Ngày thứ sáu (11-02-2022) – Trang suy niệm

10/02/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần V Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 V 11, 29-32; 12, 19

“Israel lìa bỏ nhà Đavít”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Khi ấy, Giêroboam từ Giêrusalem đi ra, thì tiên tri Ahia, người Silô mặc áo choàng mới, gặp ông dọc đường. Lúc đó chỉ có hai người ở ngoài đồng. Ahia cầm lấy áo choàng mới ông đang mặc, xé ra làm mười hai phần và nói với Giêroboam rằng: “Ông hãy cầm lấy mười phần cho ông, vì Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: ‘Đây, Ta sẽ phân chia vương quốc từ tay Salomon, và Ta sẽ cho ngươi mười chi tộc. Vì Đavít tôi tớ Ta, và vì thành Giêrusalem mà Ta đã lựa chọn trong mọi chi tộc Israel, Ta sẽ dành cho Salomon một chi tộc’ “. Như thế, Israel lìa bỏ nhà Đavít cho đến ngày nay. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 80, 10-11ab. 12-13. 14-15

Đáp: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, ngươi hãy nghe Ta răn bảo (c. 11a & 9a).

Xướng:

1) Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác cả, ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra ngoài Ai-cập. – Đáp.

2) Nhưng dân tộc của Ta chẳng có nghe lời Ta, Israel đã không vâng lời Ta răn bảo. Bởi thế nên Ta để mặc cho chúng cứng lòng để chúng sinh hoạt tuỳ theo sở thích. – Đáp.

3) Phải chi dân tộc của Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối của Ta mà ăn ở: thì lập tức Ta sẽ triệt hạ kẻ thù của chúng, và để đập tan quân địch của chúng, Ta sẽ trở tay! – Đáp.

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 7, 31-37

“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

Trích Phúa âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh, Người ta đem đến cho Người một kẻ câm điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh ta và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Đoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: “Ephpheta!”, nghĩa là “Hãy mở ra!”, tức thì tai anh ta mở ra và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

11/02/2022 – THỨ SÁU TUẦN 5 TN

Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày quốc tế bệnh nhân

Mc 7,31-37

KHAI THÔNG BẾ TẮC

Đức Giê-su ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-ta,” nghĩa là hãy mở ra! Lập tức, tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. (Mc 7,34-35)

Suy niệm: Chứng câm điếc khiến khả năng giao tiếp, truyền thông với người  khác bị phế bỏ. Người câm điếc không thể biểu đạt tâm tư, suy nghĩ của mình, đồng thời cũng không thể tiếp nhận lời nói, tư tưởng của người khác. Đó là một tình trạng bế tắc và bị cô lập! Khi thi hành sứ vụ ở vùng đất dân ngoại, Chúa Giê-su đã chữa lành một người câm điếc. Chúa dẫn anh ta ra riêng một nơi, đặt ngón tay vào lỗ tai, bôi nước miếng vào lưỡi, rồi nói: “Ép-pha-ta, hãy mở ra!” Thế là sự bế tắc khoá chặt người câm điếc bấy lâu nay đã được phá vỡ. Anh ta nghe được và nói rõ ràng. Chúa Giê-su đã làm cho cuộc đời anh ta mở sang một trang mới.

Mời Bạn: Chứng câm điếc tâm linh là sự tối tăm, mù quáng của tâm hồn con người. Đó là lối sống cố thủ cực đoan, đóng kín nơi chính mình, không đón nhận Thiên Chúa đi vào tâm hồn mình cũng như không mở lòng ra với tha nhân. Chứng câm điếc tâm linh này dần dà sẽ hủy hoại đời sống Ki-tô hữu. Bạn hãy cho phép Chúa Giê-su dẫn riêng ra một nơi để Người chữa lành chứng bệnh câm điếc tâm linh, để khai thông sự bế tắc chết người này trong đời sống bạn.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn dành thời giờ riêng tư ở lại với Chúa Giê-su, và xin Người mở lòng bạn và chữa lành chứng câm điếc tâm linh cho bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin mở tai con để con biết chân thành lắng nghe Chúa và anh chị em mình. Xin mở miệng con để con cao rao tình thương của Chúa và nói những lời bác ái với tha nhân. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Đức Giêsu đã đi một vòng khá xa : từ vùng Tia đi lên phía bắc để đến Xiđon,
rồi ngài phải quẹo sang hướng đông để đến bên kia Hồ Galilê,
và cuối cùng đi về miền nam để đến vùng Thập Tỉnh.
Vùng này là nơi ngài đã từng trừ quỷ và cho chúng nhập vào bầy heo (Mc 5, 1-20).
Người được khỏi bệnh đã đi rao truyền khắp vùng về điều Đức Giêsu làm cho anh.
Có thể vì thế mà khi ngài trở lại đây,
người ta đã đem đến cho ngài một người bị câm điếc.
Họ chỉ xin một điều đơn giản : xin ngài đặt tay trên anh.

Đức Giêsu chữa cho anh một cách cầu kỳ.
Ngài kéo anh khỏi đám đông, đặt những ngón tay mình vào tai anh,
rồi ngài nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh (c. 33).
Tay của ngài chạm đến những cơ quan bị khiếm khuyết của anh.
Sau đó ngài ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói “Ép-pha-ta.”
“Ép-pha-ta” , “Hãy mở ra!” : đây không phải là một câu thần chú bí ẩn,
nhưng là một lời quyền năng có sức giải phóng anh khỏi những trói buộc từ lâu.

 “Lập tức tai anh được mở ra.”
Người điếc là người tai bị khép lại, nên không nghe được,
bị bưng bít, không tiếp xúc được với thế giới bên ngoài,
không hiểu được điều người khác muốn nói.
Ngày nay người ta nói nhiều đến nghệ thuật lắng nghe,
bởi lẽ đôi lúc chúng ta đã mất khả năng nghe, hay trở nên lãng tai.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
Xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa,
Xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
Xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
Xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
Sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
Trong nụ cười của con,
Thấy sự dịu dàng của Chúa
Trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
Có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
Cùng đi với Chúa và với tha nhân
Trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

11 THÁNG HAI

Âm Nhạc Phản Ảnh Mối Hòa Điệu Trong Tạo Vật

Aâm nhạc là ngôn ngữ phổ quát của mọi con người. Aâm nhạc có thể khơi trào cảm xúc sâu xa, có thể truyền đạt những tình cảm thanh cao, và có thể đánh thức mối đồng cảm đối với tâm tư của người nghệ sĩ. Loài người cần đến âm nhạc, vì âm nhạc chuyển tải chính tinh thần của người ta, nâng tâm hồn người ta lên cao, thăng hoa xúc cảm, và giúp người ta hân hoan hướng nhìn về Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói rằng – một cách nào đó – con người trở thành ‘người’ hơn và trở thành ‘Kitôhữu’hơn nhờ âm nhạc.

Khẳng định những điều nói trên, tôi cũng nghĩ đến những giá trị độc đáo khác mà âm nhạc cống hiến. Sự hài hòa của giai điệu được tạo ra do sự kết hợp của các nốt nhạc; cũng thế, âm nhạc nếu được trình tấu bởi một nhóm sẽ sản sinh ra tình liên đới, mối đồng cảm và tình hữu nghị. Aâm nhạc có thể được xem như một lời mời gọi người ta tham dự vào một công cuộc cao quí chung – công cuộc ấy sẽ thăng hoa và củng cố tình cảm.

Những điều nói trên càng được thấy rõ ràng hơn khi âm nhạc làm dâng trào niềm vui trong các dịp lễ mừng của cộng đoàn. Nhờ âm nhạc, người ta cảm nghiệm được niềm phấn khởi hân hoan, lòng sốt sắng cầu nguyện và nhiệt tâm dấn thân vào hành động. Quả thật, âm nhạc có năng lực thúc đẩy người ta phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Vì thế, trong tư cách là một nghệ thuật, âm nhạc hướng lòng người ta chiêm ngắm vẻ đẹp vốn tuôn chảy từ chính Thiên Chúa, và âm nhạc cũng là một lời mời gọi người ta cảm thụ sự hòa điệu trong tạo vật. Uớc gì tất cả chúng ta biết dùng âm nhạc để ca ngợi Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 11/2

ĐỨC MẸ LÔ ĐỨC

NGÀY QUỐC TẾ BỆNH NHÂN

1V 11, 29-32; Mc 7, 31-37.

LỜI SUY NIỆM: Họ hết sức kinh ngạc và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả; ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

          Người ta đem đến với Chúa Giêsu: một người vừa điếc và câm. Chúa đã thấu rõ cái mặc cảm của anh ta giữa đám đông, nên Người đã kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông và đã chữa lành cho anh ta. Điều này đã gây cho những người đã chứng kiến sự việc chữa lành của Người đối với người vừa câm vừa điếc; Họ đã mở niệng ca tụng Người: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả;” Điều này cũng gợi lên trong chúng ta nhớ lại trong Sách sáng Thế. Chính Thiên Chúa sau mỗi ngày tạo dựng; “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”.

          Lạy Chúa Giêsu. Ngày hôm nay toàn thể Giáo Hội của Chúa đang mời gọi mọi con cái của Chúa sống “Hiệp Hành” Xin Chúa chửa lành tính Điếc và Câm của chúng con để cùng nhau sống Đạo và loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 11-02: ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

Lộ Đức (Lourdes) là một tỉnh nhỏ khoảng 6000 dân nằm giữa thung lũng Pyrênê, gần suối Gave. Hôm ấy là ngày 11 tháng 2 năm 1858. Trời lạnh lẽo. Vào buổi trưa, Bernadetta, cô gái 14 tuổi vui tươi, thiếu ăn và quê mùa cùng với mấy người bạn đi lượm củi khô ở bờ suối Gave.

Bỗng một bà mặc đồ trắng hiện ra với cô, trên một tảng đá bao quát cả hang Massabielle. Vừa sợ lại vừa vui, cô lần chuỗi và không dám tới gần theo lời Bà mời.

Chẳng ai muốn tin cô. Bị rắc rối chính cha mẹ cô không muốn cho cô trở lại hang đá nữa. Nhưng có một sức hấp dẫn lạ kỳ nào đó. Cô trở lại hang đá. Các cuộc thị kiến vẫn tiếp diễn. Bà lạ nói chuyện và kêu gọi cầu nguyện, rước kiệu và xây dựng một đền thờ tại đây.

Các bậc khôn ngoan chống đối. Dân chúng lại xúc động. Công an thẩm vấn Bernadetta. Cô bình thản trả lời và không hề nao núng trước những lời đe dọa. Cô cũng không bị vướng mắc vào những tiểu xảo của người thẩm vấn. Các nữ tu dạy học cũng bất bình. Nhưng Bernadetta vẫn khiêm tốn lịch sự .

Ngày 25 tháng 2, một đoàn người cảm kích theo cô sau khi cầu nguyện, Bernadetta đứng dậy, ngập ngừng tiến tới gần hang đá rổi quì xuống. Theo lệnh bà lạ, cô cúi xuống lấy tay cào đất. Một dòng nước vọt lên. Cứ 24 tiếng đồng hồ là có khỏang 120.000 lít nước chảy ra.

Ông biện lý cho gọi Bernadetta tới. Ông chế giễu, tranh luận và đe dọa cô nữa. Cuối cùng ông kết luận: – Cô hứa với tôi là sẽ không tới hang đá nữa chứ ?

Nhưng Bernadetta bình tĩnh trả lời cách rõ ràng. – Thưa ông, cháu không hứa như vậy.

Cha sở lo âu, Ngài cấm các linh mục không được tới hang. Bernadetta tới gặp Ngài và nói: – Bà lạ nói: Ta muốn gặp người ta rước kiệu tới đây.

Ngài liền quở trách và gằn từng tiếng: – Con hãy nói với bà ấy rằng, đối với cha sở Lộ đức, phải nói cho rõ rệt. Bà muốn những buổi rước kiệu và một nhà nguyện à ? Trước hết bà phải cho biết tên là gì và làm một phép lạ đã chứ.

Làm xong nhiệm vụ, Bernadetta bình thản ra về.

Đã có những phép lạ nhãn tiền: một người thợ đẽo đá mù lòa đã thấy được ánh sáng, một phụ nữ bại tay sáu năm nay bình phục, báo chí công kích dữ dội và cho rằng: đó chỉ là ảo tưởng.

Nhưng dòng nước vẫn chảy thành suối. Dân chúng vẫn lũ lượt kéo nhau tới, những kẻ hoài nghi phải chùn bước. Một em bé hai tuổi bệnh hoạn đang hấp hối trước những cặp mắt thất vọng của cha mẹ. Họ nghèo lắm, bà hàng xóm đã dọn sẵn cho một một cái quách. Người cha thở dài: – Nó chết rồi.

Người mẹ chỗi dậy. Không nói một lời bào, bà ôm đứa trẻ chạy thẳng ra hang đá, dìm nó vào trong dòng nước giá lạnh. Dân chúng cho rằng bà đã điên lên vì buồn khổ. Tắm em bé trong 15 phút xong, bà ẵm em về nhà. Sáng hôm sau, em hết bệnh. Ba bác sĩ đã chứng thực chuyện lạ này.

Bernadetta vẫn giản dị vui tươi tự nhiên. Hàng ngày cô trở lại hang đá.

Ngày 25 tháng 3 cô quì cầu nguyện và khuôn mặt bỗng rỡ nên rạng rỡ. Rồi cô quay lại nói với vài người có mặt: – Bà nói: Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội

Vài phút sau, lời Đức Trinh Nữ đã được truyền từ miệng người này sang người khác. Đám đông cất cao lời cầu khẩn: – Lạy Đức Mẹ Maria chẳng hề mắc tội tổ tông, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Đức Mẹ.

Bernadetta hỏi một người chị bạn thân: – Vô nhiễm thai là gì nhỉ ?

Và cũng không bao giờ cô phát âm đúng chính xác từ ngữ này.

Luôn giữ mình khiêm tốn, Bernadetta đã ẩn mình trong một tu viện. Lúc 3 giờ chiều ngày 16 tháng năm 1879, cô từ trần, được 36 tuổi.

Dòng nước ở hang Massablle vẫn chảy. Người ta lũ lượt tuôn đến cầu nguyện và không biết bao nhiêu ơn lành Đức Mẹ đã ban cho các tâm hồn thiết tha cầu khẩn. Đức Giáo hoàng Leo XIII cho phép mừng việc Đức Mẹ hiện ra tại Lộ đức, vào ngày 11 tháng 2, để ghi nhớ 18 lần mẹ đã hiện ra với Bernadetta, kể từ ngày 11 tháng 2 tới ngày 16 tháng 7 năm 1858.

Năm 1907, Đức Piô X cho phép toàn thể Giáo hội mừng lễ này. Cùng với Giáo hội, chúng ta kính nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và đừng quên chạy đến Mẹ là nguồn suối chảy tràn muôn ơn phúc.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

10 Tháng Hai

Liều Thuốc Dành Cho Kẻ Chán Ðời

Một người đàn ông chán đời nọ đang đứng nhìn dòng nước từ một chiếc cầu cao. Ông đốt một điếu thuốc cuối cùng trước khi kết liễu cuộc đời.
Ông không còn lối thoát nào khác hơn nữa. Ông đã làm đủ mọi cách để lấp đầy nỗi chán chường trong tâm hồn. Ông đã đi đây đi đó, ông đã tìm lạc thú trong các cuộc vui trác táng, ông đã chạy đến với mọi thứ hơi men và khói thuốc. Nhưng chán chường vẫn cứ chán chường. Ông thử thời vận lần cuối cùng bằng một cuộc hôn nhân, nhưng không có một người đàn bà nào có thể ở bên cạnh ông được vài tháng, bởi vì ông đòi hỏi quá nhiều, nhưng lại không biết nghĩ đến người khác. Ông nhận ra rằng ông đã chán chường mà cũng không ai được hạnh phúc bên cạnh ông. Chỉ có dòng sông may ra mới mang lại cho ông sự thanh thản.

Người đàn ông chưa hút xong điếu thuốc thì cũng có một người hành khất cũng đi qua chiếc cầu. Con người rách rưới đó dừng lại nhìn người đàn ông và chìa tay xin giúp đỡ. Người đàn ông chán chường không ngần ngại rút cả ví tiền và trao cho người hành khất. Ông giải thích rằng bên kia thế giới ông không cần tiền bạc nữa. Người hành khất cầm lấy chiếc ví một lúc rồi trao lại cho khổ chủ. Ông ta nhìn thẳng vào đôi mắt của kẻ chán đời và nói: “Thưa ông, tôi không cần một số tiền lớn như thế. Tuy là một người hành khất, nhưng tôi không là một kẻ hèn nhát. Ông hãy giữ lại tiền của ông và đem qua bên kia thế giới của ông”. Nói xong, người hành khất ném cả ví tiền xuống dòng sông rồi lặng lẽ bước đi, bỏ mặc kẻ chán đời tiếp tục gặm nhấm nỗi đắng cay chua xót của ông.

Ðã hút xong điếu thuốc, nhưng kẻ chán đời vẫn muốn chưa kết liễu cuộc đời. Ông nhìn theo người hành khất đang khuất xa dần. Tự nhiên, ông không muốn chết nữa, mà chỉ muốn nhặt lại chiếc ví để trao tặng cho người hành khất. Chưa một lần trong đời, ông biết mở ví trao tặng cho bất cứ người nào. Giờ phút này. ông muốn mở rộng tâm hồn, mở rộng đôi tay để trao tặng và muốn tiếp tục sống. Nghĩ như thế, kẻ chán đời đứng thẳng lên, rời bỏ cây cầu và tiếp tục đuổi theo cho kỳ được người hành khất.

Không gì buồn chán cho bằng sống không có định hướng, không có lẽ sống. Sống mà không biết tại sao mình sống, mình sẽ đi về đâu là điều làm cho con người chán chường và đau khổ nhất.

Ai cũng khao khát hạnh phúc, ai cũng đi tìm hạnh phúc nhưng lắm khi người ta chỉ chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc. Ai cũng biết rằng tiền tài, danh vọng và lạc thú trong cuộc sống tự nó không phải là hạnh phúc và lắm khi chúng cũng không mang lại hạnh phúc cho con người.

Hạnh phúc không phải là một nơi để đi đến, hạnh phúc là một hướng đi. Có đi theo hướng đó, con người mới cảm thấy được hạnh phúc. Vậy hướng đi của chúng ta là gì?

Chúa Giêsu, Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống, đã vạch ra cho chúng ta hướng đi ấy. Và hướng đi Ngài đã vạch ra chính là Sống cho tha nhân. Ai càng tích trữ và chiếm giữ cho mình, người đó càng nghèo nàn và khốn khổ. Ai càng đóng kín quả tim và khép chặt bàn tay, người đó sẽ không được nhận lãnh. Hạnh phúc đích thực chính là trao ban, bởi vì như Thánh Phaolô đã ghi lại lời của Chúa Giêsu: “Cho thì có hạnh phúc hơn nhận lãnh”.

Cho là liều thuốc chữa trị được căn bệnh trầm trọng nhất trong tâm hồn chúng ta: đó là sự chán sống. Cho cũng là liều thuốc xoa dịu được mọi khổ đau trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta đang đau khổ vì bị phản bội, vì thất chí, vì bệnh tật hay vì bất cứ một nguyên do nào: chúng ta hãy thử mở rộng tâm hồn để trao ban, để san sẻ. Chúng ta sẽ cảm thấy được xoa dịu trong tâm hồn.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần 5 – TN2

Bài đọc: Gen 3:1-8; I Kgs 11:29-32, 12:19; Mk 7:31-37.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sa ngã và tội lỗi

Tại sao con người phạm tội? Người Do-thái, qua những tài liệu của Qumran, quan niệm cuộc đời là bãi chiến trường giữa Thiên Chúa và ma quỉ, giữa sự thiện và sự ác, giữa con cái của ánh sáng và con cái của bóng tối. Thiên Chúa muốn con người làm những sự tốt lành vì họ là con cái của ánh sáng. Ngược lại ma quỉ muốn con người làm những điều gian ác, để thuộc về con cái của bóng tối giống như chúng. Con người bị giằng co giữa hai bên, và phải xử dụng tự do để quyết định những gì nên làm và nên tránh.

Để giúp con người trở nên tốt lành và gìn giữ con người khỏi tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa dạy dỗ để con người biết phân biệt tốt khỏi xấu, và báo trước những hậu quả của các hành động vâng phục hay bất tuân lệnh của Ngài. Ngược lại, để cám dỗ con người phạm tội, ma quỉ phô trương ra những điều hấp dẫn bên ngoàii và ẩn giấu đi những điều thiệt hại bên trong; vì nếu phô trương ra sự thật, làm sao chúng có thể lôi kéo con người! Chúng làm con người hy vọng những gì Thiên Chúa nói là sai, và hậu quả mà Thiên Chúa báo trước sẽ không như vậy.

Các Bài Đọc hôm nay cho thấy tội lỗi xảy ra khi con người lạm dụng tự do để bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác giả Sách Sáng Thế Ký trình bày sự sa ngã đầu tiên của Adong và Evà. Ông bà sa ngã vì đã tin vào những gì ma quỉ cám dỗ qua con rắn, qua việc ăn trái cây biết thiện và ác mà Chúa đã ngăn cấm. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, Thiên Chúa chia cắt vương quốc của ông thành 12 mảnh: Ngài trao cho Jeroboam 10 mảnh, dòng họ David chỉ còn giữ lại được một mảnh là Judah, với thủ đô đặt tại Jerusalem. Đây là hậu quả của tội của vua Solomon, đã bỏ Thiên Chúa để tôn thờ bụt thần của các bà vợ. Trong Phúc Âm, mặc dù Chúa Giêsu đã ngăn cấm con dân chúng đừng loan truyền phép lạ Chúa làm, họ vẫn bất tuân và loan truyền khắp nơi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Sa ngã đầu tiên của con người

1.1/ Ma quỉ và con người: Ma quỉ được tác giả so sánh như loài rắn, vì sự ma lanh và quỉ quyệt của nó: “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” Cám dỗ của ma quỉ đầu tiên là phóng đại lệnh truyền của Thiên Chúa, với mục đích làm cho con người thấy sự vô lý của lệnh truyền và sự khắc nghiệt của Thiên Chúa. Lần cám dỗ đầu tiên, người đàn bà nhận ra sự thật, và đã sửa sai con rắn về tính phóng đại của nó: “Trái các cây trong vườn, chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.””

1.2/ Ma quỉ biết rõ những gì con người muốn: Kế tiếp, rắn cám dỗ con người về hậu quả của việc làm. Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Chúng ta thấy sự ma lanh của rắn ở đây: Nó phủ nhận sự chết, nhưng nhấn mạnh đến việc trở thành “những vị thần biết điều thiện điều ác,” như tên Thiên Chúa gọi “cây cho biết thiện và ác.” Chúng biết con người thích tự do, độc lập; và không muốn tùy thuộc vào ai trong việc làm quyết định. Nếu biết thiện và ác, con người sẽ không cần lắng nghe những gì Thiên Chúa dạy dỗ, và sẽ không lệ thuộc vào Thiên Chúa nữa. Con người sa ngã vì cả những hấp dẫn bên ngoàii của trái cây và ước muốn được trở nên thần thánh bên trong: “Người đàn bà thấy trái cây đó hấp dẫn để ăn, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.”

1.3/ Hậu quả của việc bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa: “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân. Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa.” Đúng như tên gọi của cây: ông bà biết điều thiện và điều ác; thay vì chỉ biết điều thiện như trước đây. Ông bà không những biết điều xấu, mà còn biết xấu hổ vì đã làm điều xấu.

2/ Bài đọc I (năm chẵn): Này Ta sẽ giựt vương quốc khỏi tay Solomon để trao cho ngươi mười chi tộc.

Vì vua Solomon đã phản bội Thiên Chúa, Ngài quyết định chia cắt đất nước thành hai. Jeroboam được Thiên Chúa chọn để lãnh đạo vương quốc Israel miền Bắc, trong khi con vua Solomon là Rehoboam sẽ lãnh đạo vương quốc Judah miền Nam. Jeroboam là con ông Nebat, người Ephraim, thuộc Zeredah; bà Zerua mẹ ông là một quả phụ. Ông đã từng phục vụ vua Solomon. Vua thấy Jeroboam là người có khả năng và đảm đang công việc, nên đặt chàng phụ trách toàn thể dân công nhà Giuse.

2.1/ Hành động biểu tượng của việc xé áo thành 12 mảnh: “Một hôm, khi Jeroboam từ Jerusalem đi ra, thì dọc đường gặp ngôn sứ Ahijia, người quê ở Shiloh; ông này khoác một chiếc áo choàng mới. Lúc ấy chỉ có hai ông ở ngoài đồng. Ông Ahijia lấy chiếc áo mới mình đang mặc, xé ra làm mười hai mảnh.” Ngôn sứ của Thiên Chúa không chỉ nói những gì Thiên Chúa muốn, nhưng đôi khi còn biểu tỏ những hành động biểu tượng như việc xé áo thành 12 mảnh hôm nay. Mục đích là để cho dân chúng hiểu rõ hơn những gì Thiên Chúa muốn.

2.2/ Ý nghĩa của việc xé áo: Rồi ông nói với Jeroboam: “Anh cầm lấy mười mảnh, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Israel phán như sau: “Này Ta sẽ giựt vương quốc khỏi tay Solomon để trao cho ngươi mười chi tộc. Nó vẫn còn được một chi tộc, vì nể David, tôi tớ Ta, và vì Jerusalem thành đô Ta đã chọn trong tất cả chi tộc Israel.” Một người có thể đặt câu hỏi ngay sau khi đọc những lời này: Vẫn còn thiếu một chi tộc nữa. Lý do có thể là lúc đó chi tộc Simeon đã được tháp nhập thành một với chi tộc Judah.

Nhìn lại lịch sử, vua David có công thống nhất 12 chi tộc của Israel; nhưng sự thống nhất này chỉ được khoảng 80 năm: 40 năm cai trị của David và 40 năm cai trị của Solomon. Sau thời của Solomon, đất nước lại bị chi cắt làm hai: 10 chi tộc phía Bắc thành lập lên vương quốc Israel với thủ đô đặt tại Samaria, và hai chi tộc phía Nam, Judah và Simon, làm thành vương quốc Judah, với thủ đô đặt tại Jerusalem. Sự chia cắt này còn tồn tại cho tới ngày nay.

Giống như trường hợp của vua David, tội lỗi cá nhân không chỉ ảnh hưởng đến nhà vua, nhưng còn ảnh hưởng đến gia đình và quốc gia; tội của vua Solomon cũng thế, nó không chỉ ảnh hưởng đến việc tiêu tan quyền lực của nhà vua, nhưng còn ảnh hưởng đến sự đoàn kết của các chi tộc của Israel.

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chữa một người ngọng và điếc.

3.1/ Cách Chúa chữa bệnh: Trình thuật kể: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói bằng tiếng Aramaic: “Ephphatha!” nghĩa là: Hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.” Một người có thể nhìn thấy sự khác lạ của phép lạ này nếu đem so sánh với các phép lạ khác; vì trong hầu hết các phép lạ khác, người bệnh cứ ở vị trí của mình, Chúa Giêsu chỉ cần phán là người bệnh được khỏi. Sở dĩ Chúa phải kéo riêng anh ra một nơi, vì anh điếc không nghe được những gì Ngài truyền; và cũng để tránh việc anh có thể làm trò cười cho thiên hạ khi anh không hiểu ý Ngài. Lý do tại sao Chúa phải dùng những cử động có lẽ cho lợi ích của bệnh nhân, để anh biết nguyên nhân của bệnh.

3.2/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu và phản ứng của dân chúng:

(1) Tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm họ không được rao truyền? Trong Tin Mừng Marcô, chúng ta thường thấy Chúa Giêsu ngăn cấm dân chúng không cho loan truyền những phép lạ Ngài làm, vì lý do “bí mật của Đấng Thiên Sai.” Người Do-thái, cũng như đa số con người, dễ chấp nhận một Đấng Thiên Sai uy quyền, làm các phép lạ vĩ đại để cứu thóat con người, và giải phóng quốc gia họ khỏi quyền lực ngọai bang. Họ không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai hiền lành, chịu đánh đòn và đóng đinh trên Thập Giá, và giải thóat con người bằng yêu thương và chịu đau khổ. Chúa Giêsu làm phép lạ vì thương dân, không muốn dân chịu đau khổ vì bệnh tật; đồng thời Ngài cũng muốn cho dân tin vào Ngài qua uy quyền làm phép lạ. Điều Ngài không muốn là dân chúng chỉ quen với hình ảnh một Đấng Thiên Sai uy quyền, không để ý đến những điều Ngài giảng dạy, và mất niềm tin khi thấy Ngài chịu treo trên Thập Giá.

(2) Phản ứng của dân chúng: “Nhưng Người càng truyền bảo, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”” Dân chúng nghĩ việc loan truyền những điều Chúa làm là phải, để mọi người có cơ hội biết đến và tin vào Ngài. Chúa Giêsu lại không muốn những niềm tin đặt căn bản trên phép lạ, vì nó sẽ phai lạt nhanh chóng khi không còn phép lạ nữa. Ngài cần những niềm tin đặt trên hiểu biết và yêu thương, mới có thể giúp con người vượt qua những sóng gió đau khổ của cuộc đời. Chỉ cần quan sát cảnh tượng xảy ra tượng xảy ra dưới chân cây Thập Giá, một người có thể cảm thấy sự mong manh của những niềm tin đặt căn bản trên phép lạ; cũng như những niềm tin đặt trên cơm bánh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa dựng nên mọi sự tốt lành, và những gì Ngài truyền cho con người phải giữ là cho sự tốt lành của con người. Chúng ta cần tuân giữ để có được và bảo vệ những tốt lành đó.

– Mọi sự xấu xa và tội lỗi là do ma quỉ và con người gây nên, vì con người đã không biết xử dụng tự do Thiên Chúa ban để tuân giữ những gì Thiên Chúa truyền dạy.

– Chúng ta không thắng được ma quỉ bằng sức riêng của mình; chúng ta cần được hướng dẫn bởi Lời Chúa để nhận ra tình yêu và đường lối của Thiên Chúa cho con người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************