng là ông nói dối. Đây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông”. Đaniel cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Đaniel nói với ông này rằng: “Hỡi dòng giống Canaan, chứ không phải dòng giống Giuđa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Israel, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây sồi”. Đaniel liền nói: “Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông”.

Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Đoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Đaniel đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống; họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Môsê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Đáp: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con (c. 5ab).

Xướng:

1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. – Đáp.

2) Ngài dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. – Đáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương. Đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Đáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 2 Cr 6, 2b

Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ. 

PHÚC ÂM: Ga 8, 12-20

“Ta là sự sáng thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: “Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống”.

Những người biệt phái nói: “Ông tự làm chứng cho mình, nên chứng của ông không xác thực”.

Chúa Giêsu trả lời: “Cho dầu Ta tự làm chứng về Ta, thì chứng của Ta cũng xác thực, vì Ta biết rõ Ta từ đâu tới và đi về đâu. Còn các ông, các ông không biết Ta từ đâu tới, cũng chẳng biết Ta đi đâu. Các ông đoán xét theo xác thịt; còn Ta, Ta không đoán xét ai. Hoặc nếu Ta có đoán xét, thì sự đoán xét của Ta cũng xác thực, bởi vì không phải chỉ có mình Ta, nhưng còn có Cha Ta là Đấng đã sai Ta. Vả lại trong luật của các ông có ghi: Chứng của hai người thì xác thực. Ta tự làm chứng về Ta, và Đấng đã sai Ta, là Chúa Cha, cũng làm chứng cho Ta nữa”.

Họ nói: “Cha của ông đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Các ông không biết Ta, cũng chẳng biết Cha Ta. Nếu các ông biết Ta thì cũng sẽ biết Cha Ta”.

Chúa Giêsu nói những lời trên gần nơi để Kho Tiền, khi Người giảng dạy trong đền thờ. Thế mà không ai bắt Người, vì chưa đến giờ Người. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

04/04/2022 – THỨ HAI TUẦN 5 MC

Th. I-xi-đo-rô, giám mục, tiến sĩ HT

Ga 8,12-20

LUỒNG SINH KHÍ MỚI

Đức Giê-su nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12)

Suy niệm: Vụ án xử người phụ nữ ngoại tình là câu chuyện dẫn nhập để thánh Gio-an giúp chúng ta hiểu được lời Chúa nói hôm nay. Cái nhìn của Chúa đem lại luồng sinh khí mới: Ngài là nguồn ánh sáng đem lại sự sống. Những người tố cáo cũng được cái nhìn của Chúa soi sáng và thấy được sự thật tâm hồn mình: một con người cũng mang đầy tội lỗi như ai. Nhưng ánh sáng đó chưa kịp đem lại luồng sinh khí mới cho họ, thì họ đã vội rút lui. Còn bị cáo, người phụ nữ ngoại tình, cũng được cái nhìn đầy ánh sáng của Chúa chiếu rọi. Nhưng khác một điều, chị vẫn đứng đấy, một mình với Chúa, chấp nhận để ánh sáng Chúa soi rọi vào mọi ngõ ngách tâm hồn. Thật kỳ diệu, ánh sáng đó biến thành liều thuốc cải tử hoàn sinh. Chẳng những chị khỏi bị ném đá cho đến chết, chị còn được biến đổi thành một con người mới, con người được tha thứ tội lỗi: “Tôi cũng không kết án chị. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.”

Mời Bạn: Bạn đừng trốn tránh cái nhìn của Chúa nhé. Trái lại hãy đến với Ngài trong bí tích hoà giải để Ngài nhìn bạn và ban cho bạn sức sống mới.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành ít phút, đặt mình trước cái nhìn của Chúa để kiểm điểm đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thân phận yếu đuối tội lỗi của người phụ nữ đáng thương cũng là thân phận của con. Biết bao lần con đã phạm tội. Xin giúp con biết ăn năn trở về nhận lãnh ơn tha tội và luôn nhắc nhở lòng mình “từ nay đừng phạm tội nữa”.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu thường dùng lối nói “Tôi-là”
để long trọng khẳng định mình.
Sau đó, đôi khi Đức Giêsu còn đưa ra một lời mời, một lời hứa.
“Tôi là Bánh ban sự sống. Ai đến với tôi sẽ không hề đói,
Ai tin vào tôi sẽ không hề khát bao giờ”
(6,35).
“Tôi là Cửa. Ai qua tôi mà vào, người ấy sẽ được cứu thoát” (10,9).
“Tôi là sự Sống lại và là sự Sống.
Ai tin vào tôi thì dù có chết cũng sẽ sống;
và ai sống và tin vào tôi sẽ không chết bao giờ”
(11,25-26).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu long trọng tuyên bố:
“Tôi là Ánh sáng của thế giới.
Ai theo tôi sẽ không đi trong bóng tối,
nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống”
(8,12).
Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể,
là Ánh sáng đến trong thế gian để chiếu soi mọi người (1,9).
Ngài không phải chỉ là một ngọn đèn đứng yên một chỗ,
nhưng Ngài là nguồn sáng di động, lôi kéo nhân loại đi theo.
Đi theo Ngài
là bước vào cuộc hành trình dẫn đến sự sống viên mãn.
Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy tin vào Ngài để được biến đổi:
“Hãy tin vào ánh sáng
để anh em trở thành con cái ánh sáng”
(12,36).

Những người Pharisêu không tin Đức Giêsu.
Có một tranh luận căng thẳng giữa đôi bên.
Họ bảo lời chứng của Ngài cho chính mình là vô giá trị.
Thật ra Đức Giêsu không làm chứng một mình.
“Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi” (8,18).
Ngài cũng không phán xét một mình,
nhưng phán xét cùng với Đấng đã sai Ngài (8,16).
Đức Giêsu gắn bó chặt chẽ với Thiên Chúa Cha.
“Tôi biết tôi đã từ đâu đến và tôi đi đâu” (8,14).
Ngài đến từ Cha, và Ngài sẽ trở về với Cha.
Cha vừa là khởi điểm, vừa là kết điểm của đời Đức Giêsu.
Nhưng các người Pharisêu không được biết mầu nhiệm này.
Họ không hiểu được tương quan thân thiết và độc đáo
giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa như Con đối với Cha.
“Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi.
Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi”
(8,19).
Chính vì thế họ coi những lời của Đức Giêsu là phạm thượng.
Khi đến giờ, họ sẽ tìm cách bắt và giết Ngài (8,20).

Khi kính nhớ cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa,
Chúng ta cảm nghiệm được mãnh lực gớm ghê của bóng tối,
và sức mạnh của những người
chuộng bóng tối hơn ánh sáng (3,19).
Nhưng cuối cùng, Ánh sáng mới là người chiến thắng.
Chuẩn bị mừng lễ Phục sinh là chọn đứng hẳn về phía Đức Kitô,
là trục xuất khỏi đời mình mọi bóng tối,
và cả những bóng mờ dày đặc.
Xin Ánh sáng của Đức Kitô phục sinh
bắt đầu bừng lên trong tim tôi.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,
còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.
Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối
nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,
con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.
Con an tâm ở lại trong bóng mờ,
vì thấy đó chưa phải là một tội.
Nhưng con cũng áy náy
vì biết rằng bóng mờ là nơi
ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.
Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,
vì con vẫn muốn giữ lại
một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc
để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.
Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con
để con được thuộc trọn về Chúa.

Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,
để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.
Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng
vào những bóng mờ trong đời con.

Và ước gì con được trở nên trong suốt
nhờ để ánh sáng Chúa
tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

4 THÁNG TƯ

Được Mai Táng Với Đức Kitô – Được Phục Sinh Với Người

Giáo Hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người đã chịu nạn, chịu chết, và chịu táng xác. Nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại.”

Trước khi sống lại từ cõi chết, Đức Kitô – với cái chết cứu độ của Người – đã chạm đến tội lỗi của con người qua mọi thế hệ. Người đã ghé thăm các linh hồn trong cõi âm ty với quyền năng cứu chuộc do cái chết của Người, với quyền năng trao ban sự sống do cái chết của Người. Hỡi sự chết, Ta sẽ là chính sự chết của ngươi!

Cũng vậy, chúng ta – những người còn đang sống – đã được dìm trong cái chết của Người (cf. Rm 6,3). Cái chết của Đức Kitô, cái chết cứu chuộc, cái chết trao ban sự sống, đã tiêu diệt di lụy của tội lỗi vốn có mặt nơi mỗi người chúng ta. Thật vậy, “chúng ta … được thanh tẩy để tháp nhập vào với Đức Giê-su Kitô” (Rm 6,3). Và Thánh Phao-lô nói tiếp: “Qua phép Rửa, chúng ta thật sự được mai táng với Người, để – cũng như Đức Kitô được phục sinh từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha – chúng ta cũng sẽ sống trong sự sống mới” (Rm 6,4).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 04/4

Thánh Isiđôrô, giám mục

Tiến sĩ Hội Thánh

Đn 13, 1-9. 15-17. 19-30. 33-62; Ga 8, 12-20.

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu lại nói với người Do-thái: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.”

          “Chân lý của Thiên Chúa được tỏ hiện cách trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô , Đấng tràn đầy ân sủng và chân lý là ánh sáng thế gian. Mọi kẻ tin vào Người, thì không còn ở trong bóng tối. Môn đệ của Chúa Giêsu ở trong lời Người; để nhận biết Thiên Chúa và có sức giải thoát và thánh hoá. Bước theo Chúa Giêsu là sống bởi Thần Chân Lý. Đấng sẽ dẫn đưa đến sự thật toàn vẹn”. (GL 2466).

Lạy Chúa Giêsu. Chúa muốn mỗi người trong chúng con luôn hướng về chân lý, tôn trọng chân lý, làm chứng cho công lý, và sắp đặt toàn bộ đời sống của mình theo các đòi hỏi của Chân lý; xin cho chúng con luôn được ở trong ánh sáng của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 04-04: Thánh ISIDORO
Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (+636)

Thánh Isidorô được coi như vị thánh tiến sĩ lừng danh nhất của Giáo hội Tây Ban Nha. Ngài chào đời tại Carthagena trong một gia đình thật đặc sắc, có cha mẹ đạo đức và và cả bốn anh em đều được tôn phong lên hàng hiển thánh . Các anh Ngài là hai thánh giám mục Leanger và Fulgentio. Chị Ngài là thánh nữ Florentina. Như vậy thánh Isidôrô thật có phúc vì được sinh ra sống giữa các vị thánh.

Cha mẹ mất sớm, người anh cả lãnh nhiệm vụ hướng dẫn đứa em út Isidorô. Một bức thư của thánh Leander viết cho em gái là thánh Florentina làm chứng điều đó: – “Anh xin em hãy nhớ đến anh trong kinh nguyện và đừng quên chú út Isidorô. Cha mẹ đã ký thác em cho chúng ta và đã trở về với Chúa mà không phải e sợ gì, bởi vì các Ngài đã trao cho em một người chị và hai người anh săn sóc”.

Dù rất thương em. Nhưng Leander đã phải dùng biện pháp mạnh là cây roi để sửa trị tính nhu nhược của đứa em biếng nhác. Một lần kia vì sợ đòn và chán học, Isidorô đã bỏ nhà trốn đi. Cậu chạy nước rút mau hết sức cho tới khi ngã quỵ bên một bờ giếng. Mơ màng trong lúc lấy hơi, cậu nhìn thấy vách đá bên thành giếng có một đường rãnh. Một phụ nữ đến kín nước giải thích cho cậu biết rằng, đá cứng đến đâu đi nữa nhưng sợ giây thừng cọ sát liên tục cũng soi mòn được. Hiện tượng này khiến cậu phải suy nghĩ: “Với thời gian sợi giây thừng và những giọt nước đẽo được cả đá, còn tôi lại không thể học hành để gọt giũa tâm hơn sao ?”

Thật là một bài học lạ lùng đối với Isidorô. Ngài lấy lại can đảm bắt tay và làm việc không còn biết mệt mỏi. Nỗ lực không ngừng đã biến Ngài thành nhà thông thái nhất thời đó. Còn thanh xuân, Ngài đã thông hiểu triết học, đã nghiên cứu các tác phẩm về luật. Nhà chép sử Arevalo đã phải thán phục ghi nhận nói Ngài một sự cao siêu như Platon, sự thông hiểu của Aristote, tài hùng biện của Cicéron, sự uyên bác của Origenê, sự thận trọng của thánh Hiêronimô, giáo thuyết của thánh Augustinô và sự thánh thiện của thánh Gregoriô. Người ta còn nói rằng khi đọc một bức thư của Isidorô, thánh Grêgoriô đã thốt lên lời đầy tính chất tiên tri: – “Đây là một tiên tri Daniel, một người còn trổi vượt hơn cả Salomon”.

Isidorô thụ phong linh mục và theo anh là Leander đang làm giám mục Seville, tham dự các công đồng. Dầu có cuộc bách hại của nhà vua theo phái Ariô và đã trục xuất hai anh của Ngài, thánh nhân vẫn công khai chống lại lạc giáo. Ngài đã thay anh cai quản giáo phận lúc người anh bị lưu đày. Năm 600, khi Đức Cha Leander từ trần, Ngài đã được cử lên kế vị. Đức giáo hoàng Grêgoriô cả còn đặt Ngài làm vị tổng đại diện cho mình ở Tây Ban Nha.

Dầu không bao giờ là tu sĩ, thánh Isidorô đã viết một bộ luật dòng tu. Ngài giải thích, khai triển và hệ thống hoá phung vụ Mozarabic. Ngài nỗ lực tiêu diệt tàn tích của phái Ariô, và đánh bại lạc thuyết của Acephali, một ngành của lạc giáo Nhất tính thuyết ở Tây Ban Nha. Hơn nữa thánh nhân còn lập nhiều trường học để giáo dục con dân của Ngài. Có ảnh hưởng lớn tại triều đình, Ngài cũng giữ phần sáng chói trong cộng đồng Toleđô năm 610, chủ tọa công đồng Seville II năm 618 hay 619 và công đồng Tôleđo IV năm 633.

Nhưng trách vụ của Đức giám mục không ngăn cản công việc trước tác phong phú của thánh Isidorô. Ngài đã viết một từ điển các tiếng đồng âm, một khảo luận về thiên văn địa lý, tiểu sử của các vĩ nhân và các nhân vật trong thánh kinh, một cuốn lịch sử xứ Goth. Tác phẩm ảnh hưởng nhất của Ngài là Bộ bách Khoa từ điển ETYMOLOGIES tóm lược những hiểu biết của thời đại Ngài.

Sau 36 năm nhọc mệt trong chức giám mục, thánh Isidorô phải chịu đựng mọi yếu đau của tuổi già. Bệnh tật có thể nghiền nát thân xác, nhưng lại không thể làm giảm thiểu được nhiệt tâm của Ngài. Trong sáu tháng cuối đời, Ngài tăng thêm việc bác ái đến nỗi một đoàn dân nghèo đến với Ngài tấp nập từ sáng đến chiều và cuối cùng chính Ngài cũng lâm cảnh nghèo túng. Biết rằng sắp kết thúc được đời Ngài mời hai giám mục phụ tá đến thăm, Ngài theo họ tới nhà thờ. Ơ đó một vị giám mục mặc áo nhặm cho Ngài, một vị giám mục bỏ tro lên đầu Ngài. Giơ tay lên trời Ngài lớn tiếng xin Chúa thứ tha tội lỗi, rước lễ. Xin mọi người cầu nguyện cho, khuyên nhủ dân chúng sống bác ái, phân phát hết tiền của còn lại. Trở về nhà, Ngài qua đời trong an bình của Chúa ngày 04 tháng 04 năm 636.

Theo lời yêu cầu của thánh nhân, thi hài Ngài được mai táng với thánh Leander và Florentina. Nhưng về sau Vua Ferdinand di chuyển hài cốt về Leon. Đức Giáo hoàng Benedictô XV tôn phong thánh Isidorô lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

04 Tháng Tư

Ðánh Nhau Bằng Gậy Gộc

Họa sĩ Goya, người Tây Ban Nha vào đầu thế kỉ 19, đã để lại một loạt những bức tranh mô tả thân phận con người thật ý nghĩa. Một trong họa phẩm mà ông đã thực hiện trong thời nội chiến của người Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 18 mang tựa đề: “Ðánh nhau bằng gậy gộc”.

Trong bức tranh, Goya vẽ hai người nông dân xô xát nhau. Mỗi người cầm trong tay một chiếc dùi cui sần sùi. Một người đang giơ chiếc dùi cui để bảo vệ mặt mình. Nền trời không để lộ một nét nổi bật nào. Người ta không đoán được trời sắp giông bão hay sắp sáng rỡ.

Thoạt nhìn qua cũng nghĩ đây chỉ là một bức tranh tầm thường như những bức tranh khác. Thế nhưng có một chi tiết nói lên tất cả ý nghĩa của bức tranh: đó là hai người nông dân đang hầm hầm sát khí để loại trừ nhau này lại mắc cạn trong cồn cát. Từng cơn gió thổi, cát bụi đang kéo tới phủ lấp hai người đến quá đầu gối.

Goya muốn cho chúng ta thấy rằng cả hai người nông dân này sắp chết. Họ sẽ không chết vì những cú dùi cui giáng trên nhau cho bằng chính cát bụi đang từ từ chôn vùi họ.Thế nhưng thay vì giúp nhau để ra khỏi cái chết, họ lại cư xử chẳng khác nào thú dữ: họ cắn xé nhau. Họa phẩm “Ðánh nhau bằng gậy gộc” trên đây của danh họa Goya nói lên phần nào tình cảnh mà nhân loại chúng ta đang trải qua.Thay vì giúp nhau để ra khỏi không biết bao nhiêu tai họa, con người lại giành giật chém giết lẫn nhau.

Bức tranh ấy có lẽ không chỉ diễn ra ở quy mô thế giới, một nơi nào đó ngoài cuộc sống của chúng ta, mà không chừng đang diễn ra hằng ngày trong các mối tương quan của chúng ta với những người xung quanh. Cơn cám dỗ muốn thanh toán và loại trừ người khác có lẽ vẫn còn đang gặm nhấm tâm hồn chúng ta. 

Bức tranh của họa sĩ Goya cũng chính là bức tranh của thân phận con người chúng ta. Ngay chính trong cơn quẫn bách và đe dọa tứ phía, thay vì liên đới để bảo vệ nhau, người ta vẫn có thể đâm chém lẫn nhau.

Một nhạc sĩ nào đó đã có lý để tra vấn chúng ta: giết người đi thì ta ở với ai? Một trong những phương thế tốt đẹp nhất để tiêu diệt một kẻ thù chính là biến kẻ thù ấy trở thành một người bạn.

Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc: nếu có ai vả má bên phải của ngươi, hãy chìa luôn cả má còn lại… Trong những giờ phút cuối đời, khi đứng giữa những người đang đằng đằng sát khí muốn hủy diệt mình, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho họ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần V – MC

Bài đọc: Dan 13:1-9, 15-17, 19-30, 33-62; Jn 8:1-11 or 8:12-20.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Không được kết án tha nhân.

Con người thường dễ phê bình và kết án tha nhân, hơn là nhìn vào chính mình để xét mình và để nhận ra những ước muốn sai trái và tội lỗi của mình. Nhiều khi vì ham muốn tình dục, uy quyền, danh vọng, hay của cải, con người có thể sẵn sàng làm chứng gian để kết án người vô tội, hay tìm đủ mọi cách để tha bổng kẻ đắc tội. Chúa Giêsu dạy các môn đệ không được kết án bất cứ ai, vì quyền phán xét là quyền của Thiên Chúa, và không ai sạch tội để có thể kết án tha nhân.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh vấn đề kết án tha nhân. Trong Bài Đọc I, TT Daniel phá vỡ âm mưu của hai vị thẩm phán làm chứng gian để kết án người vô tội. Họ ham muốn sắc đẹp của Bà Suzanna và lập mưu để thông gian với Bà. Khi Bà từ chối không chịu, họ đã tri hô Bà phạm tội ngọai tình với một thanh niên trẻ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng phá vỡ âm mưu của các kinh-sư và Biệt-phái khi họ đặt Ngài vào thế lưỡng nan: hoặc phải giữ luật Moses hoặc phải giữ luật yêu thương. Ngài trả lời họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Không được làm chứng gian để kết án người lành.

1.1/ Sự ác độc của hai vị thẩm phán:

(1) Lòng ham muốn tình dục của hai vị thẩm phán: Là những người xét xử dân chúng, lẽ ra họ phải giữ tâm hồn sáng suốt để xét xử công minh cho dân, hai vị thẩm phán này đã để “tâm trí ra đồi bại, quay mắt đi để khỏi nhìn lên trời cao và chẳng nhớ đến những phán quyết công minh của Thiên Chúa.” Họ ham muốn sắc đẹp của bà Suzanna, rình rập khi Bà tắm trong vườn, và sửa sọan sẵn một âm mưu để cưỡng bức Bà hoặc phải thông gian với họ, hoặc sẽ bị ném đá chết vì tội ngọai tình.

(2) Làm chứng gian khi âm mưu không thành: Hai kỳ lão đó đứng dậy đặt tay lên đầu bà, và làm chứng gian: “Chúng tôi đang dạo chơi một mình trong vườn, thì mụ này đã vào với hai tớ gái, đóng cửa vườn lại, rồi cho các tớ gái đi ra. Một gã thanh niên núp sẵn ở đó, đến bên mụ và nằm với mụ. Lúc ấy, chúng tôi đang ở một góc vườn, thấy chuyện đồi bại, liền chạy tới. Chúng tôi thấy chúng ăn nằm với nhau, nhưng không tóm được gã thanh niên, vì hắn khoẻ hơn chúng tôi, và đã mở cửa chạy mất. Còn mụ này, chúng tôi bắt được và hỏi mụ ta xem gã thanh niên kia là ai. Nhưng mụ không chịu nói cho chúng tôi. Chúng tôi xin làm chứng về những điều ấy.”

1.2/ Thiên Chúa bảo vệ những ai biết kính sợ Người.

(1) Khác với hai vị thẩm phán, Bà Suzanna là người biết kính sợ Thiên Chúa. Cha mẹ bà là người công chính, đã dạy dỗ con gái theo Luật Moses. Khi bị cưỡng bức bởi hai vị thẩm phán, Bà Suzanna biết họ có quyền phán xét luận tội mình, nên phân vân: “Tôi bị khốn tứ bề! Quả thật, nếu làm thế, tôi sẽ phải chết; còn nếu không làm, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà không làm gì cả mà sa vào tay các ông, còn hơn là phạm tội trước mặt Chúa!” Vì thế, Bà Suzanna liền kêu lớn tiếng và hai kỳ lão cũng la lên để hại bà. Khi bị kết án oan uổng, Bà vừa khóc vừa ngước mắt lên trời, vì bà đầy lòng trông cậy vào Chúa. Bà Suzanna kêu lớn tiếng: “Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng am tường những điều bí ẩn và thấy hết mọi sự trước khi chúng xảy ra, Ngài biết là họ đã làm chứng gian hại con. Này con phải chết, tuy chẳng làm điều gì trong những điều họ đã vu cho con.”

(2) Thiên Chúa gởi TT Daniel đến để xét xử cho Bà: Trời có mắt, Thiên Chúa đã nghe tiếng bà kêu. Trong lúc bà bị điệu đi hành hình, Thiên Chúa đã đánh động tâm trí thánh thiện của một thiếu niên tên là Daniel. Thiếu niên đó kêu lớn tiếng rằng: “Tôi vô can trong vụ đổ máu người phụ nữ này!” Toàn dân đều quay về phía cậu thiếu niên và hỏi: “Lời cậu vừa nói có nghĩa gì?” Cậu đứng giữa họ và nói: “Các người ngu xuẩn đến thế sao, hỡi con cái Israel? Các người đã lên án một người con gái Israel mà không xét hỏi và cũng không biết rõ sự việc ra sao! Hãy trở lại nơi xét xử, vì những người kia đã làm chứng gian để hại người phụ nữ này.”

Cách xét xử của Daniel: Cậu ra lệnh: “Hãy tách riêng họ ra, rồi tôi sẽ xét hỏi.” Câu hỏi của Daniel: Nếu đã thấy họ phạm tội, thì phạm tội dưới cây nào? Hai người làm chứng khác nhau:

* Người thứ nhất: “Dưới cây trắc.”

* Người thứ hai: “Dưới cây dẻ.”

Bấy giờ toàn thể cộng đồng lớn tiếng reo hò và chúc tụng Thiên Chúa, Đấng cứu những kẻ trông cậy vào Người. Rồi người ta quay lại chống hai kỳ lão, vì Daniel đã dựa vào lời chính miệng các ông nói mà thuyết phục họ là các ông đã làm chứng gian. Theo luật Moses, người ta giáng cho các ông hình phạt mà các ông định bắt người khác phải chịu, đó là giết các ông. Ngày ấy, máu người vô tội khỏi bị đổ oan.

2/ Phúc Âm: Không được kết án tha nhân vì không ai sạch tội.

2.1/ Bẫy giăng để hại Chúa Giêsu: Trình thuật của Gioan nói rõ: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.” Chúa Giêsu bị họ đặt vào giữa hai thế lưỡng nan: hoặc trung thành với giáo huấn Ngài dạy là luật yêu thương và không được kết án tha nhân, hoặc vi phạm Luật Moses dạy phải ném đá chết người bị bắt quả tang phạm tội ngọai tình.

2.2/ Chúa Giêsu muốn mọi người phải xét mình.

(1) Phải sạch tội trước khi tố cáo người khác: Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.

(2) Cách Chúa Giêsu đối xử với người phụ nữ: Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” Qua những lời đối thọai này, Chúa Giêsu muốn chị nhận ra những điều sau:

a) Chúa cho chị cơ hội thứ hai để trở nên tốt đẹp hơn: Tôi biết chị đã phạm tội, nhưng cuộc đời chị vẫn còn thời gian để sửa đổi. Tôi cho chị cơ hội thứ hai để chị làm lại cuộc đời.

b) Chúa tha thứ lỗi lầm của chị: Không giống như những người biệt-phái và kinh-sư chỉ lo tìm dịp để luận tội và kết án chị, Chúa lợi dụng cơ hội để tha thứ và để chữa lành chị.

c) Chúa khuyến khích chị trở thành người tốt hơn: Tội lỗi hủy diệt con người. Chị hãy tránh xa tội lỗi để cuộc đời chị tốt đẹp hơn.

d) Chúa tin tưởng mọi người đều có thể trở nên tốt nếu được cho cơ hội: Tôi tin chị sẽ trở nên tốt nếu tôi cho chị cơ hội để sửa đổi.

e) Chúa cũng cảnh cáo chị hậu quả sẽ xấu hơn nếu chị không chịu thay đổi: Nếu chị không nắm lấy cơ hội để sửa đổi, chị sẽ phải lãnh nhận hậu quả nghiêm trọng hơn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta không bao giờ được làm chứng gian để hại người khác (điều răn thứ 9).

– Quyền xét đóan thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không có quyền xét đóan tha nhân nếu chúng ta không có bổn phận với họ.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************