Ngày thứ hai (04-12-2023) – Trang suy niệm

03/12/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai tuần 1 Mùa Vọng – Năm B

BÀI ĐỌC I: Is 4, 2-6

“Những kẻ được giải phóng sẽ nhảy mừng”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, dòng dõi Chúa sẽ trở nên huy hoàng vinh quang, hoa màu trên đất sẽ dồi dào, và số người trong dân Isarel được giải phóng sẽ nhảy mừng. Những ai còn sót lại ở Sion và còn sống sót ở Giêrusalem sẽ được gọi là thánh, tất cả những ai sẽ được ghi tên để sống trọn đời ở Giêrusalem. Khi Chúa đã dùng thần trí thẩm xét và thiêu đốt mà tẩy bỏ những tồi bại của các thiếu nữ Sion, và đã tẩy rửa Giêrusalem cho sạch những vết máu, thì lúc đó Chúa sẽ đến trên khắp miền núi Sion và những nơi kêu cầu Người, như đám mây ban ngày và như cột khói hoặc như ánh lửa sáng rực ban đêm, vì trên tất cả, vinh quang Thiên Chúa sẽ là một phương du và là một lều vải để che khỏi sức nóng ban ngày, để làm nơi an toàn trú ẩn khỏi giông tố và mưa sa.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5. 6-7. 8-9

Đáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”(c. 1).

1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavít.

4) Hãy nguyện cầu cho Giêrusalem được thanh bình, nguyện cho những kẻ yêu mến ngươi được an ninh. Nguyện cho trong thành luỹ được bình an, và trong các lâu đài của ngươi yên ổn.

5) Vì anh em và bằng hữu của tôi, tôi nguyện chúc: bình an cho ngươi! Vì nhà Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tôi khẩn cầu cho ngươi những điều thiện hảo.

ALLELUIA: x. Tv 79, 4

All. All. – Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin đoái nhìn chúng con, xin tỏ nhan thánh Chúa, thì chúng con sẽ được rỗi. – All.

PHÚC ÂM: Mt 8, 5-11

“Nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt và đau đớn lắm!” Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: “Tôi sẽ đến chữa nó”. Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!” Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

04/12/2023 – THỨ HAI TUẦN 1 MV

Th. Gio-an Đa-ma-xê-nô, linh mục, tiến sĩ HT

Mt 8,5-11

ĐỨC TIN HOẠT ĐỘNG NHỜ ĐỨC ÁI

“Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Mt 8,8)

Suy niệm: Chính vì tin vào Đức Giê-su mà viên đại đội trưởng mới xin Chúa chữa cho người đầy tớ của ông; và cũng vì tin vào quyền năng vô song của Ngài nên ông mới xin Chúa không cần đến nhà ông mà “chỉ nói một lời là người đầy tớ khỏi bệnh.” Chúa Giê-su khen lòng tin của ông thật đặc biệt vì nó được thể hiện qua một lòng nhân ái và khiêm tốn hiếm có: Chẳng những ông quan tâm và cảm thương nỗi đau của người đầy tớ của mình, ông lại còn khiêm tốn tế nhị, không đòi hỏi phải phiền Chúa đến tận nhà ông vì muốn tránh cho Chúa phải mang tiếng là ô uế khi vào nhà ông, một người ngoại giáo.

Mời Bạn: Thánh Phao-lô dạy: “Đức tin hoạt động nhờ đức ái” (Gl 5,6). Trước khi rước Thánh Thể trong thánh lễ, Giáo Hội mời gọi bạn nhắc lại lời tuyên xưng này của viên đại đội trưởng để xin Chúa củng cố đức tin bạn; đồng thời Ngài cũng biến đổi bạn để bạn mở lòng ra với tha nhân và phục vụ họ cách quảng đại. Với lòng khiêm tốn, vững tin vào Chúa và tình yêu thương, quan tâm đến người khác như thế, bạn có thể cầu thay nguyện giúp cho nhiều người đang cần đến sự chữa lành của Chúa Giê-su.

Sống Lời Chúa: Mỗi hhi rước lễ, bạn nhớ tới một người đang đau khổ, một gia đình khó khăn, hoặc đang sống xa lìa với đức tin hoặc chưa nhận biết Chúa, và bạn cầu nguyện cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm lòng tin, bồi dưỡng thêm lòng mến Chúa yêu người nơi con mỗi khi con lặp lại lời nài van của viên đại đội trưởng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Tín đồ Do-thái giáo có tiếng về sống đức hy vọng.
Họ đã hy vọng và vẫn còn hy vọng Đấng Mêsia sẽ đến để đem ơn cứu độ.
Họ đã chờ và vẫn chờ từ bao ngàn năm nay.
Còn Kitô hữu chúng ta có tiếng về sống đức ái.
Tuy nhiên, tự bản chất Kitô giáo vẫn là tôn giáo của đức hy vọng.
Chúng ta tin Đấng Mêsia là Đức Giêsu đã đến rồi.
Ngài đến đem ơn cứu độ không phải cho riêng dân Ít-ra-en,
nhưng cho mọi dân mọi nước trên toàn thế giới.
Nhưng kitô hữu vẫn còn sống trong chờ đợi và hy vọng.
Chúng ta mong ngày trở lại trong vinh quang của Chúa Giêsu,
cũng là ngày thế giới này đi đến chỗ tận cùng, để sang một trang mới.

MARANA THA, Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến (1 Cr 6, 22; Kh 22, 20).
đó là lời nguyện của các kitô hữu trong Giáo Hội buổi sơ khai.
Đó cũng là lời nguyện khẩn thiết của chúng ta, đặc biệt trong Mùa Vọng.
Ngày quang lâm là ngày tận thế đáng sợ,
khi Chúa Giêsu trở lại xét xử kẻ sống và kẻ chết.
Nhưng đó cũng là ngày hội vui lớn nhất của nhân loại,
ngày mà niềm hy vọng của chúng ta được thành tựu viên mãn.
Ngày ấy “từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc
cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời” (c. 11).

Đức Giêsu ngỡ ngàng khi thấy niềm tin lớn lao của viên đại đội trưởng.
Ông thuộc dân ngoại mà lại có lòng tin lớn hơn các người Ítraen khác (c. 10).
Ông tin Đức Giêsu có thể chữa lành cho người đầy tớ yêu quý của ông.
Không cần Ngài đến nhà, chỉ cần một lời nói của Ngài thôi cũng đủ (c. 8).
Lòng tin mạnh mẽ và khiêm tốn của ông đã chinh phục Đức Giêsu.
Lời của viên sĩ quan dân ngoại đã trở nên lời ta đọc trước khi rước lễ.
“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con,
nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”

Đầy tớ của viên đại đội trưởng đã được chữa lành,
nhưng điều quan trọng hơn là chuyện ông có hy vọng được dự tiệc.
Đây là bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc trong Nước Trời (x. Is 25, 6-8).
Một người dân ngoại được ngồi dự tiệc bên các tổ phụ Do-thái.
Đây là điều hẳn làm cho nhiều người Do-thái phải ngạc nhiên.
Mà không phải chỉ có viên đại đội trưởng,
có nhiều người từ tứ phương thiên hạ cũng được mời (c. 11).
Nước Trời như một bữa tiệc vui và thịnh soạn do Thiên Chúa thết đãi,
trong đó mọi dân tộc khác nhau cùng đến để chia sẻ và hiệp thông.
Mọi đau buồn, mọi cách ngăn đều bị xóa bỏ.

Màu tím là màu của phụng vụ Mùa Vọng,
nhưng đây không phải là màu buồn.
Mùa Vọng nhắc chúng ta về niềm hy vọng rất xanh tươi
mà Chúa Giêsu đã mang lại cách đây hai ngàn năm
và chúng ta có bổn phận vun đắp cho thành tựu.
Làm sao để ơn cứu độ của Ngài được mọi người trên thế giới nhận biết?
Làm sao để dân ngoại được ơn đức tin và ơn chữa lành như viên sĩ quan?
Làm sao để chẳng ai vắng mặt trong bữa đại tiệc của Nước Trời?
Mùa Vọng đưa ta về thế giới bao la của châu Á, với 3% người công giáo.
Nếu ngày mai tận thế, Chúa sẽ hỏi ta 97% kia đâu.

Cầu nguyện:

Lạy Cha,
Cha muốn cho mọi người được cứu độ
và nhận biết chân lý,
chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Ðức Giêsu, Con Cha.
Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người
chưa nhận biết Ðức Giêsu,
họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con
khát vọng truyền giáo,
khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,
niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,
và khát vọng muốn giới thiệu Ðức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực
trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất
để loan báo Tin Mừng.
Chúng con chỉ xin đến
với những người bạn gần bên,
giúp họ quen biết Ðức Giêsu và tin vào Ngài,
qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện
cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con
sinh nhiều hoa trái. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

4 THÁNG MƯỜI HAI

Ánh Sáng Chiếu Soi Linh Hồn Người Ta

Lạy Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm,

Là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại.

Mẹ là ánh sáng của Mùa Vọng đầu tiên,

Mẹ là sao mai báo hiệu Đấng Cứu Thế đang đến.

Nay Giáo Hội và nhân loại đang bước đi trong buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba,

Xin Mẹ trở nên ánh sáng chiếu soi Mùa Vọng mới này của chúng con,

Xin Mẹ làm sao mai chiếu rọi – để chúng con không bị nhận chìm trong đêm tối.

Trong thời đại của chúng con hôm nay, những đám mây mù đe dọa đang vần vũ trên chân trời nhân loại – và bóng tối đang phủ trùm bao linh hồn người ta.

Lạy Mẹ, xin ra tay và xin lên tiếng – tiếng nói đầy uy lực của một người mẹ.

Xin Mẹ hãy nói vào đáy tâm can của những ai đang nắm giữ vận mệnh của các quốc gia.

Xin hãy nói để họ nhận hiểu – và để họ tìm ra những giải pháp đúng đắn dàn xếp các xung đột đang chia rẽ người ta.

Xin hãy thuyết phục những ai đang giữ súng đạn trên khắp thế giới này – để họ hưởng ứng tiếng gọi của hòa bình, một tiếng gọi vang vọng tới họ từ biết bao con người khốn khổ trên trái đất.

Lạy Mẹ, xin hãy khơi lên trong tâm hồn mọi người ý thức liên đới với những ai túng cùng, với những ai đang chết dần mòn vì đói, với những ai đang bị xua đuổi khỏi quê hương mình, đang lây lất kiếm tìm một nơi trú ngụ, với những ai chịu cảnh thất nghiệp kéo dài, cảm thấy tương lai mình đầy mịt mù bất trắc.

Lạy Mẹ, xin bảo vệ sự hồn nhiên trong trắng của các trẻ thơ vô tội. Amen.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 04/12

Thánh Gioan Đamascênô, linh mục

Tiến sĩ Hội Thánh

Is 2, 1-5; Mt 8, 5-11.

Lời Suy Niệm:  Khi Đức Giêsu vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh,” (Mt 8,5-8)

          Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được; viên đại đội trưởng có lòng thương người, và ông ta biết quan tâm, nhất là ông rất khiêm tốn, nhận ra chính mình và đã đặt trọn niềm tin vào quyền năng và tình thương của Chua Giêsu đối với những người bệnh tật. Chính nhờ vậy mà người đầy tớ của ông đã được chữa lành.

          Lạy Chúa Giêsu, Qua câu chuyện trong Tin Mừng ngày hôm nay đang gợi mở cho chúng con một trong những cách thức của sự tỉnh thức: Là phải biết chân thành với lòng tin trong đời sống cầu nguyện. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con luôn biết khiêm tốn với lòng thành, khi cầu nguyện cho chính mình và cho tha nhân. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 04-12: Thánh GIOAN DAMASCÊNÔ

Tiến Sĩ Hội Thánh (676 – 754)

GIOAN chào đời vào lúc thành phố Damas sinh quán của Ngài, đang dưới quyền của người Ả Rập. Cha Ngài là Sergiô được vị Calife (người kế vị của Mahomet) mến chuộng. Đến nỗi dầu là người Kito hữu, ông cũng được đặt làm kẻ thừa hành. Ong quan tâm bảo vệ các tín hữu bị áp bức, hy sinh tiền bạc để chuộc họ. Ngày kia, giữa đám người bất hạnh bị điệu ra nơi công cộng, ông thấy các tử tội qùi xuống dưới chân một người trong nhóm họ xin cầu nguyện… Ông biết được rằng người được khẩn nài đó tên là Cosma, một tu sĩ Italia rất thông thái. Sergiô liền chạy tới vị Calife, xin được lưu giữ Cosma làm thầy dạy cho con mình là Gioan.

Cosma trở thành bạn của Sergiô, đồng thời là thày dạy của Gioan và của một đứa trẻ Giêrusalem khác mà Sergiô nhận nuôi. Khi kết thúc chu kỳ dậy dỗ, Cosma xin rút lui vào một tu viện. Gioan đã nên lừng danh nhờ trí khôn ngoan và sự hiểu biết của mình và được gởi về triều đình của vị vua Calife. Khi cha Ngài qua đời, hoàng tử người Ả Rập đặt Ngài đứng đầu hội đồng cố vấn và làm thừa tướng vùng Damas. Thế là định mệnh đổi thay của một tu sĩ được cứu mạng, đã khiến cho những hiểu biết của Hy lạp và Roma được đưa vào triều đình của các vị Califes.

Đế quốc Đông phương lúc ấy do Lêo, người Isauria cai quản. Ông là một con người bách hại các Kitô hữu. Gioan có thế giá nơi vị Calife không sợ hãi gì mà lại còn viết thư thúc đẩy các Kitô hữu can đảm trong đức tin. Hoàng đế biết điều đó, liền giận dữ. Không làm gì được, ông đã dùng đến một mưu mô khả ố. Ông cho người giả mạo chữ của Gioan để viết một bức thư bội phản, trong đó, người được vị Calife bảo vệ, tính trao nộp Damas cho vua Byzance. Rồi Leo, người Isauria, báo cho vị Calife biết có một kẻ thừa hành bội phản. Và câu chuyện thật kỳ diệu đến nỗi các văn phẩm thời đó còn kể lại. Vị Calife đòi Gioan đến. Dầu biện minh cho sự vô tội của mình, Gioan vẫn bị chặt tay phải.

Gioan mang cánh tay bị chặt về nhà và khấn nài Đức Trinh Nữ hoàn lại cánh tay mà từ nay Ngài sẽ chỉ dùng để viết các thánh thi ca tụng Con Mẹ. Gioan đi ngủ và mơ thấy Đức Trinh Nữ chữa lành cho mình. Thức dậy, cánh tay đã được nối liền và chỉ còn để lại một đường máu đỏ. Trước phép lạ này, vị Calife không còn nghi ngờ gì về sự vô tội của Gioan nữa và đã tái lập Ngài làm nhà cầm quyền. Nhưng đối với Gioan Damascênô, thời danh giá đã qua rồi. Ngài muốn hiến thân cho Thiên Chúa.

Ngài phân phát của cải cho người nghèo và đến tu viện thánh Sabas, nơi thày mình đang sống và người em nuôi cũng đã tới đó trước. Nhưng không ai dám huấn luyện quan thừa tướng bãi nhiệm theo đường Thánh thiện cả. Cuối cùng bề trên trao Ngài cho một tu sĩ già khó tính, thù ghét với tất cả những gì là êm ái đối với Gioan như thơ phú và âm nhạc.

Nếu không tự ý vâng phục như một bằng chứng của tình yêu, thì cuộc sống Ngài sẽ cay đắng đến thế nào. Ngài đã bị tước bỏ mọi niềm vui cao đẹp, cả đến việc giữ lời hứa là viết các thánh thi. Ông thày còn sai người đã cai trị Damas đi bán giỏ sọt với giá cắt cổ, khiến các lời chế nhạo đổ xuống như mưa. Gioan vẫn âm thầm vâng phục và chịu đựng, sau khi đã thử thách quá lâu người tập sinh như thế, vị tu sĩ già để cho Người được tự do học hỏi và tìm hứng. Lúc ấy, tự đáy lòng Gioan đã khơi dậy những khúc thánh thi đáng khâm phục, cùng với sự cộng tác của người em nuôi, cho tới khi ông ta được đặt làm giám mục Palestina.

Gioan Damascênô chỉ rời tu viện để đi giảng tại các thánh đường. Lúc về già, Ngài sửa chữa các bản văn, đôi khi tự trách là bút pháp quá khởi sắc, Ngài nghiên cứu học hỏi không ngừng và đã trình bày thần học một cách liên tục đáng kể.

Một bí nhiệm bao quanh những năm cuối đời thánh nhân. Có người tin rằng: Ngài đã qua đời trong thinh lặng tại tu viện, người khác lại nghĩ rằng, Ngài đã rảo qua các tỉnh Đông phương để nâng đỡ các tín hữu đang bị nhóm phá ảnh tượng bách hại, rồi chết vì đạo. Là triết gia, thần học gia, nhà hùng biện, thi sĩ, thánh Gioan được danh hiệu là tiến sĩ Hội Thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

04 Tháng Mười Hai

Bức Ảnh Của Gia Ðình

Trong thời kỳ khai phá bên Mỹ Châu, có năm thanh niên Mỹ tới vùng Ohio tìm vàng. Ðây là một vùng hoang vu nguy hiểm không thể lường trước được… Sau một thời gian sống giữa rừng thiêng nước độc, khi trở về nhà, bốn người trong đám đã trở nên cộc cằn dữ tợn. Chỉ có một người còn giữ được tinh thần minh mẫn như trước. Người ta hỏi anh: làm thế nào để tránh được những lỗi lầm của những người kia, anh trả lời như sau:

“Vì một bức hình tôi đã mang theo. Không phải là một bức hình của một người bạn gái, nhưng là của chính gia đình tôi… Buổi sáng trước khi tôi lên đường, chúng tôi đã ngồi ăn sáng chung với nhau. Mọi người đều nghẹn ngào vì tôi là người thứ nhất lìa xa gia đình… Cha tôi nhắn nhủ đôi lời van cả gia đình đều quỳ gối cầu nguyện cho tôi. Chính hình ảnh đó đã theo tôi trong suốt chuyến đi và đã nâng đỡ tôi”.

Sống ở đời, ai cũng cần phải có một lý tưởng. Lý tưởng đó nuôi dưỡng và hướng dẫn chúng ta cũng như đem lại cho chúng ta sự kiên trì trong cuộc sống. Lý tưởng của bạn là gì? Tiền tài, danh vọng hay lạc thú? Tất cả những điều đó rồi cũng sẽ đưa chúng ta đến thất vọng, chán chường. Duy chỉ có mình Chúa mới có thể lấp đầy những trống vắng trong tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta vượt được bao gian nguy trong cuộc sống… Bạn muốn lấp đầy tâm hồn bạn với hận thù, bạo động và cau có ư ? Hãy trục xuất Chúa ra khỏi tâm hồn bạn… Bạn muốn được sự bình an đích thực và một tâm hồn minh mẫn thư thái ư ? Hãy để cho Chúa chiếm ngự tâm tư bạn một cách trọn vẹn…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần I – MV

Bài đọc: Isa 2:1-5; Mt 8:5-11.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mọi người đều tìm Chúa.

Con người có cần đến Thiên Chúa trong cuộc đời không? Nhiều người trả lời không, vì họ có thể tự làm chủ lấy cuộc đời của họ. Nhưng có những nhu cầu tâm linh mà con người không tự mình thỏa mãn được như nhu cầu tìm ra sự thật: con người từ đâu đến, sống trên đời này để làm gì, và chết rồi sẽ đi đâu? Các Bài đọc hôm nay dẫn chứng nhu cầu cần tìm Chúa. Trong Bài đọc I, tiên tri Isaiah nhìn thấy trước ngày muôn dân trên địa cầu sẽ tuôn về Jerusalem để trèo lên Núi Sion, Núi Thánh của Thiên Chúa; để Ngài chỉ cho biết Lề Luật và đường lối của Thiên Chúa. Ngày này được hiện thực khi Chúa Giêsu đến và mặc khải cho mọi người thánh ý của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, viên Đại Đội Trưởng, mặc dù là dân ngọai, đã tìm đến Chúa Giêsu để xin Ngài chữa bệnh cho đầy tớ của mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Giacob.

1.1/ Sự trổi vượt của Núi Sion và Đền Thờ Jerusalem: Tiên tri Isaiah, mặc dù sống trong một thời đại đen tối của lịch sử Do-Thái (trước 2 cuộc lưu đày: Assyria và Babylon), được Thiên Chúa cho thấy trước những sự kiện sẽ xảy ra: Ngài sẽ phục hồi Judah và Jerusalem, cho Đấng Cứu Thế nhập thể, và người muôn nước sẽ đến tìm Ngài chứ không giới hạn trong vòng Do-Thái nữa. Ông tiên đóan: “Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Jacob.”

1.2/ Những nhu cầu của con người:

(1) Cần biết về đường lối của Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng con người cho một mục đích; làm sao con người biết mục đích này? Nếu Thiên Chúa không mặc khải, con người không thể biết. Không những con người cần biết đích, mà còn cần biết cách để đạt đích. Vì thế, con người cần tìm đến Chúa, “để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.”

(2) Cần biết về Lề Luật của Thiên Chúa: Người Do-Thái rất tự hào về Lề Luật của họ, vì không có vị thần nào trên dương gian thân hành ngự xuống ban Lề Luật cho dân, như Thiên Chúa đã ban cho họ Thập Giới qua ông Môsê. Họ có lý do để tự hào, vì Thiên Chúa tạo dựng con người, nên chỉ mình Ngài biết những gì tốt và những gì có thể gây thiệt hại cho con người. Vì thế, con người cần tìm đến Chúa để học hỏi Lề Luật của Ngài: “Vì từ Sion, thánh luật ban xuống, từ Jerusalem, lời Đức Chúa phán truyền.”

(3) Đức Chúa sẽ phân xử các quốc gia và hòa bình sẽ ngự trị trên tòan cõi địa cầu: “Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” Điều Isaiah muốn nói ở đây có lẽ là Ngày Tận Thế, Ngày Đức Kitô sẽ thống trị tòan cõi địa cầu và lên ngôi cai trị tất cả.

2/ Phúc Âm: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc trong Nước Trời.

Trình thuật hôm nay mô tả cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và viên Đại Đội Trưởng. Ông là người Rôma đến đô hộ Israel và là người dân ngọai; nhưng đã can đảm vượt qua bức tường chính trị và tôn giáo đến gặp Chúa Giêsu và xin Ngài chữa bệnh cho đầy tớ của mình. Chúa Giêsu nhận ra sự can đảm của ông và Ngài nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.”

2.1/ Nhu cầu cần được chữa lành: Các bệnh tật, hồn cũng như xác, gắn liền với thân phận con người; và biết bao nhiêu người đã chạy đến với Chúa Giêsu để xin Ngài chữa lành. Trong các Sách Tin Mừng, biết bao nhiêu phép lạ được các Thánh Ký tường thuật lại. Có các phép lạ được ban do chính người bệnh xin, có các phép lạ do thân nhân hay người ngòai xin như trình thuật hôm nay, có các phép lạ do chính Chúa Giêsu động lòng thương và chữa lành mặc dù những bệnh nhân chưa xin. Chúa chữa lành tất cả những ai đến kêu xin cho dẫu là ngày Sabbath và gặp đủ mọi chống đối từ các kinh sư Do-Thái. Không chỉ chữa bệnh phần xác, mà còn chữa cả bệnh phần hồn: Ngài gọi Matthêu người thu thuế làm môn đệ, Ngài gọi Jachaeus mà ngỏ ý muốn ở lại nhà ông, Ngài làm bạn với những người tội lỗi và gái điếm để chinh phục họ về cho Thiên Chúa.

2.2/ Nhu cầu cần biểu tỏ tin nơi Thiên Chúa: Trong hầu hết các phép lạ, đa số con người biểu tỏ niềm tin bằng việc đến và kêu xin với Chúa. Khi Ngài nhìn thấy niềm tin nơi họ, Ngài thường nói: “Hãy về bình an! Đức tin của con đã cứu chữa con.”

(1) Đức tin của ông Đại Đội Trưởng: Khi Chúa Giêsu ngỏ ý muốn đến nhà để chữa người đầy tớ, ông trả lời: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi!” là nó đi, bảo người kia: “Đến!” là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này!” là nó làm.” Qua những lời đối thọai, ông Đại Đội Trưởng chứng tỏ cho Chúa Giêsu ông biết mình và biết Thiên Chúa. Ông biết mình là người ngọai, và để tránh dị nghị cho Chúa Giêsu, ông xin Ngài chỉ cần truyền. Ông cũng biết Chúa Giêsu có thể chữa bệnh mà không cần phải đến nhà.

Chúa Giêsu khen ngợi đức tin của ông: “Tôi bảo thật các ông, tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.” Sự biểu tỏ niềm tin của một sĩ quan ngọai giáo làm Chúa Giêsu ngạc nhiên và làm cho những người Israel và chúng ta phải suy nghĩ: chưa chắc chúng ta, những người tin Chúa lâu năm, có được niềm tin như ông Đại Đội Trưởng này. Câu trả lời khiêm nhường của ông được Giáo Hội dùng trong các Thánh Lễ để chuẩn bị tâm hồn các tín hữu trước khi đón nhận Mình Thánh Chúa vào lòng.

(2) Dân Ngọai sẽ tin vào Thiên Chúa và được hưởng Nước Trời: Rồi Chúa Giêsu nói cho những người cùng ở đó: “Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob trong Nước Trời.” Truyền thống Do-Thái giới hạn ơn cứu độ chỉ dành cho những người Do-Thái; nhưng từ thời các tiên tri, nhiều tiên tri như Isaiah trong Bài đọc I hôm nay, đã nhìn thấy trước các Dân Ngọai cũng tin vào Thiên Chúa và đáng được hưởng ơn Cứu Độ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mọi người đều có nhu cầu tìm Thiên Chúa để được Ngài dạy dỗ, chữa lành, và nhất là để Ngài chỉ cho biết cách đạt đích điểm của cuộc đời.

– Đi tìm Thiên Chúa không phải chỉ một lúc hay trong một thời gian, nhưng là một tiến trình của cả cuộc đời.

– Thiên Chúa là Cha chung và thương xót mọi người. Chúng ta phải vui mừng khi thấy mọi người tin tưởng và yêu mến Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************