Ngày thứ sáu (04-02-2022) – Trang suy niệm

03/02/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần IV Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Hc 47, 2-13 (Hl 2-11)

Đavít đã thành tâm ca tụng và yêu mến Thiên Chúa”.

Trích sách Huấn Ca.

Như miếng mỡ lóc ra khỏi thịt con vật tế lễ thế nào, thì Đavít được chọn giữa con cái Israel như vậy. Người dỡn với sư tử như dỡn với chiên con và đùa với gấu như đùa với những chiên con. Khi còn trẻ, nào người đã chẳng hạ sát tên khổng lồ và rửa nhục cho dân, khi vung dây ném đá đánh ngã tên Goliath kiêu căng đó sao? Vì người đã kêu cầu Thiên Chúa toàn năng, và Chúa đã ban sức mạnh cho người để hạ sát tên chiến sĩ hùng dũng, để nâng cao lòng can đảm của dân người. Nhờ thế, người được tôn vinh như đã giết mười ngàn, được ca tụng vì những lời Chúa chúc lành, và được người ta trao tặng triều thiên vinh quang, vì người đã tiêu diệt quân thù chung quanh, đã thanh toán bọn giặc Philitinh cho đến ngày nay, đã đập tan sức mạnh chúng đến muôn đời. Trong mọi việc, người dùng lời ca khen mà tuyên xưng Đấng Thánh Tối Cao; người thành tâm ca tụng Chúa, và yêu mến Thiên Chúa đã sáng tạo người, đã cho người quyền năng chống lại quân thù.

Người thành lập ca đoàn trước bàn thờ Chúa, để hoà nhịp những bài thánh ca. Người tổ chức những cuộc lễ huy hoàng, quy định đầy đủ chu kỳ thời gian, để họ ca tụng thánh danh Chúa, và từ sáng sớm, họ biểu dương sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúa đã thứ tha tội lỗi của người, và tán dương sức mạnh của người đến muôn đời. Chúa đã ban cho người giao ước vương quốc và ngôi báu vinh quang trong Israel. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 17, 31. 47 và 50. 51.

Đáp: Tán tụng Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi (c. 47b).

Xướng:

1) Đường lối Thiên Chúa là đường thanh khiết, lời của Chúa được luyện trong lửa đỏ, chính Người là khiên thuẫn che kẻ nương nhờ Người. – Đáp.

2) Chúa hằng sống, chúc tụng Đá Tảng của tôi, tán tụng Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi! – Bởi vậy, con sẽ ca tụng Ngài giữa chư dân, lạy Chúa, và con sẽ xướng ca khen ngợi danh Ngài. – Đáp.

3) Ngài đã ban cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Đấng được xức dầu của Ngài, với Đavít và miêu duệ ông cho tới muôn đời. – Đáp.

ALLELUIA: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 6, 14-29

“Đó chính là Gioan Tẩy Giả trẫm đã chặt đầu, nay sống lại”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, vì danh tiếng Người đã lẫy lừng, kẻ thì nói: “Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại, nên ông đã làm những việc lạ lùng”; kẻ thì bảo: “Đó là Êlia”; kẻ khác lại rằng: “Đó là một tiên tri như những tiên tri khác”. Nghe vậy, Hêrôđê nói: “Đó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại”. Vì chính vua Hêrôđê đã sai bắt Gioan và giam ông trong ngục, nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan đã bảo Hêrôđê: “Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình”. Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe.

Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: “Con muối gì, cứ xin, trẫm sẽ cho”, và vua thề rằng: “Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho”. Cô ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì?” Mẹ cô đáp: “Xin đầu Gioan Tẩy Giả”. Cô liền vội vàng trở vào xin vua: “Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa”. Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ. Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

04/02/2022 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN

Mc 6,14-29

ĐẶT CƯỢC CUỘC ĐỜI

Vua Hê-rô-đê sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài.” (Mc 6,17-18)

Suy niệm: Mục sư Martin Luther King, một nhà tranh đấu chống chính sách kỳ thị chủng tộc đã nói: Thảm kịch lớn nhất về mặt xã hội không phải là tiếng la ó của những người xấu, mà là một sự yên lặng đáng sợ của những người tốt. Ý thức về nhân cách như thế, ông đã dám nói sự thật và đã trả giá cho vai trò đó bằng 10 lần bị tống giam, 8 lần bị kết án và cuối cùng bị ám sát. Số phận của Gio-an Tẩy Giả, nhân chứng sự thật, cũng không ngoại lệ. Ông bị vua Hê-rô-đê chém đầu chỉ vì can ngăn vua phạm tội loạn luân. Nếu Gio-an và mọi tín hữu im hơi lặng tiếng trước những trò múa rối của thần giả trá, có lẽ nhiều người sẽ tưởng rằng trật tự thế giới này đã hoàn hảo không có gì cần thay đổi. Một khi con người sống không dám sống cho sự thật, người Ki-tô hữu không dám sống vai trò chứng nhân, thì một thảm kịch lớn xảy ra, đó là tối tăm sẽ thống trị địa cầu. Gio-an sống rao giảng sự thật, chết là để làm chứng cho sự thật. Trọn cuộc sống, ngài làm sáng tỏ chân dung Đấng là Sự Thật.

Mời Bạn: Với tư cách là Ki-tô hữu, người làm chứng cho sự thật, bạn làm được gì cho môi trường mình hiện diện ?

Chia sẻ: Lý do “chờ thời thuận tiện” làm chứng nhân có phải là thái độ của người có nhân cách Kitô giáo không?

Sống Lời Chúa: Tập sống trung thực trong lời nói việc làm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương nâng đỡ những chứng nhân của Chúa, những người đang chịu bách hại vì dám làm chứng cho sự thật.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm: 

Như mọi con người khác ở trên đời,
con người của Hêrôđê bị giằng co giữa cái xấu và cái tốt.
Vấn đề là ông ta sẽ ngả theo cái nào. 

Hêrôđê biết Gioan là người công chính thánh thiện nên sợ ông.
Hêrôđê đã bảo vệ che chở cho Gioan và thich nghe ông nói,
dù những điều đó làm Hêrôđê hết sức bối rối (c. 20).
Nhưng Hêrôđê cũng là người đã sai bắt Gioan và xiềng ông trong ngục,
chỉ vì Gioan dám nói: “Nhà vua không được lấy vợ của anh mình.”
Rõ ràng cái ác trong Hêrôđê đã thắng cái thiện, cái xấu đã thắng cái tốt.
Hêrôđê thuộc loại người “nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận,
nhưng không đâm rễ, mà là những kẻ nông nổi nhất thời…” (Mc 4, 16-17).
Chính vì thế khi gặp thử thách thì ông vấp ngã ngay. 

Hêrôđê còn quỵ ngã một lần nữa nặng hơn.
Ngày sinh nhật của ông cũng là ngày chết của một vị ngôn sứ.
Khi con gái bà Hêrôđia biểu diễn một điệu múa làm vui lòng mọi người,
Hêrôđê đã lỡ thề hứa một điều thiếu khôn ngoan,
trước mặt bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê:
“Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23).
Không biết lúc đó Hêrôđê đã say chưa,
nhưng chắc chắn nhà vua đã quên một điều quan trọng.
Ông quên mình chỉ là một tiểu vương nắm vùng Galilê và Pêrê (Lc 3,1),
nên ông không có quyền cho đất hay chia đất.
Bà Hêrôđia đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này để trả thù Gioan.
Bà nói với cô con gái xin đầu Gioan Tẩy giả (c. 24).
Hẳn điều này là một bất ngờ lớn đối với Hêrôđê .
Lập tức ông bị đặt vào thế giằng co xâu xé.
Một mặt ông hết sức đau buồn vì quý mạng sống của Gioan.
Mặt khác ông lại không muốn thất hứa với cô bé,
một lời hứa đã trót nói ra công khai trước mặt quan khách dự tiệc.
Hêrôđê có dám chịu đánh mất chút danh dự của mình không
khi khiêm tốn xin rút lại lời thề hứa vội vàng, bồng bột?
Ông có dám nhận mình đã sai và chịu mất mặt không?
Tiếc quá ! Hêrôđê đã không có được can đảm này. 

Như người thanh niên giàu có buồn rầu bỏ đi (Mc 10, 22),
Hêrôđê cũng sẽ buồn suốt đời vì cái chết do ông gây ra.
Như Hêrôđê, sau này Philatô cũng chịu áp lực khi ông xử án Đức Giêsu.
Ông cũng phạm đúng tội của Hêrôđê trước đám đông (Mc 15, 15),
coi ghế ngồi của mình quý hơn mạng sống của Đức Giêsu, người vô tội. 

Cầu nguyện: 

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường. 

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui. 

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời. 

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy. 

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày. 

 

Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
(R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)  

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

4 THÁNG HAI

Đứng Về Phía Sự Sống

Trong cái nhìn Kitô giáo, con người – hình ảnh của Thiên Chúa – là sự diễn tả tột đỉnh của sự sống trong vũ trụ. Đích điểm của con người là Thiên Chúa; và đích điểm của vũ trụ là con người. Đấng Tạo Hóa đã thiết lập các định luật vận hành vũ trụ tự nhiên; cũng vậy, Ngài đã ghi tạc vào trong bản tính con người những chuẩn mực phổ quát của hành vi ứng xử. Những chuẩn mực này không lụy thuộc vào sự tùy tiện giải thích chủ quan. Chúng không phải là con phỗng để ai muốn kéo sao thì kéo.

Vâng, có những giá trị và những quyền rất căn bản gắn kết không rời với phẩm giá con người và với định mệnh vĩnh cửu của mỗi cá nhân. Trên tất cả chính là quyền sống – một quyền phải được bảo vệ trong suốt cuộc hiện sinh của mỗi con người. Thật vậy, ngày nay hơn bao giờ hết, quyền sống của con người đang bị đe dọa từ khi mới còn trong trứng nước cho đến tận giây phút cuối cùng. Bằng cách tôn trọng những chuẩn mực phổ quát liên quan đến phẩm giá con người, chúng ta chứng tỏ mình đang cộng tác với sự sống. Nếu chẳng vậy, chúng ta sẽ trở thành những tác nhân của sự chết.

Hãy đứng về phía sự sống!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 04/2

Hc 47, 2-11; Mc 6, 14-29.

LỜI SUY NIỆM: “Vua Hêrôđê nghe biết về Đức Giêsu, vì Người đã nổi danh, có kẻ nói: Đó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.”

          Trong nhân loại ngày hôm nay, có rất nhiều người biết về Chúa Giêsu, không khác gì vua Hêrôđê ngày xưa. Họ chỉ biết về sự nổi danh của Người trong quá khứ. Còn về chính Người thì họ toàn là do suy diễn; không người hướng dẫn; bởi vì Chúa Giêsu là một mầu nhiệm. Chính Chúa Giêsu đã từng nói: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi, và Không ai biết rõ người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Lc 10, 22). Và trong Tin Mừng của Gioan. Chúa Giêsu nhắc lại lời Thiên Chúa đã phán với ông Môsê khi Ngài mạc khải Danh của Ngài: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3, 14); và Người cũng mạc khải cho người Do-thái: “Thật vậy, nếu các ông không tin tôi là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” (Ga 8, 24b); “Thật tôi bảo thật các ông trước khi có Ápraham, thì tôi Hằng Hữu.” (Ga 9, 57);  “Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10, 30)

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong gia đình chúng con ham thích học hỏi giáo lý, học hỏi Kinh Thánh với những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, để ngày trí tuệ của chúng con được mở ra hiểu biết Chúa nhiều hơn để sống thờ phượng Chúa và thực hành đức bác ái đối với nhau. Để Nước Chúa ngày càng hiển trị trên thế gian này.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

 04 Tháng Hai

Lạy Cha Chúng Con Ở Trên Trời

Con gái ông Karl Marx có lần thú nhận với người bạn gái từ thủa nhỏ bà không được huấn luyện cho biết có Tôn giáo và Tín ngưỡng cũng như chính bà không cảm thấy mình có một tâm tình tôn giáo hay tin tưởng vào một thực tại vô hình nào. 

Nhưng bà tâm sự tiếp: mộ ngày kia bà tình cờ đọc được một kinh của người Kitô mà bà thầm mong ước là những câu kinh ấy được biến thành sự thật.

Nghe nói thế, người bạn gái của bà không khỏi ngạc nhiên và tò mò hỏi: “Kinh gì mà hay thế?”. Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi này, người con gái ông Karl Marx chậm rãi đọc bằng tiếng Ðức: “Vater unser im Hinmel – Lạy Cha chúng con ở trên trời“. 

Có một Giám Mục kia trên đường kinh lý giáo phận, ghé thăm gia đình một bà lão. Người ta nói bà là một tấm gương cho cả lòng soi chung. Trong khi thăm, vị Giám Mục hỏi: 

– Bà thường hay đọc sách đạo đức nào nhất? 

– Thưa Ðức Cha con không biết đọc, bà cụ trả lời. Nghe nói thế, vị Giám Mục tiếp tục hỏi: “Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà?”. Thấy Giám Mục đã biết bí quyết của mình, bà cụ thật thà thưa: 

– Thưa Ðức Cha, con chỉ biết tràng hạt thôi: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Tin Kính. Một ngày con khởi sự đọc đến mười lần nhưng thường thì con không đọc xong. 

– Tại sao thế? Vị Giám Mục muốn biết. Bà cụ thuật tiếp: 

 – Tại vì khi con bắt đầu đọc: Lạy Cha chúng con – Con bỗng không hiểu sao Chúa có thể tốt lành đến mực cho phép một bà già hèn mọn như con được gọi ngài là Cha. Ðiều đó làm cho con phải khóc và rồi con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được. Nghe thuật lại kinh nghiệm trên, vị Giám Mục khuyến khích:  

– À, này bà cụ, đó là lời cầu nguyện trị giá bằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà cứ tiếp tục và luôn cầu nguyện theo câu đó. 

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Ðó là tâm tình thông thường của con người. Bởi lẽ những thực tại dù to lớn đến đâu, nếu đã trở nên những công việc hằng ngày thường bị hạ thấp giá trị. 

Ước gì Kinh Lạy Cha giúp chúng ta ý thức thật sâu đậm về sự thật: Thiên Chúa là Cha chúng ta, như bà cụ đơn sơ trong câu chuyện trên đã cảm nghiệm được, đồng thời giúp chúng ta sống và thực hành những gì chúng ta luôn miệng cầu khẩn trong kinh Lạy Cha.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần 4 – TN2

Bài đọc: Heb 13:1-8; Sir 47:2-13; Mk 6:14-29.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người cần trung thành sống theo sự thật.

Đối với những người không có đức tin nơi Thiên Chúa, họ không tin có sự thật tuyệt đối, và hầu hết mọi sự thật đều có giá trị tương đối – chỉ đúng trong một thời gian và hoàn cảnh nào đó thôi. Vì thế, họ quan niệm, để có thể bảo đảm thành công trong cuộc đời, con người cần phải biết sống theo thời; chẳng hạn sống như các câu tục ngữ dạy: “Gặp thời thế thế thời phải thế!” hay “gió chiều nào che chiều đó!”

Nhưng đối với những người có đức tin, Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời; và thành công trong cuộc đời này không bảo đảm sự thành công trong cuộc đời mai sau. Vì thế, nếu muốn đạt được cuộc đời mai sau, con người không thể sống theo thời, mà phải sống theo sự thật.

Các Bải Đọc hôm nay đưa ra những mẫu người sống theo 2 lối sống khác nhau. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu phải sống theo sự thật, tức là sống theo những gì Thiên Chúa dạy. Lý do là vì Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, con người được bảo đảm cuộc sống mai sau. Trong Bài đọc I, năm chẵn, Sách Đức Huấn Ca tường thuật hai mẫu gương: vua David và vua Solomon; mặc dù không toàn hảo, nhưng họ biết ăn năn quay về với sự thật. Đó là lý do Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và tiếp tục chúc lành cho họ. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô tường thuật hậu quả của những con người không sống theo sự thật mà chỉ muốn làm vui lòng người khác như vua Herode, bà hoàng Herodia, và Salome, con gái của Bà; trong khi Gioan Tẩy Giả sẵn sàng chịu cầm tù và chết cho sự thật.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.

Sau khi đã chứng minh Chúa Giêsu, Vị Trung Gian của Giao Ước Mới, đã lấy máu mình mà rửa sạch tội lỗi của con người, và đem lại Ơn Cứu Độ cho con người, tác giả khuyên các Kitô hữu phải giữ 7 điều sau đây:

(1) Bác ái huynh đệ: “Anh em hãy giữ mãi tình huynh đệ.” Đây là một trong hai giới răn căn bản nhất của Đạo Công Giáo: “Mến Chúa yêu người.” Thánh Gioan nêu lý do tại sao giới răn này cần thiết: người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau.

(2) Tinh thần hiếu khách: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết.” Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã sai các thiên thần đến loan tin vui cho con người: cho Abraham và Sarah (Gen 18), cho cha mẹ của Samson (Judg 13), và cho Tobit (Tob 3:17)

(3) An ủi kẻ ưu phiền: “Anh em hãy nhớ đến các người bị xiềng xích, chẳng khác gì anh em cũng bị xiềng xích với họ; anh em hãy nhớ đến những người bị hành hạ, chẳng khác gì mình với họ chỉ là một thân thể.” Đạo lý này trùng hợp với thần học về thân thể của Thánh Phaolô.

(4) Trong sạch, khiết tịnh: “Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế, vì Thiên Chúa sẽ xét xử các kẻ gian dâm và ngoại tình.” Lý do tại sao phải sống khiết tịnh vì chỉ có những ai có lòng trong sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa.

(5) Trung thành tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền, hãy coi những gì mình đang có là đủ, vì Thiên Chúa đã phán: Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi! đến nỗi chúng ta có thể tin tưởng mà nói: Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi chẳng sợ gì. Hỏi người đời làm chi tôi được?” Nếu Thiên Chúa đã sẵn sàng hy sinh Người Con Một cho con người, hỏi còn điều gì quí giá hơn Người Con này? Thiên Chúa không ban của cải dư đầy vì nó gây nhiều thiệt hại hơn là lợi ích.

(6) Theo gương anh hùng của người xưa: “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng Lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ.” Người Công Giáo không thiếu những gương sáng để noi theo: trước hết và trên hết là gương Đức Kitô, sau đó đến các tổ-phụ, tiên-tri, rồi đến gương các thánh nam nữ ở mọi thời, sau cùng gương cha mẹ và các cha xứ, các thầy, các sơ, những người sống gần gũi trong thời chúng ta.

(7) Đừng sống theo những ngụy thuyết của thế gian: Sự thật không thay đổi: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.”

2/ Bài đọc I (năm chẵn): David yêu mến Đấng tạo thành ông trọn cả tâm tình.

2.1/ Mối liên hệ thân tình giữa Thiên Chúa và vua David: Mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa đòi hỏi phải có hai chiều, và cần được thử thách để phát triển. Nhìn vào mối liên hệ giữa Thiên Chúa và vua David giúp chúng ta hiểu thấu điều này.

(1) Thiên Chúa chúc lành cho David: Từ thời niên thiếu, bàn tay của Thiên Chúa đã ở với David. Ngài giúp ông thoát khỏi nanh vuốt của sư tử và gấu khi ông chăn chiên; chọn ông giữa hàng con cái Israel để làm vua; ban khôn ngoan và sức mạnh để David giết một tên khổng lồ Goliath bằng dây phóng đá mà rửa nhục cho dân. Khi đã được phong vương, uy quyền của Thiên Chúa luôn ở với David. Ông đã đánh tan địch thù tứ phía, thống nhất 12 chi tộc, và bành trướng lãnh thổ. Triều đại của David được coi như một triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Israel.

(2) David cảm tạ tình yêu Thiên Chúa: Ông rất nhạy cảm với tình yêu Thiên Chúa, như trình thuật hôm nay kể: “Trong hết mọi việc làm, ông dùng lời tôn vinh chúc tụng mà ngợi khen Đấng Thánh Tối Cao; với trọn cả tâm tình ông hát lên những khúc thánh thi và yêu mến Đấng tạo thành ông. Ông cắt đặt ca viên, để trước bàn thờ, họ hát những bài ca thánh thót. Ông tổ chức cho các ngày lễ tăng thêm vẻ huy hoàng, và sắp xếp cho lễ lạt được hoàn hảo, để trong những ngày ấy Danh Thánh được ca khen và từ sáng sớm lời chúc tụng vang lên trong đền thánh.”

2.2/ David phạm tội; nhưng biết ăn năn xám hối và quay về với sự thật: Như một con người, David không toàn hảo. Trong lúc bị cám dỗ xác thịt, ông đã để cho sắc đẹp của bà Bathsheba làm ông điêu đứng; và rồi tội này dắt tới tội kia, ông đã phạm tội tiêu diệt Uriah, chồng bà Bathsheba và là một tướng trung thành với ông. Vì những tội phạm này, David phải chịu rất nhiều hình phạt đến từ Thiên Chúa: chết chóc xảy ra trong gia đình, loạn luân xảy ra giữa anh em và con cái; David và thuộc hạ phải chạy trốn Absalom, con mình. Nhưng trong khi chịu đựng tất cả những đau khổ này, David không một lời oán trách Thiên Chúa. Ông chỉ xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và đình chỉ việc giáng phạt xuống trên gia đình ông. Những thử thách này đã giúp ông nhận ra hậu quả khủng khiếp của tội và làm cho tình yêu của ông với Thiên Chúa được vững mạnh hơn.

3/ Phúc Âm: Gioan Tẩy Giả chết làm chứng cho sự thật.

3.1/ Rau nào sâu nấy: Nhìn vào gia đình của Herode, một người có thể nhìn thấy quyền lực vủa ma quỉ thống trị gia đình này. Vua Herode Cả có tất cả 5 đời vợ (Cleopatra của Jerusalem, Doris, Mariamne của Hasmonean, Mariamne của Boethusian, và Malthake). Chính ông đã giết 3 người con: Antipater bởi Bà Doris, Alexander và Aristobulus bởi Bà Mariamne của Hasmomean. Loạn luân xảy ra khi Herodias, con của Aristobulus, kết hôn với Philip, chú của Bà; rồi lại muốn kết hôn với Herode Antipas, em của Philip, như trình thuật kể hôm nay. Chuyện loạn luân khác nữa là Salome, người con gái của Bà Herodias trong trình thuật hôm nay, lại kết hôn với Philip, con của bà Cleopatra.

3.2/ Các thái độ sống khác nhau trong cuộc đời:

(1) Vua Herode Antipas: thừa hưởng một nếp sống hoang dâm và ác độc của vua cha, ông cũng không sống theo lập trường rõ rệt. Ông đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục: lý do là vì vua đã lấy bà Herodia, vợ của người anh là Philíp; và Gioan đã công khai chỉ trích nhà vua. Thái độ không lập trường của ông được Marcô mô tả: “Thật vậy, vua Herode biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.”

Sự tình xảy ra là khi nhà vua mở một bữa tiệc thết đãi quan khách tại Galilee, con gái bà Herodia, Salome, vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Được sự cố vấn của mẹ, cô xin “đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.

(2) Bà Herodia và Salome: sống và làm chứng cho sự gian trá. Bà Herodia căm thù ông Gioan vì đã dám ngăn cản hôn nhân của Bà, và muốn giết ông nhưng chưa được. Khi cơ hội tới qua câu hỏi của cô con gái: “Con nên xin gì đây?” Bà đã lạnh lùng trả lời: “Đầu Gioan Tẩy Giả.” Lập tức, cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm.”

(3) Gioan Tẩy Giả: sống và làm chứng cho sự thật. Ông không chú ý đến nhu cầu vật chất, danh vọng, chức quyền; nhưng can đảm sống và kêu gọi mọi người ăn năn xám hối.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải trung thành sống theo sự thật, vì một cuộc sống theo thời thế sẽ không đưa chúng ta tới đích điểm của cuộc đời.

– Chúng ta sẽ phải trả giá đắt để sống theo sự thật, nhưng lối sống theo sự thật sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, và giúp chúng ta đoàn tụ với Thiên Chúa và các chứng nhân của sự thật.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************