Ngày thứ năm (29-10-2020) – Trang suy niệm

28/10/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:    Ep 6, 10-20

“Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa để có thể đứng vững”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, về tương lai, anh em hãy can đảm trong Chúa, và trong quyền năng sức mạnh của Người. Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để anh em có thể chống lại được với những mưu chước ma quỷ. Bởi vì chúng ta không những chiến đấu với huyết nhục, mà còn chiến đấu với kẻ chấp chính và quyền thế, với kẻ cai quản thế giới u minh này, và những ác thần trên không gian. Bởi đó, anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để có thể kháng cự được trong ngày đen tối, và đứng vững sau khi bình định được tất cả. Vậy anh em hãy đứng vững, thắt đai lưng chân lý, mặc áo giáp công chính, và chân mang giày để sẵn sàng truyền bá Tin Mừng hoà bình. Anh em hãy luôn luôn mang khiên thuẫn đức tin, nhờ đó anh em dập tắt được mọi tên lửa kẻ cực ác. Anh em hãy nhận lấy mũ chiến cứu độ và cầm gươm của Thánh Thần, (tức là lời của Thiên Chúa).

Bằng mọi lời cầu xin và khẩn nguyện, anh em hãy nguyện cầu mọi lúc trong Thánh Thần. Hãy tỉnh thức ân cần lo việc đó, và cũng hãy cầu nguyện cho tất cả các thánh. Hãy cầu nguyện cho cả tôi nữa, để tôi được lợi khẩu khi mở miệng, và can đảm rao giảng mầu nhiệm Tin Mừng mà tôi là sứ giả ngay trong lúc phải mang xiềng xích, hầu khi rao giảng, tôi mạnh dạn nói năng như tôi phải nói. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 143, 1. 2. 9-10

Đáp: Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a).

Xướng:

1) Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa, là Đấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến. – Đáp.

2) Chúa là Tình thương và là chiến luỹ, là Đấng phù trợ và giải phóng con, Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu. Ngài bắt chư dân phải khuất phục con. – Đáp.

3) Ôi Thiên Chúa, con sẽ ca mừng Ngài bài ca mới, với cây đàn mười dây con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Đavít là tôi tớ của Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: x. Ep 1, 17-18

– Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã soi lòng trí để chúng ta biết thế nào là sự cậy trông Chúa kêu gọi chúng ta. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 13, 31-35

“Không lẽ một tiên tri phải giết chết ngoài thành Giêrusalem?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. 

Trong ngày ấy, có mấy người biệt phái đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy”. Người trả lời: “Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: ‘Đây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời. Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường, vì không lẽ một tiên tri bị giết chết ngoài thành Giêrusalem’.

“Ôi Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: ‘Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!’ “. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

29/10/2020 – THỨ NĂM TUẦN 30 TN

Lc 13,31-35

GIÊ-RU-SA-LEM! GIÊ-RU-SA-LEM ƠI!

“Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem,… Đã bao lần ta muốn tập họp ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc 13,34)

Suy niệm: Cuộc đời Đức Giê-su bị tiêu hao bởi một sự đam mê, có sức cuốn hút Người luôn hướng về Giê-ru-sa-lem. Chắc hẳn những người Pha-ri-sêu nghĩ rằng, nếu Chúa ở cách xa Thành, có thể sẽ dễ chịu hơn cho họ, nên đã đề nghị rằng: “Xin Ông đi ra khỏi đây vì Hê-rô-đê đang tìm giết Ông.” Nhưng sẽ chẳng nơi đâu khác, ngoài trung tâm Dân Chúa đây mà Người muốn thực hiện sứ mạng cứu thế của Người: Lẽ nào “một ngôn sứ lại chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem?” Như gà mẹ ấp ủ gà con. Đức Ki-tô dành cho dân Ngài một trái tim, một tấm lòng người Mẹ…

Bạn có cảm nghiệm được mối tình của Đức Giê-su với Giê-ru-sa-lem không? Mời bạn đọc đi đọc lại nhiều lần: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem,… Đã bao lần ta muốn tập họp ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu!” Chắc chắn chẳng phải vì sự nguy nga lộng lẫy của Thành hay của Đền Thờ mà Đức Giê-su say mến đến thế! Nhưng Giê-ru-sa-lem đây là Dân Riêng của Chúa, những người Chúa đã chọn gọi, yêu thương, giáo huấn và Ngài đã Nhập Thể, chịu chết để cứu chuộc họ!

Sống Lời Chúa: Mời bạn cầm lấy một cây Thánh Giá và chiêm ngắm thật kỹ, và xin ơn cảm nghiệm Tình yêu của Chúa Giê-su là như thế nào!

Cầu nguyện: Ôi Giê-su, con hiểu rồi, Giê-ru-sa-lem đây cũng là chính con nữa! Biết bao lần Chúa cũng đã lo lắng ấp ủ con, nhưng con vẫn chai lì lạnh giá. Nhưng như Mẹ hiền không thể quên con mình, Chúa vẫn yêu thương kiên nhẫn với con! Xin cho con hiểu hơn nữa tình Chúa yêu thương con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Sống là bước đi mỗi ngày trong cuộc hành trình, phiêu lưu.
Hơn ai hết Đức Giêsu đã sống phận người của mình như thế.
Cuộc sống nay đây mai đó, không chỗ tựa đầu.
Cuộc sống bấp bênh, sống nhờ lòng tốt của người khác.
Hơn thế nữa, cuộc sống này còn bị đe dọa bởi quyền bính đạo đời.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, vài người Pharisêu báo tin cho Đức Giêsu
về việc tiểu vương Hêrôđê muốn giết Ngài (c. 31).
Họ khuyên Ngài nên ra khỏi vùng đất dưới quyền của Hêrôđê,
vì chính ông này đã giết ngôn sứ Gioan Tẩy giả.

Đức Giêsu lộ vẻ ung dung, không sợ hãi gì.
Ngài gọi Hêrôđê là con cáo, một con vật ranh mãnh quỷ quyệt (c. 32).
Đe dọa của ông ta không làm Ngài chùn bước.
Ngài vẫn tiếp tục làm điều đã làm như trừ quỷ và chữa bệnh.
Hôm nay, ngày mai, ngày mốt vẫn cứ như thế.
“Tôi phải tiếp tục đi” (c. 33).
Đức Giêsu biết rất rõ mình đang đi đâu và đến đâu.
Ngài sẽ tiếp tục lên đường, không phải vì sợ quyền lực của Hêrôđê,
nhưng vì Ngài chấp nhận ở dưới quyền của Thiên Chúa.
Ngài hướng tới Giêrusalem, nơi nhiều ngôn sứ đã chịu bách hại.
Đức Giêsu ý thức mình là một ngôn sứ của Thiên Chúa.
Số phận của Ngài cũng chẳng hơn gì bao ngôn sứ khác.
Cái chết đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem.

Giêrusalem là nơi đáng sợ, nhưng cũng là nơi đáng thương.
Đức Giêsu đã âu yếm gọi hai lần: “Giêrusalem, Giêrusalem!”
Ngài tự ví mình như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh.
“Đã bao lần Ta muốn… nhưng các ngươi lại không muốn” (c. 34).
Một tình yêu bị từ chối nên thốt lên những lời thở than.
Vị ngôn sứ Giêsu phải dừng bước khi con người khép lòng mình lại.
Án phạt đến từ thái độ từ khước của con người,
giống như đàn gà con không để cho gà mẹ chở che dẫn dắt.
“Nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (c. 35).
Thiên Chúa bỏ đền thờ, bỏ thành thánh Giêrusalem mà đi,
để mặc cho quân thù vây hãm và tiêu hủy.
Nhưng rồi sẽ đến ngày Đức Giêsu trở lại trong vinh quang.
Lúc ấy mọi người sẽ tung hô: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.

Chúng ta cũng có sứ mạng làm ngôn sứ như Đức Giêsu.
Những đe dọa, đụng chạm đến an toàn là điều không tránh khỏi.
Nhưng chúng ta vẫn được mời gọi đi đến cùng con đường của mình,
với một tinh thần bất khuất, không gì lay chuyển.
Vẫn phải trung thành với việc được Thiên Chúa giao,
dù điều đó dẫn ta đến với cái chết.
Trước một Giêrusalem thù nghịch, xin có được đảm lược của Giêsu.
Trước một Giêrusalem từ khước, xin có được lòng nhân hậu.
Để trái tim chúng ta biết kết hợp đảm lược với lòng nhân.

Cầu nguyện:

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu
trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.
Sự hy sinh của các ngài
cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết
và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.
Dù mang phận người yếu đuối,
nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,
các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài
biết can trường sống đức tin của bậc cha anh
trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,
biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu
bằng một đời hiến thân phục vụ.

Ước gì ngọn lửa đức tin
mà các ngài đã thắp lên
bằng cuộc sống và cái chết,
được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.

Ước gì máu thắm của các ngài
thấm vào mảnh đất quê hương
để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

29 THÁNG MƯỜI

Để Thế Gian Tin Rằng Cha Đã Sai Con …

Sự hiệp nhất giữa các môn đệ Đức Kitô là một điều kiện để thi hành sứ mạng của Giáo Hội. Hơn thế nữa, nó còn là một điều kiện để thực thi sứ mạng của chính Đức Kitô trong thế giới này. Nó là một điều kiện để rao giảng và củng cố cách hiệu quả đức tin của chúng ta vào Đức Kitô. Chúa Giêsu cầu nguyện: “Con cũng cầu xin … cho những người sẽ tin vào con …để họ nên một trong chúng ta, và để thế gian tin rằng Cha đã sai con… Xin cho họ hoàn toàn nên một, để thế gian biết rằng Cha đã sai con, và để họ nhận biết Cha yêu thương họ như Cha đã yêu con” (Ga 17, 20 – 23).

Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu là điều thiết yếu cho việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì sự thành bại của việc rao giảng Tin Mừng tùy thuộc vào chứng tá sống của cộng đoàn Kitôhữu, chứ không chỉ là chuyện thuyết giảng Lời Chúa. Làm sao những người ngoài Kitô giáo có thể có thể bắt đầu tin vào tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô, nếu họ không nhìn thấy các Kitô hữu yêu thương nhau? Tình yêu không thể được biểu lộ ra cũng không thể xuyên thấu vào trái tim con người ngoại trừ qua chứng tá hiệp nhất.

Vì thế trước hết chúng ta phải tha thiết khát vọng hiệp nhất. Chúng ta phải cầu xin ơn hiệp nhất. Ân huệ này, Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội, cũng đặt ra cho Giáo Hội một trách nhiệm đặc biệt trong đại gia đình nhân loại. Nói cách khác, Giáo Hội có trách nhiệm thúc đẩy việc đối thoại và thông cảm nhau giữa tất cả mọi người, để vãn hồi sự hiệp nhất và hòa bình cho thế giới vốn đang bị phân rẽ của chúng ta.

Ngày nay thế giới đầy dẫy những xung đột và căng thẳng. Các quốc gia bị phân rẽ giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam, giữa bạn và thù. Và ngay bên trong các đường biên giới của mỗi quốc gia, người ta có thể nhìn thấy sự đối đầu nhau giữa các nhóm và các đảng phái: Những giành giựt xâu xé phát sinh từ các thành kiến và các ý thức hệ, từ những định chế cứng ngắt của các quốc gia, từ những rào cản về chủng tộc, và từ vô số yếu tố khác – chẳng có yếu tố nào trong đó xứng đáng với phẩm giá con người.

Chính trong thế giới phân rẽ này mà Giáo Hội hôm nay được mời gọi cổ võ cho sự hòa điệu và hòa bình.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 29/10

Ep 6, 10-20; Lc 13, 31-35.

LỜI SUY NIỆM: Những người Pharisêu đến thưa với Đức Giêsu rằng: “Xin ông đi khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông”

          Điều này cho chúng ta thấy được, không phải tất cả những người Pharisêu đều xấu và chống đối Chúa Giêsu. Trong nhóm họ cũng có nhiều người tốt, và yêu mến Chúa Giêsu khi công khai báo cho Chúa Giêsu biết: Người đang ở trong tình trạng nguy hiểm cần phải tránh để được an toàn.

          Lạy Chúa Giêsu, Xin Chúa ban cho quanh gia đình chúng con luôn có những người tốt, giúp cho mọi thành viên trong gia đình được sống an toàn để thờ phượng Chúa, và vui sống với xóm giềng.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

29 Tháng Mười

Các Ông Là Quái Vật

Cuốn phim E.T. (nghĩa là người đến từ bên ngoài trái đất) đã là khởi đầu cho những giả thuyết về sự hiện hữu của nhiều giống người khác trên hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó những người này đến viếng thăm trái đất của chúng ta. Có lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo hiện hữu trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi thứ  triết thuyết và mọi lẽ khôn ngoan cũng như bao cái điên rồ của con người. Sau cùng họ sẽ điều tra về những người Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh của họ là Giêsu Kitô. Chúng ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại giữa họ và những người Kitô. 

– Ông Giêsu Kitô là ai? 

Một người Kitô sẽ trả lời: 

– Ông là một người Do Thái, ông đã được muôn dân trông đợi từ ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên tri để cứu thoát trần thế. 

– Thế nhưng họ đã làm gì với ông ta? 

– Thưa, họ đã đóng đinh ông vào thập tự. 

Và một người trong cuộc đối thoại sẽ thêm: 

– Phải, có lẽ ông ta đã không đến đúng lúc. Giả như  ông đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ khác Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ yêu mến ông và như vậy, tình huynh đệ đại đồng như chúng ta hằng mong ước sẽ được thực hiện. Thực là đáng tiếc, ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một tai nạn đáng tiếc. 

Một người Kitô khác có lẽ sẽ phản đối: 

– Tôi không đồng ý. Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở đâu, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi. 

Theo dõi cuộc đối thoại, không chừng người đến từ hành tinh khác sẽ phát biểu: 

– Vậy thì các ông là những quái vật. 

Có lẽ giống người của chúng ta trên mặt đất này là những quái vật. Và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã thể hiện lòng nhân từ đối với chúng ta, bởi vì chúng ta là những quái vật. 

Chúng ta hãy thử nhìn vào các giống vật đang chia rẽ sự  sống với chúng ta trên mặt đất này. Chúng nó có thể cắn xé những con thú khác không thuộc giòng giống của nó. Nhưng chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn nhau. Còn giống người của chúng ta thì sao? 

Nhưng thập giá của Ðức Kitô không chỉ là một mặc khải về tính cách quái vật của con người, nó còn là một thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ðó là dấu chỉ của Tình Yêu, của Hòa Bình. 

Người Kitô mang trên người, vẽ trên người, dấu thập giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng như để nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ. 

Ước gì dấu thánh giá chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn nhắc nhở cho chúng ta về Tình Yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình với tất cả những người xung quanh.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần 30 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: Eph 6:10-20; Lk 13:31-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cuộc chiến trần gian

Cuộc đời con người là một trận chiến chống lại không chỉ một kẻ thù, nhưng tới ba kẻ thù: ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Làm sao chúng ta có thể chống lại 3 kẻ thù nặng ký này? Ma quỉ (evil spirits) không phải là chuyện tưởng tượng, Chúa Giêsu đã nhiều lần trục xuất quỉ ra khỏi con người trong các Phúc Âm. Chúng vốn là những thiên thần từ trời bị tống ra ngòai vì tội phản lọan Thiên Chúa; vì thế chúng khôn ngoan hơn con người và không bao giờ muốn con người thuộc về Thiên Chúa. Thế gian bao gồm tất cả những sức mạnh đe dọa đời sống đức tin: vua quan, uy quyền, danh vọng, lợi lộc vật chất. Xác thịt là chính thân thể con người với đầy dẫy bệnh tật và mọi khuynh hướng xấu: cờ bạc, rượu chè, hút sách, đam mê xác thịt … Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô xác nhận con người không thể chống lại ba thù với sức mạnh của con người; nhưng với sức mạnh của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, chính Chúa Giêsu cũng phải đương đầu với quyền lực thế gian của bạo vương Herode và dân thành Jerusalem; nhưng Ngài đã thắng vuợt tất cả.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Thánh Phaolô đề nghị 2 cách chính con người phải theo để chống lại ba thù:

1.1/ Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ: Thánh Phaolô có lẽ đã nhiều lần quan sát người lính Rôma và trang phục của họ khi Ngài còn ở trong tù tại Rôma, nên ngài ví các tín hữu cũng như những người lính chiến đấu: phải luôn mặc binh phục và có sẵn mọi vũ khí cần thiết để chống lại kẻ thù: “Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối.” Ngài liệt kê một số các vũ khí cần thiết:

– lưng thắt đai là chân lý: một khi các tín hữu đã thủ đắc sự thật, họ có thể đứng vững trước mọi tấn công giả dối của ba thù;

– mình mặc áo giáp là sự công chính: giống như khi người lính đã mặc áo giáp, không gì có thể xuyên thấu được; người tín hữu cũng thế, khi họ đã mặc lấy sự công chính, không gì có thể thấm nhập vào tâm hồn của họ;

– chân đi giày: khi người chiến sĩ đi giầy trận, anh có thể được sai đi tới bất cứ nơi nào; khi người tín hữu đã được chuẩn bị, anh sẽ lên đường hăng say loan báo tin mừng bình an.

– hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin: khiên mộc là thứ vũ khí bằng gỗ lớn dùng để đề phòng những tên lửa của kẻ thù. Khi đối phương phóng tên lửa, người chiến sĩ dùng khiên mộc để hứng lấy những tên lửa và chính các khiên mộc này sẽ giập tắt các ngọn lửa. Cũng thế, đức tin được dùng như khiên mộc để dập tắt mọi thứ tên lửa của ác thần.

– hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ: không những chỉ tha những tội đã phạm mà còn cung cấp mọi nghị lực cần thiết để vượt thắng tội lỗi tương lai;

– và cầm gươm của Thánh Thần ban cho: tức là Lời Thiên Chúa. Tác giả của Thư Do-Thái so sánh Lời Chúa với gươm sắc bén hai lưỡi: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Heb 4:12).

1.2/ Hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện: Ngòai những binh giáp vũ khí kể trên, người tín hữu còn phải cầu nguyện: “Theo Thánh Thần hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi.” Chính Chúa Giêsu đã từng dạy các môn đệ sự quan trọng của cầu nguyện: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ; vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mk 14:38). Thánh Phaolô chú ý đến 3 đặc tính của cầu nguyện:

(1) Phải cầu nguyện luôn: con người có khuynh hướng chỉ cầu nguyện khi có nhu cầu; nhưng nếu quan niệm cuộc đời là bãi chiến trường, con người phải cầu nguyện luôn vì nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

(2) Phải cầu nguyện nhiệt thành: càng ý thức được sự quan trọng của việc cầu nguyện, con người càng cần phải nhiệt thành để xin cho được những ơn cần thiết của Thiên Chúa.

(3) Phải cầu nguyện cho người khác nữa: không phải chỉ cầu nguyện cho mình mà thôi. Cầu nguyện giúp con người liên kết với mọi người trong tòan thể Dân Thánh của Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng xin các tín hữu Thessalonica cầu nguyện cho ngài trong việc rao giảng Tin Mừng: “Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu đương đầu với các quyền lực của thế gian.

2.1/ Với bạo vương Hêrôde Antipas của miền Galilê: Ông đã giết Gioan Tẩy Giả vì dám nói sự thật và giờ đây lại tìm cách để giết Chúa Giêsu. Tuy nhiên, khi được báo bởi mấy người Pharisêu, Chúa Giêsu chẳng những không sợ hãi mà còn bảo những người đưa tin: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Jerusalem thì không được.” Chúa Giêsu muốn hòan tất sứ vụ của Chúa Cha đã trao phó cho dẫu phải đương đầu với bao nhiêu chống đối, đau khổ, và ngay cả cái chết.

2.2/ Với sự khước từ tình yêu của dân thành Jerusalem: Khỏang lưng chừng của Núi Cây Dầu ngày nay, vẫn còn một nguyện đường nhỏ nhìn xuống Thành Jerusalem gọi là Nguyện Đường “Chúa khóc.” Theo truyền thống, trước Cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu đã ngừng lại chỗ này và Ngài thương dân trong Thành đến nỗi đã thổn thức kêu lên: “Jerusa-lem, Jerusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Này đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” Không nỗi đau khổ nào lớn hơn nỗi đau khổ bị khước từ tình yêu. Tuy vậy, Chúa vẫn trung thành yêu thương đến cùng, với hy vọng một ngày dân Thành sẽ nhận ra và chấp nhận tình yêu của Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Cuộc đời con người là một bải chiến trường chống lại ba thù: ma quỉ – thế gian – và xác thịt. Chúng ta không thể thắng được nếu không mặc áo giáp và mang lấy mọi vũ khí cần thiết của Thiên Chúa; cùng cầu nguyện không ngừng.

– Một khi đã có sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta phải hiên ngang như Chúa Giêsu: sẵn sàng đương đầu với mọi quyền lực của thế gian để chu tòan sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó, nhất là trung thành yêu thương tha nhân đến cùng cho dẫu bị khước từ.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************