Ngày thứ hai (06-06-2022) – Trang suy niệm

05/06/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần X Mùa Thường Niên Năm chẵn

Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội

Bài đọc I St 3,9-15.20

“Mẹ của toàn thể chúng sinh”

Bài trích sách Sáng thế.

Sau khi Ađam ăn trái cấm, Chúa là Thiên Chúa đã gọi ông và nói cùng ông rằng: “Ngươi ở đâu vậy?”

Ông thưa: “Con nghe tiếng Ngài trong vườn, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con ẩn núp”.

Chúa hỏi ông: “Ai đã cho ngươi biết ngươi đang trần truồng? Có phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi ăn không?”

Ađam thưa: “Người phụ nữ mà Ngài đã cho làm bạn với con, chính bà ấy đã cho con trái cây và con đã ăn”.

Chúa là Thiên Chúa nói cùng người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi làm điều đó?”

Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con, và con đã ăn”.

Chúa là Thiên Chúa phán cùng con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi là thứ bị chúc dữ giữa mọi súc vật và thú hoang! Mi sẽ bò bằng bụng và sẽ ăn bụi đất suốt đời mi. Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà, người miêu duệ này sẽ đạp đầu mi, còn mi sẽ cắn gót chân người”. Rồi Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh. Ðó là Lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 86 (87) 1-2.3 và 5.6-7

Đáp: Hỡi thành đô của Thiên Chúa, mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.

1) Nền móng Sion được đặt trên núi thánh, Chúa yêu chuộng cửa thành hơn mọi nơi cư ngụ của nhà Giacob. Hỡi thành đô của Thiên Chúa. Mọi người truyền tụng những điều hiển hách về thành.  – Đ

2) Nói đến Sion, thiên hạ bảo: “Tại đó, người người đã sinh ra, chính Ðấng Tối Cao củng cố thành”. – Ð.

3) Thiên Chúa ghi vào sổ bộ các dân: “Kẻ này người nọ đã sinh ra tại đó”, và họ múa nhảy hát ca: “Mọi nguồn mạch của tôi ở nơi thành”. – Ð.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Kính chào Ðức Trinh Nữ diễm phúc, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu. Kính chào Mẹ Hội Thánh, Mẹ là Ðấng giữ gìn trong chúng con Thần Khí của Thánh Tử Giêsu Kitô. Alleluia! 

PHÚC ÂM: Ga 19: 25-34

“Đây là mẹ của anh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. 

Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

06/06/2022 – THỨ HAI SAU LỄ HIỆN XUỐNG

Đức Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh

Ga 19,25-34

ĐÂY LÀ MẸ CỦA CON

Khi thấy thân mẫu và người môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.”  (Ga 19,26-27a)

Suy niệm: Thật đẹp khi lịch Phụng vụ của Giáo hội mừng kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a liền sát với việc cử hành những mầu nhiệm trọng đại của công cuộc cứu độ. Kết thúc tuần bát nhật Giáng sinh, chúng ta ca tụng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa nhập thể làm người. Ngày thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khai sinh Giáo Hội, chúng ta cũng kính mừng thiên chức của Mẹ là Mẹ Hội Thánh. Thiên Chúa mời gọi Mẹ tham gia vào công cuộc cứu độ không phải bằng những danh hiệu, mà bằng cả cuộc sống theo sát Chúa Giê-su trong tin yêu và vâng phục. Nơi hang đá, Mẹ đã sinh Đấng Cứu Thế cho cả nhân loại. Giờ đây, dưới chân thập giá, Mẹ đón nhận những người tin vào Đức Ki-tô được qui tụ trong Hội Thánh làm con của Mẹ.

Mời Bạn: Hội Thánh ngay từ buổi đầu khai sinh cho đến ngày nay và cho đến tận thế vẫn luôn có Mẹ là Hiền Mẫu đồng hành chăm sóc giữ gìn. Noi gương Mẹ và cùng với Mẹ chúng ta bước đi trong niềm vâng phục thánh ý Chúa trong cuộc đời mình để góp phần thánh hóa thế giới và đem ơn cứu độ cho con người.

Sống Lời Chúa: Trong sứ mạng là Mẹ Hội Thánh, mỗi lần hiện ra, Đức Ma-ri-a đều kêu gọi chúng ta lần chuỗi Mân côi để cầu cho hoà bình thế giới. Chúng ta gia tăng việc lần chuỗi Mân Côi của mỗi cá nhân, trong gia đình, cộng đoàn để đáp lại lời kêu gọi đó của Mẹ.

Cầu nguyện: Đức Bà phù hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con. Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh, cầu cho chúng con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Đức Đạt-lai Lạt-ma, vào mùa thu năm 1994 tại thủ đô nước Anh,

đã được mời chia sẻ về giáo huấn của Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng.

Một trong những bài chia sẻ đầu tiên là về các Mối Phúc.

Theo ngài các Mối Phúc dường như nói về nghiệp (karma), về nhân quả.

“Nếu bạn hành động như thế, thì bạn sẽ chịu hậu quả như thế.

Nếu bạn không hành động như thế, thì bạn cũng chẳng chịu hậu quả như thế.

Vậy rõ ràng nguyên lý nhân quả nằm ở trong giáo huấn của các Mối Phúc.”

Thật ra các Mối Phúc của Kitô giáo lại không bắt nguồn từ nguyên lý nhân quả,

dù mới đọc ta có cảm tưởng như vậy.

Các Mối Phúc bắt đầu bằng chữ “Phúc thay”,

kế đến nói lên ai là người được hưởng phúc ấy,

cuối cùng nêu lên lý do hay nền tảng của hạnh phúc ấy bằng chữ “vì”.

Hạnh phúc đích thật của người Kitô hữu không phải là “quả” tự nhiên

do “nhân” là việc lành phúc đức của họ.

Dù sống tốt đến mấy đi nữa, thì “nhân” ấy cũng không thể sinh “quả” ấy được.

“Quả” hạnh phúc của Kitô giáo là quà tặng lớn của Thiên Chúa cho con người.

Điều này được diễn tả qua những lối dùng động từ ở thể thụ động :

“sẽ được ủi an, sẽ được no thỏa, sẽ được xót thương, sẽ được gọi.”

Trước khi giảng về các Mối Phúc, Đức Giêsu đã loan báo :

“Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần bên” (Mt 4, 17).

Nước Trời người Do thái mong đợi đã đến với sự hiện diện của Đức Giêsu.

Quà tặng nhưng không của Thiên Chúa đã được trao ban,

chẳng phải do công sức của con người.

Hãy mở lòng ra đón lấy Nước ấy bằng cách hối cải, bỏ đời sống cũ.

Nhưng hơn thế nữa, còn phải đón nhận một lối sống mới cho phù hợp.

Bài giảng trên Núi, và các Mối Phúc, cho thấy hướng sống

của những ai muốn đón nhận quà tặng Nước Trời với bao hạnh phúc kèm theo.

Để nhận được quà tặng vô giá ấy, để được hưởng hạnh phúc vô bờ ấy,

cần cung kính đưa hai tay để đón lấy với lòng khiêm hạ và biết ơn.

Sống theo các Mối Phúc là có thái độ trân trọng cung kính ấy.

Không đưa tay thì cũng chẳng được quà.

Nhưng không phải cứ đưa tay là có quà,

nếu Thiên Chúa không muốn cho trước khi ta xin.

Kitô giáo không dựa trên nguyên lý nhân quả.

Cung kính đưa tay là sống nghèo khó, cậy dựa vào Thiên Chúa,

là hiền lành, là chịu sầu khổ, chịu bách hại vì Đức Kitô.

Cung kính đưa tay là có lòng thương xót, có tinh thần xây dựng hòa bình,

là làm tất cả mọi sự với quả tim trong sáng, không chút vẩn đục.

Khi làm như thế chúng ta hy vọng được chạm đến Thiên Chúa,

thậm chí được nếm biết Nước Trời ngay từ đời này (cc. 3. 10).

Chúng ta có thể viết thêm những mối phúc mới

qua những kinh nghiệm trong cuộc đời Kitô hữu.

Có bao niềm vui lớn nhỏ mỗi ngày mà ta cảm nhận khi sống lời dạy của Giêsu.

Chỉ khi ấy ta mói thấy thật sự lời của Ngài là Tin Mừng.

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu thương mến,

xin ban cho chúng con

tỏa lan hương thơm của Chúa

đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

để những người chúng con tiếp xúc

cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

không phải bằng lời nói suông,

nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

6 THÁNG SÁU

Những Hữu Thể Siêu Việt

Công Đồng Vatican II nói về nguồn gốc con người trong công cuộc sáng tạo: “Con người duy nhất với xác và hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế nhờ con người mà những yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng” (MV 14).

Rồi sau đó, các Nghị Phụ của Công Đồng tuyên bố: “Thực vậy, con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên… Bởi vì, nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật.”

Như vậy. ta thấy rằng sự thật về duy nhất tính và lưỡng diện tính của bản tính con người có thể được trình bày bằng một ngôn ngữ có thể hiểu được đối với thế giới ngày nay.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 06/6

ĐỨC TRINH NỮ MARIA, MẸ HỘI THÁNH.

St 3, 9-15. 20; Ga 19, 25-34.

LỜI SUY NIỆM: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con Bà. Rồi người nói với môn đệ: Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.”

          Trong ngày kính lễ “Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Hội Thánh” Giáo Hội cho con cái của mình nghe lại lời Kinh Thánh mà Thánh Gioan Tông Đồ đã chứng kiến và ghi lại lời trăn trối của Chúa Giêsu: “Thưa Bà, đây là con Bà. Rồi người nói với môn đệ: Đây là mẹ của anh.” Và sau lời trăn trối đó Đức Mẹ và thánh Gioan đã đón nhận thánh ý của Người: “người môn đệ rước bà về nhà mình.”.

          Lạy Chúa Giêsu. Thật là hạnh phúc cho chúng con là những gia đình Công Giáo Việt Nam, trên bàn thờ của mọi gia đình chúng con đều có sự hiện diện của Đức Mẹ; Mẹ của Giáo Hội cũng là Mẹ của gia đình chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 06-06: Thánh NÔBERTÔ

Giám Mục (1080 – 1134)

Thánh Noberto sinh khoảng năm 1080 tại Xanten, Ngài là con út trong một gia đình vương giả và có họ với nhà vua. Theo truyền thống cao thượng, Ngài đã được dự tính cho làm linh mục. Nhưng thời còn niên thiếu, Noberto đã sống quá xa lý tưởng. Giàu có của cải cũng như dồi dào sinh hư, lại có bản chất dễ dãi, Noberto cho mình vào những buổi lễ linh đình và những cuộc vui chơi thế gian. Không bao giờ một ý tưởng đứng đắn lại có thể xóa tan được những ảo tưởng Ngài nuôi dưỡng trong lòng.

Điều may mắn là khi ham vui như vậy, Ngài vẫn không sao nhãng việc học hành. Nhờ vậy, Noberto thông hiểu mọi khoa học, vua Henty mến chuộng Noberto và thâu dụng vào triều đình. Tuy nhiên Noberto vẫn tiếp tục nếp sống xưa. Biết rằng: chỉ có nhân đức mới mang lại hạnh phúc cho tâm hồn, nhưng Noberto lại yêu chuộng “xiềng xích” và không can đảm bẻ gãy được.

Một ngày kia Noberto cỡi ngựa đến một làng ở miền Wesphale. Ngài dẫn theo một giai nhân đi tìm thú vui. Khi đến giữa một đồng cỏ thì một cơn giông tố nổi lên sấm chớp dữ dằn. Khó tìm được một nơi trú ngụ, nên Ngài phi ngựa nước rút mong sớm tới đích. Nhưng một cú sét đánh ngay vào chân ngựa. Con vật hoảng hốt hất tung Kỵ sĩ xuống đất. Noberto nằm bất tỉnh tại chỗ như chết trong một giờ. Tỉnh dậy Noberto kêu lên như thánh Phaolô ngày trước: – Lạy Chuá, Chúa muốn con làm gì ?

Một tiếng nói bên trong đáp lại: – Hãy tránh sự dữ và làm điều lành.

Noberto chỗi dậy và quyết đền bù đời sống đã qua. Khi trở lại triều đình , Ngài trở về Xanten, sống những thinh lặng nội tâm, mặc áo nhặm và dành trọn thời gian cho viêc suy gẫm cầu nguyện. Từ đó, Ngài đã không còn đặt một giới hạn nào cho bậc trọn lành nữa, Ngài đã dành hai năm sám hối để dọn mình chịu chức linh mục và chỉ dâng thánh lễ đầu tiên sau 40 ngày chuẩn bị trực tiếp, Ngài bán hết mọi của cải, phân phát cho người nghèo rồi đi chân không đến xin Đức giáo hoàng ban quyền cho đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Những bài giảng nhất là chính đời sống gương mẫu của Ngài đã tạo nên được nhiều cuộc hối cải là lùng. Chính trong khi thực hiện nỗ lực tông đồ này mà thánh Noberto đã thiết lập tu viện ở Premontré, thường được gọi là dòng áo trắng.

Năm 1126, Noberto được đặt làm Tổng giám mục tại Magdburg. Đức tân giám mục vẫn không giảm bớt khắc khổ đi chân không, Ngài nỗ lực đổi mới giáo phận với nhiệt tâm của một thánh nhân bậc nhất. Trong nỗ lực ấy, Ngài phải chịu dựng biết bao là khó khăn, người ta tìm cách cản trở đến độ muốn mưu sát Ngài, nhưng lòng quả cảm và sự nhẫn nại đã đưa Ngài tới thành công. Trong một ít năm, Ngài đã sửa lại được những lạm dụng và làm cho mọi chỗ nên đạo đức hơn. Ngài thường nói: – Tôi đã ở trong triều đình đã rút vào đơn độc, đã được dặt nhiều chức vụ, nhưng tôi đã không tìm thấy được điều gì đẹp hơn là được phụng sự Chúa và thuộc trọn về Ngài.

Ở vào địa vị tổng giám mục, thánh Noberto từ đây cũng ảnh hưởng tới Giáo hội ngày càng nhiều hơn. Ngài là bạn của thánh Bernadô và đã giúp đỡ thánh nhân chống lại giáo hoàng giả Anacletus, Ngài cũng đã thành công trong việc chống lại lạc thuyết của Chúa trong bí tích Thánh Thể.

Sau bao nhiêu nỗ lực để đổi mới lòng đạo đức trong giáo phận thánh Noberto qua đời vì kiệt sức vào năm 1134.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

06 Tháng Sáu

Tuần Hành Chống Lại Sợ Hãi

Buổi sáng ngày 06 tháng 6 năm 1966. Trương cao biểu ngữ với tựa đề: Tuần Hành Chống Lại Sợ Hãi, một người da đen 32 tuổi đã bước xuống quốc lộ thứ 51 của thành phố Memphis thuộc tiểu bang Mississipi bên Hoa Kỳ. Tiểu bang Mississipi có tất cả một triệu người da đen. Mặc dù luật pháp Hoa kỳ bảo đảm cho mọi người công dân, không phân biệt chủng tộc và địa vị xã hội, quyền được bỏ phiếu, trong thực tế chỉ có 100 ngàn người da đen đủ can đảm thi hành quyền này. Con số còn lại, vì sợ hãi bởi nhiều sức ép khác nhau đã không dám đi bỏ phiếu.

James Meredith, người thanh niên da đen nói trên, đã tuyên bố: “Chúng ta cần phải giải thoát khỏi những sợ hãi do người da trắng tạo ra. Tôi sẽ tuần hành từ Memphis đến thủ phủ của tiểu bang để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng một người da đen có quyền sống và đi lại, tôi muốn thắng vượt nỗi sợ hãi và những đe dọa do những người phân biệt chủng tộc tạo nên”.

Trong phút chốc, nhiều người, kể cả những người da trắng, đã ra khỏi nhà và tuần hành bên cạnh Meredith. Meredith tâm sự với một vị mục sư đi bên cạnh như sau: “Thoạt tiên, tôi định mang theo một khẩu súng. Nhưng cuối cùng, tôi quyết định mang theo một khí giới duy nhất: đó là quyển Kinh Thánh”.

Meredith dự định băng qua 350 cây số để đến tiểu phủ của tiểu bang, nhưng chưa đầy một ngày đường, anh đã bị một người da trắng quá khíh bắn ngã gục. Phát súng định mệnh đó làm rung động toàn thể nước Mỹ.
Giữa lúc Meredith đang nằm điều trị tại một nhà thương, từng đoàn người đến thăm và ủng hộ sáng kiến của anh. Sự sợ hãi giờ đây nhường chỗ cho một phong trào đang vươn lên với đầy khí thế…

Mục sư Martin Luther King, giải thưởng Nobel về Hòa Bình và là thủ lãnh của phong trào tranh đấu bất bạo động của người da đen tại Hoa Kỳ, đã ngỏ lời với từng trăm ngàn người đang đứng trước cửa bệnh viện Memphis như sau: “Cuộc tuần hành chống lại sợ hãi sẽ không bao giờ chấm dứt. Chúng ta sẽ xuống đường lại ngay mà nơi Meredith đã bị bắn gục. Con đường từ Memphis đến Jackson chỉ dài độ 350 cây số. Nhưng xiềng xích của sợ hãi và đe dọa mà chúng ta muốn bẻ gãy lại còn dài gấp bội”.

Những người da đen bên Hoa Kỳ đã phải trải qua những năm tháng dài dưới sự đe dọa và sợ hãi. Sợ hãi là tâm trạng thường tình của những ai đang sống trong đe dọa, bất an.

Không biết mình sẽ bị bắt giữ lúc nào, không biết mình sẽ được phóng thích lúc nào, không biết mình có đủ cơm ăn áo mặc cho ngày mai không, không biết tương lai của con em mình sẽ như thế nào, không biết niềm tin của mình rồi ra có còn đứng vững trước những đe dọa không. Từng nỗi hoang mang ấy khiến ai trong chúng ta cũng đã một lần trải qua sợ hãi.

Chúa Giêsu, trong những giây phút nguy ngập nhất đã trấn an các môn đệ của Ngài: “Các con đừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian”. Nghĩ đến cuộc khổ nạn đang chờ đợi ở trước mắt, Chúa Giêsu đã run rẩy sợ hãi đến độ toát mồ hôi máu. Nhưng cuối cùng, Ngài đã thắng vượt tất cả bằng khí giới của Tình Thương. Tình Thương là sức mạnh của Ngài trong bao thử thách… Meredith đã không mang theo súng đạn để trấn an chính mình, anh chỉ mang theo một quyển Kinh Thánh. Phải, bởi vì Kinh Thánh là biểu hiện của Tình Thương.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

ĐỨC TRINH NỮ MARIA LÀ MẸ GIÁO HỘI – Thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống

Bài đọc: Gen 3:9-15, 20; Jn 19:25-34

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Trinh Nữ Maria, Evà mới, là Mẹ của Giáo Hội.

          Tại sao Giáo Hội muốn chúng ta mừng ngày hôm nay : Đức Trinh Nữ Maria, Evà mới, là Mẹ của Giáo Hội ngay sau Lễ Hiện Xuống ? Chúng ta biết Lễ Hiện Xuống đánh dấu sự sinh ra chính thức của Giáo Hội vì các tông đồ và môn đệ của Chúa Giêsu cùng với Mẹ Maria là những phần tử đầu tiên của Giáo Hội, được đầy tràn ân sủng của Chúa Thánh Thần đã tung cửa ra đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ theo như ý muốn của Chúa Giêsu.

          Nhưng Giáo Hội này có liên quan gì với những con người đầu tiên, Adong và Evà? Chúng ta học được sự liên quan này trong chương 5 của Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma: Bởi tội của một người mà loài người phải chết thì cũng bởi sự vâng phục của một người mà loài người được cứu độ (Adong và Chúa Giêsu). Adong phạm tội là do sự xui giục của Bà Evà; Chúa Giêsu được sinh là do lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria.

          Hai bài đọc hôm nay được chọn rất khéo để làm sáng tỏ Kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Bài đọc I nói lên sự hủy hoại của những gì cao đẹp Chúa dựng nên cho con người qua sự bất tuân của hai con người đầu tiên – Adong và Evà. Evà được gọi là “mẹ của chúng sinh” (nhân loại). Bài Phúc Âm nói lên sự trung thành và vâng phục của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Chúa muốn Đức Mẹ là Mẹ của các tông đồ Chúa đã chọn để tiếp tục công việc cứu độ của Ngài; và như thế Mẹ Maria cũng chính thức là Mẹ của Giáo Hội.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Vì sự bất tuân của cặp vợ chồng đầu tiên – Adong và Evà – mà tội lỗi đã đột nhập vào thế gian và làm cho tất cả mọi người phải chết.

1.1/ Sự bất tuân của Evà và Adong: Sách Khởi Nguyên tường thuật sự sa ngã của Nguyên Tổ và phản ứng của họ khi phải đương đầu với Thiên Chúa như sau : ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu? “10 Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.”11 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”

          – Ông Adong thưa : “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.”13 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”

          – Bà Evà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.”

1.2/ Hình phạt do sự bất tuân: Đức Chúa đã ra các hình phạt sau đây cho 3 can phạm :

(1) Adong: Ba hình phạt Ông phải chịu :

          – Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng.

          – Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn.

          – Phải chết : Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.

(2) Evà: Ba hình phạt Bà phải chịu :

          – Mang nặng đẻ đau : Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con.

          – Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi và nó sẽ thống trị ngươi.

          – Phải chết : Đây là điều được hiểu ngầm vì Bà Evà cũng từ đất mà ra.

(3) Con rắn: cũng phải chịu ba hình phạt :

          – Phải bò bằng bụng ;

          – Phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời ;

          – Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.

          Ai là người đàn bà mà Đức Chúa đã gây mối thù với con rắn ? Đây chính là Mẹ Maria mà Thiên Chúa đã báo trước cho nhân loại. Ai là dòng giống của Mẹ Maria ? Đây chính là Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Ngài. Trong cuộc chiến đấu, Thiên Chúa đã tuyên bố trước phần chiến thắng sẽ thuộc về Chúa Giêsu và Đức Mẹ khi nói : Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.

          Sau đó, ông Adong đặt tên cho vợ là Evà (hawah), vì bà là mẹ của chúng sinh (tất cả sinh linh – hay).

2/ Phúc Âm : Vì sự vâng phục của Đức Mẹ và của Chúa Giêsu cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên Thập Giá mà Thiên Chúa đã tha mọi tội và cất đi bản án chết cho nhân loại.

2.1/ Vì lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria mà Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa đã thụ thai trong lòng Trinh Nữ Maria.

          Chúng ta đọc thấy sự vâng phục của Đức Trinh Nữ Maria khi sứ thần Gabriel đến truyền tin cho Mẹ: Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi (Lk 1:38). Ngay khi Mẹ Maria thưa hai tiếng “Xin Vâng,” Thánh Tử Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm và bắt đầu công trình cứu độ loài người; hủy bỏ tội và bản án chết do ông Adong và bà Evà gây ra.

          Sự vâng lời của Mẹ Maria không chỉ giới hạn trong biến cố Truyền Tin, nhưng cả cuộc đời của Mẹ là lời thưa “Xin Vâng” với Thiên Chúa cho dẫu gặp bao nhiêu vất vả, khó khăn và đau khổ. Mẹ chấp nhận tất cả và đồng hành với Con mình cho đến đồi Golgotha và đứng dưới Thập Giá để cùng chịu đau khổ với con. Không những thế, Mẹ còn vâng lời Con để chấp nhận làm Mẹ của người tông đồ được Chúa Giêsu yêu, hình ảnh của Giáo Hội tương lai. Trong Giáo hội này, có những đứa con đáng yêu làm theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, nhưng cũng không thiếu những đứa con ngỗ nghịch vẫn còn gây nên những vết thương đâm thấu trái tim Mẹ, như lời cụ già Simêon đã tiên báo. Mẹ chấp nhận tất cả vì yêu Chúa Giêsu con Mẹ và yêu loài người cũng là con của Mẹ. Tóm lại, Mẹ thưa lời “Xin Vâng” với Thiên Chúa và trung thành vâng lời đến cùng.           

2.2/ Vì công nghiệp của Cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu mà Thiên Chúa đã cất đi bản án chết và phục hội địa vị làm con cho loài người (Rom 5:12-19).

          Thánh Phaolô trong Thư gởi các tín hữu Rôma là người đầu tiên nhận ra sự liên hệ giữa tội của Nguyên Tổ và công trình cứu độ của Chúa Giêsu. Ngài nói: “12 Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. 15 Nhưng sự sa ngã của Adong không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rom 5:12-15).

          Giống như ông Adong phạm tội là do sự cám dỗ của bà Evà, công trình cứu độ của Chúa Giêsu được thực hiện là do lời thưa “Xin Vâng” của Đức Mẹ. Giống như bà Evà là nguyên nhân cho sự sa ngã của ông Adong, Mẹ là nguyên nhân cho công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu. Nếu Đức Mẹ đã thông phần đau khổ với Chúa Giêsu thì Mẹ cũng thông phần vinh quang với Con của mình.

          Thánh Phaolô kết luận chương 5, Thư gởi tín hữu Rôma bằng những lời này: “Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống.19 Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rom 5:18-19).

2.3/ Vì ý muốn của Chúa Giêsu và sự vâng phục của Mẹ và người môn đệ mà Chúa Giêsu thương mến. Đức Trinh Nữ Maria đã trở nên Mẹ của Giáo Hội do Chúa Giêsu thành lập.

          Thánh Gioan tường thuật việc Chúa Giêsu đặt Mẹ Maria làm Mẹ Giáo Hội dưới chân Thánh Giá cách đơn giản: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” (Jn 19:26-27)       

          Như thánh Irênê đã nói: “Do sự tuân phục của mình, Mẹ đã trở thành nguyên nhân ơn cứu độ cho bản thân Mẹ và cho toàn thể nhân loại.” Cùng với thánh Irênê, nhiều Giáo Phụ xưa kia đã nói: “Cái thắt nút do sự bất tuân của Evà đã được tháo cởi do sự vâng phục của Đức Maria; cái mà trinh nữ Evà đã buộc lại do sự thiếu niềm tin, thì Trinh Nữ Maria đã tháo cởi do niềm tin của mình. So sánh Đức Maria với bà Evà, các Giáo Phụ gọi Đức Maria là “Mẹ các sinh linh” (mẹ các người sống) và thường tuyên bố rằng: “Do Evà có sự chết, do Maria, có sự sống.” (LG 56)

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Do ý muốn của Thiên Chúa, Bà Evà đã trở thành mẹ của chúng sinh tội lỗi. Do ý muốn của Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria đã trở thành Mẹ của Giáo Hội, Mẹ của nhân loại đã được tẩy rửa sạch tội bằng nước và máu châu báu của Chúa Giêsu.

– Tội bất tuân Thiên Chúa gây ra muôn vàn khổ đau cho ông Adong, bà Evà và toàn thể nhân loại. Sự vâng lời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã lấy đi tội lỗi và án tử cho con người. Chúng ta phải biết noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria để trung thành vâng lời Thiên Chúa cho đến cùng những gì chúng ta đã hứa với Thiên Chúa.

– Mẹ Maria luôn yêu thương quan tâm đến mọi con cái và chuyển cầu cách đắc lực cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Chúng ta hãy luôn nhớ đến Mẹ và xin Mẹ che chở và chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************