Ngày thứ tư (11-10-2023) – Trang suy niệm

10/10/2023

Lời Chúa Hôm Nay

11.10.2023 – Thứ Tư. Thánh Gioan 23 – Giáo hoàng

BÀI ÐỌC I: Gn 4, 1-11

“Ngươi buồn bực vì dây dưa, chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn sao?”

Bài trích sách Tiên tri Giona.

Ông Giona buồn bực quá sức và giận dữ, ông cầu nguyện cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, chớ thì chẳng phải như lời con đã cầu xin khi con còn ở quê nhà con sao? Bởi đó con lo trốn sang Tharsê: vì con biết Chúa là Thiên Chúa khoan nhân, từ bi, nhẫn nhục, đầy tình thương và tha thứ tội ác. Lạy Chúa, giờ đây xin Chúa cất linh hồn con ra khỏi con, vì thà con chết còn hơn là sống”. Chúa liền hỏi rằng: “Ngươi có nghĩ là ngươi giận đúng không?” Ông Giona ra khỏi thành phố và ngồi ở phía đông thành phố; ông tự dựng một cái lều, và ngồi dưới bóng nó, chờ xem biến cố sẽ xảy ra trong thành. Chúa là Thiên Chúa khiến một dây dưa mọc lên khỏi đầu ông Giona, rợp bóng trên đầu ông, che mát cho ông (vì ông mệt mỏi); nhờ dây dưa đó, ông Giona rất hân hoan vui mừng. Sáng sớm hôm sau, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn dây dưa, và nó ra khô héo. Khi mặt trời mọc lên, Chúa khiến cơn gió nóng thổi lên và mặt trời giọi xuống đầu ông Giona, ông nóng nực và xin cho mình chết mà rằng: “Thà con chết đi còn hơn là sống”. Chúa phán cùng ông Giona rằng: “Ngươi có nghĩ ngươi giận vì dây dưa là đúng không?” Ông thưa: “Ðúng, con giận cho đến chết (đi được!)” Chúa phán: “Ngươi buồn bực vì dây dưa mà ngươi không mất công vun trồng, không làm cho nó mọc lên, đêm nay nó mọc lên và đêm sau nó khô héo. Chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn, trong đó có trên một trăm hai mươi ngàn người chưa biết phân biệt tay tả tay hữu mình thế nào, và nhiều súc vật sao?”

Ðó là lời Chúa.

ÐÁP CA: Tv 85, 3-4. 5-6. 9-10

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa chậm bất bình và rất mực khoan dung (c. 15b).

1) Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, xin thương con, vì con ân cần kêu van Ngài. Nguyện cho bầy tôi Chúa được hân hoan, vì lạy Chúa, con vươn hồn lên tới Chúa.

2) Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giầu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài.

3) Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ ca tụng danh Ngài. Vì Ngài cao cả và làm nên những điều kỳ diệu; duy một mình Ngài là Thiên Chúa.

ALLELUIA: Mt 4, 4b

All. All. – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – All.

PHÚC ÂM: Lc 11, 1-4

“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: “Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Ðó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

11/10/2023 – THỨ TƯ TUẦN 27 TN

Th. Gio-an XXIII, giáo hoàng       

Lc 11,1-4

ĐƯỢC GỌI THIÊN CHÚA LÀ CHA

Khi cầu nguyện, anh em hãy nói : “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến.” (Lc 11,2)

Suy niệm: Trong dân gian phổ biến một cách chữa trị mắt tai hại, là hễ ai có bệnh gì về mắt hay muốn cho mắt tốt hơn, cứ nhìn vào mặt trời trưa ngày mồng 5 tháng Năm (â.l.), Tết Đoan Ngọ, sẽ được lành. Thực ra, chưa nói đến ánh sáng chói chang tác hại đến mắt, mặt trời làm nước mắt ràn rụa gây đau nhức. Có người đã ví sự thánh thiện của Thiên Chúa tựa ánh sáng mặt trời khiến chúng ta, những tội nhân không dám đến gần. Phê-rô đã từng xin Chúa tránh xa ông vì ông là kẻ tội lỗi. Hay như người thu thuế chỉ dám đứng xa xa, cúi đầu thống hối, không dám ngước nhìn Thiên Chúa. Đã thế, làm sao họ dám gọi Thiên Chúa là Cha? Trong Cựu Ước, không có chỗ nào người ta dám gọi Thiên Chúa là Cha, mặc dù trong thâm tâm vẫn nhận biết sự thân thiện cha-con Thiên Chúa dành cho con người. Nay nhờ ơn cứu độ của Đức Giê-su, khi nên một với Ngài trong tư cách là Con Một Chúa Cha, nhờ lời Ngài dạy và nhờ Thánh Thần gợi hứng, nhân lọai mới có thể kêu lên Thiên Chúa “Áp-ba”, Cha ơi!

Mời Bạn: Mỗi khi cầu nguyện, mời bạn mặc lấy tâm tình của Đức Giê-su dâng lên Cha, Đấng mà Ngài yêu thương, và luôn tin tưởng, phó thác.

Chia sẻ: Gọi Thiên Chúa là Cha, điều đó đòi hỏi bạn liên lạc thường xuyên với Chúa. Bạn sẽ làm gì để nối kết mối liên hệ này?

Sống Lời Chúa: Bạn đọc kinh Lạy Cha cách chậm rãi, với tâm tình tin yêu.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con xin hiệp ý với Chúa Giê-su để thưa: Lạy Cha, con xin phó thác đời con trong tay Cha. Cảm tạ Cha đã mạc khải đức tin cho những kẻ bé mọn. Cảm tạ Cha đã nhận lời con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

11 THÁNG MƯỜI

Bài Sai Muôn Thuở

Lời Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, vẫn luôn vang vọng: ”Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và này đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).

Đó là những lời sau cùng của Chúa trước khi Ngài rời bỏ mặt đất cách hữu hình để trở về với Cha. Những lời ấy, trong sức mạnh và hiệu năng của nó, cho thấy rõ căn tính của Giáo Hội – đó là một Giáo Hội được ủy thác kho tàng sự thật và ơn cứu độ thần linh không phải để giữ cho riêng mình nhưng là để thông chia cho mọi người khác nữa. Những lời ấy của bản văn Tin Mừng theo Thánh Matthêu là hiến pháp của Giáo Hội, vì Giáo Hội, tự bản chất của mình, là một cơ chế truyền giáo.

Loan báo Tin Mừng, đó là công bố cho toàn thế giới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chết và sống lại để làm Chúa của kẻ sống và người chết. Từ bối cảnh đó, chúng ta hiểu ý tưởng của Thánh Augustinô, như được Công Đồng Vatican II lặp lại: “Các Tông Đồ, là nền móng của Giáo Hội, bắt chước mẫu gương của Chúa Kitô, đã rao giảng lời chân lý và xây dựng các giáo đoàn” (AG, 1).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 11/10

Thánh Gioan XXIII Giáo Hoàng

Gn 4, 1-11; Lc 11, 1-4.

Lời suy niệm:  “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.”

          Với ước nguyện tốt lành trong việc cầu nguyện của các Tông Đồ. Chúa Giêsu đã trình bày cách cầu nguỵen được đẹp lòng Thiên Chúa và mang lại lợi ích cho người cầu nguyện đó là kinh Lạy Cha. Trong kinh Lạy Cha, nó bao quát hết mọi sự: trước hết đặt niềm tin của mình vào Thiên Chúa là Cha của chúng ta ở trên trời. Với tâm tình thờ lạy và tôn vinh Ngài cùng mong ước ý của Ngài được thể hiện: dưới đất cũng như trên trời; sau đó mới xin đến những nhu càu cần thiết cho cuộc sống và sự tha thứ tội lỗi của mình, để rồi với sự tỏ lòng sám hối, bằng cách biết tha lỗi cho nhau, và cuối cùng là xin cho khỏi sa chước cám dỗ.

          Lạy Chúa Giêsu. Trong cầu nguyện của chúng con. Chúa đã giúp chúng con cách cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Xin cho chúng con mỗi khi đọc kinh Lạy Cha với hết tâm tình sốt sắng, để giúp chúng con nhận lãnh những ơn lành do Lời Chúa đã dạy. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 11/10: Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII

Lễ nhớ không buộc

Đức Gioan XXIII, sinh tại làng Sotto il Monte, thuộc tỉnh Bergamo, vào ngày 25.11.1881, con trai đầu của ông Giovanni Battista Roncalli và bà Marianna Mazzola.

Ngay buổi chiều hôm đó, trẻ sơ sinh được rửa tội, lấy tên là Angelo Giuseppe, người đỡ đầu là ông Zaverio Roncalli, một trong những người bác của ông bố Battista, rất đạo đức, ở độc thân, tự nhận lấy bổn phận dạy giáo lý cho nhiều đứa cháu. Sau này, Đức Gioan XXIII đã cảm động nhớ lại nhiều kỷ niệm và biết ơn về những lo lắng chăm sóc của ông.

Ngay từ thời thơ ấu, đã có một khuynh hướng nghiêm chỉnh về đời sống Giáo hội, nên sau khi học học bậc tiểu học, cậu chuẩn bị vào chủng viện giáo phận nhờ sự trợ giúp học thêm tiếng Ý và tiếng Latinh của một số linh mục trong khi theo học tại một trường có uy tín của Celana. Ngày 07.11.1892, cậu gia nhập chủng viện Bergamo, nơi đó cậu được xếp vào năm thứ ba của bậc trung học. Sau một khởi đầu khó khăn vì chưa được chuẩn bị đầy đủ, cậu tiến nhanh trong việc học tập và huấn luyện thiêng liêng, nhờ đó các bề trên đã chuẩn nhận trước khi kết thúc năm thứ mười bốn để thầy được lãnh nhận chức cắt tóc. Sau khi hoàn tất tốt đẹp năm thứ hai của thần học vào tháng Bảy năm 1900, thì vào tháng Giêng năm sau, thầy được gửi về Roma vào chủng viện Apollinare, nơi có một số học bổng cho hàng giáo sĩ thuộc giáo phận Bergamo. Tuy phải thi hành nghĩa vụ quân sự tại Bergamo từ ngày 30 Tháng 11/1901, việc huấn luyện chủng sinh cũng đặc biệt mang lại kết quả tốt đẹp.

Ngày 13 tháng 7 năm 1904, khi còn rất trẻ, mới hai mươi tuổi rưỡi, thầy đậu tiến sĩ thần học. Với sự nhận xét đặc biệt của các bề trên, ngày 10 tháng 8 năm 1904, thầy được thụ phong linh mục trong nhà thờ Đức Maria di Monte Santo; ngài cử hành Thánh Lễ đầu tiên vào ngày hôm sau trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, dịp này ngài quyết tâm tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô và hết lòng trung thành với Giáo hội. Sau một thời gian ngắn về nghỉ tại quê nhà, vào tháng Mười, ngài bắt đầu theo học giáo luật tại Rôma, và rồi phải nghỉ học vào tháng Hai năm 1905, khi ngài được chọn làm thư ký của Giám Mục mới của giáo phận Bergamo, Đức cha Giacomo Radini Tedeschi. Mười năm làm việc hết mình bên cạnh một giám mục có thẩm quyền, rất năng động và đầy sáng kiến, giúp cho giáo phận Bergamo trở nên một mô hình cho Giáo Hội Ý.

Ngoài nhiệm vụ thư ký, ngài còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Từ năm 1906, ngài còn đảm nhiệm giảng dạy nhiều môn học trong chủng viện: lịch sử giáo hội, giáo phụ và biện giáo; từ 1910, ngài cũng phụ trách môn thần học cơ bản. Ngoại trừ khoảng thời gian ngắn ngưng nghỉ, ngài vẫn tiếp tục làm những công việc đó đến năm 1914. Việc học hỏi về lịch sử đã giúp ngài viết một số nghiên cứu lịch sử địa phương, như xuất bản những chuyến viếng thăm mục vụ của thánh Carlo Bergamo (1575), một nỗ lực trong nhiều thập kỷ dài và tiếp tục cho đến những ngày trước cuộc bầu cử Giáo hoàng. Ngài cũng là chủ nhiệm tờ báo định kỳ của giáo phận “La Vita Diocesana” và kể từ năm 1910, ngài làm trợ úy cho Liên hiệp những Phụ nữ Công giáo.

Cái chết bất ngờ của Đức Giám mục Radini năm 1914 chấm dứt một kinh nghiệm mục vụ tuyệt vời của ngài, mặc dù gặp một vài đau khổ chẳng hạn như những lời buộc tội vô căn cứ chống lại ngài từ chủ nghĩa hiện đại, vị Giáo hoàng tương lai Gioan XXIII luôn xem như điểm quy chiếu chính qua các công việc được trao phó theo từng giai đoạn. Chiến tranh bùng nổ vào năm 1915, ngài làm tuyên úy hơn ba năm với cấp bậc trung sĩ trong việc chăm sóc thương binh tại các bệnh viện ở Bergamo, và ngài đã có những việc làm rất anh hùng. Vào tháng Bảy năm 1918, ngài sẵn sàng phục vụ cho những người lính bị bệnh lao, dù biết rằng có nguy cơ bị lây nhiễm.

Hoàn toàn bất ngờ với lời mời của Đức Giáo hoàng về phụ trách công việc của Bộ Truyền giáo tại Ý, trong khi ở Bergamo. ngài mới bắt đầu kinh nghiệm Nhà sinh viên, một nơi vừa nội trú, vừa học viện, và đồng thời ngài cũng làm linh hướng trong chủng viện. Sau nhiều do dự, ngài đã nhận lời và bắt đầu công việc cách thận trọng và tế nhị đối với những liên hệ với các tổ chức truyền giáo đã có. Ngài đã thực hiện một chuyến đi lâu dài ra ngoại quốc để thi hành kế hoạch của Tòa Thánh nhằm mang về Roma những tổ chức khác nhau để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo và viếng thăm một số giáo phận Ý để quyên góp nguồn tài trợ và giải thích về công việc mà ngài đang phụ trách.

Vào năm 1925, với sự bổ nhiệm làm Visitatore Apostolico tại Bulgaria, ngài đã bắt đầu giai đoạn phục vụ cho ngành ngoại giao của Tòa Thánh cho đến năm 1952. Sau lễ phong chức giám mục diễn ra tại Rome vào ngày 19 tháng 3 năm 1925, ngài khởi hành đi Bulgaria với nhiệm vụ giúp đỡ cho cộng đoàn Công giáo nhỏ bé và đang gặp nhiều khó khăn tại đó. Khởi đầu công việc và tiếp tục cả hàng chục năm, Đức cha Roncalli đã đặt nền móng cho việc thiết lập một Tông tòa mà ngài đã được bổ nhiệm làm vị đại diện đầu tiên vào năm 1931. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng ngài đã tái tổ chức được Giáo Hội Công giáo, phục hồi được mối quan hệ thân thiện với Chính phủ và Hoàng gia Bulgaria, mặc dù có đôi chút trở ngại vì đám cưới theo nghi lễ chính thống của vua Boris với công chúa Giovanna của hoàng gia Savoia, và đó cũng là dịp để khởi động những mối quan hệ đại kết đầu tiên với Giáo hội Chính thống Bulgaria. Vào ngày 27 tháng 11.1934, ngài được bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, các nước này chưa có quan hệ ngoại giao với Vatican. Khác với Hy Lạp, nơi mà Đức Roncalli không mang lại một kết quả nào đáng kể, trái lại quan hệ với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dần dần có được một sự hiểu biết và sẵn sàng thể hiện được nhờ việc đón nhận những đường lối chính trị độc lập với tôn giáo của chính phủ. Với tính nhạy bén và năng động của mình, ngài đã tổ chức được một vài lần gặp gỡ chính thức với Đức Thượng phụ Constantinople, đó là những lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ tách biệt với Giáo hội Công giáo.

Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, ngài đã giữ được một thái độ thận trọng của tính trung lập, nhờ vậy ngài mới thực hiện được một công việc thật hữu hiệu, là giúp cho cộng đoàn Do Thái, cả hàng ngàn người, khỏi bị diệt chủng, và giúp cho người Hy Lạp thoát khỏi nạn đói.

Thật bất ngờ với quyết định của Đức Piô XII, ngài được bổ nhiệm về làm Khâm sứ tại Paris, nơi ngài đặt chân đến với nhiều lo lắng vào 30 tháng 12 năm 1944. Một hoàn cảnh khá phức tạp đang chờ đợi ngài. Chính phủ lâm thời đòi phải thoái vị ba mươi giám mục, bị buộc tội hợp tác với chính phủ Vichy. Nhờ sự bình tĩnh và linh động của vị tân sứ thần, chỉ có ba vị bị bãi nhiệm. Phẩm chất con người của ngài đã mang lại sự kính nể trong bối cảnh ngoại giao và chính trị tại Paris, nơi mà Ngài đã thiết lập được những mối quan hệ thân thiện với một số chính khách của chính phủ Pháp. Hoạt động ngoại giao của ngài cũng mang một ý nghĩa mục vụ rõ ràng qua các lần viếng thăm tại nhiều giáo phận của nước Pháp, kể cả nước Algeria.

Tiếng vang và lòng nhiệt thành tông đồ của Giáo hội Pháp, qua kinh nghiệm của các linh mục thợ, làm cho Đức Roncalli phải chú ý như một nhà quan sát thận trọng và khôn ngoan, ngài cho rằng cần phải có một thời gian để xem xét trước khi có quyết định dứt khoát.

Với lối sống vâng phục của mình, ngài đã sẵn sàng vâng theo lời đề nghị thuyên chuyển về Venice, nơi ngài đã đến nhậm chức vào ngày 5 tháng 3 năm 1953, lúc mới được nâng lên tước vị Hồng y theo quyết định trong Công Nghị cuối cùng của Đức Piô XII. Thời gian làm giám mục của ngài được mọi người biết đến qua những nỗ lực làm việc và hoàn thành nhiệm vụ giám mục cách tốt đẹp như thăm viếng mục vụ và cử hành Công nghị giáo phận. Việc ôn lại lịch sử tôn giáo của Venezia giúp ngài thêm những sáng kiến mục vụ mới, chẳng hạn như kế hoạch làm cho các tín hữu gần gũi với Kinh Thánh, làm việc theo gương của vị giáo chủ kỳ cựu, thánh Lorenzo Giustiniani, mà ngài đã long trọng cử hành việc tưởng nhớ trong năm 1956.

Việc bầu một vị Giáo hoàng bảy mươi bảy tuổi vào ngày 28 tháng 10.1958, đó là Đức Hồng y Roncalli, kế vị Đức Piô XII, làm nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một triều đại chuyển tiếp. Nhưng ngay từ đầu, Đức Gioan XXIII đã chứng tỏ một lối sống đầy nhân bản và con người linh mục của mình đã chín muồi qua những kinh nghiệm ý nghĩa. Ngoài việc khôi phục lại các hoạt động đúng đắn trong các cơ quan của giáo triều, ngài còn hết lòng cho công việc mục vụ theo sứ mạng của mình, bằng cách nhấn mạnh đến bản chất giám mục với tư cách là Giám Mục Rôma. Xác tín rằng việc quan tâm trực tiếp đến giáo phận là một phần thiết yếu của sự vụ Giáo hoàng, nên ngài dành nhiều thời gian gặp gỡ các tín hữu qua việc viếng thăm các giáo xứ, bệnh viện và nhà tù. Qua việc triệu tập Công nghị giáo phận, ngài muốn bảo đảm chức năng hoạt động của các cơ cấu giáo phận bằng cách tăng cường các giáo hạt và bình thường hóa đời sống giáo xứ.

Sự đóng góp lớn nhất của Đức Gioan XXIII, chắc chắn là việc triệu tập Công đồng Vatican II, được loan báo trong Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô vào ngày 25 tháng 01.1959. Đó là một quyết định mang tính cách cá nhân của Đức Giáo hoàng sau khi tham khảo ý kiến với một số vị thân cận và với vị Quốc vụ khanh, là Đức Hồng y Tardini. Các mục tiêu ban đầu của Công đồng được nêu rõ trong bài phát biểu vào lễ khai mạc ngày 11 tháng mười năm 1962: không phải là để xác định những chân lý mới, nhưng để xác định lại các học thuyết truyền thống phù hợp hơn với sự nhạy cảm hiện thời. Trong chiều hướng nhằm có được một sự cập nhật về tất cả đời sống của Giáo hội, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã mời gọi hướng về lòng thương xót và ủng hộ việc đối thoại với thế giới, hơn là lên án và phản đối trong một nhận thức mới về sứ mệnh của Giáo Hội, đón nhận tất cả mọi người. Trong tinh thần cởi mở phổ quát ấy, không thể loại trừ các giáo hội Kitô khác, họ cũng được mời tham dự vào Công đồng để khởi đầu một tiến trình xích lại gần nhau hơn. Trong giai đoạn đầu tiên, người ta có thể nhận thấy rằng Đức Gioan XXIII muốn một Công đồng có tranh luận thật sự, biết tôn trọng các quyết định sau khi mọi tiếng nói đã được trình bày và thảo luận.

Vào mùa xuân năm 1963, ngài được trao giải thưởng Balzan về hòa bình, chứng tỏ những việc làm của ngài đối với hòa bình qua việc ban hành Thông điệp Mater et Magistra (1961) và Pacem in Terris (1963), cũng như việc nhất quyết can thiệp của ngài nhân cuộc khủng hoảng tại Cuba vào mùa thu năm 1962. Uy tín và sự ngưỡng mộ chung, người ta có thể thấy được trong những tuần lễ cuối đời ngài khi cả thế giới đều lo lắng hướng về quanh ngài lúc hấp hối và đau buồn nhận tin ngài qua đời vào tối ngày 3 tháng 6 năm 1963.

Phòng Báo chí Tòa Thánh

Linh mục Augustinô chuyển ngữ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

11 Tháng Mười

Một Cách Truyền Giáo

Tuần báo Midnight-Globe xuất bản tại Hoa Kỳ, gần đây có thuật lại một phương thức làm việc tông đồ của một tín hữu Kitô như sau: mỗi ngày, trừ ngày Chúa Nhật, ông Jewel Pierce đều ra bờ sông Coosa, gần chỗ ông ở, tại bang Alabama. Ông ném xuống sông hai chai không, trong đó ông để một mảnh giấy ghi lại một câu kinh thánh nói về tình thương, hay một sứ điệp tương tự, kèm theo đó là lời đề nghị sẵn sàng giúp đỡ tất cả những ai cần đến sự giúp đỡ của ông về tinh thần cũng như vật chất. Những chai không đó được bít kín lại và theo dòng sông chạy ra biển khơi cách đó 15 cây số.

Trong vòng 40 năm, ông Jewel Pierce đã gửi đi được 27,000 sứ điệp tình thương Kitô như thế, kèm theo địa chỉ của ông. Ðã có hơn 2,000 người thuộc 30 quốc gia khác nhau đã viết thư trả lời và rất nhiều người đã đọc được những lời đầy hy vọng của sứ điệp Kitô.

Một vị giám mục Việt Nam đã thuật lại chứng từ sau đây. Tại một làng nhỏ ở miền thượng du Bắc Việt, toàn dân làng là người Công Giáo, nhưng từ 20 năm qua, họ không có linh mục coi sóc. Dù vậy, các tín hữu vẫn tổ chức các buổi đọc kinh và hát thánh ca tại nhà thờ. Ðây cũng là nơi họ tổ chức các lễ cưới và rửa tội một cách trọng thể. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng dân làng vẫn sống trong an vui và bình thản.

Tiếng đồn về niềm vui của dân làng này đến tai một làng sơn cước. Do đó, dân làng sơn cước này yêu cầu những người Công Giáo cho người đến dạy họ các bài kinh và thánh ca để họ cũng tìm được niềm vui.

Nhưng dân làng Công Giáo không tìm được ai: người lớn thì phải đi làm việc đồng áng, trẻ em thì phải đi học, còn người già cả thì không đủ sức băng rừng leo núi để đến giúp người sơn cước. Chỉ có một người thuộc kinh bổn, thánh ca và biết các nghi thức tôn giáo. Người đó lại là một người mù.

Sau khi bàn bạc với nhau, dân làng sơn cước đã đồng ý sai người dẫn hai con ngựa đi rước người mù. Người tín hữu tàn tật này đã ở lại với dân làng 4 tháng. Cứ mỗi tối, sau khi làm việc trở về, dân làng tụ họp với nhau, nay nhà này, mai nhà khác, để tập đọc kinh và hát thánh ca. Sau một thời gian, người giảng viên giáo lý mù khảo sát và làm phép rửa cho người dân làng đầu tiên. Và người tân tòng này lại rửa tội cho những người khác và cứ như thế cho đến người cuối cùng.

Phương pháp làm việc tông đồ của làng Công Giáo trên đây là phương pháp đơn sơ, nhưng cốt yếu của Kitô giáo: đó là rao giảng bằng chính chứng từ của cuộc sống, nhất là cuộc sống an bình và vui tươi.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần 27 – TN1 – Năm lẻ.

Bài đọc: Jon 4:1-11; Lk 11:1-4.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết xin cho đúng khi cầu nguyện.

Nhiều tín hữu không biết cách cầu nguyện; nên thường không được Thiên Chúa nhậm lời khi họ cầu nguyện, nói như lời thánh Giacôbê: “Anh em xin mà không được, vì anh em xin không đúng.”

Các Bài Đọc hôm nay muốn nhắc nhở con người không thể ích kỷ để chỉ biết lo lắng và cầu nguyện cho bản thân; nhưng phải để ý đến nhu cầu của Thiên Chúa và của mọi người. Trong Bài Đọc I, Jonah tức giận với Thiên Chúa vì Ngài không tiêu diệt dân thành Nineveh và làm cho cây thầu dầu đang cho ông bóng mát phải chết; nên ông xin Thiên Chúa lấy mạng sống ông đi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện làm sao cho đúng. Họ phải chú ý trước tiên tới việc làm cho danh Chúa được nhiều người biết đến và triều đại của Ngài mau tới. Sau đó mới tới việc xin các nhu cầu cá nhân của mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ông Jonah nổi giận với Thiên Chúa, với tha nhân, và với sinh vật.

1.1/ Jonah tức giận với Thiên Chúa vì Ngài đã không tiêu diệt dân thành Nineveh: Ông Jonah bực lắm, và ông nổi giận. Ông cầu nguyện với Đức Chúa và nói: “Ôi, lạy Đức Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tarsis. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và không muốn điều dữ xảy ra. Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!”

(1) Jonah tức giận dân thành Nineveh: Ông nghĩ mình có lý do để giận, vì Thiên Chúa không chịu về phe với mình để tiêu diệt quân thù. Đức Chúa hỏi một câu để Jonah suy nghĩ: “Ngươi nổi giận như thế có lý không?” Xét cho kỹ, Jonah đã tức giận cách ích kỷ, vô lý, và mù quáng:

– Ích kỷ: Ông phải hiểu cả hai đều là con cái Thiên Chúa. Ngài không thể thương con này bằng cách trừng phạt con kia.

– Vô lý: Thiên Chúa gởi biết bao nhiêu tiên-tri tới để khuyên bảo Dân Chúa bỏ đường tội lỗi quay trở về với Thiên Chúa. Họ không chịu nghe còn nhục mạ các tiên-tri! Ngay cả Jonah đã cãi lời Thiên Chúa không chịu đi giảng lần thứ nhất. Ngược lại, Ngài mới gởi có một mình Jonah, và ông đi giảng cách miễn cưỡng cho Dân Ngoại Nineveh mới chỉ có một lần; toàn thành Dân Ngoại lắng nghe, tin tưởng, và hết lòng ăn năn thống hối. Tại sao Jonah lại muốn Ngài phải tiêu diệt họ? Phải chăng Jonah muốn biến Thiên Chúa thành một Chúa bất công, hay thành vũ khí cho mình xử dụng?

– Mù quáng: Ông xin Thiên Chúa lấy mạng sống ông đi! Mạng sống của Jonah cũng quí trọng như mạng sống của bao người. Nếu Thiên Chúa lấy mạng sống của ông đi, người bị thiệt hại là Jonah chứ đâu phải Thiên Chúa.

(2) Jonah tức giận vì cây thầu dầu chết: Sau đó, Jonah ra ngoài thành và ngồi ở phía đông thành. Ở đó, ông làm một cái lều, rồi ngồi bên dưới, trong bóng mát, để xem cái gì sẽ xảy ra trong thành. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến một cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông Jonah để có bóng mát che đầu ông, hầu làm ông hết buồn bực. Ông Jonah vui lắm vì cây thầu dầu. Nhưng hôm sau, khi hừng đông ló rạng, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo. Khi mặt trời mọc, Thiên Chúa cho có một cơn gió đông nóng bỏng, và mặt trời giội nắng xuống đầu ông Jonah; ông ngất xỉu và xin cho mình được chết, ông nói: “Thà tôi chết còn hơn là sống!”

Thiên Chúa hỏi ông Jonah: “Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không?” Ông trả lời: “Con có lý để nổi giận đến chết được!”

1.2/ Lý do Thiên Chúa thương dân thành Nineveh: Để mở trí Jonah, Thiên Chúa mời gọi ông làm một sự so sánh: “Ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi.” Jonah thương cây cối hơn sinh mạng con người, một cây mà Jonah chẳng có liên hệ gì; ông thương nó chỉ vì nó cho ông bóng mát cho đỡ sức nóng gay gắt của mùa Hè.

Thiên Chúa muốn cho Jonah nhận ra sự ích kỷ và vô lý của ông: Trong thành Nineveh có hơn 120,000 con cái của Thiên Chúa, và rất nhiều súc vật là tạo vật của Thiên Chúa. Nhiều người trong họ không biết phân biệt được bên phải với bên trái, có nghĩa họ chưa biết điều gì phải làm. Thế mà Jonah lại muốn Thiên Chúa tiêu diệt hết tất cả!

2/ Phúc Âm: Phải cầu nguyện theo thánh ý Thiên Chúa

2.1/ Không phải ai cũng biết cách cầu nguyện: Theo phong tục của Do Thái, các Rabbi thường dạy cho các môn đệ một kinh đơn giản để họ có thể dùng hằng ngày để cầu nguyện. Gioan Tẩy Giả cũng làm như thế cho các môn đệ của ông. Và hôm nay, một người trong nhóm môn đệ của Chúa Giêsu cũng đến và nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.” Lý do tại sao phải dạy là vì các môn đệ không biết cách cầu nguyện làm sao cho đúng: cái gì cũng xin, xin cả những điều hại cho người khác, hay chỉ biết ích kỷ xin cho mình …

2.2/ Chúa Giêsu dạy cho môn đệ cách cầu nguyện: Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

Quan sát những lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy Ngài có những nguyên tắc sau:

(1) Những gì liên quan tới Thiên Chúa: Trước tiên, lời cầu nguyện được dâng lên Thiên Chúa là Cha chứ không phải bất cứ ai khác; Người luôn yêu thương và quan tâm đến nhu cầu của con cái mình. Tất cả những gì thuộc Thiên Chúa phải được con người quan tâm đến trước những nhu cầu của cá nhân con người: Xin làm cho thánh danh Cha vinh hiển chứ không xin làm vinh danh con, xin cho triều đại Cha mau đến chứ không xin cho triều đại của con đến trước Cha. Cầu nguyện nhưng cũng nhận ra bổn phận của người con: làm vinh danh Cha và làm cho triều đại Cha mau đến bằng những công việc và cách sống của mình; để mọi người nhìn thấy và ngợi khen Cha trên trời.

(2) Những gì liên quan tới con người: bao gồm cả quá khứ, hiện tại, lẫn tương lai.

– Hiện tại: Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy. Lương thực hằng ngày chứ không phải lương thực cả đời, lương thực phần hồn cũng như phần xác.

– Quá khứ: Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con. Một người không thể xin Thiên Chúa tiêu diệt hay giáng họa xuống kẻ thù, nhưng xin cho họ được ơn nhận ra tội và cải hóa.

– Tương lai: Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Con người không thể tránh chước cám dỗ; nhưng cần có sức mạnh để có thể vượt qua những cơn cám dỗ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta đừng bắt Thiên Chúa làm theo ý chúng ta; nhưng phải cố gắng làm theo thánh ý Ngài, vì ý của chúng ta nhiều khi rất thiển cận, ích kỷ, và mù quáng.

– Chúng ta cần phải xác tín mọi người đều là con Thiên Chúa, dù họ có biết hay không. Bổn phận của chúng ta là cộng tác với Thiên Chúa trong sứ vụ mang Tin Mừng cứu độ đến cho mọi người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************