Ngày thứ sáu (25-05-2018) – Trang suy niệm

24/05/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần VII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Gc 5, 9-12

“Kìa quan toà đã đứng trước cửa”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị lên án. Kìa quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa. Đây chúng ta gọi những người đã kiên nhẫn đau khổ là có phúc. Anh em đã nghe nói đến sự kiên nhẫn của Gióp và đã thấy kết cuộc Chúa dành để cho ông, vì Chúa đầy lòng thương xót và lân mẫn.

Anh em thân mến, trước hết, anh em đừng (có) thề, dầu viện trời, dầu viện đất hay viện một hình (vật gì) khác. Lời nói anh em phải là: Có rằng có, không rằng không, để anh em khỏi bị toà án luận phạt. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 8-9. 11-12.

Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.

2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Đáp.

3) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. – Đáp.

4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng ta. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 10, 1-12

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

25/05/2018 – THỨ SÁU TUẦN 7 TN

Th. Bêđa khả kính, linh mục, tiến sĩ HT

Mc 10,1-12

NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU

“Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mc 10,6-8)

Suy niệm: Nhà văn Nga I. Tourguéniev tâm sự: “Tôi sẵn sàng đổi hết tài năng và tác phẩm của tôi để được cái thú êm đềm biết rằng ở một nơi nào đó có một người đàn bà lo âu vì tôi về trễ.” Không gì hạnh phúc cho bằng biết rằng mình được yêu, cũng như không có gì chua xót cho bằng từ tình yêu chuyển thành thù hận. Hôm nay, Chúa Giê-su nhắc ta hai điều: 1/ Con người cần có người bạn đời chung sống với mình (“sỏi đá cũng còn có nhau”, huống gì con người !). 2/ Hai người nam nữ hợp nhất nên một, không phải chỉ nên một trong thân xác, nhưng còn trong trách nhiệm, trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình… Nhờ vậy, vợ chồng vừa đem lại hạnh phúc cho nhau, vừa dìu nhau tiến về hạnh phúc Nước Trời.

Mời Bạn: Nhớ rằng hôn nhân không phải chỉ đem lại thú vui, mà còn mang đến trách nhiệm. Bạn chỉ tìm thấy niềm vui thật sự khi nào bạn chu toàn trách nhiệm của mình trong gia đình.

Chia sẻ: Trong đời sống gia đình, tôi tìm thú vui riêng cho bản thân, hay tôi quên mình để chăm lo hạnh phúc của những người thân?

Sống Lời Chúa: Làm một việc nhỏ để phục vụ, giúp đỡ vợ, chồng, cha mẹ tôi.

Cầu nguyện: Lạy Cha nhân ái, xin Cha thương bảo vệ gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của Thánh Gia thất, từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ. Xin Cha sai Thánh Thần tình yêu đem đến hạnh phúc cho mọi gia đình trên mặt đất; xin cho chúng con nhớ hạnh phúc luôn ở trong tầm tay từng người chúng con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

25 THÁNG NĂM

Giấc Mơ Xa Vời Bỗng Thành Hiện Thực

Kể từ ngày Lễ Hiện Xuống, cuộc giao hòa của tất cả các dân tộc trong Thiên Chúa không còn là một giấc mơ xa xăm nữa. Cuộc giao hòa ấy đã trở thành hiện thực – và mở rộng không ngừng theo nhịp lan rộng của Giáo Hội mang trong mình Tin Mừng cứu độ. Chúa Thánh Thần, Đấng là Thần Khí tình yêu và hiệp nhất, hiện thực hóa mục tiêu của cuộc hiến thân cứu chuộc của Đức Kitô – bằng cách qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối.

Khi Thánh Thần hiệp nhất mọi người trở thành Dân Thiên Chúa, có hai điều quan trọng được ghi nhận rõ ràng. Bằng cách dẫn đưa người ta gắn kết với Đức Kitô, Thánh Thần đem họ vào trong mối hiệp nhất của Giáo Hội là Thân Mình Đức Kitô. Như vậy, Thánh Thần giao hòa con người với nhau trong tình huynh đệ – dù giữa họ có những nét khác biệt về địa dư và về văn hóa. Nói cách khác, Thánh Thần làm cho Giáo Hội trở thành một nguồn hiệp nhất và hòa giải. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần hòa giải cả những người bên ngoài Giáo Hội – bằng một cách nào đó. Ngài khơi lên trong mọi người niềm khát vọng hiệp nhất sâu rộng hơn và Ngài thúc đẩy những cố gắng của người ta để họ vượt qua những mối xung đột ngổn ngang vẫn còn phân rẽ thế giới.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 25/ 5

Thánh Bêđa Khả kính, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

Thánh Grêgôriô VII, Giáo hoàng

Thánh Maria Madalêna Pazzi, trinh nữ

Gc 5, 9-12; Mc 10, 1-12.

Lời suy niệm: “Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy,  chồng có được phép rẫy vợ không?”

            Ly dị và tái hôn sau ly dị là một vấn nạn của mọi thời đại, với con người, không thể nào làm thỏa mãn được lòng người để xây dựng một gia đình hạnh phúc đầm ấm và một xã hội an vui lành mạnh được. Chỉ có giáo huán của Chúa Giêsu: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”

            Lạy Chúa Giêsu, với điều Luật ly dị của Môsê, Chúa cho thấy có vấn đề lỏng lẽo về đạo đức hôn nhân, cần phải hàn gắn và sửa đổi, vì với điều luật đó, nó thiếu đi vấn đề bổn phận và trách nhiệm trong hôn nhân gia đình đối với: Thiên Chúa, với người phối ngẫu và với con cái của họ. Xin cho mọi gia đình trong nhân loại biết lắng nghe và tuân giữ giáo huấn của Chúa, đặc biệt là đối với các gia đình Công Giáo.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 25-05: Thánh BÊ-ĐA Đáng Kính

Linh mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (673 – 735)

Chính thánh Beđa kể cho chúng ta biết mọi điều về cuộc đời thơ ấu của Ngài. Trong vài câu thêm vào cuốn lịch sử Giáo hội, thánh nhân sinh năm 673 hay là 674. Tên Bêđa theo từ ngữ Saxon có nghĩa là cầu nguyện. Cuộc sống của Ngài rất gương mẫu nên người ta thêm cho Ngài biệt danh Vênêrabilê có nghĩa là khả kính. Lên bảy tuổi Ngài bị mồ côi cha mẹ và được giao phó cho tu viện trưởng Bênêdictô Biscop săn sóc giáo dục. Lúc 18 tuổi Ngài được thụ phong chức phó tế và năm 702 hay 703 tức là lúc 29 tuổi Ngài được thụ phong linh mục.

Cuộc sống của Ngài trong tu viện rất cực nhọc. Chúng ta có thể tóm lược cuộc sống ấy bằng chính lời Ngài: – “Tôi đã sống trọn đời nỗ lực học hỏi kinh thánh và trong khi tuân thủ luật dòng cũng như bổn phận hàng ngày và hát thánh ca tại nhà thờ, tôi sung sứơng được học hành, dạy dỗ và viết lách”.

Đây quả là tổng hợp chính xác trọn cuộc sống của thánh Bêđa, Ngài rất ít rời bỏ nhà dòng. Chúng ta chỉ nghe biết có hai chuyện du hành của Ngài. Một lần Ngài đi thu tập tài liệu về đời thánh Cuthbert, Ngài ở lại Lindisfanne và từ đó đến viếng Farne Islanol để khảo sát những di tích trong căn phòng của vị thánh. Một lần khác, Ngài đến York để thăm Đức tổng giám mục Egbert, và để quan sát các trường học nổi tiếng ở đó.

Dạy học, thánh Bêna tỏ ra là một bậc thầy lỗi lac. Ngài không quan tâm suy tư và ao ước được nổi bật. Tài năng của Ngài là cố gắng không cùng để tự đào luyện mình rồi truyền thông không phải chỉ có những gì mình đã học mà còn cả cảm thức về giá trị của điều đã được hiểu biết, đặt tầm quan trọng của việc giảng dạy. Tuy nhiên chúng ta không thể nói nhiều về điểm này. Nhưng các sách đủ loại Ngài viết đều là kiểu mẫu trong việc trưng dẫn các tài liệu. Chính cách trình bày cẩn thận và điều độ và gắng để được chính xác và đúng đắn làm cho các sách ấy có thế giá. Các tác phẩm của thánh Bêda có thể xếp thành ba loại. Các bút tích về thần học của Ngài chính yếu gồm những phần dẫn giải thánh kinh của một thầy dạy phần lớn dựa trên các sách giáo phụ Tây phương. Dầu thiếu sự độc sáng trong cách trình bày, nhưng những dẫn giải của thánh Bêda ngày nay còn là phương tiện tốt đẹp nhất để hiểu về các giáo phụ.

Các tác phẩm về khoa học của Ngài một phần là những giải thích cổ truyền về các hiện tượng tự nhiên, một phần bàn về niên lịch và cách tính của Đông phương. Cách tính niên lịch của Ngài kể từ thời Chúa Giêsu Giáng sinh đã được Kitô giáo Tây phương chấp nhận rộng rãi hơn cả.

Các tác phẩm về lịch sử của thánh nhân có lẽ ngày nay được nhớ tới nhiều hơn hết. Cuốn “Lịch sử Giáo hội của dân Anh” là một trong những tác phẩm quan trọng nhất về lịch sử về thời đầu Trung cổ. Ngài đã viết cách khách quan và phê phán cách quân bình, dựa trên những tài liệu và nhân chứng đáng tin cậy, Ngài cũng viết một tiểu sữ về các tu viện ở Wearmonth và thơ văn về cuộc đời thánh Cuthbert.

Kể từ năm 679, Ngài ở hai tu viện Wearmonth và Jarrow, chăm chú thi hành bổn phận thuộc đời sống tu trì và vẫn không ngừng viết lách và dạy học. Lời kinh ở cuối cuốn “Lịch sử Giáo hội” trình bày lý tưởng của Ngài: – “Lạy Chúa Giêsu nhân từ, con khẩn cầu Chúa, khi đã cho con được vui hưởng những lời khôn ngoan của Chúa thì xin Chúa cho con một ngày kia được đến gần bên thánh nhan Chúa”.

Đương thời, không ai nghi ngờ sự thánh thiện của thánh nhân, nhưng Ngài đã không làm một phép lạ, không được một thị kiến và không mở ra một đường lối tu đức mới mẻ nào. Mùa hè năm 735 vào tuổi 63, sức khỏe suy giảm, Ngài còn bị đau khổ bị bệnh suyễn. Dầu vậy, Ngài vẫn làm việc đến giây phút cuối cùng, đọc cho thầy thơ ký hoàn tất cuốn sách Chú giải Phúc âm thánh Gioan và 48 giờ cuối cùng trên giường bệnh. Đúng ngày lễ Thăng thiên 27 tháng 5 năm 735, thánh Beda từ trần.

*********************
Ngày 25-05: Thánh GRÊGORIÔ VII

Giáo Hoàng (1028 – 1085)

Thánh Gregoriô hay là Hildebrand theo tên rửa tội, sinh khoảng năm 1028. Gia đình Ngài không thuộc dòng tộc quí phái và có thuộc gốc Do thái. Thấy con mình thông minh lại hiếu học, thân phụ thánh nhân gởi Ngài tới thụ huấn với người chú là Tu viện trưởng Đức Bà Maria ở Aventin, Hildebrand đã trở thành một tu sĩ dòng Bênêdictô.

Tuy nhiên khả năng đặc biệt của Ngài đã sớm kéo Ngài ra khỏi hàng rào tu viện để phục vụ tại giáo triều. Khi đắc cử giáo hoàng, trên đường về nhận chức, Đức Leo IX ghé qua Cluny và dẫn theo thày dòng trẻ tuổi Hildebrand để làm cố vấn cho mình. Đức giáo hoàng đã trao cho Ngài điều khiển tu viện thánh Phaolô và đặt làm hồng y. Đức giáo hoàng Leo IX là vị tiên khởi trong cuộc cải cách Grêgoriô, danh hiệu dựa vào khuôn mặt sáng giá nhất cuộc cải cách này, nhưng chính đức Leo là người khởi xướng.

Kể từ việc đề cử của Đức Leo IX Hildebrand đã có ảnh hưởng lớn lao trong nhiều triều đại liên tiếp. Khi được cử làm đặc sứ tại Pháp Đức Hồng y Hildebrand, đã chống lại nhiều tập tục xấu. Trong hội đồng họp ở Tour, Ngài đã buộc Berenger từ bỏ những lầm lạc của mình. Thế là chính Ngài đã giữ phần quyết định trong cuộc tranh luận về bí tích Thánh Thể giữa Lanfranc và Berenger. Ngài ủng hộ giáo thuyết về sự biến thể của Lanfranc nhưng cũng giảm bớt sức đối kháng để trình bày cách mầu nhiệm hơn.

Dưới ảnh hưởng của Đức hồng y Hildebrand, chức giáo hoàng ngày càng nghịch với hoàng đế hơn. Một liên minh hình thành với nhiều nhà cai trị ở miền nam nước Ý chống lại các Hoàng đế nhà Hohenstanen. Đức giáo hoàng nâng đỡ phong trào quần chúng chống lại hoàng đế ở Milanô nhưng tâm điểm đường lối chính trị của tòa thánh được diễn tả trong việc chọn lựa Đức Giáo hoàng, dành riêng cho hồng y đoàn. Nói cách khác, ảnh hưởng của hoàng để bị rút lại, nếu không nói là bị hủy bỏ. Năm 1073 dưới ảnh hưởng đã trở nên lớn mạnh, Đức Hồng y Hildebrand đắc cử giáo hoàng với hiệu Gregoriô VII.

Tình hình Giáo hội lúc này thật đáng buồn với nhiều thảm trạng đang diễn ra. Đích thân giáo hoàng thấy rõ những điều đó, sống khắc khổ như một thày dòng, Ngài đã sáng ngời như mặt trời chiếu dãi vào ngôi nhà Giáo hội. Đầy uy quyền trong lời nói và việc làm, Ngài đã nỗ lực tái lập kỷ lục truyền bá đức tin, diệt trừ các lỗi lầm. Nhất là Ngài được chống lại hoàng đế Henri IV nước Đức. Ông hoàng này ham mê khoái lạc và tham lam, đã dám bán quyền giám mục và các chức vụ trong Giáo hội cho những người bất xứng.

Năm 1075, Đức Gregoriô VII đã tuyên bố phạt mọi người ở bất cứ địa vị nào dám dùng tiền để mua bán chức thánh. Với tình phụ tử, Ngài cảnh cáo hoàng đế Henri IV và các lạm quyền của ông. Tức giận ông bắt cóc Đức Giáo hoàng đang khi Ngài làm lễ và giam ngục. Nhưng rồi dưới áp lực của dân Roma, ông phải thả Ngài ra. Đức giáo hoàng đã tha thứ cho ông. Tuy nhiên nhà vua vẫn ngoan cố. Năm 1076, ông triệu tập một số giám mục rồi đặt Gnibert de Ravenna làm giáo hoàng. Đức Gregoriô VII liền ra vạ tuyệt thông Henri IV. Hối hận và sợ các quan bất phục, Henri IV lo giữ ngôi bằng cách đến Canossa làm việc đền tội.

Ngày 28 tháng giêng năm 1077, Đức giáo hoàng giải vạ cho ông.

Một thời gian sau Henri IV lại trở mặt, ông cầm quân sang Roma để bắt Đức Giáo hoàng. Nhưng Đức Gregoriô đã kịp thời rút lui về Sôlerna và qua đời tại đây năm 1085. Trước khi qua đời Ngài đã nói: – Ta yêu mến điều công chính và chê ghét sự gian tà nên mới phải chết ở chốn lưu đày này.

Người ta đã nói tới cuộc cải cách thời Gregoriô. Phải nhận đinh rằng ý tưởng của Ngài rất cao thượng, Ngài quan niệm hàng giáo sĩ được đặt ra ngoài mọi người khác bởi phép truyền chức thánh làm thành một cộng đoàn siêu nhiên ấn định bởi quyền ban bí tích và được cai quản bởi đấng kế vị thánh Phêrô. Họ phải sống xứng đáng với phận vụ thiêng liêng, Ngài nhiệt hành ủng hộ luật độc thân của giáo sĩ và chống lại mọi thứ buôn thần bán thánh.

Ngài cũng nỗ lực diệt trừ mọi can thiệp vào việc chọn giám mục, nhất là sự can thiệp của hoàng đế. Dầu không thành công trong việc này, nhưng chắc chắn đã làm thay đổi thái độ của mọi người đối với Giáo hội.

Sau khi đã từ trần, lý tưởng canh tân Giáo hội của Ngài mới rõ rệt hơn, sắc bén hơn và tiến gần tới hiện thực hơn.

*********************
Ngày 25-05: Thánh MARIA MADALENA ĐỆ PAZZI

(1566 – 1607)

Thánh Maria Madalena Pazzi sinh năm 1566 tại Florence. Khi rửa tội Ngài được đặt tên là Catarina. Ngay từ nhỏ, Ngài đã ham thích cầu nguyện và làm việc lành. Muốn cho Ngài vui thích, cứ việc đọc cho Ngài nghe truyện các thánh hay là dẫn Ngài tới nhà thờ.

Lên 7 tuổi lòng thương người của Ngài đã tiến xa tới độ nhịn ăn để giúp đỡ người nghèo. Có dịp về miền quê, niềm vui chính của Ngài là tập họp trẻ em lại để dạy giáo lý cho chúng. Một lần kia, khi mới bắt dầu dạy đạo cho một em bé con một nông dân, thì Ngài phải báo cho biết là phải trở về Florence. Ngài đã buồn rầu đến độ không cầm được nước mắt, Cha Ngài chỉ có thể an ủi Ngài bằng cách dẫn em bé ấy về để dạy cho xong.

Thánh nữ có lòng sùng kính phép Thánh thể một cách đặc biệt. Lên 10 tuổi, tức là năm 1576, Ngài được rước lễ lầ đầu. Dịp này, Ngài đã khấn dâng mình trọn vẹn cho Chúa. Năm 13 tuổi Ngài còn tự ý làm một mão gai để đội đầu mỗi khi đi ngủ để cảm thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô.

Đến 16 tuổi, Catarina đã ao ước được gia nhập dòng Carmêlô. Sau một thời gian luỡng lự, cuối cùng cha mẹ Ngài đã chấp nhận, Catarina vào dòng ngày 14 tháng 8 năm 1582 và ngay 30 tháng giêng năm 1583, được mặc áo dòng với danh hiệu Maria Madalena. Cuộc đời Ngài là một phép lạ liên tục. Một cơn bệnh xâu xé Ngài. Có nữ tu hỏi thánh nữ xem bí mật nào đã giúp Ngài nhẫn nại chịu đựng như vậy, chỉ vào cây thánh giá Ngài trả lời: – Hãy xem điều Chúa Giêsu đã làm để cứu chuộc tôi. Những ai nhớ tới những đau khổ của Chúa Giêsu và dâng những đau khổ của mình lên Thiên Chúa, họ chỉ còn thấy êm ái đối với những gì mình phải chịu mà thôi.

Đau đớn vì bệnh hoạn, thánh nữ lại hay xuất thần. Những yếu tố ấy đều góp phần xây dựng đời sống thánh thiện của Ngài. Dù suốt năm năm liền kể từ tháng 6 năm 1585, Ngài đã phải trải qua một cuộc thử thách dữ dằn, Thiên Chúa cho Ngài thấy sự dữ đang diễn ra trong Giáo hội, những xúc phạm do hàng giáo sĩ và do các giám mục gây nên. Các tu sĩ trong cộng đoàn vấp phạm vì những khuyến cáo Ngài trình lên Đức gíao hoàng và các đức giám mục để thực hiện cuộc canh tân. Sự nghi ngờ của họ trở thành sự khinh bỉ, khi thánh nữ chịu cơn thử thách khủng khiếp này, là thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Thêm vào đó, Ngài còn bị cám dỗ trở nên kiêu căng thất vọng.

Dầu vậy, ý chí của Ngài bám chặt vào Chúa không ngơi, Ngài chỉ còn biết rên rỉ: – Tôi không hiểu mình có còn trí khôn nữa không. Tôi không thấy mình còn có gì đáng kể ngoài một chút thiện chí là không bao giờ dám xúc phạm đến Thiên Chúa.

Nhưng nhìn lên thánh giá Ngài thêm phấn khởi: – Đừng chết, nhưng chớ gì được chịu đau khổ mãi.

Bị cám dỗ quá, Ngài gieo mình vào bụi gai, bình thường Ngài hãm mình kinh khủng và thường mặc áo nhặm.

Năm năm bão tố trôi qua nhằm lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong khi hát kinh tạ ơn, Maria Madalena đã bỗng xuất thần và thưa với bề trên trong niềm vui mừng: – Bão tố qua rồi, xin hãy giúp con cảm tạ Chúa tạo thành khả ái.

Từ đây Ngài chỉ còn ước muốn vô cùng là được làm việc để tôn vinh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Ngài luôn tìm kết hiệp với thánh ý Chúa. Thánh Thần đọc cho Ngài những ý tưởng thâm sâu và hai chị thơ ký đã ghi thành một pho sách được các người nhân đức và thông thái ở Ý chuẩn nhận.

Với nhiệt tình, Ngài đã nguyện hy sinh không muốn biết đến một sự dịu ngọt nào nữa. Khi làm phó bề trên, Ngài bị tật bệnh dày vò lại còn mất ơn an ủi, cha linh hướng tìm cách an ủi, nhưng Ngài nói: – Không, đó không phải là thứ an ủi con tìm kiếm. Con chỉ ước mong được đau khổ đến lúc cuối đời. Khi sắp từ trần thánh nữ nói:

– Tôi sắp từ giã mà không hiểu tại sao một thụ tạo lại quyết tâm phạm tội chống lại Chúa tạo thành được.

Với các nữ tu vây quanh, Ngài nói những lời sau cùng: – Tôi sắp từ giã các chị để đi vào vĩnh cửu, tôi xin các chị như là một ân huệ cuối cùng là chỉ yêu mến một mình Chúa, đăt trọn niềm hy vọng nơi Ngài và chịu đựng tất cả vì tình yêu Ngài.

Thánh nữ từ trần ngày 25 tháng 5 năm 1607. Thân xác Ngài vẫn còn nguyên vẹn cho tới ngày nay.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

25 Tháng Năm

Cái Bật Lửa

Ðể kỷ niệm một trận chiến, một quận công bên Anh Quốc đã làm một bữa tiệc khoản đãi một nhóm cựu sĩ quan đã từng chiến đấu sát cánh bên ông.

Tong bữa tiệc, ông dem kho một cái bật lửa rất đẹp mà Nữ hoàng Anh đã tặng cho ông. Cái bật lửa đã được truyền từ tay người này đến tay người nọ để được trầm trồ khen ngợi.

Sau bữa ăn, mọi người được mời ra phòng khách để uống trà. Ông quận công mới đem thuốc lá ra mời mọi người. Nhưng mặt ông bỗng biến sắc, vì ông lục lạo mãi trong túi áo mà vẫn không tìm ra cái bật lửa. Ông hỏi quan khách có ai thấy nó ở đâu không. Mọi người chia nhau đi tìm khắp nơi mà tuyệt nhiên vẫn không thấy cái bật lửa. Lúc bấy giờ, một viên sĩ quan mới đề nghị cho tất cả mọi quan khách nên lật túi áo của mình ra may ra mới có thể tìm thấy nó chăng. Lần lượt tất cả mọi người đều kéo tất cả những gì có trong túi áo của mình ra. Duy chỉ có một người không chịu chấp nhận công việc này. Mọi người đều đưa mắt nhìn về ông và ai cũng đoán chắc đây là người đã đánh cắp cái bật lửa, bởi vì dáng vẻ của ông tiều tụy, áo quần của ông lại rách rưới. Ông lấy danh dự của một cựu sĩ quan để thề thốt và dứt khóat không mở túi áo ra cho mọi người xem.

Vài tuần lễ sau, ông quận công lại mở một bữa tiệc khác và lần này, ông khám phá ra cái bật lửa trong túi áo của ông. Cảm thấy xấu hổ vì đã nghi oan cho một viên sĩ quan đã từng chiến đấu bên cạnh mình, ông quận công đã quyết định đến thăm anh ta để xin lỗi.

Nhà của viên cựu sĩ quan này nằm trong khu phố lầy lội nghèo nàn. Sau khi đã xin lỗi, ông quận công đã hỏi viên sĩ quan: “Tại sao trong bữa tiệc hôm đó, anh đã khước từ không mở túi ra cho mọi người xem?”.

Anh ta mới giải thích như sau: “Hẳn ngài đã thấy được căn nhà tôi đang ở tồi tàn như thế nào. Từ lâu, tôi đã thất nghiệp mà vẫn phải nuôi nhiều miệng ăn trong nhà. Ngài đâu có biết rằng hôm đó, tôi đã nhét vào túi tôi tất cả những đồ ăn thừa trên bàn để mang về cho vợ con tôi”.

Sau khi hiểu được hoàn cảnh đáng thương của một người đã từng vào sinh ra tử với mình, ông quận công quyết định đền bù bằng cách tìm cho viên cựu sĩ quan một công việc xứng đáng.

Câu chuyện đáng thương tâm trên đây có lẽ cũng diễn ra trong cuộc sống chúng ta dưới nhiều cấp độ và hình thức khác nhau. Nhưng tựu trung, có lẽ mẫu số chung của câu chuyện ấy thường giống nhau: đó là chúng dễ nhìn và đoán xét người theo bề ngoài. Lại nữa, một xã hội có quá nhiều lừa gạt đảo điên cũng khiến cho chúng ta có thái độ e dè, nghi kỵ đối với những người thân thuộc.

Là tín hữu, chúng ta hãy nhìn ngắm cung cách cư xử của Chúa Giêsu. Ngài không nhìn người bằng nhãn hiệu có sẵn. Ngài không đến với người bằng những định kiến. Bên kia bộ quần áo sang trọng hay rách rưới, Chúa Giêsu chỉ nhìn thấy hình ảnh cao quý của chính Thiên Chúa. Ngài dành yêu thương cho những người nghèo khổ, phường thu thuế, bọn gái điếm, những kẻ tội lỗi, những ngwòi con bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chỉ có một cái nhìn duy nhất về con người: đó là cái nhìn của cảm thông, của tha thứ, của yêu thương.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu Tuần VII PS

Bài đọc: Acts 25:13-21: Jn 21:15-19.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người môn đệ phải lãnh trách nhiệm coi sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Trong cuộc đời, chúng ta rất dễ tìm người lãnh đạo ngoài xã hội, vì ai cũng mong có địa vị, uy quyền, và các lợi lộc vật chất; nhưng không dễ tìm người lãnh đạo trong Giáo Hội, vì chẳng những không có lợi lộc vật chất, mà còn đòi phải chịu phê bình, bắt bớ, tù đày, và ngay cả phải hy sinh đến tính mạng. Vì thế, chẳng lạ gì mà càng ngày càng thiếu những người tình nguyện hy sinh cuộc đời làm mục tử để lãnh đạo Dân Chúa, nhất là trong những quốc gia phát triển, nơi mà sự thành công được đo lường trên địa vị và lương bổng. Điều gì đã thúc đẩy các mục tử trong Giáo Hội sẵn sàng hy sinh quên mình, để chăm sóc cho đoàn chiên của Thiên Chúa?

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những mẫu gương và lý do của việc hy sinh phục vụ. Trong Bài Đọc I, Phaolô bị các người Do-thái trong Thượng Hội Đồng bắt nộp cho Thống-đốc Rôma, vì niềm tin vào Đức Kitô và sự loan truyền đạo lý của Ngài. Những nhà cầm quyền Rôma không dám tha cho Phaolô, dù không tìm thấy nơi ông tội gì đáng chết, vì họ sợ người Do-thái. Phaolô kháng cáo lên hoàng đế Caesar vì ông có quốc tịch Rôma. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” trước khi trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Ngài. Nếu không có tình yêu dành cho Chúa Giêsu, Phêrô không bao giờ có thể hy sinh nghề nghiệp để chăm sóc đoàn chiên, nhất là phải chịu tù đày và hy sinh mạng sống.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phaolô được chuyển đi Rôma để được xét xử bởi Hoàng-đế Caesar.

1.1/ Các nguyên cáo đã không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng: Khi vua Agrippa trị vì lãnh thổ của Galilee và Perea, và Bernice, chị em với bà Drussila, vợ của Felix, tới Judea thăm Festus, là Thống-đốc của Judea, Festus biết Agrippa có kiến thức sâu rộng về Đạo Do-thái và truyền thống, nên đã đề nghị ông có cuộc nói chuyện về trường hợp của Phaolô. Ông nói với Agrippa: “Ở đây có một người tù do ông Felix để lại. Khi tôi tới Jerusalem, các thượng tế và các kỳ mục Do-thái đến kiện và xin tôi kết án người ấy. Tôi đã trả lời họ rằng người Rôma không có lệ nộp bị cáo nào, trước khi đương sự ra đối chất với nguyên cáo, và được cơ hội biện hộ về lời tố cáo. Vậy họ cùng đến đây với tôi, và không chút trì hoãn, ngày hôm sau tôi ra ngồi toà và truyền điệu đương sự đến. Đứng quanh đương sự, các nguyên cáo đã không đưa ra một tội trạng nào như tôi tưởng.”

1.2/ Tranh luận về tôn giáo: Giống như trong trường hợp của Chúa Giêsu, Philatô không tìm được một lý do chính trị hay luật pháp nào để buộc tội Chúa. Người Do-thái phải họp nhau để lập mưu và tìm một lý do chính trị “Chúa Giêsu xưng mình là Vua! Ai xưng mình là Vua, kẻ ấy chống lại Caesar!” Với lý do đó, Philatô sợ và trao Chúa Giêsu cho họ mang đi đóng đinh. Trong trường hợp của Phaolô, Festus nói: “Họ chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giêsu nào đó đã chết, mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Phần tôi, phân vân trước cuộc tranh luận về những chuyện ấy, tôi hỏi xem ông ta có muốn đi Jerusalem để được xử tại đó về vụ này không. Nhưng Phaolô đã kháng cáo, xin dành vụ này cho Thánh Thượng xét xử, nên tôi đã ra lệnh giữ ông ta lại cho đến khi giải lên hoàng đế.” Phaolô rất khôn ngoan, vì ông biết nếu họ xử ông ở Jerusalem, ông chắc chắn sẽ bị buộc tội và bị chết.

2/ Phúc Âm: Hãy chăm sóc chiên của Thầy.

2.1/ Chúa Giêsu trao cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên của Ngài: Trình thuật hôm nay nằm trong chương cuối cùng của Tin Mừng Gioan. Nhiều học giả Kinh Thánh cho chương 21 không phải chính Gioan viết, nhưng là do các môn đệ của ông thêm vào; nhưng có rất nhiều điểm Gioan đã trình bày trong các chương trước được nêu bật trong chương này:

(1) Sự quan trọng của tình yêu: Trong các chương 13-16, Chúa Giêsu đã đề cập rất nhiều với các môn đệ về việc liên hệ giữa tình yêu và giữ các giới răn: Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy giữ các giới răn của Thầy; và giới răn quan trọng nhất trong Tin Mừng Gioan là giới luật yêu thương. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu hỏi Phêrô đến 3 lần: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Điều này làm chúng la liên tưởng ngay đến 3 lần Phêrô đã chối Chúa Giêsu trong Cuộc Thương Khó của Ngài.

(2) Phải có tình yêu của Thiên Chúa trước khi có thể phục vụ tha nhân: Bắt đầu chương 13, khi Chúa Giêsu biết đã sắp đến giờ Ngài phải về với Chúa Cha; và để tỏ tình yêu thương cho các môn đệ, Ngài đã hạ mình làm công việc của người đầy tớ phục vụ chủ: Ngài rửa chân cho các ông! Sau khi rửa chân, Ngài đã nói với các môn đệ đang sững sờ ngạc nhiên về hành động của Ngài: ” Anh em gọi Thầy là “Thầy,” là “Chúa,” điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Jn 13:13-14).

Chúa Giêsu phải hỏi Phêrô tới 3 lần trước khi trao cho ông nhiệm vụ chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Ngài. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho Phêrô biết phải có tình yêu Chúa ông mới có thể hoàn tất sứ vụ Ngài trao; vì đó là sứ vụ rất khó khăn và đòi nhiều hy sinh và kiên nhẫn. Đó cũng là sứ vụ rất dễ bị nản chí và bỏ cuộc, vì không được đền bù bằng địa vị và lương bổng.

2.2/ Phải sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đòan chiên: Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu cũng dạy dỗ các môn đệ: “Không có tình yêu nào cao quí cho bằng tình của người sẵn sàng hy sinh tính mạng cho người mình yêu.” Chúa Giêsu không chỉ dạy như một điều lý tưởng; nhưng Ngài đi tiên phong vác Thập Giá và chết cho các ông và con người, để khuyến khích các ông cũng phải làm như vậy cho nhau và cho đoàn chiên Chúa như người Mục Tử Tốt Lành. Trong trình thuật hôm nay, Ngài nói với Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy!”

Noi gương Thầy Chí Thánh, Phêrô can đảm từ bỏ mọi sự: gia đình, nghề nghiệp, danh vọng, để lãnh trách nhiệm coi sóc đoàn chiên Chúa là Giáo Hội, trong giai đoạn đầu cực kỳ khó khăn; và trong khi về già, ông sẵn sàng chịu chết vì Danh Chúa. Chỉ có một điều khác với Chúa Giêsu là ông xin cho được chịu đóng đinh ngược, vì ông cảm thấy mình không xứng đáng để chịu đóng đinh như Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Lãnh đạo các tín hữu trong Giáo Hội rất khác với lề lối lãnh đạo dân chúng ngoài xã hội. Chúa Giêsu đòi hỏi người mục tử phải thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, và lãnh đạo bằng tình yêu và phục vụ; chứ không bằng quyền hành và ra lệnh.

– Vì yêu Thiên Chúa, người mục tử được trao phó đoàn chiên để săn sóc, bảo vệ, và yêu thương. Để hoàn tất sứ vụ, người mục tử nhiều khi phải hy sinh đến tính mạng của mình.

– Người mục tử sẽ không được đền bù theo kiểu của thế gian: địa vị, quyền hành, và lợi nhuận vật chất; nhưng ông sẽ tìm được niềm vui và yêu thương nơi Thiên Chúa, vì đã được đáp trả tình yêu của Ngài dành cho ông.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************