Ngày thứ tư (12-08-2020) – Trang suy niệm

11/08/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần XIX Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Ed 9, 1-7; 10, 18-22

“Hãy ghi chữ Thập trên trán những người rên rỉ khóc than các việc ghê tởm của thành Giêrusalem”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Chúa kêu lớn tiếng vào tai tôi rằng: “Những kẻ trừng phạt thành đã đến gần, mỗi người cầm trong tay khí cụ của mình để tàn sát”. Và kìa có sáu người tiến lại, từ cửa trên phía bắc mà đến, mỗi người cầm trong tay khí cụ của mình để tàn sát. Giữa họ có một người mặc áo trắng, ngang lưng mang bút của ký lục. Họ tiến vào và dừng lại trước bàn thờ bằng đồng.

Vinh quang của Chúa Israel ngự trên các vệ binh thần liền từ đó mà cất lên, đi về phía ngưỡng cửa Đền Thờ. Người gọi kẻ mặc áo trắng, ngang lưng có mang bút của ký lục mà nói: “Hãy đi khắp thành, khắp Giêrusalem và ghi chữ Thập trên trán những người rên rỉ khóc than tất cả những việc ghê tởm người ta phạm giữa thành”.

Tôi còn nghe Người bảo những người kia rằng: “Hãy theo người này đi khắp thành và đánh phạt. Đừng đưa mắt xót thương, đừng tha thứ: già lão, trai tráng, gái trinh, trẻ con, phụ nữ, hãy giết cho hết. Nhưng ai có chữ Thập trên trán thì đừng giết. Hãy bắt đầu từ nơi thánh của Ta”. Thế là họ bắt đầu giết những kỳ lão đang đứng trước Đền Thờ. Người lại bảo rằng: “Hãy làm ô uế Đền Thờ, hãy làm cho các hành lang đầy tử thi rồi hãy ra đi”. Họ bỏ ra đi đánh phạt những kẻ ở trong thành.

Vinh quang của Chúa từ trên ngưỡng cửa Đền Thờ mà đi ra và dừng lại trên các vệ binh thần. Các vệ binh thần cất cánh và từ đất bay lên, ngay trước mặt tôi; các bánh xe cũng đi theo chúng. Chúng dừng lại nơi cửa Đông Đền thờ Chúa, và vinh quang của Thiên Chúa Israel ở phía trên chúng. Đó là sinh vật tôi đã thấy ở dưới Thiên Chúa Israel gần sông Côbar, (bây giờ) tôi mới hiểu biết đó là các vệ binh thần. Mỗi sinh vật có bốn mặt, bốn cánh và dưới cánh, có những hình bàn tay như tay người. Mặt chúng giống những mặt tôi đã thấy gần sông Côbar. Mỗi sinh vật cứ đi thẳng tới đàng trước. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 112, 1-2. 3-4. 5-6

Đáp: Trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa (c. 4b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:

1)Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời. – Đáp.

2)Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa. – Đáp.

3)Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người ngự trên nơi cao thẳm, và Người để mắt nhìn coi, khắp cả trên trời dưới đất? – Đáp.

ALLELUIA: Gc 1, 21

Alleluia, alleluia! – Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng, lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 18, 15-20

“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.

“Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

12/08/2020 – THỨ TƯ TUẦN 19 TN

Th. Gio-an-na Phan-xi-ca Xăng-tan, nữ tu      

Mt 18,15-20

SỬA LỖI CÁCH KHÉO LÉO

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.” (Mt 18,15)

Suy niệm: Dường như đã trở thành một thói tật cố hữu, người ta dễ dàng nhanh nhảu buôn chuyện, mổ xẻ lỗi phạm của người khác; đặc biệt trong thời công nghệ thông tin, lại có nhiều ‘anh hùng bàn phím’ xuất hiện, tự đặt mình làm ‘người phán xử’ dựng những ‘bộ phim lớn’ từ những lỗi lầm nhỏ nhặt hoặc những chuyện thầm kín riêng tư của người khác để tung hê lên mạng mà ‘ném đá’. Lời Chúa ngày hôm nay vẫn mang tính thời sự. Ngài không dạy chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước lỗi phạm của anh em mà phải khuyên bảo nhau cách tế nhị “một mình anh với nó mà thôi” để tôn trọng và bảo vệ danh thơm tiếng tốt cho nhau. Có sửa lỗi cho nhau khéo léo như thế mới có thể giúp nhau hoán cải và xây dựng sự hiệp nhất, và hoà hợp trong cộng đoàn.

Mời Bạn: Việc phê phán lên án người khác không có giá trị sửa lỗi bởi vì phát xuất từ động lực xấu muốn triệt hạ thay vì cứu chữa. Để có thể sửa lỗi cho nhau “theo sự thật và trong tình bác ái” (Ep 4,15) như Chúa dạy cần phải có tấm lòng bao dung thương xót “không nỡ bẻ gẫy cây lau bị giập, cũng không tắt đi tim đèn còn leo lét” (Mt 12,20). Hãy xét xem bạn  có động lực nào khi sửa lỗi cho anh em? Có phải là vì sự tốt đẹp và ích lợi của nhau? Bạn có tâm tình bao dung để sửa lỗi cho nhau cách tế nhị “trong sự thật và tình bác ái” không?

Sống Lời Chúa: Tạo dịp gặp gỡ đối thoại với nhau cách thân tình và cởi mở, cách riêng với người mình đang ác cảm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa ngự trị trong con một cách phong phú, giúp con nói sự thật trong bác ái, và biết khéo léo sửa lỗi cho nhau. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong Giáo hội ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi.
Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn
thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4).
Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,
vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,
thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ
mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.

Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.
Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15).
Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một.
Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.
Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.
Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,
nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.
Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.
Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.
Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe,
thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).
Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,
không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội,
nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,
thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.

Có thể ngày nay Giáo hội có những cách sửa lỗi khác,
nhưng những nét dưới đây vẫn giữ nguyên giá trị:
coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy,
kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,
kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.
Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng,
thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.
Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô
được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23)
khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18).

Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.
Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,
thì Cha trên trời sẽ ban cho (c. 19).
Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,
thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).
Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).
Đức Giêsu phục sinh cũng hứa ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).
Chính vì thế Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng

Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa.
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.
Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.

Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
Cuộc đời chúng con
Diễn ra quanh những chiếc bàn,
Làm bằng những chất liệu khác nhau,
Kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.

Nơi bàn học,
Ngài mở trí tuệ chúng con
Trước những chân trời mới,
Và dạy chúng con học đạo làm người.
Nơi bàn ăn,
Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con
Để chúng con có sức phục vụ tha nhân
Nơi bàn làm việc,
Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài
Trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.
Nơi bàn thờ,
Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,
Và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.

 Lạy Chúa
Giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này,
Để gặp gỡ, chia sẽ, để bàn bạc, thảo luận,
Để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành.
Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng
Để tất cả trở nên con đường
Đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

12 THÁNG TÁM

Đưa Vũ Trụ Về Với Thiên Chúa

Trong thế giới hữu hình, nguyên động lực chính của lịch sử và văn hóa là con người. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài và được Ngài bảo vệ để hiện hữu. Con người được Thiên Chúa hướng dẫn trong tình từ phụ để thực hiện vai trò làm chủ trên các tạo vật khác. Như chúng ta nhớ lại, một cách nào đó, con người là một “sự quan phòng của Thiên Chúa”.

Công Đồng Vatican II diễn tả điều này một cách chính xác như sau: “Đối với các tín hữu, chắc chắn hoạt động cá nhân cũng như tập thể của nhân loại, hoặc nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống, tự nó vốn phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phuc trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện – và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài, họ qui hướng về Ngài chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp cả địa cầu” (MV 34).

Cũng trong Hiến Chế trên, Công Đồng tuyên bố: “Thật vậy, con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật. Khi con người quay về với lòng mình tức là họ trở về với nội giới thâm sâu này, ở đó, Thiên Chúa Đấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ, và cũng nơi đó chính con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa” (MV 14).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

NGÀY 12/8

Thánh Gioanna Phanxica Chantal, nữ tu

Ed 9, 1-7; 10,18-20; Mt 18, 15-20.

LỜI SUY NIỆM: “Thầy còn bảo thật anh em, nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người hợp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

          Chúa Giêsu đang thông báo và mời gọi tất cả mọi Kitô hữu, đặc biệt đối với từng gia đình trong từng giáo xứ, nên có một buổi đọc kinh cầu nguyện chung trong gia đình; bởi trong mỗi gia đình đều thể hiện tâm tình yêu thương thật sự; biết rõ nhu cầu cần thiết riêng từng thành viên và chung cho cả gia đình, gia tộc. Để Chúa hiện diện và nâng đỡ với ân sủng của Người.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa muốn hiện diện với chúng con trong mọi kinh nguyện, đặc biệt trong gia đình, trong hội nhóm, đoàn thể, để nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con luôn biết kết hiệp và hiệp thông với nhau trong cầu nguyện để được Chúa ban thêm ân sủng cho chúng con trong cuộc sống hằng ngày cho đến trọn đời.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

12 Tháng Tám

Món Quà Vô Giá 

Một người đàn bà giàu có đang hấp hối trên giường bệnh. Trong tờ chúc thư để lại, bà kể tên của tất cả mọi người thân thuộc và xa gần sẽ hưởng gia tài của bà. Tuyệt nhiên, bà không hề đá động đến cô gái nghèo và trung thành hầu hạ bà từng giây từng phút. Quà tặng duy nhất mà bà tặng cho cô đó là một thánh giá được bọc thạch cao.

Cô gái nhận lấy món quà nhưng lòng cô đầy cay đắng buồn phiền. Cô tự nghĩ: mình đã trung thành phục vụ, hầu hạ sớm hôm để rồi chỉ được món quà không ra gì.

Không còn đủ bình tĩnh để nuốt lấy từng giọt cay đắng, cô đã kéo thập giá xuống khỏi tường và ném tung trên nền nhà. Cây thập giá vỡ tung và kìa, trước sự ngạc nhiên của cô, tất cả những mảnh vụn thoát ra khỏi lớp vỏ thạch cao đều là những viên kim cương óng ánh…

Cô gái chỉ có thể hiểu được lòng tốt của người chủ khi cô nhận ra giá trị của món quà… Lắm khi Thiên Chúa cũng gửi đến cho chúng ta những món quà được bao bọc bằng hình thù của thập giá. Sự sần sù và dáng vẻ thê thảm của thập giá làm ta không thể hiểu được lòng tốt của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Thiên Chúa không bao giờ muốn điều dữ cho chúng ta. Tất cả mọi sự xảy đến cho chúng ta đều nhằm dẫn đưa chúng ta đến nguồn hạnh phúc cao cả hơn.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần 19 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: Eze 9:1-7, 10:18-22; Mt 18:15-20

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giáo dục và hình phạt.

            Tiêu diệt một phạm nhân là điều công bằng và dễ làm; nhưng giáo dục phạm nhân đó để họ trở thành con người lành thánh là điều khó làm, nhưng đó là điều Thiên Chúa đã làm, và Ngài muốn mọi người chúng ta thực hiện điều đó. Trong tiến trình giáo dục, chúng ta phải giúp cho tội nhân nhận ra tội của mình bằng những nhân chứng khác nhau. Nếu tội nhân vẫn cố tình vi phạm, phải bị cảnh cáo và chịu những hình phạt nhẹ. Sau cùng, nếu tội nhân vẫn ngoan cố không chịu lìa bỏ tội lỗi của mình, họ mới bị tiêu diệt.

            Các bài đọc hôm nay cho chúng ta hai cách giáo dục của Thiên Chúa và của Đức Kitô. Trong bài đọc I, Đức Chúa cho ngôn sứ Ezekiel thấy những thị kiến khác nhau để ông nhận ra sự giáo dục của Ngài dành cho con cái Israel. Tiêu diệt họ và phá hủy Đền Thờ chỉ là biện pháp sau cùng, sau khi Ngài đã dùng tất cả các biện pháp. Tuy nhiên, nếu bất cứ người Do-thái nào nhận ra và khóc than tội lỗi mình, Ngài sẽ không tiêu diệt họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ về cách sửa lỗi anh/chị/em của mình: bắt đầu giữa hai người, sau đó mời thêm các nhân chứng, sau cùng mới đem ra cộng đoàn; khai trừ khỏi cộng đoàn chỉ xảy ra khi tội nhân vẫn ngoan cố không nhận tội.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hình phạt của Thiên Chúa dành cho con cái Israel.

1.1/ Thiên Chúa tiêu diệt Jerusalem: Ezekiel là ngôn sứ của thời lưu đày. Sứ vụ của ông là làm cho con cái Israel nhận ra tội lỗi của họ và khuyến khích họ quay trở về với Đức Chúa. Phương cách của ông là trình bày một Thiên Chúa công bằng và nhân từ trong việc sửa phạt: ông liệt kê các tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Đức Chúa, Ngài đã cảnh cáo họ nhiều lần qua các ngôn sứ (Isaiah, Jeremiah, Micah) và nói trước về các hình phạt sẽ xảy ra, sau cùng Ngài mới ra tay phạt. Khi phải phạt, Ngài cũng rất công bằng, chỉ những người tội lỗi mới bị phạt; ai nhận ra tội lỗi và ăn năn trở lại, Đức Chúa sẽ cho hồi hương và phục hồi xứ sở.

            Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa có giới hạn vì họ đã quá khinh thường các lời giáo huấn của Ngài. Thị kiến mà Ezekiel mô tả hôm nay báo trước những gì sẽ xảy ra cho Đền Thờ và dân thành Jerusalem. Thiên Chúa không trừng phạt tất cả mọi người trong thành vì vẫn có những người biết thờ phượng Ngài và gớm ghét tất cả mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong thành, nhưng chỉ các tội nhân mà thôi. Để phân biệt người công chính ra khỏi các tội nhân, thiên thần của Chúa sẽ đi khắp thành và đánh dấu chữ thập trên trán những người công chính trước khi các thiên thần có bổn phận phải trừng phạt sẽ theo sau tàn sát.

1.2/ Thiên Chúa rời bỏ Đền Thờ Jerusalem: Từ thời vua Solomon, người Do-thái tin tưởng Đền Thờ Jerusalem là nơi Thiên Chúa hiện diện với con cái Israel, là Nhà của Ngài. Nhiều người vẫn nghĩ Đức Chúa sẽ không bao giờ phá hủy hay để cho quân thù phá hủy Nhà của Ngài, mặc dù Đức Chúa đã phán qua các ngôn sứ: Đền Thờ không đủ bảo đảm sự an toàn của họ.

            Thị kiến Ezekiel nhìn thấy hôm nay muốn làm sáng tỏ một điều: Đức Chúa không còn hiện diện trong Đền Thờ nữa. Trước khi phá hủy Đền Thờ, Thiên Chúa được di chuyển khỏi đó.

Các cherubim (thần sốt mến) là những người di chuyển. Hình phạt đau đớn nhất cho con cái Isael là Đức Chúa không còn ở với họ nữa.

2/ Phúc Âm: Cách sửa lỗi cho nhau

            Như chúng ta đã nhấn mạnh: mục đích của việc sửa lỗi là để đưa người anh em phạm lỗi trở về, chứ không phải vì tự ái, vì tức giận, hay bất kỳ lý do nào khác. Vì thế, việc sửa lỗi cần được làm hết sức khôn ngoan và tế nhị mới mong đạt được kết quả tốt đẹp. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra phương pháp sửa lỗi rất khôn ngoan với ba tiến trình tuần tự phải làm:

            (1) Bước đầu tiên: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” Điều Chúa muốn mạnh trong bước đầu tiên này là giữa hai người mà thôi. Tại sao? Vì tâm lý con người rất phức tạp, họ không muốn tội của họ bị phơi bày trước đám đông, nhất là trước mặt những người có liên hệ mật thiết với họ. Vả lại bước này cũng cần cho việc bảo đảm sự công bằng, vì người vi phạm có cơ hội trình bày lý do và hoàn cảnh tại sao họ làm như thế.

            (2) Bước thứ hai: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.” Nếu chuyện giữa hai người không thể giải quyết được thì cần thêm nhân chứng. Theo phong tục của Do Thái, lời chứng của 3 người trở lên là chứng thật. Để có thể chinh phục được người anh em, chúng ta cần khôn ngoan trong việc chọn các nhân chứng: cần chọn những người có thế giá và được sự kính trọng của người anh em phạm lỗi. Nếu không, kết quả sẽ không được như chúng ta mong muốn vì người anh em đó có thể cho chúng ta “bè cánh” để ức hiếp họ.

            (3) Bước sau cùng: “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh (ekklesía)[1]. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” Nếu người anh em đó vẫn không chịu nghe lời các nhân chứng thì mang nó ra trước cộng đoàn. Mỗi cộng đoàn đều có hiến pháp, luật lệ và hình phạt cho những thành viên vi phạm. Hình phạt sau cùng là khai trừ họ ra khỏi cộng đoàn. Phúc Âm nói hãy coi họ như người Dân Ngoại (ngoài Do Thái) hay một người thu thuế (tội lỗi). Dĩ nhiên Phúc Âm ở đây không có ý so sánh với những người Dân Ngoại chưa có cơ hội biết Chúa và những người thu thuế chưa có cơ hội ăn năn trở lại.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Sửa lỗi là việc làm hết sức tế nhị, nhất là sửa lỗi cho những người bằng vai hoặc vai trên chúng ta. Vì thế, có nhiều người chủ trương xin hai chữ bình an vì không muốn mất thời gian, gánh chịu ghen ghét, và hậu quả không hay có thể sẽ đến. Nhưng như Lời Chúa hôm nay, sửa lỗi là một bổn phận để đưa người anh em tội lỗi trở về, chứ không phải là việc có thể không làm.

            – Biết bao lần chúng ta đã sửa lỗi không vì mục đích “đưa họ trở về,” nhưng vì không kềm được tính nóng giận, để vạch lá tìm sâu… Hình phạt chỉ là bước sau cùng phải áp dụng trên người lầm lỗi sau khi đã áp dụng cả 3 bước này, và mục đích của hình phạt là để thanh tẩy chứ không để hủy hoại con người.

            – Ba bước phải làm mà Chúa dạy hôm nay sẽ bảo đảm sự công bằng và tránh được các nỗi sợ về phương diện tâm lý.

[1] Danh từ ekklesía gây nhiều tranh cãi, vì làm gì đã có Hội Thánh hay Giáo Hội khi Chúa Giêsu nói những lời này? Theo tự điển, danh từ này có nhiều nghĩa: nhà thờ, giáo đoàn, buổi hội họp cho cả tôn giáo, chính trị, chính thức hay không chính thức. Điều muốn được hiểu ở đây là mang đương sự ra một tổ chức mà đương sự thuộc về, để tổ chức này xử lý và cho hình phạt.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************