Ngày thứ sáu (29-04-2022) – Trang suy niệm

28/04/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần II Mùa Phục Sinh Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Cv 5, 34-42

“Các ngài hân hoan ra về, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Đức Giêsu”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Bấy giờ, có người biệt phái tên là Gamaliel, cũng là luật sĩ, có thế giá trong dân, đứng lên giữa công nghị, truyền dẫn các tông đồ ra ngoài trong giây lát, rồi nói với các người trong công nghị rằng: “Hỡi chư vị Israel, xin hãy thận trọng về việc chư vị định làm đối với những người này. Vì trước đây ít ngày, có tên Thêôđa nổi lên, tự xưng là một nhân vật, có độ bốn trăm người theo mình, y đã bị giết, và nhóm người theo y đều tan rã và không còn gì nữa. Sau y, lại có tên Giuđa người Galilêa, cũng nổi lên trong những ngày kiểm tra dân số, lôi kéo dân chúng theo mình, rồi chính hắn cũng chết, mọi kẻ theo hắn đều tan rã. Và bây giờ, tôi xin chư vị đừng can dự gì đến những người này, cứ để mặc họ: vì nếu một mưu toan hay việc này là do loài người, thì sẽ tự tan rã; nhược bằng bởi Thiên Chúa, thì chư vị không thể phá tan được, kẻo lỡ ra mang tội chống đối Thiên Chúa”. Họ đồng ý. Họ cho gọi các tông đồ vào, ra lệnh đánh đòn các ngài, và cấm tuyệt đối không được nhân danh Đức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Đức Giêsu. Và hằng ngày, tại đền thờ hay tại tư gia, các ngài cứ tiếp tục giảng dạy, và loan truyền Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 26, 1. 4. 13-14

Đáp: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi (c. 4ab).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1) Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? – Đáp.

2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. – Đáp.

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. – Đáp.

ALLELUIA: Cl 3, 1

Alleluia, alleluia! – Nếu anh em sống lại làm một với Đức Kitô, thì anh em hãy kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Đức Kitô, đang ngự bên hữu Thiên Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 6, 1-15

“Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”.

Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng Tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

29/04/2022 – THỨ SÁU TUẦN 2 PS

Th. Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT

Ga 6,1-15

CỘNG SỰ VIÊN CỦA CHÚA

Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” …Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. (Ga 6,10-12)

Suy niệm: Vài giờ sau khi cơn sóng thần xảy ra, nhiều người dự đoán sẽ thiếu vật phẩm, thuốc men cứu trợ các nạn nhân kịp thời. Không ngờ, vật phẩm thì sẵn sàng nhưng lại thiếu những thiện nguyện viên đến tận nơi, trao tận tay cho những người thiếu đói. Chúa Giê-su rất cần những tình nguyện viên cộng tác với Ngài phân phát lương thực thần linh. Càng chứng kiến cơn đói của đám đông bao nhiêu, Ngài càng cần nhiều người cùng Ngài phục vụ bấy nhiêu. Không hề thấy một cuộc phỏng vấn kiểm tra tay nghề nào được Chúa Giê-su thực hiện để tuyển chọn cộng sự viên. Công việc đơn giản đến mức ai cũng có thể làm được, cứ làm theo lời Ngài với hết sáng kiến của mình, miễn sao lương thực từ bàn tay Ngài đến được với đám đông.

Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, bạn là cộng tác viên của Chúa Giê-su phân phối lương thực Lời Chúa và Thánh Thể đến cho tha nhân. Mỗi ngày bạn có chia sẻ Lời Chúa được cho ai không? Người bệnh trong gia đình hay trong họ đạo được bạn chuẩn bị đón linh mục trao ban Thánh Thể thế nào?

Chia sẻ: Nhóm của bạn có chương trình gì cho việc săn sóc bệnh nhân?

Sống Lời Chúa: Thăm viếng chăm sóc bệnh nhân, hoặc giúp một người lơ là chuẩn bị tâm hồn rước lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa có thể làm phép lạ cho bánh đến tận tay người đói khát, nhưng Chúa lại dành phần việc phân phát ấy cho con. Cảm tạ ơn Chúa đã cho con làm cộng sự viên của Nước Trời.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Có người coi tôn giáo như một thứ duy tâm, duy linh,
chỉ để ý đến chuyện linh hồn, chuyện đời  sau,
mà hững hờ với cái đói cái no của thân xác, với chuyện áo cơm thường nhật.
Kitô giáo hẳn không phải là thế.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian
không phải chỉ bằng việc rao giảng như một thầy dạy,
mà còn bằng việc chữa bệnh thân xác như một thầy thuốc.
Ơn cứu độ do Ngài mang lại có tính toàn diện, cả xác lẫn hồn,
và ơn cứu độ ấy đã bắt đầu ngay từ đời này rồi.

Trong Mùa Phục sinh, Giáo hội cho ta nghe đọc chương 6 của Tin Mừng Gioan,
bởi lẽ chương này nói về Đức Giêsu là Bánh hằng sống, Bánh ban sự sống.
Chương này khởi đầu bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Phép lạ diễn ra ở bên kia hồ Galilê, vào mùa xuân, cỏ mọc xanh mướt.
Đám đông đến với Đức Giêsu đang ở trên núi với các môn đệ.
Tất cả bắt đầu bằng câu hỏi bất ngờ của Thầy Giêsu :
“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?”
Các câu trả lời của hai ông Philípphê và Anrê thật đáng thất vọng.
Hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút (c. 7).
Năm cái bánh lúa mạch và hai con cá khô thì thấm vào đâu (c. 9).

Nhưng Đức Giêsu lại cần năm cái bánh và hai con cá đó.
Ngài đón nhận sự đóng góp của con người, dù là rất nhỏ mọn.
Nhỏ mọn nhưng là tất cả những gì tìm được ở chốn hoang vu này.
Không có sự đóng góp của một em bé, không chắc phép lạ đã xảy ra.
Khi mọi người đã ngồi xuống trên cỏ theo lệnh các tông đồ,
Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát cho họ.
Chắc các tông đồ đã giúp Ngài phân phát đến tay dân.
Chính khi bẻ ra để phân phát thì bánh và cá hóa nhiều.
Chúng ta không hiểu được điều gì đang diễn ra.
Mầu nhiệm chia sẻ vẫn làm chúng ta ngỡ ngàng, sửng sốt.
Chia sẻ là biến điều ít ỏi ta đang có trở thành kho báu vô tận cho mọi người.
Chia sẻ làm chúng ta chẳng vơi đi, nhưng còn mãi.

Hơn năm ngàn con người đã được ăn tùy ý, được no nê, được dư thừa.
Gần một tỷ con người sống trên trái đất hôm nay cũng mong được như vậy.
Đức Thánh Cha coi việc liên đới chia sẻ
như một cách thức để thoát ra khỏi nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ước gì việc chúng ta chia sẻ Tấm Bánh thánh trong nhà thờ
giúp chúng ta tiếp tục chia sẻ những tấm bánh vật chất ngoài cuộc sống.

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới :
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những La-da-rô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.

Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.

Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.

 

Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

29 THÁNG TƯ

Mối Quan Tâm Từ Phụ Của Thiên Chúa

Người Mục Tử Tốt Lành là hình ảnh diễn tả độc đáo nhất về sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa, về mối quan tâm từ phụ của Ngài đối với con người. Do lòng từ bi của Ngài, Chúa Cha quyết định rằng Chúa Con phải đến để dẫn dắt đàn chiên của Ngài đến sự sống sung mãn – một sự sống phong nhiêu như dòng suối mát hay đồng cỏ xanh. Ngôi Lời đã hủy mình ra không và đã cứu độ chúng ta, làm cho chúng ta nên giống như Ngài đến nỗi mọi Kitôhữu đều có thể nói như Thánh Phao-lô: “Giờ đây không còn phải là tôi sống nữa, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng sự hiện diện đầy khích lệ của Đấng Cứu Chuộc không hề miễn cho chúng ta khỏi gánh vác thập giá. Sự hiện diện ấy là một ơn an ủi giúp ta kết hiệp với Thiên Chúa, giúp ta sống và chịu đau khổ theo thánh ý Thiên Chúa và vì ích lợi của anh chị em chúng ta.

Như vậy, chúng ta thấy rằng Đức Kitô đã triển khai một sứ mạng có tính quan phòng để phục vụ cho những người mà Chúa Cha đã trao cho Người. Người là Mục Tử Tốt Lành.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 29/4

Thánh Catarina Sieena, trinh nữ

Tiến sĩ Hội Thánh

Cv 5, 34-42; Ga 6, 1-15.

LỜI SUY NIỆM: Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6,5)

Trong Cựu Ước luôn cho chúng ta biết Thiên Chúa chạnh lòng thương dân của Ngài, Ngài thấy rõ nổi khổ cực của dân Ngài đang phải chịu, Ngài nghe thấu lời kêu cứu của dân Ngài. Nhưng giờ đây nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đến sống với con người và ở  giữa họ, trong một con người nghèo khó, để con người được gần giũ có thể đụng chạm đến Ngài. Ngài chạnh lòng thương khi nhìn thấy những kẻ đi theo Ngài đang đói, đang cần đến của ăn. Chính Ngài đã tự tay phân phát lương thực qua các Tông đồ của Ngài, một cách dư đầy.

Lạy Chúa Giêsu. Ước gì ngày hôm nay, mỗi người trong chúng con cũng năng chạy đến với Chúa trong kinh nguyện hằng ngày; đặc biệt trong mọi Thánh lễ để chúng con đều nhận được Thánh Thể làm lương thực trường sinh, nuôi sống linh hồn và thể xác chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 29-04

Thánh CATARINA THÀNH SIENA
Đồng Trinh, Tiến Sĩ Hội Thánh (1347 – 1380)

Cartarina sinh 1347 tại Siêna, là con út của một gia đình dông đảo, cha Ngài, ông Giacômô là một thợ nhuộm giàu có, Mẹ Ngài Mônna Lapa là một người quản trị có nhiều khả năng và giàu nghị lực của gia đình sống động này.

Cartarina đã trải qua tuổi nhỏ thơ ấu bình thường với tính vui đặc biệt khác hẳn với các anh chị. Nhưng với tuổi thanh xuân, Ngài đã say mê cầu nguyện trong cô tịch. Bà Lapa rất bực mình và có thời bà coi Cartarina như một đứa con khó trị, vì cô đã cưỡng lại sự hướng dẫn của mẹ trong những công việc như ăn mặc và giải trí, chống đối cả những đề nghị thành hôn và luôn cương quyết trong ý tưởng trở nên một nữ tu.

Ngay hồi 7 tuổi, Cartarina đã khấn với Đức Trinh nữ rằng : Chúa Giêsu là vị hôn phu duy nhất của mình. Lên 12 tuổi, cha mẹ muốn gả chồng cho Cartarina. Nhưng rồi cha mẹ Ngài đã hiểu rằng: không thể thay đổi ý định của Ngài được. Đàng khác, sau nhiều thử thách, cha mẹ Ngài phải cảm kích khi thấy Ngài vẫn dịu dàng tuân phục trong những việc nặng nề và từ đó họ không chống lại tiếng gọi thần linh nữa.

Năm 16 tuổi, Cartarina được mặc áo dòng ba Đaminh. Luật lệ dòng cho phép Ngài mặc áo đen trắng của dòng mà vẫn ở nhà với cha mẹ. Từ đó, trong 3 năm trời thánh nhân chỉ rời phòng riêng khi đi lễ và xưng tội. Ngài chỉ nói chuyện với cha giải tội của Ngài thôi. Sau này vị linh mục tốt lành này thú nhận rằng mình thường cảm thấy thiếu khả năng để hứơng dẫn Cartarina.
Cũng trong thời gian này có khi thánh nhân chỉ ăn một muỗng cháo và ngủ vài giờ mỗi ngày. Những khó nhọc khổ chế thể xác ấy còn quá nhẹ so với cơn thử thách mà quỷ gây ra trong tâm hồn. Khi hết các thử thách, Chúa Giêsu hiện đến dưới hình dạng bê bết máu trên thánh giá. Thánh nhân trách: – Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con một mình chiến đấu với những dày vò kia ?

Chúa trả lời : – Cha vẫn phải với con.

– Sao, Chúa ở giữa những tư tưởng kinh tởm làm nhơ nhớp linh hồn con sao ?

– Nhưng những thử thách ấy đâu có làm cho con phiền muộn quá mức ?

– Ôi, con kinh sợ và đau buồn quá mức ?

– Đó, các tư tưởng ấy đã không thể làm nhơ uế hồn con vì con tởm gớm chúng. Chính cha ngự trong lòng con và đã cho con ơn biết đau buồn vì chúng.

Chúa Giêsu đã thưởng công cho lòng dũng cảm và trung tín của Cartarina bằng cuộc viếng thăm này. Thánh nhân xin cho được kết hợp mật thiết với Chúa hơn. Trong một thị kiến, Đức trinh Nữ đã cầm tay thánh nữ và Con Ngài đã xỏ vào tay thánh nữ một chiếc nhẫn vàng và chỉ một mình thánh nữ trông thấy. Đây là Lễ Cưới nhiệm mầu.

Sau biến cố đặc biệt này, thánh nữ bắt đầu chia sẻ mọi việc trong nhà, nuôi dưỡng bệnh nhân và giúp đỡ những người nghèo. Người ta còn nhắc đến việc Ngài săn sóc cho một người cùi và một người bị ung thư; để vượt qua sự ngại ngùng, Ngài dám hôn vết thương tanh hôi của họ. Anh hùng săn sóc cho thể xác, chắc chắn Ngài cũng nhiệt tình lo lắng cho linh hồn con người . Một phạm nhân cứng lòng đã hối cải sau lời khuyên của thánh nữ, và lãnh nhận cái chết đạo đức trong tay thánh nữ.

Được ơn thấu suốt các tâm hồn, thánh nhân đã trở nên nơi tập họp của một lớp người đông đảo cầu thuộc đủ mọi thành phần. Họ bị lôi kéo bởi sự vui tươi lẫn đời sống khổ hạnh của Ngài, bởi tính khí bình dân lẫn sự hiểu biết sâu sắc về đường thiêng liêng, bởi nét đẹp bình dị của Ngài. Người ta gọi nhóm người qui tụ bên Ngài là “Trường phái thần bí”.

Với ảnh hưởng lớn lao ấy, thánh Cartarina được mệnh danh là “Thiên thần hòa giải” bởi những mối thù hận giữa gia đình không thể chống lại được ảnh hưởng của Ngài. Ngài nói : – Ghen ghét người lân cận là chống đối lại Thiên Chúa, là hủy diệt đối với người nuôi dưỡng nó, bởi vì ai sống trong ghen ghét, họ tự ghét bỏ mình còn hơn là ghét bỏ thù nghịch nữa.

Trước uy tín dặc biệt này của thánh nhân Bề trên đã đặt Ngài mang lời Chúa đến cho dân chúng. Ngài dạy ở Siêng Pisa, Rôma. Mọi người đều ngạc nhiên khi thấy một người con gái bình thường lại có thể diễn đạt tư tưởng như một nhà thần học và một nhà triết học.

Trở về phòng riêng, thánh nữ tiếp tục cuộc rao giảng Tin Mừng, khích lệ và nâng đỡ các tâm hồn. Ngài viết thư cho các vua chúa và cho cả Đức giáo hoàng, các tu sĩ vâng phục Ngài, các hiệp sĩ bày tỏ nỗi lòng với Ngài. Những việc hệ trọng nhất được giao phó cho Ngài, một trật Ngài có thể đọc cho hai hay ba thơ ký viết về những đề tài khác nhau. Bởi đó, Ngài đã giữ một vai trò lớn lao trong lịch sử, mang lại an bình cho Giáo hội, ngăn chận cuộc nổi loạn ở Pisa và Tôscane. Ngài là Thiên thần của Siêna trong cuộc nội chiến và dịch hạch. Nhiều thành phố nổi dậy chống lại Đức giáo hoàng Gregoriô XI là Đấng rời tòa sang Pháp.

Tháng 5 năm 1376, Ngài sang Avignon nài nỉ Đức giáo hoàng trở về Rôma. Các thư từ của Ngài thổi vào sự can đảm cần thiết cho cuộc trở về này. Khi cuộc nổi loạn ở Florence bùng nổ, người ta bỗng thấy thánh Cartarina xuất hiện, quỳ dưới chân thủ lãnh những người nổi loạn và nói: – Ông muốn tìm Cartarina phải không ? Nó đây, nhưng xin đừng hại những người này.

Cảm kích vì lòng gan dạ của thiếu nữ, người đứng đầu chấm dứt âm mưu nổi dậy.

Đức giáo hoàng Grêgoriô XI bỏ Avignon ngày 13 tháng 9 năm 1376. Khi đức giáo hoàng Gregoriô qua đời, Cartarina trở về Siena và đọc cho thơ ký viết cuốn: “Đối thoại về Chúa quan phòng”. Nhưng có sự chia rẽ, Ngài đứng về phía Urbanô VI. Trong những bức thư đầy sinh lực, Ngài kêu gọi các vua Au châu vâng phục Đức giáo hòang. Bốn trăm bức thư và cuốn sách thánh nhân để lại là một kho tàng lớn lao trong các tác phẩm thiêng liêng.

Giữa các hoạt động rực rỡ trên, thánh Cartarina đã phải chịu những đau đớn vô danh. Chúng ta biết rằng: từ Chúa nhật thứ IV mùa chay năm 1375, Ngài đã được in năm dấu thánh. Dấu chỉ lộ rõ sau khi Ngài qua đời.

Một chiều tháng giêng năm1380, thánh nhân đã ngã bệnh trong khi đọc một lá thơ viết cho đức giáo hoàng Urbanô. Phục hồi một phần, nhưng Ngài vẫn sống trong một cơn hấp hối nhiệm màu, một chuộc chiến đấu với ma quỉ. Và Ngài ngã bệnh hôn mê lần thứ hai khi đang cầu nguyện tại đền thờ thánh Phêrô và qua đời ba tuần sau vào ngày 29 tháng 4 năm 1380.

Ngài được mai táng dưới chân bàn thờ dòng Đaminh Santa Maria Sopra Minerva, nhưng đầu Ngài sau này được dời về Siena. Tám mươi mốt năm sau Ngài được phong thánh.

Ngày 04 tháng 10 năm 1970, đức Phaolô VI đã tôn phong Ngài vào hàng tiến sĩ Hội Thánh.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

29 Tháng Tư

Chúc Lành Của Người Cha

Ðức Hồng Y Cardjin, vị sáng lập của phong trào Thanh Lao Công, đã tự thuật như sau: “Tôi là con của giai cấp công nhân. Nếu tôi đã có thể trở thành linh mục, là cũng nhờ cha tôi”. Cha tôi là một công nhân nghèo. người đã phải hy sinh để nuôi dưỡng những đứa con mà hẳn người đã hãnh diện. Tôi còn nhớ, khi lên 13 tuổi, một buổi tối nọ, khi các anh chị của tôi đã lên giường đi ngủ, tôi rón rén bước xuống nhà bếp. Tôi đến gần cha tôi. Người đang ngồi trầm ngâm với chiếc ống điếu. Còn mẹ tôi thì đang khâu giày cho chúng tôi. Tôi rụt rè thưa với cha tôi: “Thưa ba, con có thể tiếp tục học không?”. Cha tôi trả lời: “Con ơi, ở tuổi con ba đã phải đi làm rồi. Nay thì ba đã già và sức ba cũng đã mòn”.

Tôi lấy hết can đảm để thuyết phục cha tôi: “Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn tở thành linh mục”.

Bình thường cha tôi là một người ít biểu lộ tình cảm. Nhưng tối hôm đó, khi vừa nghe tôi cho biết ý định làm linh mục, nước mắt người bỗng từ từ lăn trên gò má… Và đôi tay của mẹ tôi cũng run lên vì xúc động.

Cuối cùng, khi làm chủ được cơn xúc động, cha tôi mới thốt lên với tất cả cương quyết: “Ba má đã hy sinh quá nhiều… Nhưng để cho một người con làm linh mục, ba má nguyện sẽ tiếp tục hy sinh”.

Mà quảthực, cha mẹ tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa để tôi có thể tiếp tục học. Vừa mãn trung học, 8 ngày trước khi lãnh thưởng cuối năm, tôi nhận được điện tín nhắn tin cha tôi đau nặng.

Trên giường hấp hối, cha tôi nhìn tôi mỉm cười: đó là chúc lành cuối cùng mà người dành cho tôi. Người cha đáng thương, hy sinh cho đến chết để người con được trở thành linh mục.

Sau khi vuốt mắt người, tôi đã thề hứa sẽ hy sinh để trở thành linh mục, nhất là linh mục cho giới công nhân.

Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn. Nhưng tiếng gọi ấy luôn được ngỏ với con người trong một khung cảnh sống cụ thể. Khung cảnh ấy có thể là gia đình, là chợ búa, là trường học, là chỗ làm việc… Có những khung cảnh thuận tiện, mà cũng có những khung cảnh không thuận tiện. Có những nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm, vun xới. Có những nơi hạt giống ấy bị bóp nghẹt…

Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn, nhưng kẻ được gọi luôn là người đang sống cùng và sống với những người khác. Do đó, nếu không có sự nâng đỡ của những người xung quanh, hạt giống ơn gọi cũng sẽ mai một dễ dàng…

Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ý thức đầu tiên của chúng ta trong ngày hôm nay phải là: ơn gọi là vấn đề của mọi người Kitô. Từ gia đình, đến trường học, công sở… mọi người chúng ta đều có trách nhiệm nâng đỡ và bảo vệ hạt giống ơn gọi mà Chúa muốn gieo vào lòng những người anh chị em của chúng ta.

Thánh Gioan Bosco đã nói: phần thưởng quan trọng nhất mà Chúa có thể dành cho mọi gia đình Kitô, đó là kêu gọi một người con làm linh mục. Phần thưởng trọng đại ấy, Chúa dành cho các gia đình có con cái tận hiến cho Chúa, nhưng Ngài cũng dành cho tất cả những ai cách này hay cách khác biết cổ vũ, nâng đỡ và giúp phát triển ơn kêu gọi…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu – Tuần II – PS

Bài đọc: Acts 5:34-42; Jn 6:1-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nếu quả thật là việc do Thiên Chúa, quý vị không thể nào phá huỷ được.

Thời gian là một trong những yếu tố quan trọng để xác định điều gì là thật. Một vài ví dụ sẽ chứng tỏ điều này: cần thời gian để biết chiếc đồng hồ đeo tay làm ở Thụy-sĩ hay ở Trung-hoa;

cần thời gian để biết đâu là tình yêu chân thật và tình yêu qua đường; cần thời gian để biết đạo nào là đạo thật. Thông thường, khi muốn dẹp loạn, người ta chỉ cần giết người cầm đầu, như Chúa Giêsu cũng đã nhận định: “Họ sẽ đánh chủ chăn và đàn chiên sẽ tan tác.” Nhưng đã hơn 2,000 năm qua, mặc dù người ta đã giết Đức Kitô; nhưng đàn chiên của Kitô giáo đã không tan tác, mà còn phát triển thêm dân số mỗi ngày. Sự hiện hữu của Kitô Giáo cho đến ngày nay là một bằng chứng hùng hồn nữa cho sự phục sinh của Đức Kitô: Ngài vẫn đang hoạt động trong Giáo Hội.

Các Bài Đọc hôm nay muốn chứng minh uy quyền của Thiên Chúa: khi Ngài muốn, Ngài sẽ hoàn thành; không một khó khăn hay quyền lực nào có thể ngăn cản ý định của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, kinh-sư Gamaliel đề nghị Thượng Hội Đồng hãy cẩn thận trong việc bắt bớ các môn đệ của Thiên Chúa. Theo kinh nghiệm của ông, hãy cứ để cho thời gian gạn lọc: nếu đó không phải là việc của Thiên Chúa, sớm muộn gì rồi điều đó cũng tan; nhưng nếu việc đó do ý định của Thiên Chúa, quý vị không thể nào phá huỷ được. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu muốn nuôi dân, Ngài tìm cách cho dân có của ăn, mặc dù các tông đồ đưa ra những khó khăn. Khi Ngài không muốn dân chúng tôn làm vua, Ngài đi lên núi một mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy để cho thời gian gạn lọc sự sai trái.

1.1/ Thái độ khôn ngoan của ông Gamaliel: Ông là một người Pharisee được toàn dân kính trọng và là Thầy của thánh Phaolô trước khi trở lại (Acts 22:3). Ông truyền đưa các Tông-đồ ra ngoài một lát, và ông trình bày ý kiến với Thượng Hội Đồng: “Thưa quý vị là người Israel, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này: Thời gian trước đây, có Theudas nổi lên, xưng mình là một nhân vật quan trọng và kết nạp được khoảng bốn trăm người; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết. Sau ông, có Judah người Galilee nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác. Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa.” Họ tán thành ý kiến của ông vì đây là một ý kiến khôn ngoan dựa trên kinh nghiệm và lịch sử.

1.2/ Các Tông-đồ tiếp tục làm chứng cho Chúa Giêsu: Tuy đã tán thành ý kiến của ông Gamaliel, Thượng Hội Đồng vẫn dùng sức mạnh để dọa nạt các Tông-đồ. Họ cho gọi các ông lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra.

Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô.

2/ Phúc Âm: “Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.”

2.1/ Chúa Giêsu muốn nuôi ăn dân chúng: Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philíp: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

(1) Các môn đệ muốn Chúa thay đổi ý định: Có lẽ các ông quan niệm Chúa Giêsu cũng giống như một Rabbi, chỉ có bổn phận lo dạy dỗ và cắt nghĩa Lề Luật cho dân chúng, chứ không có bổn phận phải cho dân chúng ăn.

– Ông Philíp nại lý do không có tiền: “Thưa Thầy, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”

– Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, nại lý do không đủ thực phẩm: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”

(2) Chúa Giêsu biết những gì Ngài sắp làm: Tuy gặp sự can ngăn của các Tông-đồ và nỗi khó khăn phải tìm lương thực trong nơi hoang dã, Chúa Giêsu vẫn bảo các ông: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Ngài dùng uy quyền làm bánh hóa ra nhiều: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.”

Khi họ đã ăn no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.

Đây là hình ảnh của Bí-tích Thánh Thể trong Tin Mừng Gioan, tuy Gioan không tường thuật sự kiện Chúa Giêsu lập BT Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, nhưng Gioan dùng công thức truyền phép và diễn từ về sự quan trọng của Bí-tích này trong Chương 6. Chúa Giêsu muốn lập Bí-tích Thánh Thể để ở lại và cho dân chúng ăn Ngài mỗi ngày. Giống như thái độ của các Tông-đồ, con người ở mọi thời tiếp tục cho đây là điều không thể, hay chỉ là biểu tượng …, và nghi ngờ sự hiện diện đích thực của Chúa trong Bí-tích. Họ quên đi rằng: chẳng có gì là không thể đối với Thiên Chúa; một khi Ngài muốn, Ngài sẽ có cách để thực hiện.

2.1/ Dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua: Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm, họ nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” Lý do họ muốn tôn Ngài làm vua là để Ngài lo cho họ có bánh ăn; nhưng Chúa Giêsu muốn họ phải làm mới có bánh ăn. Khi Ngài cho họ ăn, Ngài không chỉ nuôi dưỡng phần xác; nhưng còn tăng nghị lực cho phần hồn của họ, để họ có sức mạnh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Khi Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, Người lánh mặt và đi lên núi một mình. Ngài không muốn làm vua họ như một ông vua thế gian vì họ đã có rồi; Ngài chỉ muốn làm vua trong tâm hồn của họ và trên Nước Trời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Khi làm việc tông đồ mà gặp khó khăn, chúng ta cần tin tưởng: “Nếu quả thật là việc do Thiên Chúa, không ai có thể phá huỷ được.” Nói cách khác: nếu là việc Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm cho thành; nếu không phải là việc Thiên Chúa muốn, hãy để chúng tiêu tan, đừng quá bận tâm lo lắng. Không ai có thể chống lại ý Thiên Chúa muốn.

– Chúng ta cần để cho thời gian gạn lọc sự giả tạo và sai trá trong cuộc đời. Đừng vội chạy theo những giáo lý mới hay những trào lưu mới, mà gạt bỏ những giá trị nền tảng của đạo và những truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội, của quê hương, hay của gia đình. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************