Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ủy ban Giáo dân
THƯỜNG HUẤN THÁNG 12/2024:
VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG GIÁO HỘI
BÀI 3 – GẮN KẾT VÀ DƯỠNG NUÔI TÌNH THÂN
Là cộng đoàn nhỏ nhất trong xã hội và Giáo hội, gia đình mang trong mình sứ mạng thiêng liêng, trở thành nơi nuôi dưỡng đức tin, tình yêu và sự hiệp thông. Trong thế giới đầy thách đố từ sự suy thoái đạo đức và những cám dỗ từ văn hóa hiện đại, gia đình Kitô hữu được mời gọi gắn kết tình thân sâu xa hơn trong tình yêu và tương quan thiêng liêng để thực hiện vai trò là Hội Thánh tại gia. Gia đình là cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu.[16]
Sự gắn kết và dưỡng nuôi tình thân không chỉ củng cố thực lực nội bộ gia đình, mà còn tạo động lực để gia đình tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng và phục vụ cộng đoàn. Qua đời sống cầu nguyện, thực thi bác ái và sống Lời Chúa, gia đình trở thành chứng nhân sống động về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong cộng đồng nhân loại.
1. Củng cố sự hiệp thông
Gia đình là nơi tình yêu được thể hiện qua sự hiệp thông và chia sẻ, nơi các thế hệ gặp gỡ nhau để cùng nhau sống trọn vẹn nhân cách và sứ mạng của mình.[17] Tình yêu giữa các thành viên chính là nền tảng vững chắc, làm cho gia đình trở nên dấu chỉ sống động của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày.
Tuy nhiên, tình yêu ấy chỉ có thể bền vững khi gia đình biết thực hành tha thứ và hòa giải. Tha thứ là chìa khóa chữa lành những vết thương trong gia đình, bởi không ai là hoàn hảo; vì vậy, tha thứ là điều kiện thiết yếu để gia đình phát triển và sống hiệp nhất trong Chúa Kitô.[18] Đồng thời, sự hòa giải không chỉ củng cố tình yêu mà còn làm cho mỗi thành viên cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong mối quan hệ gia đình.
Bên cạnh đó, lắng nghe và chia sẻ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự gắn kết giữa các thành viên. Lắng nghe không chỉ là hành động, mà còn là biểu hiện cụ thể của tình yêu, giúp chúng ta thấu hiểu sâu sắc hơn người khác.[19] Khi mỗi thành viên sẵn sàng chia sẻ những suy tư, khó khăn và niềm vui, họ sẽ làm sâu sắc thêm mối liên hệ giữa họ và gia đình, tạo nên một môi trường đầy sự cảm thông và hiệp nhất.
2. Tham gia đời sống Giáo hội
Gia đình Kitô hữu không chỉ sống đức tin cho riêng mình mà còn được mời gọi tích cực tham gia vào đời sống Giáo hội, góp phần xây dựng cộng đoàn và lan tỏa tình yêu Thiên Chúa. Các hội đoàn gia đình trong giáo xứ là môi trường lý tưởng để củng cố đức tin và chia sẻ kinh nghiệm sống đạo. Gia đình không chỉ là đối tượng được chăm sóc mà còn là chủ thể của sứ mạng Giáo hội, đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi đời sống đức tin và gắn bó với cộng đoàn.[20]
Sự hiện diện tích cực của thành viên gia đình trong các hội đoàn, giúp gia đình không ngừng thăng tiến trong hành trình thiêng liêng, đồng thời kết nối sâu sắc hơn với cộng đồng Giáo hội. Bên cạnh đó, gia đình Kitô hữu được mời gọi tham gia vào các hoạt động truyền giáo và phục vụ, thể hiện tình yêu và lòng bác ái qua những hành động cụ thể. Gia đình chính là nhân tố chính trong công cuộc loan báo Tin Mừng, không chỉ bằng lời nói mà qua chính đời sống yêu thương và hy sinh.[21] Những hành động phục vụ cộng đồng, dù nhỏ bé, cũng góp phần làm sáng danh Chúa và giúp gia đình thực hiện sứ mạng Kitô hữu một cách trọn vẹn.
Ngoài ra, gia đình Kitô giáo cũng có trách nhiệm đặc biệt trong việc hỗ trợ những gia đình khác đang gặp khó khăn. Đồng hành với các gia đình yếu thế và nâng đỡ họ vượt qua khủng hoảng chính là một trong những phương cách để sống tinh thần bác ái và liên đới mà Giáo hội mời gọi. Cộng đoàn Giáo hội, với vai trò là điểm tựa, cần trở thành nơi an ủi và hỗ trợ cho những gia đình đang phải đối mặt với thử thách, giúp họ tìm lại niềm hy vọng và bình an trong Chúa Kitô.
3. Phát triển các giá trị thiêng liêng trong gia đình
Gia đình Kitô hữu là nơi nuôi dưỡng và phát triển các giá trị thiêng liêng, giúp đời sống đức tin và tình yêu giữa các thành viên thêm sâu sắc và vững bền. Đời sống cầu nguyện chung là nền tảng để gia đình duy trì sự hiệp nhất trong Chúa Kitô, nơi mọi thành viên gặp gỡ Thiên Chúa và củng cố tình yêu qua sự hiện diện của Ngài.[22] Khi cùng nhau cầu nguyện, thành viên gia đình không chỉ bày tỏ niềm tin mà còn tìm thấy sức mạnh thiêng liêng để vượt qua những thử thách và làm phong phú thêm mối dây yêu thương giữa các thành viên.
Cùng với cầu nguyện, việc học hỏi và sống Lời Chúa là ánh sáng dẫn đường, giúp gia đình sống đúng theo ý muốn của Thiên Chúa và vượt qua mọi khó khăn với đức tin. Khi dành thời gian suy niệm và thực hành Lời Chúa, gia đình không chỉ được củng cố trong đời sống đức tin, mà còn khám phá ý nghĩa sâu xa của ơn gọi và sứ mạng của gia đình Kitô hữu. Đồng thời, gia đình không chỉ là một cộng đoàn yêu thương khép kín mà còn được mời gọi truyền đạt các giá trị Kitô giáo đến xã hội, sống và lan tỏa Tin Mừng đến những nơi cần tình yêu và ánh sáng của Thiên Chúa.
Qua đời sống gương mẫu và tình yêu thương, gia đình Kitô hữu trở thành ánh sáng dẫn đường, mang hy vọng đến những nơi tối tăm trong xã hội. Nhờ cầu nguyện, Lời Chúa và đời sống chứng tá, gia đình Kitô hữu thực sự trở thành Hội Thánh tại gia, nơi tình yêu và ân sủng Thiên Chúa được lan tỏa đến mọi người.
Tóm lại, gắn kết và dưỡng nuôi tình thân không chỉ là một hành trình nội tâm, mà còn là sứ mạng mang tính phổ quát của mọi gia đình Kitô hữu. Trong một thế giới đầy biến động, gia đình Kitô hữu được mời gọi trở thành dấu chỉ hy vọng, nơi lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách trọn vẹn. Với sự đồng hành của Giáo hội và ân sủng của Thiên Chúa, mỗi gia đình có thể trở nên một Hội Thánh tại gia, đóng góp vào sự canh tân đời sống đức tin và xã hội.
4. Hồi tâm
1) Tôi thực hành lòng tha thứ và hòa giải như thế nào trong gia đình để chữa lành các vết thương và củng cố tình thân giữa các thành viên trong gia đình?
2) Gia đình tôi duy trì giờ kinh gia đình ra sao để nuôi dưỡng đức tin và sự hiệp nhất trong gia đình?
3) Gia đình tôi tham gia vào đời sống giáo xứ hoặc thực thi bác ái với những gia đình yếu thế như thế nào để thể hiện tình yêu và lòng thương xót Thiên Chúa?
Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín SJ
Nguồn: hdgmvietnam.com