Ngày thứ tư (09-02-2022) – Trang suy niệm

08/02/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần V Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 V 10, 1-10

“Nữ hoàng Saba đã nhìn thấy mọi sự khôn ngoan của vua Salomon”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, nữ hoàng Saba nghe biết Salomon nổi tiếng vì danh Chúa, bà đến hỏi thử ông nhiều câu đố. Bà đến Giêrusalem với đoàn tuỳ tùng đông đảo và nhiều của cải, gồm có lạc đà chở thuốc thơm, vô số vàng và đá ngọc quý báu. Bà yết kiến Salomon và bày tỏ cùng vua mọi nỗi niềm tâm sự. Salomon giải đáp mọi vấn nạn bà nêu ra, và không một lời bí ẩn nào mà không được vua giải đáp.

Nữ hoàng Saba nhìn thấy sự khôn ngoan của Salomon, thấy nhà ngài xây cất, món ăn ngài dùng, nhà của quần thần, trật tự của các công thần và y phục của họ, các quan chước tửu, và các của lễ toàn thiêu mà ngài hiến dâng trong đền thờ Chúa, thì bà hết hồn. Bà thưa cùng vua rằng: “Thật đúng như lời tôi nghe đồn trong xứ tôi về các công trình và sự khôn ngoan của ngài. Và lúc đó tôi không tin những điều người ta kể cho tôi, cho tới khi tôi đến đây, chính mắt tôi đã trông thấy, và tôi quả quyết rằng những điều đồn đại tôi nghe chưa bằng một phân nửa. Sự khôn ngoan và các công trình của ngài còn vĩ đại hơn tiếng đồn tôi đã nghe. Phúc cho thần dân của ngài, và phúc cho các cận vệ của ngài, luôn luôn được ở trước mặt ngài và nghe lời khôn ngoan của ngài. Chúc tụng Thiên Chúa của ngài là Đấng yêu thương ngài, và đặt ngài lên ngôi báu Israel. Vì Chúa yêu quý Israel muôn đời, nên đã đặt ngài làm vua, để ngài cai trị công minh chính trực”. Vậy bà tặng vua một trăm hai mươi nén vàng, một số rất lớn thuốc thơm và đá ngọc quý giá. Người ta không khi nào thấy một số thuốc thơm nhiều hơn thuốc thơm mà nữ hoàng Saba tặng cho vua Salomon. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 36, 5-6. 30-31. 39-40

Đáp: Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan (c. 30a).

Xướng:

1) Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, hãy trông cậy vào Người và để chính Người hành động. Người sẽ làm cho chính nghĩa bạn sáng như bình minh, và quyền lợi bạn tỏ như giờ ngọ. – Đáp.

2) Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan, và lưỡi người nói điều đoan chánh. Luật Thiên Chúa ở trong lòng người, và bước chân người không xiêu té. – Đáp.

3) Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ họ dung thân. Chúa bang trợ và giải thoát họ, Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 7, 14-23

“Những gì từ con người ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy. Người liền bảo các ông: “Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra”. Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch. Người lại phán: “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

09/02/2022 – THỨ TƯ TUẦN 5 TN

Mc 7,14-23

TỐT XẤU HỆ TẠI TÂM

Đức Giê-su nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.” (Mc 7,20-22)

Suy niệm: Thiên Chúa là Đấng Thánh. Những gì thuộc về Ngài đều là thánh. Người Do Thái tự hào mình là dân thánh vì được thánh hiến cho Thiên Chúa (Xh 19,6). Sự thanh sạch được coi như là biểu hiện của sự thánh thiện. Vì thế, người Do Thái, đặc biệt giới kinh sư và Pha-ri-sêu, những thành phần được coi là có trách nhiệm bảo vệ ‘sự thánh’, rất chú trọng đến việc giữ mình khỏi sự ô uế. Họ đặt ra nhiều qui định như: “không ăn gì khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng” (Mc 7,3-4), vì tưởng rằng tẩy rửa bên ngoài đủ để thanh sạch cả trong tâm hồn. Nhưng họ đã lầm, bởi theo Chúa Giê-su, thanh sạch phải từ trong tâm hồn vì “chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15).

Mời Bạn: Tâm tốt sẽ sinh ra hành vi tốt. Và để có được tâm tốt, cần bồi bổ những dưỡng chất tốt. Vậy, bạn thường nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những thứ gì? Là thần lương ban xuống từ trời, hay những thứ ô uế do ma quỉ bày ra?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian mỗi ngày để đọc và suy gẫm Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã đến để chúng con được sống và sống dồi dào. Xin hấp dẫn con bởi chính Chúa, để trong quyền năng, tâm hồn con được biến đổi, nhờ đó mà đời sống con sinh nhiều hoa trái tốt. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Sách Lêvi chương 11 nói đến một số cấm kỵ về ăn uống dành cho người Do thái.
Chỉ được ăn những con vật vừa có móng chẻ hai, vừa nhai lại.
Bởi đó không được ăn thịt lạc đà, thỏ, heo (Lv 11, 3-8).
Chỉ được ăn những con vật ở dưới nước nếu chúng có vây và có vẩy.
Chỉ được ăn các côn trùng có cánh đi bằng bốn chân,
nếu chúng có thêm càng để nhảy trên đất.
Bởi đó được ăn dế, châu chấu, cào cào (Lv 11, 20-23).
Nếu ai ăn những thức ăn bị cấm, người đó sẽ trở nên ô uế,
không được tham dự những nghi lễ ở nơi thờ tự.
Chúng ta không quên chuyện bảy anh em bị vua Antiôkhô ép ăn thịt heo,
và họ đã chấp nhận cái chết hơn là vi phạm luật Chúa (2 Mcb 7).

Ngày nay chúng ta ngạc nhiên về chuyện cấm đoán này,
nhưng vấn đề ăn uống đã từng là chuyện nóng bỏng trong Giáo Hội sơ khai.
Một câu hỏi đã khiến Giáo Hội phải suy nghĩ:
Sau khi trở nên Kitô hữu, dân ngoại có phải giữ những cấm kỵ trên không?
Công đồng đầu tiên chỉ cấm họ không được ăn huyết và thú chết ngạt (Cv 15, 20).

Lập trường của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay rất khác thường.
Ngài nói một nguyên tắc có vẻ như đi ngược với sách Lêvi:
“Không có gì từ ngoài vào trong con người, lại có thể làm nó ra ô uế” (c.15),
“Mọi thứ từ bên ngoài vào trong con người không thể làm nó ra ô uế” (c. 18).
Đối với Đức Giêsu, chính cái xấu xa từ bên trong, từ trái tim con người,
cái ấy mới làm cho con người nên ô uế. (cc. 15, 20, 23).

Con người hôm nay dễ mắc bệnh tim mạch.
Trái tim, một cơ quan nhỏ bé nằm ở bên trái lồng ngực,
thường bị căng thẳng và quá tải, dẫn đến đột quỵ.
Đức Giêsu mời chúng ta đi vào trái tim mình (c.21),
khám phá ra thế giới tối tăm ẩn khuất của nó.
Chúng ta có thể ngỡ ngàng khi thấy ở đó không có tình yêu bác ái vị tha,
mà chỉ có những tình cảm hỗn độn của lòng vị kỷ (cc. 21-22).
Đức Giêsu mời chúng ta nhận ra
những cái ô uế từ ngoài đi vào bên trong trái tim (c. 19),
và những ý định ô uế từ trong trái tim xuất ra ngoài.
Những ý định này có thể biến thành hành động hết sức nguy hiểm.

Vấn đề không phải là khám tim định kỳ hay khi thấy đau ngực.
Vấn đề là thanh lọc trái tim khỏi những đam mê tội lỗi
đang làm nó bị hư hỏng từ bên trong.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.

Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.

Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.

Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.  

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

9 THÁNG HAI

Cần Phải Sưu Tầm Và Gìn Giữ Các Kho Tàng Nghệ Thuật

Trong nghệ thuật Kitô giáo, tính nguyên tuyền và tinh khôi của kinh nghiệm tôn giáo đã được diễn tả một cách tuyệt vời qua những tác phẩm vốn có thể được coi là sự thể hiện rạng rỡ của Thánh Thần. Muôn màu muôn vẻ, những tác phẩm này bộc lộ những cảm nghiệm và nhận thức về ơn cứu độ của bao tín hữu xuyên qua các thế kỷ cho đến hôm nay. Chính truyền thống thu thập tất cả những loại hình nghệ thuật đa dạng ấy và chuyển trao cho mọi thế hệ đức tin và niềm hy vọng của Giáo Hội. Nhờ đó, nó có thể được đón nhận, được hiểu và được triển khai trong cuộc sống thực tiễn mỗi ngày của người tín hữu.

Gia sản phong phú được giữ gìn trong đời sống của dân Thiên Chúa được nghệ thuật biểu lộ một cách độc đáo đến nỗi qua đó người ta có thể cảm nhận được giá trị của tâm linh con người, cảm nhận được mối quan hệ sâu thẳm giữa con người và Thiên Chúa, và cảm nhận được cuộc gặp gỡ với Ngôi Lời nhập thể.

Chính trái tim và bàn tay thấm đẫm yêu thương của con người – ở giữa muôn vàn khổ lụy – đã khắc họa nên khuôn mặt của con người trên đường lữ hành trần gian và đã phản ảnh uy phong khôn tả của Đấng Tạo Hóa. Vì thế, chúng ta nghiêng mình trước những bức họa và những bức phù điêu mà kho tàng nghệ thuật Kitô giáo chuyển trao cho chúng ta từ bao thế kỷ.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 09/2

1V 10, 1-10; Mc 7, 14-23.

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu lại gọi đám đông tới và bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Ai có tai nghe thì nghe!”

          Nhân câu chuyện những người Pharisêu và kinh sư, đặt vấn đề về chuyện các môn đệ của Người không rửa tay trước khi dùng bữa, như thế là bị ô uế. Về sự ô uế và không ô uế; Chua Giêsu cho biết thế nào là làm cho con người ra ô uế: chính là những ý định xấu từ trong con người xuất ra: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xão trá, trác táng, ganh tỵ phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã phân định rõ cho mỗi người trong chúng con biết thế nào là làm cho con người ra ô uế. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn có tâm hồn trong sạch và ngay thẳng để chiến thăng nhưng điều Chúa đã nêu rõ đó là: “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xão trá, trác táng, ganh tỵ phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.” Để chúng con xứng đáng được gọi là con cái của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

09 Tháng Hai

Khi Yêu Trái Ấu Cũng Tròn

Ignacy Paderewski là một chính trị gia kiêm nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng của Balan. Ông đã từng là chủ tịch Hội Ðồng Nhà Nước năm 1919.

Một hôm, ông đến thăm một người bạn. Do sự yêu cầu của gia đình người bạn, ông đã ngồi vào đàn dương cầm để biểu diễn một vài bản nhạc do chính ông sáng tác. Tiếng đàn vang lên trong cả khu phố. Từ phòng bên cạnh, một người đàn bà đang chăm chú dọn dẹp và sắp đặt lại trật tự trong nhà. Tiếng đàn du dương của nhà nhạc sĩ đại tài, thay vì làm vui tai bà, lại làm cho bà khó chịu. Người đàn bà đã nhắc điện thoại lên yêu cầu người bạn cho nhạc sĩ Paderewski ngưng chơi đàn, vì bà không chịu nổi tiếng ồn ào. Nhưng người bạn của nhà nhạc sĩ mới giải thích: “Thưa bà, người đang chơi đàn chính là nhạc sĩ Paderewski đại tài của chúng ta đó”.
Vừa nghe nhắc đến tên của nhạc sĩ, người đàn bà láng giềng khó tính bỗng đổi giọng tức khắc. Những âm thanh trước kia bà nghe như tiếng ồn ào, nay được bà đón nhận như những âm thanh tuyệt mỹ. Người đàn bà bèn gọi điện thoại mời bà con và bạn bè đến thưởng thức những tấu khúc của Paderewski.

Cũng một âm thanh, nhưng có lúc người đàn bà nghe như những tiếng ồn ào khó chịu, có lúc lại được bà đón nhận như khúc nhạc tuyệt mỹ. Ðó cũng là phản ứng thường tình của chúng ta. Khi chúng ta mang sẵn thành kiến đối với người nào đó, thì dường như tất cả những gì người đó nói hay làm đều được chúng ta đón nhận một cách tiêu cực. Yêu nhau thì trái ấu cùng tròn, mà ghét nhau thì cau bảy cũng bổ ra làm mười. Thái độ của chúng ta đối với người khác tùy thuộc ở cái nhìn của chúng ta về người đó. Nếu chúng ta chỉ nhìn người đó bằng lăng kính của thành kiến có sẵn, thì dĩ nhiên, chúng ta không thể yêu thích được bất cứ điều gì người đó nói hay làm.

Chúa Giêsu đã không nhìn người bằng thành kiến. Ngài tiếp đón tất cả mọi người. Ngài làm bạn với mọi người. Ngài ngồi đồng bàn với mọi người. Người biệt phái cũng có thể đến với Ngài. Ngài không nhìn người với những nhãn hiệu, mà chỉ bằng đôi mắt của Yêu Thương. Ngài không lắng nghe bằng những tiếng đồn đãi, bằng những định kiến, mà bằng sự cảm thông. Ngài không đo lường lầm lỗi bằng những thước đo của công lý mà chỉ xử lý bằng sự tha thứ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần 5 – TN2

Bài đọc: Gen 2:5-9, 15-17; I Kgs 10:1-10; Mk 7:14-23.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự cần thiết của khôn ngoan

Có người cho việc sống gần gũi với những kẻ tội lỗi là điều không nên làm, vì “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra, chứ không nhất thiết phải xảy ra. Chẳng hạn, người quân tử “sống gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Hay như Chúa Giêsu chủ trương: Ngài như một thầy thuốc đến tìm các con bệnh để chữa lành, mặc dù các biệt-phái và kinh-sư nghĩ Ngài cũng tội lỗi như những người thu thuế và gái điếm vì Ngài giao thiệp với họ. Điều làm cho bậc quân tử khác kẻ tiểu nhân và Chúa Giêsu khác với người thường là vì họ có khôn ngoan: biết cách hành xử đúng đắn và không dễ bị lây nhiễm bởi những điều xấu.

Các Bài Đọc hôm nay nêu bật sự quan trọng của khôn ngoan. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả tường thuật một trình thuật khác về việc tạo dựng. Thiên Chúa tạo dựng nên con người và đặt vào vườn Địa Đàng mà Ngài đã tạo dựng sẵn. Thiên Chúa truyền lệnh: Con người có thể ăn mọi trái cây trong Vuờn, ngoại trừ cây cho biết thiện và ác. Lệnh truyền này dẫn tới sự sa ngã của con người trong ít ngày tới, khi con người bất tuân lệnh Thiên Chúa. Chính hành động bất tuân ngu xuẩn này làm cho con người nhận ra sự xấu xa của tội lỗi mình. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, nữ hoàng Sheba từ xa đến triều kiến vua Solomon; vì muốn thử xem sự khôn ngoan của ông. Bà phải nhìn nhận sự khôn ngoan của Solomon còn hơn tiếng đồn. Trong Phúc Âm, truyền thống Do-thái cho con người ra xấu xa tội lỗi là vì không cẩn thận giữ các luật thanh tẩy. Chúa Giêsu phủ nhận truyền thống này khi Ngài tuyên bố chỉ có những gì phát ra từ tâm hồn, mới làm con người ra xấu xa tội lỗi mà thôi. Ngài cắt nghĩa cho các môn đệ hiểu điều này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Ngươi đừng ăn trái của cây cho biết điều thiện điều ác.

1.1/ Phân biệt hai trình thuật khác nhau về việc tạo dựng vũ trụ, P và J: Nếu một người chú ý đến việc thay đổi cách gọi Thiên Chúa, người đó sẽ thấy có 2 trình thuật khác nhau về việc tạo dựng. Các nhà chú giải phân biệt 2 trình thuật tạo dựng khác nhau trong việc tạo dựng. Trình thuật của truyền thống giáo sĩ, P, gọi “Thiên Chúa;” trong khi trình thuật Yahweh, J, gọi “Đức Chúa là Thiên Chúa.” Kiểu trình thuật của J sống động và cụ thể hơn P; kiểu mô tả về Thiên Chúa có vẻ con người hơn; tổng quan nhắm tới trái đất và con người, chứ không tới vũ trụ và thần tính như P. Theo nội dung của toàn thể trình thuật theo J hôm nay, việc tạo dựng là phần giới thiệu vào việc sa ngã, và là hệ quả của sự xa cách dần dần giữa con người và Thiên Chúa. Tất cả những điều này là phần giới thiệu của những câu truyện của các tổ-phụ, và cách tối hậu, cho những hành động cứu con người trong biến cố Xuất Hành. Vì thế, trình thuật của việc tạo dựng theo J, cũng như theo P, là bắt đầu của Lịch sử Cứu Độ.

Cũng như trình thuật của P, tác-giả nhấn mạnh đến tất cả là do Thiên Chúa tạo dựng. Ngài tạo dựng nên con người và ban cho người sự sống bằng cách “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” Điều này làm cho con người khác với các sinh vật khác, vì sự sống của con người là chính hơi thở của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm lên Vườn Địa Đàng Eden, và đặt con người vào đó. Nước để tưới cũng do Thiên Chúa dựng nên thay vì đã có sẵn như trình thuật của P. Theo tiếng Do-Thái, con người “adam” và đất “adamah” có chung mối liên hệ: con người bởi đất mà ra (câu 7); con người xử dụng đất để sinh sống (câu 5b); và con người sẽ trở về với đất (3:19).

1.2/ Lệnh truyền của Thiên Chúa cho con người:

(1) Hai cây hay một cây? Trình thuật kể: “Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.” Theo câu này, có 2 cây ở giữa vườn: cây trường sinh và cây cho biết điều thiện điều ác. Chúng ta sẽ trở lại điều này trong trình thuật về sự sa ngã của con người.

(2) Lệnh truyền của Thiên Chúa: Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” Hạnh phúc của con người có được là do việc tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa. Tội lỗi và chết chóc xảy ra là khi con người bất tuân lệnh Ngài.

2/ Bài đọc I (năm chẵn): “Chính vì lòng yêu thương Israel đến muôn đời, mà Đức Chúa đã đặt ngài làm vua, để ngài thi hành luật pháp và công lý.”

2.1/ Nữ hoàng Sheba khao khát được lắng nghe sự khôn ngoan của vua Solomon: Chúng ta đã được nghe biết lý do Solomon được khôn ngoan là vì ông đã cầu xin với Thiên Chúa. Tiếng lành đồn xa đến nỗi nữ hoàng Sheba từ Phi Châu, khi nghe biết vua Solomon nổi tiếng vì danh Đức Chúa, thì đến đặt câu đố để thử tài vua. Bà vào hội kiến với vua Solomon và xin vua giải đáp tất cả những gì bà suy nghĩ trong lòng. Vua Solomon giải đáp tất cả những vấn nạn bà đưa ra; không có chuyện bí ẩn nào mà vua không giải đáp được cho bà. Bà khen ngợi nhà vua: “Những điều tôi đã nghe nói ở nước tôi về ngài và sự khôn ngoan của ngài quả là sự thật. Tôi đã không tin những điều người ta nói, cho tới khi tôi đến và thấy tận mắt; nhưng thực ra người ta cho tôi biết chưa tới một nửa. Ngài còn khôn ngoan và giàu có hơn tiếng đồn tôi đã nghe.”

2.2/ Những lợi ích vua Solomon được hưởng từ khôn ngoan: Trình thuật hôm nay liệt kê một số lợi ích vua Solomon nhận lãnh do sự có được khôn ngoan.

(1) Lợi ích cá nhân: Danh tiếng khôn ngoan đồn ra khắp nơi. Nữ hoàng Sheba tặng vua: “ba ngàn sáu trăm ký vàng, một số rất lớn hương liệu và đá quý. Chưa từng có một số lượng hương liệu nhiều như nữ hoàng Sheba đã tặng vua Solomon.”

(2) Lợi ích cho quốc gia: Nữ hoàng nhận xét: “Phúc thay thần dân của ngài! Phúc thay quần thần của ngài, những kẻ luôn luôn được túc trực trước mặt ngài và nghe biết sự khôn ngoan của ngài!” Triều đại của vua Solomon được mệnh danh là triều đại phồn thịnh nhất trong lịch sử của Israel.

Bà cũng nhận ra nguồn gốc khôn ngoan mà vua Solomon có được: “Chúc tụng Đức Chúa Thiên Chúa của ngài, Đấng đã ưu ái đặt ngài lên ngai Israel; chính vì lòng yêu thương Israel đến muôn đời, mà Đức Chúa đã đặt ngài làm vua, để ngài thi hành luật pháp và công lý.”

2.3/ Đặc điểm của khôn ngoan của vua Solomon: Khi suy nghĩ về cuộc đời của vua Solomon và những lời khen tặng của nữ hoàng Sheba, chúng ta có thể nhận ra những đặc điểm khôn ngoan của vua Solomon:

(1) Nguồn gốc của khôn ngoan đến từ Thiên Chúa: Ngài là căn nguyên mọi sự và cùng đích muôn loài. Người khôn ngoan không chỉ bằng lòng với một số những kiến thức; nhưng khao khát truy tầm đến căn nguyên và mục đích của những sự việc. Để thấu triệt khôn ngoan, con người phải tìm đến với Thiên Chúa. Kính sợ Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khôn ngoan. Người khôn ngoan lắng nghe Lời Chúa và cư xử theo những gì Ngài dạy dỗ.

(2) Người khôn ngoan không bằng lòng với những kết quả tạm thời; nhưng muốn sở hữu kết quả vững bền. Vua Solomon không tìm tiền bạc, uy quyền, danh vọng, hay sức khỏe, vì vua biết tất cả những thứ này đều chóng qua. Vua tìm sự khôn ngoan vững bền vì nó gúp vua giải quyết mọi sự khác.

(3) Người khôn ngoan biết cách cư xử với Thiên Chúa và với tha nhân: Người khôn ngoan là người biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, và với mọi tạo vật của Thiên Chúa. Người khôn ngoan biết tôn thờ một Thiên Chúa thay vì những loài thọ tạo Ngài dựng nên. Người khôn ngoan biết cách tránh tội bằng cách nhìn trước được những hậu quả của tội, những nguyên nhân đưa đến tội, và luôn thực hành lề luật của Thiên Chúa. Người khôn ngoan biết những yếu điểm và giới hạn của mình, những nguy hiểm và âm mưu của địch thù; đồng thời cũng biết nhận ra những ưu điểm của người khác để học hỏi và tôn trọng. Nói tóm, có được khôn ngoan của Thiên Chúa là có tất cả.

3/ Phúc Âm: Con người lẫn lộn giữa dơ bẩn bên ngoài và xấu xa tội lỗi bên trong.

3.1/ Truyền thống Do-thái và việc thanh tẩy: Họ tin việc giữ luật thanh tẩy không phải cho những lý do vệ sinh bên ngoài; nhưng cho sự thanh sạch bên trong để xứng đáng dâng lễ vật cho Thiên Chúa và được Ngài nhận lời cầu xin. Ví dụ, nếu một tư-tế đụng phải xác chết, ông sẽ không còn thanh sạch để dâng lễ vật; ăn vật dơ bẩn làm ô uế toàn thể con người.

3.2/ Giáo huấn về sự thanh sạch của Chúa Giêsu:

(1) Phân biệt giữa dơ bẩn thân xác và xấu xa tâm hồn. Chúa Giêsu giải thích: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được… Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” Tác giả dùng cẩn thận 2 danh từ Hy-lạp khác nhau: tim, “kardia” và bao tử, “koilia.”

Thực phẩm có dơ bẩn đến đâu chăng nữa, cũng không thể làm tâm lòng con người ra xấu xa tội lỗi; vì thực phẩm không thể nào vào tim, nhưng qua bao tử và rồi những chất dơ được thải ra ngoài. Thực phẩm có thể làm cho con người bệnh về phần xác, nhưng không bao giờ có thể đem bệnh tật về phần linh hồn.

(2) Xấu xa tội lỗi bên trong gây thiệt hại hơn: Chúa Giêsu tiếp tục giải thích: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” Ngài có ý muốn nói cho họ biết Thiên Chúa là Đấng nhìn thấu suốt mọi sự trong tâm hồn con người. Họ không thể đánh lừa Thiên Chúa bằng việc quan sát qua loa những luật lệ thanh tẩy bên ngoài. Rất nhiều lần trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, Thiên Chúa đã từng nói với dân chúng: của lễ Ngài ưa thích không phải là những hiến tế hay nghi lễ bên ngoài, nhưng là một tâm hồn thống hối và một trái tim ước muốn thi hành thánh ý của Thiên Chúa.

Lối giải thích của Chúa Giêsu đảo ngược những giá trị mà người Do-thái vẫn tin từ bao đời. Họ khó chịu vì Chúa Giêsu đã vô hiệu hóa bao nhiêu luật thanh tẩy của họ. Rất khó cho họ chấp nhận cách giải thích của Chúa Giêsu, vì một số trong họ, như 7 anh em nhà Maccabees sẵn sàng chấp nhận cái chết chứ không ăn thịt heo mà họ coi là con vật dơ bẩn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần xin cho được sự khôn ngoan của Thiên Chúa như vua Solomon để giúp chúng ta biết cách phán đoán và hành xử trong cuộc đời.

– Điều làm con người ra xấu xa tội lỗi không phải là thực phẩm, hoàn cảnh, hay làm bạn với tội nhân; nhưng chính là những ước muốn và việc làm xấu của con người.

– Chúng ta không thể đánh lừa Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự trong tâm hồn, bằng những lễ nghi và lề luật hời hợt bên ngoài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************