Ngày thứ năm (12-07-2018) – Trang suy niệm

11/07/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XIV Mùa Thường Niên Năm chẵn

Hs 11: 1-4, 8e-9

“Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi”.

Trích sách Tiên tri Hôsê. 

Đây Thiên Chúa phán: “Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

“Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn.

Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Đấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16

Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4b).

Xướng: 1) Lạy Đấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các vệ binh thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin tỉnh thức quyền năng của Chúa. – Đáp.

2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy; bảo vệ ngành nho mà tay Ngài đã củng cố cho mình. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 10, 7-15

“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng ‘Nước Trời đã gần đến’. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

“Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

12/07/18 – THỨ NĂM TUẦN 14 TN

Mt 10,7-15

TRỞ THÀNH THỢ GẶT

“Dọc đường hãy rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã đến gần’.” (Mt 10,7)

Suy niệm: Cha Ngô Phúc Hậu kể chuyện truyền giáo ở một giáo điểm: hai cô giáo mới của giáo điểm gây một đống chuyện ghen tuông; bà dự tòng thì than phiền thầy B. uống rượu với đám thanh niên, “say xỉn quá coi không được cha ơi!” Cha than thở: “Chúa ơi… ở đây công cuộc truyền giáo đầy gian khổ… thiếu tiện nghi, thiếu người, bây giờ lại thiếu đạo đức nữa!” Thiếu đạo đức là chuyện dài nhiều tập trong đời sống người kitô hữu, thợ gặt của Chúa Ki-tô. Thiếu đạo đức vì lòng họ chỉ gắn bó với chuyện hưởng thụ trần thế, dường như quên mất Nước Trời đã đến gần. Thiếu đạo đức vì không phó thác tin tưởng nơi Chúa, mà chỉ tin tưởng nơi đống tiền, đống của, hoặc tài năng riêng của mình.

Mời Bạn: “Người ta bước vào Nước Trời, chứ không phải Nước Trời đi vào lòng người. Nước Trời ấy là tình trạng những công việc, chứ không phải tình trạng tâm hồn” (Verhey). Mời bạn bước vào Nước Trời, trở thành thợ gặt truyền giáo qua hai nhịp: (1) bước ra khỏi thế giới riêng tư của đam mê hưởng thụ ích kỷ; (2) hướng đến môi trường mình đang sống, làm việc cụ thể và tích cực để môi trường ấy thấm đượm giá trị Tin Mừng.

Chia sẻ: Người thợ gặt của Chúa Kitô hôm nay cần có những phẩm chất gì?

Sống Lời Chúa: Ôn lại hai nhịp bước vào Nước Trời (trong phần Mời Bạn) và xác định việc cụ thể bạn sẽ làm ngày hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con lên đường, trở thành thợ gặt Nước Trời. Xin giúp chúng con điều khó nhất là thoát ra khỏi thế giới riêng tư cá nhân, để hướng đến thế giới rộng hơn, môi trường chúng con đang sinh sống. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

12 THÁNG BẢY

Không Có Gì Giấu Ẩn Đối Với Thiên Chúa

Vâng, con người là triều thiên của thế giới tạo vật hữu hình! Điều này mở ra cho chúng ta một nhận thức hoàn toàn mới về mầu nhiệm quan phòng thần linh. Công Đồng Vatican I đã nhấn mạnh đến giáo huấn đức tin này khi xác quyết rằng trong ánh nhìn khôn ngoan và thượng trí của Thiên Chúa, tất cả đều phơi bày trần trụi – kể cả những hành vi tự do của các tạo vật có lý trí, tức những hành vi đến từ một sự chọn lựa có ý thức và một sự quyết định tự do.

Sự quan phòng của Thiên Chúa – một cách đầy ân cần và yêu thương – đưa dẫn con người tiến về mục tiêu của mình, đồng thời vẫn tôn trọng sự tự do của con người. Đó chính là quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa Quan Phòng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 12/7

Hs 11, 1.3-4.8-9; Mt 10, 6-15.

LỜI SUY NIỆM: “Khi anh em vào bất cứ thành nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.”

            Chúa Giêsu, là Đấng thấu suốt mọi sự với một tình yêu thương lo lắng cho các môn đệ của Người, nên Người đã căn dặn những người được Người sai đi cần phải nắm vững những nguyên tắc căn bản và những điều cần thiết cho chính mình và cho công việc loan báo Tin Mừng.

            Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan để hiểu biết, nhờ đó giúp cho chúng con biết dùng ngôn từ trong giao tiếp, đem tình thương khi phục vụ, để những người đón nhận Tin Mừng nhận ra sự yếu đuối và bất toàn của họ mà Tin vào quyền năng yêu thương và Cứu Chuộc của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

12 Tháng Bảy

Những Niềm Vui Nhỏ 

Biết tận hưởng những niềm vui nhỏ trong cuộc sống: đó là một trong những bí quyết của hạnh phúc.

Người Nhật Bản thường kể câu chuyện như sau: Một người đàn ông nọ đi qua một cánh đồng, thình lình bị cọp đuổi… Anh ta chạy bán sống bán chết mà vẫn không tìm ra chỗ dung thân. Anh chạy mãi để rồi cuối cùng thấy mình đứng bên bờ vực thẳm. Phía sau lưng, con cọp vẫn không buông tha. Không còn biết làm gì nữa, người đàn ông phải lấy sức để đu lên một cành cây bắc qua vực thẳm. Nhìn xuống dưới thung lũng, anh ta lại thấy một con cọp khác cũng đang nằm chờ chực. Người đàn ông đáng thương chỉ còn niềm hy vọng duy nhất: đó là nằm chờ đợi cho đến khi hai thú vật mệt mỏi bỏ đi… Chờ đợi trong lo sợ vẫn là cực hình lớn lao nhất đối với con người.

Giữa lúc anh ta đang phải chiến đấu với sợ hãi và mệt mỏi, thì tình cờ bỗng có hai con chuột bỗng từ đâu xuất hiện trên chính cành cây anh đang đu vào. Hai con vật bắt đầu gặm nhấm lớp vỏ xung quanh cành cây. Bình thường, chuột là một trong những loài thú mà anh gớm ghiếc nhất vì sự dơ bẩn của nó. Tiếng kêu của nó cũng là một âm thanh làm cho lỗ tai anh khó chịu. Thế nhưng, trong cơn sợ hãi tột cùng này, người đàn ông bỗng nhìn thấy hai con chuột thật đáng yêu. Những hàm răng mũm mĩm của chúng trông dễ thương làm sao! Tiếng kêu của hai con vật cũng trở thành một âm thanh êm dịu hơn tiếng gầm thét của hai con cọp.

Giữa lúc anh đang theo dõi từng động tác của hai con chuột, thì một con chim bỗng từ đâu bay lại, thả rớt trên cành cây một trái dâu rừng. Anh đưa tay nhặt lấy trái dâu và thưởng thức hương vị ngọt ngào của trái rừng bỗng nên thơ đáng yêu lạ lùng.

Thiên Chúa tạo dựng con người để được sống hạnh phúc và hạnh phúc ngay từ trên cõi đời này. Do đó, hạnh phúc không chỉ đến trong cuộc sống mai hậu, hạnh phúc không hẳn nằm ở ngoài tầm tay với con người. Kitô giáo không chỉ hướng chúng ta đến hạnh phúc đời sau, nhưng còn mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy trong cõi đời này.

Mang lấy thân phận con người, nhập cuộc vào trần gian này, Chúa Giêsu như mang hạnh phúc Thiên Ðàng đến với con người. Ngài mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy, Ngài nói với chúng ta rằng cuộc sống trần gian này là một cuộc đời đáng sống. Chấp nhận cuộc sống, chấp nhận chính bản thân, chấp nhận ngay cả những nghịch cảnh trong cuộc sống: đó chính là bí quyết của hạnh phúc trên đời này.

Bí quyết của hạnh phúc cũng chính là biết đón nhận những niềm vui nhỏ trong cuộc sống mỗi ngày. Có những ngày tù đày, chúng ta mới thấy được giá trị của hai chữ tự do. Có sống xa gia đình, chúng ta mới nhung nhớ những ngày sống bên những người thân. Có những lúc nằm quằn quại trên giường bệnh, chúng ta mới thấy được giá trị của sức khỏe… Cuộc sống của chúng ta tràn ngập những niềm vui nhỏ mà chỉ khi nào mất đi, chúng ta mới cảm thấy luyến tiếc.

“Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống”: đó là lời kêu gọi Chúa Giêsu không ngừng nhắn gửi cho chúng ta khi Ngài mời gọi chúng ta chiêm ngắm hoa huệ ngoài đồng và chim chóc trên rừng… Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống có nghĩa là đón nhận từng phút giây trong cuộc sống với cảm mến và hân hoan. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống cũng có nghĩa là biết nhìn thấy xuyên qua những mất mát, thua thiệt, và ngay cả tội lỗi, bàn tay quan phòng nâng đỡ của Chúa… Chúa Giêsu không bao giờ loan báo cái chết một cách riêng rẽ, Ngài luôn gắn liền nó với sự Phục Sinh.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần 14 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: Hos 11:1b, 3-4, 8c-9; Mt 10:7-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương xót của Thiên Chúa thắng vượt sự vô ơn của con người.

Công bằng và thương xót là hai trong những đặc tính nơi Thiên Chúa. Nhiều người đã tự hỏi đặc tính nào nổi bật hơn nơi Thiên Chúa? Nhiều người cho Thiên Chúa của Cựu Ước mang hình ảnh của Thiên Chúa công bằng; trong khi Chúa Giêsu của Tân Ước mang hình ảnh Thiên Chúa thương xót hơn. Thực ra, Thiên Chúa của Cựu Ước cũng là Thiên Chúa của Tân Ước. Hình ảnh một Thiên Chúa thương xót vẫn trổi vượt hơn nếu chúng ta so sánh tỉ lệ thời gian 2000 năm của Cựu Ước với 33 năm ngắn ngủi của Chúa Giêsu sống trên trần gian. Nếu Thiên Chúa không thương xót bỏ qua lầm lỗi, loài người chúng ta đã không tồn tại đến ngày hôm nay!

Các bài đọc hôm nay muốn chúng ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn những tội lỗi và sự vô ơn của con người. Trong bài đọc I, ngôn sứ Hosea diễn tả tình thương Thiên Chúa dành cho con cái Israel như tình thương của một người cha nuôi dưỡng đứa con thơ của mình. Lòng thương xót của Ngài đã thắng vượt tất cả những tội lỗi và vô ơn của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu lo lắng cho các thế hệ tương lai bằng cách đào tạo các tông đồ. Ngài huấn luyện, ban quyền và sai họ đi để trừ quỉ, chữa lành mọi bệnh tật, và mang Tin Mừng đến cho mọi người cách nhưng không.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.”

1.1/ Thiên Chúa chăm sóc con cái Israel như cha hiền chăm sóc con thơ: Biến cố Xuất Hành, khi Thiên Chúa dẫn đưa con cái Israel ra khỏi Ai-cập là một bằng chứng cho Israel nhận thấy Ngài yêu thương họ. Ngài đập tan quân đội Pharaoh, đồng hành với họ suốt 40 năm trường trong sa mạc, và đẩy lui tất cả các địch thù trên đường tiến vào Đất Hứa. Ngôn sứ Hosea diễn tả sự yêu thương này qua hình ảnh người cha chăm sóc cho đoàn con của mình: “Ta đã tập đi cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.”

1.2/ Lòng thương xót của Thiên Chúa toàn thắng: Chỉ được ít lâu sau khi vào Đất Hứa, con cái Israel bắt đầu quên công ơn Thiên Chúa và không tuân giữ những gì Chúa truyền dạy. Tội nặng nhất và xảy ra rất nhiều lần là tội bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại. Mỗi lần như thế, thay vì thẳng tay tiêu diệt, Thiên Chúa lại gởi các ngôn sứ hay các nhà lãnh đạo tới để mang con cái Israel trở về.

Trong trình thuật hôm nay, ngôn sứ Hosea dùng ngôn ngữ con người để con cái Israel hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa. Câu hỏi đặt ra là Thiên Chúa nên đối xử công bằng hay theo lòng thương xót? Nếu Thiên Chúa đối xử công bằng, Israel sẽ không trách Thiên Chúa được điều gì cả, vì tội lỗi của họ đã xúc phạm quá nhiều lần tới Thiên Chúa. Mỗi khi muốn đánh phạt con cái Israel, Thiên Chúa đã bị dằn vặt và khổ tâm: một bên là công bằng phải thẳng tay tiêu diệt như Ngài đã tiêu diệt 4 thành của Dân Ngoại: Admah, Zeboiim, Sodom và Gomorrha bằng lửa diêm sinh từ trời (Deut 29:23), một bên là lòng thương xót khi phải nhìn những đứa con ruột chìm trong biển lửa. Ngài đã phải thốt lên: “Làm sao Ta xử với ngươi như với Admah, để ngươi nên giống như Zeboiim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ephraim nữa.”

Để hiểu sự đau khổ của Thiên Chúa, chúng ta có thể so sánh với những đau khổ của cha mẹ khi nuôi dưỡng con cái: Con hư cha mẹ đã buồn, con bị đánh đau, lòng mẹ còn xót xa hơn, con vô ơn bạc nghĩa, lòng mẹ quặn đau như bị dao đâm. Cho dẫu vậy, sự đau đớn của mẹ vẫn còn thua xa sự đau đớn của Thiên Chúa. Ngài vẫn kiên nhẫn chờ con người nhận ra tình thương và ăn năn trở lại. Sau cùng, lòng thương xót của Thiên Chúa toàn thắng. Lý do đơn giản: “vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.”

2/ Phúc Âm: Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.

2.1/ Bổn phận các môn đệ: Chúa chọn các Tông-đồ để huấn luyện các ông là cho một mục đích. Ngài biết sẽ phải từ bỏ thế gian để trở về với Chúa Cha, nên Ngài huấn luyện các ông để các ông thay Ngài tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Mục đích của việc rao giảng Tin Mừng là để con người nhận ra tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người tin vào Đức Kitô để được chung hưởng hạnh phúc với Ngài trên Thiên Đàng.

(1) Việc phải làm: Bổn phận hàng đầu của các môn đệ được Chúa Giêsu nói rất rõ ràng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” Để muôn dân tin vào lời các môn đệ rao giảng, Chúa Giêsu cũng ban cho các ông quyền chữa lành các vết thương hồn xác: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ.” Mục đích của việc chữa lành là để muôn dân nhận ra quyền năng Thiên Chúa và tin vào Ngài, chứ không phải để kiếm các lợi lộc vật chất. Ngài truyền cho các ông: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”

(2) Việc không được phép làm: Vì Chúa Giêsu biết trước những cám dỗ vật chất có thể làm các môn đệ xao lãng bổn phận rao giảng Tin Mừng; nên Ngài ngăn cấm các ông:

+ Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng: Người môn đệ trung thành của Đức Kitô không bao giờ được phép tìm kiếm những thứ này; ngày nào người môn đệ tìm kiếm những thứ này, họ không thể là người môn đệ của Đức Kitô, và lời rao giảng của họ sẽ mất hết hiệu lực.

+ Đừng tích trữ của cải mang theo: Nhiều người cho những lời dạy này không thực tế, vì lên đường mà không có những vật dụng cần thiết, khi cần đến lấy gì mà dùng. Điều chính yếu Chúa Giêsu muốn nêu lên ở đây là người môn đệ phải sống một cuộc đời đơn giản. Nếu người môn đệ có quá nhiều của cải, làm sao ông có thể sẵn sàng lên đường đến những nơi xa xôi hẻo lánh để rao giảng Tin Mừng? Hơn nữa, Đức Kitô muốn các môn đệ phải tuyệt đối tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, “vì thợ thì đáng được nuôi ăn.” Thiên Chúa sẽ không để những nhà rao giảng Tin Mừng của Ngài phải chết đói dọc đường.

2.2/ Kiếm người xứng đáng để ở trọ: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài sẽ không ngừng thúc đẩy những tâm hồn có lòng quảng đại để họ lo chăm sóc đời sống vật chất của các nhà rao giảng. Chính vì điều này mà Đức Kitô đã dạy các môn đệ: “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.”

(1) Phần thưởng cho những người tiếp đón các môn đệ Chúa: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.”

(2) Hình phạt cho những người không tiếp đón các môn đệ Chúa: “Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày Phán Xét, đất Sodom và Gomorrah còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta có một Thiên Chúa thương xót và bao dung hơn bất cứ cha mẹ nào trên thế gian này. Hãy biết chạy đến và van xin lòng thương xót của Ngài.

– Đã được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta cũng phải biết xót thương anh chị em. Đừng bao giờ nhân danh công bằng để luận tội và tiêu diệt tha nhân. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************