Ngày thứ sáu (20-11-2020) – Trang suy niệm

19/11/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:    Kh 10, 8-11

“Tôi cầm lấy cuốn sách mà nuốt”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã nghe có tiếng từ trời phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trên tay thiên thần đứng trên biển và trên đất”. Tôi liền đến xin thiên thần trao cho tôi cuốn sách ấy và người nói với tôi: “Ngươi hãy cầm lấy sách mà nuốt đi; nó sẽ làm cho ruột gan ngươi đầy cay đắng, nhưng miệng ngươi lại cảm thấy ngọt ngào như mật”. Tôi cầm lấy cuốn sách từ tay thiên thần mà nuốt; miệng tôi cảm thấy ngọt ngào như mật, nhưng khi tôi đã nuốt rồi thì nó làm cho ruột gan tôi đầy cay đắng. Bấy giờ tiếng lại phán cùng tôi rằng: “Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều nước, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua chúa nữa”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 118, 14. 24. 72. 103. 111. 131

A+B: Những lời sấm của Chúa ngon ngọt thay cho cổ họng con (c. 103a).

  1. A) Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang. 
  2. B) Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con. 
  3. A) Đối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. – Đáp. 
  4. B) Những lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con. 
  5. A) Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời, vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ. 
  6. A) Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài.

A+B: Những lời sấm của Chúa ngon ngọt thay cho cổ họng con (c. 103a).

ALLELUIA: Tv 118, 34 – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 19, 45-48

“Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: “Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”. Và hằng ngày Người giảng dạy trong Đền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

20/11/2020 – THỨ SÁU TUẦN 33 TN

Lc 19,45-48

CẢM THẤY ĐAU LÒNG

Người đã nói với họ: “Đã có lời chép: Nhà của Ta sẽ là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.” (Lc 19,46)

Suy niệm: “Trải qua một cuộc bể dâu,…” nhìn thấy nhiều nhà thờ bị chiếm dụng làm cửa hàng, kho hàng, thậm chí trở thành khách sạn, vũ trường… người tín hữu đã phải xót xa mà “đau đớn lòng.” Cũng vậy, khi thấy những kẻ buôn bán, đổi chác trong đền thờ, Chúa Giêsu cảm thấy đau lòng và đã phải nổi giận, nặng lời với họ, cho dù có vì thế Ngài bị thù ghét và mưu toan hãm hại. Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta trở thành đền thờ Thiên Chúa. Thế mà, chúng ta cứ thản nhiên khi phạm tội, làm nhơ uế đền thờ thiêng liêng của Người! Thế mà chúng ta cũng chẳng hề lo lắng, mau mắn thanh tẩy đền thờ tâm hồn ấy bằng bí tích hòa giải!

Mời Bạn: Gìn giữ, chăm sóc và quan tâm đến thực trạng linh hồn mình là bổn phận thường xuyên của người tín hữu, nhất là mỗi khi tham dự thánh lễ, rước Mình Máu Thánh Chúa. Sự trong sạch của tâm hồn là điều kiện cần thiết để xứng đáng trở thành nơi Chúa ngự.

Chia sẻ: Có bao giờ bạn hiểu rằng tâm hồn bạn cũng là đền thờ của Chúa Thánh Thần, để bạn thanh tẩy và gìn giữ mỗi ngày, hầu xứng đáng là nơi thờ phượng Thiên Chúa chưa?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ loại trừ một tật xấu với ý thức thanh tẩy và gìn giữ đền thờ thiêng liêng của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho cánh cửa này đủ rộng để có thể đón tiếp những người nào cần đến tình thương của đồng loại, anh em, nhưng cũng đủ hẹp để có thể ngăn chận mọi kiêu căng, ganh tị, bất hoà. Xin làm cho nhà này là nhà cầu nguyện và là cổng dẫn vào Nước Chúa. Amen. (Theo Flor McCarthy)

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

“Đức Giêsu vào Đền thờ” (c. 45),
ngay sau khi Ngài vẻ vang tiến vào thành phố Giêrusalem.
Ngài vào Nhà của Cha Ngài, nơi Ngài đã được tiến dâng (Lc 2, 22),
nơi Ngài đã muốn ở lại năm mười hai tuổi (Lc 2, 49).
Ngài đã lên Đền thờ nhiều lần trong đời, nhưng đây là lần cuối.
Lên Đền thờ lần cuối là một quyết định sinh tử (Lc 9, 51),
vì Ngài biết những gì đang chờ đợi mình ở đây (Lc 13, 33).

“Ngài bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán ở đó.”
Người ta bán những con vật, để người mua dâng cúng cho Đền thờ.
Nơi buôn bán này ở chung quanh Đền thờ,
tuy vẫn nằm trong khu vực Đền thờ, nơi Dân Ngoại được phép lui tới.
Dĩ nhiên việc buôn bán ở đây là có phép của ban an ninh Đền thờ,
nên chúng ta không hiểu tại sao Đức Giêsu lại muốn đuổi họ.
Hiếm khi chúng ta thấy Đức Giêsu nổi giận hay dùng sức mạnh. 
Còn ở đây Ngài mạnh mẽ cả trong hành động lẫn lời nói.
“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện,
thế mà các ngươi đã biến nó thành hang trộm cướp” (c. 46).
Đức Giêsu đã vào thành Giêrusalem như một vị vua khiêm hạ.
Còn bây giờ Ngài đuổi những người buôn bán như một ngôn sứ.
Vị ngôn sứ giận dữ vì thấy nhà cầu nguyện trở thành nơi kinh doanh.

Đức Giêsu đã muốn làm cho Đền thờ được sạch khỏi chuyện bán buôn,
dù chuyện này cũng nhắm phục vụ cho việc tế tự.
Sau khi thanh tẩy Đền thờ, Ngài đã chọn nơi thánh này
làm nơi Ngài tập trung dạy dỗ từng ngày cho đến lễ Vượt Qua (c. 47).
Ngài đã sống những ngày cuối đời như một vị Thầy dạy.
Lời giáo huấn của Đức Giêsu đã gây ra những phản ứng ngược nhau.
Dân chúng thì say sưa với những lời Ngài dạy (c. 48),
còn giới lãnh đạo tôn giáo ở Đền thờ lại tìm cách giết Ngài (c. 47).
Phải chăng họ khó chịu với việc Đức Giêsu được dân chúng tung hô,
hay bực bội về việc Ngài như có quyền đuổi những người buôn bán,
hay ghen tương với việc dân chúng mê mải nghe Ngài?

Đời người Kitô hữu gắn liền với nhiều đền thờ.
Có những đền thờ, nhà thờ bằng gỗ đá, được cung hiến.
Có những đền thờ thiêng liêng như Hội Thánh, như các tín hữu.
Chính bản thân tôi, thân xác tôi, tâm hồn tôi cũng là đền thờ.
Nơi nào có Chúa hiện diện, nơi ấy là đền thờ.
Cần bỏ dép ở ngoài trước khi bước vào ngôi đền thờ là trái tim tha nhân.
Cần năng thanh tẩy lại đền thờ tâm hồn mình bằng bí tích Hòa Giải.
Chúng ta thường thiếu sự giận dữ của Đức Giêsu
khi đứng trước những đền thờ là tâm hồn của những người trẻ bị ô uế.
Chúng ta dửng dưng khi Chúa bị trục xuất ra khỏi đền thờ lòng mình,
để thay vào đó là những thần tượng vô hồn, rẻ tiền và câm lặng.
Xin Giêsu giúp ta quét dọn các rác rưởi nơi đền thờ của trí tuệ,
để lời Chúa làm chúng ta say mê lắng nghe và thực hành.

Cầu nguyện:

Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.

Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.

Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,
để biết tự hiến trong yêu thương.

Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.

Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh khiết.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

20 THÁNG MƯỜI MỘT

Một Nhãn Giới Mới Về Đời Sống Gia Đình

“Tình yêu vợ chồng đích thực được đưa vào trong tình yêu thần linh, được hướng dẫn và làm cho phong phú bởi quyền năng cứu chuộc của Đức Kitô và bởi đời sống của Giáo Hội, nhờ đó đôi vợ chồng có thể được dẫn dắt đến với Thiên Chúa, được giúp đỡ và được củng cố để thi hành sứ mạng cao cả của mình trong tư cách là cha là mẹ” (MV 48).

Cần phải xem xét gia đình trong một bối cảnh rộng lớn hơn, trong bối cảnh văn hóa và lịch sử trong đó gia đình sống và làm việc. Như tôi đã đề cập trong Tông Huấn Familiaris consortio, “chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử trong đó gia đình là đối tượng của vô số áp lực có chiều hướng hủy hoại gia đình hay làm méo mó nó” (FC 3).

Gia đình đã bị tấn công bởi hàng lố những thay đổi về kinh tế và xã hội – những thay đổi ảnh hưởng đến chính cấu trúc của đời sống gia đình. Giáo Hội không thể dừng lại chỉ ở việc báo động về những thay đổi này. Không, Giáo Hội phải thâm nhập, giúp chuyển hóa và củng cố gia đình. Các Kitôhữu phải trở thành sự hướng dẫn lương tâm rất quan trọng trong tình hình mới này. Họ phải là những kiến trúc sư phác họa một viễn tượng mới cho đời sống gia đình. Điều này bao hàm sự biện biệt theo tinh thần Phúc Aâm. Nghĩa là, chúng ta phải đọc và hiểu thực tại đời sống gia đình trong ánh sáng của Đức Kitô, “vị Hôn Phu yêu thương và hiến mình làm Đấng Cứu Độ cho loài người, kết hiệp loài người với chính Ngài như là Thân Thể của Ngài” (FC 13).

Chỉ trong ánh sáng Tin Mừng Đức Kitô chúng ta mới có thể biết cách đúng đắn nhằm điều chỉnh cách nghĩ và cách sống sao cho nêu bật được kế hoạch của Thiên Chúa về người nam và người nữ. Tính gay go của vấn đề nằm ở chỗ sự khủng hoảng gia đình phát xuất từ sự tách ly giữa Tin Mừng và văn hóa. Chúng ta phải xây dựng lại một nền văn hóa Kitô giáo đích thực có sức phản ảnh các giá trị của Tin Mừng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 20/11

Kh 10, 8-11; Lc 19, 45-48.

LỜI SUY NIỆM:  Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán, và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là Nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.”

          Lời Chúa đang nhắc nhở với mỗi người trong chúng ta ngày hôm nay. Chúa vẫn đang đến trong tâm hồn của mỗi người qua ân sủng của Người, đặc biệt qua Bí Tích Thánh Thể. Mỗi người cần phải chỉnh đốn lại thân xác và tâm hồn, làm sao không có nhơ bẩn, không trở thành sào huyệt của sự dữ.

          Lạy Chúa Giêsu, mỗi người chúng con đang phải lăn lộn với cuộc sống nhiều căm go và đầy cạm bẫy. Xin Chúa ban thêm ân sủng cho chúng con, để chúng con được khôn ngoan biết gìn giữ tâm hồn và thân xác của chúng con luôn trong sạch, xứng đáng là Đền Thờ của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

20 Tháng Mười Một

Con Lừa Của Chúa 

Thánh Gioan Maria Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như ngài không còn đủ khả năng để tiến tới chức linh mục. Ngày kia, thừa lệnh giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học đã đến khảo sát Vianney. Vianney đã không trả lời được câu hỏi nào… Không giữ được bình tĩnh, vị gióa sư đã đập bàn quát lớn: “Vianney, anh dốt như lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội sẽ làm được gì?”.

Vianney khiêm tốn, bình tĩnh trả lời: “Thưa thầy, ngày xưa, Samson chỉ dùng một cái xương hàm của một con lừa để đánh bại được 3 ngàn quân Philitinh. Vậy, với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm gì được sao?”.

Thiên Chúa tự do chọn lựa mỗi người vào chương tình của Người. Người chọn chúng ta không vì tài năng, đức độ của chúng ta. Người quyền năng đến độ có thể biến sự dốt nát, tầm thường của chúng ta thành những giá trị siêu phàm.

Ðiều quan trọng chính là sự đáp trả quảng đại của chúng ta đối với chương trình của Người. Thiên Chúa luôn làm được phép lạ, nếu con người biết cộng tác với Người, ngay cả bằng chính sự dốt nát, vô dụng của mình.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu Tuần 33 TN2

Bài đọc: Rev 10:8-11; Lk 19:45-48.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thanh tẩy Đền Thờ

Những cám dỗ của thế gian và sự bận rộn của cuộc sống làm con người nhiều khi không còn nhận ra được đâu là sự thật và ý nghĩa của cuộc đời. Hậu quả xảy ra là thay vì con người phải chủ động điều khiển cuộc đời mình, con người lại để cho cuộc đời điều khiển. Ví dụ: để cho giới con buôn hướng dẫn tòan bộ cuộc đời: mua nhà đắt tiền, xe cộ phải như thế nào mới xứng đáng, khi đi ăn phải ở nhà hàng nào mới sang trọng, uống rượu phải rượu XO nào mới sang trọng mà không cần biết chai rượu đó đã trị giá cả ngày lương lao động của mình. Vì quen xài sang nên phải kiếm ra nhiều tiền để xài, chẳng cần xét xem cách kiếm tiền có chính đáng hay không? Bác sĩ khám bệnh nhân nghèo qua loa 5-10 phút rồi chém đẹp bằng những giá cả bằng cả tuần lương của dân lao động. Ngày Chủ Nhật để nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa, cũng dùng luôn để kiếm tiền trang trải, mà không cần biết đến những thiệt hại cho sức khỏe và cho đời sống tâm linh của mình.

Các Bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn sâu vào Đền Thờ tâm hồn để nhận ra những bụt thần cần được gạn lọc và thanh tẩy. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan được mời gọi thanh tẩy tâm hồn bằng Lời Chúa qua việc nuốt Cuộn Sách Nhỏ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vào Đền Thờ xua đuổi những kẻ đã biến Nhà Cầu Nguyện của Cha Ngài thành hang trộm cướp.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự ngọt ngào và cay đắng của Lời Chúa

1.1/ Sự ngọt ngào của Lời Chúa: Sau tiếng kèn thứ sáu và trước tiếng kèn thứ bảy, Gioan được chứng kiến 2 thị kiến nhỏ: Nuốt Cuốn Sách Nhỏ trong Bài đọc hôm nay và Hai Nhân Chứng trong Bài đọc ngày mai. Ông nghe lệnh từ trời truyền: “Hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trong tay thiên thần đang đứng trên biển và đất.” Ông đến gặp thiên thần và xin người cho ông Cuốn Sách Nhỏ. Rồi tiếng từ trời lại truyền: “Cầm lấy mà nuốt đi! Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng, nhưng trong miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật ong.”

Cuốn Sách Nhỏ đã mở sẵn này khác với Cuộn Sách Lớn với 7 ấn niêm phong mà chỉ có Con Chiên mới có quyền mở. Tiếng từ trời có lẽ là tiếng của Đức Kitô. Sách Tiên Tri (Eze 2:8-3:3) là nền tảng cho thị kiến này. Việc nuốt lấy Lời Chúa giống như việc thanh tẩy miệng lưỡi của Jeremia (x/c Jer 15:16), chỉ sự hòan tòan thông hiểu của Gioan về Cuốn Sách Nhỏ trước khi rao giảng cho người khác. Hai hiệu quả trái ngược của việc nuốt Sách, ngọt trong miệng nhưng chua trong bụng, tương xứng với nội dung của Sách: Nó loan báo chiến thắng vinh quang của các tín hữu; nhưng nó cũng chỉ cho thấy giá đau đớn phải trả (Rev 11:1-13), trước cuộc chiến thắng vinh quang này.

1.2/ Sự cay đắng của Lời Chúa: Gioan cầm lấy cuốn sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi. Ông cảm thấy nó ngọt ngào như mật ong trong miệng ông, nhưng khi ông nuốt rồi, thì bụng dạ ông cay đắng. Và có tiếng bảo ông: “Một lần nữa, ông phải tuyên sấm về nhiều nước, nhiều dân, nhiều ngôn ngữ và vua chúa.”

Sự kiện này cũng xảy ra cho mọi tín hữu: Lời Chúa là ngọn đèn soi sáng cho cuộc đời của họ. Khi bắt đầu tìm hiểu, nó êm đềm dịu ngọt; nhưng khi phải áp dụng Lời Chúa trong cuộc đời, nó trở nên cay đắng vì phải hy sinh và chịu đựng đau khổ mới có thể thực hiệc được. Tương tự như thế cho sứ vụ tiên tri: giảng giải Lời Chúa đòi phải hy sinh vì không phải ai cũng sẵn lòng đón nhận sự thật. Hậu quả các tiên tri phải lãnh nhận là sự ngược đãi và ngay cả cái chết.

2/ Phúc Âm: Thanh tẩy Đền Thờ

2.1/ Đừng biến Đền Thờ thành sào huyệt của bọn cướp: Đền Thờ là Nhà Cầu Nguyện. Các thượng tế và tư tế là những người chịu trách nhiệm gìn giữ vẻ thánh thiêng cho Đền Thờ, nhưng họ đã để lợi lộc vật chất lên trên việc thờ phượng Chúa. Họ lợi dụng Đền Thờ để làm giầu, lợi dụng lòng tin để cướp của dân chúng. Có 2 cách họ có thể lợi dụng để kiếm lời:

(1) Đổi tiền: Jerusalem là nơi giao lưu của nhiều quốc gia: Do Thái, Hy-Lạp, Rôma, Syrian. Họ lập những quầy đổi tiền và tính phân lời trên số tiền muốn đổi. Những quầy đổi tiền như thế vẫn còn gặp thấy nhiều trong Thành Jerusalem ngày nay.

(2) Bán những vật hy sinh: Bất cứ người Do-Thái nào vào Đền Thờ cũng phải dâng lễ vật hy sinh để đền tội. Họ có thể mua những con vật bên ngòai với giá rẻ hơn nhiều; nhưng họ phải qua sự kiểm sóat của các tư tế, để những người này xác nhận nếu vật hy sinh hội đủ điều kiện như Luật qui định. Để chắc chắn có vật hy sinh hội đủ điều kiện, đa số dân chúng phải bấm bụng mua những con vật này bên trong Thành (của các tư tế hay người nhà của họ) với giá cắt cổ.

Lý do chính Chúa Giêsu tức giận vì họ đã lợi dụng tôn giáo để bắt chẹt dân nghèo, nên Ngài vào Đền Thờ, bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là Nhà Cầu Nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”

2.2/ Sự cay đắng của Lời Chúa: Chúa Giêsu rất can đảm khi làm công việc này vì nó động đến quyền lợi của các nhà lãnh đạo. Vì không muốn mất uy quyền, danh vọng, và lợi lộc vật chất; các Thượng-tế, Kinh-sư, và các nhà lãnh đạo đã quay lưng với sự thật, và họ tìm cách giết Người.

– Đền Thờ được nói tới đây không chỉ thuần túy là Đền Thờ tại Jerusalem, nhưng được mở rộng tới tất cả Đền Thờ tại các nơi trên thế giới, tới cả Đền Thờ của gia đình và của mỗi cá nhân, vì như lời Thánh Phaolô, “thên xác anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.”

– Thanh tẩy Đền Thờ có nghĩa trả lại vị thế cho Thiên Chúa trong Đền Thờ: đừng để bất cứ một người nào hay một điều gì lên trên Ngài, vì con người phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thanh tẩy Đền Thờ cũng có nghĩa là sống công bằng bác ái với tha nhân, đừng lợi dụng bất cứ lý do gì để bóc lột và làm giầu trên mồ hôi nước mắt của tha nhân.

– Cách thanh tẩy Đền Thờ hữu hiệu nhất là hãy trực diện với Lời Chúa, như Gioan đã nuốt lấy Cuốn Sách Nhỏ trong Bài đọc I; hay như các Thượng-tế và Kinh-sư trước những Lời của Chúa Giêsu thách thức họ trong Phúc Âm. Mặc dầu cay đắng vì “sự thật luôn mất lòng;” nhưng đồng thời chỉ có “sự thật mới giải thóat.” Như trình thuật hôm nay kể: “Vẫn còn những người nhìn ra sự thật. Tòan dân say mê nghe Người.”

– Từ chối không chịu để cho Lời Chúa thanh tẩy, hay tệ hại hơn như các Thượng-tế và Kinh-sư hôm nay muốn bóp nghẹt hay tìm cách tiêu diệt sự thật là khai tử chính mình; là muốn sống theo sự giả trá và ở trong bóng tối của thế gian. Một đền thờ như thế, như lời Chúa nói từ đầu, không còn là Đền Thờ của Thiên Chúa, nhưng là một sào huyệt của bọn cướp.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần phải thường xuyên thanh tẩy tâm hồn để luôn xứng đáng là Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự. Chúng ta cần xét lại những động lực thúc đẩy chúng ta làm việc thờ phượng: Có phải vì lòng kính mến Chúa hay vì danh dự, uy quyền, và các mối lợi vật chất?

– Lời Chúa là khí cụ tốt nhất cho việc thanh tẩy tâm hồn. Đọc và suy gẫm Lời Chúa đêm ngày sẽ soi sáng trí lòng chúng ta để nhận ra những bụt thần và tội lỗi trong tâm hồn trước khi có thể thanh tẩy chúng.

– Chúng ta phải chấp nhận sự cay đắng của Lời Chúa mới có thể thanh tẩy tâm hồn được. Quay lưng lại Lời Chúa hay tìm cách bóp nghẹt Sự Thật là làm cho Đền Thờ trở thành nơi ở của Satan và tội lỗi. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************