Ngày thứ tư (13-10-2021) – Trang suy niệm

12/10/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:    Rm 2, 1-11

“Người sẽ trả lại cho ai nấy theo công việc họ đã làm, trước là những người Do-thái, sau là những người Hy-lạp”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Hỡi con người kia, hễ ngươi xét đoán, thì ngươi không thể chữa mình được đâu. Vì ngươi xét đoán kẻ khác thế nào, thì ngươi tự lên án mình như vậy: bởi lẽ ngươi cũng phạm điều ngươi lên án. Chúng ta đều biết Thiên Chúa căn cứ theo chân lý mà xét đoán những kẻ hành động như thế.

Hỡi con người kia, ngươi xét đoán những kẻ hành động thể ấy, mà chính mình ngươi cũng làm, ngươi nghĩ rằng: ngươi thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa được sao? Hay là ngươi khinh thị lòng nhân hậu, nhẫn nại và khoan dung của Người? Ngươi chẳng biết rằng lòng nhân lành của Thiên Chúa phải thối thúc ngươi hối cải sao?

Thật bởi lòng ngươi chai đá, không chịu hối cải, ngươi chỉ tích trữ cho mình cơn thịnh nộ trong ngày thịnh nộ, ngày sẽ tỏ ra thẩm phán công bình của Thiên Chúa, Đấng sẽ trả lại cho ai nấy tuỳ theo công việc họ đã làm, vì hễ những ai bền đỗ làm lành, tìm kiếm vinh quang, danh dự và ơn bất tử, thì sẽ được sống đời đời; còn những ai ương ngạnh, không vâng phục chân lý, mà lại tin theo sự gian ác, thì sẽ gặp cơn thịnh nộ và giận dữ.

Hễ kẻ nào làm sự dữ, thì mắc phải gian nan phiền muộn, trước là những người Do-thái, sau là những người Hy-lạp: vì Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai cả. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv  61, 2-3. 6-7. 9

A+B=Lạy Chúa, Chúa sẽ trả công mỗi người theo như việc họ làm (c. 13b).

A=Duy nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui; do chính mình Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là

Đá tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng. 

B=Nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi ơi, hãy an vui, vì do Người, tôi được điều tôi trông đợi. Phải, chính Chúa là Đá tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng.    

A=Hỡi dân tộc, hãy trông cậy Người luôn mọi lúc, hãy đổ giốc niềm tâm sự trước nhan Người, vì Thiên Chúa là nơi ta nương náu.

A+B=Lạy Chúa, Chúa sẽ trả công mỗi người theo như việc họ làm (c. 13b).

ALLELUIA:  Mt 4, 4b

– Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

PHÚC ÂM:  Lc 11, 42-46

“Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!”

Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa”. Người đáp lại rằng: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

13/10/2021 – THỨ TƯ TUẦN 28 TN

Lc 11,42-46

BÊN NGOÀI VÀ BÊN TRONG

“Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Phải làm các điều này và không được bỏ các điều kia.” (Lc 11,42)

Suy niệm: Có người nói: “Trời cho những cái bên ngoài, để che những cái sơ sài bên trong.” Những thứ bên ngoài lắm khi được chú ý một cách thật tỉ mỉ nhưng thực chất chỉ nhằm che giấu thực trạng tồi tàn trống rỗng nội tâm. Tình trạng đó xảy ra trong đủ mọi lãnh vực từ việc quan hệ giao tiếp giữa người với nhau cho đến việc thờ phượng Thiên Chúa. Ngược lại có người phản ứng lại thái độ đó bằng cách phủ nhận mọi hình thức biểu dương bên ngoài, họ cho rằng chỉ cần giữ “đạo tại tâm” và không cần bất cứ hình thức thể hiện nào khác. Chúa Giê-su dạy chúng ta một đường lối trung dung: “Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia.” Hãy bắt đầu sống “công bình và nhân ái” và rồi việc bên ngoài như “nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ” sẽ là một trong những cách thể hiện “lẽ công bình và lòng nhân ái” đó.

Mời Bạn: Kiểm điểm xem mình có rơi vào trường hợp của người chỉ chu toàn những việc đạo đức bên ngoài nhưng lại thường xuyên lỗi sự công bằng và sống thiếu bác ái với tha nhân không?

Chia sẻ: Xét xem tổ, nhóm của chúng tôi có lỗi đức công bằng hoặc thiếu bác ái một cách tập thể với người khác không?

Sống Lời Chúa: Khi xét mình, bạn chú ý xét kỹ hơn các tội vi phạm đến đức công bằng và đức bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hoán cải tâm hồn còn ích kỷ nhỏ nhen của chúng con, để chúng con thực sự sống công bằng và bác ái như lời chúng con hằng tuyên xưng. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu trách các nhà lãnh đạo.
Họ là những người Pharisêu, những nhà thông luật.
Họ được dân chúng kính nể vì học thức, vì chức vụ, vì đời sống đạo đức.
Nhưng họ cũng có những khiếm khuyết cần sửa đổi.

Đức Giêsu ba lần nói “Khốn cho” đối với người Pharisêu (cc. 42-44).
Khốn cho thứ nhất vì họ quá chú tâm giữ những điều lặt vặt, phụ thuộc,
mà xao lãng cái chính yếu và quan trọng.
Họ nộp thuế 10% về những thứ rau cỏ ngoài vườn để tỏ lòng đạo đức.
Tiền thuế này được dùng để giúp đỡ các tư tế và các thầy Lêvi.
Nhưng tiếc là họ không để ý đến sự công bình đối với tha nhân,
và lòng yêu mến đối với Thiên Chúa (c. 42).
Tương quan hai chiều của họ bị tổn thương.
Việc nộp thuế, dâng cúng cho nhiều cũng không sao kéo lại được.
Đức Giêsu đòi giữ cả hai, nhất là những bổn phận chính yếu:
“Các điều này phải làm mà các điều kia cũng không được bỏ.”

Khốn cho thứ hai vì họ thích tiếng khen từ người đời.
Không yêu mến Thiên Chúa, nhưng họ lại yêu mến ghế đầu nơi hội đường,
và yêu thích được chào hỏi nơi công cộng (c. 43).
Địa vị, tiếng tăm là điều họ tha thiết tìm kiếm.
Mọi việc họ làm đều nhằm tôn vinh cho cái tôi.
Chính vì thế một đời sống bề ngoài có vẻ sống cho Chúa,
kỳ thực lại là một tìm kiếm hư danh cho chính mình.
Khốn cho thứ ba gắn liền với sự giả hình trên đây.
Đức Giêsu ví họ với mồ mả người chết chôn dưới đất.
Vì không có gì làm dấu, nên chẳng ai biết đó là mồ mả để tránh.
Nhiều người giẫm lên nên bị ô nhơ mà không hay.

Nghe Đức Giêsu nói, một nhà thông luật cảm thấy bị xúc phạm.
Đức Giêsu cũng sẽ nói ba lần Khốn cho đối với các vị này.
Họ là những nhà chuyên môn giải thích luật và là thầy dạy dân chúng.
Khốn cho đầu tiên vì họ đã làm cho luật trở nên một gánh quá nặng.
Những giải thích của họ làm sinh ra bao cấm đoán và đòi buộc
vượt xa những gì chính bản văn lề luật đòi hỏi.
Thí dụ trong ngày sabát, có 39 loại công việc không được phép làm.
Luật thay vì là nguồn vui, nguồn hạnh phúc, thì lại trở nên ách nặng nề.
Nhiệm vụ của người thông luật không phải chỉ là dạy luật,
mà còn là giúp người khác giữ luật.
Với thái độ đứng ngoài, không muốn động vào,
không muốn trợ giúp, dù bằng một ngón tay (c. 46),
người thông luật sẽ không làm cho người ta cảm thấy tình yêu Thiên Chúa.

Những lời Khốn cho của Đức Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ
vẫn còn nguyên giá trị cho Hội Thánh của các Kitô hữu hôm nay.
Để có thể xây dựng một Hội Thánh Việt Nam cho kỷ nguyên mới,
chúng ta cần tránh những lỗi của người xưa.

Cầu nguyện

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG MƯỜI

Một Thời Đại Khẩn Trương

Thật bi đát là còn nhiều vùng trên thế giới, người ta vẫn chưa biết hoặc đã lãng quên Tin Mừng. Xã hội hiện đại vốn tự hào là một xã hội thông tin, nhưng có hàng triệu con người mong mỏi được nghe Tin Mừng mà chỉ mới được biết loáng thoáng hoặc chẳng biết gì cả về Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế. Và trong thế giới cũ, vốn in đậm truyền thống đức tin Kitô giáo hàng bao thế kỷ, đang tồn tại những ý thức hệ sai lạc và tư tưởng duy vật quá tràn ngập đến nỗi nhiều người sợ rằng thế giới có nguy cơ bị nhận chìm vào trong vực thẳm đen tối của chủ nghĩa vô thần. Vì thế, song song với nhu cầu Phúc Aâm hóa, chúng ta nhận ra một nhu cầu cấp bách không kém, đó là tái rao giảng Tin Mừng.

Tất cả chúng ta – linh mục cũng như giáo dân – đều được mời gọi khơi lại ý thức trong Giáo Hội về nhu cầu khẩn thiết của việc Phúc Aâm hóa và tái Phúc Aâm hóa. Đặc biệt, chúng ta phải giúp cho thế hệ trẻ nắm bắt sứ điệp này. Tâm hồn các bạn trẻ thường bị phân tán bởi những hy vọng trống rỗng. Chúng ta phải nhấn mạnh với họ về tính khẩn thiết của công việc truyền giáo, là lời tiếng gọi thách đố tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa. Chúng ta cũng cần phải làm cho các cộng đoàn Kitô hữu trở nên liên đới mật thiết với những nhu cầu những thử thách của các anh em tại các vùng truyền giáo.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 13/10

Đức Mẹ hiện ra ở Fatima

Rm 2, 1-11; Lc 11, 42-46.

LỜI SUY NIỆM: “Khốn cho cả các ngươi nữa, hỡi các nhà thông Luật! Các ngươi chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nỗi, còn chính các ngươi, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

          Đây là những lời Chúa Giêsu đang khiển trách các người Pharisêu và các nhà thông Luật; nhưng cũng là lời Người đang kiển trách đối với mọi thành phần trong dân Chúa; Bởi vì chúng ta đã không sống với con tim bằng thịt của mình; nhưng đã sống với sự so tính của trí óc hẹp hòi của mình; đã làm cản trở những tâm hồn muốn đến với Chúa với Giáo Hội.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa muốn chúng con sống trong sự thật; xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn hướng đến sự thật; tôn trọng sự thật; sẵn sàng làm chứng sự thật có trách nhiệm; giúp cho việc sống cộng đồng được trật tự; và được xứng đáng là con cái của sự thật.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

13 Tháng Mười

Mặt Trời Múa

Hôm nay 13 tháng 10, là kỷ niệm Ðức Mẹ hiện ra lần thứ sáu cho ba em Lucia, Phanxicô và Giacinta tại làng Fatima bên Bồ Ðào Nha.

Ðây là lần hiện ra có đông đảo dân chúng chứng kiến nhất. Mặc dù thời tiết xấu, ngay từ ngày 12, có trên mười ngàn người Bồ Ðào Nha từ khắp nơi trong nước đổ xô về Fatima để chờ đợi phép lạ như Ðức Mẹ đã hứa trong các lần hiện ra trước. Người lo lắng nhất trong suốt mấy ngày hôm đó chính là bà mẹ của Lucia. Bà khuyên cô con gái hãy đi xưng tội để nhỡ nếu không có phép lạ xảy ra, thì khi bị giết chết, họ cũng an tâm vì đã xưng tội. Cô Lucia trả lời: con sẽ đi xưng tội, nhưng không phải vì sợ phép lạ không xảy ra… Ðức Mẹ sẽ giữ lời hứa.

Buổi sáng sớm ngày 13/10, người ta đã thấy đám đông đứng phủ đầy ngọn đồi Cova da Iria, nơi Ðức Mẹ hứa sẽ hiện đến. Dưới cơn mưa lất phất của những ngày đầu mùa thu, ai cũng cảm thấy lạnh cóng, nhưng đều hiệp ý với nhau trong lời kinh Mân Côi kính Mẹ. Mọi người đều chăm chú hướng nhìn về ba em bé mục đồng, trong y phục rách rưới và bê bết những bùn.

Lucia bắt đầu đọc kinh Mân Côi, bỗng cô hô lớn: “Xin mọi người hãy xếp dù lại”. Với hai em Phanxicô và Giacinta, cô ra lệnh: “Hai em hãy quỳ xuống, vì Ðức Mẹ đang hiện đến”.

Cùng với ba em, nhiều người đã nhìn thấy vệt sáng trên nền trời. Trong một cái nhìn vừa cảm thông và u buồn, Ðức Mẹ nói với ba em bé: “Ta là Ðức Mẹ Mân Côi… Ta muốn người ta xây một nhà nguyện tại đây để kính nhớ Ta. Các con hãy tiếp tục lần hạt mỗi ngày”. Và Ðức Mẹ đã hứa sẽ nhận lời cầu xin của một số người mà Lucia đại diện trình lên Mẹ. Nhưng Mẹ cảnh cáo: “Ðừng xúc phạm đến Chúa nữa, người ta đã xúc phạm quá đỗi rồi”. Nói xong những điều đó, Ðức Mẹ chỉ tay về hướng mặt trời… Trong cơn ngây ngất, Lucia đã thốt lên: “Xin mọi người hãy nhìn về mặt trời”.

Lạ lùng thay, ai cũng có thể nhìn về mặt trời mà không bị lóa mắt. Như một bánh xe cuồn cuộn lửa đỏ, ánh thái dương bỗng quay lượn, nhảy múa và toát ra những tia sáng muôn màu sắc. Rồi thình lình, từ trời cao, mặt trời bỗng đổ xuống như một trái bóng da khổng lồ. Trong cơn hốt hoảng, mọi người cảm thấy như mặt trời sắp rơi xuống, ai ai cũng nằm rạp xuống trên bãi cỏ và đấm ngực ăn năn như để chờ đợi giây phút cuối cùng của vũ trụ… Hiện tượng mặt trời nhảy múa và sa xuống mặt đất kéo dài trong vòng hai phút. Khi mặt trời đã trở lại trạng thái bình thường, mọi người đều nhận thấy rằng, bãi cỏ ướt đẫm trong cơn mưa bỗng trở nên khô ráo.

Việc Ðức Mẹ hiện ra và hiện tượng mặt trời nhảy múa đi kèm như được mô tả trên đây, mang nhiều ý nghĩa.

Chính phủ cách mạng tại Bồ Ðào Nha vào năm 1917 muốn đánh đổ những thứ mà họ gọi là huyền thoại tôn giáo, cũng như dẹp bỏ mọi thứ cuồng tín. Buổi sáng ngày 13/10 hôm đó, cả một lực lượng vũ trang hùng hậu đã được gửi đến đồi Cova da Iria để ngăn cản mọi cuộc tập họp của dân chúng. Báo chí thì tung ra lời tuyên đoán rằng phép lạ sẽ không bao giờ xảy ra và huyền thoại tôn giáo sẽ cáo chung từ hôm đó.

Thế nhưng tất cả những sức ép trên đây đã không đánh đổ được lòng tin của người tín hữu.

Phép lạ mặt trời múa vừa là một thể hiện của quyền năng của Thiên Chúa vừa là một lời mời gọi sám hối. Ðệ nhất chiến tranh đã phát sinh nhiều làn sóng vô thần chủ trương tiêu diệt tôn giáo bằng bạo lực. Bên cạnh những chế độ độc tài chối bỏ quyền sống của con người, nhiều người cũng buông thả trong đời sống luân lý.

Thế giới chỉ có thể cứu vãn được nếu con người biết hoán cải: đó là sứ điệp mà Ðức Maria đã không ngừng lặp đi lặp lại tai Fatima. Và phương tiện để giúp con người hoán cải trước tiên đó là cầu nguyện. Cầu nguyện không những là quay trở lại với Chúa, nhưng còn là một cải đổi tương quan đối với người anh em.

Lịch sử đang lập lại không ngừng. Quyền sống của con người đang bị chối bỏ nhiều nơi trên thế giới. Con người cũng chối bỏ và chà đạp chính Thiên Chúa trong những sa đọa về luân lý. Ðức Maria đang tha thiết kêu mời chúng ta hãy sám hối, siêng năng cầu nguyện với kinh Mân Côi… Ðó là phương thế duy nhất để cứu vãn thế giới của chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần 28 – TN1

Bài đọc: Rom 2:1-11; Lk 11:42-46.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết xét mình trước khi xét người.

Nhiều người có thói quen nhận xét và phê bình người khác; nhưng ít bao giờ chịu xét mình. Để có thể chừa bớt thói quen này, Giáo Hội khuyên con người năng xét mình và xưng tội thường xuyên. Khi con người năng xét mình và xưng tội, ngoài lợi ích nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, hối nhân còn biết cảm thông với những yếu đuối và khuyết điểm của tha nhân: mọi người đều mang trong mình những yếu đuối và bất toàn; nếu mình dám xin ơn tha thứ từ Thiên Chúa, mình cũng phải tha thứ cho những người đã xúc phạm đến mình. Nhưng nếu con người không năng xét mình và xưng tội, họ cảm thấy thập toàn, và rất dễ nhìn xuống và phê bình tha nhân.

Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta phải rất cẩn thận trong việc xét đoán tha nhân. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các người Do-thái phải biết xét mình và cẩn thận trong việc xét đoán các Dân Ngoại vì Thiên Chúa không thiên vị một dân tộc hay một hạng người nào. Ngài cứ theo sự thật mà xét xử những ai đã làm điều đó: Do-thái cũng như Dân Ngoại. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trách mắng các biệt-phái khi họ quá chú trọng đến việc nộp thuế thập phân thì là, rau húng; mà bỏ quên những điều quan trọng hơn như lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Khi nhóm kinh-sư trách Chúa Giêsu đã đụng chạm đến họ, Ngài trách mắng luôn việc lạm dụng Lề Luật của họ. Các kinh-sư đã đối xử bất công với tha nhân khi phiên dịch Lề Luật: chất trên vai dân chúng những gánh nặng mà họ không muốn nhúng tay vào.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình.

1.1/ Bạn tưởng mình sẽ khỏi bị Thiên Chúa xét xử sao? Trình thuật hôm nay tiếp tục trình thuật tố tội của Dân Ngoại. Thánh Phaolô có ý muốn người Do-thái cũng phải cẩn thận xét tội của mình; chứ không phải chỉ căng miệng lên án các Dân Ngoại. Ngài muốn họ phải chú ý đến 3 điểm sau:

(1) Phải biết xét chính mình: Thánh Phaolô khuyên các người Do-thái: “Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình.” Khi lên án người khác, đương sự tự đặt mình vào chỗ quan tòa mà kết tội người khác. Nếu đã hiểu biết mà kết tội người khác, mình đừng bao giờ vi phạm những lầm lỗi như vậy. Nếu mình vẫn ngoan cố phạm tội đó, mình sẽ không thể nào tự bào chữa được, vì đã tự kết tội và ra bản án cho mình. Ví dụ, một người Do-thái kết tội Dân-Ngoại đã không nhận ra và thờ phượng Thiên Chúa cho phải đạo là phải chết, họ cũng phải mang án chết đó nếu họ không thờ phượng Ngài cho đúng đạo làm con.

(2) Thiên Chúa xét xử công minh: Nhiều người Do-thái tự cho Thiên Chúa có hai tiêu chuẩn phán xét: một cho Dân Ngoại, và một cho người Do-thái. Thánh Phaolô tuyệt đối đả phá quan niệm này, và bênh vực sự công bằng của Thiên Chúa. Ngài nói: ”Chúng ta biết rằng Thiên Chúa cứ theo sự thật mà xét xử những ai làm những điều đó. Còn bạn, hỡi người xét đoán những kẻ làm những điều đó trong khi chính mình cũng làm như vậy, bạn tưởng mình sẽ khỏi bị Thiên Chúa xét xử sao?” Người đời có thể phán xét theo hai tiêu chuẩn; nhưng Thiên Chúa không bao giờ làm như thế; khi một người càng được hưởng đặc quyền như người Do-thái hay người tín hữu, họ càng phải biết sống tốt lành hơn.

(3) Đừng lạm dụng tình thương Thiên Chúa: Đứng trước tình thương bao la của Thiên Chúa, con người có thể có hai thái độ: hoặc cảm thấy xấu hổ và ăn năn trở lại, hoặc lạm dụng tình thương để ngày càng lấn sâu vào tội lỗi hơn, với hy vọng Thiên Chúa sẽ tha thứ hết. Đây là một trong hai tội phạm đến Thánh Thần và sẽ không được tha. Thánh Phaolô chất vấn những người có thái độ này: ”Hay là bạn coi thường lòng Chúa vô cùng nhân hậu, khoan dung, đại lượng, mà không nhận ra rằng: Thiên Chúa nhân hậu như thế là để thúc giục bạn hối cải sao? Thế nhưng bạn lòng chai dạ đá không chịu hối cải, và như vậy bạn càng làm cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chồng chất trên đầu bạn, trong ngày Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và biểu lộ phán quyết công minh.”

1.2/ Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm: Có nhiều người cắt nghĩa sai thánh Phaolô khi nhấn mạnh “con người nên công chính chỉ bằng niềm tin vào Thiên Chúa, sola fides” (Rom 3:21-22). Nhưng trước khi nói điều đó, Phaolô đã tuyên bố sự cần thiết của việc phải bền chí làm việc thiện trong trình thuật hôm nay: ”Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm; những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời; còn những ai chống Thiên Chúa mà không vâng phục chân lý và chạy theo điều ác, thì Người sẽ nổi trận lôi đình, trút cơn thịnh nộ xuống đầu họ. Người sẽ bắt mọi kẻ làm điều ác phải gian nan khốn khổ, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. Nhưng Người sẽ ban vinh quang, danh dự và bình an cho tất cả những ai làm điều thiện, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp, vì Thiên Chúa không thiên vị ai.”

2/ Phúc Âm: Phải cẩn thận xét mình trước khi đoán xét tha nhân.

2.1/ Các người xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Là người lãnh đạo tinh thần, các người Pharisees giả sử phải biết đường và làm gương sáng cho dân chúng noi theo; nhưng họ đã không được như thế. Chúa Giêsu mời gọi họ hãy ngồi xuống xét mình về 3 điều:

(1) Phân biệt cái chính yếu và cái phụ thuộc: “Hỡi các người Pharisees! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ.”

(2) Tính thích danh vọng bề ngoài: ”Hỡi các người Pharisees! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng.”

(3) Tính giả hình: ”Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.”

2.2/ Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi: Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!” Các kinh-sư là những người hiểu biết Lề Luật; nhưng thay vì dùng Lề Luật để mưu cầu ích lợi cho dân; họ lại dùng Lề Luật để mưu cầu lợi ích cho chính bản thân họ.

Đức Giêsu thẳng thắn trách họ luôn: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.” Ví dụ, họ ra luật để cho người khác giữ; còn họ thì có một tiêu chuẩn khác để khỏi phải giữ (luật trừ).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta đừng bao giờ xét đoán người khác, nếu họ không nằm trong quyền hạn của chúng ta. Khi phải xét đóan, chúng ta hãy có đủ bằng chứng để xét đóan cách khôn ngoan và nhân từ; vì đấu nào chúng ta đong cho tha nhân, Thiên Chúa sẽ đong lại cho chúng ta bằng đấu đó.

– Nếu muốn người khác thế nào, chúng ta cũng phải thi hành như vậy. Đừng bao giờ đặt ra hai tiêu chuẩn: một tiêu chuẩn dễ dàng cho mình, và một tiêu chuẩn khó khăn cho người khác.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************