Ngày thứ năm (05-09-2019) – Trang suy niệm

04/09/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XXII Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Cl 1, 9-14

“Người đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, và đem chúng ta vào nước Con yêu dấu của Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, từ ngày chúng tôi nghe biết về anh em, chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho anh em, xin cho anh em được đầy sự hiểu biết thánh ý Chúa, với tất cả sự khôn ngoan và sự thông hiểu thiêng liêng, để anh em ăn ở xứng đáng đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi sự, và sinh hoa kết quả trong mọi việc lành, cùng phát triển trong sự nhận biết Thiên Chúa. Được củng cố bằng một sức mạnh dồi dào, chiếu theo quyền năng cả sáng của Người, anh em nhẫn nại và vui mừng khoan dung trong mọi sự. Anh em cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Người đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Người, trong Ngài chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Ngài, và được ơn tha tội. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 2-3ab. 3cd-4. 5-6

Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).

Xướng:

1) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. – Đáp.

2) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. – Đáp.

3) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. – Đáp.

ALLELUIA: 2 Tx 2, 14

Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 5, 1-11

“Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Ghênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.

Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

05/09/2019 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN

Th. Tê-rê-xa Can-cút-ta, nữ tu

Lc 5,1-11

CẦN BIẾT “KINH NGẠC”!

Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. (Lc 5,9)

Suy niệm: Trong ba năm rao giảng công khai, không ít lần Đức Giê-su Ki-tô giảng dạy những điều dường như ngược đời nghịch lý: nào là “phúc cho ai nghèo khó” nào là “ai liều mất mạng sống vì Ngài thì sẽ lấy lại được mạng sống.” Chúa lại còn đòi hỏi người ta làm những điều dị thường, “không giống ai” như hôm nay Ngài truyền cho các môn đệ “chèo thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới” dù rằng mới đêm hôm trước, các ông đã “vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào”. Thế rồi, kết quả của việc vâng theo lời Thầy thật là kỳ diệu. Các ông đã kéo lên một mẻ lưới lạ lùng: cá nhiều đến nỗi lưới hầu như rách, số cá đổ đầy hai thuyền đến gần chìm. Sự kinh ngạc dẫn các ông tới chỗ tin nhận ra Đức Ki-tô là Thiên Chúa quyền năng, là Đấng Cứu Độ.

Mời Bạn: Tin theo Đức Ki-tô là dám đi theo Ngài trên con đường mà thế gian cho là kỳ dị và vô lý đó: đó là gác lại công việc làm ăn, để dành thời giờ cầu nguyện, tham dự thánh lễ; đó là sống hy sinh, khó nghèo giữa một xã hội chạy theo giàu sang, hưởng thụ; đó là xả thân phục vụ tha nhân thay vì lo thu vén cho mình cách ích kỷ; đó là khước từ tham lam, giả dối, bất công để sống công bằng trung thực. Phải chăng chúng ta còn mang não trạng thực dụng sợ phải luống công vô ích “vất vả suốt đêm mà không được gì” và vì thế mà từ chối lời mời gọi của Chúa? Hay có khi chỉ vì sợ trở thành “kỳ dị” trước mặt người đời mà chúng ta không dám sống theo giáo huấn của Chúa?

Sống Lời Chúa: Dành thời giờ sáng tối mỗi ngày để cầu nguyện với Chúa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

5 THÁNG CHÍN

Chúng Ta Sẽ Đáp Lại Tiếng Gọi Của Thiên Chúa

Trong sâu thẳm trái tim con người, ơn gọi mặc lấy hình thức một cuộc đối thoại. Đó là cuộc đối thoại giữa Đức Kitô và cá nhân mỗi người, trong đó một lời mời gọi riêng tư được nói lên. Đức Kitô gọi đích danh mỗi người, Ngài nói: “Hãy theo Ta”. Lời mời gọi này – được Đức Kitô nói lên cách nhiệm mầu bên trong nội tâm con người – sẽ được chúng ta nhận ra rõ ràng nhất trong bầu khí thinh lặng cầu nguyện. Việc đón nhận tiếng gọi này là một hành vi của đức tin.

Tiếng gọi vừa là dấu hiệu của tình yêu vừa là lời kêu gọi yêu thương. Trong trình thuật Tin Mừng về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với người thanh niên giàu có, Mác-cô kể rằng Đức Giêsu trìu mến nhìn anh ta khi Người thách đố anh ta bán mọi sự và đi theo Người (cf. Mc 10,21). Tiếng gọi của Chúa luôn đòi hỏi một sự chọn lựa, một quyết định hoàn toàn tự do về phía chúng ta.

Quyết định thưa “Vâng” trước lời mời gọi của Đức Kitô sẽ kéo theo với nó rất nhiều hệ quả quan trọng. Chúng ta phải từ bỏ những mối ưu tiên khác. Chúng ta phải sẵn sàng bỏ những người thân yêu của mình lại sau lưng. Chúng ta phải bắt đầu tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa bằng cách sống gần gũi hơn với Đức Kitô.

Lời đáp trả trong tình yêu này đối với tiếng gọi được diễn tả rất rõ ràng bởi tác giả Thánh Vịnh :

“Con thưa cùng Chúa: ‘Ngài là Chúa con thờ,

ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc? …

Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,

là chén phúc lộc dành cho con;

số mạng con, chính Ngài nắm giữ …

Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:

trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,

ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi!” Tv 16,2.5.11)

Ân huệ này yêu cầu sự đáp trả của chúng ta. Chúng ta phải nỗ lực nhận hiểu mầu nhiệm vốn vượt quá mọi sự hiểu biết song đã được Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta. Chúng ta có sẵn sàng đáp trả tiếng gọi của Ngài?

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 05/ 9

Thánh Têrêxa Calcutta, trinh nữ

Cl 1, 9-14; Lc 5, 1-11.

LỜI SUY NIỆM: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”

          Qua sự nhiệt thành, thánh Phêrô, đã cho Chúa Giêsu mượn con thuyền của mình để Người giảng dạy đám đông dân chúng. Mặc dầu cả đêm đã lao nhọc mà không bắt được con cá nào, nhưng Phêrô vẫn vâng lời và cố gắng theo sự đề nghị của Chúa Giêsu là ra chỗ sâu thả lưới; Phêrô đã bắt được rất nhiều cá, dầy ngạc nhiên và vui mừng, Phêrô đã nhận ra quyền năng của Chúa và thân phận của mình; đã sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”

          Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của mỗi người chúng con có rất nhiều sự ngạc nhiên đã đến với chúng con. Mỗi lần như vậy, xin Chúa cho chúng con nghĩ ngay đến quyền năng thương yêu của Chúa và thân phận bất xứng của mình để thờ lạy và tạ ơn.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

05 Tháng Chín

Bỏ Mọi Sự Ðể Theo Chúa 

“Bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa”, lời kêu gọi này của Chúa Giêsu có thể thực hiện được trong xã hội dư dật ngày nay không? Như một dụ ngôn trong Phúc Âm, chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện sau đây của tiến sĩ Marcello Candia, người đã dâng cúng tất cả tài sản để xây dựng một bệnh viện giữa khu rừng già Amazone bên Ba Tây và sinh sống tại đó như một người dân nghèo.

“Khi còn ở bậc trung học, tôi là thành phần của một nhóm trẻ sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của một cha dòng Phanxico. Chúng tôi thường đi thăm các gia đình nghèo tại ngoại ô Milano… Sự chú ý đến người nghèo đã làm nảy sinh ước muốn truyền giáo nơi tôi.

Một hôm thầy Cêciliô, người coi cổng nhà dòng đã nhờ tôi phát thức ăn cho người nghèo… Trên tường nơi phòng ăn dành cho người nghèo có treo một tấm hình của cha Daniele Samarate, một vị thừa sai của dòng đã chết vì bệnh cùi sau một thời gian phục vụ người thổ dân tại một miền ở Ba Tây… Mỗi lần phát thức ăn cho người nghèo, tôi đều nhận ra hình ảnh đầy đau khổ của ngài. Dần dà, hình ảnh đó quen thuộc đến nỗi trong bất cứ người nghèo nào, tôi cũng nhận ra hình ảnh ấy… Từ đó, ước muốn phục vụ những người cùi đã nảy sinh trong tôi”.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Macello đã được cha gửi đi công cán tại nhiều nước nghèo trên thế giới. Trong dịp ghé thăm một vùng nghèo tại Amazone bên Ba Tây, Macello đã trở về với quyết định bán hết tất cả tài sản và rút về đây để phục vụ người nghèo. Với tài sản do gia đình để lại, Macello đã xây cất một bệnh viện với 120 giường và được trang bị với đầy đủ dụng cụ của một trung tâm y tế đa khoa.

Macello đã giải thích về việc làm của mình như sau: “Người ta nói với tôi rằng tốt hơn hãy giúp những người nghèo ở xứ sở của mình trước đã. Tôi xin trả lời rằng điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết làm một chút gì cho những người đang đau khổ, bất cứ họ đang ở đâu… Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy nhiều người, thụ động và cam chịu số phận, đã biết cởi mở”.

Sự trưởng thành của Giáo Hội được thể hiện qua ý thức mỗi lúc một sâu sắc của người giáo dân về vai trò của mình. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng Giáo Hội là chuyện của các giám mục, linh mục. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng nên thánh là chuyện của vị giáo hoàng, các giám mục, linh mục và tu sĩ… Không ai chiếm giữ độc quyền để nên thánh một mình. Nên thánh là ơn gọi chung cho tất cả mọi người đã chịu Phép Rửa… Do đó, tất cả những lời khuyên trong Phúc Âm đều có giá trị cho tất cả mọi người theo Chúa Kitô. “Hãy về bán hết mọi sự, phân phát cho người nghèo khó và trở lại với Ta”. Mệnh lệnh này không chỉ ngỏ với một số thành phần ưu tuyển trong dân Chúa, nhưng là lệnh truyền cho tất cả mọi người.

Chúng ta không được sống trong một xã hộ dư dật. Nghèo đói là một sự dữ mà Thiên Chúa không bao giờ muốn cho con người rơi vào. Tuy nhiên, bên cạnh sự nghèo đói cơm bánh, còn có một sự nghèo đói còn đáng khiếp sợ hơn, đó là: nghèo đói tình thương… Có biết bao người đang chờ một ít cơm thừa cá cặn từ bàn ăn của chúng ta? Có biết bao nhiêu người đang mong mỏi một nghĩa cử yêu thương của chúng ta?

Thế giới cần được biến đổi không chỉ bằng của cải vật chất, nhưng bằng chính tình thương mà con người biết san sẻ với nhau. Sự san sẻ đó là: dù sống trong xã hội nào, dù trải qua hoàn cảnh nào, mọi người Kitô chúng ta đều có thể và phải làm được. Và đó cũng là bí quyết duy nhất để giúp chúng ta nên thánh.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần 22 TN1

Bài đọc: Col 1:9-14; Lc 5:1-11.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải khôn ngoan tìm ra và trung thành làm theo thánh ý Thiên Chúa.

Nhiều người có khuynh hướng chỉ làm theo ý riêng mình, và rất khó chịu khi phải làm theo ý người khác; nhưng thực tế chứng minh, không phải lúc nào ý riêng mình cũng mang lại hậu quả tốt đẹp. Vì thế, con người phải luôn mở rộng tâm hồn, dùng khôn ngoan và hiểu biết để nhận ra và thi hành ý mang lại kết quả tốt đẹp nhất.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc khuyến khích con người tìm ra và thi hành thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô cầu xin cho các tín hữu Colossê có đủ khôn ngoan và hiểu biết để am thường thánh ý Thiên Chúa, và có sức mạnh để thực thi thánh ý của Ngài; vì hiệu quả của những người làm theo thánh ý Thiên Chúa là sẽ sinh hoa kết quả trong cuộc sống đời này, và sẽ được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa ở đời sau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mở mắt, mở trí, và mở lòng cho Phêrô và các môn đệ nhận ra uy quyền, tình yêu, và thánh ý của Thiên Chúa cho các ông trong cuộc đời. Ngài muốn các ông đổi nghề: thay vì đánh cá, giờ chú trọng đến việc rao giảng Tin Mừng để chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hiểu biết và làm theo thánh ý Thiên Chúa.

1.1/ Am tường thánh ý Thiên Chúa: Thánh Phaolô mở đầu Thư Colossê bằng lời cầu nguyện: “chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thánh Thần ban cho.”

Để có thể am tường thánh ý Thiên Chúa, thánh Phaolô đề cập tới hai trong bảy quà tặng của Thánh Thần là khôn ngoan (sophia) và hiểu biết (synesis); chứ không phải bất kỳ sự khôn ngoan hay hiểu biết nào của con người. Khôn ngoan của Thánh Thần là khôn ngoan biết mọi sự theo kế hoạch của Thiên Chúa, và nhất là hướng về đích điểm của cuộc đời là được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Hiểu biết của Thánh Thần bao gồm việc làm sao biết áp dụng những khôn ngoan học được vào cuộc đời để sinh lợi ích cho mình và cho tha nhân.

Một khi đã tìm ra thánh ý của Thiên Chúa, con người cần thi hành thánh ý đó cho đến cùng, cho dù có phải hy sinh và chịu đựng gian khổ. Thánh Phaolô tin: “Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả.”

1.2/ Làm theo thánh ý Thiên Chúa: sẽ đem lại cho con người hai phần thưởng.

(1) Sẽ sinh hoa kết quả: “Anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn.” Sống theo thánh ý Thiên Chúa bảo đảm con người đi đúng đường và sinh lợi ích trong cuộc đời này.

(2) Sẽ được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa: Đức Kitô vừa là người mặc khải cho con người biết ý định của Thiên Chúa, vừa là người đổ máu ra để thanh tẩy tội lỗi cho con người. Nhờ Đức Kitô mà “anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.”

2/ Phúc Âm: Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.

2.1/ Sứ vụ giảng dạy và huấn luyện tông-đồ của Đức Kitô: Trình thuật kể: “Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Gennesareth, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.”

Dân chúng chen lấn nhau để có thể đến gần nghe Chúa Giêsu giảng dạy: Khao khát được lắng nghe Lời Chúa nằm trong bản năng của con người. Chúa Giêsu có ý cho Phêrô nhìn thấy sự khao khát của con người để được nghe Lời Chúa. Phêrô có thể đã quá bận rộn với công việc kiếm ăn, nên không còn nhạy cảm với nhu cầu này. Chúa Giêsu cũng đang có sẵn kế hoạch cho Phêrô, Ngài muốn ông đổi nghề thành kẻ thu phục linh hồn con người về cho Thiên Chúa. Những gì ông có kinh nghiệm trong nghề chài lưới như: vất vả, kiên nhẫn … sẽ giúp ông trong nghề thu phục linh hồn con người. Đây cũng là bài học cho các mục tử: phải đáp ứng nhu cầu căn bản này hơn hết các nhu cầu khác. Khi dân chúng không muốn nghe các mục tử giảng dạy, lý do có thể vì họ không hiểu hay không tìm được sự hấp dẫn của Lời Chúa qua cách thế giảng dạy của các mục tử.

2.2/ Đức Kitô chọn người để tiếp tục sứ vụ giảng dạy: Giảng xong, Người bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”

(1) Làm theo thánh ý Thiên Chúa: thách đố con người, trước tiên, phải bỏ ý mình. Là người có biết bao kinh nghiệm về chài lưới, vất vả cả đêm không bắt được con nào, và đã giặt giũ lưới xong; Phêrô giờ phải làm theo ý của một người không có kinh nghiệm về chài lưới, lại bắt thả vào giờ cá không ăn, và trước bao nhiêu dân chúng và bạn đồng nghiệp. Tuy thế, Phêrô cũng vâng lời làm, không phải vì tin sẽ bắt được cá, nhưng vì lời truyền uy quyền của Chúa Giêsu.

Hiệu quả của việc làm theo thánh ý Thiên Chúa: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.”

(2) Phản ứng của Phêrô và các bạn: Họ kinh ngạc khi chứng kiến mẻ lưới lạ lùng xảy ra. Phêrô, Giacôbê và Gioan là những người thuyền chài kinh nghiệm, các ông không ngờ trên đời còn có người hiểu biết và kinh nghiệm hơn mình. Đây lại là bài học cho con người nữa: Có khôn ngoan, hiểu biết và kinh nghiệm đến đâu chăng nữa, cũng vẫn phải mở lòng để học hỏi và đón nhận những tinh hoa của người khác mỗi ngày, nhất là những gì đến từ Thiên Chúa. Ngài vẫn không ngừng mở mắt con người để đón nhận những ngạc nhiên mỗi ngày. Người tự mãn bằng lòng với những gì mình có, sẽ không cần phải học hỏi, và sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội để trau dồi kiến thức trong cuộc đời.

Ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Ông nhận ra Chúa Giêsu không phải là một con người bình thường, nhưng có uy quyền của Thiên Chúa. Ông cũng nhận ra Chúa Giêsu biết tất cả những gì ông suy nghĩ trước khi ông thả lưới bắt cá; vì thế, ông chấp nhận thân phận yếu đuối, hèn hạ của mình, và khiêm nhường quì gối xuống xin tránh xa ông. Bấy giờ Đức Giêsu lợi dụng cơ hội và bảo ông Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Một khi đã nhận ra sự thật và tình yêu Thiên Chúa, con người chỉ còn một cách là bỏ hết mọi sự mà theo Người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần học hỏi và cầu nguyện để xin Thiên Chúa cho chúng ta hiểu đâu là thánh ý Ngài muốn cho chúng ta trong cuộc đời; đồng thời xin Ngài ban sức mạnh để chúng ta thực hiện.

– Hiệu quả của việc thực hiện thánh ý Thiên Chúa sẽ bảo đảm cho chúng ta sinh hoa kết quả ở đời này, và được chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa đời sau.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************