Ngày thứ năm (07-04-2022) – Trang suy niệm

06/04/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần V Mùa Chay Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: St 17, 3-9

“Ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong ngày ấy, Abram sấp mình xuống đất và Thiên Chúa phán cùng ông rằng: “Này Ta đây, Ta giao ước với ngươi, ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc. Thiên hạ sẽ không còn gọi ngươi là Abram nữa, nhưng sẽ gọi là Abraham, vì Ta đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ta sẽ ban cho ngươi con cháu đông đúc. Ta sẽ đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc, và nhiều vua chúa xuất thân từ ngươi. Ta sẽ thiết lập giao ước vĩnh viễn giữa Ta với ngươi cùng con cháu ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác, để Ta trở nên Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi cư ngụ, sẽ cho ngươi làm chủ vĩnh viễn toàn cõi đất Canaan và Ta sẽ là Chúa của chúng”.

Chúa lại phán cùng Abraham rằng: “Phần ngươi và dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, hãy giữ lời giao ước của Ta”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 104, 4-5. 6-7. 8-9

Đáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

Xướng:

1) Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết. – Đáp.

2)Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. – Đáp.

3)Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac. – Đáp. 

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Am 5, 14

Các ngươi hãy tìm điều lành, chớ đừng tìm điều dữ, để các ngươi được sống và Chúa sẽ ở cùng các ngươi. 

PHÚC ÂM: Ga 8, 51-59

“Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”. Người Do-thái lại nói: “Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: ‘Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết’. Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?”

Chúa Giêsu trả lời: “Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Đấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng”.

Người Do-thái liền nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?” Chúa Giêsu trả lời: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”.

Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

07/04/2022 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 5 MC

Ga 8,51-59

GIỮ LỜI MUÔN ĐỜI KHÔNG CHẾT

“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,51)

Suy niệm: Giữa lúc cuộc tranh luận giữa người Do Thái với Đức Giê-su ngày càng trở nên gay gắt, Ngài tuyên bố chắc nịch như đinh đóng cột rằng “Ai tuân giữ lời Ngài, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Người Do Thái chẳng những không tin mà còn qui chụp: “Bây giờ chúng ta biết chắc là ông bị quỷ ám.” Họ cho rằng Áp-ra-ham đã chết, nhưng Đức Giê-su nói họ “lầm to” vì Thiên Chúa của Áp-ra-ham, tổ phụ họ, là “Thiên Chúa của kẻ sống” chứ không phải của kẻ chết (x. Mc 12,27; Mt 22,32). Như thế, Áp-ra-ham, người luôn tin và vâng lời Thiên Chúa vẫn sống; và lời Đức Giê-su đoan chắc “ai giữ lời muôn đời không chết” càng được chứng thực hơn nữa trong cuộc tử nạn và phục sinh vinh quang của Ngài.

Mời Bạn: Phải “tuân giữ lời Thiên Chúa” như thế nào để “không bao giờ phải chết”? Nếu chỉ đọc vanh vách những câu lời Chúa, nói rõ số chương số đoạn mà không đem ra thực hành trong đời sống mình thì chưa phải là “tuân giữ Lời”. Phải để Lời Chúa thấm vào trong tim, ăn sâu trong trí não và đi tới bàn tay thực hành.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi dành thời gian suy niệm đoạn Tin Mừng trong phụng vụ thánh lễ ngày hôm đó, và luôn đưa ra một điều quyết tâm cụ thể để thực hành trong ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con hay hời hợt nghe Lời Chúa trong thánh lễ, nghe xong rồi quên. Xin cho từ hôm nay, Lời Chúa ở lại trong con và dạy con sống Lời Chúa, noi gương Con Chí Ái Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, để con xứng đáng là con cái Chúa, Đấng luôn yêu thương và mong điều tốt cho con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng việc Đức Giêsu bị ném đá.
Nhưng Ngài đã ẩn mình đi và ra khỏi Đền thờ (c. 59).
Ném đá là hình phạt của người Do-thái chủ yếu dành cho kẻ phạm thượng.

Đức Giêsu đã làm gì để bị coi là mắc tội phạm thượng,
nghĩa là tội coi thường quyền tối thượng của Thiên Chúa ?
Trước hết Đức Giêsu đặt mình lên trên tổ phụ đáng kính Abraham.
Ngài biết ông Abraham vui sướng mừng rỡ
vì hy vọng được thấy ngày của Ngài, thấy những việc Ngài làm đây (c. 56).
Abraham mừng vì chính Đức Giêsu, chứ không phải cá nhân mình,
mới là Đấng đem phúc lành cho mọi dân tộc trên thế giới.
Dù chưa tới năm mươi tuổi, Đức Giêsu dám coi mình là có trước ông Abraham.
“Trước khi có Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (c. 58).

Ta là Đấng Hằng Hữu là câu trả lời của Thiên Chúa cho ông Môsê
khi ông hỏi tên của Ngài bên bụi cây bốc cháy (Xh 3, 14).
Đức Giêsu cũng muốn trả lời câu hỏi về mình (c. 53) bằng lối nói đó.
Vì trước khi được sinh ra ở đời làm người, thì Ngài đã hiện hữu rồi.
Ngài là một với Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18),
bởi đó Ngài có trước Abraham, người đã sống trước Ngài gần hai ngàn năm.
Chính khẳng định bị coi là phạm thượng này đã khiến Ngài bị ném đá.

Đức Giêsu thường bị coi là ngạo mạn, tự tôn vì những lời như vậy.
Thật ra Ngài chẳng tự tôn vinh mình.
Chúa Cha mới là Đấng tôn vinh Ngài qua cái chết tủi nhục (c. 54).
Đức Giêsu cũng chẳng coi thường Thiên Chúa bao giờ.
Ngài gọi Thiên Chúa là Cha một cách thân thương,
và nhìn nhận: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28).

Có một sự phân biệt rất rõ giữa Chúa Cha và Đức Giêsu :
Chúa Cha là người sai đi; Đức Giêsu là Con, là người được sai đi.
Đức Giêsu chỉ làm điều Ngài thấy Cha làm (Ga 5, 19-20; 8, 28-29),
và nói điều Ngài nghe Cha nói (Ga 8, 26. 40; 12, 49-50).
Triệt để vâng phục và tùy thuộc là nét đặc trưng của Đức Giêsu.
Trong Tin Mừng Gioan, bao lần ta gặp cụm từ không tự mình.
Đức Giêsu không tự mình nói, cũng chẳng tự mình làm.
Ngài đòi chúng ta tuân giữ lời Ngài (c. 51)
chỉ vì chính Ngài cũng đã tuân giữ lời của Thiên Chúa (c. 55).

Trong tuần lễ này, tại nhà thờ các ảnh tượng có thể được che lại.
Khi bị ném đá, Đức Giêsu đã tránh đi vì giờ của Ngài chưa đến.
Đức Giêsu vẫn cương trực nói điều phải nói và làm điều phải làm.
Chúng ta xin có được sự cương trực đó khi phải làm chứng cho Chúa.

Lời nguyện

Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.

Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.

Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.

Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.

Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG TƯ

Được In Dấu Aán Sự Sống

Chúng ta hãy cảm tạ vì cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su Kitô. Chúng ta hãy cảm tạ vì Chúa Cha đã tôn vinh Người. Người là Đấng đã hủy mình ra không, “trở thành vâng phục cho đến chết, chết trên Thập Giá” (Pl 2,8).

Vâng, công cuộc cứu chuộc thế giới được hoàn tất trong cuộc Phục Sinh của Người. Dấu ấn của sự chết đã được tháo gỡ khỏi ngôi mộ đá lạnh lùng. Và dấu ấn sự sống đã được đóng vào trái tim của những người tin. “Đức Kitô đã chịu hiến tế để làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7).

Chúng ta hãy cảm tạ vì hy tế của Đức Giêsu – hy tế đã đạt tới chính ngai tòa của Chúa Cha. Chúng ta hãy cảm tạ vì tình yêu của Chúa Cha – tình yêu đã được mạc khải nơi cuộc Phục Sinh của Chúa Con.

Chúng ta hãy cảm tạ vì hơi thở của Chúa Thánh Thần Đấng trao ban sự sống. Hơi thở này được đón nhận bởi các Tông Đồ, qui tụ tại căn gác thượng theo chỉ thị của Đức Giêsu. Đức Kitô sẽ đến giữa họ, ngay cả xuyên qua những cánh cửa đóng kín. Người sẽ nói với họ: “Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha… “ (Ga 20,22-23).

Chính từ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu mà chúng ta nhận được ơn tha thứ tội lỗi của chúng ta. Cuộc hoán cải của chúng ta xảy ra nơi chính Thập Giá của Người. Và nơi cuộc Phục Sinh của Người, chúng ta chiến thắng trên tội lỗi của mình. Người đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Người đã trao cho chúng ta chính sự sống của Người, Người mở lối cho chúng ta bước vào sự sống vĩnh cửu bất diệt.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 07/4

Thánh Gioan Lasan, linh mục

St 17, 3-9; Ga 8, 51-59.

LỜI SUY NIỆM: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.”

          Chúa Giêsu đang mời gọi mỗi người trong nhân loại hôm nay hãy lắng nghe và tuân giữ Lời của Người, Chính Lời Chúa sẽ giúp cho mỗi người sống đúng với phẩm giá của mình là “Hình ảnh của Thiên Chúa” để vui sống và ngày sau hưởng sự sống đời đời trong Nước Trời.

          Lạy Chúa Giêsu, lời Chúa là ngọn đèn soi lối cho con đi, để không phải sai phạm vào chốn nô lệ của tội lỗi. Xin cho chúng con ham thích học hỏi, suy niệm Lời Chúa, để chúng con luôn được vui sống bình an.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 07-04

Thánh GIOAN LASAN
Linh Mục (1651 – 1719)

Thánh Gioan Lasan là bổn mạng của các nhà giáo dục, Ngài được thành công trong việc cung ứng một hệ thống giáo dục cho quảng đại quân chúng vào thời mà dân nghèo như bị bỏ rơi hoàn toàn. Nỗ lực của Ngài không phải chỉ trong việc mở trường mà là việc tạo lập nên một đoàn thể những nhà giáo dục được đào tạo chu đáo. Chính nỗ lực này đặt nền tảng bảo đảm cho sự thành công trong việc giáo dục.

Không phải khuynh hướng tự nhiên được đưa Ngài tới việc thực hiện công trình này. Thật vậy, hoàn cảnh gia đình với sự đào luyện từ thuở nhỏ khó có thể coi được là một chuẩn bị cho Ngài làm giáo dục. Sinh tại Reims ngày 30 tháng 4 năm 1651, Gioan Baotixita, là con trưởng trong một gia đình quý phái và được thừa hưởng địa vị lẫn gia tài của cha mẹ để lại. Những thứ này là vực ngăn cách Ngài với đám đông dân chúng nghèo khổ.

Vào tuổi 16, khi đang theo học ở Học viện dành cho trẻ em ưu tú (College des Bons enfants), thánh nhân được đặt làm kinh sĩ ở Reims. Sau đó Ngài tiếp tục theo học tại chủng viện Xuân Bích và đại học Sorbonne để làm linh mục. Ngài thụ phong linh mục năm 27 tuổi.

Cho đến lúc này, chưa có một yếu tố nào cho thấy rõ sứ mệnh tương lai của Ngài. Nhưng ít lâu sau, Ngài được chỉ định giúp vào việc lập trường ngay tại quê hương xứ sở mình. Việc này đặt Ngài và trách nhiệm săn sóc các giáo viên, dẫn Ngài tới chỗ đưa họ về nhà mình và đào luyện họ. Dần dần, Ngài hiểu rằng: Chúa quan phòng định cho Ngài làm dụng cụ kiến tạo một hệ thống giáo dục dành cho dân nghèo, lớp dân bị xỉ nhục trong “thế kỷ huy hoàng” vì sự hư dốn và ngu dốt của họ.

Chọn thánh ý Thiên Chúa làm nguyên tắc hứơng dẫn đời sống, Ngài quyết định hiến mình trọn vẹn cho công tác này. Ngài từ chức kinh sĩ, phân phát gia tài để mang lấy cũng một địa vị như các giáo viên Ngài chung sống. Làm như vậy Ngài làm cho những người đồng hương nặng đầu óc giai cấp tức giận. Nhưng điều ấy không thay đổi được quyết định của Ngài.

Năm 1684, Ngài biến đổi nhóm giáo viên của mình để thành một cộng đoàn an sĩ với danh hiệu Sư huynh. Các trường công giáo. Đây là nguồn gốc của hội dòng ngày nay, phổ biến rộng rãi khắp thế giới. Để giới hạn hội dòng riêng cho nỗ lực giáo dục, Ngài nhận định rằng: sư huynh nào làm linh mục, cũng như không nhận một linh mục nào vào dòng. Luật này ngày nay vẫn còn được áp dụng.

Những năm đầu, hội dòng rất nghèo khổ và cực nhọc. Tuy nhiên thánh nhân vẫn kiên quyết chịu đựng và vững tin ở Chúa quan phòng. Người nói với những người lo âu : – Tại sao mà không tin tưởng ? Chúa thà làm phép lạ còn hơn để cho chúng ta phải thiếu thốn.

Mối quan tâm chính của Ngài là đào luyện đạo đức và nghiệp vụ cho anh em. Nhưng, thấy không thể thỏa mãn được mọi đòi hỏi của giáo viên nếu không huấn luyện giáo viên, năm 1678 Ngài lập ở Reims một học viện cho khoảng 40 trẻ. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục có một cơ sở giáo dục như vậy.

Sau khi lập trường ở những thành phố lân cận, năm 1683, Ngài coi sóc một trường ở xứ Thánh Xuân Bích (Sulpice), là nơi Ngài đặt bản doanh của mình. Tại thủ đô công trình lan rộng mau lẹ. Ngài lập thêm một trường đào tạo nữa với một trường miễn phí cho các bạn trẻ đã đi làm việc. Khi vua Giacôbê III trao phó cho Ngài săn sóc các thiếu niên Ai Nhĩ Lan, Ngài đã dành cho họ các giảng khoá đặc biệt theo nhu cầu của họ.

Mục đích tốt đẹp của Ngài bị chống đối bởi những giáo viên trường nhỏ, vì mất học sinh và học phí. Họ kiện cáo Ngài. Trường của Ngài bị cướp phá. Ngài bị kết án và bị cấm không được mở trường đào luyện miễn phí ở phạm vi Paris. Dĩ nhiên Ngài cũng bị trục xuất khỏi thủ đô một thời. Nhưng công trình của Ngài đã lan rộng sang nhiều nơi khác và những cấm đoán kia không thể phá hủy nổi.

Ở Rouen, Ngài đã lập hai cơ sở quan trọng: một trường nội trú phải trả học phí, cho học sinh miền quê muốn hiến thân, và một trường phục hồi cho những trẻ em bụi đời. Cả hai đều rất thành công. Cha Gioan Baotixita trải qua những năm cuối đời ở Rouen để kiện toàn thành tổ chức, viết luật dòng chờ các sư huynh và hai tác phẩm Meditations (nguyện ngắm), Methode de la prière mentale (Phương pháp thực hành tâm nguyện)

Ngài từ trần ngày thứ sáu tuần thánh 09 tháng 04 năm 1719.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

07 Tháng Tư

Bình An Trong Tâm Hồn

Purna, một môn đệ của Ðức Thích Ca, xin thầy được phép đi đến Sronapa-Ranta, một vùng còn bán khai để tiếp tục tu luyện và truyền đạo. Nhân lời xin này, người ta ghi lại cuộc đối thoại giữa hai thầy trò như sau: Ðức Thích Ca cho biết ý kiến: “Nhân dân vùng Sronapa-Ranta còn rất man di. Họ nổi tiếng thô bạo và tàn ác. Bẩm tính của họ là hiếu chiến, thích gây sự, thích cãi vã, đánh nhau và làm hại kẻ khác. Lúc đến đó, nếu họ nghi kỵ con, dùng những lời thô bạo để nói xấu, mắng chửi và vu khống con, con sẽ nghĩ thế nào?”. Purna thưa: “Nếu thật sự xảy ra như vậy, thì con nghĩ là: dân chúng tại đây thật tốt lành và thân thiện, vì họ chỉ lăng mạ con chứ không dùng vũ lực, không đánh đập hay ném đá con”. Ðức Thích Ca tiếp lời: “Nhưng nếu họ hành hung và dùng đá ném con, thì con sẽ nghĩ thế nào?”. Purna thưa: “Trong trường hợp đó, con vẫn nghĩ dân chúng vùng Sronapa-Ranta thật tốt lành và thân thiện, vì họ không cột con vào cột để đánh đòn và không dùng khí giới sắc bén để sát hại con”.

Nghe môn đệ xác quyết như thế, Ðức Phật không khỏi ngạc nhiên; Ngài hỏi tiếp: “Nhưng nếu họ thật sự ra tay giết con, con nghĩ thế nào trước khi nhắm mắt lìa đời?”. Không cần suy nghĩ lâu, Purna đáp: “Nếu họ hại đến tính mạng con, con vẫn nghĩ họ là những người tốt lành và thân thiện, vì họ muốn giải thoát con khỏi thân xác hay hư nát này”. Nghe đến đây, Ðức Thích Ca bảo: “Purna, con đã tu tâm dưỡng tính đến nơi đến chốn để có được sự ôn hòa, kiên nhẫn hơn người. Thầy nghĩ con có thể sinh sống và truyền đạo cho dân Sronapa-Ranta. Hãy ra đi và giúp họ dần dần giải thoát khỏi bẩm tính hiếu chiến và bất nhân như chính con đã tự giải thoát mình khỏi những thiên kiến và những ý nghĩ hận thù, ghen ghét”.

Thiết nghĩ tự tạo cho mình sự bình an trong tâm hồn là bổn phận của Kitô hữu chúng ta. Và theo kinh nghiệm của tu sĩ Purna trong câu chuyện trên, để tạo cho mình nền hòa bình này, chúng ta phải cố gắng tự giải thoát mình khỏi mọi thiên kiến, nghi kỵ cũng như hằng ngày phải thanh luyện tâm hồn khỏi những ý nghĩ hận thù, ghen ghét.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm – Tuần V – MC

Bài đọc: Gen 17:3-9; Jn 8:51-59.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Thiên Chúa hứa với Abraham được thực hiện nơi Đức Kitô.

Hơn một nửa dân số trên địa cầu hiện nay tuyên bố tổ-phụ Abraham là cha của họ: Do-thái giáo, Hồi-giáo, Kitô giáo (bao gồm tất cả những ai tin vào Đức Kitô); nhưng lại không nhận nhau là anh, chị, em! Người Do-thái cho rằng chị có họ là giòng dõi Abraham theo máu mủ của Isaac. Người Hồi-giáo cho họ cũng là giòng dõi của Abraham vì Ismael cũng là con của Abraham. Người Kitô giáo dựa vào giao ước Thiên Chúa đã ký kết với tổ-phụ. Một sự đọc lại bản giao ước này cần thiết để xóa tan mọi ngộ nhận và giúp mọi người sống thân mật với nhau.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong giao ước Thiên Chúa ký kết với tổ-phụ Abraham. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Thế Ký tường thuật bản giao ước Thiên Chúa ký kết với tổ-phụ Abraham. Thiên Chúa sẽ làm cho ông thành “cha nhiều dân tộc,” chứ không phải chỉ dân tộc Israel mà thôi. Phần Abraham và giòng dõi ông, họ phải tin và tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Abraham đã vui mừng khi nhìn thấy ngày của Ngài; vì nhờ Ngài, lời Thiên Chúa hứa với tổ-phụ sẽ trở thành “cha nhiều dân tộc,” được thực hiện.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh cửu với tổ-phụ Abraham.

1.1/ Phía của Thiên Chúa:

(1) Ngài hứa ban vô số dân tộc: Đây là một lời hứa rất quan trọng. Chúng ta cần tìm hiểu chi tiết của lời hứa này:

– Tên Abram có nghĩa “Cha được vinh quang.” Chúa đổi tên cho ông thành Abraham có nghĩa “Cha của một đám đông, ab hamôn.” Tên này ám chỉ lời Thiên Chúa hứa với ông: “Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc.”

– Điều quan trọng của lời hứa là giòng dõi của ông sẽ không còn giới hạn trong vòng Israel, nhưng lan rộng ra đến các dân tộc. Nếu chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Israel, Abraham không thể có con cháu nhiều như sao trên trời và như cát ngòai bãi biển được.

– Làm sao để lời hứa này hiện thực? Thánh Phaolô giúp chúng ta trả lời, bằng niềm tin của con người vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Abraham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gal 3:27-29).

– Vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi: Hai nhân vật quan trọng của giòng dõi Abraham là Vua David và Chúa Giêsu Kitô.

– Giao ước này là giao ước vĩnh cửu: không lệ thuộc vào thời gian và không gian, được trải dài đến muôn vàn thế hệ.

(2) Ngài hứa ban Đất Hứa: “Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi sau này miền đất ngươi đang trú ngụ, tức là tất cả đất Canaan, làm sở hữu vĩnh viễn; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.” Đất Hứa là đất Canaan mà Joshua và con cái Israel sẽ chiếm đóng khi từ Ai-cập trở về.

1.2/ Phần của Abraham: Bổn phận chính yếu của Abraham và tất cả giòng dõi của ông là phải luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa và làm những gì Ngài dạy.

2/ Phúc Âm: Sự liên hệ giữa Chúa Giêsu và tổ-phụ Abraham

2.1/ Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết: Chúa Giêsu cũng tuyên bố một câu tương tự với Martha khi cô cầu xin với Ngài cho em là Lazarus được sống lại: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Jn 11:25-26). Ở đây, Chúa Giêsu không có ý nói về cuộc sống thể lý; nhưng cuộc sống về đàng thiêng liêng. Những ai đã tin và giữ lời Chúa dạy, họ luôn sống; tuy họ sẽ phải chết về phần xác, nhưng đó chỉ là cách để đưa họ tới cuộc sống muôn đời với Thiên Chúa. Cuộc sống muôn đời trong tương lai đã bắt đầu ngay từ ở đời này.

Nhưng người Do-thái không hiểu ý Chúa Giêsu, nên họ nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự xưng mình là ai?”

2.2/ Lời hứa của Thiên Chúa với Abraham được thực hiện nơi Đức Kitô.

(1) Chúa Giêsu biết Thiên Chúa và vâng lời Ngài: Chúa Giêsu tuyên bố: “Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông.” Con người có cố gắng lắm cũng chỉ biết phần nào của Thiên Chúa, Chúa Giêsu biết Thiên Chúa như Thiên Chúa là, vì Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nếu con người muốn biết Thiên Chúa, họ phải tin vào những mặc khải của Chúa Giêsu. Hơn nữa, Chúa Giêsu luôn vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự. Nếu con người muốn biết thế nào là tuân theo ý định của Thiên Chúa, họ cũng phải học nơi Chúa Giêsu. Ngài hòan tòan làm theo ý định của Cha Ngài. Người Do-thái tuyên bố họ biết Thiên Chúa, nhưng trong thực tế, họ đã không biết và không vâng lời Ngài.

(2) Tổ-phụ Abraham và Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã chứng minh cho người Do-thái trong trình thuật hôm qua: họ không phải là con cháu Abraham, vì họ không làm những gì ông làm. Trong trình thuật hôm nay, Ngài lại chứng minh cho họ một lần nữa: họ không phải là con cháu Abraham, vì họ không vui mừng đón tiếp Ngài như Abraham: “Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Làm sao để hiểu lời tuyên bố này? Cách cắt nghĩa dễ nhất là dùng trình thuật của Lucas về dụ ngôn người phú hộ và Lazarus (Lk 16:22-31). Abraham đang ở trên trời nhìn xuống và thấy hết mọi sự. Nhưng đây chỉ là dụ ngôn Chúa dùng. Thực ra, truyền thống Do-thái tin Abraham đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy ngày Đấng Thiên Sai ra đời và ông đã mừng rỡ. Truyền thống Giáo Hội tin Abraham và những người lành đã chết chỉ sống lại, khi Đức Kitô xuống Ngục Tổ Tông đưa các ngài lên trong đêm vọng Phục Sinh.

Người Do-thái phản đối: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Abraham!” Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” Chúa Giêsu không lệ thuộc thời gian, Ngài không nói: trước khi Abraham có, Tôi đã có; nhưng nói Tôi Hằng Hữu. Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Đọc lại giao ước vĩnh cửu Thiên Chúa đã ký kết với tổ-phụ Abraham cho chúng ta thấy những điều quan trọng sau đây:

(1) Giòng dõi của tổ-phụ Abraham được mở rộng đến các dân tộc, chứ không chỉ giới hạn trong dân tộc Israel.

(2) Mọi người đều có thể trở thành con cháu tổ-phụ Abraham bằng niềm tin vào Đức Kitô và làm những gì Ngài dạy.

(3) Nếu một người thuộc dân tộc Israel mà không tin và làm những gì Đức Kitô dạy, họ cũng không phải là con cháu của tổ-phụ Abraham; vì đã không tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************