Ngày thứ hai (30-05-2022) – Trang suy niệm

29/05/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần VII Mùa Phục Sinh Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Cv 19, 1-8

“Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?”

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Xảy ra là khi Apollô ở Côrintô, thì Phaolô đi miền thượng du, rồi đến Êphêxô gặp một số môn đồ, và ngài hỏi họ: “Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?” Họ trả lời: “Nguyên việc có Thánh Thần hay không, chúng tôi cũng chưa nghe nói”. Ngài lại hỏi: “Vậy các ngươi đã chịu phép rửa của ai?” Họ thưa: “Phép rửa của Gioan”. Phaolô liền bảo: “Gioan thanh tẩy dân chúng bằng phép rửa sám hối mà rằng: Hãy tin vào Đấng sẽ đến sau ông, tức là Đức Giêsu”. Nghe vậy, họ đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần đến ngự xuống trên họ, họ liền nói được nhiều thứ tiếng và nói tiên tri. Tất cả đàn ông chừng mười hai người.

Ngài vào hội đường, và trong suốt ba tháng, Ngài mạnh dạn rao giảng, tranh luận và thuyết phục về nước Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 67, 2-3. 4-5ac. 6-7ab

Đáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1) Thiên Chúa đứng lên, quân thù của Người tan rã, và những kẻ ghét Người chạy trốn khỏi long nhan. Như làn khói toả, chúng rã tan, như mẩu sáp ong gần lửa chảy ra, những đứa ác nhân tiêu vong trước nhan Thiên Chúa. – Đáp.

2) Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, danh hiệu Người là Chúa, hãy mừng rỡ hân hoan trước nhan Người. – Đáp.

3) Là Cha kẻ mồ côi, là Đấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt. – Đáp.

ALLELUIA: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 16, 29-33

“Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Đúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”. Chúa Giêsu đáp lại các ông: “Bây giờ các con mới tin ư? Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

30/05/2022 – THỨ HAI TUẦN 7 PS

Ga 16,29-33

VƯỢT THẮNG CÁI TÔI

“Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33)

Suy niệm: “Chiến thắng đầu tiên và vĩ đại nhất là thắng được chính bạn; bị chính cái tôi của mình chiến thắng lại là điều đáng xấu hổ và hèn hạ nhất” (Triết gia Platon). Đức Giê-su đã thắng thế gian, sự chết, sự dữ của con người. Nhưng trước đó, Ngài đã chiến thắng chính mình: “Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Ngài là người can đảm, vượt qua ý muốn mình hơn là vượt qua đối thủ, chiến thắng khó khăn nhất trên đời là thắng chính cái tôi. Ngài thương và hiểu các môn đệ mình sẽ phải khốn khó, gặp nhiều thách đố trên hành trình theo Ngài. Để vượt thắng, Ngài mời ta can đảm: can đảm đầu tiên là nỗ lực chiến thắng cái tôi của mình, can đảm kế tiếp là kiên trì chiến đấu với sự dữ.

Mời Bạn: “Khi tập trung và bền vững tinh thần, bạn đã đến mép bờ của chiến thắng” (B. Russell). Chiến thắng cái tôi là cuộc chiến lâu dài, kéo dài cả đời người. Bạn phải tập trung cao độ vì cái tôi của mình luôn có khuynh hướng trở thành cái tôi huyền tồi, cái tôi sắc tối, cái tôi nặng tội… Cũng phải kiên trì, bền bỉ trong chiến đấu vì chiến thắng chỉ thuộc về người kiên vững đến cùng.

Sống Lời Chúa: Tôi cảnh tỉnh và nỗ lực chiến đấu với cái tôi luôn muốn tìm an thân khi phải hy sinh, an toàn thay vì dấn thân, hưởng thụ trước thập giá, để là tông đồ thật sự của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chiến thắng ý muốn riêng, cái tôi, để bước đi trên con đường thập giá, cứu độ nhân loại. Xin ban cho con sự can đảm vượt thắng bản thân mình, cũng như tập trung, bền vững khi vượt qua khó khăn, thử thách trong đời sống.  Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Cô đơn trên đời là điều ai cũng sợ.
Phải chăng vì người ta không được dựng nên để sống một mình ?
Chẳng phải chỉ người trẻ mới sợ cô đơn và tìm cách tránh né.
Người già cũng sợ không kém .
Người ta sợ đi về thế giới bên kia một mình.

Trong thân phận làm người, Đức Giêsu cũng phải đối diện với nỗi cô đơn.
Ngài không lập gia đình, không có một người bạn đời để chia sẻ.
Bù lại, Ngài có những người thân yêu ở làng Nadarét.
Nhưng ngay cả cha mẹ Ngài cũng không hiểu hết được Ngài (Lc 2, 50).
Khi đi rao giảng Tin Mừng, Ngài có những người bạn mới là các môn đệ.
Tiếc thay, họ không phải là những người luôn luôn hiểu Ngài.
Ngài muốn chia sẻ cho họ tất cả cái riêng tư giữa Ngài với Cha.
Nhưng họ chưa đủ sức kham nổi.
Đức Giêsu không phải là người thích cô đơn, khép kín.
Ngài dễ đến với dân chúng, với mọi hạng người.
Ngài gặp gỡ họ, loan Tin Vui, và cho họ được tâm thân an lạc.
Các bệnh nhân, tội nhân, trẻ em, phụ nữ,
cũng không ngại đến với Ngài để trò chuyện hay chia sẻ một bữa ăn.

 Dù vậy tìm được một sự đồng cảm trọn vẹn nơi con người
vẫn là điều khó đối với Đức Giêsu,
bởi lẽ Ngài còn thuộc về một thế giới khác trên cao.
Ngài mãi mãi là một màu nhiệm đối với trí khôn hạn hẹp của con người.
Chỉ khi trở về với nguồn cội đời mình,
Đức Giêsu mới ra khỏi được nỗi cô đơn trống trải ấy.
“Tôi không (xét đoán) một mình, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi” (Ga 8, 16).
Chính vì Đức Giêsu luôn nói và làm mọi sự theo ý Cha,
nên Ngài chẳng bao giờ cô đơn .
“Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi một mình,
vì tôi luôn làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29).
Vào giây phút chia ly này, khi Đức Giêsu biết điều sắp xảy đến:
“anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả, và để Thầy một mình.
Nhưng Thầy không một mình đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (c. 32).
Đức Giêsu không cô đơn trong cuộc sống,
mà ngay cả khi Ngài kêu lớn tiếng trên thập giá :
“Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi?” (Mc 15, 34),
lúc đó lại là lúc Đức Giêsu gần Cha hơn cả, kết hợp với Cha hơn cả.
Đức Giêsu thực sự chẳng bao giờ cô đơn tuyệt đối,
vì Cha thực sự chẳng bao giờ bỏ Ngài,
và Ngài cũng chẳng bao giờ bỏ Cha.

Chúng ta xin được ơn dám chịu cô đơn trước thế gian tội lỗi,
để được một mình với Chúa.

 

Lời Nguyện

Giữa những ồn ào của đám đông,
Giữa những sôi nổi của thành công
Và ê chề của thất bại,
Xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa những đam mê quay cuồng,
Giữa những khát khao thèm muốn
Và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,
Xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,
Giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
Chẳng có ai để cậy dựa,
Xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,
Để một mình ở đó,
Trầm lắng và bình an.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

30 THÁNG NĂM

Công Cuộc Của Thiên Chúa Ba Ngôi

“Khi Thần Khí sự thật đến, Ngài sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; vì thế Thầy đã nói: Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16, 13 – 15).

Đức Kitô đã nói những lời đó vào buổi tối trước khi vào cuộc Khổ Nạn. Người đang nói về Chúa Cha, về chính Người, và về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng “lấy từ Chúa Con” – trong sự hoàn thành nhiệm cục cứu độ. Ngài lấy những gì thuộc về Chúa Con và những gì – nơi Chúa Con – thuộc về Chúa Cha: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”.

Từ Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần – đó là công cuộc sáng tạo. Từ Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần – đó là công cuộc cứu chuộc. Đó là công cuộc đổi mới thiêng liêng của tất cả những gì đã được tạo dựng. Bất luận cái gì được đổi mới trong Chúa Thánh Thần qua cuộc hy sinh của Chúa Con đều phải qui hồi về với Chúa Cha là Đáng Sáng Tạo. Và, như vậy, mọi sự đều tham dự vào sự sống. Thiên Chúa “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mc 12, 27).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 30/5

Cv 19, 1-8; Ga 16, 29-33.

LỜI SUY NIỆM: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng.” (Ga 16,22)

          Điều này các môn đệ của Chúa đã trải qua sự lo buồn đau khổ khi Chúa đi vào cuộc Thương Khó và Chịu Chết; Các ngài cũng đã tận hưởng hạnh phúc khi Chúa Phục sinh mà các ngài gặp lại. Còn người Ki-Tô hữu hôm nay; chúng ta được ơn đức tin, chúng ta được Giáo Hội, hướng dẫn và giáo huấn để khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống, đồng thời biết được tình yêu bao la mà Ngài đối với hết mọi người, trong cuộc lữ hành tại trần thế này, mỗi người đều mang trên mình những nỗi buồn lo và sợ hãi, Nhưng với Đức Tin và Ân Sủng của Ngài ban, chúng ta tin sẽ được vui mừng trong ngày Tận Thế; vì cùng đích của cuộc sống là được gặp Thiên Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

30 Tháng Năm

Một Chỗ Khủng Khiếp

Câu chuyện xảy ra tại một nhà giam bên Liên Xô. Một cựu tù nhân, bà Arsenjeff, thuật lại một kinh nghiệm mắt thấy tai nghe diễn ra tại đó, nơi bà gọi là “Một chỗ khủng khiếp” như sau: Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi kề miệng vào tai tôi khẽ nói: chị biết mai là ngày gì không? Rồi không đợi tôi trả lời, cô ta nói tiếp: “Mai là ngày lễ Phục Sinh”.

Nghe thế, tôi tự hỏi: “Lễ Phục Sinh đã đến rồi sao, lễ của niềm vui và hy vọng? Nhưng trong tù, niềm vui của chúng tôi đã héo úa và khô cằn. Còn niềm hy vọng?…”. Tôi đi lại trong phòng và không dám suy nghĩ tiếp.
Bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề: “Ðức Kitô đã sống lại thật”.

Quá sức sửng sốt, các nhân viên trở nên bất động như những tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí, họ giận dữ lên án một diễn tiến không bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng giày nặng nề tiến đến gần phòng giam của chúng tôi. Rồi cửa phòng được mở tung. Hai nhân viên giận dữ hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan và hùng hổ túm lấy cô gái, lôi cô ta sền sệt ra khỏi phòng.

Một tuần lễ sau, cô ta được thả về phòng giam, mặt cô ta xanh xao, người gầy đi thấy rõ. Qua tuần lễ Phục Sinh, người ta đã biệt giam cô vào một phòng không có lò sưởi, để cái lạnh thấu xương và cơn đói hành hạ thân thể một con người họ cho là cuồng tín. Sau khi nằm yên tại một góc phòng hồi lâu, cô ta vẫy tay gọi tôi lại thều thào: “Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh trong trại giam. Những cái khác không quan trọng gì cho lắm”. Nói xong cô cố gắng mỉm cười và tôi thấy ánh mắt cô vẫn lóe sáng lên như dạo nào.

Ðược dịp tuyên xưng niềm tin Phục Sinh cách đặc biệt như cô gái trên thật hiếm hoi. Nhưng mẫu gương can đảm của cô phải nhắc nhở chúng ta cố gắng thực thi lời nguyện chúng ta luôn cùng nhau xướng lên sau những lời truyền phép: “Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến”.

Tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng cách hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của sự chết, của những đau khổ, của những vấn đề khó khăn. Cuộc sống của chúng ta không chỉ đóng khung và chấm cùng tại đó. Nhưng người mang niềm tin Phục Sinh phải chiến đấu để vượt qua, để lướt thắng những khó khăn, hạn chế những đau khổ, những sự dữ, những tội lỗi, để phát huy cuộc sống mới của những tạo vật được tái sinh nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần VII – PS

Bài đọc: Acts 19:1-8: Jn 16:29-33.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ngôn ngữ xử dụng trong việc rao giảng Tin Mừng.

Người rao giảng phải xử dụng ngôn ngữ nào để việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả? Trước tiên, xét về phía người rao giảng, vì họ là người đem lời chân lý của Chúa đến cho con người; nên lời của họ phải chứa đựng sự thật. Thứ đến, xét về phía người nghe, đại đa số là thường dân và không có vốn liếng văn chương nhiều để hiểu biết những lời nói bóng bảy, chải chuốt. Vì thế, ngôn ngữ các nhà giảng thuyết dùng phải làm sao cho đơn giản, trong sáng, và dễ hiểu. Hơn nữa, mục đích của việc rao giảng Tin Mừng là đưa khán giả tới niềm tin vào Thiên Chúa và thúc đẩy việc ăn năn xám hối; chứ không phải là để thưởng thức những áng văn hay phân tích văn chương. Vì thế, nhà giảng thuyết phải dùng những lời chân tình, do Thánh Thần hướng dẫn, để đánh động tâm hồn khán giả, giúp họ nhận ra tình thương Thiên Chúa, và nhận ra những yếu đuối và tội lỗi của họ, sẵn sàng cho sự hoán cải tâm hồn.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những ví dụ cụ thể trong việc loan truyền Tin Mừng. Trong Bài Đọc I, khi Phaolô đến Ephesô và hỏi các tín hữu ở đây họ đã lãnh nhận Thánh Thần chưa, họ trả lời: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.” Phaolô giải thích cho họ về sự khác nhau giữa hai Phép Rửa, và khi họ đã hiểu, ông làm Phép Rửa nhân danh Đức Kitô cho họ, và họ được lãnh nhận Thánh Thần. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu biết Cuộc Thương Khó đã gần kề, Ngài xử dụng ngôn ngữ chân thành của tình yêu để giúp các Tông-đồ hiểu rõ những gì sắp xảy ra; để các ông biết cách đối phó khi phải đương đầu với tình thế.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phaolô kiên nhẫn giáo dục các tín hữu tại Ephêsô.

1.1/ Phaolô phân biệt hai Phép Rửa: Trong thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội, nhiều tín hữu nghĩ chỉ có một Phép Rửa duy nhất là Phép Rửa bằng nước của Gioan Tẩy Giả. Họ chưa bao giờ nghe tới Phép Rửa bằng Thánh Thần nhân danh Đức Kitô, và tại sao phải chịu Phép Rửa này, như lời các tín hữu tại Ephesô trả lời Phaolô hôm nay: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.” Hiểu biết sự thiếu thốn của dân, Phaolô kiên nhẫn mở trí cho họ:

(1) Phép Rửa bằng nước của Gioan Tẩy Giả: là Phép Rửa tỏ lòng sám hối. Ông Gioan làm Phép Rửa này để tha thứ và chuẩn bị tâm hồn cho dân để họ tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giêsu. Phép Rửa này cần thiết, nhưng không phải là Phép Rửa duy nhất.

(2) Phép Rửa bằng Thánh Thần của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan, nhưng không để được tha tội, vì Ngài chẳng có tội gì để được tha. Các Giáo Phụ cắt nghĩa, Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan để thánh hiến Nước của sông Jordan và tất cả nước mà Giáo Hội dùng để rửa tội cho các tín hữu. Nhưng điều khác biệt chính giữa hai Phép Rửa là sự hiện diện của Thánh Thần đậu xuống trên Ngài.

Khi các tín hữu chịu Phép Rửa, họ không chỉ được tha tội, nhưng còn được thánh hóa bởi Thánh Thần. Thánh Thần thánh hóa con người bằng cách làm cho họ hiểu biết Lời Chúa, và ban những ơn thánh cần thiết để giúp họ sống xứng đáng ơn gọi của những người làm con Chúa. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi chứng kiến anh chị em tân tòng gia nhập đạo: họ không chỉ chịu Phép Rửa bằng nước, nhưng còn lãnh nhận Thánh Thần qua việc xức dầu, và sau cùng được lãnh nhận Bí-tích Thánh Thể trong cùng một nghi lễ. Đối với các em bé, Giáo Hội chia ra làm ba Bí-tích riêng biệt trong quá trình thành người trưởng thành của em: Rửa Tội khi ra đời, lãnh nhận Mình Chúa khi đến tuổi biết phân biệt, và Thêm Sức khi đến tuổi biết làm chứng.

1.2/ Phaolô làm Phép Rửa ban Thánh Thần cho các tín hữu: “Khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. Cả nhóm có chừng mười hai người.” Nói tiếng lạ không chỉ giới hạn vào việc nói các ngôn ngữ khác nhau như các Tông-đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần; nhưng trải rộng trong việc nói ngôn ngữ làm cho người khác hiểu những gì mình nói: ngôn ngữ của sự thật và của tình yêu. Nói tiên tri cũng không giới hạn vào việc tiên báo những sự kiện sẽ xảy đến trong tương lai; nhưng là nói thay Chúa, loan truyền những Tin Mừng cho những người chưa được nghe Thiên Chúa nói trong cuộc đời của họ. Khi các tín hữu được nói tiếng lạ và nói tiên tri, họ không nói những lời vô nghĩa và lộn xộn như những người mất trí; nhưng là những lời sự thật và xây dựng mà các tín hữu khác có thể hiểu. Sau khi làm Phép Rửa, ông Phao-lô vào hội đường, và trong vòng ba tháng, ông mạnh dạn rao giảng, thảo luận về Nước Thiên Chúa và cố gắng thuyết phục họ.

2/ Phúc Âm: Chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.

2.1/ Đức tin và sự thử luyện:

(1) Chúa Giêsu nói từ tâm lòng với các môn đệ: Như chúng tôi đã đề cập trong những lần chia sẻ trước, trình thuật hôm nay nằm trong phần giáo dục dành riêng cho các môn đệ của Chúa Giêsu. Khán giả khác thì ngôn ngữ và lối suy luận dùng cũng phải khác, nhất là Chúa Giêsu không cón nhiều thời gian để dạy dỗ các ông, nên Ngài dùng ngôn ngữ của trái tim để chuẩn bị cho các ông những gì sắp xảy đến. Không lạ gì mà các ông hiểu và thưa Ngài: “Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.”

(2) Giờ các môn đệ có đức tin là giờ mà cả Thầy trò phải chịu thử thách. Đức Giêsu đáp: “Bây giờ anh em tin à? Này đến giờ – và giờ ấy đã đến rồi – anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy.” Chúa Giêsu không có ý mỉa mai các môn đệ khi nói những lời này, nhưng Ngài muốn các ông hiểu hai sự thực quan trọng: Thứ nhất, đức tin cần phải được thử luyện để biết đâu là đức tin vững chắc. Thứ hai, người nào có đức tin vững chắc không bao giờ cô độc; người ấy luôn có Thiên Chúa đồng hành và vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.

2.2/ Chúa Giêsu để lại hai nguồn bình an của Ngài cho các môn đệ.

(1) Các môn đệ được bình an khi phản bội Thầy: Làm sao chúng ta hiểu câu tuyên bố của Chúa: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.” Chúa biết các ông sẽ phản bội Ngài vì sợ hãi và yếu đuối trong Cuộc Thương Khó; nhưng Chúa vẫn yêu thương và trung thành với các ông. Chúa muốn nói những lời này trước khi sự phản bội xảy ra, để các ông đừng thất vọng đến chỗ tìm quyên sinh như Judah, nhưng biết tin vào sự tha thứ của Ngài.

(2) Lời hứa chiến thắng trước khi đụng trận: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” Không có gì kích thích lòng nhiệt thành của các môn đệ hơn là lời hứa sẽ chiến thắng. Một khi đã nắm chắc phần thắng lợi trong tay, người môn đệ sẽ lao vào chiến trường mà không gian nguy nào có thể làm chùn chân ông.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta không cần dùng những lời lẽ văn chương bóng bảy hay chải chuốt trong việc loan báo Tin Mừng; nhưng cần những lời sự thật, đơn sơ mà mọi người đều có thể hiểu.

– Quan trọng hơn nữa là chúng ta nên dùng những lời chân tình phát xuất từ trái tim, và được sưởi ấm bởi Thánh Thần. Khán giả dễ nhận ra và đồng cảm với những người quan tâm đến cuộc sống của họ, vì Thánh Thần cũng là Người đang hoạt động trong khán giả.

– Chúng ta đừng sợ bất cứ điều gì trong hành trình rao giảng Tin Mừng, vì chúng ta tin tưởng Ba Ngôi Thiên Chúa luôn đồng hành để soi sáng, nâng đỡ và bảo vệ chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************