Ngày thứ sáu (14-10-2022) – Trang suy niệm

13/10/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:    Ep 1, 11-14

“Chúng tôi trước kia đã trông cậy vào Đức Kitô, và anh em được ghi dấu Thánh Thần”.

Trích thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, trong Đức Kitô, chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, và anh em (là con cái Israel) cũng được tiền định theo ý định của Ngài là Đấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trước kia đã trông cậy vào Đức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, được ca ngợi vinh quang Ngài. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv  32, 1-2. 4-5. 12-13

A+B=Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình! (c. 12b).

A=Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa.     .

B=Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực; địa cầu đầy ân sủng của Chúa.    

A=Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Từ trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết thảy con cái người ta.    

A+B=Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình! (c. 12b).

ALLELUIA:  Dt 4, 12

-Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và ý muốn của tâm hồn. – Alleluia.

PHÚC ÂM:   Lc 12, 1-7

“Mọi sợi tóc trên đều các con cũng đã được đếm cả rồi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: “Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.

“Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Đấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Đấng ấy.

“Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

14/10/2022 – THỨ SÁU TUẦN 28 TN

Th. Ca-lít-tô I, giáo hoàng, tử đạo

Lc 12,1-7

THÀNH TÍCH THẬT

“Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.” (Lc 12,1-2)

Suy niệm: Thành tích là điều tốt đẹp khi nó đánh giá đúng với khả năng thực sự. Nhưng nó biến thành ‘căn bệnh’ – quen gọi là bệnh thành tích – khi nó chỉ là một hình nộm trong ruột rỗng tuếch được phủ lên một lớp vỏ thành tích mà người ta kiếm được bằng những phương thế gian dối. Căn bệnh thành tích này đã có từ lâu nhưng nay đã lan tràn vào hết mọi lĩnh vực: nào là mua điểm, mua bằng, chạy trường, nào là gian lận, báo cáo thống kê bằng những ‘con số đẹp’… Kiểu đạo đức giả của luật sĩ và biệt phái cũng là một thứ bệnh thành tích mà Chúa Giê-su lên án một cách nặng nề. Trước mắt Thiên Chúa, “không có gì che giấu mà không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.” Sống người thật, việc thật trước mặt Chúa cũng như anh em mới là giá trị thật.

Mời Bạn: Trong xã hội mà bệnh thành tích lan tràn, sống trung thực theo Phúc Âm là một lời chứng mạnh mẽ và đầy thuyết phục. Bạn hãy tin tưởng và can đảm lên vì chúng ta “còn quí giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10,31).

Chia sẻ: Thử xét xem những báo cáo của chúng ta có bị nhiễm căn bệnh thành tích này chưa? Con cái của chúng ta có thói quen gian dối không?

Sống Lời Chúa: Tôi dành thời gian để tĩnh tâm, cầu nguyện và kiểm điểm đời sống để tôi đặt mình trước nhan Chúa và nhận ra con người thật của mình.

Cầu nguyện: Xin Chúa cho chúng con hiểu và sống tinh thần đạo đức của Chúa để chúng con được biến đổi sâu xa từ bên trong lan tỏa tinh thần của Chúa ra chung quanh.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trước một đám đông kinh khủng chen lấn để đến gần Ngài,
Thầy Giêsu vẫn muốn ngỏ lời trước hết với các môn đệ dấu yêu.
Lần duy nhất trong Tin Mừng Nhất lãm, Thầy gọi họ là bạn hữu (c. 4).
Thầy dặn dò họ cảnh giác kẻo lây nhiễm men của người Pharisêu,
đó là thái độ đạo đức giả (c. 1).

Thái độ này luôn bao hàm một che giấu nào đó về sự thật,
khiến người nhìn bên ngoài dễ bị đánh lừa bởi những mặt nạ đạo đức.
Việc che giấu khéo léo này có thể xuôi chèo mát mái một thời gian.
Nhưng đối với Thầy Giêsu, nó không thể kéo dài mãi.
Sớm muộn gì sự thật cũng sẽ lộ diện, như chiếc kim trong bọc thò ra.
“Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra,
không có gì bí mật mà sẽ không bị người ta biết” (c. 2).
Nếu con người mãi mãi không biết, thì Thiên Chúa vẫn biết.
Chúng ta có thể tránh được máy kiểm tra nói dối của người đời,
nhưng không tránh được cái nhìn xuyên thấu tâm can của Thiên Chúa.
“Tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày;
điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà” (c. 3).
Như thế điều tưởng như không thể lọt ra ngoài, điều kín như bưng,
vẫn có thể bị đưa ra ánh sáng,
mặt nạ bị rơi xuống, và bản chất thật của con người được vén mở.
Đây là một lời đe dọa, hay đúng hơn, một lời khuyên hãy sống thực lòng.

Thầy Giêsu còn khuyên các môn đệ đừng sợ.
Chuyện bị bách hại và sát hại là chuyện có thể xảy ra.
Chuyện ấy sẽ xảy ra với Thầy và với các môn đệ nữa.
Điều quan trọng là đừng sợ kẻ sát nhân lấy đi mạng sống thân xác (c. 4).
Dù mạng sống thân xác thật đáng quý, đáng trọng,
nhưng con người không phải chỉ có thân xác hay chỉ là thân xác.
Thầy dạy cho các môn đệ biết phải sợ ai (c. 5).
Phải sợ chính Thiên Chúa, Đấng có quyền ném anh em vào hỏa ngục.
Các vị tử đạo đều tin, hiểu và sống các câu Tin Mừng này.
Họ đã chịu bao đớn đau nhục hình và cái chết thân xác,
nhưng họ đã tránh được hỏa ngục, và được đón vào lòng Thiên Chúa.

Kitô hữu phải đối diện với những thách đố cam go.
Lúc chịu bách hại lại tưởng mình bị Thiên Chúa bỏ rơi, ruồng rẫy.
Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền cho người nghèo,
tiền lương một ngày mua được những 40 con chim sẻ.
Nếu Thiên Chúa không quên một con sẻ nào,
thì Ngài lại càng không thể quên được những người bạn của Con Ngài.
Nếu từng sợi tóc của chúng ta đã được Thiên Chúa biết,
thì chuyện mạng sống của ta hẳn được Ngài quan tâm hơn nhiều.

Hãy để lòng mình bình an vì sống không gian dối, nên không sợ bị lộ.
Hãy để lòng mình bình an vì cái chết chẳng phải là dấu chấm hết.
Hãy hạnh phúc vì biết mình là môn đệ và là bạn hữu của Thầy Giêsu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được ơn khôn ngoan
để con biết sợ điều phải sợ.
Cho con đừng sợ những đe dọa đến thân xác, tiếng tăm,
nhưng biết sợ mất đi vĩnh viễn toàn bộ con người mình.
Cho con đừng sợ những kẻ làm hại con ở đời này,
nhưng biết sợ phải xa Đấng yêu con và muốn con hạnh phúc mãi.

Xin giải phóng con khỏi những nỗi sợ đã ăn sâu vào cuộc sống,
những nỗi sợ ngấm ngầm mà chính con không dám thú nhận,
những nỗi sợ làm con chẳng bao giờ được tự do và an vui.
Nhờ đó con dám sống thật sự là mình,
tươi tắn và hồn nhiên, nhẹ nhàng và không lo lắng.

Xin dạy con ngắm những bông hoa dại vệ đường
để thấy chúng được điểm trang lộng lẫy,
và ngắm chính mình mỗi ngày,
để thấy vẻ đẹp nơi mình như một quà tặng của tình yêu.
Xin dạy con ngắm đàn chim sẻ ríu rít buổi sáng,
để biết mình chẳng nên quá lo về chuyện cơm áo gạo tiền,
nhưng nên phó thác như em thơ ngồi trong lòng mẹ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đặt đời mình trong tay Cha.
Xin cho con cũng đặt đời con trong tay Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

14 THÁNG MƯỜI

Loan Báo Tin Mừng, Một Nhu Cầu Cấp Bách Và Toàn Diện

Công Đồng Vatican II, trong Sắc Lệnh Truyền Giáo, đã tổng hợp một cách tuyệt vời cả lý do lẫn trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Sắc Lệnh này đề cập đến các hoạt động truyền giáo của Giáo Hội : “Lý do của sứ mạng truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên Chúa, Ngài ‘muốn tất cả mọi người được cứu độ và được biết sự thật. Và sự thật là: Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất. Cũng chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, Đấng đã trao hiến chính mình làm giá chuộc cho mọi người’ (1Tm 2,4-6), và ‘không có ơn cứu độ nơi bất cứ ai khác’ (Cv 4,12). Do đó, mọi người phải trở về với Ngài sau khi đã nhận biết Ngài nhờ lời rao giảng của Giáo Hội, và phải kết hiệp mật thiết với Ngài cũng như với Giáo Hội là thân thể của Ngài qua Phép Rửa…”

“Đành rằng Thiên Chúa – bằng những cách thế chỉ một mình Ngài biết – có thể dẫn dắt những người có lương tâm ngay thẳng nhưng không biết Tin Mừng đến với đức tin – ‘bởi người ta không thể làm hài lòng Thiên Chúa được nếu không có đức tin’ (Dt 11,6); tuy nhiên, bổn phận tất yếu của Giáo Hội phải là rao giảng Tin Mừng, nghĩa là hoạt động truyền giáo của Giáo Hội luôn luôn còn đầy đủ tính khẩn thiết của nó – hôm nay và mãi mãi” (TG, 7).

Loan báo Tin Mừng là công việc thường xuyên của Giáo Hội. Nó luôn khẩn thiết và không bao giờ có thể chước miễn. Ơn cứu độ của con người luôn là vấn đề nóng bỏng. Đó là lý do tại sao Đức Phao-lô VI, trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi, đã viết: “Người tông đồ phải hiến dâng tất cả thời giờ, tất cả sức lực, và nếu cần, hy sinh cả sự sống mình cho việc loan báo Tin Mừng” (EN, 5).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 14/10

Thánh Callistô, Giáo hoàng, tử đạo

Ep 1, 11-14; Lc 12, 1-7.

Lời Suy Niệm: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ dược nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.”

          Chúa Giêsu đang cảnh cáo tất cả mọi người đang khi còn sống trên thế gian này với nhau, đặc biệt đối với những người là con cái của Người và là môn đệ của Người luôn phải sống thành thật với chính mình, với anh em chung quanh của mình, chứ đừng sống giả hình, đừng mang những chiếc mặt nạ từng nơi chốn, đẹp vừa vặn với khuôn mặt và thân hình của minh; để che giấu con người thật của mình, mọi sự theo thời gian sẽ được phơi bày sự thật trước ánh sáng, trước mắt mọi người.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa là Đấng đầy lòng nhân ái và tha thứ, cây lau bị dập Chúa không đành bẻ đi, tim đèn leo lét Chúa không dập tắt, nhưng trước những hình thức giả hình của con người, Chúa lại lên án. Xin Cho chúng con luôn ý thức lời Chúa hôm nay để sống thành thật trước mặt Chúa và với những người đang sống chung quanh chúng con, để khỏi phải bị Chúa lên án.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 14-10

Thánh CALLISTÔ I

Giáo Hoàng Tử Đạo (+222)

Chúng ta biết được cuộc đời của thánh Callistô I chính là nhờ vào bản ký thuật của thánh Hyppolytô (Philosphoumena q. IX). Nhưng chẳng may đây lại là thuật ký của một kẻ thù nghiệt ngã với thánh nhân. Dầu vậy, thánh Hyppolytô không thể ngụy tạo các sự kiện hiển nhiên được và biết lượng định theo lương tri, chúng ta biết nhiều về thánh Callistô I hơn các đức giáo hoàng tiên khởi khác.

Người là nô lệ của một Kitô hữu tên là Carpôphôrô. Biết được khả năng về kinh tế và tài tổ chức của Ngài, ông đặt Ngài quản trị một ngân hàng. Công cuộc làm ăn thất bại, chúng ta có thể tin chắc rằng Callistô vô tội chứ không phải Ngài biển thủ ngân quỹ như Hippolytô qui trách. Để đòi lại những món nợ bởi người Do thái, Ngài bắt buôc phải vào một hội đường. Thế nhưng những người Do thái lại tố cáo Ngài là Kitô hữu. Quan tổng trấn Roma bắt Ngài, đánh đòn rồi gửi đi làm lao công ở các hầm mỏ miền Sardinia.

Khi bà Marcia, người thân của hoàng đế Commodô xin được ơn phóng thích cho các tội nhân, Callistô trở về. Đức giáo hàong Victor gửi Ngài tới Antium để dưỡng sức và cấp dưỡng cho Ngài. Điều này chứng tỏ rằng việc Ngài bị đức giáo hoàng Victor gạch tên khỏi sổ những người bị tù tội vì đức tin, mà Hippolytô viết ra là sai sự thật. Đến khi thánh Zephirinô lên kế vị Đức giáo hoàng Victor, Callistô được đặt làm tổng phó tế và có nhiệm vụ coi sóc các nghĩa trang. Ngài xây dựng một mộ địa mang tên Ngài. Đây là tài sản do một người bạn có quyền thừa kế tên là Cêcilia dâng tặng. Callistô đã tỏ ra là một nhà quản trị có khả năng, nên năm 217, Ngài được chọn làm giáo hoàng kế vị thánh Zephirinô.

Trên ngai giáo hoàng, đức Callistô I tỏ ra là người kiên quyết bảo vệ đức tin tôn giáo. Ngài đã kết án Sabelliô vì ông này chủ trương sai lạc về tín điều Chúa Ba ngôi. Đối với Hippolytô, Ngài cảnh cáo chủ trương sai lạc theo khuynh hướng nhị nguyên của ông về Chúa Giêsu. Tuy nhiên về phương diện kỷ luật, Ngài tỏ ra rất khôn ngoan và nhân từ. Dường như chính Ngài là đấng đã tổ chức các tước vị tại Roma, tại các nhà thờ thuộc giáo xứ…

Năm 222, thánh Callistô I từ trần bằng một cái chết dữ dằn. Theo truyền thuyết, Ngài bị đám đông giận dữ ném xuống giếng, tại Trstevere. Người ta cho rằng các lương dân căm thù vì bị Ngài trục xuất đã đưa tới cái chết này. Từ đầu tới cuối, Ngài là một con người cương nghị và độc tài. Ngài được chôn cất, không phải nơi hầm mộ mang tên Ngài, nhưng tại nghĩa địa ở đường Aurelia.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

14 Tháng Mười

Lời Trăn Trối Của Người Mẹ

Thời cách mạng Pháp, người ta hay nhắc đến một khuôn mặt dữ tợn, chuyên săn lùng các linh mục: đó là đại úy Laly.

Ông đã gia nhập vào đảng Jacobins đi khắp nơi để reo rắc kinh hoàng cho dân chúng. Nhiều vị linh mục đã kín đáo đến khuyên nhủ để lôi kéo ông ra khỏi tội ác. Nhưng tất cả mọi cố gắng của người khác đều vô ích. Con người độc ác đó chỉ đáp lại bằng lãnh đạm và những lời lẽ thô tục.

Thế nhưng một hôm, khi mọi người tưởng như không còn một chút hy vọng, Laly đã lần mò đến một linh mục để xin xưng tội và hòa giải với Giáo Hội. Sau đó ông đã thú nhận: “Cả đời, ngày nào tôi cũng đọc một kinh Kính Mừng, theo lời trăn trối của mẹ tôi trước khi chết”.

Có những câu ca dao, có những bài hát, có những bài học làm người, chúng ta tiếp thu ngay khi còn ngồi trên gối mẹ. Trí óc non dại của chúng ta chưa đủ khả năng để lĩnh hội ý nghĩa sâu xa của những bài học đó. Nhưng dần dà với thời gian, khi bắt đầu chúng ta biết suy nghĩ, những bài học đó trồi lên một cách trong sáng trong kiến thức của chúng ta. Có lẽ người mẹ nào cũng hiểu được giá trị của câu: “Dạy con từ thuở còn thơ…”.

Mẹ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta, vừa là một mẫu gương vừa là một nhà giáo dục tuyệt hảo trong Ðức Tin. Lời kinh dâng Mẹ mà chúng ta bập bẹ khi vừa biết nói là bài ca dao đẹp nhất không ngừng ngân vang trong cuộc sống Kitô chúng ta. Có thể, đôi lúc chúng ta cũng ngâm nga một cách máy móc, nhưng Mẹ vẫn có đó và Mẹ vẫn đeo đuổi, ấp ủ chúng ta trong Tình Yêu bao la của Mẹ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần 28 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọcEph 1:11-14; Lk 12:1-7.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa

Trong cuộc sống, chúng ta rất hoang mang sợ hãi và không dám hành động nếu chúng ta không biết những gì sẽ xảy đến trong tương lai. Nhưng nếu biết trước những gì sẽ xảy ra, chúng ta sẽ không sợ hãi và tự tin hơn để tiến tới. Ví dụ: nền kinh tế của thế giới ngày nay. Trong cuộc đời của con người cũng vậy, nếu không biết đích điểm cuộc đời và những gì sẽ xảy ra sau khi chết, con người sẽ dễ dàng hoang mang và sợ đủ mọi thứ; nhưng nếu biết đích điểm cuộc đời và những gì xảy ra sau khi chết, con người sẽ không còn hoang mang sợ hãi và sẵn sàng chấp nhận những gì xảy đến trong cuộc đời ngay cả chấp nhận cái chết. Các Bài đọc hôm nay chỉ cho chúng ta thấy sự Quan Phòng và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, để giúp chúng ta luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa và biết cách hành động khi phải đương đầu với những thử thách của cuộc đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tin vào Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa

Đọan văn chúng ta đang nghiên cứu vẫn thuộc Bài Thánh Ca chúng ta đã phân tích hôm qua (Eph 1:1-14). Vài điểm cần lưu ý khi chúng ta đọc đọan văn này: khi dùng chủ từ “chúng tôi,” Thánh Phaolô có ý ám chỉ người Do-Thái; khi dùng chủ từ “anh em,” thánh nhân muốn ám chỉ các tín hữu Dân Ngọai. Điểm chính trong đọan văn hôm nay là thánh Phaolô muốn chỉ cho mọi người thấy: trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài không chọn tất cả mọi người một lúc, nhưng chọn người Do-Thái trước. Sau đó, Thiên Chúa mở rộng Kế Họach Cứu Độ đến tất cả mọi dân mọi nước.

1.1/ Thiên Chúa chọn người Do-Thái đầu tiên: Kinh nghiệm cho thấy hầu hết mọi kế họach, nếu muốn thành công, phải bắt đầu từ một số nhỏ, rồi mới lan rộng từ từ đến số lớn hơn. Lý do là vì huấn luyện số nhỏ dễ dàng hơn là huấn luyện đám đông; và số nhỏ này, sau khi được huấn luyện, sẽ trở thành những cán bộ nòng cốt giúp cho việc phát triển được dễ dàng hơn. Thiên Chúa cũng thế, Ngài đã chọn người Do-Thái làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người. Ngài đã huấn luyện và chuẩn bị cho họ là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô. Tất cả các Tông Đồ và môn đệ của Chúa Giêsu đều là người Do-Thái.

1.2/ Thiên Chúa mở rộng sự lựa chọn đến các Dân Ngọai: Sau khi Chúa Giêsu đã chọn và huấn luyện họ, Ngài sai họ đi đến với các người Do-Thái khác và với các Dân Ngọai. Bổn phận của các Tông Đồ và các môn đệ là làm cho muôn dân nhận biết Thiên Chúa và Kế Họach Cứu Độ của Ngài qua 2 việc:

(1) Qua việc rao giảng Tin Mừng: Đây là cách duy nhất giúp cho muôn dân nhận biết Chúa. Tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với con người đã được Đức Kitô mặc khải cho các môn đệ của Ngài. Giờ đây họ truyền lại cho Dân Ngọai tất cả những gì họ đã học được nơi Đức Kitô như lời Thánh Phaolô loan báo: “Trong Đức Ki-tô, cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em.”

(2) Qua việc đóng ấn Thánh Thần: Sau khi đã nghe và học biết về Thiên Chúa và về Kế Họach Cứu Độ của Ngài, Dân Ngọai có tự do chọn lựa để tin hay không tin. Nếu họ tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô, họ được đóng ấn Thánh Thần qua Phép Rửa Tội và chính thức trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa. Ấn tín Thánh Thần chứng minh 2 điều: Chúa muốn con người tin nơi Ngài và con người có thể làm được với sự trợ giúp của Thánh Thần (Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa mà không do Thánh Thần thúc đẩy).

Một khi đã tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô và được đóng Ấn Tín Thánh Thần, con người được bảo đảm để hưởng mọi đặc ân và gia nghiệp của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Thánh Thần như bảo chứng (arrabon) phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc.” Bảo chứng này giống như món tiền cọc đặt khi đi mua nhà; một khi đã đặt tiền cọc, căn nhà đó thuộc quyền sở hữu của người mua dù chưa trả hết tiền.

2/ Phúc Âm: Tin vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa

2.1/ Tránh cuộc sống gỉa hình như các Kinh-sư: Mặc dù các Kinh-sư là những người hiểu biết và tuyên xưng đức tin của họ nơi Thiên Chúa, nhưng cuộc sống giả hình của họ đã không chứng minh sự hiểu biết và niềm tin của họ vào Ngài. Nếu họ hiểu biết Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự thì làm sao họ có thể giấu Ngài lối sống gỉa hình của họ. Vì thế, Chúa Giêsu dặn các môn đệ phải đề phòng: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.”

2.2/ Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác: Khuynh hướng của con người là ham sống và sợ chết; nhưng nếu con người hiểu những gì sẽ xảy ra sau khi chết, con người sẽ dễ dàng chấp nhận cái chết hơn. Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết những điều này: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy.” Vì thế, nếu phải chấp nhận cái chết để làm chứng cho Chúa, thì con người cũng phải làm vì biết họ sẽ nhận lại cuộc sống trong Vương Quốc đời sau.

2.3/ Tin vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa: Ngòai cái chết, con người còn lo sợ về những nhu cầu sinh sống hay bệnh tật. Chúa Giêsu dạy các môn đệ cũng phải vứt đi những lo sợ này và tin tưởng hòan tòan nơi tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài bảo các ông: “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Không hiểu biết, thiếu hiểu biết, hay hiểu biết sai là những nguyên nhân làm cho đức tin con người lung lạc và hay lo sợ viển vông. Chúng ta cần học hỏi để hiểu biết sự Quan Phòng và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.

– Có những điều xảy ra trong cuộc đời trong sự Quan Phòng của Thiên Chúa, nhưng ngòai sự kiểm sóat của con người: bệnh tật, già yếu, sự chết… Con người có lo sợ cũng chẳng thóat khỏi, chi bằng phó thác hòan tòan vào tình yêu Thiên Chúa và Kế Họach Cứu Độ của Ngài. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************