Ngày thứ sáu (30-10-2020) – Trang suy niệm

29/10/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Sáu Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:     Pl 1, 1-11

“Đấng đã khởi sự trong anh em công việc tốt lành, sẽ làm hoàn tất cho đến ngày của Đức Kitô”.

Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê. 

Phaolô và Timôthêu, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, kính gửi tất cả các thánh trong Đức Giêsu Kitô ở thành Philípphê, cùng với các chủ tịch giáo đoàn và các phụ tá. Nguyện chúc ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô, ở cùng anh em!

Tôi luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa của tôi mỗi khi nhớ tới anh em, trong mọi kinh nguyện mà tôi hân hoan cầu xin cho anh em, vì anh em đã góp phần rao giảng Tin Mừng ngay từ ngày đầu tiên cho tới bây giờ.

Tôi tin tưởng điều này là Đấng đã khởi sự trong anh em công việc tốt lành đó, sẽ làm hoàn tất cho đến ngày của Đức Giêsu Kitô. Mà tôi tưởng nghĩ về mọi người anh em như thế thì chính đáng: vì tôi tích để anh em trong lòng tôi, dù khi tôi mang xiềng xích, dù lúc tôi biện hộ hay củng cố Tin Mừng, mọi người anh em đều thông phần vào sự vui mừng của tôi. Thực, có Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: Tôi trìu mến tất cả anh em trong lòng Đức Giêsu Kitô là dường nào. Điều tôi khẩn nguyện là lòng yêu mến của anh em mỗi ngày một thêm chan chứa hơn, trong sự thông biết và mọi sự suy hiểu, để anh em biết xác định những điều tốt lành hơn, hầu giữ mình trong sạch và không gì đáng trách trong ngày của Đức Kitô, dư đầy hoa quả công chính, nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 110, 1-2. 3-4. 5-6

Đáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa (c. 2a).

Xướng:

1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi! – Đáp.

2) Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Người muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Đấng nhân hậu từ bi. – Đáp.

3) Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Ngài, cho tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Ngài thấy công cuộc quyền năng của Ngài, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 118, 36a và 29b

-Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 14, 1-6

“Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một người mắc bệnh thuỷ thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các Luật sĩ và biệt phái rằng: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?” Các ông ấy làm thinh. Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về. Đoạn Người bảo các ông rằng: “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?” Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

30/10/2020 – THỨ SÁU TUẦN 30 TN

Lc 14,1-6

NHANH NHẸN GIÚP ĐỠ

“Ai trong các ông có đứa con trai hay có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát.” (Lc 14,5)

Suy niệm: “Khi yêu thương người khác, bạn dành ưu tiên cho họ. Bạn nhận thức được tính khẩn cấp nỗi đau của họ” (C. West). Bệnh phù thũng tuy không phải là căn bệnh nguy hiểm chết người, nhưng gây khó chịu, đau đớn cho bệnh nhân khi tay chân bị phù nề. Chúa Giê-su sánh ví ai đó có đứa con trai rớt xuống giếng, con bò sa xuống hố sâu, phải cứu ngay, vì đó là chuyển khẩn cấp. Cũng với suy nghĩ đó, Đức Giê-su cho biết Ngài không thể để người anh em đang bị đau đớn ấy phải chịu đựng thêm một ngày nữa mới chữa bệnh. Phải chữa lành cho anh ngay lập tức, không trì hoãn một giây phút nào. Ta thử tưởng tượng anh vui mừng hạnh phúc như thế nào khi được Chúa chữa lành.

Mời Bạn: “Khẩn cấp là chú ý đến các tiểu tiết đáng quan tâm, với sự tôn trọng các tiểu tiết đáng được tôn trọng, mà không trì hoãn” (R. Norton). Lòng yêu thương đòi hỏi bạn nhạy bén với từng chi tiết nhỏ nhặt nơi người khác, để nhận ra nhu cầu của họ, và tìm cách đáp ứng. Sống trong gia đình, cộng đoàn, bạn đã nhạy bén trước nhu cầu của người thân yêu, cũng như nhanh nhẹn nâng đỡ họ chưa?

Sống Lời Chúa: Tôi tập nhận ra các đau khổ, ray rứt, buồn phiền của người lân cận, và mau chóng tìm phương cách nâng đỡ, liên đới với họ, như một cách thực hiện đức ái mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn nhạy bén trước nỗi đau của con người, nhanh nhẹn giúp họ vượt qua nỗi đau. Xin cho con có được trái tim yêu thương như Chúa, nhạy cảm trước đau khổ của người chung quanh con, và giúp đỡ họ sớm hết sức có thể. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Sống là bước đi mỗi ngày trong cuộc hành trình, phiêu lưu.
Hơn ai hết Đức Giêsu đã sống phận người của mình như thế.
Cuộc sống nay đây mai đó, không chỗ tựa đầu.
Cuộc sống bấp bênh, sống nhờ lòng tốt của người khác.
Hơn thế nữa, cuộc sống này còn bị đe dọa bởi quyền bính đạo đời.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, vài người Pharisêu báo tin cho Đức Giêsu
về việc tiểu vương Hêrôđê muốn giết Ngài (c. 31).
Họ khuyên Ngài nên ra khỏi vùng đất dưới quyền của Hêrôđê,
vì chính ông này đã giết ngôn sứ Gioan Tẩy giả.

Đức Giêsu lộ vẻ ung dung, không sợ hãi gì.
Ngài gọi Hêrôđê là con cáo, một con vật ranh mãnh quỷ quyệt (c. 32).
Đe dọa của ông ta không làm Ngài chùn bước.
Ngài vẫn tiếp tục làm điều đã làm như trừ quỷ và chữa bệnh.
Hôm nay, ngày mai, ngày mốt vẫn cứ như thế.
“Tôi phải tiếp tục đi” (c. 33).
Đức Giêsu biết rất rõ mình đang đi đâu và đến đâu.
Ngài sẽ tiếp tục lên đường, không phải vì sợ quyền lực của Hêrôđê,
nhưng vì Ngài chấp nhận ở dưới quyền của Thiên Chúa.
Ngài hướng tới Giêrusalem, nơi nhiều ngôn sứ đã chịu bách hại.
Đức Giêsu ý thức mình là một ngôn sứ của Thiên Chúa.
Số phận của Ngài cũng chẳng hơn gì bao ngôn sứ khác.
Cái chết đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem.

Giêrusalem là nơi đáng sợ, nhưng cũng là nơi đáng thương.
Đức Giêsu đã âu yếm gọi hai lần: “Giêrusalem, Giêrusalem!”
Ngài tự ví mình như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh.
“Đã bao lần Ta muốn… nhưng các ngươi lại không muốn” (c. 34).
Một tình yêu bị từ chối nên thốt lên những lời thở than.
Vị ngôn sứ Giêsu phải dừng bước khi con người khép lòng mình lại.
Án phạt đến từ thái độ từ khước của con người,
giống như đàn gà con không để cho gà mẹ chở che dẫn dắt.
“Nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (c. 35).
Thiên Chúa bỏ đền thờ, bỏ thành thánh Giêrusalem mà đi,
để mặc cho quân thù vây hãm và tiêu hủy.
Nhưng rồi sẽ đến ngày Đức Giêsu trở lại trong vinh quang.
Lúc ấy mọi người sẽ tung hô: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.

Chúng ta cũng có sứ mạng làm ngôn sứ như Đức Giêsu.
Những đe dọa, đụng chạm đến an toàn là điều không tránh khỏi.
Nhưng chúng ta vẫn được mời gọi đi đến cùng con đường của mình,
với một tinh thần bất khuất, không gì lay chuyển.
Vẫn phải trung thành với việc được Thiên Chúa giao,
dù điều đó dẫn ta đến với cái chết.
Trước một Giêrusalem thù nghịch, xin có được đảm lược của Giêsu.
Trước một Giêrusalem từ khước, xin có được lòng nhân hậu.
Để trái tim chúng ta biết kết hợp đảm lược với lòng nhân.

Cầu nguyện:

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu
trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.
Sự hy sinh của các ngài
cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết
và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.
Dù mang phận người yếu đuối,
nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,
các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài
biết can trường sống đức tin của bậc cha anh
trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,
biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu
bằng một đời hiến thân phục vụ.

Ước gì ngọn lửa đức tin
mà các ngài đã thắp lên
bằng cuộc sống và cái chết,
được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.

Ước gì máu thắm của các ngài
thấm vào mảnh đất quê hương
để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

30 THÁNG MƯỜI

Tình Yêu Vượt Qua Mọi Rào Chắn

Giáo Hội bước đi trên con đường tình yêu và chân lý. Trong tình yêu, Giáo Hội nhận ra mọi người đều là con cái Thiên Chúa, là anh chị em bình đẳng trong phẩm giá, bất kể địa vị xã hội, chủng tộc, tôn giáo của họ là gì. Trong chân lý, Giáo Hội vượt qua tình trạng nô lệ cho sự sai lầm, đạt được sự tự do mới mẻ trong tâm trí. Thật vậy, không thể có rào cản nào phong tỏa tình yêu Thiên Chúa.

Tiên vàn chúng ta, trong tư cách là những người Kitô hữu, phải không ngừng tín nhiệm vào sức mạnh của thập giá – để chiến thắng tội lỗi và giao hoà thế gian với Thiên Chúa. Như tôi đã nhấn mạnh trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình 1986: “Các Kitô hữu, được soi sáng bởi đức tin, nhận biết rằng sở dĩ thế giới này trở thành một đấu trường xâu xé, căng thẳng, thù địch, bế tắc và bất bình đẳng (thay vì là một nơi của tình huynh đệ chân thành), thì đó chính là vì tội lỗi, nghĩa là vì sự rối loạn luân lý của con người. Kitôhữu cũng biết rằng ân sủng của Đức Kitô không ngừng được ban tặng cho thế giới, và ân sủng ấy có thể biến đổi tình trạng này của nhân loại, bởi vì “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng chứa chan” (Rm 5, 26).

Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta nên một, như Ngài và Chúa Cha là một. Trong hiệp thông với Giáo Hội, chúng ta kết hiệp với Đức Giêsu và tìm được sức mạnh và nguồn cảm hứng để vượt qua mọi rào cản và chia rẽ, và xây dựng những mối hiệp nhất mới mẻ và chặt chẽ hơn: Mối hiệp nhất trong các gia đình và giáo xứ, mối hiệp nhất trong các giáo hội địa phương, và giữa các giáo hội thuộc những nghi lễ khác nhau; mối hiệp nhất trong hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và với Giám Mục Rôma.

Thế giới đang chờ đợi những chứng từ sống động về đức tin và tình yêu của chúng ta. Như Công Đồng Vatican II nói: “Tất cả các tín hữu hãy nhớ rằng, họ càng cố gắng sống theo Tin Mừng, họ sẽ càng thăng tiến và sống triệt để hơn sự hiệp nhất giữa các Kitôhữu” (Sắc lệnh về Đại kết, 7). Tất cả chúng ta cố gắng để nên một trong sự hiệp nhất với Đức Kitô Giêsu và với Giáo Hội Ngài.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 30/10

Pl 1, 1-11; Lc 14, 1-6.

LỜI SUY NIỆM: “Một ngày Sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa, họ cố dò xét Người. Và kìa trước mặt Đức Giêsu, có một người mắc bệnh phù thủng. Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pharisêu: “Có được phép chữa bệnh ngày Sabát hay không?”

       Trong đoạn Phúc Âm này cho chúng ta thấy, đây là một cuộc sắp dặt của những người thông luật và người Pharisêu cũng như chủ nhà là một thủ lãnh, khi họ đã cài sẵn một bệnh nhân trong ngày Sabát trước mặt Chúa Giêsu, họ muốn dò xét Chúa Giêsu. Người biết tâm địa của họ, Người đặt câu hỏi, nhưng rồi chính Người đã chữa lành cho người phù thủng trong ngày Sabát. Đây không phải là lần đầu tiên Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát, mà Người đã chữa nhiều lần rồi; như Chúa chữa cho bà mẹ vợ ông Phêrô (Lc 4,38) chữa cho người bị bại tay (Lc 6,6) chữa cho người đàn bà bị còng lưng mười tám năm (Lc 13,14) người mù từ lúc mới sinh (Ga 9,14)…

       Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng con đừng bao giờ sống thách đố làm nhục nhau, nhưng cho chúng con luôn biết sống yêu thương chân thành với một tình huynh đệ có cùng một Cha chung trên trời. Để tất cả được hạnh phúc và bình an trong Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

30 Tháng Mười

Viên Ðá Quý 

Edith Stein, đó là tên của một người đàn bà mà chúng ta thường nghe nhắc đến nhiều lần nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Tây Ðức năm 1987.

Stein theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù, chiến tranh. Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.

Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hòa toàn niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham. Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ cụt của cuộc sống. Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như khôg thể vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. Ðó là điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách… Edith Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên hùng cho người phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.

Trong ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của người Do Thái… Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành.

Thập giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến.

Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá. Ðã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh nặng của thập giá… Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề.

Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống. “Hãy vác lấy thập giá và theo Ta”, đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu Tuần 30 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: Phil 1:1-11; Lk 14:1-6.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cách giải quyết xung đột

Trong cuộc sống, khác biệt ý kiến là điều không thể tránh khỏi vì trăm người trăm ý. Những khác biệt ý kiến là nguyên nhân đưa tới xung đột khi con người phải bảo vệ quyền lợi của mình. Khi xảy ra xung đột con người có thể rơi vào 2 phản ứng: hoặc cố gắng giải quyết xung đột để con người có thể dung hòa chung sống với nhau hoặc tìm cách khai trừ nhau bằng chiến tranh dưới mọi hình thức. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô nêu lên những hành động cần thiết để giúp con người có thể giải quyết những xung đột. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chấp nhận lời mời dự tiệc tại nhà người Biệt-phái để cho họ có cơ hội nhìn ra sự thật.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mọi người đều góp phần trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.

1.1/ Khiêm nhường: Đây là thái độ cần thiết nhất cho việc giải quyết các xung đột vì kiêu ngạo là lý do đưa đến bất hòa. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Philipphê phải duy trì sự hiệp nhất trong tinh thần khiêm nhường: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Phil 2:3).

1.2/ Mọi người đều góp phần trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Các tín hữu cần ý thức được vai trò của mọi người ở đời này là góp phần trong việc mang Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa tới chỗ tòan hảo. Vì thế, mọi người cần phải vui mừng và cảm tạ Thiên Chúa khi thấy người khác góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng, chứ không ghen tị khi thấy người khác thành công hay có được địa vị cao hơn trong Giáo Hội. Hơn nữa, mỗi người còn cần phải cầu nguyện để mọi người luôn có được lòng hăng say rao giảng như gương của Thánh Phaolô: “Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em. Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.”

1.3/ Lấy tình thương lấp đầy mọi khác biệt hay xung đột: Người Việt-Nam có lẽ nhận ra tầm quan trọng hàng đầu của tình thương trong việc giải quyết các xung đột khi nói: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề; một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.” Thánh Phaolô bày tỏ tình yêu của ngài với các tín hữu Philipphê và ước mong họ cũng được thông phần với những đau khổ của ngài: “Tôi có những tâm tình như thế đối với tất cả anh em, đó là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi. Khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố Tin Mừng, anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được. Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Kitô Giêsu.”

Để tránh những xung đột xảy ra trong gia đình hay cộng đòan, cha mẹ và những người lãnh đạo không chỉ chứng tỏ tình yêu của mình bằng hành động, nhưng còn phải giáo dục, cầu nguyện, và tạo bầu khí yêu thương cho mọi thành phần trong cộng đòan. Thánh Phaolô ý thức được tầm quan trọng của đức mến trong sự hiệp nhất nên ngài luôn cầu nguyện cho các tín hữu: “Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm. Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.”

2/ Phúc Âm: Xung đột giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu

2.1/ Xung đột giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu: Thánh Luca tường thuật 2 thái độ khác nhau:

(1) Thái độ của ông Thủ Lãnh nhóm Pharisêu: Ông mời Chúa Giêsu dùng bữa và xếp đặt sẵn một người bị bệnh phù thủng, để gài bẫy xem Ngài có chữa bệnh trong ngày Sabbath;

(2) Thái độ của Chúa Giêsu: Mặc dù biết rõ ác ý của họ, nhưng Chúa Giêsu vẫn nhận lời mời dự tiệc, vì Chúa muốn cho họ có cơ hội nhìn thấy sự thật để thay đổi lối sống giả hình.

2.2/ Chúa Giêsu trình bày sự thật và chữa lành người bệnh: Không chút do dự, Chúa Giêsu chủ động tiến trình hòa giải bằng việc đặt câu hỏi với các Kinh-sư và những người Biệt-phái: “Có được phép chữa bệnh ngày Sabbath hay không?” Nhưng họ làm thinh không trả lời. Làm thinh có thể vì (1) không biết trả lời; hay (2) giả vờ như chuyện ấy không liên quan gì tới mình. Các Kinh-sư và Biệt-phái có lẽ đang ở trong tình trạng thứ hai.

Không chút sợ hãi, Chúa Giêsu đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi, và cho về. Rồi Người chất vấn họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sabbath?” Giếng lộ thiên rất thường xuyên gặp trên đất Palestine và là nguyên nhân các tai nạn cho con người cũng như súc vật (x/c Exo 21:33). Khi tai nạn té xuống giếng xảy ra, không ai thắc mắc có được kéo người hay súc vật dưới đó nên không; vì đó là việc phải làm. Việc Chúa chữa bệnh trong ngày Sabbath cũng vậy, đó là việc cứu người cần làm. Tại sao họ lại đặt thành vấn đề?

2.3/ Lối sống hai mặt của các Kinh-sư và những người Biệt-phái: Chúa mời gọi họ đối thọai để tìm ra sự thật phải theo nhưng họ làm thinh. Chúa chất vấn họ về lối sống hai tiêu chuẩn: một tiêu chuẩn cho những người thân cận hay cho tài sản của họ, và một tiêu chuẩn cho những người dân vô tội; nhưng họ không thể đáp lại những lời chất vấn của Chúa. Thánh Luca không tường thuật phản ứng sau cùng của những người Pharisêu này; nhưng hầu hết sau những lần chất vấn của Chúa, họ trở nên tức giận hơn và tìm cách để bắt bớ Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Khi có xung đột, chúng ta cần có thái độ khiêm nhường và khách quan để nhìn ra sự thật; đừng để những lợi nhuận làm mờ mắt đến nỗi chúng ta không nhìn ra sự thật.

– Trên hết mọi sự, cần có nhân đức yêu thương để có thể hàn gắn những khác biệt và giải quyết mọi xung đột.

– Để bảo đảm công bằng, cần tiêu diệt lối sống hai tiêu chuẩn: một cho mình để bảo vệ người thân và quyền lợi của mình, một cho tất cả những người khác. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************