Ngày thứ sáu (16-07-2021) – Trang suy niệm

15/07/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần XV Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Xh 11, 10 – 12, 14

“Các ngươi hãy giết con chiên con vào chiều tối. Hễ nhìn thấy máu, Ta sẽ vượt qua các ngươi”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê và Aaron đã làm các phép lạ trước mặt Pharaon như đã chép. Nhưng Chúa để cho Pharaon vẫn cứng lòng, không cho phép con cái Israel ra khỏi nước mình.

Tại Ai-cập, Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: “Tháng này đối với các ngươi là tháng đầu, tức là tháng đầu năm. Các ngươi hãy loan truyền cho toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: “Đến mồng mười tháng này, mỗi gia đình phải lo cho có một con chiên con. Nếu nhà ít người, liệu ăn không hết một con chiên con, thì hãy hợp chung với những người lân cận, tuỳ theo số người. Con chiên con phải không tì tích, là chiên đực và được một tuổi. Các ngươi cũng có thể dùng một con dê đực theo quy luật đó. Các ngươi nuôi nó cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó vào chiều tối. Tại mỗi nhà ăn thịt chiên, người ta sẽ lấy máu chiên bôi lên hai khung cửa và trên thành cửa. Đêm đó, người ta sẽ ăn thịt chiên nướng với bánh không men và rau diếp đắng. Các ngươi không được ăn thịt sống hay luộc, mà chỉ được ăn thịt nướng. Phải ăn tất cả đầu, chân và lòng. Đừng để thừa đến sáng hôm sau. Nếu ăn còn dư, thì hãy thiêu huỷ đi.

“Các ngươi sẽ ăn như thế này: Hãy thắt lưng, chân mang giày, tay cầm gậy và ăn hối hả, vì đây là lễ Vượt Qua của Chúa. Đêm đó, Ta sẽ rảo qua khắp nước Ai-cập. Ta sẽ giết chết tất cả con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến loài vật. Ta là Chúa. Ta sẽ ra án phạt tất cả các bụt thần Ai-cập. Máu bôi lên thành cửa nhà các ngươi sẽ dùng làm dấu hiệu: Hễ nhìn thấy máu, Ta sẽ vượt qua các ngươi, các ngươi sẽ không bị huỷ diệt khi Ta trừng phạt nước Ai-cập.

“Các ngươi hãy ghi ngày đó làm ngày kỷ niệm, và cử hành ngày đó như ngày đại lễ của Chúa, qua các thế hệ cho đến muôn đời”. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18

Đáp:  Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa (c. 13).

Xướng:

1) Con lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con? Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.

2) Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. – Đáp.

3) Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa trước mặt toàn thể dân Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 12, 1-8

“Con Người cũng là chủ ngày sabbat”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn. Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: “Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat”. Người nói với các ông rằng: “Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao? Tôi bảo cho các ông biết, đây có Đấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là, ‘Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ’, chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat”. Đó là lời Chúa

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

16/07/2021 – THỨ SÁU TUẦN 15 TN

Đức Mẹ núi Cát Minh

Mt 12,1-8

CÓ LÒNG NHÂN

“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế,’ ắt các ông đã chẳng lên án người vô tội.” (Mt 12,7)

Suy niệm: Chà xát mấy hạt lúa cỏn con trong tay thì bị người biệt phái kết án là phạm luật vì làm trong ngày Sa-bát. Còn Chúa Giê-su thì trưng dẫn việc các tư tế lấy bánh đã trưng hiến chỉ dành cho tư tế để đem cho những người phàm phu tục tử ăn. Điểm khác biệt trong hai cách ứng xử này chính là lòng nhân. Và đây mới thực sự là điều làm đẹp lòng Chúa. Người có lòng nhân không viện cớ giữ luật cách “vẹn toàn, vô phương trách cứ” mà làm ngơ trước sự khốn cùng, đau khổ của anh chị em. Người có lòng nhân không phán đoán hay lên án một cách cứng cỏi, nhẫn tâm, nhưng cư xử độ lượng khoan dung, và nhờ đó mở đường cho những người lầm lạc có thể hối cải, quay trở về đường ngay nẻo chính.

Mời Bạn: Chúa Giê-su không chỉ nói; Ngài còn để lại những tấm gương tuyệt vời của lòng nhân. Mời bạn hãy cùng chiêm ngắm, suy niệm và bắt chước: Ngài tha tội cho người tội lỗi, chị phụ nữ ngoại tình. Trong đêm chịu thống khổ, ánh mắt nhân từ của Chúa dừng lại trên Phê-rô và hoán cải ông.

Chia sẻ: trong nhóm về một cử chỉ, thái độ, một lời nói hay việc làm tốt để tỏ lòng nhân ái đối với người chung quanh.

Sống Lời Chúa: Nói lời ôn hoà hay nở một nụ cười thân ái với ai xúc phạm đến bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Đấng rất nhân từ, xin ban ơn Thánh Thần đến trong con, hoán cải tâm hồn vốn ích kỷ hẹp hòi của con, giúp con đủ sáng suốt để sống và cư xử tốt với nhau, như Chúa hằng đối xử như vậy với chúng con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Đức Khổng Tử đòi người quân tử phải có năm đức tính gọi là ngũ thường.
Đứng đầu của ngũ thường là lòng nhân.
Ngài viết : “Người quân tử mà bỏ đức nhân thì làm sao được gọi là quân tử?
Người quân tử dù trong một bữa ăn cũng không làm trái điều nhân,
dù trong lúc vội vàng cũng theo điều nhân” (Luận Ngữ, IV, 5).
Trong giáo huấn của Đức Giêsu, lòng nhân có một chỗ đứng đặc biệt.
Hai lần câu này của ngôn sứ Hôsê được trích dẫn trong Mátthêu :
“Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13; 12, 7).
Xem ra câu này không dễ hiểu, nên Ngài khuyên ta học cho biết ý nghĩa.

Giữ ngày sabát là điều rất quan trọng trong Do-thái giáo.
Theo Luật Chúa, đó là ngày nghỉ ngơi, ngừng mọi công việc.
Đối với người Pharisêu, bứt lúa được xem như gặt lúa, nên là việc bị cấm làm.
Hành vi bứt lúa của các môn đệ bị coi là vi phạm ngày sa-bát.
Thay vì trách họ theo lời người Pharisêu, Thầy Giêsu lại bênh vực họ.
Ngài trưng dẫn trường hợp Đavít và các thuộc hạ khi đói bụng
đã ăn bánh thánh hiến vốn dành riêng cho các tư tế (Lv 24,5-9; 1 Sm 21,1-6).
Hiển nhiên đây là chuyện vi phạm Lề Luật vì có nhu cầu chính đáng.
Nếu chấp nhận chuyện Đavít thì càng phải chấp nhận chuyện của các môn đệ,
vì họ đi theo một Đấng mà Đavít phải gọi là Chúa (Mt 22, 43).
Luật giữ ngày sabát thật ra không phải là một đòi buộc luân lý tuyệt đối.
Các tư tế phải làm việc phụng sự Chúa, chuẩn bị các lễ vật vào ngày sabát.
Nếu họ được phép vi phạm ngày sabát mà không mắc tội (c. 5),
thì huống hồ là Thầy Giêsu và các môn đệ của Ngài,
những người làm việc cho Nước Trời, nhưng lại phải chịu đói nên mới bứt lúa.

Đức Giêsu không có thái độ bất kính với ngày sabát.
Nhưng Ngài là chủ ngày sabát, Ngài có quyền xác định điều gì được phép làm.
Ngài thấy gánh nặng đè lên con người bởi những cấm đoán chi li,
khiến con người ngột ngạt, mệt mỏi.
Giữ Luật phải đem lại cho con người hạnh phúc,
phải đi với lòng nhân.
Giữ Luật mà cứng nhắc, thiếu lòng nhân, lòng bao dung,
thì đó là thứ hy lễ Chúa không cần (Hs 6, 6).
Thật ra không có sự đối nghịch giữa luật lệ với lòng nhân.
Giữ luật là cách biểu lộ lòng nhân, vì luật trên hết là luật yêu thương.
Người giữ luật thực sự là người có khuôn mặt vui tươi và trái tim rộng mở.

Khi yêu thì người ta trở nên chi li.
Không phải chi li để xét đoán người khác.
Nhưng chi li vì thấy những nhu cầu nhỏ bé của tha nhân.
Chỉ xin giữ mọi luật lệ nhỏ bé thật chi li, chỉ vì yêu bằng tình yêu quá lớn.

Lời nguyện

Lạy Chúa GiêSu, vì con bé nhỏ
nên xin yêu Ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.

Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày
những công việc âm thầm
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ
nhưng làm tim con đau đớn.

Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.

Hơn nữa , xin cho con can đảm
dám chọn những gì giúp con nên nhỏ bé hơn
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.

Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.

Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ BeLem đến Núi Sọ
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG BẢY

Thiên Chúa Trên Đường Đời Ta

Sự quan phòng của Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong cuộc đời của con người và trong lịch sử thế giới. Thiên Chúa có mặt đó: trong suy nghĩ của con người, trong tự do của con người, trong trái tim và trong lương tâm con người.

Nơi con người và cùng với con người, sự hiện diện đầy năng lực cứu độ của Thiên Chúa đạt được một chiều kích lịch sử. Sự quan phòng của Thiên Chúa đồng hành với cuộc sống con người và đi vào trong nhân tính. Tuy nhiên, sự quan phòng ấy cũng luôn luôn bất khả dò và bất biến.

Vâng, sự quan phòng của Thiên Chúa là một sự hiện diện vĩnh cửu trong lịch sử của con người – cả của các cá nhân lẫn của các cộng đồng. Lịch sử của các quốc gia và của toàn nhân loại diễn tiến dưới ánh nhìn đầy quan tâm của Thiên Chúa và trong hành động toàn năng của Ngài. Mọi tạo vật đều được bảo vệ và được cai quản bởi sự quan phòng đầy lòng từ phụ của Thiên Chúa. Ngài cũng hoàn toàn tôn trọng sự tự do của con người trong tư cách là những hữu thể có lý trí và tự do – được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 16/7

Đức Mẹ Camêlô

Xh 11, 10-12. 14; Mt 12, 1-8.

LỜI SUY NIỆM:  “Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày Sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật Sa-bát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa.”

          Chúa Giêsu đang cho mỗi người Kitô hữu biết: Chính Người còn lớn hơn Đền Thờ; nên những ai đang được sống cùng Người trong nhiệm thể của Người là người đã chu toàn lề luật, lề luật chỉ để giúp cho con người sống đúng thánh ý của Thiên Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã nhắc nhở với những người Pha-ri-sêu: Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.” Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết kết hiệp cùng Chúa và ghi sâu vào tâm trí của mình câu nói này của Chúa hầu giúp chúng con cùng nhau vui sống trong bình an.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 16-07: ĐỨC TRINH NỮ MARIA NÚI CAMÊLÔ

Camêlô được coi như ngọn núi thánh. Hơn 700 năm trước khi Chúa Giêsu ra đời, Elia đã lên núi này để bảo vệ niềm tin của mình trong cơn bách hại, cũng như đã đào tạo những tâm hồn trung thành với Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu ra đời, nhiệt tình của Elia như vẫn còn cháy trong lòng các người khắc kỷ (Esseniô). Người ta nói rằng ngày lễ hiện xuống, những người này nhờ lời rao giảng và phép rửa của thánh Gioan Tẩy giả đã hợp lực với các tông đồ để truyền bá Tin Mừng.

Camêlô khi ấy vẫn còn là nơi tụ họp những tâm hồn muốn hiến thân cho Thiên Chúa. Camêlô lại chỉ cách Nazareth chừng một ngày đường, nên những người họp thành cộng đoàn ở núi này hướng về Mẹ Maria như mẫu gương sống và như nguồn ơn phù trợ. Thời thập tự quân, Camêlô là nơi đón tiếp nhiều vị ẩn tu. Tuy nhiên vào thế kỷ thứ XII, Đức Thượng phụ Giáo chủ Albertô thành Giêrusalem đã qui tụ tất cả thành một nhà dòng, ban hành cho họ một qui luật được Đức giáo hoàng chuẩn y năm 1226. Cũng năm ấy, Đức Giáo hoàng cho phép mừng trọng thể trong dòng lễ Đức Bà Camêlô.

Khi lên làm bề trên nhà dòng, thánh Simon Stock đã tha thiết xin Đức Mẹ một dấu chỉ tỏ lòng săn sóc ưu ái của Mẹ đối với nhà dòng. Sau nhiều lời cầu nguyện lâu dài, ngày 16 tháng 7 năm 1251, Đức Mẹ đã hiện ra trao cho thánh nhân bộ áo dòng mà nói:

– “Hãy nhận lấy bộ áo dòng này Mẹ ban cho dòng và cho tu sĩ như dấu chỉ của lòng ưu ái và sự săn sóc Mẹ dành cho các con. Đây là dấu hiệu cứu rỗi. Giải thoát mọi hiểm nguy. Ai chết mà mang biểu hiện bình an này, sẽ khỏi bị lửa thiêu đời dời và Mẹ sẽ cứu họ khỏi lửa luyện tội vào ngày thứ bảy sau khi họ qua đời”.

Trước khi cử chỉ ưu ái này, không biết bao nhiêu người mọi thời đã xin lãnh “áo Đức bà” để được sống dưới sự chở che của Đức Mẹ. Người ta hướng về Đức Mẹ núi Camêlô như hướng về nguồn ơn phúc để tạ ơn. Vì thế lễ mừng Đức Trinh Nữ Maria núi Camêlô ngày càng lan rộng tới các nước có vua công giáo ngày 21 tháng 11 năm 1674 và năm sau tới các nước vương quốc Áo, Bồ Đào Nha mừng từ năm 1679, các nước thuộc quyền Đức giáo hoàng mừng năm 1725.

Đức giáo hoàng Bênêdictô XIII phổ biến lễ này trong toàn Giáo hội do sắc lệnh ban hành ngày 24 tháng 9 năm 1726. Ngày 15 tháng 5 năm 1892, Đức giáo hoàng Lêo XIII đã ban đặc ân “Portiuncula” (ơn đại xá cho ai viếng nhà thờ) trong lễ này.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

16 Tháng Bảy

Không Gì Ðẹp Bằng…!

Trả lời cho một thanh niên mong mỏi được biết rõ về mình, một cụ già nọ đã kể một câu chuyện như sau:

Ngày nọ, từ một đỉnh núi cao, người ta thấy ở một chân trời xa tắp có hai bóng đen ôm lấy nhau. Một em bé thơ ngây buộc miệng nói: “Hai bóng đen đó là ba với má đang ôm nhau”. Một chàng thanh niên đang mơ mộng phát biểu: “Ðó là hai tình nhân đang quấn quýt nhau”. Người có tâm hồn cô đơn thì nhận xét: “Hẳn phải là hai người bạn gặp lại nhau sau hằng vạn thế kỷ xa nhau”. Kẻ có lòng tham lam chỉ nghĩ đến tiền bạc thì lại quả quyết: “Ðây hẳn phải là hai thương gia vừa ký với nhau một giao kèo làm ăn”. Một người đàn bà có quả tim trìu mến thì thào thốt lên: “Ðây là một người cha trở về từ chiến trận đang ôm lấy đứa con gái của mình”. Một tên sát nhân đứng gần đó góp ý: “Ðây phải là hai người đàn ông đấm đá vật lộn nhau trong một cuộc giao chiến một mất một còn”. Một người đàn ông không màng đến những gì đang xảy ra xung quanh mình lên giọng gắt gỏng: “Ai mà biết được họ ôm nhau hay cắn xé nhau”.. Nhưng cuối cùng, một vị thánh có quả tim chứa đầy Thiên Chúa mới mỉm cười giảng hòa: “Không có gì đẹp bằng hai người ôm nhau”.

Kể xong câu chuyện trên đây, cụ già kết luận: “Mỗi một tư tưởng của bạn để lộ bạn là ai. Bạn nên tự vấn lương tâm xem thử bạn thường tưởng nghĩ đến những gì. Hơn bất cứ một bậc thầy nào, những tư tưởng của bạn có thể nói cho bạn biết bạn là ai”.

“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, chúng ta thường trích dẫn câu thơ này của cụ Nguyễn Du để nói lên hình ảnh của tư tưởng, của tâm cảnh đối với ngoại giới. Khi chúng ta vui, cảnh cũng vui lây, người cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh cũng buồn, mà người cũng buồn lây. Khi chúng ta vui, chúng ta muốn cho mọi người cùng vui với chúng ta. Khi chúng ta buồn, chúng ta cũng cảm thấy khó chịu khi người khác vui.

Hãy chất đầy tâm hồn bằng những tư tưởng vui tươi, lạc quan: đó là một trong những bí quyết để được hạnh phúc trên đời này. Riêng đối với người Kitô hữu chúng ta, bí quyết sống hạnh phúc của chúng ta chính là: trở thành Ðền thờ sống động của Chúa. Có Chúa ngự trị trong tâm hồn, chúng ta sẽ nhìn đời, nhìn người bằng chính cái nhìn của Ngài.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần 15 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Exo 11:10-12:14; Mt 12:1-8.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lề Luật làm ra là để bảo vệ sự sống.

Con người rất dễ bị lạc đường, lý do có thể vì không biết hay vì ngoan cố trong sự cứng lòng của mình. Ví dụ: Lề Luật làm ra là để bảo vệ sự sống; con người không bao giờ được phép nhân danh Lề Luật để tiêu diệt sự sống. Thực tế chứng minh ngược lại, rất nhiều lần con người lạm dụng Lề Luật để đàn áp, để đối xử bất công, và ngay cả để tiêu diệt sự sống.

Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những trường hợp con người đi lạc đường vì không biết hay vì ngoan cố trong sự cứng lòng của mình. Trong Bài Đọc I, mục đích của Lễ Vượt Qua là để tưởng niệm biến cố Thiên Chúa giải thoát dân ra khỏi cảnh làm nô lệ cho người Ai-cập để dẫn đưa dân vào Đất Hứa; chứ không phải là để giữ những luật lệ chi tiết liên quan đến việc cử hành Lễ Vượt Qua. Trong Phúc Âm, các người Pharisees tố cáo các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm luật ngày Sabbath khi các ông bứt các bông lúa miến để ăn cho đỡ đói. Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ bằng cách dẫn chứng những ví dụ cụ thể các người làm việc trong ngày Sabbath mà vẫn không vi phạm Lề Luật.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lễ Vượt Qua của người Do-thái

1.1/ Ý nghĩa của Lễ Vượt Qua: Thiên Chúa là Đấng quan tâm đến những đau khổ của dân chúng. Ngài đã nghe tiếng kêu than của dân Israel khi họ phải sống kiếp nô lệ bên Ai-cập. Ngài đã gọi ông Moses để cứu dân của Ngài thoát khỏi bàn tay khát máu của vua Ai-cập. Ngài muốn ông Moses và các kỳ-mục vào xin phép vua Ai-cập phóng thích cho dân ra đi để thờ phượng Thiên Chúa. Vì nhà vua không chịu phóng thích dân, mà càng ngày càng ra tay đàn áp dân Israel nặng nề hơn, nên Thiên Chúa phải tỏ uy quyền của Ngài. Trình thuật hôm nay là thiên tai cuối cùng xảy đến cho người Ai-cập trước biến cố Vượt Qua Biển Đỏ của dân Israel. Những sự kiện và ý nghĩa quan trọng của biến cố Vượt Qua:

+ Máu của Chiên Vượt Qua: cần thiết để phân biệt con đầu lòng của Israel khỏi con đầu lòng của người Ai-cập. Khi thấy máu chiên trên cửa, thiên thần sẽ đi qua mà không vào tiêu diệt.

+ Bánh không men và rau đắng: để kỷ niệm những đắng cay khổ cực của kiếp làm nô lệ cho người Ai-cập.

+ Phải sẵn sàng và ăn nhanh chóng để thoát khỏi nơi người ta muốn tiêu diệt sự sống: “Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa.”

1.2/ Máu của người Ai-cập đổ ra để cứu dân tộc Israel: Có nhiều người trách Thiên Chúa bất công: Tại sao Ngài lại đổ máu của người Ai-cập để cứu sống dân tộc Israel? Trong sự quan phòng khôn ngoan, Thiên Chúa luôn tìm cách để bảo vệ sự sống trước khi tiêu diệt. Trình thuật Xuất Hành nói rõ lý do vua Ai-cập muốn tiêu diệt người Do-thái, vì sợ họ sẽ nổi lên chống lại mình khi có chiến tranh. Nếu nhà vua thực sự sợ điều ấy thì khi Moses và các kỳ mục Do-thái vâng lệnh Thiên Chúa, vào cung điện để xin phép nhà vua phóng thích cho dân vào sa mạc gặp Thiên Chúa, vua hãy phóng thích cho dân Do-thái đi. Khi vua Pharao không chịu phóng thích, Thiên Chúa mới tỏ uy quyền của Ngài. Thiên Chúa không chỉ giáng xuống một thiên tai, mà tới 7 lần, mà nhà vua vẫn không chịu đổi ý. Thiên tai xảy ra trong trình thuật hôm nay là thiên tai cuối cùng.

Điều này dẫn chứng Thiên Chúa cho con người rất nhiều cơ hội để ăn năn trở lại trước khi Ngài tiêu diệt họ. Tất cả mọi dân tộc đều là con cái của Thiên Chúa, Ngài chẳng vui gì khi tiêu diệt họ. Ngài không thể để cho những kẻ khát máu tiêu diệt sự sống của các dân tộc khác.

2/ Phúc Âm: Lề Luật làm ra là để bảo vệ mạng sống con người.

2.1/ Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các kinh-sư về Luật ngày Sabbath: “Hôm ấy, vào ngày Sabbath, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn.”

(1) Phản ứng của các kinh-sư: Họ nói với Đức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày Sabbath!” Các kinh-sư quan niệm: Phải tuyệt đối tôn trọng Lề Luật cho dù có phải hy sinh mạng sống! Đây chỉ là điều lý tưởng khi mạng sống phải hy sinh là của người khác, chứ không phải là của họ hay những gì liên quan tới họ. Chúa Giêsu đã từng vạch trần lối sống hai tiêu chuẩn của họ: “Ai trong các ông có con chiên bị té xuống giếng trong ngày Sabbath, lại chẳng kéo nó lên sao?” Bảo vệ mạng sống con người còn quan trọng hơn nữa!

(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông David đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Chúa Giêsu quan niệm: Lề Luật làm ra để bảo vệ con người, luật ngày Sabbath tốt đẹp vì nó giúp con người có thời gian nghỉ ngơi và lắng cho phần linh hồn của mình. Tuy nhiên, khi đói, con người phải ăn, ngay cả những thứ không được phép ăn để bảo vệ sự sống, cho dù phải vi phạm Lề Luật.

2.2/ Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế: Chúa Giêsu tiếp tục tranh luận: “Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày Sabbath, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật Sabbath mà không mắc tội đó sao?”

Trước tiên, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh luật ngày Sabbath không áp dụng cho tất cả mọi người; ví dụ, hàng tư tế; vì sự tốt lành cho dân chúng, hàng tư tế phải làm việc trong ngày Sabbath để chu toàn nghĩa vụ tư tế của mình.

Thứ đến, luật ngày Sabbath không áp dụng cho chính bản thân của Chúa Giêsu; đó là lý do Chúa nói với họ: “Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa.”

Sau cùng, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh lòng thương xót còn quan trọng hơn lễ tế và Lề Luật: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.” Các kinh-sư và luật-sĩ không chỉ tranh luận với Chúa Giêsu trong việc các môn đệ làm việc xác hôm nay, họ còn rất khó chịu khi chứng kiến Chúa chữa bệnh trong ngày Sabbath. Như đã nói ở trên, nếu con vật còn được cứu thoát trong ngày Sabbath, con người còn cần được cứu hơn nữa. Vì thế, mặc cho họ chống đối, Chúa vẫn chữa lành bệnh nhân trong ngày Sabbath, như Ngài nói với họ: ”Con Người làm chủ ngày Sabbath.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chỉ có Thiên Chúa có quyền trên sự sống. Ngài trao cho con người sự sống để bảo vệ.

– Trong sự quan phòng khôn ngoan, Thiên Chúa dạy dỗ và ngăm đe nhiều lần trước khi tiêu diệt. Chúng ta hãy tỉnh thức và nhận ra những dấu hiệu này của Thiên Chúa.

– Lề Luật làm ra để bảo vệ sự sống. Chúng ta không bao giờ được phép nhân danh Lề Luật để tiêu diệt sự sống. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************