Ngày thứ hai (06-04-2020) – Trang suy niệm

05/04/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần Thánh

BÀI ĐỌC I: Is 42, 1-7

“Người sẽ không lớn tiếng; không ai nghe tiếng người ở công trường”.

Trích sách Tiên tri Isaia. 

Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai, không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người sẽ xét xử trong công lý. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, cho đến khi đặt công lý trên mặt đất, vì các đảo mong đợi lề luật người.

Chúa là Thiên Chúa đã phán như thế, Người là Đấng đã tác tạo và mở rộng các tầng trời, đã củng cố mặt đất và các sản phẩm của nó, đã ban hơi thở cho dân sống trên mặt đất và ban sức sống cho những kẻ trên đó. Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 26, 1. 2. 3. 13-14

Đáp: Chúa là sự sáng, và là Đấng cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? – Đáp.

2) Khi những đứa ác xông vào để xả thịt tôi, bọn thù ghét tôi sẽ xiêu té và ngã gục. – Đáp.

3) Nếu thiên hạ đồn binh hạ trại để hại tôi, lòng tôi sẽ không kinh hãi; nếu thiên hạ gây chiến với tôi, tôi vẫn tự tin. – Đáp.

4) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM:

Kính chào Vua chúng con: Chỉ có nhà Vua là người thương hại đến những lỗi lầm của chúng con. 

PHÚC ÂM: Ga 12, 1-11

“Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?” Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu”.

Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

06/04/2020 – THỨ HAI TUẦN THÁNH

Ga 12,1-11

CHỊU KHỔ NẠN VỚI CHÚA KI-TÔ

Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” (Ga 12,7)

Suy niệm: Người đời hẳn sẽ bảo rằng Chúa Giê-su nói “gở” khi bênh cô Ma-ri-a khi nói rằng việc cô lấy dầu cam tùng nguyên chất xức chân Chúa là “có ý dành cho việc mai táng Thầy.” Nhưng chúng ta nhớ rằng Ngài đã nói lẽ sống của Ngài ở đời này, hay “lương thực” của Ngài là “thi hành ý muốn của Đấng đã sai Ngài” (Ga 4,34), mà ý Chúa Cha là Người Con phải hiến thân chịu chết để cứu chuộc muôn người. Chính vì thế, Chúa Giê-su đón nhận việc cô Ma-ri-a xức dầu thơm như một cách để cô tham dự với Ngài trong sứ mạng cứu thế. Và ngay cả anh La-da-rô, em cô, người đã chết bốn ngày được Chúa cho sống, cũng được tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa khi anh bị người Do Thái liệt vào “danh sách đen” với Ngài, chỉ vì anh đã trở nên nhân chứng cho Đức Ki-tô chịu chết và phục sinh.

Mời Bạn: Mỗi người chúng ta cũng đều lãnh nhận một sứ mạng trong cuộc sống. Noi gương Chúa Giê-su, chúng ta cũng biết hoàn thành sứ mạng của mình cho dù có khổ đau, có thử thách trong đời, chỉ mong cho ý Chúa thể hiện. Tuần Thánh là đỉnh cao của Năm Phụng Vụ. Lời Chúa chúng ta thực thi sứ mạng của mình bằng cách kết hiệp với Chúa Ki-tô trên con đường khổ nạn của Ngài.

Sống Lời Chúa: Trong Tuần Thánh, bạn gia tăng việc hy sinh hãm mình đồng thời quyết sống hiền lành khiêm nhường để cùng tham dự với Chúa Giê-su trong cuộc khổ nạn của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết vác lấy thập giá đời con để bước theo chân Chúa, xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con hoàn thành ơn gọi đời mình. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

6 THÁNG TƯ

Lớn Lên Trong Sự Mật Thiết Với Đức Kitô

Chúng ta cũng được mời gọi tin vào Đức Kitô qua lời rao giảng của Giáo Hội. Trong tư cách là thân thể của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi loan truyền cái chết cứu độ, cuộc Phục Sinh của Người và sự hiện diện thường xuyên của Người ở giữa chúng ta. Chính Đức Giêsu đã bảo đảm với chúng ta: “Này, Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Đức tin không qui chiếu nhiều đến một sự kiện quá khứ cho bằng tuyên bố rằng Chúa hằng sống và đang hiện diện giữa chúng ta. Tiên vàn, nó có nghĩa một mối thân tình gắn bó với Đức Kitô. Chúng ta phải có một sự kết hiệp mật thiết với Người. Đức Kitô phải trở thành ngày càng cắm rễ sâu hơn nơi chúng ta.

Càng lớn lên hơn, chúng ta càng cần tin hơn. Vì thế, mục đích của chúng ta phải là trở nên mật thiết hơn với Đức Kitô và gìn giữ mối thân tình với Người. Rồi, Người sẽ định dạng cuộc sống chúng ta – qua đó, chúng ta sẽ càng kết hiệp với Người nhiều hơn, sẽ hiểu biết Người nhiều hơn, và với tình yêu và lòng trung thành đối với Người, chúng ta sẽ tiến lên trong hành trình của chúng ta.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 06/4

Thứ Hai Tuần Thánh

Is 42, 1-7; Ga 12, 1-11.

Lời Suy Niệm: “Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.”

       Xức dầu thơm tại Bêtania là một việc làm đầy yêu thương và tôn kính Chúa Giêsu của cô Maria, nhưng Giuđa Ítcariốt đã không nhận ra mà lại lại viện cớ người nghèo để phủ nhận việc làm tốt của cô Maria.

       Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con khi thấy những công việc tốt của người anh em làm; có tâm tình yêu mến và tôn kính Chúa như cô Maria, để tạ ơn Thiên Chúa; và cất khỏi lòng chúng con cách nhìn của Giuđa Ítcariốt.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

06 Tháng Tư

Món Quà Cưới Ðẹp Nhất 

Mẹ Têrêxa thuật lại một câu chuyện như sau: “Một hôm kia, có một cặp vợ chồng trẻ đến thăm tu viện và trao tặng cho chúng tôi một khoản tiền lớn, bảo là để đóng góp vào việc chi phí mua thức ăn cho những người nghèo”.

Ở Calcutta, mọi người đều biết là: mỗi ngày, tất cả các cơ sở của dòng Nữ Tử Bác Ái truyền giáo chúng tôi phải cung cấp thực phẩm cho khoảng 9 ngàn người. Bởi lẽ đó, không lạ gì hai bạn trẻ này muốn dùng khoản tiền họ trao tặng vào mục tiêu trên.

Sau khi giải thích, Mẹ Têrêxa kể tiếp: thấy họ còn quá trẻ, tôi tò mò hỏi: “Hai con có thể cho Mẹ biết tiền đâu mà hai con có nhiều thế?”. Họ trả lời: “Chúng con vừa cưới nhau hai ngày. Trước ngày cưới, chúng con đã suy nghĩ nhiều và quyết định không may quần áo cưới, cũng không tổ chức yến tiệc linh đình. Thay vào đó, chúng con muốn dùng khoản tiền chi phí đám cưới đó để trao tặng cho những người không được may mắn như chúng con”.

Mẹ Têrêxa cắt nghĩa: “Ở Ấn Ðộ, đối với một người Hindu thuộc giai cấp thượng lưu khá giả, đám cưới mà không có quần áo cưới và tiệc cưới là điều nhục nhã. Vì thế chắc chắn mọi người, nhất là những kẻ có họ hàng với cặp vợ chồng trẻ đó đã rất lấy làm lạ và cho quyết định của họ là một việc tủi hổ cho cả hai gia đình đàng trai cũng như đàng gái”.
Ðể biết rõ thêm, Mẹ Têrêxa hỏi: “Tại sao chúng con lại quyết định táo bạo như thế, làm phật lòng cha mẹ, họ hàng?”. Hai bạn trẻ đó trả lời: “Chúng con yêu nhau tha thiết, vì thế chúng con muốn tặng nhau một quà cưới đặc biệt. Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống của chúng con bằng một hy sinh mà cả hai đều đóng góp vào”.

Trong sứ điệp Mùa Chay gửi toàn thể giáo hội, công bố vào ngày 09/02/1988, Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy đặc biệt quan tâm đến tình trạng mỗi ngày có hàng chục ngàn trẻ em trên thế giới bị chết yểu.

Ðức Thánh Cha nói: “Có những trẻ em chét trước khi chào đời. Nhiều em khác chỉ sống một thời gian ngắn vì bệnh tật, vì thiếu dinh dưỡng và nhiều khi thiếu cả tình thương nữa… Các em là nạn nhân của nghèo đói, của những bất công xã hội làm cho gia đình các em không đủ phương tiện cần thiết để nuôi dưỡng con cái”.

Ngoài ra, sứ điệp Mùa Chay của Ðức Thánh Cha còn nhắc lại tình thương đặc biệt của Chúa Giêsu đối với các trẻ em và Ngài mời gọi mọi tín hữu trong Mùa Chay hãy bẻ gãy xiềng xích của tính ích kỷ và tội lỗi, đồng thời thực thi tình liên đới, bằng cách chia sẻ với những người túng thiếu. Hãy cho người nghèo không phải những thứ mình dư thừa, nhưng cả những gì mình cần thiết nữa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai Tuần Thánh

Bài đọc: Isa 42:1-7; Jn 12:1-11.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người Tôi Trung thực thi sứ vụ tới cùng.

Chúng ta bước vào Tuần Thánh, Tuần cực trọng nhất của Năm Phụng Vụ. Các Bài Đọc tuần này tập trung hòan toàn vào Chúa Giêsu, Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ nghe tất cả Bốn Bài Ca về Người Tôi Trung của Thiên Chúa từ tiên tri Isaiah: Bài ca thứ nhất hôm nay, Bài ca thứ hai ngày mai, Bài ca thứ ba ngày thứ tư, và Bài ca thứ bốn trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Mỗi Bài ca cho chúng ta nhìn thấy những khía cạnh khác nhau của Người Tôi Trung; tổng kết tất cả bốn Bài ca cho chúng ta cái nhìn rõ ràng về con người và sứ vụ của Đức Kitô, Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Chúng ta có thể đối chiếu những điều này với những gì xảy ra cho Ngài trong tuần cuối cùng trên trần thế để biết rằng: Tất cả đã được sắp xếp bởi Thiên Chúa, mặc khải bởi tiên-tri Isaiah 700 năm trước công nguyên, và hòan thành bởi Đức Kitô.

Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah nói về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Người Tôi Trung, sứ vụ của Ngài là làm sáng tỏ đức công chính của Thiên Chúa, và cách Ngài đạt mục đích là qua thái độ khiêm nhường phục vụ, thương yêu mọi người, và trung thành đến cùng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thẳng thắn phê bình Judah để bảo vệ hành động yêu thương Chúa của Maria. Ngài không sợ âm mưu của bạo lực khi cho Lazarô sống lại từ cõi chết và dùng bữa với chị em ông tại Bethany.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Bài ca thứ nhất về Người Tôi Trung của Thiên Chúa:

1.1/ Liên hệ giữa Thiên Chúa và Người Tôi Trung: Đây không phải là một người thường, nhưng là Người được Thiên Chúa tuyển chọn: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.”

Thiên Chúa, Đấng sáng tạo mọi sự trong vũ trụ, Đấng trải rộng mặt đất với hoa màu tràn lan, Đấng ban hơi thở cho dân trên mặt đất, ban sinh khí cho toàn thể cư dân. Người phán thế này: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta.”

1.2/ Sứ vụ và cách đạt mục đích của Người Tôi Trung:

(1) Sứ vụ của Người Tôi Trung: làm sáng tỏ công lý của Thiên Chúa trước mặt muôn dân: “Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”

(2) Cách thi hành sứ vụ: Rất khác với cách của con người thường. Những đức độ của Người Tôi Trung được tiên tri Isaiah mô tả như sau:

– Khiêm nhường: “Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường.”

– Thương yêu: “Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.”

– Trung thành đến cùng: “Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khiển trách Judah Iscariot và bảo vệ hành động của Maria.

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bethany, nơi anh Lazarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Martha lo hầu bàn, còn anh Lazarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người.

2.1/ Hai con người với hai thái độ ngược nhau:

(1) Maria yêu Chúa không tính tóan: “Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.” Đây là lần thứ hai Maria được tường thuật ngồi dưới chân Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng Luca, cô được Chúa Giêsu khen, vì đã ngồi dưới dân Chúa để nghe lời Người trong khi chị Martha bận rộn để nấu ăn đãi khách. Cách cô tỏ tình yêu cho Chúa Giêsu cũng khác mọi người; điều này chứng tỏ khi con người sống trong tình yêu, họ có nhiều sáng tạo trong cách bày tỏ tình yêu của họ.

– Cô dám dùng tới một cân dầu thơm để xức chân Chúa Giêsu mà Judah uớc tính trị giá tới 300 quan tiền; thông thường người ta chỉ xức vài giọt nếu dầu thơm quí giá như vậy. Cô không tính toán với Chúa vì cô chắc chắn được Chúa cho biết sẽ không còn nhìn thấy Chúa trên cõi dương gian này nữa. Cô có lẽ là người yêu thương và hiểu biết Chúa hơn cả trong tuần lễ cuối cùng của Ngài trên dương gian.

– Tóc rất quí với phụ nữ và họ chăm sóc chải chuốt nó mỗi ngày; thế mà cô lại dùng tóc để lau chân Chúa thay vì dùng khăn như thói thường. Hành động này chứng tỏ tình yêu của cô dành cho Chúa. Thông thường người phụ nữ rất kín đáo khi tỏ tình yêu, cô Maria can đảm làm những điều này trước mặt mọi người.

(2) Judah Iscariot luôn tính tóan và phê bình: Thấy hành động của cô, một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Judah Iscariot, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” Judah được Chúa và các tông đồ trao cho sứ vụ quản lý. Nếu cô Maria muốn giúp người nghèo, 300 quan tiền đó chắc chắn sẽ được trao cho hắn. Thánh sử Gioan có lẽ đã biết tính tình của Judah nên chú thích: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.” Vì Judah không ở trong tình yêu nên không biết tình yêu là gì! Khi một người so sánh tình yêu với tiền bạc, người đó không hiểu giá trị của tình yêu.

2.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu và các thượng tế:

(1) Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” Chúa biết ngày Ngài sắp chết đã gần kề và Ngài biết ý định của Maria khi cô làm những hành động này. Chỉ có ai ở trong tình yêu mới hiểu nổi ý tưởng của nhau mà người ngọai cuộc không bao giờ hiểu được. Chúa Giêsu trưng dẫn lý do xác đáng để bênh vực hành động của Maria: con người không có Chúa Giêsu mãi mãi.

(2) Phản ứng của các thượng tế: Biến cố hôm nay xảy ra sau khi Chúa Giêsu đã làm một phép lạ cả thể: cho Lazarô đã chết 3 ngày sống lại. Đó là lý do trình thuật kể: “Một đám đông người Do-thái biết Chúa Giêsu đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Chúa Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh Lazarô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết.” Khi nhìn thấy đám đông, các thượng tế quyết định giết cả Chúa Giêsu lẫn Lazarô, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Chúa Giêsu.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Giống như Chúa Giêsu được Thiên Chúa trao cho một sứ vụ khi vào cuộc trần này, mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa trao cho một sứ vụ. Chúng ta hãy tìm ra sứ vụ đó để thi hành tới cùng.

– Cách thức của Thiên Chúa rất khác với cách thức của con người. Để thực thi sứ vụ, Ngài đòi chúng ta phải khiêm nhường phục vụ, trung thành yêu thương, và chấp nhận gian khổ.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************