Ngày thứ tư (17-03-2021) – Trang suy niệm

16/03/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần IV Mùa Chay Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Is 49, 8-15

“Ta đã đặt ngươi nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ sở”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Đây Chúa phán: “Trong thời thuận tiện, Ta đã nghe lời ngươi; trong ngày cứu độ, Ta đã cứu giúp ngươi; Ta đã gìn giữ ngươi và đã đặt ngươi nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ sở, và thu hồi các tài sản bị phân tán, để ngươi nói với tù nhân rằng: ‘Các ngươi hãy ra’, và nói với những kẻ ở trong tối tăm rằng: ‘Các ngươi hãy ra ngoài sáng’. Họ được nuôi dưỡng trên các nẻo đường, và các đồi trọc sẽ trở thành đồng cỏ. Họ sẽ không còn đói khát nữa, gió nóng và mặt trời không làm khổ họ, vì Đấng thương xót họ sẽ là người hướng dẫn họ và đưa họ đến uống ở suối nước. Ta sẽ biến đổi tất cả các núi của Ta thành đường đi, và các lối đi của Ta sẽ được bồi đắp cho cao. Này đoàn người từ xa đến. Kìa những kẻ từ hướng bắc và hướng tây lại, và những người từ miền nam lên.

Trời hãy ca ngợi, đất hãy nhảy mừng, núi đồi hãy hân hoan chúc tụng! Vì Chúa đã an ủi dân Người và sẽ xót thương những người cùng khổ.

Nhưng Sion nói: ‘Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi’. Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 8-9. 13cd-14. 17-18

Đáp: Chúa là Đấng nhân ái và từ bi (c. 8a).

Xướng:

1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giầu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. – Đáp.

2) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. – Đáp.

3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 2 Cr 6, 2

Đây là lúc thuận tiện. Đây là ngày cứu độ. 

PHÚC ÂM: Ga 5, 17-30

“Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Người làm cho ai sống là tuỳ ý Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Do-thái rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:

“Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Điều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục. Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài.

Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người. Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử. Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và án Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Đấng đã sai Ta”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

17/03/2021 – THỨ TƯ TUẦN 4 MC

Th. Pát-rích, giám mục

Ga 5,17-30

THIÊN CHÚA KHÔNG PHẢI LÀ…

Người Do Thái càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật Sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình. (Ga 5,18)

Suy niệm: Giữa Đức Giê-su với giới lãnh đạo và những người Pha-ri-sêu mà Phúc Âm Gio-an thường gọi chung là “những người Do Thái” có mối mâu thuẫn âm ỉ thường xuyên được khơi lên từ ‘thùng thuốc nổ’ rất nhạy cảm là vấn đề luật ngày Sa-bát. Những người chống đối Đức Giê-su đã đồng hóa Thiên Chúa với bộ luật của họ. Đúng hơn, họ vẽ ra một ‘ông chúa’ nhăn nhó, lạnh lùng, và thậm chí dữ tợn, phi nhân. Bằng những hành động mà họ gọi là “vi phạm lề luật”, Chúa Giê-su muốn tỏ thái độ: giới thiệu gương mặt thật của Thiên Chúa là Cha thương xót và cứu độ, nhất là đối với những người cùng khổ, những kẻ tội lỗi, những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội…

Mời Bạn: Thử dò tìm trong đáy sâu ý thức của mình, lặn xuống tận tiềm thức, để xem ‘Thiên Chúa’ của bạn là Đấng nào, Ngài có phải là Thiên Chúa là Cha yêu thương và cứu độ mà Đức Giê-su giới thiệu hay không? Bạn có thể dò tìm như vậy qua việc xem xét lại thái độ giữ luật của bạn: chẳng hạn, bạn bị bó buộc đi lễ Chúa Nhật vì luật buộc hay tham dự thánh lễ với tâm tình tha thiết muốn gặp gỡ Chúa, v.v…?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy có một sửa đổi cụ thể trong cung cách giữ luật của mình – để chứng tỏ Thiên Chúa của bạn chính là Thiên Chúa mà Đức Giê-su rao giảng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thứ tha cho chúng con vì đã giới thiệu cho người khác một hình ảnh sai lạc về Chúa qua cung cách sống đạo máy móc, vụ lợi của chúng con. Xin giúp chúng con sửa mình, để sống đạo và làm chứng cho Chúa cách đích thực hơn. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Văn Cao chẳng những là một nhạc sĩ tài hoa,
mà còn là một họa sĩ, một văn sĩ, một thi sĩ.
Có một bài thơ rất ngắn ông làm năm 1967, mang tựa đề là Không Đề.
Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì?
Theo Văn Cao, chỉ ai đi qua mình, dám vượt qua cái tôi của mình,
người ấy mới có gì để lại cho hậu thế.

Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm vượt qua suốt đời.
Ngài không sống cho mình, nhưng cho Thiên Chúa Cha.
Giới lãnh đạo Do-thái giáo coi Đức Giêsu là kẻ phạm thượng
vì Ngài đã dám nói : “Cha tôi vẫn làm việc, và tôi cũng làm việc” (c. 17).
Thật ra Đức Giêsu chẳng bao giờ phạm thượng đến Cha.
Ngài không hề tự coi mình là Thiên Chúa (c. 18).
Đơn giản Ngài là Con, vâng phục Cha.
Đơn giản Ngài là người được Cha sai, chẳng hề làm theo ý riêng.

Sống tùy thuộc trọn vẹn vào Thiên Chúa Cha,
đó là nét nổi bật nơi con người của Đức Giêsu.
Con không thể làm hay nói bất cứ điều gì tự mình.
Con chỉ làm điều mình thấy Cha làm (c. 19).
Con chỉ nói điều mình nghe Cha nói (Ga 8, 26).
Người ta tưởng Con bị vong thân,
nhưng chính khi lệ thuộc vào Cha mà Con được tự do trọn vẹn.
Con thật là mình khi sống đúng bản chất của Con là quy hướng về Cha.
Mà bản chất của Cha là trao cho Con tất cả những gì Cha có.
Cha chẳng giữ cho riêng mình những gì có thể trao được.
Đơn giản vì Cha yêu Con (c. 20).

Cha cho Con được quyền tùy ý ban sự sống như Cha (c. 21).
Cha cho Con được như Cha, nghĩa là có sự sống nơi chính mình (c. 26).
Cha cho Con có toàn quyền xét xử (cc. 22. 27),
và có quyền gọi kẻ chết ra khỏi mồ để chịu phán xét (c. 28).
Cha muốn mọi người phải tôn kính Con như tôn kính Cha (c. 23).
Con được quyền năng như Cha là vì Con đã nhận tất cả từ Cha.
Tuy được chia sẻ mọi giàu sang của Cha,
nhưng Con chẳng quên Cha là nguồn cội, là cùng đích.
Mùa Chay, ta hãy đến với Giêsu, người Con yêu dấu, người được Cha sai.
Hãy sống lệ thuộc vào Thiên Chúa để được tự do hoàn toàn như Giêsu.
Tôi không đi qua tôi, để lại gì?
Ta sẽ để lại được nhiều điều cho đời, nhờ biết vượt qua mình như Giêsu.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

17 THÁNG BA

Quí Hơn Vàng!

Trong Mùa Chay, chúng ta ôn lại Thập Giới, vì đây là mùa mà Đức Giêsu Kitô kêu gọi chúng ta khảo sát lương tâm mình. Từ đầu Mùa Chay, Chúa không ngừng giục giã chúng ta hoán cải và giao hòa. Tiếng thúc giục này liên can với việc chúng ta tuân giữ luật luân lý của Thiên Chúa như được thể hiện trong Thập Giới. Hoán cải có nghĩa là đoạn tuyệt với sự dữ và dứt bỏ các thứ tội lỗi. Hoán cải là quyết định trở về vâng phục Thiên Chúa và thực thi điều tốt.

Chúng ta biết rằng Đức Giêsu Kitô đã đến để hoàn thành mọi giới răn mà Thiên Chúa đã trao cho dân Ngài tại Núi Si-nai. Người đòi dân It-ra-en phải tuân phục các giới răn đó. Người xác nhận với họ rằng việc tuân phục các giới răn ấy chính là nền tảng của cuộc giao hòa với Thiên Chúa và của ơn cứu độ vĩnh hằng.

Đó là lý do vì sao phụng vụ thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời. Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện… Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỉ cõi lòng… Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh; thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng” (Tv 19,8-11).

Mùa Chay là lúc để ta quay về với Thập Giới của Thiên Chúa. Trong ánh sáng của Thập Giới, chúng ta bắt đầu khảo sát lương tâm mình và đào thải mọi tội lỗi đã bén rễ trong đời ta.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 17/3

Thánh Patriciô, giám mục

Is 49, 8-15; Ga 5, 17-30.

LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu lên tiếng nói với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.”

          Chúa Giêsu đang trình bày về những công việc của Người làm giữa nhân loại: “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban cho họ sự sống thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tùy ý;  Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử; Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy. lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người.”

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin Chúa là Con Thiên Chúa và là Chúa của chúng con, để chúng con tôn kính Chúa và thờ phượng Chúa trong Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 17-03: Thánh PATRICIÔ

Giám mục (…. – 492)

Là anh hùng dân tộc và thánh bảo trợ của Ai Nhĩ Lan, Patriciô chào đời tại Bretagne. Trang trại của cha Ngài, phó tế Calpurniô, ở gần biển. Patriciô được 16 tuổi khi bọn hải khấu Ai Nhỉ Lan đến cướp phá bắt người. Thảm họa thường xẩy ra thời man rợ này. Patriciô bị bán sang Ai Nhĩ Lan. Ngài chăn súc vật trên núi và đã nếm mùi cực của đời làm tôi mọi. Ngài đau khổ nhiều.

Nhưng thời kỳ gian lao phải làm nô lệ này lại là thời kỳ phong phú nhất đối với đời Ngài. Suốt những tháng ngày dài đơn độc, Ngài nghĩ tới Thiên Chúa. Những lời dạy dỗ của cha mẹ mà trứơc kia Ngài chẳng chú ý gì tới, bây giờ lại trở thành động lực sống. Như thế Patriciô tự thánh hóa, hiến mình cho ơn thánh Chúa, quen thuộc với địa sở, với thổ dân và ngôn ngữ của họ, chuẩn bị cho sứ mệnh lớn lao của Ngài sau này.

Sáu năm trôi qua, tới ngày đào thoát. Ngài tới một hải cảng, nơi có một con tàu sắp sửa giương buồm nhổ neo. Nhưng Ngài không có tiền trả lộ phí các thương gia không cho Ngài đáp tàu. Buồn rầu, Patriciô trở về. Bỗng chủ tàu gọi lại và cho Ngài lên tàu. Sau ba ngày vuợt biển, họ tới một miền hoang vu ở Econe. Các thủy thủ lang thang kiếm ăn. Sự lo âu làm họ muốn nghẹt thở. Patriciô nói với bạn hữu về quyền năng siêu việt của Thiên Chúa mà Ngài thờ lạy.

Các lương dân xin Ngài khẩn cầu cho họ. Họ nói với Ngài: – Mày là Kitô hữu mà chẳng làm gì được cho chúng tao cả. Mày không cứu nổi chúng tao khỏi cơn đói này được sao ?

Patriciô trả lời : – Cứ tin tưởng và thật tình quay về với Chúa, đối với Ngài không có gì là không thể được, để ngay hôm nay đây, Ngài sẽ gửi đồ ăn tới cho các bạn.

Và chẳng mấy chốc, họ gặp một bầy heo, khiến cho họ có thể sống cho đến khi tìm tới được miền có dân cư.

Nhiều năm trôi qua sau những biến cố thăng trầm và cả một thời gian làm nô lệ, Patriciô được trở về và gặp lại cha mẹ. Dường như sau bao nhiêu gian khổ, Ngài nói về vui hưởng an bình và tình thương. Nhưng các thị kiến ám ảnh Ngài luôn: các trẻ em giơ tay kêu mời Ngài, xin Ngài rửa tội cho chúng.

Tận thẳm sâu tâm hồn Ngài biết rằng mình phải trở lại đảo lưu đày của mình và lần này là để trở thành nô lệ của các tâm hồn. Lúc khởi sự chương trình, Ngài gặp phải những dèm pha, chống đối tư tưởng như thời gian và sức lực Ngài đã uổng phí nơi đám lương dân này. Nhưng Patriciô, người chiến sĩ của Chúa Kitô không nản chí, không dừng bước. Ngài bắt đầu học đạo ở Gaule, tại cung điện thời danh Iles de Lérins. Trở về, Ngài dành một thời gian lâu dài tại Anxèrre để hoàn tất việc học hỏi nơi các giám mục Amator và Germain. Trong khi chuẩn bị công cuộc truyền giáo lớn lao sắp tới Ngài được tấn phong giám mục. Đó là việc thành lập tòa giám mục Armagh.

Năm 432, Patriciô đi bước quyết định. Ngài sắp lôi kéo các tâm hồn dân Ai Nhĩ Lan ra khỏi việc sùng bái của các tăng ni (thời cổ xưa) để tỏ cho họ thấy một quyền năng thiêng liêng cao cả hơn. Ngài biết rằng để hiến tế chính con người, dân Ai Nhĩ Lan chọn những người ngoại quốc. Nhưng Ngài đương đầu với mọi nguy hiểm đe dọa đến mạng sống. Ngay tại trung tâm thờ ngẫu tượng mà các tăng ni cư ngụ, Patriciô ra mắt các thủ lãnh và các chiến binh.

Bất kể những chống đối dữ dội, Ngài sắp dẫn các lãnh tụ đến chỗ xin được rửa tội. Luôn luôn Ngài nhằm cải hoá các thủ lãnh bộ tộc, để rồi họ sẽ dắt dân chúng theo Ngài từ chối quà cáp các vua này muốn trao tặng Ngài. Tại miền Almonaid. Các đạo sĩ nổi dậy. Patriciô giơ tay trái lên trời chúc dữ thủ lãnh Rechrad khiến hắn chết tốt. Khi dựng lên nhà thờ ở bìa rừng gần biển, rất nhiều người đã trở lại. Trong một chuyến đi tới Connaught, chính một tăng lữ đã đón nhận thánh nhân và giúp Ngài thiết lập một tu viện và một nhà thờ.

Lịch sử kể lại cuộc hoán cải của các con gái vua Loeghair tại giếng Grogan và diễn từ Ngài đã nói với họ:

– “Thiên Chúa chúng ta cổ xúy tất cả, làm sống động tất cả, trỗi vượt tất cả, đỡ nâng tất cả, Ngài có một người con vĩnh cửu như Ngài, giống như Ngài. Thánh linh hiển hiện giữa các Ngài, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không hề tách rời nhau. Tôi, tôi muốn dâng các cô cho vua trên trời. Các cô là những con cái trần thế, các cô có tin không ?

Tiếp sau câu hỏi của thánh nhân, là những câu đáp:

– Các cô có tin rằng sau khi chịu phép rửa tội, tội nguyên tổ liền bị xua trừ không ?

– Chúng tôi tin.

– Các cô có tin vào cuộc sống mới sau khi chết không ?

– Chúng tôi tin.

Thế là Patriciô rửa tội cho họ và các Kitô hữu xin được xem thấy mặt Chúa Kitô. Patriciô nói: – Nếu không chết, nếu không rước mình thánh, các cô không thấy được mặt Chúa Kitô.

Và rồi khi đã rước lễ. Các cô gái của nhà vua lịm đi như chết, gần giếng Crôgan còn nấm mồ của họ.

Không ngơi nghỉ, Patriciô rảo khắp trên hòn đảo và thích ứng các phong tục ngẫu thần với Kitô giáo. Ngài để cho lương dân tổ chức lễ thắp lửa ngày 21 tháng sáu kính mùa hè, nhưng là để kính thánh Gioan Tẩy giả. Ơ Bretagne vẫn còn giữ được lửa thánh Gioan tẩy giả của Ngài. Do bình cánh chuồn đầy dẫy ở đồng quê, vị tông dồ cho dân chúng thấy hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Như thế mọi sự đều có thể là bài học cho việc giảng dạy.

Trên một ngọn đồi, Patriciô lập một ngôi nhà gỗ cho các tu sĩ. Nơi này đã trở thành một trung tâm vĩ đại, nguồn gốc của thành phố Armagh. Ngài truyền chức cho các linh mục, đặt họ ở các thành phố. Còn chính Ngài, Ngài sống đời cầu nguyện mãnh liệt và kiên trì. Chúng ta khó tưởng tượng nổi, Cuốn Confession của Ngài cho thấy đức tin, lòng nhân hậu và hạnh phúc của Ngài như một cuộc tử đạo.

Thánh Patriciô đã làm cho cả hòn đảo theo Kitô giáo. Khi cải hóa dân Ai Nhĩ Lan, Ngài còn là Đấng khai sáng văn minh. Đưa dân man rợ vào nghệ thuật và khoa học. Các tu viện Ngài để lại phát triển khác thường lôi kéo các sinh viên tới trong nhiều thế kỷ. Ai Nhĩ Lan được cải hóa đã thành đảo của các nhà trí thức, các thánh nhân, nhờ dấu vết thánh thiện của thánh Patriciô.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

17 Tháng Ba

Chia Sẻ Ánh Sáng Cứu Ðộ 

Ngày xưa có một người cha có ba đứa con trai. Ông vốn sinh ra nghèo khổ, nhưng nhờ chuyên cần làm việc và cần kiệm, nên ông trở nên một điền chủ giàu có. Lúc về già, gần đất xa trời, ông nghĩ tới chuyện chia gia tài cho các con. Nhưng ông cũng muốn xem đứa con nào thông minh nhất để phó thác phần lớn gia sản của ông cho nó. Ông liền gọi ba đứa con đến giường bệnh, trao cho mỗi đứa năm đồng bạc và bảo mỗi đứa hãy mua cái gì có thể lấp đầy căn phòng trơ trọi mà ông đang ở.

Ba đứa con vâng lời cha cầm tiền ra phố. Người anh cả nghĩ rằng đây chỉ là một công việc dễ dàng. Anh ta ra tới chợ mua ngay một bó rơm rất lớn mang ngay về nhà. Người con thứ hai suy nghĩ kỹ lưỡng hơn: sau khi đi rảo quanh chợ một vòng, anh ta quyết định mua những bao lông vịt rất đẹp mắt. 

Còn người con trai thứ ba, suy nghĩ đi, suy nghĩ lại: làm sao mua được cái gì với năm đồng bạc này, để có thể lấp đầy căn phòng lớn của cha mình. Sau nhiều giờ đắn đo, bỗng mắt chàng thanh niên hớn hở, anh ta lại căn tiệm nhỏ mất hút trong đường nhỏ gần chợ, anh ta mua cây đèn cầy và một hộp diêm. Trở về nhà, anh hồi hộp, không biết hai anh mình đã mua được cái gì.

Ngày hôm sau, cả ba người con trai đều họp lại trong phòng của cha già. Mỗi người mang quà tặng của mình cho cha: Người con cả mang rơm trải trên nền nhà của căn phòng, nhưng phòng quá lớn, rơm chỉ phủ được một góc nền nhà. Người con thứ hai mang lông vịt ra, nhưng cũng chỉ phủ được hai góc của căn phòng. Người cha cóvẻ thất vọng. Bấy giờ người con trai út mới đứng ra giữa phòng, trong tay chẳng mang gì cả. hai người em tò mò chăm chú nhìn em, và hỏi: “Mày không mua cái gì sao?”. Bấy giờ đứa em mới từ từ rút trong túi quần ra một cây nến và hộp diêm. Thoáng một cái, căn phòng đầy ánh sáng. Mọi người đều mỉm cười. Người cha già rất sung sướng vì quà tặng của đứa con út. Ông quyết định giao phần lớn ruộng đất và gia sản của mình cho con trai út, vì ông thấy anh ta đủ thông minh để quản trị gia sản của mình và nhờ đó cũng có thể giúp đỡ các anh của nó nữa.

Ðứng trước khó khăn thử thách, để kêu gọi sự bình tĩnh sáng suốt và tinh thần hợp tác, người ta thường nói với nhau: thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.
Cuộc sống của mỗi người chúng ta, cuộc sống của những người xung quanh chúng ta, cuộc sống của xã hội chúng ta có lẽ cũng giống như một căn phòng đen tối… Chỉ cần một người đốt lên một chút ánh sáng, những người xung quanh sẽ cảm thấy ấm cúng và phấn khởi.
Một chút ánh sáng của một cái mỉm cười. Một chút ánh sáng của một lời chào hỏi. Một chút ánh sáng của một san sẻ. Một chút ánh sáng của tha thứ. Và một chút ánh sáng của niềm tin được chiếu tỏa qua sự vui vẻ chấp nhận cuộc sống… Một chút ánh sáng ấy cũng đủ để nâng đỡ ít nhất là một người mà chúng ta gặp gỡ, bởi vì không có một nghĩa cử nào được thực thi mà không ảnh hưởng đến người khác…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần IV MC

Bài đọc: Isa 49:8-15; Jn 5:17-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa yêu thương chăm sóc dân Người.

Tình yêu Thiên Chúa được các tác giả Sách Kinh Thánh so sánh với nhiều lọai tình yêu, nhưng không có hình ảnh nào diễn tả trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa. Ví dụ: Thân mật như tình yêu vợ chồng trong Hosea; nhưng trong tình yêu vợ chồng vẫn có sự phản bội. Bao la như tình mẫu tử trong Isaiah; nhưng vẫn có những bà mẹ bỏ và đang tâm giết hại con mình. Gần gũi và nói lên được sự quan trọng như cây nho và cành, nhưng không diễn tả được các khía cạnh khác như dạy dỗ và yêu thương.

Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm nơi tình yêu Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Isaiah muốn nói với dân đang sống cực khổ nơi lưu đày: Thiên Chúa vẫn hằng quan tâm săn sóc họ. Ngài đã có sẵn một kế họach giải phóng dân khỏi nơi lưu đày và đưa họ về quê hương để xây dựng lại tất cả. Thiên Chúa sẽ là Người Mục Tử để chăn dắt dân và lo cho họ có đủ mọi của ăn uống. Trong Phúc Âm, vì yêu thương nhân lọai, Thiên Chúa đã gởi cho nhân lọai Người Con Một của Ngài để yêu thương, chăm sóc, và chữa lành con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa hằng quan tâm đến đời sống của dân Người.

1.1/ Viễn tượng về ngày Thiên Chúa giải phóng dân Người: Trình thuật hôm nay nằm trong Sách Thứ Hai của Isaiah; Sách này được viết trong Thời Lưu Đày. Dù rằng dân chúng đang phải đền tội cực khổ trong nơi lưu đày, Thiên Chúa đã có kế họach để giải phóng và đưa dân trở về quê hương, như lời tiên tri loan báo: “Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Ta đã gìn giữ ngươi, đặt ngươi làm giao ước giữa Ta với dân, để phục hồi xứ sở, để chia lại những gia sản đã bị tàn phá, để nói với người tù: “Hãy đi ra,” với những kẻ ngồi trong bóng tối: “Hãy ra ngoài.””

Thiên Chúa là Mục Tử, chính Ngài sẽ chăn dắt và lo lắng cho dân: “Như bầy chiên, chúng sẽ được nuôi ăn trên các nẻo đường, sẽ gặp được đồng cỏ trên mọi đồi hoang. Chúng sẽ không phải đói phải khát, không bị khí nóng và mặt trời hành hạ, vì Đấng thương xót chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào.” Đây là hình ảnh báo trước Đấng Thiên Sai, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành, Ngài đến để đòan chiên được sống và sống dồi dào (Jn 10:10-11).

1.2/ Thiên Chúa không bao giờ lãng quên dân Người.

(1) Thiên Chúa vẫn nhìn xem dân Người trong Thời Lưu Đày: Khi phải sống trong cảnh cực khổ của nơi lưu đày, dân chúng có cảm tưởng như đã bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhiều người đã từng thốt lên: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!”

Thực ra, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy và quan tâm đến đời sống của dân. Một điều chứng minh tình thương Thiên Chúa là Ngài vẫn không ngừng gởi các ngôn sứ tới để an ủi, khuyến khích, và cho dân một niềm hy vọng là Thời Lưu Đày chỉ tạm thời. Nếu dân biết nhận ra tội lỗi mình và ăn năn hối cải, Thiên Chúa sẽ cứu dân khỏi chốn lưu đày. Dân mong muốn ngày đó, và Thiên Chúa còn mong ngày đó hơn dân. Ngày đó sẽ là ngày mừng vui, ngày mà “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo, vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người.”

(2) Tình của Thiên Chúa thâm sâu hơn tình mẫu tử: Không có một tình yêu nào bao la hơn tình mẫu tử; nhưng ngày nay vẫn có những người mẹ nhẫn tâm giết con mình ngay khi còn là bào thai trong lòng. Thiên Chúa bảo đảm tình yêu của Ngài cho con người, khi Ngài nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”

2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban Người Con Một của Ngài cho con người.

2.1/ Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc: Người Do-thái tố cáo Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabbath khi truyền cho người bại liệt 38 năm vác chõng mà về trong ngày Sabbath. Nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.”

Thiên Chúa đã không nghỉ trong ngày Sabbath; bất cứ nhà học giả Do-thái nào cũng hiểu điều này. Philo đã nói: “Thiên Chúa không bao giờ ngưng làm việc, nhưng như đặc tính của lửa là cháy và đặc tính của tuyết là đông lạnh, đặc tính của Thiên Chúa là làm.” Một người khác viết: “Mặt trời chiếu sáng, những giòng sông chảy; các tiến trình của sinh sản và chết chóc vẫn xảy ra trong ngày Sabbath cũng như các ngày khác; và đó là công việc của Thiên Chúa.” Sự thật Thiên Chúa ngưng tạo dựng trong ngày Sabbath; nhưng những việc khác như phân xử, thương xót, yêu thương, và quan phòng vũ trụ vẫn tiếp tục không ngừng. Điều Chúa Giêsu muốn nói với họ: Ngay cả trong ngày Sabbath, Thiên Chúa vẫn yêu thương và chữa lành, Ta cũng vậy, vì Ta được sai đến để yêu thương và chữa lành. Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật Sabbath, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

2.2/ Thiên Chúa ban cho Chúa Giêsu quyền ban sự sống và phán xét.

(1) Quyền ban sự sống: “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.” Điều này được thể hiện qua những phép lạ Chúa Giêsu làm cho kẻ chết sống lại. Trong Tin Mừng Gioan, chương 11, phép lạ Chúa Giêsu làm cho Lazarus sống lại sau 3 ngày chứng minh quyền ban sự sống của Ngài.

Sự sống mà Chúa Giêsu mang trong mình không chỉ là sự sống thể lý, nhưng là sự sống thần linh mà Ngài nhận được từ Chúa Cha: “Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy.” Con người có thể lấy đi sự sống thể lý; nhưng không bao giờ có thể lấy đi sự sống thần linh của Ngài. Chính vì sự sống thần linh mà Ngài có thể ban cho kẻ chết sống lại, và tự mình sống lại sau ba ngày trong mộ.

(2) Quyền phán xét: “Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.”

Chúa Cha và Chúa Giêsu không phán xét con người, nhưng con người phán xét chính mình khi phải đối diện với Chúa Giêsu (Jn 3:18). Nếu họ không tin nơi Người Con mà Chúa Cha gởi tới, họ đã phán xét chính họ rồi. Nhưng nếu họ tin vào Ngài, như Chúa Giêsu xác quyết: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải xác tín một sự thật: Không ai yêu thương chúng ta bằng Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ trước tiên qua việc trao ban cho chúng ta Người Con Một, để Ngài diễn tả tình yêu Thiên Chúa bằng hành động: dạy dỗ, chữa lành, và chết cho chúng ta.

– Thiên Chúa không chỉ yêu thương mà còn có uy quyền làm mọi sự. Ngài muốn và có thể làm mọi sự tốt lành cho con người. Được một Thiên Chúa Tốt Lành như thế yêu thương, chúng ta còn chờ đợi gì nữa mà chưa trao trọn vẹn tình yêu của chúng ta cho Ngài?

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************