Ủy ban Giáo dân – Tháng 04/2025: Bài 1 – Bí tích Thanh Tẩy và sứ mạng Loan Báo Tin Mừng của giáo dân

07/04/2025

Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

Ban Nghiên Huấn

**********

THƯỜNG HUẤN GIÁO DÂN THÁNG 4/2025

Chủ đề: Hiệp thông và trách nhiệm thi hành sứ mạng

BÀI 1: BÍ TÍCH THANH TẨY VÀ SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG CỦA GIÁO DÂN

Giáo dân là thành phần Dân Chúa đông đảo nhất trong Giáo hội. Họ có vai trò rất quan trọng trong Giáo hội do Chúa Giêsu thiết lập trên nền tảng các thánh tông đồ để tiếp tục sứ vụ của Người trên trần thế cho đến thời sau hết. Nhờ bí tích Thanh tẩy người tín hữu giáo dân được tháp nhập vào Đức Kitô và được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Và thực sự, họ trở thành “Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ Tư tế, Tiên Tri và Vương đế của Đức Kitô theo cách thức của họ.

1. Giáo dân được tuyển chọn và sai đi qua Bí tích Thánh tẩy

Nhờ phép Rửa tội đã lãnh nhận và từ đó được tháp nhập vào Giáo hội, mọi người đã được rửa tội tham dự vào sứ vụ của Giáo hội, và theo cách này, tham dự vào sứ vụ của Chúa Kitô Vua, Tư tế và Tiên Tri (Ad Gentes, 6). Mỗi người đã được rửa tội là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng” (Tông huấn Evangelii gaudium, 120). Nhờ phẩm giá chung do phép Rửa tội, giáo dân là những người đồng trách nhiệm với tất cả các linh mục và tu sĩ nam nữ, đối với sứ mệnh của Giáo hội. Giáo dân không những thuộc về Giáo hội mà là Giáo hội (x. Christifideles laici, số 9). Cho nên giáo dân cùng mang ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Vì thế, mỗi người giáo dân hôm nay, do được tham gia vào nhiệm vụ tiên tri của Đức Kitô, phải hoàn toàn dấn thân vào công tác này của Giáo Hội. Việc tham dự vào chức vụ Tiên tri của Đức Kitô làm cho người giáo dân có đủ tư cách và thúc đẩy họ lấy lòng tin đón nhận Tin Mừng,  đồng thời dùng lời nói việc làm loan báo Tin Mừng đó không ngần ngại. Được kết hiệp với Đức Kitô, “vị Tiên tri vĩ đại” (Lc 7,16), và, trong Thánh Thần, được đặt làm “chứng nhân” của Đức Kitô phục sinh, giáo dân trở thành những người tham dự vào cảm thức đức tin siêu nhiên của Giáo Hội, một Giáo Hội “không thể sai lầm trong đức tin”, cũng như vào ân sủng của Lời (x. Cv 2,17-18; Kh 19,10); ngoài ra, họ còn được kêu gọi làm sáng lên nét mới mẻ và sức mạnh của Tin Mừng trong đời sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã hội, cũng như diễn tả niềm hy vọng của họ vào vinh quang mai ngày, với lòng kiên trì và can đảm, trong những khó khăn của thời hiện tại, “qua cả những cơ cấu của cuộc sống trần gian. (Ad Gentes 14)

2. Vai trò quan trọng của giáo dân trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng của Giáo Hội

Trong bối cảnh sứ vụ của Giáo Hội, Chúa trao phó một phần lớn trách nhiệm cho giáo dân, hiệp thông với các thành phần khác của Dân Thiên Chúa. Các chủ chăn nhận thấy rõ sự đóng góp lớn lao của giáo dân cho lợi ích Giáo Hội. Các ngài biết rằng Đức Kitô đã không đặt các ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới; nhưng nhiệm vụ cao cả của các ngài là chăn dắt các tín hữu và nhận biết các phận sự và đoàn sủng nơi họ, để mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của mình” (CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s.30). Giáo dân phải dấn thân vào các sinh hoạt trần thế với mọi người, như mọi người trong tương giao nghề nghiệp, văn hóa, xã hội và bằng hữu. Bổn phận chính đáng của tín hữu giáo dân là công bố Tin Mừng bằng lời chứng gương mẫu của đời sống được đâm rễ sâu trong Đức Kitô và được sống động qua những thực tại trần thế như gia đình; sự dấn thân vào chuyên môn trong thế giới lao động, văn hoá, khoa học và nghiên cứu; việc thực hành các trách nhiệm xã hội, kinh tế và chính trị. Tất cả những thực tại con người trần thế – cả cá nhân lẫn xã hội, bao gồm những môi trường và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, cũng như các cấu trúc và các định chế – là bối cảnh mà trong đó người tín hữu giáo dân sống và làm việc. Những thực tại này là những nơi mà người ta đón nhận được tình yêu Thiên Chúa. Sự dấn thân của họ phải phù hợp với tầm nhìn này và được nhìn nhận như một cách diễn tả lòng bác ái theo Tin Mừng. Đối với tín hữu giáo dân, sự hiện diện và hoạt động của họ trong thế giới không chỉ là một thực tại mang tính nhân học và xã hội học, nhưng theo một cách thức đặc biệt, đó còn là một thực tại mang tính thần học và Giáo hội học nữa. Bởi vì, giáo dân sẽ hoạt động với tư cách của một con người có phẩm giá cao quý được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa, hơn thế nữa, với tư cách mang một phẩm giá mới cao trọng hơn, tư cách là người Con Chúa nhờ công trình cứu độ của Đức Kitô. Bên cạnh đó, người tín hữu giáo dân khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy họ được gia nhập vào cộng đoàn Dân Chúa, là thành phần của Giáo hội và làm nên Giáo hội. Họ sẽ hoạt động với tư cách là thành viên của Dân Chúa. Do đó, họ phải sống đúng phẩm giá làm người, làm con Chúa trong lòng thế giới và có khả năng hiệp nhất cùng toàn thể Giáo hội thực thi sứ vụ là điều cần thiết và quan trọng.

3. Sống bí tích Thánh tẩy là thực thi sứ mạng Loan báo Tin Mừng

Bí tích Thánh Tẩy giúp người giáo dân gặp gỡ được Đức Kitô, để trở nên giống Đức Kitô, dấn thân theo Đức Kitô, trở thành con cái Chúa, trở thành người Kitô hữu, môn đệ Đức Kitô, họ được tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, là mầu nhiệm thương khó, chết đi và sống lại vinh quang của Chúa Kitô. Vì thế sống Bí tích Thánh Tẩy chính là nỗ lực canh tân, dấn thân đi vào đời, để mang những giá trị Tin Mừng, giá trị Nước Trời dựng xây thế giới hiện tại. Muốn được như vậy, mọi người tín hữu giáo dân phải bước theo Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là nguồn mạch sự sống, sự khôn ngoan, sẽ soi sáng, hướng dẫn cho biết phải làm gì, phải sống như thế nào. Đời sống theo Thánh Thần, mà hoa trái là sự thánh hóa (Rm 6,22; x. Gl 5,22) khơi lên nơi tất cả và từng người đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy khát vọng và đòi hỏi phải nối gót và noi gương Đức Giêsu Kitô, qua việc đón nhận các Mối phúc thật của Ngài, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, tham dự cách có ý thức và chủ động vào đời sống phụng vụ và bí tích của Giáo Hội, chuyên chăm việc cầu nguyện cá nhân, gia đình và cộng đồng, đói khát sự công chính, thực hành giới luật yêu thương trong mọi hoàn cảnh đời sống và trong việc phục vụ các anh em, đặc biệt những người hèn kém, nghèo khó và đau khổ. Nghĩa là một sự cố gắng không ngừng để thánh hoá bản thân theo những đòi hỏi của Tin Mừng. Sự thánh hóa như thế được diễn tả đặc biệt qua việc họ hội nhập vào các thực tại trần thế và tham dự vào các hoạt động trần gian. Thánh Phaolô cũng khuyến khích chúng ta: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu Kitô, và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,17). Áp dụng câu nói của thánh Phaolô cho giáo dân, Công Đồng quả quyết cách mạnh mẽ: “Những việc trong gia đình cũng như những việc ngoài xã hội không được tách rời khỏi động lực siêu nhiên của cuộc sống” (Christifideles laici, số 17). Sự thống nhất đời sống của giáo dân là cực kỳ quan trọng. Thực vậy, họ phải tự thánh hóa bản thân trong cuộc sống thường ngày, cuộc sống nghề nghiệp và xã hội. Để có thể đáp ứng ơn gọi của mình, giáo dân phải coi cuộc sống hằng ngày của mình như một cơ hội kết hiệp với Thiên Chúa và chu toàn thánh ý Người, đồng thời coi đó là cơ hội phục vụ người khác, bằng cách đưa họ về hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô.

Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội trong đó mọi thành phần đều tham gia và đồng trách nhiệm. Tính hiệp hành mời gọi sự tham gia của tất cả mọi tín hữu tuỳ theo ơn gọi, bậc sống và sứ vụ của mỗi người. Sự tham gia dựa trên nền tảng là ơn gọi của bí tích Thanh Tẩy làm cho người giáo dân thực sự trở nên con Thiên Chúa và là dân của Chúa, là thành phần làm nên Giáo hội, Nhiệm thể của Chúa Kitô. Bên cạnh đó, mọi người đều được Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người những khả năng, ơn sủng khác nhau để phục vụ lẫn nhau, và hơn nữa là thành phần đông đảo nhất, có vai trò quan trọng nhất trong thời đại này, thời đại của giáo dân, chính vì thế, sự tham gia đồng trách nhiệm vào sứ mạng Loan báo Tin Mừng của giáo dân cần được mọi thành phần dân Chúa hiểu biết, ý thức và nhiệt thành quảng đại thực thi.

Hồi Tâm

1. Anh chị em có biết nhờ bí tích Thanh Tẩy mà mọi giáo dân đều được Chúa yêu thương tuyển chọn làm môn đệ Đức Kitô và tin tưởng sai đi Loan báo Tin Mừng Không?

2. Dù ở đâu, làm gì, anh chị em có ý thức mình phải luôn sống đúng phẩm giá người con cái Thiên Chúa, môn đệ Đức Kitô để làm chứng cho Tin mừng không?

3. Sống Bí tích Thánh Tẩy chính là nỗ lực canh tân, dấn thân đi vào đời, để mang những giá trị Tin Mừng, giá trị Nước Trời dựng xây thế giới hiện tại. Anh chị em hiểu như thế nào?

Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng