Ngày thứ tư (09-12-2020) – Trang suy niệm

08/12/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần II Mùa Vọng Năm B

BÀI ĐỌC I: Is 40, 25-31

“Thiên Chúa toàn năng ban sức mạnh cho người mệt mỏi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Đấng Chí Thánh phán rằng: Các ngươi sánh Ta với ai? Và kể Ta bằng ai? Hãy ngước mắt lên cao mà xem, ai đã dựng nên muôn loài này? Đấng vận chuyển các cơ binh của chúng và biết gọi đích danh tất cả, không thiếu vật nào, vì sức mạnh của Người rất lớn và quyền năng của Người rất cao.

Hỡi Giacóp, tại sao ngươi nói, hỡi Israel, tại sao ngươi nói: “Chúa không biết đến số phận tôi; Người không biết đến quyền lợi của tôi?” Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao? Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, là Đấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt, và sự khôn ngoan của Người không thể suy thấu. Người ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi. Những trai trẻ cũng mòn mỏi mệt nhọc; những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã. Nhưng ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10

Đáp: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa! (c. 1a)

Xướng:

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa! Toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.

2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Đáp.

3) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. – Đáp.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Đây Chúa chúng ta sẽ đến trong quyền lực, và sẽ làm cho mắt các tôi tớ Người được sáng. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 11, 28-30

“Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

09/12/2020 – THỨ TƯ TUẦN 2 MV

Th. Gio-an Đi-đa-cô

Mt 11,28-30

BÍ QUYẾT VƯỢT QUA KHÓ KHĂN

Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

Suy niệm: Con người vẫn tìm nhiều cách để rũ bỏ những sự nặng nhọc vất vả trong cuộc sống. Mà theo tâm lý thông thường ai lại chẳng thích được an nhàn thoải mái. Nhưng không dễ gì dứt bỏ mọi gánh nặng khổ đau, bởi vì “ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34); và hơn nữa, có những gánh nặng gắn liền với cuộc hiện sinh của con người như tuổi già, bệnh tật, gia đình, con cái… Vấn đề, không phải gánh nặng mà là thái độ của ta đối với chúng. Nếu biết đón nhận trong yêu thương, gánh nặng sẽ trở nên êm ái, nhẹ nhàng. Chúa Giê-su cho ta bí quyết và phương thế để thực hiện điều đó: “Hãy đến với Chúa…Chúa sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Ngài không hứa gánh thay cho ta, mà là bổ sức để ta tiếp tục gánh vác; Ngài mời gọi ta học nơi Ngài để ta được thay đổi từ chỗ miễn cưỡng, sang thái độ khiêm tốn đón nhận thánh ý trong tinh thần hiền lành của “người tôi trung”, nhờ đó gánh nặng sẽ nên êm ái nhẹ nhàng.

Mời Bạn: Lượng giá xem, đâu là địa chỉ bạn thường tìm đến mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, chán chường? Và sau đó, tâm hồn bạn có thực sự bình an? Gánh nặng có vơi đi chút nào?

Sống Lời Chúa: Tập thói quen ở lại bên Chúa trong thinh lặng để được nghỉ ngơi và bồi dưỡng, để lắng nghe tiếng Chúa và mở lòng đón nhận ân sủng Ngài tuôn trào trong ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa hứa rằng sẽ ở lại cùng chúng con cho đến tận thế. Và sự đồng hành của Chúa không ngoài mục đích an ủi và nâng đỡ con trong cảnh khốn cùng. Xin cho con biết tìm sức mạnh nơi Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Khi quy hoạch thành phố tương lai,
người ta không quên dành một khu vui chơi giải trí.
Nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu quan trọng
cho những ai sống trong nền kinh tế thị trường.
Nghỉ ngơi không chỉ cần cho thân xác hay trí óc.
Nghỉ ngơi còn cần cho tâm hồn.
Cái tâm của chúng ta cần được sống trong an tĩnh
giữa sóng gió dao động, giữa chợ đời bon chen.
Nhiều người bị suy nhược thần kinh, bị stress.
Có người tự tử vì không đủ sức để tiếp tục sống.

Ðức Giêsu mời chúng ta đến với Ngài,
tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề.
Gánh nặng của nỗi đau và vấp ngã trong quá khứ.
Gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại.
Gánh nặng phải mang vì người khác…
Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu,
chán chường và mệt mỏi.
Tất cả những ai muốn tìm một chút nghỉ ngơi.
Hãy đến với Ngài, ta sẽ gặp được sự an tĩnh.

Hãy mang lấy ách của tôi.
Ðức Giêsu không ngần ngại nói đến ách của Ngài
mà những kẻ đến với Ngài phải mang.
Ngài không giấu ta về những đòi hỏi nghiêm túc,
về con đường hẹp mà ít người muốn đi,
về thánh giá mà ta phải vác để theo Ngài.
Như thế sự an bình thư thái Ngài hứa ban
đâu phải là thứ bình an rẻ tiền, không cần từ bỏ.
Ðó là thứ bình an ngay giữa khổ đau và nước mắt,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương,
vì xác tín là mình đang làm đúng ý Thiên Chúa.

Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài nhẹ,
thì là vì chúng được đón nhận trong tình yêu.
Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ.
“Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không cảm thấy vất vả;
mà giả như có vất vả đi nữa
thì người ta cũng thích cái vất vả đó” (thánh Âutinh)

Hãy học với tôi.
Ðức Giêsu kêu gọi chúng ta làm học trò của Ngài.
Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài Giêsu.
Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài:
“Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu.”
Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu
thì tâm hồn ta sẽ được bình an trở lại.
Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời,
cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái,
cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ.
Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải,
và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhở đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

9 THÁNG MƯỜI HAI

Linh Hồn Tôi Nhảy Mừng Trong Chúa

Nỗi chờ mong của Đức Nữ Trinh, Đấng “được sủng ái giữa các người phụ nữ” (Lc 1,42), đúc kết tất cả niềm hy vọng mà Dân Thiên Chúa đã đặt vào các lời hứa được trao cho các tổ phụ. Và xuyên qua dân Israel, niềm hy vọng của toàn thể nhân loại được kết đọng lại trong nỗi chờ mong vĩ đại này.

Chúng ta cũng hãy trân trọng thái độ chờ mong trong đức tin của Đức Maria, một đức tin cắm rễ sâu trong lịch sử dân tộc và trong niềm hy vọng của toàn thể loài người. Chúng ta hãy nắm vững ý nghĩa của nó khi chúng ta hành trình qua các thế kỷ. Đó là một con đường được thiết lập vững chắc trên niềm hy vọng cứu độ đến từ chỉ một mình Thiên Chúa.

Đức Maria được chúc phúc bởi vì Mẹ tin vào sự hoàn thành những lời Chúa nói cùng Mẹ (Lc 1,45). Mẹ biết rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ lời hứa của Người. Mẹ ‘vui mừng’ và đồng thời Mẹ ‘được chúc phúc’ bởi Thiên Chúa. Hai tình trạng hiện hữu ấy không thể tách rời – vì cái trước là hệ quả của cái sau.

Lời chúc phúc, được Thiên Chúa nói lên, luôn luôn là nguồn sự sống và do đó cũng là nguồn đem lại niềm vui. Trong toàn bộ Thánh Kinh, niềm vui đến xuyên qua việc trao ban và thông truyền sự sống, cả thể lý lẫn thiêng liêng. Hễ ai được Thiên Chúa ‘chúc phúc’ bằng sự sống của Ngài, thì người ấy cũng ‘mừng vui’.

Đức Maria vui mừng chờ mong món quà sự sống. Nhưng chính sự sống ấy cứu độ Mẹ và làm cho Mẹ mừng vui. Vì sự sống ấy là chính Con Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 09/12

Is 40, 25-31; Mt 11, 28-30.

LỜI SUY NIỆM: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường, Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

          Chúa Giêsu đang mời gọi mọi người học nơi Người: “Vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường,”. Trong đời sống của mỗi con người đều đầy tự ái, với tính tự phụ, tự cao, khi sống với nhau, cũng như trong mọi công việc, dễ tạo ra những va cham, tạo cho bản thân những buồn bực, không thỏa mãn những gì bản thân đang mong muốn.

          Lạy Chúa Giêsu. Đức tính: “Lòng hiền hậu và khiêm nhường” là lời Chúa dạy và cũng là mong muốn của Chúa. Xin cho chúng con ơn bền đỗ luyện tập từng ngày một, ngày một, giúp cho chúng con được vui sống hằng ngày.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

09 Tháng Mười Hai

Thế Nào Là Cầu Nguyện? 

Một chàng thanh niên nọ khao khát sống đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa một đan viện nọ… Anh được vị tu viện trưởng chấp nhận tức khắc.

Trong những ngày đầu, anh quan sát cách sống của các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả mọi người đều bắt tay vào công việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt mài trong công tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất vọng. Anh đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: “Thưa cha bề trên, con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều”. Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh: “Có lẽ con có lý… Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện”.

Nghe thế, chàng thanh niên hớn hở trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: “Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy không dùng bữa?”. Cha bề trên mỉm cười đáp: “Các thầy đã ăn cả rồi”. “Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?”, người thanh niên hỏi. Cha bề trên mới trả lời: “Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa”.

Nghe thế, người thanh niên chợt hiểu được thế nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện bằng nhữg giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí… Cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.

Mùa Vọng là mùa thức tỉnh.

Chúng ta cảm thấy được thôi thúc để dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn. Thánh Kinh nói: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: đó cũng là hình ảnh của đời người. Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ… Có những giây phút ưu biệt trong ngày dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt trong năm dành cho việc cầu nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào khác hơn là để giúp cho con người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh hoạt hằng ngày.

Cuộc sống cần có tổ chức, cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau. Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn kéo của sự cầu nguyện.

Tổ chức cuộc sống như thế tức là biến tất cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền miên ấy có những phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với Chúa, nhưng những phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ Ngài trong từng sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần II MV

Bài đọc: Isa 40:25-31; Mt 11:28-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa yêu thương và săn sóc mọi người.

Con người thường có khuynh hướng lấy những gì mình suy nghĩ và áp dụng cho Thiên Chúa; chẳng hạn, cha mẹ chỉ có thể yêu thương và chăm sóc cho vài con (chỉ 2 con với cha mẹ thời nay). Đem áp dụng suy nghĩ này cho Thiên Chúa, họ không tin Thiên Chúa có thể biết, yêu thương, và chăm sóc cho từng người một trong nhân lọai.

Các Bài đọc hôm nay muốn chứng minh: với quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài yêu thương và săn sóc từng người một. Trong Bài đọc I, người Do-Thái kêu trách Thiên Chúa: “Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?” Tiên Tri Isaiah sửa sai quan niệm này: Nếu Thiên Chúa có thể gọi đích danh từng ngôi sao một, Ngài cũng có thể gọi đích danh từng người một. Nói cách khác, vì Thiên Chúa gọi, nên tất cả được tạo thành. Tiên tri nói: “Thiên Chúa không mệt mỏi, cũng chẳng nhọc nhằn, trí thông minh của Người khôn dò thấu. Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kêu mời mọi người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.

1.1/ Chúa biết và yêu thương từng cá nhân một: Tiên Tri Isaiah dùng công cuộc sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa để chứng minh sự quan phòng của Thiên Chúa cho con người: “Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó? Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú, Người gọi đích danh từng ngôi một, khiến không thiếu vắng một ngôi nào.”

Nếu Thiên Chúa đã dựng nên từng ngôi sao một và sắp xếp vị trí của chúng trong trời đất, Người cũng dựng nên và quan phòng cho từng con người một trong thế gian này. Vì thế, Tiên Tri chất vấn những người không tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Hỡi Jacob, sao ngươi nói, hỡi Israel, sao ngươi bảo: “Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?” Ngươi chẳng biết, chẳng nghe thấy sao? Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Đấng sáng tạo toàn cõi đất.”

1.2/ Chúa săn sóc từng cá nhân: Vì Thiên Chúa uy quyền, khôn ngoan, và thông biết mọi sự, nên Người không mệt mỏi cũng chẳng nhọc nhằn trong việc quan phòng con người. Những ai trông cậy vào Người, thì được Người ban sức mạnh: “Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân.” Người ban sức mạnh cho những ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Còn những ai không biết trông cậy nơi Người, cho dẫu là thanh niên cũng mệt mỏi, nhọc nhằn; cho dẫu là trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.

2/ Phúc Âm: Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

2.1/ Chúa Giêsu biết “nỗi vất vả” và “gánh nặng nề” của từng người: Ngài kêu gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Trong đời người, chắc ai cũng đã trải qua những kinh nghiệm như Chúa Giêsu mô tả hôm nay: mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không gánh nổi những đau thương của cuộc sống. Trong những lúc như thế, con người chỉ muốn buông xuôi, nói theo kiểu của thi hào Nguyễn Du, “thử xem Con Tạo xoay vần đến đâu!” Chúa Giêsu cũng đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương như chúng ta, và còn hơn chúng ta nữa. Bị nhân lọai khước từ mặc dù đã làm không biết bao nhiêu điều ích lợi cho con người: mặc khải, dạy dỗ, chữa lành. Một mình Ngài đã vác Thập Giá nặng lên Đồi Canvê dưới bao nhiêu những roi đòn của lính; và đã 3 lần gục ngã dưới sức nặng của cây Thập Giá. Sau cùng, Ngài phải chịu một cái chết đau thương, cô đơn, nhục nhã; đến nỗi đã phải thốt lên: “Cha hỡi, Cha ơi! Sao Cha bỏ con!” Một người đã trải qua những gánh nặng như thế của kiếp người, Ngài chắc chắn biết chia sẻ những gánh nặng của con người. Ngài mời gọi con người hãy đến với Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

2.2/ Chúa Giêsu giúp từng người giải quyết vấn đề của mình.

(1) Chúa không hứa con người sẽ không phải đau khổ; nhưng Ngài sẽ giúp con người vượt qua đau khổ: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi… Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” Tĩnh từ Hy-Lạp dùng để mô tả chữ êm ái ở đây là “crhsto.j,” nó còn có nghĩa “vừa vặn.” Bên Palestine, ách của bò được làm bằng gỗ, con bò được mang tới xưởng để thợ mộc đo kích thước trước khi làm ách. Sau khi đã làm xong, con bò được mang tới để thử; ách được cẩn thận thêm bớt sao cho nó có thể vừa khít cổ con bò mà không gây đau đớn cho nó. Truyền thuyết cho rằng Chúa Giêsu nổi tiếng về nghề làm ách khi Ngài lớn lên ở Nazareth với Giuse. Ngài biết cách giúp con người mang ách làm sao cho êm ái, và mang gánh làm sao cho nhẹ nhàng.

(2) Chúa giúp con người vượt qua đau khổ bằng dạy dỗ hai bài học quan trọng trong cuộc đời: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”

– Bài học hiền hậu: Đây là đức tính giúp con người thực sự có bình an trong tâm hồn. Người hiền hậu không dễ bị tức giận vì lời nói, thái độ, hay việc làm của người khác. Vì thế, họ sẽ không cảm thấy đau khổ khi bị chọc tức, bị khinh thường, hay bị đối xử bất công.

– Bài học khiêm nhường: Đây là đức tính giúp con người biết chấp nhận mọi hòan cảnh xảy ra trong cuộc đời. Người khiêm nhường không ghen tị, không bon chen để tìm cách cho bằng hay hơn người khác. Họ biết mình và biết người. Vì họ luôn tìm chỗ hèn hạ, và nhường cho người khác chỗ cao trọng hơn; nên họ không lo phải đối chọi với phong ba, bão táp của những người ham hố quyền hành, chức vụ.

(3) Chúa giúp con người vượt đau khổ bằng sức mạnh của Ngài: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Lời Chúa hướng dẫn và Bí-tích Thánh Thể cung cấp cho con người sức mạnh để đương đầu với mọi đau khổ có thể xảy đến trong cuộc đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần xác tín mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa là mối liên hệ cá nhân; và Chúa muốn chúng ta dùng tình yêu cá nhân để đáp trả lại.

– Chúa biết chúng ta còn hơn chúng ta biết chúng ta. Chúng ta đừng sợ khi đối diện với Chúa, vì Ngài đã biết mọi vấn đề, và quan tâm giúp chúng ta giải quyết vấn đề.

– Nhiều khi chúng ta cảm thấy cô đơn, mệt mỏi, chán chường, thất vọng, vì chúng ta muốn chiến đấu một mình; nhưng nếu chúng ta biết chạy đến với Chúa để xin Ngài giúp sức, mọi sự sẽ trở nên dễ dãi, nhẹ nhàng; và chính Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trở ngại bằng chính sức mạnh của Ngài. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************