Ngày thứ tư (11-05-2022) – Trang suy niệm

10/05/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần IV Mùa Phục Sinh Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Cv 12, 24 – 13, 5a

“Hãy dành Saolô và Barnaba riêng cho Ta”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, lời Chúa được lan rộng và tiến triển. Nhưng Barnaba và Saolô, sau khi hoàn tất sứ mạng, đã rời Giêrusa-lem, đem theo Gioan cũng gọi là Marcô.

Bấy giờ trong Hội Thánh Antiôkia có những tiên tri và tiến sĩ, trong số đó có Barnaba, Simon cũng gọi là Nigê, Luxiô người thành Xyrênê, Manahê bạn của vua Hêrôđê lúc còn thơ ấu, và Saolô. Đang khi các ông làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo các ông rằng: “Hãy để riêng Saolô và Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định”. Vậy sau khi ăn chay cầu nguyện, họ đặt tay trên hai ông và tiễn đưa hai ông lên đường.

Được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xêlêucia, rồi từ đó vượt biển sang Cyprô. Khi đến Salamina, hai ông rao giảng lời Chúa trong các hội đường Do-thái. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

Đáp: Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài (c. 4).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1) Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ. – Đáp.

2) Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. – Đáp.

3) Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài. Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. – Đáp.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Chúa Kitô đã sống lại và chiếu soi chúng ta, là những kẻ Người đã cứu chuộc bằng máu của Người. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 12, 44-50

“Ta là sự sáng đã đến thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. 

Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Đấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Đấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

11/05/2022 – THỨ TƯ TUẦN 4 PS

Ga 12,44-50

ÁNH SÁNG ĐỐI LẠI BÓNG TỐI

“Tôi là ánh sáng, tôi đã đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.” (Ga 12,46)

Suy niệm: Ánh sáng và bóng tối là một trong những cặp chủ đề đối nghịch lớn trong Tin Mừng Gio-an. Ánh sáng đích thực là chính Chúa Giê-su, như Người khẳng định: “Tôi là ánh sáng, tôi đã đến thế gian”. Còn bóng tối chính là tội lỗi, ma quỷ và quyền lực của thế gian. Những thứ bóng tối này làm cho con người lầm đường lạc lối và trở thành nô lệ. Ánh sáng luôn đối nghịch với bóng tối, và nhờ cuộc Vượt Qua hồng phúc, Chúa Giê-su đã chiếu giãi ánh vinh quang đẩy lui bóng tối đang phủ kín thế gian. Chúa sẵn sàng trả giá đắt nhất để xua tan bóng tối, và mời gọi người ta tin vào Chúa để ở lại trong ánh sáng.

Mời Bạn: Dù chúng ta đang chìm đắm trong tội lỗi, trong bóng tối của những thói quen xấu hay của những đam mê bất chính, thì Chúa vẫn luôn yêu thương và qua bí tích Rửa tội, Ngài đã gọi ta “ra khỏi miền u tối để vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pr 2,9). Muốn xua đuổi bóng tối, bạn chỉ cần đón nhận ánh sáng từ Chúa Giê-su bằng thái độ tin tưởng, phó thác. Một khi gắn chặt đời mình với Chúa như ‘những bóng đèn nối với nguồn điện’ (Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta), thì những tăm tối đang vây bủa tâm hồn bạn tự khắc sẽ bị đẩy lùi.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, dành thời gian thinh lặng bên Chúa Giê-su, mở rộng tâm hồn để ánh sáng của Người chiếu soi vào nơi sâu thẳm tâm hồn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã hóa giải bóng tối phủ kín thế giới này bằng ánh sáng của ơn cứu độ. Xin Chúa giúp chúng con biết ở lại trong ánh sáng của Chúa để nhận ra những nẻo đường Chúa mời gọi chúng con tiến bước. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Tự do là điều con người trân trọng.
Bao người dám chết để đổi lấy một chút tự do.
Các bạn trẻ thèm được tự do, để được là mình.
Người ta vẫn hiểu người có tự do là người muốn làm gì thì làm,
muốn nói gì thì nói, không bị bất cứ ràng buộc nào.
Nếu thế thì Đức Giêsu có tự do không?

Đức Giêsu có tự do không khi trong bài Tin Mừng Ngài khẳng định:
“Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi,
truyền lệnh cho tôi phải nói gì, phải tuyên bố gì” (c. 49) ?
“Những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (c.50).
Ngài có tự do không khi Ngài cũng chẳng tự mình làm bất cứ điều gì?
“Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi, Người không để tôi cô độc,
vì tôi luôn làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29).
Bao nhiêu lần trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu quả quyết
Ngài không tự mình nói gì, cũng không tự mình làm gì.
Ngài chỉ sống theo lệnh truyền của Cha (Ga 15, 10).
Lệnh truyền này không áp đặt Ngài từ bên ngoài,
nhưng chi phối sâu xa từ bên trong
toàn bộ hướng đi và những chọn lựa cụ thể của cuộc sống trần thế.
Đức Giêsu đã tự do đón lấy ý Cha, lệnh truyền của Cha.

Chính khi hoàn toàn để Cha chi phối, mà Ngài được tự do thật sự.
Chính khi đó Đức Giêsu trở thành sự hiện diện trong suốt của Cha.
“Ai thấy tôi là thấy Chúa Cha, Đấng đã sai tôi (Ga 12, 45; 14, 9).
Lời của Ngài là lời của Cha, việc Ngài làm là việc của Cha.
Chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa một cách nguyên tuyền nơi Đức Giêsu,
Đấng đã dâng hiến tất cả tự do để sống hoàn toàn tùy thuộc.
Chính khi hoàn toàn tùy thuộc mà Ngài được hoàn toàn tự do.
Người được sai là một với người sai mình.
“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30).

Hãy đến với Giêsu Ánh Sáng và ra khỏi những bóng tối (c.46).
Hãy nghe, đón nhận và tuân giữ lời của Giêsu (cc. 47-48).
Chỉ khi ở lại trong lời của Giêsu chúng ta mới gặp được sự thật
và sự thật sẽ cho chúng ta được tự do (Ga 8, 31-32).

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

11 THÁNG NĂM

Ơn Bình An Để Lại

Chúa Giê-su chuẩn bị cho các môn đệ Người đón nhận cuộc ra đi của Người. Người nói: “Thầy ra đi … Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28). Giáo Hội đọc lại những lời này khi đến gần ngày thứ bốn mươi sau cuộc phục sinh của Đức Kitô – tức ngày Lễ Thăng Thiên.

Tuy nhiên, Đức Kitô không chỉ nói: “Thầy ra đi”, mà thực tế Người còn nói: “Thầy trở lại với anh em”. Cuộc ra đi này chỉ đánh dấu sự kết thúc sứ mạng mê-si-a trên dương thế của Người. Cuộc ra đi ấy không phải là sự tách ly các môn đệ ra khỏi Đức Kitô. Sứ mạng mê-si-a của Đức Kitô kết thúc bằng sự kiện Chúa Thánh Thần đến và bằng cuộc khai sinh Giáo Hội.

Trong Giáo Hội, Đức Kitô luôn luôn hiện diện và không ngừng hoạt động bằng quyền năng của Thánh Thần. Người hướng dẫn chúng ta đi về nhà Cha. Sứ mạng của Giáo Hội là hướng dẫn mọi con người đi tới định mệnh chung cuộc này – định mệnh mà ai cũng được dành sẵn cho trong Thiên Chúa.

Như vậy, sự ra đi của Đức Kitô không hề gây hoang mang lo lắng. Ngược lại, đó là cả một sự bình an tràn trề. Người nói: “Thầy để lại bình an cho anh em; Thầy ban bình an của Thầy cho anh em” (Ga 14, 27). Hằng ngày chúng ta lặp lại những lời ấy trong phụng vụ Thánh Lễ trước khi hiệp lễ. Và Người thêm: “Lòng anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi … Thầy ra đi, và Thầy sẽ trở lại với anh em” (câu 27 – 28).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 11/5

Cv 12, 24- 13, 5a; Ga 12, 44-50.

LỜI SUY NIỆM: “Ai chối từ tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan tòa xét xử người ấy; chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết’ (Ga 12,48)

          Đức Kitô là Chúa của sự sống vĩnh cửu. Thẩm quyền đầy đủ để xét xử một cách vĩnh viễn về các công việc và các tâm hồn của mọi người là thuộc về Người, với tư cách là Đấng Cứu Chuộc trần gian. Người “đã đạt được quyền này nhờ thập giá của Người. Chúa Cha cũng “đã ban cho Người Con mọi quyền xét xử” (Ga 5,22). Nhưng Chúa Con không đến để xét xử mà để cứu độ, và để ban sự sống Người có nơi chính mình. Qua việc từ chối ân sủng khi còn sống ở đời này, mỗi người tự xét xử chính mình, lãnh nhận tuỳ theo công việc của mình, và cũng có thể tự kết án mình muôn đời khi từ chối Thần Khí tình yêu.” (GL 679).

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng con luôn hướng về Chúa, và luôn luôn sẵn sàng đón nhận mọi ân sủng của Chúa ban để nuôi sông đức tin và sự sống đời đời của chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

11 Tháng Năm

Cơn Thịnh Nộ Của Các Thánh

Trong tác phẩm có tựa đề “Quyển Phúc Âm thứ 5”, tác giả người Ý là ông Pomilio có tưởng tượng một câu chuyện như sau: Ngày kia, các thánh trên Thiên Ðàng không còn chịu đựng nổi những xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa nữa, cho nên Ngài mới họp công nghị để tìm cách chặn đứng tội lỗi của nhân loại…

Sau không biết bao nhiêu buổi họp, cuối cùng các thánh mới đồng thanh biểu quyết rằng việc Con Thiên Chúa chịu chết trên thập giá vẫn chưa đủ để cứu rỗi con người. Do đó, cần phải dùng đến sức mạnh may ra mới trừng trị và thuyết phục được loài người.

Các Ngài họp lại thành một đạo binh hùng mạnh và xâm nhập vào trái đất. Chỉ trong nháy mắt, đạo binh các thánh đã chinh phục được thế giới. Các Ngài giao việc cai trị trái đất cho một số người công chính còn sót lại giữa loài người. Còn tất cả những kẻ gian ác, tội lỗi, các ngài tập trung lại trong một thung lũng lớn. Tại đây, các ngài dựng lên những dàn hỏa thiêu vĩ đại để tiêu diệt tất cả những người tội lỗi. Các ngài tin chắc rằng sau cuộc thanh lọc này, dòng giống con người trên mặt đất sẽ chỉ có những người công chính…

Khi mọi sự đã sẵn sàng để tiến hành cuộc tiêu diệt, thì giữa đám người tội lỗi, các thánh bỗng thấy một người đang vác thập giá. Hắn đang ra hiệu cho những người khác đến giúp dỡ hắn… Nhìn thấy cảnh tượng ấy, các thánh càng bực tức hơn nữa. Tại sao một người tội lỗi lại bị xử theo hình phạt chỉ được dành riêng cho Con Thiên Chúa mà thôi? Nghĩ như thế, cho nên các thánh mới triệu kẻ vác thập giá đến, trói chân tay hắn lại và giải đến trước mặt thánh Phêrô để xét xử.

Vừa thoáng nhìn qua kẻ vác thập giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra ngay Thầy mình. Các thánh ngỡ ngàng không ít, khi được thánh Phêrô tiết lộ rằng Con Thiên Chúa đang lẫn lộn giữa những người tội lỗi. Các ngài mới nhớ lại lời của Ngài: “Con Người không đến để cứu thoát những người công chính mà chính là những người tội lỗi”. Chúa Giêsu cũng nói các thánh rằng Ngài đã quyết định chết một lần nữa cho các tội nhân, bởi vì trên trần gian, không có một người nào có thể cứu thoát kẻ có tội khỏi cơn thịnh nộ của các thánh.

Chúng ta dễ rơi vào hai thái cức trái nghịch nhau: thái độ của những người biệt phái và thái độ của Giuda, kẻ bán nộp Chúa.

Thái độ của những người biệt phái được Chúa Giêsu phác họa qua hình ảnh của một người tự cao tự đạo vào Ðền Thờ cầu nguyện. Người này kể ra bao nhiêu công trạng của mình và nhìn một cách khinh bỉ về người thu thuế đang nép mình ở phía cuối Ðền Thờ. Thái độ ấy tiêu biểu ấy cho chính cái nhìn mà đôi khi chúng ta cũng có đối với người khác. Chúng ta hãnh diện về đời sống đạo đức của chúng ta và kết án những yếu hèn, thiếu sót của những người xung quanh…

Ðối nghịch với thái độ kiêu ngạo của người biệt phái là thái độ thất vọng của Giuda. Sau khi đã bán nộp Chúa, Giuda mới nhận ra lỗi lầm của mình. Ông không còn tin tưởng ở lòng Nhân Từ của một Thiên Chúa có thể tha thứ tất cả tội lỗi của ông và có thể mang lại cho cơ may để sống tốt đẹp hơn.

Tựu trung, cả hai thái độ đều có chung một mẫu số: đó là đóng khung trong chính bản thân để khước từ mọi ân sủng của Chúa.

Qua cuộc sống của mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng, phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa. Dù tội lỗi chúng ta có ngập tràn, Tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn có sức xóa sạch tất cả. Tình yêu của Ngài mạnh hơn cả hỏa ngục và sự chết… Qua cách cư xử của Chúa Giêsu với tội nhân, chúng ta cũng được mời gọi để nên trọn lành như Cha chúng ta trên Trời, đó là luôn biết tha thứ và cảm thông đối với những bất toàn, yếu đuối và tội lỗi của con người…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần IV – PS

Bài đọc: Acts 12:24-13:5; Jn 12:44-50.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sẵn sàng vâng lời Thiên Chúa.

Có rất nhiều khác biệt giữa lời của Thiên Chúa và lời của con người: Lời của Thiên Chúa khôn ngoan tuyệt đỉnh, không thay đổi, và mang lại sự sống cả đời này và đời sau; trong khi lời của con người không thể khôn ngoan bằng Lời Chúa, thay đổi, chưa chắc đã mang lại sự sống đời này, và không thể mang sự sống đời sau.

Các Bài Đọc hôm nay dạy con người phải biết vâng lời Thiên Chúa qua sự thúc đẩy của Thánh Thần và thực thi những gì Chúa Giêsu nói. Trong Bài Đọc I, tuy Hội Thánh Antioch mới lập, nhưng họ sẵn sàng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, hy sinh Barnabas, Phaolô, và Gioan Marcô, để các ông lên đường rao giảng Tin Mừng đến các nơi chưa được nghe. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Ngài chỉ nói những gì Ngài nghe được nơi Thiên Chúa. Vì thế, tuân giữ Lời Ngài là tuân giữ Lời Thiên Chúa; nếu không, những Lời này sẽ trở nên quan tòa xét xử con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hội Thánh tại Antioch vâng lời Thiên Chúa.

1.1/ Lời Chúa tiếp tục lan tràn và phát triển đến mọi nơi: Đây là mục đích trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa nên Ngài tạo mọi cơ hội cho các sứ giả loan báo Tin Mừng. Vài ví dụ cho chúng ta thấy điều này: Phải có cuộc bách hại tại Jerusalem sau khi Stephanô chịu tử đạo, các môn đệ Chúa mới chịu tản mác đi các nơi và rao giảng Tin Mừng; trong khi các Tông-đồ ở lại Jerusalem để củng cố Hội Thánh Trung Ương. Phó-tế Philip xuống Samaria và rao giảng Tin Mừng cho dân ở đây. Ông cũng gieo hạt giống cho dân Ethiopia khi rao giảng Tin Mừng và làm Phép Rửa cho viên Thái Giám. Ngài làm cho Saul, kẻ nhiệt thành bắt bớ đạo thánh, được trở lại; và giờ đây sẵn sàng để nhiệt thành rao giảng Tin Mừng như tường thuật hôm nay. Nơi nào Tin Mừng được rao giảng, Thiên Chúa cũng ban cho có các ngôn sứ và thầy dạy, như trong Hội Thánh tại Antioch, có các ông Barnabas, Simeon biệt hiệu là Đen, Lucius người Cyrene, Manaen, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Herode, và Phaolô.

1.2/ Giáo đoàn tại Antioch sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.

– Sứ vụ riêng cho Phaolô và Barnabas: Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Barnaba và Phaolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm.” Đây là lệnh truyền không dễ làm cho Hội Thánh tại Antioch, vì hai ông là hai cột trụ của cộng đoàn và Hội Thánh địa phương còn non nớt. Theo sự suy nghĩ loài người: nếu mất hai ông, cộng đoàn sẽ suy xụp và không phát triển được. Nhưng họ quyết định không sống theo sự suy nghĩ của con người; nhưng theo niềm tin vào Thiên Chúa và sự hướng dẫn của Thánh Thần: “Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.”

– Đây là bài học quí giá cho mọi tín hữu: Phải hy sinh cho việc rao giảng Tin Mừng sao cho mỗi ngày một lan rộng, chứ không ích kỷ giữ người cho mình. Hơn nữa, khi nhà lãnh đạo đương nhiệm ra đi, Thiên Chúa sẽ gởi người khác tới, và mọi người trong Hội Thánh địa phương sẽ ý thức được vai trò của mình và cộng tác đắc lực hơn.

– Phaolô, Barnabas, và Gioan Marcô bắt đầu thành các cộng đoàn mới: “Vậy, được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Seleucia, rồi từ đó đáp tàu đi đảo Cyprius. Đến Salamis, hai ông loan báo lời Thiên Chúa trong các hội đường người Do-thái. Có ông Gioan giúp hai ông.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha.

2.1/ Con người phải tin và vâng lời Chúa Giêsu: Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng:

– “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi.” Người được sai đi có đầy đủ chức vị và thẩm quyền như Đấng sai đi. Vì thế, tin vào sứ giả là tin vào người sai sứ giả; từ chối sứ giả là từ chối người sai sứ giả.

– “Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi.” Đây là lời mặc khải mới lạ. Đối với con người, Người sai đi và sứ giả là hai chủ thể riêng biệt. Đối với Thiên Chúa, Người sai đi (Chúa Cha) và Người được sai đi (Chúa Con) là một; vì cả hai đều là Thiên Chúa, nhưng làm các việc khác nhau. Điều này cũng được Chúa Giêsu xác tín, khi Philip yêu cầu: “Xin Thầy chỉ cho chúng con thấy Cha, thế là chúng con mãn nguyện rồi.” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!” Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Jn 14:9-10).

– “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.” Ánh sáng và bóng tối là hai điều trái nghịch nhau: khi có ánh sáng thì không có bóng tối; và ngược lại. Người tin vào Đức Kitô không thể ở trong bóng tối, vì Đức Kitô là ánh sáng. Điều này không có ý nói, người nào đã tin Đức Kitô là sẽ không còn bóng tối trong mình; nhưng nếu người tin Ngài chịu để cho ánh sáng của Ngài soi dẫn vào mọi ngóc ngách trong tâm hồn, họ sẽ chỉ còn là ánh sáng.

– “Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian.” Câu này lặp lại những gì Chúa Giêsu đã nói trong Jn 3:16-21. Chương 12 của Gioan là chương cuối cùng của cuộc đời công khai rao giảng của Đức Kitô, vì từ chương 13 tới 21 dành cho các môn đệ và Cuộc Thương khó của Ngài. Vì thế, chương 12 tóm gọn những đạo lý chính của Chúa Giêsu.

– “Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy – chính lời tôi đã nói sẽ là quan tòa xét xử người ấy trong ngày sau hết.” Theo Jn 3:18, con người xét xử chính mình khi không tin vào Đức Kitô. Với những người không có cơ hội gặp Chúa Giêsu và những người thuộc các thế hệ sau như chúng ta, Lời Chúa trở thành quan tòa xét xử cho những ai không chịu tin vào Lời Ngài.

2.2/ Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha: “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì.” Người được sai đi phải nói những gì người sai đi muốn nói; nếu không, họ sẽ không còn là sứ giả hay ngôn sứ của người đã sai họ đi.

Tuy nhiên, sự vâng lời của Chúa Giêsu không có tính cách nô lệ hay mù quáng, vì Ngài phán: “Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.” Nói cách khác, Ngài biết Lời của Chúa Cha là sự thật, và có khả năng giải thoát con người khỏi tội, và cho con người được sống muôn đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải luôn nhớ Thiên Chúa vẫn đang hoạt động và điều khiển mọi sự trong vũ trụ. Bổn phận của chúng ta là cầu nguyện để nhận ra và mau mắn thi hành thánh ý của Ngài.

– Chúng ta phải chịu trách nhiệm trong việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người, chứ không ích kỷ chỉ biết lo lắng cho mình hay cho giáo xứ. Khi đã hiêu biết Lời Chúa rồi, chính chúng ta phải sống và làm chứng cho Tin Mừng.

– Đừng khinh thường Lời Chúa vì những Lời này sẽ trở thành quan tòa để phán xét chúng ta; hơn nữa, đó là những Lời mà vì yêu chúng ta, Thiên Chúa nói với chúng ta những Lời này.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************