Ngày thứ sáu (01-04-2022) – Trang suy niệm

31/03/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Kn 2, 1a. 12-22

“Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Những kẻ gian ác suy nghĩ chín chắn, đã nói rằng: “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Nó tự hào mình biết Thiên Chúa và tự xưng là con Thiên Chúa. Chính nó là sự tố cáo những tư tưởng của chúng ta. Vì nguyên việc thấy nó, chúng ta cũng cáu, thấy bực mình, vì nếp sống của nó không giống như kẻ khác, và đường lối của nó thì lập dị. Nó kể chúng ta như rơm rác, nó xa lánh đường lối chúng ta như xa lánh những gì dơ nhớp, nó thích hạnh phúc cuối cùng của người công chính, nó tự hào có Thiên Chúa là Cha. Vậy chúng ta hãy xem coi điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!” Chúng nghĩ như vậy, nhưng chúng lầm, vì tội ác của chúng đã làm cho chúng mù quáng. Và chúng không biết ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, nên cũng chẳng hy vọng phần thưởng công chính, và chúng cũng không ưa thích vinh dự của những tâm hồn thánh thiện. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 33, 17-18. 19-20. 21 và 23

Đáp: Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường (c. 19a).

Xướng:

1) Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. – Đáp.

2) Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương dập nát. Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Chúa luôn luôn giải thoát. – Đáp.

3) Ngài gìn giữ họ xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy. Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Ngài, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Ngài, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 94, 8ab

Hôm nay, các ngươi đừng cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa phán. 

PHÚC ÂM: Ga 7, 1-2. 10. 25-30

“Chúng tìm cách bắt Người, nhưng chưa tới giờ Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.

Có một số người ở Giêrusalem nói: “Đây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Đấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Đấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu”.

Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Đấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

01/04/2022 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC

Ga 7,1-2.10.25-30

CĂN TÍNH KI-TÔ

“Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” (Ga 7,29)

Suy niệm: Suốt ba năm rao giảng, căn tính Đức Giê-su vẫn là một dấu chấm hỏi không thể giải đáp đối với người Do Thái. Họ tưởng mình biết Ngài “xuất thân từ đâu”. Nhưng Chúa Giê-su chất vấn ngược lại họ: “Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư?” Quả thật, với cái nhìn thuần tính thế tục, họ tự phụ cho rằng họ biết Ngài cách tường tận nhưng thực ra họ chỉ nhìn thấy Ngài với gốc gác nhân loại. Lời giảng dạy uy quyền của Ngài cùng với những dấu lạ Ngài làm không giúp họ nhận ra căn tính Ki-tô nơi Ngài mà chỉ làm cho họ thêm thù ghét, qui kết cho Ngài tội phạm thượng và “tìm cách bắt Người” để giết đi.

Mời Bạn: Đức Giê-su mạc khải căn tính đích thực của Ngài là Con Thiên Chúa khi Ngài hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, chọn con đường thập giá để cứu độ nhân loại. Những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy thì mang trong mình “căn tính Ki-tô” và vì thế việc đi theo Thầy Giê-su trên con đường thập giá là điều đương nhiên không thể thiếu. Mời bạn hãy kiên vững xác tín như thánh Phao-lô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô” (Gl 6,14).

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm một trong Mười Bốn Chặng Đường Thánh Giá và xin ơn bắt chước Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì vâng phục Chúa Cha, Chúa đã hiến thân chịu chết trên cây thập giá để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con sống đúng căn tính là Ki-tô hữu, luôn vâng phục ý Chúa, vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Lễ Lều là một đại lễ hàng năm qui tụ đông đảo dân chúng lên Đền thờ.
Đây là một lễ rất vui, kéo dài cả tuần (Lv 23, 34-36).
Mục đích chính là để tạ ơn Chúa vì hoa trái mùa màng Ngài ban,
và còn để nhớ lại tình thương Chúa trong thời gian 40 năm đi trong hoang địa.
Lễ Lều là một lễ hội tưng bừng và long trọng bậc nhất.
Những người tham dự cắm trại trong các lều làm bằng cành lá,
được dựng trên mái nhà, gần nhà hay ngoài đồng.
Mỗi buổi sáng có lễ rước nước từ hồ Silôam để rưới lên bàn thờ.
Mỗi tối, tiền đình phụ nữ nơi Đền thờ rực rỡ ánh nến và vang tiếng múa hát.

Đức Giêsu đã không muốn bỏ qua lễ hội này,
dù lên Đền thờ Giêrusalem bây giờ thật là nguy hiểm đến tính mạng,
vì người Do Thái, nghĩa là giới lãnh đạo Do Thái giáo, đang tìm cách giết Ngài.
Đức Giêsu đã chọn giải pháp lên Đền thờ một cách kín đáo (c.10).
Nhưng vào giữa kỳ lễ, Ngài đã giảng dạy công khai, không chút sợ hãi (c. 14).
Đức Giêsu dám đối mặt với thế lực đang đe dọa Ngài.
Ngài bình tĩnh giảng ngay nơi Đền thờ,
trước những thượng tế, những người Pharisêu, và dân cư ngụ ở Giêrusalem.
Họ chẳng dám làm gì Ngài, vì giờ của ngài chưa đến (c. 30).

Xảy ra cuộc tranh luận giữa Ngài với dân cư ngụ ở Giêrusalem.
Chẳng có chút thiện cảm nào với Ngài, họ chỉ muốn làm hại Ngài.
Họ tin vào điều này một cách vững chắc :
“Khi Đấng Kitô đến, chẳng ai biết Người đến từ đâu” (c. 27).
Nguồn gốc của Đấng Kitô, đối với họ, phải là một điều bí ẩn.
Họ không tin Đức Giêsu là Kitô, bởi lẽ họ “biết ông này đến từ đâu.”
Chắc họ đã nghĩ Đức Giêsu là dân vùng Nazareth,
làm nghề thợ mộc, sống với cha mẹ là Giuse và Maria.
Tự hào về cái biết đúng nhưng không đủ ấy của họ,
đã khiến họ ngừng lại nơi nguồn gốc trần thế của Đức Giêsu.

Đức Giêsu thật là Đấng Kitô.
Và đúng như dân Giêrusalem đã tin, nguồn gốc của Ngài thật không dễ biết.
Đức Giêsu biết nguồn gốc của mình.
Ngoài gốc nhân loại, Ngài còn gốc thần linh, gốc từ trời.
Ngài không tự mình mà đến, nhưng từ Thiên Chúa chân thật mà đến.
Ngài xuất thân từ Thiên Chúa và được Thiên Chúa sai đi (cc. 28-29).

Dân Giêrusalem không thấy được trọn vẹn con người Đức Giêsu.
Họ đã giết Đấng Kitô đang ở gần bên họ, vì họ mơ một Đấng Kitô bí ẩn khác.
Làm sao tôi có thể nhận ra Đức Kitô cao cả
đang ở bên những người tầm thường tôi gặp mỗi ngày ?

Cầu nguyện:

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.

(Chân phước Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

1 THÁNG TƯ

Thiên Chúa Của Tình Yêu Vô Hạn

Bao nhiêu người trên thế giới, bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu truyền thống, bao nhiêu nền văn hóa, bao nhiêu tôn giáo đã bảo vệ và tiếp tục bảo vệ hình ảnh của chính mình nghĩ ra về Thiên Chúa?

Thiên Chúa là hữu thể vô cùng hoàn hảo, là hữu thể tối cao và khôn dò; Ngài là Chủ Tể tuyệt đối của mọi sự. Dường như chuyện Ngài trở thành con người là điều không thể được; cũng dường như không thể được, chuyện Ngài hầu hạ và rửa chân cho các tông đồ, hoặc chuyện Ngài có thể chết trên thập giá. Nhưng, đó là cái nhìn của con người.

Cái nhìn của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Nói một cách thật đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã tạo thành con người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập giao ước với con người. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã trở thành con người. Thiên Chúa đã yêu thương thế giới đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài, để cho con người có thể đạt được sự sống đời đời (Ga 3,16). Vì Ngài là tình yêu, Thiên Chúa đã chấp nhận con đường thập giá để thứ tha tội lỗi nhân trần và để thiết lập giao ước mới – giao ước vĩnh cửu – trong máu Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể.

Tình yêu không nhắm gì khác ngoài sự tốt lành mà nó khao khát muốn làm. Vì sự tốt lành này mà Đấng Toàn Năng sẵn lòng trở nên yếu đuối như một con người, chấp nhận số phận chết như một con người. Ngài sẵn lòng trở nên yếu đuối và bị nhai nuốt đi như tấm bánh: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em. Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa chịu đóng đanh hay không? Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa hiến tế hay không? Đó là câu hỏi được đặt ra ngay chính trung tâm của Tam Nhật Thánh.

Hỏi – tức là đã trả lời. Vâng, con người có thể chấp nhận hay từ chối vị Thiên Chúa của tình yêu vô hạn ấy. Thật vậy, con người có thể quay lưng chống lại Thiên Chúa hay thậm chí phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. Nhưng còn Thiên Chúa, Ngài “không thể phủ nhận chính Ngài” (2Tm 2,13). Ngài không thể thôi là chính Ngài! Ngài không thể thôi là tình yêu!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 01/4

Kn 2, 1a. 12-22; Ga 7, 1-2. 10. 25-30.

LỜI SUY NIỆM: “Các ông biết tôi ư? Tôi đâu có tự mình mà đến, Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”

          Tin Mừng hôm nay trình bày về việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem giảng dạy, mặc dầu Người biết người Do-thái đang tìm cách giết Người. Nhưng vào dịp lễ Lều, Người đã lên Giêrusalem và Người đã công khai cho biết Người chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến, để mạc khải Đấng Thiên Chúa mà họ đang tôn thờ.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con tìm gặp được Chúa trong Tin Mừng và những giáo huấn của Giáo Hội, để đức tin của chúng con được trưởng thành hơn trong đời sống thờ phượng Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

01 Tháng Tư

Tu Ðâu Cho Bằng Tu Nhà
Thờ Cha Kính Mẹ Mới Là Ðạo Con
 

Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhưng ông để hết tâm phụng dưỡng song thân.

Một hôm, ông nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ. Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân để đến thụ giáo bậc hiền triết.

Ði được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng. vị lão tăng khuyên Dương Phủ: “Gặp được bậc Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật”.

Dương Phủ hỏi vặn lại: “Phật ở đâu?”. Vị lão tăng giải thích: “Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy”.

Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Ði dọc đường, ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà thì đã khuya, Dương Phủ gõ cửa gọi mẹ. Người mẹ mừng rỡ, khoác chăn, đi dép ra mở cửa. Bấy giờ, Dương phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Ðức Phật mà vị lão tăng đã mô tả.
Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật.

Thứ nhất thì tu tại gia

Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.

Ðể yêu thương con người một cách trọn vẹn, Chúa đã trở thành một con người. Chúa có cha, có mẹ. Chúa sinh ra trong một gia đình… Con người không chỉ được cứu rỗi một cách lẻ loi, nhưng trong một gia đình. Con người cần có một gia đình để sinh ra, để lớn lên và thành toàn… Tại Nagiaréth, Chúa đã lớn lên trong ân sủng và dáng vóc. Chúa đã vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúa đã học đọc, học viết và ngâm nga từng câu kinh thánh với Mẹ Maria. Chúa cũng học cách sử dụng từng dụng cụ trong xưởng mộc của Thánh Giuse.

Trong ba năm sống đời công khai, ngôn ngữ vàcách suy nghĩ của Chúa phản ánh phần nào sự giáo dục mà Chúa đã thụ hưởng nơi cha mẹ.

Xin Chúa thánh hóa tất cả mọi gia đình Việt Nam. Xin Chúa ban cho bậc cha mẹ ý thức được trách nhiệm giáo dục của họ. Xin Chúa ban cho con cái lòng hiếu thảo để biết vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già của các ngài… Và xin cho mọi gia đình Việt Nam luôn biết tranh đấu để bảo vệ sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình thành Giáo Hội nhỏ của Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần IV – MC

Bài đọc: Wis 2:1, 12-22; Jn 7:1-2, 10, 25-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin thế nào sẽ sống như vậy.

Nhu cầu học hỏi để biết phân biệt đúng, sai rất quan trọng. Lý do: Tin thế nào sẽ thực hành như vậy. Nếu một người biết đúng, người đó sẽ thực hành đúng; ngược lại, nếu người đó biết sai hay không biết, làm sao người đó có thể hành động đúng được? Vì thế, con người phải học hỏi và được dạy dỗ không ngừng để biết phân biệt phải, trái.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh các hành động sai lầm và độc ác của việc biết sai về Thiên Chúa và về Đấng Cứu Thế. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan phơi bày suy luận sai lầm và hành động ác độc của những người không tin nơi Thiên Chúa và cuộc sống đời sau. Họ truy tố và hành hạ người công chính để thử xem đức tin của người công chính có thắng vượt được những tra tấn dã man mà họ nghĩ ra! Trong Phúc Âm, vì không hiểu thực sự Đấng Thiên Sai là ai và cách cứu độ của Ngài, người Do-thái tìm cách bắt bớ và tiêu diệt Đức Kitô.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Niềm tin sai lầm về Thiên Chúa và về cuộc đời

1.1/ Niềm tin của những người vô thần dẫn tới hành động ác độc của họ:

(1) Niềm tin sai lầm: Họ nghĩ: “Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty.” Theo truyền thống Do-thái, niềm tin về đời sau của họ rất mơ hồ; đa số chỉ tin phần thưởng Thiên Chúa ban cho những ai bước đi trong Lề Luật của Ngài là sống lâu, con đàn cháu đống, và hạnh phúc ở đời này. Mãi cho đến thời của tiên-tri Daniel và anh em nhà Maccabees (3rd tới 2nd BC), niềm tin vào sự sống lại và hạnh phúc đời sau mới rõ nét hơn. Sách Khôn Ngoan cũng được viết trong khỏang thời gian này. Đối với những người vô thần, họ tin chết là hết và không có đời sau. Họ không tin Thiên Chúa, Đấng có thể giải thóat người công chính và trừng phạt kẻ tội lỗi và bất công.

(2) Hành động ác độc của người vô thần: Tin thế nào sẽ sống như vậy. Vì không tin đời sau, nên bao nỗ lực của họ dành cả cho đời này. Họ ghét người công chính, không phải vì người công chính làm hại họ, nhưng vì lối sống của những người công chính làm cho lương tâm của họ bị cắt rứt. Họ nói: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.” Họ đâu biết chính nhờ lương tâm cắn rứt, sẽ giúp họ nhận ra điều sai trái họ làm mà quay trở về với đàng ngay nẻo chính! Nhưng vì họ đã ở trong bóng tối quá lâu, họ mất sức mạnh để ra ngòai ánh sáng.

Họ muốn tất cả mọi người phải sống như họ. Họ cảm thấy khó chịu và bất an khi thấy có người nào sống khác họ: “Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta, thấy mặt nó thôi là ta chịu không nổi. Vì nó sống thật chẳng giống ai, lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị. Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn.” Đây là thái độ của nhiều con người vô thần thời nay. Họ lạm dụng tự do ngôn luận để bắt ai cũng phải sống như họ: cấm không cho đọc kinh hay thinh lặng trước giờ học, bắt tất cả học sinh phải biết về vấn đề tình dục ở tuổi mới lớn, bắt người tin Thiên Chúa phải trợ phá thai hay bán uống thuốc phá thai …

1.2/ Cần phải học cho biết đúng về Thiên Chúa: Để tránh những hiểu biết sai lầm và những hành động ác độc giữa con người với con người, tất cả đều cần học biết về Thiên Chúa, Đấng dựng nên mọi sự và điều khiển muôn lòai. Điều trước tiên con người phải nhận ra là có Thiên Chúa qua những công trình tạo dựng và quan phòng của Ngài trong vũ trụ. Thứ đến, con người cần học để hiểu biết Ngài là ai và các ý định của Ngài khi dựng nên muôn lòai; nhất là các ý định cho con người cả đời này và đời sau.

Con người cũng cần phải học biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa: Giữa Thiên Chúa và con người có một sự khác biệt vô cùng, như tiên-tri Isaiah tuyên bố: tư tưởng và đường lối của Ta không phải là tư tưởng và đường lối của các ngươi; như Trời cao hơn đất thể nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các ngươi như vậy. Vì thế, để thử xem có Thiên Chúa hay không bằng cách đánh đập những người công chính là chuyện khôi hài. Ngài có kế họach riêng cho con người phải theo, và Ngài không thay đổi kế họach đã có vì thách thức của con người.

Hơn nữa, ngay cả những cực hình mà những người vô thần dùng để thử thách những người công chính cũng nằm trong kế họach của Thiên Chúa. Chúng cần thiết để con người chứng tỏ niềm tin vào Ngài. Những người vô thần không chỉ thử thách Thiên Chúa, mà còn muốn nhìn thấy sự thay đổi niềm tin của người công chính vì sợ cực hình, như lời họ nói: “Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.”

2/ Phúc Âm: Niềm tin sai lầm về Đấng Cứu Thế cũng dẫn tới những hành động sai lầm.

2.1/ Niềm tin sai lầm vào Đấng Cứu Thế: Điều sai lầm trước tiên của người Do-thái là họ quá quan tâm đến nguồn gốc con người mà quên đi nguồn gốc Thiên Chúa của Ngài. Điều sai lầm thứ hai là họ lầm lẫn nơi Đức Kitô sinh ra và nơi Ngài lớn lên như trình thuật ngày mai sẽ đề cập tới. Điều một số người tuyên bố hôm nay chứng tỏ họ không rành rẽ Kinh Thánh: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” Tiên-tri Micah đã tuyên bố đích danh nơi sinh của Đấng Thiên Sai: “Phần ngươi, hỡi Bethlehem Éphratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Judah, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mic 5:1).

Hành động sai lầm: Vì không hiểu rõ nguồn gốc cũng như Kế Họach Cứu Độ của Đấng Thiên Sai, nên những người Do-thái tìm vách bắt bớ và giết Ngài, chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

2.2/ Cần học hỏi để biết Đấng Cứu Thế thực sự là ai: Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” Hôm qua, chúng ta đã nói về 5 chứng nhân của Đức Kitô; qua 5 chứng nhân này, con người đã có nhiều hơn 2 nhân chứng mà Lề Luật đòi hỏi để họ tin vào Ngài. Những ngày kế tiếp, Đức Kitô sẽ tiếp tục mặc khải về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa qua Cuộc Thương Khó, cái chết và sự sống lại của Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Kiến thức về Thiên Chúa, về Chúa Kitô, và về các ý định của Thiên Chúa cho con người rất cần thiết cho chúng ta để đạt tới đích điểm mà Thiên Chúa đã tiền định cho con người. Nếu chúng ta không biết ý định và đường lối của Thiên Chúa, chúng ta sẽ tin và làm theo những gì chúng ta suy nghĩ.

– Tất cả những kiến thức này đã được mặc khải và viết lại trong Kinh Thánh. Chúng ta cần bỏ thời gian để học hỏi trước khi có thể thi hành Kế Họach Cứu Độ theo đường lối của Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************