Ngày thứ ba (05-04-2022) – Trang suy niệm

04/04/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần V Mùa Chay Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Ds 21, 4-9

“Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”.

Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, các người Do-thái rời bỏ núi Hor, theo con đường về phía Biển Đỏ, để vòng quanh xứ Eđom. Dân chúng đi đường xa mệt nhọc, nên nản chí, kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”.

Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người, họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”. Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 101, 2-3. 16-18. 19-21

Đáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa (c. 2).

Xướng:

1) Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện, và cho tiếng con kêu lên tới Chúa. Xin Chúa đừng ẩn giấu thánh nhan, trong ngày con phải phiền muộn. Xin Chúa lắng tai nghe con, khi con cầu nguyện, Chúa mau nhậm lời. – Đáp.

2) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Ngài xuất hiện trong vinh quang xán lạn; Ngài sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van.- Đáp.

3) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã ngó xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 94, 8ab

Hôm nay các ngươi đừng cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa phán. 

PHÚC ÂM: Ga 8, 21-30

“Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. 

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được”.

Người Do-thái nói với nhau rằng: “Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói ‘Nơi Ta đi các ông không thể tới được?”

Chúa Giêsu nói tiếp: “Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông”.

Vậy họ liền hỏi: “Ông là ai?” Chúa Giêsu trả lời: “Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Đấng đã sai Ta là Đấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài”.

Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Điều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Đấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”. Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

05/04/2022 – THỨ BA TUẦN 5 MC

Ga 8,21-30

ĐƯỢC GIƯƠNG CAO

Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là tôi hằng hữu.” (Ga 8,28)

Suy niệm: Thập giá đối với người Do Thái là sự ô nhục, đối với dân ngoại là sự điên rồ (x. 1Cr 1,22). Thế mà Chúa Giê-su lại chọn thập giá đó làm phương thế cứu độ nhân loại. Chúa hoàn toàn ý thức điều đó khi nhiều lần Ngài khẳng định: “Con Người sẽ được giương cao” (x. Ga 3,14; 12,32). Ngài còn báo trước cho các môn đệ: “Người phải lên Giê-ru-sa-lem… bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (x. Mt 16,21). Trong cơn thống khổ tại vườn Cây Dầu, Ngài đã “xin đừng theo ý con” mà “vâng theo ý Cha” đón nhận thập giá (x. Mt 26,39). Đúng như vậy, Ngài không “bị” mà “được giương cao”. Nghĩa là Ngài bước lên cây thập giá trong tâm thế hoàn toàn chủ động với ý thức và tự nguyện, mà hơn nữa, nhờ đó Ngài “được tôn vinh” (x. Ga 12,23; Pl 2,9), và nhân loại được cứu độ nhờ cái chết và cuộc phục sinh của Ngài.

Mời Bạn: Tình yêu đòi hỏi cả hai phía chủ thể phải có sáng kiến và sự chủ động. Không có tình yêu khi bị ép buộc. Không có người “bị yêu” nhưng chỉ có người “được yêu” và tình yêu đó sẽ tồn tại. Chúa đã đi bước trước đến với chúng ta và yêu thương chúng ta như vậy, chúng ta đã đáp lại tình yêu của Chúa thế nào? Tự nguyện với cả tấm lòng hay chỉ là thụ động ở mức tối thiểu mà thôi?

Sống Lời Chúa: Mời bạn chiêm ngắm thánh giá Chúa và xin được cảm nghiệm tình yêu của Ngài hiến thân vì chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương, Chúa đã tự nguyện chấp nhận cái chết đau thương trên thánh giá để chuộc tội cho chúng con. Xin cho chúng con  luôn biết đáp đền tình yêu Chúa cách cân xứng bằng đời sống tin – cậy – mến của chúng con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

“Khi các ông giương cao Con Người lên…” (c. 28).
Đó là cách diễn tả về cái chết của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan.
Cái chết trên thập giá đúng là một sự giương cao nhục nhã, đau đớn.
Đức Giêsu bị treo lên cây gỗ như một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa.
Những kẻ giương cao Ngài lên là các ông, các nhà lãnh đạo Do-thái.
Họ đã giết Đức Giêsu vì nhiều lý do.
Lý do lớn nhất là vì Ngài đã dám sống trọn vẹn cho Cha và cho con người.
Sống công chính đã khiến Ngài trở nên nạn nhân cho cái chết bất công.
Cái chết của Đức Giêsu gắn kết Ngài với muôn triệu cái chết khác
của những người vô tội trong suốt dòng lịch sử.

Nhưng cái chết của Đức Giêsu còn nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã biến cái chết ghê rợn của Con Ngài thành dấu chỉ của tình yêu.
Nhìn lên thánh giá, chúng ta thấy tình yêu của Cha tặng trao cho nhân loại.
Cha đã tặng tình yêu lớn nhất là chính Con Một của mình.
Vì thế có thể nói chính Cha đã giương cao Con mình trên thánh giá.
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Ga 3, 14).
Đức Giêsu được giương cao bởi chính Thiên Chúa qua cái chết của Ngài.
Như dân Do thái xưa đã nhìn lên con rắn bằng đồng để được sống,
ai nhìn lên thánh giá và tin vào tình yêu, người ấy sẽ được cứu độ.
Thập tự giá không còn là dấu hiệu của cái chết bất lực của một nạn nhân.
Nó đã trở nên thánh giá với sức mạnh phi thường.
“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất,
tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).

Qua việc giương cao này, sức thu hút mạnh mẽ của thánh giá được bày tỏ.
Cả nhân loại được nâng lên khỏi cái nặng nề tội lỗi của chính mình.
Đấng chịu đóng đinh vẫn lôi kéo cả vũ trụ này mãi cho đến tận thế.

Cuối cùng, có thể nói chính Đức Giêsu đã tự giương cao mình trên thánh giá.
“Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được,
nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18).
Cái chết là kết quả tất yếu của một cuộc sống dám để Cha chi phối trọn vẹn.
“Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì…
Chúa Cha dạy tôi thế nào thì tôi nói như vậy…
Tôi luôn luôn làm những điều đẹp ý Người” (cc. 28-29).

Đức Giêsu đã sống trung tín như một Người Con, người được Cha sai.
Cha lúc nào cũng ở với Ngài, nên Ngài không biết đến cô đơn (c. 29).
Mỗi Kitô hữu cũng được giương cao trên thánh giá riêng của đời mình.
Và khi tôi gắn thánh giá của tôi với thánh giá của Giêsu,
thánh giá nhỏ bé ấy sẽ có sức kéo nhiều người lên với Giêsu.

 Cầu nguyện:

Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,
đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha
trong mọi nỗi khổ đau của đời con,
và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,
bao lâu tùy ý Cha định liệu.

Xin đừng để con trở nên chua chát
nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ
với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ
và lòng khát khao nóng bỏng
có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.
Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ
của những người đã yêu mến Cha,
đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,
tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.

Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
nói lên lòng tin của con
vào những lời hứa của Cha,
lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,
và lòng mến mà con dành cho Cha.

Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,
và yêu Cha chỉ vì Cha,
chứ không mong phần thưởng.

Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,
là ánh sáng cho đêm tăm tối,
nhờ đó con không còn coi khổ đau
như một tai họa hay một điều vô lý,
nhưng như một dấu chỉ cho thấy
con đang thuộc về Cha mãi mãi.

(Karl Rahner)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

5 THÁNG TƯ

Nhìn Bằng Con Mắt Đức Tin

Các Tông Đồ xác nhận với chúng ta rằng Thiên Chúa đã nâng Đức Giêsu dậy, và Người đã được nhìn thấy – “không phải bởi toàn dân, mà bởi chúng tôi là những chứng nhân đã được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước” (Cv 10,41).

Khi Đức Giêsu hiện ra, Người trao cho các Tông Đồ nhiệm vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho mọi người về Đức Kitô chịu đóng đanh và sống lại từ cõi chết. Đức Kitô sẽ hiện diện bất cứ nơi đâu mà tin mừng của những thị chứng nhân này được đón nhận và được tin.

Chỉ một vài người đã nhìn thấy Đấng Phục Sinh, nhưng tất cả mọi người đều được mời gọi tin vào Người bởi vì – theo lời chứng của Thánh Kinh – hết thảy mọi người đều được mời gọi nhận ơn cứu độ, và do đó được mời gọi đón nhận đức tin. Đó là lý do tại sao Đức Kitô quở trách thái độ cứng lòng của Tô-ma và Người chúc phúc cho tất cả những ai sẽ khám phá ra Đức Kitô duy chỉ nhờ lời chứng của sứ điệp đức tin: “Vì anh đã trông thấy Thầy nên anh đã tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 05/4

Thánh Vinh Sơn Ferrê, linh mục

Ds 21, 4-9; Ga 8, 21-30.

LỜI SUY NIỆM: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.”

          Chúa Giêsu tuyên bố Người là “Tôi Hằng Hữu”. Đây là mặc khải của Thiên Chúa phán với ông Môsê: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14).

          “Thánh Danh “Ta Hiện Hữu” hoặc “Đấng Hiện Hữu” diễn tả sự trung tín của Thiên Chúa, Đấng giữ lòng trung tín với muôn ngàn thế hệ, cho dù con cháu có bất trung, tội lỗi đáng trừng phạt, Thiên Chúa mạc khải rằng “Ngài giàu lòng thương xót, đến nỗi trao ban chính Con Một của Ngài. (GL 211).

          Lạy Chúa Giêsu. Chính Chúa mang danh thánh của Chúa Cha, và đã cứu chuộc mỗi người trong chúng con bằng chính sự hiến mạng sống của Chúa trên Thập Giá. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn ngước nhìn Thánh Giá của Chúa để nhận ơn tha thứ.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 05-04

Thánh VINCENTE FERRIO
Linh Mục (1350 – 1419)

Đối với tín hữu Việt Nam, thánh Vincentê Ferriô đã thường được khấn như vị thánh hay làm phép lạ. Cuộc đời của vị tông đồ Âu Châu, vinh quang của Giáo hội, vinh dự của dòng giảng thuyết này cũng rất lạ lùng, Ngài chào đời tại Valentia nước Tây Ban Nha ngày 23 tháng 01 năm 1350. Mặc dầu gia đình giàu có, nhưng thân mẫu thánh nhân đã muốn tự mình nuôi dưỡng con.

Lên sáu tuổi, Vincentê cắp sách đến trường và đã tỏ ra có nhiều ân huệ đặc biệt. Còn là một con trẻ ngây thơ nhưng Ngài đã có sức hấp dẫn lạ lùng. Bạn trẻ thường vây kín quanh Ngài để tham dự một trò chơi diễn lại bài giảng ở nhà thờ. Vincentê luôn diễn giảng chính xác và hùng hồn một cách đáng ngạc nhiên. Mười hai tuổi thánh nhân theo môn triết học, mười bốn tuổi Ngài học thần học. Người ta kể rằng vào lúc này, đã một lần thánh nhân làm cho một đứa trẻ đã chết sống lại. Câu chuyện xảy ra khi những đứa bạn xấu bày trò chết giả và xin Vincentê thương giúp. Nhưng đứa giả chết lại chết thật làm chúng phải kinh hoàng. Đáp lời van xin khẩn thiết của chúng, thánh nhân đã cầu nguyện rồi cầm tay đứa chết cho nó sống lại.

Lên mười bảy tuổi, Vincentê đã được các giáo sư coi như ngang hàng với mình. Đây là lúc Ngài phải quyết định hoặc làm giáo sư tại Roma và lập gia đình, hoặc là theo đuổi lý tưởng tu dòng. Thánh nhân đã quyết định gia nhập dòng thánh Đaminh. Đầy xúc cảm và hãnh diện, ngày 05 tháng 02 năm 1367, ông thân sinh đã dẫn Ngài tới cha bề trên dòng Đaminh ở Valentina.

Nhưng chưa được một năm, thân mẫu Ngài lại luyến tiếc tương lai rực sáng của con, và đã cố gắng đưa con trở về lại thế gian. Thoạt đầu Vincentê có cám dỗ, nhưng sau đó Ngài đã thốt lên câu nói làm đà tiền cho suốt cuộc đời: – Lạy Chúa, con chọn Chúa mãi mãi.

Ngài được đưa về Barcelona và năm1370 đã trở thành giảng viên triết học tại dòng Đaminh ở tại Lerida. Năm 1373, khi trở lại Barcelona để học tiếng Ả rập và Do thái Ngài đã trở thành nhà giảng thuyết lừng danh.

Năm 1377, Vincentê được gọi sang Toulouse để học thêm. Mới đây Ngài kéo được sự chú ý của đức hồng y Pedro da Luna, vị đại diện của phản giáo hoàng tương lai ở Avignon. Từ năm 1385 tới năm 1930 thuyết giảng thần học ở nhà thờ chính toà Valentina và sau đó vào nhóm với Hồng Y Pedro Da Luna. Ngài nhiệt tâm rao giảng nhất là cho dân Do thái và dân Mô (Maures). Ngài đã cải hóa được một thày Rabbi ở Valladolid, người sau này trở thành giám mục Phaolô miền Burgos và cùng với thánh nhân can đảm trong nỗ lực cải hoá người Do thái ở Tây Ban Nha. Từ năm 1391 Yolanda ở Aragon. Thời kỳ này, Ngài bị tra vấn vì rao giảng sự thống hối. Pedro Da Luna, người đã được chọn làm giáo hoàng Benedictô XIII ở Avignon đã cứu Ngài khỏi bị xử án và mời Ngài về giáo triều làm cha linh hướng và cha giải tội.

Tỉnh ngộ trước những nỗ lực nhằm hàn gắn sự phân rẽ giữa Roma và Avignon, thánh Vincentê được thị kiến thấy Chúa Giêsu ở giữa thánh Phanxicô và thánh Đaminh sai đích danh Ngài đi rao giảng sự thống hối. Tháng 11 năm 1399 được Đức Bênêdictô XIII cho phép làm việc này, Ngài đã rao khắp miền Tây Âu để rao giảng cho tới ngày lìa trần. Từng đoàn hối nhân từ 3000 tới 10.000 người theo Ngài và đánh tội.

Năm 1416, Ngài rút lại sự ủng hộ của mình và của vương quốc Aragon đối với Đức Bênêdictô XIII vì vị phản giáo hoàng ở Avignon không nghiêm chỉnh để hàn gắn sự phân rẽ khi từ chối đòi hỏi thoái vị công đồng Constance đưa ra. Quyết định của thánh Vincentê có ảnh hưởng tới việc thoái vị của Đức Bênedictô và giúp dễ dàng chấm dứt sự phân rẽ.

Thành quả thánh Vincentê thực hiện được thật lớn lao. Đối lại, thánh nhân đã phải chịu biết bao nhiêu là đau khổ thử thách. Chúng ta đã nói đến thử thách buổi đầu khi Ngài chọn đời sống hiến dâng. Lời vu oan đuổi theo từng bước chân Ngài và các tội nhân cứng lòng tìm hết cách để tiêu diệt Ngài. Chúng ta nhắc lại đây hai trường hợp:

– Một phụ nữ dâm dật lẻn vào phòng Ngài, nhưng thánh nhân thay vì chiều theo những đề nghị của chị ta, đã giảng giải cho chị biết rõ sự nguy hiểm bị hư mất đời đời, khiến chị ta quỳ gối dưới chân Ngài xin lỗi rồi rút lui vào một tu viện để đền tội.

– Một phụ nữ khác giả bệnh để mời Vincentê đến. Vừa thấy Ngài tới phòng, chị ta không một chút hổ thẹn đã tỏ rõ ý định của mình. Thánh nhân lập tức rút lui. Giận dữ chị ta vu cáo rằng: thánh nhân đã dám xâm phạm tiết hạnh chị. Nhưng về sau chị đã thú nhận tất cả và công khai đền tội.

Vượt qua được những thử thách, thánh Vincentê còn có những bí quyết để thành công, chẳng hạn trong việc học hành Ngài cho biết: – “Muốn thành công trong việc học hành hãy tham khảo thánh kinh hơn là sách vở. Hãy khiêm tốn xin Chúa ơn được thông hiểu điều bạn đọc, học hành làm mệt trí và làm khô cứng cõi lòng. Bạn thường xuyên đến dưới chân Chúa Giêsu để phục hồi sinh lực”.

Thực hiện lời khuyên của mình, thánh nhân dọn bài giảng dưới chân thánh giá, kèm theo những hành vi sám hối cực khổ. Khi nói với dân chúng Ngài lại quỳ trước thánh giá như thể mọi vinh dự chỉ thuộc về Chúa Kitô mà thôi.

Cuộc đời luôn ướp đặm trong tình yêu Chúa, khiến Ngài được ví như thiên thần Chúa trong buổi lễ Hiện xuống: để trả lời cho đám đông dân chúng nhiều miền khác nhau ngạc nhiên vì hiểu được Ngài, Ngài nói: – Tôi nói tiếng mẹ đẻ của tôi, thứ tiếng độc nhất mà tôi biết với một ít tiếng Latinh và tiếng Do thái. Vậy chính Thiên Chúa thân hành giúp các bạn hiểu được.

Các thôn xóm nào đông mỗi khi nghe tin thánh Vincentê sắp đến : công nhân nghỉ việc, thương gia đóng cửa tiệm buôn, thầy dạy bãi khóa… để đi nghe giảng bất kễ trời mưa hay nắng. Thánh nhân nhiệt tâm nói về sự chết và hỏa ngục. Nhiều tiếng khóc than nức nở cắt ngang lời Ngài khiến Ngài cũng phải khóc theo. Người ta nói rằng nhiều tội nhân nghe lời giảng của Ngài đã ngã chết vì đau đớn rồi hiện về cho biết lòng thống hối đã làm cho họ đáng được hưởng Nước thiên đàng.

Chấm dứt bài giảng, thánh nhân tiếp tục ngồi tòa để phục sinh các tâm hồn.

Hay nói về sự chết và hỏa ngục nhưng thánh nhân cũng thường dùng tính hài hước để sửa dạy các tâm hồn. Ngày nay người ta còn nhắc lại mãi câu chuyện của một phụ nữ. Nàng đau buồn nhiều vì tính nóng nảy của chồng, nhưng không biết dẹp tính bép xép của mình. Thánh nhân khuyên nhủ nàng : – Đây là phương thế có thể sửa đổi tính nóng của chồng chị. Ra về chị hãy xin thày giữ cửa một bình kín ở giếng nhà dòng. Mỗi khi chồng về nhà, chị hãy uống một ngụm, nhưng đừng đừng nuốt ngay và ngậm càng lâu càng tốt. Giữ mãi được như vậy, chồng chị sẽ hiền lành như một con chiên.

Sau một thời gian kết qủa thật khả quan. Người chồng hoàn toàn thay đổi và người phụ nữ tới cảm ơn thánh nhân, vì phương dược thần hiệu đã tiêu diệt được mọi cuộc cãi vã. Phương ngôn Tây Ban Nha còn nói: – Hãy uống nước Thày Vincentê

Một người trong cơn thù hằn đã không muốn tha thứ cho người thợ đóng giày. Thánh nhân bảo: – Hãy tha thứ cho chính mình. Ông đang gậm nhấm lòng mình vì không quan tâm đến linh hồn hư mất trong khi vẫn ăn uống và phí phạm thời gian.

Người đó đành thú nhận : – Vâng, tôi hiểu rằng: ghen ghét như vậy là khùng.

Ngoài nhiệt tình và tài hùng biện đã mang lại thành công cho thánh Vincentê, còn phải kể đến những phép lạ mà Chúa đã làm qua tay thánh nhân. Ngài đã làm vô số những phép lạ. Chỉ nguyên việc điều tra ở Avignon và một vài thành phố khác cũng ghi lại được hơn 860 phép lạ thánh nhân đã làm. Chúng ta ghi một vài sự kiện:

– Ở Morella, thánh Vincentê đã cứu sống một đưá trẻ mà người mẹ nó trong một cơn điên, đã giết rồi đem nướng.

– Ở Pampeluna Ngài đã dạy một người bị xử tử oan uổng nói lên sự thật.

– Ở Vannes Ngài đã bảo một em bé da đen mới sinh nói rõ ai là cha mình, để giải tỏa nỗi lòng đau khổ của người mẹ vì bị chồng nghi ngờ… tuy nhiên chính cuộc sống của thánh Vincentê đã là một phép lạ với những chuyến đi khắp nơi bất kể thời tiết và với việc ăn chay, cuộc sống khắc khổ không ngừng.

Năm 1417 bá tước miền Bretanghe mời thánh nhân tới lãnh điạ của mình. Giữa cuộc tiếp rước long trọng, Ngài đã yếu đuối khó đứng vững nổi, nhưng mỗi khi làm việc, một sinh lực mới khiến Ngài hăng hái hoạt động như hồi thiếu niên, để rồi khi xong việc sức lực Ngài lại tàn tạ như cũ. Ròng rã hai mươi tháng như vậy, thánh nhân đã nỗ lực cải hoá miền Bretagne và Normandie.

Cuối cùng Ngài mới trở về Valentia. Nhưng tới Valentia Ngài kiệt sức và qua đời ngày 05 tháng 04 năm 1419.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

05 Tháng Tư

Chiếc Bong Bóng Bay

Câu chuyện được thuật lại xảy ra tại vùng Nam Italia, nơi dân chúng không được sung túc cho lắm, so với những vùng khác. Câu chuyện trên mang tựa đề là : “Chiếc bong bóng bay màu hồng”.

Chiếc bong bóng này là kết quả của sự góp nhặt và tiết kiệm từng xu của Beppo, một em bé lên tám. Hôm ấy, trong lúc các trẻ đồng tuổi cắp sách đến trường, Beppo chốn học, chạy nhanh lên ngọn đồi để thả chiếc bong bóng màu hồng bay lên không trung. Cùng với chiếc bong bóng, Beppo cẩn thận cột bức thư nó đã nắn nót viết từng chữ như sau: “Chúa ơi, vài tuần nữa con sẽ có một đứa em. Gia đình con đã có sáu anh em, nhưng cha mẹ con nghèo lắm. Nhà cửa chật chội và không có đủ giường chiếu, nên chúng con phải ngủ chung ba đứa một giường. Lần này con không xin gì cho con, nhưng con xin Chúa cho đứa em sắp sinh của chúng con một ít quần áo và tã, quần áo xài rồi cũng được. Nhà con ở làng Arcol miền Nam nước Italia. Con tên là Beppo Sala”.

Sau khi thả chiếc bong bóng hồng mang bức tâm thư lên trời, Beppo đứng ngước mắt nhìn lên trời mãi đến khi chiếc bong bóng mất hút trong đám mây, nó mới thơ thẩn đi về nhà.

Những ngày sau đó là những ngày tháng hồi hộp nhất đời của Beppo. Nhưng nó vẫn tiếp tục hy vọng và cầu nghuyện. Sáu ngày nặng nề trôi qua, nhưng một buổi kia, lúc đang chơi với các trẻ khác cùng xóm, Beppo thấy người giao bưu phẩm mang vào nhà một thùng quà. Nó hồ hởi chạy nhanh về và nghe cha nó đang lớn tiếng cãi vã với nhân viên bưu điện: “Chắc anh lầm rồi, tôi đâu có quen ai ở thành Rovigo. vả lại chúng tôi đào đâu ra tiền để mua quà cáp”. Người giao bưu phẩm phân trần: “Món hàng đề tên và địa chỉ nhà ông, nếu không phải gửi cho ông thì còn gửi cho ai nữa? Ông nhận nhanh lên, tôi còn phải đi giao nhiều món hàng nữa chứ có phải chỉ có thùng này thôi đâu”. Cha của Beppo trả lời: “Thôi đi ông ơi, nhận hàng không phải của mình để rồi sau đó mang họa, làm gì có tiền mà bồi thường”.

Thấy câu chuyện dai dẳng, Beppo bạo phổi nói xen vào: “Thì cha cứ mở ra xem thử, nếu không phải là của mình thì mình gói trả lại”.
Thùng đồ được mở ra, thấy toàn đồ cho trẻ sơ sinh.Nào tã, nào những chiếc áo nhỏ tí ti, nào băng rốn.Người gửi không quên gói vào hai hộp phấn và một lố những chiếc kim tây. Mắt của mẹ Beppo bừng sáng lên.Beppo cảm thấy vui như ngày tết, vui nhất là người gửi đồ không đề địa chỉ nên không thể gửi trả lại. Nó chạy nhanh ra ngọn đồi, nơi nó thả chiếc bong bóng màu hồng sáu ngày trước đây. Ðến nơi nó ngước mắt nhìn trời, miệng thì thầm: “Chúa ơi, con cám ơn Chúa”.

Tuổi trẻ thường được gọi là tuổi thơ, mà nói đến thơ là nói đến mộng. Trẻ thơ thường có những mơ ước đơn sơ: mong bắt được nhiều dế, mơ con diều mình đang thả được bay cao, mong cho mình khéo tay ăn được nhiều đạn trong cuộc chơi bi, mơ đội banh mình được thắng trong cuộc đá bóng sắp tới. Nhưng đã có những mái đầu xanh đã bắt đầu lo lắng cho cha mẹ, cho anh chị em như trong trường hợp của em bé mới lên tám tuổi Beppo.
Theo cha Michel Bonnet, đã từng truyền giáo tại Nhật bản và nay đang làm cho phong trào quốc tế đặc trách mục vụ cho trẻ em, thì tại Á Châu, số trẻ emvì hoàn cảnh gia đình hay xã hội bắt buộc phải làm những công việc nặng nhọc vượt qua tuổi của chúng nhiều hơn là số trẻ em được cắp sách đến trường.

Cũng theo cha Bonnet, đã đến lúc các tín hữu phải đọc dòng Phúc Âm mà mọi người đều thuộc nằm lòng, nhưng với cái nhìn khác: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Ta, chớ ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những kẻ giống như chúng”.

Và cha Bonnet đề nghị: câu Phúc Âm trên tạo dịp cho chúng ta thấy Chúa Giêsu trong những trẻ con bị cưỡng bách phải làm việc nặng nhọc. Qua các em, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: “Hãy đến và theo Ta”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần V – MC

Bài đọc: Num 21:4-9; Jn 8:21-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết nắm lấy cơ hội để được sống.

Để thành công trong thương trường, một người cần 4 yếu tố: con người, cơ hội, thời gian, và sản phẩm; điều quan trọng hơn cả là cơ hội. Cơ hội sẽ đến với mọi người, nhưng để có thể sinh lợi ích, con người phải nắm lấy cơ hội. Khi cơ hội đã qua, có thể chúng sẽ không bao giờ trở lại. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế: con người không sống mãi, họ chỉ có nhiều nhất 100 năm để học hỏi và tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô. Ngài sẽ ban cho mọi người có cơ hội để học biết và tin tưởng vào Đức Kitô. Họ phải biết lợi dụng thời gian và nắm lấy cơ hội để học biết Đức Kitô và tin vào những gì Ngài rao giảng. Nếu họ không biết dùng thời gian và bỏ lỡ cơ hội để học biết và tin vào Ngài, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của họ: được cứu độ hay phải hư đi.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người phải biết nắm lấy cơ hội. Trong Bài Đọc I, Sách Dân Số tường thuật việc dân chúng không biết nắm lấy cơ hội luyện tập trong sa mạc. Họ kêu trách Thiên Chúa và Moses vì thiếu thức ăn hợp khẩu và nước uống. Hậu quả của việc kêu trách là họ bị rắn lửa tiêu diệt. Nhưng Thiên Chúa vẫn thương yêu và cho họ cơ hội thứ hai: ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng mà Moses giương cao trên cây, sẽ được cứu sống. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho người Do-thái ý nghĩa của biến cố trong Sách Dân Số: Họ phải tin vào Ngài, nếu không họ sẽ chết trong tội của họ. Nếu họ không tin vào Ngài khi còn sống, họ phải tin Ngài khi Ngài bị giương cao trên Thập Giá. Nếu họ bỏ lỡ cả hai cơ hội để tin vào Ngài, họ sẽ chết trong tội của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ông Moses giương cao “con rắn” trong sa mạc để cứu dân khỏi chết.

1.1/ Thiên Chúa thanh luyện dân 40 năm trong sa mạc: Mục đích của Thiên Chúa khi bắt dân phải lang thang trong sa mạc suốt 40 năm là để chuẩn bị cho dân trước khi vào Đất Hứa. Họ phải tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa bằng cách vượt qua những trở ngại trên đường đi: thức ăn, nước uống, khí hậu khắc nghiệt, mệt mỏi … Trong cuộc hành trình qua sa mạc, nhiều lần dân chúng Israel mất kiên nhẫn và kêu trách Thiên Chúa và Moses như trình thuật hôm nay. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Moses rằng: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này.” Bấy giờ Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Israel phải chết.

Mỗi năm, Giáo Hội đều cử hành biến cố này bằng cách kêu gọi các tín hữu ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành trong 40 ngày của Mùa Chay. Mục đích là để các tín hữu có cơ hội luyện tập con người để đừng quá lệ thuộc vào vật chất, biết dành thời giờ để định vị lại cuộc đời và trau dồi cho đời sống thiêng liêng, xét mình và thú tội để lãnh nhận ơn tha thứ, và biết chia sẻ của cải với các người thiếu thốn. Nếu các tín hữu biết lợi dụng cơ hội, họ sẽ có sức mạnh để chế ngự các tính hư nết xấu, và thăng tiến trên đường thiêng liêng.

1.2/ Thiên Chúa cứu dân khỏi chết bằng nhìn lên rắn đồng: Rắn được nhiều dân tộc thờ như thần, nhất là các quốc gia Á Châu và Cận Đông. Ngành khảo cổ tìm ra nhiều hình ảnh con rắn đồng khắc trên các tấm bia tại Timnah, gần Biển Chết. Timnah, nằm trong vùng sa mạc Sinai, là vùng có nhiều đồng nhưng cũng rất nhiều rắn lửa, thợ đến đây tìm đồng thường bị rắn cắn chết nên họ rất tin và thờ phượng thần rắn. Rắn được coi như biểu tượng của cả thần chết và chữa lành. Rắn độc cắn người và làm cho chết, nhưng nọc độc của rắn được dân tộc Ân-độ dùng để chữa lành nhiều bệnh như tục ngữ Việt-nam nói “lấy độc trị độc.” Rắn cuộn tròn trên cây cột đã trở thành biểu tượng của ngành y khoa từ lâu đời. Câu truyện rắn cám dỗ bà Evà phạm tội và trình thuật hôm nay có thể có ít nhiều liên hệ với lịch sử của lòai rắn.

Khi dân Israel bị rắn cắn và nhiều người tử thương, họ đến nói với ông Moses: “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi.” Ông Moses khẩn cầu cho dân. Đức Chúa bảo ông: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” Ông Moses vâng lời Đức Chúa, làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chịu giương cao trên Thập Giá để cứu chuộc con người.

2.1/ Cơ hội lần đầu để tin vào Đức Kitô khi Ngài còn sống: Chúa Giêsu đối thọai với người Do-thái và thuyết phục họ tin vào Ngài, bằng cách mặc khải cho họ những điều sau:

(1) Những gì sẽ xảy ra cho Ngài và cho họ trong tương lai: Ngài sẽ trải qua Cuộc Thương Khó và sẽ sống lại về cùng Chúa Cha. Họ sẽ hối tiếc và tìm Ngài, nhưng quá muộn; vì họ không thể lên Trời với Ngài. Họ phải tin Ngài, tội của họ mới được tha; vì họ không tin Ngài, tội của họ vẫn còn. Người Do-thái không hiểu những gì Ngài mặc khải, họ nghĩ chỉ khi nào Ngài tự tử, họ mới không trông thấy Ngài; và theo truyền thống, những ai tự tử sẽ bị giam cầm dưới địa ngục; và như vậy câu Ngài nói “Nơi Tôi đi, các ông không thể đến được,” là đúng sự thật.

(2) Sự khác biệt giữa Ngài và họ: Ngài có nguồn gốc từ Trời, nguồn gốc của họ là ở thế gian này. Ngài không thuộc về thế gian này, nhưng họ thuộc về thế gian. Chúa Giêsu nhắc họ lần nữa: Họ phải tin Ngài để tội của họ được tha. Họ không hiểu những gì Ngài mặc khải, nên họ hỏi Người: “Ông là ai?”

(3) Sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Ngài: Thiên Chúa Cha sai Ngài đến thế gian để chịu chết và gánh tội cho con người. Nếu họ không chịu tin vào Ngài, tội của họ vẫn còn, và họ sẽ chết trong tội của họ. Tất cả những điều này Thiên Chúa, Đấng Chân Thật, muốn Ngài loan báo cho họ, và Ngài đã loan báo; nhưng họ không tin vào lời Ngài.

2.2/ Cơ hội thứ hai để tin vào Đức Kitô khi Ngài bị giương cao: Ngài cho họ biết trước Ngài sẽ phải chết cách nào: Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu nói cho dân chúng biết Ngài sẽ phải chết cách nào trong Tin Mừng Gioan. Lần đầu tiên, khi Chúa Giêsu đàm đạo với Nicodemus, Ngài gợi lại cho họ về biến cố rắn lửa cắn người Do-thái trong sa mạc Sinai như chúng ta đọc trong Sách Dân Số hôm nay: “Như ông Moses đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Jn 3:14-15). Trong trình thuật hôm nay, Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu, và biết Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy Tôi thế nào, Tôi nói như vậy. Đấng đã sai Tôi vẫn ở với Tôi; Người không để Tôi một mình, vì Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.”

Chúa Giêsu muốn nói với người Do-thái: Tuy các ông không tin Tôi bây giờ; nhưng các ông phải tin Tôi khi nhìn thấy những gì Tôi đã nói với các ông xảy ra: cách chính xác, khi các ông giương Tôi cao trên Thập Giá. Lúc đó, các ông sẽ biết tất cả những gì Tôi nói với các ông là sự thật: sự liên hệ giữa Chúa Cha và Tôi, Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, các ông phải tin Tôi thì tội của các ông mới được tha … Khi Đức Giêsu nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải biết nắm lấy cơ hội để học hỏi và để tin tưởng vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô; vì cơ hội có thể qua đi và không bao giờ đến nữa.

– Đừng bao giờ đợi đến khi về già, vì chúng ta không biết sẽ sống được bao năm; và có còn đủ trí khôn sáng suốt để hiểu, hay đủ nghị lực để học mà tin vào Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************