Ngày thứ năm (17-09-2020) – Trang suy niệm

16/09/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XXIV Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 Cr 15, 1-11

“Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không, anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như đứa con sinh non.

Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các đấng: song không phải tôi, mà là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 28

Đáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm (c. 1a).

Xướng:

1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. – Đáp.

2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. – Đáp.

3) Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 118, 135

Alleluia, alleluia! – Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 7, 36-50

“Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!” Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: “Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông”. Simon thưa: “Xin Thầy cứ nói”.

– “Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?” Simon đáp: “Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông đã xét đoán đúng”.

Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: “Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít”.

Rồi Người bảo người đàn bà: “Tội con đã được tha rồi”. Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: “Ông này là ai mà lại tha tội được?” Và Người nói với người đàn bà: “Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

17/09/2020 – THỨ NĂM TUẦN 25 TN

Th. Rô-be-tô Ben-la-mi-nô, giám mục, tiến sĩ HT

Lc 7,36-50

NHỮNG ĐIỀU NHÌN MÀ KHÔNG THẤY

Rồi quay lại phía người phụ nữ, Chúa Giê-su nói với ông Si-mon: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?… (Lc 7,44)

Suy niệm: Có lắm khi giữa một đám đông, bạn có ý tìm một người, người đó đứng ngay trước mắt bạn, thế mà lạ thay bạn lại không nhìn thấy. Phần ông Si-mon, ông thấy rõ người phụ nữ đứng đàng sau Chúa Giê-su lắm chứ. Và chắc chắn ông cũng thấy rõ bà ấy lấy tóc mà lau đôi chân Ngài ướt đẫm nước mắt của bà, rồi ông thấy bà đã lấy dầu thơm xức chân Chúa như thế nào. Và hơn nữa, ông còn biết rõ lý lịch không tốt đẹp gì của bà ta: “một người tội lỗi”. Thế nhưng, ông nhìn mà không thấy được tấm lòng của người phụ nữ ấy, “một tấm lòng tan nát khiêm cung” vì sám hối, một tấm lòng yêu mến thiết tha vì đã “được tha thứ nhiều.”

Mời Bạn: May thay cho chúng ta là Chúa không phân loại xếp hạng ta theo lý lịch, quá trình bản thân hay bảng liệt kê thành tích của ta. Ngài cũng không đóng khung ta trong cái quá khứ tội lỗi của ta. Ngài nhìn thấu suốt tận đáy lòng và Ngài phán xét dựa trên thái độ hiện tại của ta. Vì thế, điều Ngài mong thấy được nơi ta là một tâm hồn biết ăn năn sám hối và yêu mến Chúa nồng nàn.

Chia sẻ: Được Chúa nhìn với cặp mắt cảm thông như thế, chúng ta cũng phải nhìn nhau bằng cặp mắt của Chúa.

Sống Lời Chúa: Tập nhìn anh em bằng cái nhìn của Chúa để có thể cảm nhận được những nỗi niềm của anh em để mà cảm thông chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cất khỏi con những cái nhìn đầy thành kiến về anh em con. Những xin cho con biết nhìn nhau bằng cặp mắt của Chúa, để con nhận ra Chúa và yêu Chúa đang hiện diện trong họ. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài
với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 31-32).
Các nhóm chơi với nhau, í ới gọi nhau.
Một nhóm bày ra trò chơi đám cưới,
thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa.
Nhưng nhóm kia đã không tham gia.
Sau đó nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.
Nhưng nhóm kia vẫn chẳng khóc than thương tiếc.
Hẳn là chẳng vui gì khi có sự thụ động, lạnh nhạt như vậy.
Dụ ngôn trên đây nói đến một số người khó chiều, bướng bỉnh.
Dù thế nào thì họ cũng đứng ngoài, không chịu nhập vào cuộc chơi.
Họ chẳng thích cả trò đám ma lẫn đám cưới.

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói đến những người ở thời của Ngài.
Họ có nét tương tự như lũ trẻ ngồi ngoài chợ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn,
đời sống khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).
Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải.
Gioan ăn chay nên không ăn bánh, không uống rượu (c. 33).
Lối sống của ông phù hợp với lời ông giảng về việc Nước Trời gần đến.
Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.
Người ta đã coi ông là bị quỷ ám,
nên ít người tin vào lời giảng của một người như thế.

Khi Đức Giêsu đến với thế hệ này,
Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.
Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường.
Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,
một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải phóng.
Những bữa ăn trong đời Ngài đóng một vai trò quan trọng.
Ngài ngồi ăn với những người bị xã hội loại trừ như người thu thuế.
Ngài đón nhận vào bàn ăn cả những tội nhân cần tránh xa.
Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn
mà họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
Tiếc thay, Ngài cũng bị từ khước như Gioan,
bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 34).

Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.
Cả hai người, với hai lối sống nghịch nhau, cũng không chiều được họ.
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng có thể tìm ra được lý do để biện minh.
Khi cố chấp và ngụy biện để khỏi phải đối diện với chân lý,
con người chẳng được tự do.
Nguy cơ của con người mọi thời vẫn là ở lại trong tình trạng trẻ con ấu trĩ.
Làm sao để con người hôm nay có thể nghe được tiếng kêu của Gioan,
mời gọi người ta thay đổi cuộc sống bằng cách chia sẻ (Lc 3, 10-14)?
Làm sao thái độ bao dung của Đức Giêsu
ảnh hưởng trên một thế giới còn nhiều hận thù, chia rẽ, loại trừ nhau?

Lời nguyện:

Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.

Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.

Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.

Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.

Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.

Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

17 THÁNG CHÍN

Thánh Thần, Đấng Dẫn Dắt Chúng Ta

Hội Thánh, được sinh ra từ Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, vẫn không ngừng được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. “Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy cho anh em mọi sự và làm cho anh em nhớ lại tất cả mọi điều [Thầy] đã nói với anh em” (Ga 14,26).

Hội Thánh trên trần gian vẫn không ngừng được dẫn dắt bởi Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh để đào sâu chính chân lý mà Hội Thánh đã nhận lãnh trực tiếp từ môi miệng của Thầy. Trải qua bao thế kỷ, Hội Thánh đã thấu hiểu hơn chân lý ấy nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó là con đừơng giúp Hội Thánh ngày càng nhận hiểu Đức Kitô nhiều hơn. Sự hiểu biết có sức cứu độ này đã thật sự được sở đắc bởi Hội Thánh khải hoàn, là “Giêrusalem trên trời” (Gl 4,26). Chúa Thánh Thần khích lệ Hội Thánh tại thế bằng viễn cảnh huy hoàng của Hội Thánh vinh quang.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 17/9

Thánh Rôbertô Bellarminô,

Giám mục tiến sĩ Hội Thánh

1Cr 15, 1-11; Lc 7, 36-50.

LỜI SUY NIỆM: “Lòng tin của chi đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”

          Trong Tin Mừng: “Người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ và đã yêu mến Chúa nhiều” Chúng ta có thể tưởng tưởng người phụ nữ này đã có lòng yêu mến Chúa Giêsu thế nào? – Chị đã cố gắng với sự khôn ngoan và can đảm để vượt qua biết bao nhiêu cặp mắt dòm ngó không thiện hảo của nhiều người; nhưng cuối cùng chị đã gặp được Chúa để tỏ tình yêu mến và tôn trọng đối với Chúa Giêsu; với lòng sám hối  Giúp cho chúng ta một cái nhìn mới, với sự cảm thông, trong cầu nguyện và không ngăn trở những người tội lỗi đến với những người đạo đức, những đấng bậc chăn dắt, chăm sóc linh hồn; Nhưng biết cọng tác để mọi hối nhân sớm trở về với Chúa với cộng đoàn.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa rộng lòng tha thứ cho mọi tội nhân biết sám hối. Xin cho chúng con vững tin vào Lòng Thương Xót của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Thứ Năm Tuần 24 TN2

Bài đọc: I Cor 15:1-11; Lk 7:36-50.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết điều chính yếu và điều phụ thuộc.

Con người dễ lẫn lộn giữa những cái chính yếu và cái phụ thuộc. Bổn phận của người rao giảng là phải nhận ra đâu là điều chính và đâu là điều phụ trước khi loan truyền cho người nghe. Trong Bài đọc I, thánh Phaolô chỉ cho các tín hữu của ngài về sự quan trọng và những điều chính yếu của Tin Mừng. Bài Phúc Âm tường thuật hai cách đón tiếp Chúa Giêsu của Simon, người Pharisee, và của người đàn bà tội lỗi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thánh Phaolô muốn tổng kết tất cả những gì ngài muốn viết cho các tín hữu Côrintô sau khi đã giảng dạy chi tiết từng vấn đề. Trọng tâm của những gì ngài rao giảng là Tin Mừng đã được truyền lại cho ngài từ chính Chúa và ngài truyền lại cho họ.

1.1/ Sự quan trọng và cần thiết của Tin Mừng:

(1) Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận: Không ai tự phát minh ra Tin Mừng, nhưng tất cả đều lãnh nhận Tin Mừng. Và cũng không ai được tự động loan báo nếu không được ủy thác để rao giảng Tin Mừng.

(2) Trong Tin Mừng đó anh em đang đứng vững: Điều lợi ích đầu tiên của Tin Mừng là giúp người nghe được đứng vững trên hai chân. Sống trong thế gian với bao nhiêu những học thuyết khác nhau làm con người hoang mang không biết đâu là đạo lý thật, Tin Mừng giúp các tín hữu nhận ra đâu là Sự Thật phải theo.

(3) Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát: Đức tin phải đi đôi với hành động. Thánh Phaolô nhấn mạnh tới việc thực hành đức tin để được ơn cứu độ: “Nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.”

1.2/ Trọng tâm của Tin Mừng: Thánh Phaolô liệt kê 3 điều chính yếu của Tin Mừng đòi hỏi các tín hữu phải tin:

(1) Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh.

(2) Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.

(3) Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.

1.3/ Vai trò của người rao giảng: Dẫu mỗi người giữ một vai trò khác nhau nhưng tất cả đều rao giảng cùng một Tin Mừng.

– Vai trò của Phaolô: Ngài thú nhận rõ ràng trên đây ngài không phải là một trong Nhóm Mười Hai, nhưng cũng là Tông Đồ Dân Ngọai vì được sai đi bởi chính Chúa. Ngài cũng thú nhận luôn quá khứ không tốt đẹp của Ngài và làm nổi bật ơn Chúa tác động trên ngài: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.”

– Vai trò của các vị khác: Phaolô tôn trọng vai trò của Phêrô trong việc điều khiển Giáo Hội và cùng với các Tông Đồ khác rao giảng Tin Mừng cho người Do-Thái. Mỗi người một công việc khác nhau nhưng cùng góp phần trong việc rao giảng một Tin Mừng. Ngài kết luận: “Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.”

2/ Phúc Âm: Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều, ai được tha ít thì yêu mến ít.

Chúng ta thử nhìn sơ qua thái độ của 3 nhân vật chính trong Phúc Âm hôm nay. Trước tiên là của ông Simon. Việc ông mời Chúa đến nhà dùng bữa là hiếm có vì ông là người Pharisee, những người mà thường hay chỉ trích Chúa về cách cư xử của Ngài. Phúc Âm không cho biết lý do tại sao ông mời Chúa đến nhà; nhưng chắc ông ngạc nhiên về sự hiện diện của người phụ nữ nơi bàn tiệc. Thứ đến, là người phụ nữ can đảm. Bà biết cuộc đời tội lỗi của Bà, Bà cũng biết những người trong thành biết Bà là ai, Bà phải biết Chúa Giêsu là ai để có thể can đảm bày tỏ lòng ăn năn thống hối của mình mà không sợ bị từ chối đuổi đi. Sau cùng là của Chúa Giêsu. Ngài để cho người phụ nữ làm tất cả những điều đó dưới cái nhìn soi mói của tất cả khách dự tiệc và thẳng thắn bênh vực người phụ nữ.

Dưới cái nhìn của chủ nhà, Chúa Giêsu đã trở nên ô uế vì đã để cho người phụ nữ tội lỗi chạm vào. Ông cũng tự hỏi về uy quyền của Chúa: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” Chúa thấu suốt tâm hồn ông và Ngài hết sức tế nhị đưa ra một ví dụ về hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Người đọc dễ dàng nhận ra Chúa đang nhắc khéo cả ông Simon và người phụ nữ đều là những tội nhân trước mặt Chúa, và cả hai đều cần đến tình thương tha thứ của Chúa. Tội của người phụ nữ đã rõ ràng, tội của ông Simon là tội kiêu ngạo, tự cho mình là công chính và có quyền xét đóan người khác. Câu hỏi của Chúa cho ông Simon cho thấy Ngài muốn nhấn mạnh đến tình yêu chứ không đến tội lỗi của người được tha: Ai được tha nhiều thì sẽ yêu mến nhiều hơn.

Chúa Giêsu so sánh cách đón tiếp của ông Simon và của người phụ nữ: Chúa là thượng khách của ông Simon, thế mà cách đón tiếp của ông đã chứng minh ông đã không đón tiếp Chúa như một thượng khách. Trong khi người phụ nữ chỉ là người qua đường mà đã dành cho Chúa một cách đón tiếp chưa từng thấy trong lịch sử con người: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Và để thưởng công cho hành động can đảm đầy yêu thương của người phụ nữ, Đức Giêsu trấn an chị: “Tội của chị đã được tha rồi. Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Nếu chúng ta không nắm vững những điều chính yếu, chúng ta sẽ dễ dàng bị hoang mang trước bao nhiêu học thuyết của người đời. Để có thể thắng vượt những hoang mang, hiểu biết Tin Mừng là điều không thể thiếu để chúng ta có thể đứng vững trên hai chân. Người rao giảng có thể có những cách giảng khác nhau, nhưng phải rao giảng cùng một Tin Mừng.

– Khi mời Chúa vào nhà, chúng ta phải chuẩn bị để đón tiếp Chúa cách xứng đáng. Một trong những chuẩn bị đầu tiên là thái độ khiêm nhường nhận ra mình hèn hạ trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Cách bất xứng để đón Chúa là thái độ kiêu hãnh và xét đóan người khác như ông Simon hôm nay.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************