Sống Tin Mừng trong đời thường

08/07/2024

Ủy ban Giáo dân

Hội đồng Giám mục Việt Nam

THƯỜNG HUẤN THÁNG 07/2024:

TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN: MUỐI VÀ ÁNH SÁNG CHO THẾ GIỚI

BÀI 2: SỐNG TIN MỪNG TRONG ĐỜI THƯỜNG

Qua Bí tích Rửa tội, người tín hữu được dự phần vào sứ vụ của Chúa Giêsu. Sứ vụ đó chính làm cho mọi người nhận biết ơn cứu độ của Thiên Chúa Cha tỏ bày cho nhân loại qua Đức Giêsu Kitô. Thi hành sứ vụ chính là sống Tin Mừng giữa lòng thế giới, cụ thể trong cuộc sống thường ngày của mỗi tín hữu. Công Đồng nói về cảnh sống trần thế của giáo dân bằng cách trình bày cảnh sống ấy, trước tiên, như là môi trường trong đó họ được Thiên Chúa mời gọi: “Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ” (LG số 31). Và thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giải nghĩa: “nơi” được trình bày bằng những hạn từ có tính cách năng động: giáo dân sống giữa trần gian, nghĩa là dấn thân vào tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội, tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Đó là những con người có một đời sống bình thường trong trần gian, học hỏi, làm việc, thiết lập những tương quan bạn bè, xã hội, nghề nghiệp, văn hóa”[1]

Sống Tin Mừng là gì?

Trích dẫn Lời Chúa: “Chính anh em là muối cho đời… là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13–14), Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trình bày: “Lời mời gọi của Chúa Giêsu chính là sứ mạng của người tín hữu sống trong thế giới này. Người Kitô hữu không coi thế gian là địa ngục, là nơi giam cầm của những nỗi thống khổ, cũng như không coi thế gian là hạnh phúc vĩnh cửu cho cuộc đời mình, nhưng là nơi để Thiên Chúa tỏ lộ tình yêu của Ngài qua sự cộng tác của con người, và là nơi để con người được thực thi ơn gọi và sứ mạng Kitô hữu của mình trong một tình yêu dấn thân và thánh hóa thế giới: Tham dự vào lãnh vực trần thế, là phận vụ phát xuất từ bản tính nội tại và sứ mạng của mình”[2].

Vì thế, sống Tin Mừng chính là huấn luyện bản thân nhuần thấm Tin Mừng để có thể thực thi ơn gọi của mình cách trọn hảo. Thiên Chúa muốn người tín hữu trở thành muối, thành ánh sáng cho thế giới bằng chính đời sống Tin Mừng của mình, hay nói cách khác người tín hữu dấn thân phục vụ để trần gian nhận biết tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, một tình yêu trọng đại đã được thánh Gioan diễn tả: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).

Nhưng để có thể sống Tin Mừng, dấn thân phục vụ cho Tin Mừng, đòi hỏi người tín hữu phải là người thấm đẫm Tin Mừng. Chỉ là men Tin Mừng khi người hữu phải đầy “chất” Tin Mừng. Vì thế, sống Tin Mừng trước tiên phải kết hợp mật thiết với Đức Kitô, vì Ngài chính là Tin Mừng. Vì thế, cuộc gặp gỡ với Tin Mừng là nền tảng cho việc sống Tin Mừng. Điều đó được thực hiện trước tiên chính là cuộc gặp gỡ Lời qua Kinh Thánh. Công đồng Vatican II trong hiến chế Mạc khải đã minh địnhChúa Cha muốn gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ qua Sách Thánh. Như vậy, tiếp cận với Lời Chúa, đọc Thánh Kinh là đi vào một cuộc gặp gỡ, tham gia một cuộc đối thoại với Thiên Chúa[3]. Quả thật việc đọc Thánh Kinh là cách thế tuyệt hảo để có được cuộc đối thoại với Thiên Chúavì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh”[4]. Trong Tông Thư “Khởi Đầu Ngàn Thứ Ba, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Lời Chúa phải trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống, theo truyền thống xa xưa và luôn vững chắc về việc đọc Sách Thánh, cho phép rút ra từ bản văn Thánh Kinh Lời Hằng Sống, là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta” (số 39)[5].

Người tín hữu chỉ có thể là men Tin Mừng, khi đời sống được đặt trên nền tảng Lời Chúa, không thường xuyên cầu nguyện với Lời Chúa không thể nào hoán cải cuộc đời để có thể làm cho đời mình trở thành men Tin Mừng. Dựa vào hoạt động của Giáo Hội tiên khởi được tường thuật trong sách Tông đồ công vụ, Đức Thánh cha Phanxicô nói: “Chúng ta khám phá động cơ mạnh mẽ của việc loan báo Tin Mừng chính là những buổi quy tụ cầu nguyện, nơi những người tham gia cảm nghiệm cách sống động sự hiện diện của Chúa Giêsu và được Chúa Thánh Thần đánh động. …Lời cầu nguyện truyền lan ánh sáng và sự hăng hái: ân sủng của Chúa Thánh Thần làm nảy sinh trong lòng họ sự nhiệt thành”[6].

Dĩ nhiên việc tiếp cận Lời Chúa phải gắn chặt với Thánh Thể. Đức Thánh cha Phanxicô đã nói mạnh mẽ: Chỉ trong sự tôn sùng Thánh Thể, chỉ trước mặt Chúa, hương vị và sự say mê truyền giáo mới có thể được phục hồi.  Lòng tôn sùng Thánh Thể là động lực giúp cho chúng ta vượt thắng những phong ba bão táp của cuộc đời, đặc biệt đó là nguồn khích lệ cho những người hết lòng chia sẻ Tin Mừng,  chính vì trong Bí tích Thánh Thể, “chúng ta gặp gỡ Đấng đã ban mọi sự cho chúng ta” và đến lượt mình, chúng ta trở nên có khả năng chia sẻ tình yêu đó với người khác[7].

Để có thể sống Tin Mừng hầu trở thành men của Tin Mừng, chúng ta cần phải liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô qua Lời Chúa, Thánh Thể và cầu nguyện và sống tình huynh đê. Bốn yếu tố: Lời Chúa, tìm kiếm tình hiệp thông huynh đệ, Thánh Thể và cầu nguyện, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, chính là tiêu chuẩn để phân định một sự việc. Bất cứ trường hợp nào thiếu những yếu tố này điều thiếu tính Giáo hội, không phải của Giáo hội, yếu tố quan trọng để chứng thực chúng ta thực sự là Men của Tin Mừng.[8]

Sống Tin Mừng giữa đời thường

Nhìn vào thực tế, trăn trở lớn của Giáo Hội Việt Nam là vấn đề Loan Báo Tin Mừng. Thật vậy, con số tín hữu Việt Nam đến nhà thờ dâng lễ mỗi Chúa Nhật có thể nói cho đến lúc này vẫn đáng tự hào, thế nhưng niềm tự hào này có thực sự là niềm vui đích thực không? Bởi nhìn vào cánh đồng truyền giáo mỗi địa phương vẫn còn ngổn ngang, vẫn còn có qua nhiều người chưa được tiếp cận với Tin Mừng, vẫn còn đó nhưng lương dân là hàng xóm của các gia đình Công giáo, nhưng họ chẳng nghe nói về Chúa Giêsu, không một lần tiếp cận được với Tin Mừng.

Câu trả lời được tìm thầy nơi lối sống của người tín hữu Công giáo. Là men Tin Mừng, nhưng họ lại không thể hiện lối sống Tin Mừng ngay trong môi trường mình sinh sống. Họ tách rời đức tin và cuộc sống thường ngày, họ đóng khung lối sống Tin Mừng trong nhà thờ, họ không làm cho men Tin Mừng được dậy lên trong người môi trường mình sống. Cha mẹ vẫn đi dâng lễ ngày Chúa nhật, nhưng chưa một lần hướng dẫn con cái về đời sống đức tin. Người tín hữu vẫn thường xuyên gặp gỡ bạn bè là lương dân, nhưng chưa một lần họ nghe về Chúa Giêsu, nhiều khi còn tệ hơn, để làm vui lòng bạn bè lương dân, người Công Giáo sẵn sàng bỏ đi lễ Chúa nhật; ngoài phố chợ, những chủ cửa hàng Công Giáo vẫn ngần ngại thể hiện lối sống Tin Mừng để giữ đức công bình và đức yêu thương…

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Người tín hữu không được mời gọi rời bỏ vị thế họ đang sống nơi trần gian. Thực vậy, Bí tích Thánh Tẩy không kéo họ ra khỏi trần gian, như thánh Phaolô đã nhấn mạnh: ‘Thưa anh em, khi được kêu gọi ở địa vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa’ (1 Cr 7,24); trái lại, Ngài trao cho họ một ơn gọi có liên hệ đích thực với tình huống của họ trong trần gian: thực vậy, giáo dân được ‘Thiên Chúa kêu gọi để, dưới sự hướng dẫn của tinh thần phúc âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, nhất là với chứng tá đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác’ (Tông huấn Người Tín hữu Giáo dân, số 15)

Cha Mến kể câu chuyện: Chứng nhân trong đời thường như sau:

Nhà giáo dục vĩ đại Booker T. Washington có viết như sau trong cuốn tự thuật mang tựa đề: “Từ ách nô lệ đi lên” của ông: “Càng lớn tôi càng tin chắc rằng, không một sự giáo dục nào có thể gặt hái được từ sách vở, hay từ những dụng cụ đắt tiền, mà có thể sánh ví được với những gì ta có thể gặt hái được, do tiếp xúc với các bậc vĩ nhân”.

Cách đây ít lâu, một phụ nữ Ấn độ giáo đã trở lại Công giáo, sau một thời gian nghe rao giảng Lời Chúa. Bà chịu nhiều gièm pha, đay nghiến từ người chồng và bao người thân, do việc bà trở lại đạo.

Có lần cha xứ hỏi bà: “Khi chồng con nổi giận và hành hạ con, thì con làm gì”? Bà đáp: “Thưa Cha, con cố gắng nấu ăn ngon hơn. Khi ông than trách, con lau chùi nhà sạch hơn. Khi ông ăn nói cộc cằn, con trả lời ôn tồn nhỏ nhẹ. Con cố gắng để chứng tỏ cho ông ta thấy: Khi con trở lại đạo Chúa, con phải là người vợ và người mẹ tốt hơn”. Một thời gian sau, chính ông chồng cũng xin trở lại đạo Công giáo, không phải vì lời giảng của cha xứ, cho bằng chính nhờ gương sáng sống đạo của bà vợ đạo đức của ông.[9]

Sắp tới đây Đức Thánh cha Phanxicô sẽ phong thánh cho chân phước Carlo Arcutis, một vị thánh trẻ, được gọi vị thánh thuộc thế hệ Y. Thánh nhân có gì đặc biệt? Không có gì đặc biệt ngoài việc ngài sống Tin Mừng giữa đời thường. Đức hồng y Vallini trong bài giảng lễ phong chân phước đã nói về Carlo Arcutis như sau: Carlo có lòng yêu mến Thánh Thể và gắn bó với Thánh Thể cách đặc biệt. Chúa Giêsu là Bạn, là Thầy, là Đấng Cứu Độ và là sức mạnh cho cuộc sống của Acutis và là động lực của mọi việc cậu làm. Từ đó, Carlo mong muốn mãnh liệt đưa người khác đến với Chúa và cậu làm điều này trên hết bằng gương mẫu cuộc sống. Carlo dùng mọi cách, cả cách thức hiện đại, với tài năng về tin học Chúa ban, để gặp gỡ và loan truyền các giá trị Kitô giáo cho người khác[10].

– – – – – – – – – – – – – – – –

[1] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo dân (Christifideles Laici), số 15.

[2] Nt.

[3]X.  Hiến chế Mạc Khải (Dei Verbum), số 21

[4] X Hiến chế Mạc Khải (Dei Verbum), số 25.

[5] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba (Millennio Adveniente), số 39>

[6] Đức Phanxicô, buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 25/11/2020), nguồn Vatican News.

[7] Nguồn: www.ncregister.com/commentaries/without-adoration-there-s-no-evangelization

[8] Nguồn: www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-11/

[9] Nguồn: https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/chung-nhan-giua-doi-thuong

[10] Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2020-10/le-phong-chan-phuoc-carlo-acutis.html

Lm. Antôn Hà Văn Minh

Nguồn: hdgmvietnam.com