Ngày thứ tư (18-05-2022) – Trang suy niệm

17/05/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Tư Tuần V Mùa Phục Sinh Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Cv 15, 1-6

“Người ta quyết định là các ngài lên Giêrusalem xin các Tông đồ và niên trưởng giải quyết vấn đề này”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđê đến dạy bảo các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ”. Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô và Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng để xin giải quyết vấn đề này.

Các ngài được giáo đoàn tiễn đưa, và khi đi ngang qua Phênixê và Samaria, các ngài kể lại việc dân ngoại trở lại khiến mọi anh em đầy hân hoan. Khi đến Giêrusalem, các ngài được giáo đoàn, các Tông đồ và kỳ lão đón tiếp, rồi các ngài kể lại bao nhiêu việc Thiên Chúa đã thực hiện với các ngài. Nhưng có mấy người tín hữu thuộc nhóm biệt phái đứng lên nói rằng: “Phải cắt bì cho những người dân ngoại và bắt họ cũng phải giữ luật Môsê”. Các Tông đồ và các kỳ lão họp lại cứu xét việc này. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Đáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”(c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia. 

Xướng:

1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. – Đáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. – Đáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavít. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 16, 28

Alleluia, alleluia! – Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 15, 1-8

“Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.

“Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

18/05/2022 – THỨ TƯ TUẦN 5 PS

Th. Gio-an I, giáo hoàng, tử đạo

Ga 15,1-8

ĐỂ LÀM VINH DANH CHÚA

“Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.” (Ga 15,8)

Suy niệm: Thời nay, từ các lớp mẫu giáo cho đến những cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, đâu đâu cũng tràn ngập các loại bằng khen. Cơn khát được vinh danh của người này biến họ thành mồi ngon cho mưu đồ khai thác hưởng lợi của người khác. Phần Thiên Chúa, Ngài đâu cần con người tôn vinh, bởi vì “những lời ca tụng của chúng ta không thêm gì cho Chúa.” Nhưng Chúa Giê-su dạy chúng ta làm những việc tốt đẹp để tôn vinh danh Chúa chính là tạo cơ hội cho chúng ta “sinh nhiều hoa trái” và người hưởng lợi lại là chính chúng ta, vì nhờ đó chúng ta “được hưởng niềm vui của Chúa và niềm vui đó được nên trọn vẹn” (x. Ga 15,11).

Mời Bạn: Đối với các tín hữu tiêu chuẩn đánh giá một việc tốt đẹp không phải là được người đời khen tặng mà là biết gắn kết đời mình với Chúa Giê-su, giống như “cành nho gắn liền với thân nho;” nhờ thế, trong mọi việc họ làm, dù là kín ẩn hay được người khác biết đến, họ vẫn làm với tất cả tâm nguyện là hoàn thành thánh ý Chúa Cha và chỉ để tôn vinh danh Chúa mà thôi.

Sống Lời Chúa: Để biết mình đã làm mọi việc chỉ để tôn vinh danh Chúa hay chưa, mời bạn xét mình xem bạn đã sống với Chúa thế nào khi chỉ có một mình bạn với Chúa hoặc bạn đã hành động thế nào khi không được ai nhận biết, khen tặng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức sự hiện diện của Chúa khi làm dấu thánh giá và nhắc nhớ con qui hướng về Chúa mọi việc con làm để con luôn làm việc với mục đích tối hậu là tôn vinh danh Ngài.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Cây nho là một cây quen thuộc trên đất Palestin.
Người ta trồng nho để ăn trái hay làm rượu.
Đức Giêsu đã từng thấy những cây nho với những cành nho trĩu quả.
Ngài muốn dùng hình ảnh này để nói lên tương quan giữa Ngài với môn đệ.
“Thầy là cây nho, anh em là cành” (c. 5).
Cành sống được, sinh trái được, là nhờ còn gắn liền với cây.
Dòng nhựa nguyên từ cây sẽ nuôi sống cành.
Như cành không tự mình sinh trái được (c. 4),
người môn đệ cũng chẳng làm gì được nếu không gắn bó với Thầy (c. 5).

Có một lối nói đặc biệt để diễn tả sự gắn bó này: ở lại trong.
Cụm từ này được nhắc lại sáu lần như một điệp khúc (cc. 4-7).
“Anh em hãy ở lại trong Thầy”: một lời kêu mời tha thiết của trái tim.
Thầy Giêsu như xin các môn đệ đừng quay lưng trước tình yêu,
vì tình yêu cần được đáp trả mới nên trọn vẹn.
“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (c. 4).
Cành nho không có tự do để chọn ở lại hay không ở lại.
Chỉ con người mới có thể tự nguyện ở lại hay cố tình từ chối.

Nhưng ở lại trong Thầy cũng có nhiều cấp độ.
Chắc chúng ta đã ở lại trong Chúa Giêsu phục sinh đến một mức nào đó.
Và cây đời của chúng ta đã sinh hoa trái ít nhiều.
Nhưng chúng ta vẫn cần ở lại hơn để có trái nhiều hơn.
Càng ở lại sâu, càng có trái nhiều, trái ngon, trái tồn tại mãi (cc. 5.8.16).
Trái tỷ lệ thuận với việc chúng ta ở lại trong Chúa.
Nét đặc sắc làm nên đời người Kitô hữu chính là chuyện của cây và cành.
Cây và cành cùng sẻ chia một dòng nhựa sống.
Kitô hữu không chỉ sống với Giêsu, sống như Giêsu, sống cho Giêsu,
mà còn sống trong Giêsu, sống sự sống của Chúa Giêsu phục sinh.
Chưa sống trong Giêsu, chưa thực sự là Kitô hữu.

Chúng ta cũng không quên vai trò của Thiên Chúa Cha người trồng nho.
Cây nho Giêsu được Cha vun trồng chăm bón.
Các cành nho không sinh trái thì bị Cha chặt đi.
Các cành đã sinh trái thì được Cha cắt tỉa để sinh trái hơn (c. 2).
Cha cắt tỉa không vì độc ác, nhưng vì yêu, vì muốn điều tốt hơn cho cành nho.
Chữ hơn giúp chúng ta hiểu được những cắt tỉa đau đớn trong đời mình.
Có thể nói chính Đức Giêsu cũng đã được Cha cắt tỉa
qua khổ đau, nhục nhã và cái chết kinh hoàng.
Không phải vì Ngài chưa thanh sạch, nhưng để Ngài giống và gần ta hơn.

“Điều làm Cha được tôn vinh là anh em sinh trái nhiều” (c. 8).
Vinh quang của Cha không nghịch với sự triển nở thật sự của con người.
Sự  èo uột, cằn cỗi của chúng ta mới là nỗi nhục cho Thiên Chúa.
Hãy sinh trái nhiều nhờ chấp nhận những cắt tỉa của Cha qua lời của Giêsu.

 

Cầu Nguyện

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.

Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.

Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.

Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn.

(Cha Piô)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG NĂM

Chúng Ta Không Bị Bỏ Mồ Côi

“Thầy sẽ xin Cha, và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác – để ở với anh em luôn mãi: đó là Thần Khí sự thật…” (Ga 14, 16 – 17). “Thầy sẽ không bỏ anh em mồ côi; Thầy sẽ đến với anh em” (Ga 14, 18).

Đức Giêsu nói những lời này để chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận cuộc ra đi của Người khi sứ mạng mê-si-a của Người trên dương thế gần đến hồi kết thúc. “Thầy sẽ không bỏ anh em mồ côi; Thầy sẽ đến với anh em”, khi nói những lời ấy, Đức Giêsu muốn nói về những ngày sau phục sinh – tức 40 ngày mà Người sẽ tiếp tục trải qua với các môn đệ. Những lời đó, đồng thời, cũng nhằm hướng chỉ đến Chúa Thánh Thần.

Đức Kitô Phục Sinh không để các môn đệ Người “mồ côi”. Người không để Giáo Hội “mồ côi”. Thật vậy, Người trao cho chúng ta Thánh Thần.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 18/5

Thánh Gioan I Giáo Hoàng, tử đạo

Cv 15, 1-6; Ga 15, 1-8.

LỜI SUY NIỆM: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái thì Người chặt đi, còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (Ga 15,1-2)

          Chúa Giêsu cho chúng ta biết Chính Thiên Chúa đã cấy Người vào trong thế gian, và Người đã cắm rễ sâu vào trần gian này, còn chúng ta đều là những cành được tháp chặc vào thân cây nho đó. Được nuôi sống bởi cùng một dòng nhựa của thân cây nho là Đức Giêsu KiTô. Là Ki-Tô hữu, chúng ta phải biết múc lấy tất cả những ân ban từ Chúa Giêsu, không những để được sống mà sống dồi dào, để  còn phải sinh nhiều hoa trái. Nếu chúng ta sống đúng với ý muốn của Chúa Giêsu, thì sẽ được chính Thiên Chúa quan tâm, và Ngài sẽ giúp cho chúng ta thực hiện nhiều điều tốt đẹp hơn, để mang lại nhiều lợi ích cho Hội Thánh Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu. Trong mỗi người chúng con đều có những tật xấu, làm cho đời sống của chúng con không được tươi tốt. Xin Chúa ban ơn thánh và cắt tỉa những sự xấu xa đó ra khỏ lòng chúng con, để chúng con ngày càng thánh thiện và gắn bó với Chúa nhiều hơn.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 18-05: Thánh GIOAN I

Giáo Hoàng Tử Đạo (+526)

Thánh Gioan sinh tại Tuscia. Ngài được chọn làm giám mục Rôma ngày 13 tháng 8 năm 523. Người ta không biết gì về đời thơ ấu của thánh nhân, nhưng tư ngày lên kế vị thánh Pherô Ngài đã nhiệt thành sống khẩu hiệu “tất cả vì danh Chúa”. Ngài đã có công hoàn thành nhạc bình ca mà các vị tiền nhiệm của Ngài là Đức Celestinô I, Leo Cả và Galesiô khởi xướng.

Năm 624, vua Justinô I bên Tiểu Á muốn hiệp nhất Giáo hội cũng như nhằm mục đích chính trị đã đàn áp nhóm theo lạc giáo Ariô. Tại Roma vua Theodôricô là người theo lạc giáo Ariô đã tức giận bắt đức giáo hoàng Gioan dẫn đầu phái đoàn đi thương thuyết. Sau nhiều lần phản đối, Ngài đã chấp nhận lên đường. Đây là lần đầu tiên có một vị giáo hoàng rời khỏi nước Ý. Vua Justinô và toàn dân Constantinopole hân hoan vui mừng đón tiếp Đức Giáo hoàng. Ngài đã cử hành lễ phục sinh tại thánh đường thánh nữ Sôphia và phong vương cho vua Justinô.

Trở lại Rôma, Ngài bị vua Thêđôricô cho là đã hành động phản nghịch với mình. Tức giận, ông tính xử tử Ngài, nhưng lại sợ dân chúng nổi loạn, nên bắt giam Ngài tại Ravenna. Tại đây đức giáo hoàng đã từ trần ngày 18 tháng 5 năm 526.

Ngày 27 tháng 5 năm 530 xác Ngài được dời về Roma. Niên lịch phụng vụ cử kính nhớ Ngài vào ngày 18-5 hằng năm.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

18 Tháng Năm

Cánh Diều

Người Rumani nói về nguồn gốc của trò chơi thả diều bằng mẩu chuyện như sau:

Tại một làng kia, có một người nghèo mà ai cũng gọi là Cob. Cob là một tên gọi không mấy thanh cao trong ngôn ngữ Rumani. Người ta gọi ông bằng tên ấy vì cái miệng sún răng cũng như đôi chân khập khiễng của ông. Con người có dáng vẻ xấu xí ấy lẽ dĩ nhiên chỉ có thể là một người nghèo mà thôi. Không vợ, không con, ông Cob lầm than như tất cả những người nghèo khác. Ði đến đâu, ông cũng trở thành trò đùa cho mọi người. Vậy mà con người ấy không hề than thân trách phận hoặc tỏ ra giận dữ, buồn phiền mỗi khi bị chọc ghẹo.

Cả đời, ông chỉ có mỗi một băn khoăn: là chưa hề làm một việc thiện cho người khác. Ông yêu người, ông muốn tặng thật nhiều quà cho mọi người. Nhưng ông cảm thấy mình quá nghèo để có thể thực hiện được giấc mơ ấy. Ông thường tự nhủ: “Bệnh tật, đau yếu, khốn khổ, chết chóc, đó là số phận chung của mọi người. Ai không nhỏ lệ thì cũng khóc thầm trong lòng. Nước mắt là cơm bữa của loài người. Do đó, cần phải làm cho con người phấn khởi, vui tươi”. Nghĩ thế, ông trình bày lên Chúa tước nguyện như sau: “Xin Chúa cho con có thể mang lại cho những người đau khổ một quà tặng”.

Một quà tặng cho nhân loại đau khổ, nhưng ông Cob vẫn không biết món quà đó phải như thế nào. Trong khi chờ đợi, mỗi lần bị cười chê, mỗi lần bị đem ra làm trò cười, ông vẫn tươi cười với ý nghĩ rằng: “Ít ra mình cũng làm cho người vui”.

Sau một thời gian suy nghĩ, cuối cùng ông Cob mới tìm ra được món quà tặng mà ông sẽ mang lại cho nhân loại đau khổ: đó là một cánh diều bay lơ lửng trên không.

Nghĩ đó là sự linh ứng của Chúa, ông Cob đi nhặt tất cả những gì cần thiết để làm một cánh diều. Ông miệt mài cắt xén, sơn vẽ để hoàn thành được một cánh diều óng ả, sáng chói như một đĩa bay.

Khi cánh diều gặp gió bay cao, cả dân làng kéo nhau ra cánh đồng để nhìn ngắm cánh diều của ông Cob. Mọi người đưa mắt nhìn lên không trung và quên hẳn những nhọc nhằn của cuộc sống. Ðó là quà tặng mà người khốn khổ nhất của ngôi làng đã mang lại cho người đồng loại của mình.

Một tác giả nào đó đã nói: “Trái tim không phải là một món hàng để mua bán, mà là một món quà để trao tặng”. Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết.

Sự giàu có và nghèo nàn có thể phân biệt con người thành giai cấp thứ bậc. Có người tiền rừng bạc biển, có người nghèo rớt mòng tơi. Nhưng mỗi người chỉ có một quả tim, và quả tim đó lẽ ra phải giống nhau, bởi vì người ta không thể cân lường được quả tim. Do đó, quà tặng xuất phát từ quả tim đều vô giá. Giá trị của món quà không hệ tại ở số lượng của tiền của, mà ở quả tim được gói gém trong món quà.

Chúa Giêsu đã nhìn thấy qủa tim mà một người đàn bàgóa đã gói trọn trong một đồng xu nhỏ dâng cúng đền thờ. Nhân vật Cob trong câu chuyện của người Rumani trên đây đã đặt tất cả con tim của mình vào cánh diều để làm vui cho con người.

Một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói an ủi, một bàn tay nâng đỡ, đó là bao nhiêu quả tim mà con người có thể trao tặng cho nhau. Và có thể là những món quà cao quý nhất mà những người xung quanh đang chờ đợi nơi chúng ta.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư – Tuần V – PS

Bài đọc: Acts 15:1-6; Jn 15:1-8.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Điều gì là điều khẩn thiết của Kitô Giáo?

Mỗi dân tộc trên địa cầu đều có một truyền thống, một văn hóa, và một giá trị khác nhau cần được tôn trọng. Khi Kitô Giáo được rao giảng vào dân tộc đó, các nhà truyền giáo cần phải nghiên cứu cẩn thận các truyền thống, văn hóa, và giá trị của họ. Mục đích là để làm sao cho dân tộc đó có thể đón nhận và thực hành đức tin, mà vẫn không xung đột với những truyền thống và văn hóa của họ.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vấn đề. Trong Bài Đọc I, Giáo Hội thời sơ khai phải đương đầu với nhiều vấn đề khi phải làm một sự chuyển tiếp từ Do-thái Giáo qua Kitô Giáo: Nên giữ những gì và nên bỏ những gì khi dân Do-thái và Dân Ngoại gia nhập Kitô Giáo? Cụ thể là 2 vấn đề chính: Dân Ngoại có phải cắt bì và giữ Lề Luật khi theo Kitô Giáo? Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một điều khẩn thiết hơn cả: Các tín hữu phải sống kết hợp mật thiết với Ngài như cây nho và cành; nếu không sẽ không thể sinh hoa trái, sẽ bị khô héo, và sẽ bị cắt bỏ ra ngoài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Có cần phải cắt bì và giữ Lề Luật để được cứu độ?

1.1/ Theo các tín hữu Pharisees: Phải cắt bì và giữ Lề Luật.

(1) Về việc cắt bì: Những người Do-thái từ Judah tới nói với Dân Ngoại: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Moses, thì anh em không thể được cứu độ.” Cắt bì là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và tổ-phụ Abraham (Gen 17). Chúa Giêsu chịu cắt bì tám ngày sau khi sinh ra (Lk 2:21); Phaolô cũng chịu cắt bì (Phi 3:5). Bằng việc cắt bì, một người Do-thái biết họ thuộc về dân của Thiên Chúa, và là con cháu của tổ phụ Abraham.

Tuy nhiên, điều quan trọng là niềm tin yêu nơi Thiên Chúa, cắt bì chỉ là dấu hiệu bề ngoài để chứng tỏ niềm tin yêu bên trong. Nếu cắt bì mà không tin yêu vào Thiên Chúa, cắt bì có ích chi đâu, Dân Ngoại nhiều nơi cũng có thói quen như vậy. Ngôn sứ Jeremiah (Jer 4:4, 9:24-26) đã từng nói lên sự cần thiết phải cắt bì trái tim và lòng trí. Thiên Chúa yêu mến sự công bằng và tình yêu hơn là cắt bì.

(2) Lề Luật: Có những người thuộc phái Pharisee đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Moses.” Trước tiên, chúng ta cần phân biệt Lề Luật của Thiên Chúa và của con người (thói quen hay truyền thống): Luật của Thiên Chúa không thể thay đổi; luật do con người làm ra có thể thay đổi.

– Lề Luật chính yếu là là Thập Giới mà Thiên Chúa đã ban cho dân trên núi Sinai qua ông Moses đại diện cho toàn dân (Exo 20:1-17). Thập Giới này không thay đổi và mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại, đều phải tuân hành.

– Những luật của con người do thói quen hay do truyền thống: luật thanh sạch, hay những chi tiết về giữ ngày Sabbath. Dân Ngoại không phải giữ các truyền thống này. Chính Chúa Giêsu cũng từng tranh luận với các kinh-sư và biệt-phái về những truyền thống này, và sửa sai họ: Các ông dùng truyền thống của các ông để bãi bỏ Lề Luật của Thiên Chúa (Mt 15:2-6, Mk 7:3-13).

1.2/ Theo Phaolô và Barnabas: Dân Ngoại không có truyền thống cắt bì và giữ luật thanh sạch như người Do-thái. Hơn nữa, Lịch sử Cứu Độ đã bước sang giai đọan mới và bao gồm các Dân Ngoại. Ông Phaolô và ông Barnabas chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Barnabas và một vài người khác lên Jerrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.

Chúng ta không biết những lập luận của hai ông khi tranh luận với họ; nhưng theo Phaolô trong các Thư sau này: Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã mang Lề Luật tới chỗ kiện toàn. Vì biến cố sinh ra, chết đi, và sống lại; giờ đây, không còn nhất thiết phải trở thành người Do-thái trước khi trở thành Kitô hữu. Con người được cứu độ không do bởi việc cắt bì và giữ Lề Luật; nhưng do bởi niềm tin của họ vào Đức Kitô.

Tuy vấn đề cắt bì và Lề Luật đã được giải quyết trong Công Đồng Jerusalem; nhưng nó vẫn còn là bài học kinh nghiệm cho chúng ta trong đời sống hiện tại. Mỗi khi có những xung đột như thế, chúng ta cần ngồi xuống để phân tích xem điều gì quan trọng phải giữ và điều gì không quan trọng có thể bỏ hay thích ứng được. Bắt một người ngoại kiều hay một dân tộc phải theo văn hóa và truyền thống của mình trong việc thực hành đức tin dễ đưa đến bất đồng và gây nhiều trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng; một ví dụ cụ thể là việc thờ cúng tổ tiên tại Việt-nam.

2/ Phúc Âm: Sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu là điều khẩn thiết hơn cả.

Mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa là trung tâm điểm của Đạo. Vì thế, tất cả những gì giúp đưa con người tới Thiên Chúa, và giúp cho mối liên hệ này phát triển tối đa là những điều cần thiết hơn cả. Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu ví mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa như sau: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.”

(1) Lời Kinh Thánh: cần thiết để con người biết Thiên Chúa là ai, những gì Ngài mong muốn, và những gì Ngài đã, đang, và sẽ làm cho con người. Lời Kinh Thánh có sức tẩy sạch những gì là gian trá và mờ ám của thế gian như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.”

(2) Các Bí-tích: giúp thông chuyển đời sống thần linh và ơn thánh từ Thiên Chúa đến cho con người. Hình ảnh những cành nho cần nhựa sống nuôi dưỡng của cây nho dẫn chứng sự cần thiết của các Bí-tích, nhất là Bí-tích Thánh Thể: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.”

(3) Sinh hoa kết trái bằng việc giữ các giới răn: Hoa trái đây là những gì con người làm cho Thiên Chúa và cho tha nhân, từ việc yêu mến, đến việc giữ Lề Luật của Thiên Chúa, và tất cả những gì con người có thể làm cho tha nhân. Khi con người sinh hoa kết trái, con người làm Thiên Chúa được tôn vinh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Trong lãnh vực đức tin, chúng ta cần chú trọng tới mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, biểu lộ qua việc tin và yêu Ngài bằng những việc làm cụ thể.

– Mỗi khi có xung đột về truyền thống, văn hóa, và giá trị; chúng ta cần cùng nhau cầu nguyện và giải quyết, để xem coi những gì quan trọng về đạo lý cần giữ, những gì cần thích ứng với hoàn cảnh, và những gì có thể bỏ được.

– Việc bắt người khác phải theo truyền thống và văn hóa của mình sẽ đưa đến chia rẽ và làm trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi và mọi người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************