Ngày thứ hai (15-01-2024) – Trang suy niệm

14/01/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai tuần 2 Thường Niên – Năm B

BÀI ĐỌC I: 1 Sm 15, 16-23

“Vâng lời thì tốt hơn của lễ. Chúa truất phế không cho ông làm vua nữa”.

Bài trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Samuel nói cùng Saolê rằng: “Thôi! Tôi sẽ tuyên bố cho ông những điều Thiên Chúa đã nói với tôi trong đêm qua”. Và Saolê đáp: “Ngài cứ nói”. Samuel liền nói: “Khi ông tự thấy ông còn bé nhỏ, há ông đã chẳng được đặt làm thủ lãnh các chi họ Israel sao? Và Thiên Chúa đã chẳng xức dầu phong ông làm vua Israel sao? Chúa đã sai ông lên đường và nói: “Hãy đi giết quân Amalec tội lỗi, và hãy giao chiến với chúng cho đến khi tận diệt chúng”. Tại sao ông không nghe lời Chúa, mà lại chạy theo chiến lợi phẩm và làm điều tội lỗi trước mặt Chúa như vậy?” Saolê nói với Samuel: “Vâng, tôi đã nghe lời Chúa, đã đi trên đường Chúa sai tôi, đã bắt Aga vua Amalec, và tàn sát dân Amalec. Nhưng trong các chiến lợi phẩm, dân chúng đã lấy chiên bò, những vật nhất hạng họ cướp được để tế lễ Chúa là Thiên Chúa của họ tại Galgalê”. Samuel nói: “Này Chúa ưa thích của lễ toàn thiêu và hy lễ hơn sự vâng lời Chúa ư? Vì vâng lời thì tốt hơn của lễ, và tuân lệnh thì cao đẹp hơn dâng mỡ cừu; vì phản bội thì giống như tội tà thuật, còn ngoan cố thì giống như tội thờ bụt thần. Vậy bởi ông khinh bỉ lời Chúa, nên Chúa truất phế không cho ông làm vua nữa”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 49, 8-9. 16bc-17. 21 và 23.

Đáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).

1) Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận tự nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận tự đoàn chiên ngươi những con dê đực. (2) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? (3) Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.

ALLELUIA: Tv 144, 13cd

All. All. – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – All.

PHÚC ÂM: Mc 2, 18-22

“Tân lang còn ở với họ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

15/01/2024 – THỨ HAI TUẦN 2 TN

Mc 2,18-22

VỚI CẢ TẤM LÒNG VÌ CHÚA

Có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Mc 2,18-19)

Suy niệm: Có một số người thắc mắc rằng tại sao các môn đệ không ăn chay giống như môn đệ Gio-an Tẩy giả hoặc như người Pha-ri-sêu. Chúa trả lời cho họ rằng ăn chay không phải là phong trào, thấy người khác ‘ăn’, mình cũng ‘ăn’ cho giống với họ. Ăn chay ở đây là một hành vi tôn giáo, một việc đạo đức, nó chỉ có ý nghĩa, giá trị khi qui hướng về Chúa, khi được làm vì Chúa, cho Chúa mà thôi. Cũng như khách dự tiệc không ăn chay khi chàng rể còn ở với họ, các môn đệ cũng thế, không thể đau buồn khi đang ở bên Chúa là Nguồn Vui. Đối lại, khi Đức Ki-tô, “chàng rể của họ bị đem đi” trong cuộc Thương Khó, họ không chỉ ăn chay, mà còn “vác thập giá mình mà đi theo Ngài”.

Mời Bạn: Chúa Giê-su luôn chống lại những thực hành tôn giáo chỉ có hình thức bên ngoài, hoặc theo thói quen, rập khuôn cách máy móc mà không có ý thức và tâm tình xứng hợp, như Ngài từng dẫn lời ngôn sứ I-sai-a để nói về họ: “dân này thờ Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15,8). Rượu mới thì bầu da cũng phải mới. Tinh thần mới của giao ước mới là làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa và để vinh danh Chúa mà thôi.

Sống Lời Chúa: Tập thói quen làm mọi việc đều qui hướng về Chúa bằng cách trước khi làm việc gì, dành một khoảnh khắc thinh lặng, làm Dấu Thánh giá hoặc dâng lên Chúa một lời nguyện tắt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý Chúa. A-men.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Một trong những nét khác biệt giữa Gioan Tẩy Giả với Đức Giêsu 
là sự khắc khổ nhiệm nhặt.
Gioan được coi là người “không ăn bánh, không uống rượu” (Lc 7, 33).
còn Đức Giêsu bị mang tiếng là “tay ăn nhậu” với quân thu thuế (Lc 7, 34).
Chúng ta đã từng thấy ngài ăn tại nhà ông Lêvi hay ông Dakêu.
Các người Pharisêu cũng là những người thích ăn chay nhiều lần trong tuần,
dù ngày ăn chay chính thức hàng năm của đạo Do-thái chỉ là ngày lễ Xá tội.

Như thế có sự khác biệt khá rõ giữa môn đệ của Đức Giêsu
với môn đệ của Gioan Tẩy Giả và môn đệ của người Pharisêu.
Một bên có vẻ thoáng và thoải mái, một bên thì khắc khổ nhiệm nhặt.
“Tại sao môn đệ của ông lại không ăn chay ?”
Có người đã dám hỏi thẳng Đức Giêsu như thế.
Ngài đã trả lời bằng một cách dùng một hình ảnh dễ hiểu và đầy ý nghĩa.
Vào thời Đức Giêsu, tại Paléttin, cũng như tại nhiều vùng quê ngày nay,
đám cưới là một biến cố mừng vui có tính làng xã.
Chẳng thể nào hiểu được chuyện một người đi ăn cưới
với khuôn mặt buồn của kẻ đang ăn chay.

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay,
khi chàng rể còn ở với họ”
Đức Giêsu tự ví mình với chàng rể, còn môn đệ là khách dự tiệc cưới.
Bầu khí trong nhóm môn đệ của ngài là bầu khí vui tươi của một lễ thành hôn
bởi lẽ thời đại thiên sai đã đến rồi.
Đức Giêsu, Đấng Mêsia dân Ítraen mong đợi từ lâu, nay có mặt.
Ngài là chàng rể kết duyên với cô dâu là dân tộc Ítraen của ngài.
Đức Giêsu đã làm trọn điều các ngôn sứ nói trong Cựu Ước
về việc Thiên Chúa lập hôn ước với dân của Người (Hs 2, 21-22; Is 62, 4-5).

“Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay.”
Sau khi Đức Giêsu chịu cái chết dữ dằn, được phục sinh và lên trời,
Giáo hội bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn chờ đợi ngài quang lâm.
Trong giai đoạn này, khi Chúa Giêsu vừa vắng mặt, vừa hiện diện,
Các Kitô hữu ăn chay, vác thánh giá theo Chúa Giêsu,
dù họ vẫn luôn sống trong niềm vui, bởi tin vào Đấng đã phục sinh vinh hiển.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm vui
của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,
có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.
Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

15 THÁNG GIÊNG

Đời Sống Gia Đình Củng Cố Cấu Trúc Xã Hội

Như chúng ta thấy, gia đình – trong tư cách là “xã hội thứ nhất” – có những đòi hỏi tự nhiên của riêng nó và không thể bị o ép bởi các ý thức hệ hoặc bởi những đòi hỏi cá biệt nào đó của xã hội. Thật vậy, trách nhiệm của xã hội là phải gìn giữ và hỗ trợ gia đình bằng cách thiết lập những khoản luật và chế định những giá trị luân lý để phục vụ cho thiện ích chung. Bất cứ điều luật hay chuẩn mực luân lý nào không hỗ trợ cho gia đình thì cũng không thể nào là tốt cho toàn xã hội, vì gia đình là nền móng của xã hội. Những gì phá hoại gia đình thì đồng thời cũng phá hoại tất cả xã hội. Xã hội nào sẵn sàng xé rách gia đình rốt cục cũng sẽ thấm thía sự thật ấy.

Các nhà cầm quyền và những người làm công tác khoa học cần nhận thức rằng những nhu cầu chính đáng của con người và của xã hội đòi phải có sự cộng tác giữa lĩnh vực xã hội trần thế và lĩnh vực tôn giáo để bênh vực cho quyền lợi của gia đình. Công Đồng Vatican II nhìn nhận: “Trong khi theo đuổi mục đích cứu rỗi của mình, Giáo Hội không phải chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi ánh sáng của sự sống thần linh ấy trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này, trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá nhân vị, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại và thấm nhuần cho hoạt động thường nhật của con người một chiều hướng và một ý nghĩa sâu xa hơn.” (MV 40) Như vậy, trong khi bảo vệ quan điểm Kitô giáo về đời sống hôn nhân và gia đình, Giáo Hội cũng đang xây dựng và củng cố toàn thể cộng đồng xã hội trần thế bằng một nền nếp luân lý vững chãi và tốt lành.

Thật vậy, tinh thần vâng phục của các tín hữu đối với giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình sẽ bảo đảm rằng các nhân đức luân lý vốn có khả năng vãn hồi sự công bằng, lòng trung tín, sự kính trọng nhân vị, tinh thần trách nhiệm và sự hiểu biết lẫn nhau … sẽ được nhấn mạnh và đề cao vì ích lợi của toàn xã hội.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 15/01

1Sm 15, 16-23; Mc 2, 18-22.

Lời Suy Niệm:  Bấy giờ các môn đệ ông Gioan và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông không ăn chay?” (Mc 2,18)

          Đây là một sự thắc mắc của những người đang chứng kiến vào một thời điểm mà người môn đệ của Gioan Tảy Giả cũng như người Pharisêu đang thời kỳ ăn chay, mà họ thấy những môn đệ của Người lại không ăn chay; nên đã dặt vấn đề. Trước sự nhận xét này. Chúa Giêsu đã lắng nghe; Người không chống lại việc ăn chay; nhưng phải ăn chay với tâm tình như thế nào, vào hoàn cảnh nào. Và rồi Người cho biết các môn đệ của Ngài chưa thể ăn chay; bởi vì họ đang ở trong một lễ hội vui của một tiệc cưới thì không thể ăn chay, nhưng khi tới ngày chàng rễ bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó”. (Mc 2,20)

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con khi thực hiện việc chay tịnh “tâm hồn và thân xác”; dẫn đưa chúng con đến việc thống hối, hoán cải đời sống hằng ngày bằng những hành động giao hoà, quan tâm đến người nghèo, và chấp nhận thập giá của mình, vác đi theo Chúa cho đến trọn đời. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

 15 Tháng Giêng  

Bình An Cho Các Con  

Có lần người ta hỏi đại thi hào Dante của nước Italia rằng: đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống. Bậc vĩ nhân đã trả lời như sau: “Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm: đó là sự bình an”.

 Ðó là điều mà chúng ta vẫn cầu xin cho người quá cố: trên bia mộ nào, chúng ta cũng luôn ghi lời cầu xin: xin cho họ được an nghỉ nghìn thu. Phải chăng trong cuộc sống hiện tại thế này, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được hòa bình và an nghỉ? Trong những phút giây cuối đời, Chúa Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: “Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con”.

 Thế giới của chúng ta dường như chưa bao giờ được hưởng những giây phút thái bình thực sự. Hòa bình chỉ là những khoảnh khắc tạm bợ đầy những rình rập của chiến tranh và lo sợ.

 Trước Chúa Kitô 600 năm tai Roma, một đền thờ đã được xây lên để kính nhớ thần Janus, vị thần mà người ta đã lấy tên để đặt cho tháng đầu tiên trong năm. Theo ước mong của toàn dân trong đế quốc La Mã, đền thờ này chỉ được mở cửa trong thời bình. Trong vòng 600 năm ấy, dường như các cửa của đền thờ này chỉ được mở trong ba giai đoạn ngắn ngủi. Cánh cửa Hòa Bình đóng mãi đối với con người ở mọi thời đại. Thời đại nào thế giới cũng mong đợi hòa bình, thời đại nào con người cũng mong đợi hòa bình. Khát vọng của Hòa Bình ăn rễ sâu trong lòng người, ngay cả những người suốt đời chỉ gieo rắc chiến tranh và đau thương cho người khác. Chúng ta thích khung cảnh tịch mịch thư thái, chúng ta ngây ngất trước ánh bình minh tươi sáng, chúng ta vui thỏa trước buổi chiều tà êm ả, chúng ta yêu thích những cánh hoa tươi mát v.v… Chúng ta thán phục những con người luôn tỏ ra bình thản trước những hoàn cảnh xáo trộn. Chúng ta đi tìm những tư tưởng bình an, những dòng nhạc êm dịu, những con người hiền lành.

 Chúa Giêsu đã nói đến hai chữ bình an không biết bao nhiêu lần. Ngày Ngài sinh hạ, các Thiên Thần loan báo sứ điệp của bình an. Ngài là Vua của những người xây dựng Hòa Bình.

 Thánh Phaolô luôn mở đầu và chấm dứt các lá thư của Ngài bằng những lời cầu chúc bình an nồng nhiệt nhất.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần 2 – TN2

Bài đọc: Heb 5:1-10; I Sam 15:16-23; Mk 2:18-22.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tuyệt đối vâng phục Thiên Chúa.

Xung đột giữa tư tưởng và ý thức hệ cũ và mới thường xảy ra ở mọi nơi và mọi thời như các chính thể, trong tôn giáo, cách cư xử. Ví dụ: Phong trào canh tân của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn vào đầu thế kỷ 20, điển hình trong tác phẩm Đoạn Tuyệt của Khái Hưng. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng phải đương đầu với người Do-thái khi Ngài mang những mặc khải mới của Thiên Chúa đến cho con người. Câu hỏi được đặt ra: Phải tuân theo điều nào?

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự xung đột giữa Thiên Chúa và con người, giữa cái cũ và cái mới. Trong mọi trường hợp, con người phải luôn vâng phục Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác giả Thư Do-thái dùng tiêu chuẩn cũ để chứng minh Đức Kitô là Thượng Tế mới có khả năng đem Thiên Chúa đến cho con người và đem con người về cho Thiên Chúa; vì Ngài vừa có kinh nghiệm của Thiên Chúa, vừa có kinh nghiệm của con người. Chính vì sự vâng phục tuyệt đối của Ngài vào Thiên Chúa, Ngài đã trở nên nguồn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Ngài.

Trong Bài Đọc I, năm chẵn, Thiên Chúa sai Samuel đến để truất phế ngôi vua của Saul, vì nhà vua đã không tuân phục Thiên Chúa để tru diệt toàn bộ quân Amalek. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng câu hỏi của những người thuộc thời đại cũ để giúp họ nhận ra thời đại mới đã bắt đầu; họ cần có tâm hồn mới để lãnh nhận giáo lý mới của Ngài mang đến.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Chúa Giêsu là Thượng Tế thập toàn vì Ngài vâng phục Thiên Chúa.

Bản văn chúng ta nghiên cứu hôm nay, Heb 5:1-10, được tác giả sắp xếp theo cấu trúc hình nón, với chóp đỉnh là thượng tế Aaron của Cựu Ước. Mục đích của tác giả là chứng minh Chúa Giêsu là Thượng Tế thập toàn của Tân Ước. Để làm điều này, tác giả dùng một tam đoạn luận: trước tiên, tác giả liệt kê 3 đặc tính của chức thượng tế; sau đó, tác giả chứng minh Chúa Giêsu hội đủ 3 điều kiện này; cuối cùng, tác giả kết luận: “Thiên Chúa tôn xưng Chúa Giêsu là Thượng Tế theo phẩm trật Melkisedek.”

1.1/ Ba đặc tính của Thượng Tế:

(1) Thượng Tế đại diện cho con người: “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.”

(2) Thượng Tế phải cảm thông với con người: “Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.”

(3) Thượng Tế phải được Thiên Chúa gọi: “Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aaron đã được gọi.”

1.2/ Chúa Giêsu là Thượng Tế:

(3) Chúa Giêsu được chọn làm Thượng Tế: “Cũng vậy, không phải Đức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Melkisedek.”

(2) Chúa Giêsu cảm thông với con người: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.”

(1) Chúa Giêsu đại diện cho con người: “và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Melkisedek.”

1.3/ Đức Kitô vâng phục Thiên Chúa Cha cho đến chết: Để hiểu tầm quan trọng của việc vâng phục Thiên Chúa, chúng ta phải trở lại tội nguyên tổ. Chính vì sự bất tuân của ông Adong và bà Evà, nhân loại phải chịu mọi đau khổ và phải chết. Để cứu con người thoát khỏi những cực hình này, Đức Kitô hoàn toàn vâng phục và làm mọi sự theo thánh ý Thiên Chúa Cha. Có kinh nghiệm của Thiên Chúa, Ngài biết sự vâng phục Thiên Chúa quan trọng như thế nào. Con người không có kinh nghiệm này, nên họ đã khinh thường và bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Để được lãnh nhận ơn cứu độ, con người cũng phải tùng phục Đức Kitô, như Ngài đã vâng phục Thiên Chúa Cha.

2/ Bài đọc I (năm chẵn): Vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu.

2.1/ Saul không vâng lời Thiên Chúa: Samuel được Đức Chúa sai tới để truyền lệnh cho vua Saul phải lên đường giao chiến với vua và quân đội của người Amalek. Lý do là vì cách họ đã đối xử và chặn đường con cái Israel khi từ Ai-cập đi lên; những gì Đức Chúa đã phán, Ngài sẽ thi hành. Lời của Đức Chúa truyền cho Saul qua ngôn-sứ Samuel rất rõ ràng: “Các ngươi phải tru hiến tất cả những gì thuộc về nó. Ngươi không được tha chết cho nó. Ngươi phải giết từ đàn ông đến đàn bà, từ nhi đồng đến trẻ con đang bú, từ bò đến chiên dê, từ lạc đà đến lừa” (I Sam 15:3).

Sau khi giao chiến và thắng trận, Saul đã không thực thi trọn vẹn lời Đức Chúa truyền, hai điều Saul đã bất tuân Thiên Chúa: (1) ông đã không tru diệt Agag, vua Amalek; và (2) ông đã để cho quân lính giữ lại những thú vật béo tốt. Việc làm của Saul không qua mặt được Đức Chúa; Ngài sai Samuel tới để hạch tội bất tuân của Saul: “Tại sao ngài đã không nghe theo tiếng Đức Chúa? Tại sao ngài đã xông vào lấy chiến lợi phẩm và làm điều dữ trái mắt Đức Chúa?”

Vua Saul nói với ông Samuel: “Tôi đã nghe theo tiếng Đức Chúa. Tôi đã đi theo con đường Đức Chúa sai tôi đi. Tôi đã đưa Agag, vua Amalek về và đã tru hiến Amalek. Trong số chiến lợi phẩm là chiên dê và bò, trong số những vật bị tru hiến, dân đã lấy những con tốt nhất để làm hy lễ dâng Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, tại Gilgal.” Vua Saul nghĩ mình làm như thế là đẹp lòng Thiên Chúa!

2.2/ Vâng lời Thiên Chúa trọng hơn mọi hy lễ: Ông Samuel nói: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu.” Đây là điều quan trọng mà tác giả Sách Thánh Vịnh cũng như các ngôn sứ đã không ngừng lập đi lập lại để răn bảo dân chúng (x/c Psa 40:6, 51:16; Isa 1:10-17; Mic 6:5-8; Amo 5:21-24; Hos 6:6). Bất tuân lệnh Thiên Chúa được đồng hóa với những tội nặng như tội như bói toán và thờ ngẫu tượng.

Hậu quả của tội bất tuân là Saul bị Thiên Chúa truất quyền làm vua: “Bởi vì ngài đã gạt bỏ lời của Đức Chúa, nên Người đã gạt bỏ ngài, không cho làm vua nữa.”

Tuân theo mệnh lệnh của cấp trên là điều tối quan trọng trong quân đội để bảo vệ an ninh và trật tự. Nếu một người lãnh đạo không tuân theo luật lệ, họ sẽ không thể làm gương cho cấp dưới và không thể điều khiển binh lính dưới quyền mình. Hơn nữa, cấp dưới không luôn biết những nguy hiểm sẽ xảy ra; vì thế, họ cần tuyệt đối vâng theo lệnh của cấp trên. Nếu điều này đúng cho quân đội, nó càng khẩn thiết hơn cho mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa.

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bảo vệ môn đệ của mình.

3.1/ Tại sao môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay? “Bấy giờ các môn đệ ông Gioan và các người Pharisees đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisees ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”

Giao thời giữa Cựu và Tân Ước là thời gian người Do-thái gia tăng việc chay tịnh và khổ chế, không những chỉ có trong những giáo phái, mà còn phổ thông trong dân như các việc đạo đức. Chay tịnh, cùng với cầu nguyện và làm phúc, được coi là ba trụ chính của đời sống đạo đức (Tob 12:8). Sách Judith coi chay tịnh là cách để xin ơn lành từ Thiên Chúa (Jdt 4:9). Lối sống chay tịnh và khổ chế của Gioan Tẩy Giả trong sa mạc là muốn đề cao lối sống đơn giản và sự tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa.

3.2/ Câu trả lời của Chúa Giêsu nhấn mạnh đến 2 điểm chính:

(1) Lý do ăn chay: Ăn chay phải có mục đích rõ ràng. Chúa cho biết lý do tại sao các môn đệ của Ngài chưa ăn chay: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.” Chúa Giêsu nhận Ngài chính là chàng rể, và khách dự tiệc cưới, bạn hữu của chàng rể là các môn đệ.

(2) Thời gian ăn chay: Chay tịnh có lúc của nó, không phải lúc nào cũng ăn chay. Chúa Giêsu cho biết khi nào các môn đệ của Ngài sẽ ăn chay: “Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.”

3.3/ Phải có tâm hồn mới để lãnh nhận đạo lý mới: Chúa Giêsu là mốc thời gian để phân biệt giữa cái cũ và mới. Những người Pharisees và môn đệ của Gioan đại diện cho lớp người cũ, các môn đệ của Chúa Giêsu đại diện cho lớp người mới. Để có thể lãnh nhận những đạo lý mới được giảng dạy bởi Đức Kitô, một người cần có tâm hồn mới: rộng đủ để nhận ra những bất toàn của đạo lý cũ; đồng thời biết đón nhận những đạo lý mới để làm cho con người ngày càng toàn hảo hơn. Nếu không có tâm hồn mới, con người sẽ ngoan cố thủ cựu những điều cũ; đồng thời họ sẽ khước từ những giáo lý mới của Đức Kitô.

Để giúp họ nhận ra sự quan trong của một tâm hồn mới, Chúa Giêsu dùng 2 ví dụ rất quen thuộc với khán giả:

(1) Áo và miếng vá: “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.”

(2) Rượu và bầu da: “Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Đức Kitô là Thượng Tế mới của giao ước mới hoàn hảo hơn. Chúng ta hãy chạy đến với Ngài để học hỏi những mặc khải mới của Thiên Chúa; và mời Ngài đồng hành với chúng ta.

– Vâng lời làm theo những lời dạy dỗ của Thiên Chúa và của Đức Kitô là điều tối quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta đừng bao giờ bất tuân những mệnh lệnh của Thiên Chúa.

– Dĩ nhiên chúng ta không đón nhận tất cả các cái mới và lọai bỏ các cái cũ; nhưng biết dùng trí khôn để thích ứng với hoàn cảnh: giữ lại những gì tốt, thâu nhận những gì mới, và cải tiến để làm cho tốt hơn.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************