Các Đức Giáo hoàng đã liên tục suy tư về trách nhiệm của giới truyền thông trong việc truyền đạt và phát tin tức: đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, đó luôn là một cuộc “trao đổi qua lại”, một cuộc đối thoại không được đầu hàng trước “logic của phe đối lập”.
Kể từ buổi bình minh của lịch sử loài người, truyền thông là một hoạt động có ảnh hưởng đến mọi người. Bởi vì việc truyền tải một thông điệp, thiết lập mối quan hệ với người khác trong một bối cảnh, cũng chịu ảnh hưởng của các giá trị và phong tục, thông qua ngôn ngữ và các công cụ truyền tải khác nhau. Trong số đó, sách vở đã đóng vai trò chính trong nhiều thế kỷ. Sự phát triển của truyền thông đã kéo theo những thay đổi sâu sắc. Phát minh về in ấn vào thế kỷ 15 đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc lưu thông ý tưởng và kiến thức. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông đại chúng đã mang truyền thông đại chúng đến với đối tượng khán giả không chỉ là độc giả mà còn là người nghe và xem truyền thanh truyền hình. Báo chí, phim ảnh, phát thanh và truyền hình đã có tác động đáng kể đến cấu trúc xã hội. Gần đây hơn, các phương tiện viễn thông kết nối computer đã đặc trưng cho các hiện tượng hiện tại như toàn cầu hóa cho đến khi xuất hiện kỷ nguyên truyền thông xã hội và cả trí tuệ nhân tạo.
Sự kiện lớn đầu tiên trong số 36 sự kiện của Năm Thánh này được dành riêng cho thế giới truyền thông. Đó là Năm Thánh Truyền thông, đã diễn ra từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 1, với sự tham gia của nhiều nhà báo, nhà điều hành phương tiện truyền thông, quản lý phương tiện truyền thông xã hội, kỹ thuật viên âm thanh và video, và các nhà khoa học máy tính.
Các Giáo hoàng đã liên tục suy tư về trách nhiệm của giới truyền thông trong việc truyền đạt và phổ biến tin tức.
Truyền thông là một trách nhiệm
Trong suốt chiều dài lịch sử, các Giáo hoàng thường nhấn mạnh đến giá trị của truyền thông và nhiều lần nhắc lại rằng việc biết và được thông tin là một quyền cơ bản của con người. Việc phổ biến lời nói, tin tức, hình ảnh, tư tưởng, văn hóa trước hết là một trách nhiệm: đó là tìm kiếm và quảng bá chân lý. Trong Thông điệp “Pacem in Terris”, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII tuyên bố rằng mọi người đều có quyền được tiếp cận thông tin cách khách quan. Ngày nay, khả năng giao tiếp và truyền tải tin tức đã tăng lên gấp bội. Nhưng khả năng thực sự hiểu nhau không phải lúc nào cũng phát triển và kinh nghiệm như xảy ra trong tường thuật Tháp Babel trong Kinh Thánh có nguy cơ lặp lại. Đặc biệt trong thời gian gần đây, với sự ra đời của công nghệ số, đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về hình thức và ngôn ngữ thông tin. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chỉ ra mối nguy hiểm khi nhìn thấy trí tuệ của con người bị bóp nghẹt bởi tốc độ và bản chất thường phân tán của thông tin.
Thánh Giáo hoàng Phaolô VI: Giáo Hội và Truyền thông Xã hội
Bất chấp những bóng tối này, truyền thông và thông tin có thể soi sáng con đường của con người và Năm Thánh hy vọng. Sắc lệnh “Inter mirifica” của Công đồng nhấn mạnh rằng những khả năng truyền thông mới, được đảm bảo bởi “những phát minh kỹ thuật tuyệt vời”, có thể tiếp cận và ảnh hưởng đến quần chúng và toàn thể nhân loại. Tài liệu viết: “Trách nhiệm đạo đức đặc biệt liên quan đến việc sử dụng đúng đắn các công cụ truyền thông xã hội thuộc về các nhà báo, nhà văn, diễn viên, đạo diễn, nhà xuất bản và nhà sản xuất, lập trình viên, nhà phân phối và người bán, nhà phê bình và bất kỳ ai khác trong bất kỳ cách tham gia nào vào việc chuẩn bị và truyền tải thông tin liên lạc”. Nhưng truyền thông xã hội thực chất là gì? Đức Phaolô VI đã tự hỏi chính câu hỏi này trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng (Regina Caeli) vào ngày 23 tháng 5 năm 1971:
Truyền thông xã hội là gì? Chúng là phương tiện, công cụ, phương tiện mà qua đó con người truyền tải cho nhau các tin tức, thông tin, ý kiến, phán đoán, phê bình, ý định, giáo huấn, tuyên truyền, suy nghĩ. Đó là tổng hợp ngôn ngữ của các cuộc trò chuyện, các huấn thị và tranh luận mà con người trao đổi với nhau. Đó là hoạt động trao đổi ngôn từ, tin tức, ý tưởng lưu hành trong xã hội, một hoạt động trao đổi ngày càng mở rộng và có xu hướng mang tính toàn cầu. Kỹ thuật in ấn, phát thanh và truyền hình hiện đại giúp cho việc truyền bá giọng nói và hình ảnh về cuộc trò chuyện và văn hóa giữa con người với nhau trở nên cực kỳ nhanh chóng, hấp dẫn và ấn tượng. Đây chẳng phải là một đặc điểm và sự thật chủ đạo trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta sao? Trong nền văn minh hiện đại của chúng ta? Không ai có thể phủ nhận điều đó. Đây chính là lý do tại sao Giáo hội cũng phải quan tâm đến vấn đề này.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I: truyền thông là sự hiệp thông
Giáo hội cũng phải quan tâm đến vấn đề này bởi vì các công cụ truyền thông có thể thiết lập “mối liên hệ sâu sắc với các giá trị nhân văn và kỳ vọng của xã hội”. Đây là điều Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I nhấn mạnh trong bài phát biểu trước các đại diện báo chí quốc tế vào ngày 1 tháng 9 năm 1978.
Di sản thiêng liêng mà Công đồng Vatican II và những vị tiền nhiệm của chúng ta là Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI để lại cho chúng ta, mời gọi chúng ta đoan hứa sẽ đặc biệt chú ý, hợp tác thẳng thắn, trung thực và hiệu quả với các công cụ truyền thông xã hội, mà anh chị em đại diện ở đây. (…) Chúng ta không che giấu với mình những nguy cơ của sự đại chúng hóa và san bằng mà những phương tiện như vậy mang lại, với những đe dọa có thể có đối với nội tâm của cá nhân, đối với khả năng suy tư cá nhân, đối với tính khách quan trong phán đoán của cá nhân. Nhưng chúng ta cũng biết những khả năng mới mẻ và hạnh phúc mà chúng mang lại cho con người ngày nay, để hiểu biết và tiếp cận tốt hơn với những người đồng loại, để cảm nhận rõ hơn khát vọng công lý, hòa bình, tình anh em của họ, để thiết lập mối quan hệ sâu sắc hơn của sự tham gia, của sự hiểu biết, đoàn kết hướng tới một thế giới công bằng và nhân đạo hơn. Nói tóm lại, chúng tôi biết mục tiêu lý tưởng mà mỗi người trong anh chị em, bất chấp những khó khăn và thất vọng, đều hướng nỗ lực của mình tới, đó là đạt tới một “sự hiệp thông” chân thực và trọn vẹn hơn thông qua “giao tiếp”.
Đức Gioan Phaolô II: Thông tin là tôn trọng sự thật
Đối với thế giới truyền thông và đặc biệt là giới báo chí, cần có một sự lựa chọn cơ bản: “dịch vụ truyền thông xã hội, nhằm làm giàu kiếnthức và di sản giáo dục của cá nhân và cung cấp cho cộng đồng một công cụ hiệu quả để phát triển dân sự, tinh thần và đạo đức”. Chính trong bối cảnh này, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phát biểu trước một phái đoàn các nhà báo, được định nghĩa là “những người điều hành, người phục vụ, nghệ sĩ của lời Chúa”.
Ngài nói: “Tôn trọng sự thật đòi hỏi sự cam kết nghiêm túc, nỗ lực nghiên cứu, xác minh, đánh giá chính xác và tỉ mỉ. Vào thời điểm này, tôi muốn hướng sự chú ý của mình vào chân trời giáo hội trong giây lát. Người tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I – người mà, như anh chị em biết, có sự quen thuộc đặc biệt với báo chí – tại chính hội trường này, trong số những lời lẽ thân thiện mà ngài dành cho những người đại diện của các phương tiện truyền thông xã hội, đã nhấn mạnh đến nhu cầu ‘đi vào tầm nhìn của Giáo hội, khi chúng ta nói về Giáo hội’. Đức Gioan Phaolô II nói thêm: “Tôi chân thành yêu cầu anh chị em, thực sự tôi yêu cầu anh chị em cũng đóng góp vào việc bảo vệ trong xã hội ngày nay sự cân nhắc sâu sắc đối với những điều của Thiên Chúa và đối với tương quan huyền nhiệm giữa Thiên Chúa và mỗi người chúng ta, điều tạo nên chiều kích thiêng liêng của thực tế con người”.
Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI: Truyền thông là làm chứng choquan điểm của một người
Thiên niên kỷ thứ ba, được đánh dấu bằng sự lan rộng của Internet và những khả năng mà các kênh kỹ thuật số mới và trí tuệ nhân tạo mang lại, không chỉ đòi hỏi việc tìm kiếm sự thật mà còn đòi hỏi một chứng tá xác thực, gắn kết chặt chẽ với những gì được truyền đạt. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã tập trung vào nhu cầu này trong bài phát biểu của ngài vào ngày 28 tháng 2 năm 2011 trước những người tham dự Hội nghị toàn thể của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội:
Các ngôn ngữ mới đang phát triển trong giao tiếp kỹ thuật số xác định, trong số những thứ khác, khả năng trực quan và cảm xúc nhiều hơn là phân tích, chúng hướng đến một tổ chức logic khác về tư duy và mối quan hệ với thực tế, chúng thường ưu tiên hình ảnh và liên kết siêu văn bản. Sự phân biệt rõ ràng theo truyền thống giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói dường như đang phai nhạt dần để ủng hộ hình thức giao tiếp bằng văn bản được định dạng và tính trực tiếp của ngôn ngữ nói. Tính năng động của “mạng lưới tham gia” cũng đòi hỏi người đó phải tham gia vào nội dung mình giao tiếp. Khi mọi người trao đổi thông tin, họ đang chia sẻ bản thân và tầm nhìn của mình về thế giới: họ trở thành “nhân chứng” cho điều mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của họ. Tất nhiên, những rủi ro mà chúng ta phải đối mặt thì ai cũng thấy: mất đi sự sâu sắc, hời hợt trong các mối quan hệ, chạy trốn vào cảm xúc, coi trọng ý kiến thuyết phục nhất hơn là mong muốn tìm kiếm sự thật. Tuy nhiên, chúng lại là hậu quả của việc không có khả năng trải nghiệm trọn vẹn và chân thực ý nghĩa của những đổi mới. Đây là lý do tại sao việc xem xét lại các ngôn ngữ được phát triển bởi các công nghệ mới lại trở nên cấp thiết. Điểm khởi đầu chính là Sách Khải Huyền, chứng thực cách Thiên Chúa truyền đạt những điều kỳ diệu của Người một cách chính xác bằng ngôn ngữ và kinh nghiệm thực tế của con người, “theo nền văn hóa riêng của mỗi thời đại” cho đến khi Người được biểu lộ trọn vẹn trong Chúa Con Nhập Thể.
Đức Thánh Cha Phanxicô: truyền thông không phải là đối lập mà là đối thoại
Việc xem xét các ngôn ngữ được phát triển cho các công nghệ mới, những ngôn ngữ kết nối với mạng xã hội là hết sức cấp thiết. Các công cụ có thể rất hiệu quả nhưng điều quyết định trên hết là nội dung được chia sẻ và giọng điệu được sử dụng. Điều cần phải thắng thế, ngay cả trong lĩnh vực truyền thông, không phải là sự thù hận và đối lập mà là logic của đối thoại và hiểu biết. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại điều này trong bài phát biểu của ngài nhân dịp trao Giải thưởng “È giornalismo” vào ngày 26 tháng 8 năm 2023.
Văn hóa kỹ thuật số đã mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội giao lưu mới, nhưng nó cũng có nguy cơ biến truyền thông thành khẩu hiệu. Không, truyền thông vẫn luôn là cuộc trao đổi qua-lại. Tôi nói, tôi lắng nghe và tôi phản hồi, nhưng luôn luôn trong trạng thái đối thoại. Đây không phải là một khẩu hiệu. Ví dụ, tôi lo ngại về sự thao túng của những người vì lợi ích cá nhân mà phát tán tin giả để tác động đến dư luận. Xin hãy đừng đầu hàng trước logic của phe đối lập, đừng để bản thân bị ảnh hưởng bởi những lời nói thù hận. Trong thời điểm bi thảm mà châu Âu đang trải qua, với cuộc chiến vẫn tiếp diễn ở Ucraina, chúng ta được kêu gọi phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn. Hy vọng của tôi là không gian sẽ được dành cho những tiếng nói của hòa bình, cho những người cam kết chấm dứt cuộc xung đột này và nhiều cuộc xung đột khác, cho những người không đầu hàng trước logic của “kẻ mạnh thắng kẻ yếu” về chiến tranh mà vẫn tiếp tục tin tưởng, bất chấp mọi thứ, theo logic của hòa bình, theo logic của đối thoại, theo logic của ngoại giao.
Do đó, hãy cổ võ truyền thông có trách nhiệm, trong đó việc tìm kiếm đối thoại và chân lý sẽ mang lại phẩm giá đích thực cho các dân tộc, cho các cá nhân. Đây là một số hy vọng mà các Giáo hoàng, tại nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử, đã bày tỏ để đưa trách nhiệm của thế giới truyền thông và thông tin đến gần hơn với những kỳ vọng sâu sắc nhất của con người.
Nguồn: Đài Vatican