Lược sử Giáo sở Cầu Hai

29/08/2019

GIÁO SỞ CẦU HAI

GIÁO XỨ CẦU HAI – GIÁO HỌ ĐÁ BẠC

Nhà thờ Cầu Hai

Lược sử

GIÁO XỨ CẦU HAI

I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Cầu Hai, thuộc Giáo hạt Hải Vân, nằm trên địa bàn xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách Toà Tổng Giám mục Huế khoảng 38km về phía đông đông nam.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Đón nhận đức tin từ vị linh mục tiên khởi Giáo phận

Lịch sử Giáo phận Huế cho biết giáo xứ Cầu Hai ra đời cách đây hơn 300 năm. Dưới đời Đức cha Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi xứ Đàng Trong (1624-1658-1679)

[1], thì cha Emmanuen Nguyễn Văn Bổn, vị linh mục đầu tiên của Giáo phận Huế, coi vùng Thừa Thiên (?-1672-1698). Cha Bổn đã lập giáo xứ nầy. Vậy có thể cư dân Cầu Hai đã biết đạo dưới đời chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691).

Năm 1698, vào đời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1723), giáo sĩ Pietro Belmonte cho diễn tại giáo xứ Thợ Đúc vở kịch có nhắc lại các vụ bắt đạo. Vụ việc đến tai, chúa ra lệnh bách hại gắt gao hơn từ Quảng Trị, Bác Vọng đến Văn Quỹ, Phủ Cam. Các thừa sai đành trốn chạy.

Cha Emmanuen Bổn phải nấp dưới ghe với 7 giáo dân, 2 thầy giảng và 3 học sinh tại phá Cầu Hai. Ngày 2-11-1698, năm Mậu Dần, lễ Các đẳng Linh hồn, một trận bão thổi vào kinh đô, làm hơn 400 ghe bầu chở lúa các nơi về kinh bị chìm. Trong thiên tai nầy, cha Bổn và các người cùng trốn với ngài đã chết đuối vì ghe bị lật tại phá Cầu Hai.

Thấy thiên tai và hậu quả khốc hại như vậy, triều đình và chúa Nguyễn Phúc Chu nghĩ rằng đã bị “Trời phạt”, nên chính sách cấm đạo cũng dịu bớt đến cả năm sau 1699[2]. Kể từ đó giáo xứ Cầu Hai trải qua 14 năm không có linh mục.

Năm 1701, trong bản tường trình, Đức cha Labbé cho biết tên các họ đạo tại Giáo phận Huế, trong đó có tên giáo xứ Cầu Hai tại Thừa Thiên.[3]

Năm 1741-1743, cha Jean-Antoine de la Court, Thừa sai Paris (MEP) làm bề trên Giáo phận, trông coi nhiều giáo xứ tại Huế và các vùng quê trong đó có Cầu Hai.

Ngày 4-7-1747, khi Đức Khâm sai Tòa thánh thứ hai Hilario Costa di Jesu (đang là Giám mục Tông tòa Giáo phận Đông Đàng Ngoài) đến Đàng Trong để giải quyết tranh chấp giữa các dòng truyền giáo bằng cách phân chia khu vực các họ đạo của 3 tỉnh giáo phận Huế, họ Cầu Hai thuộc các cha M.E.P. đóng trụ sở tại Phủ Cam và Thợ Đúc.

Theo nhật ký của Đức cha Lefèbvre ghi lại từ Huế, năm 1747, thì Giáo xứ Cau Hay (Cầu Hai) được giao cho các thừa sai Ý, sau đó giao lại cho các giáo sĩ Hội Thừa sai Paris[4]. Cha de la Court phụ trách các giáo xứ vùng nầy và qua đời tại đây vì nhuốm bệnh phong thổ (rừng thiêng nước độc).

 2- Lớn lên trong thử thách

Trong thời kỳ Phân Sáp (22-8-1861 đến 13-7-1862), có những nhà giam người Công giáo bằng tranh tre do huyện Phú Lộc dựng nên dọc bờ sông Nước Ngọt. Một số giáo dân Cầu Hai có thể đã bị giam giữ tại những nơi này.

Sau khi lệnh Phân Sáp được bãi bỏ, Đức cha Sohier (Bình) đã đặt cha Têphanô Đặng Văn Hiệp làm quản xứ Châu Mới kiêm giáo họ Cầu Hai (1867). Tháng 8 năm 1867, Đức cha yêu cầu các cha cho biết các xứ đạo trong Giáo phận. Thế nhưng trong danh sách các họ đạo Giáo sở Châu Mới, không thấy tên Cầu Hai. Có phải do lỗi ghi sót hay sau vụ Phân Sáp dưới triều Tự Đức, Cầu Hai đã bị tan nát, chẳng còn mấy giáo dân về lại làng cũ, mà ở tản mác hay quá ít, nên Cầu Hai đã không được các cha báo cáo, mặc dù có cha Têphanô Đặng Văn Hiệp ở tại giáo sở Châu Mới.

Năm 1879, Đức cha Pontvianne (Phong) đặt cha Giuse Tống Văn Vĩnh làm quản xứ Nước Ngọt kiêm họ Cầu Hai.

Thời Văn Thân, với chiêu bài “Bình Tây Sát Tả” (dẹp Tây giết đạo), ngày 7-12-1883, phò mã Cát với quân “Đoàn kiệt sĩ”, một thứ lính do Văn Thân tuyển, đã sát hại 12 giáo dân Cầu Hai.

Từ 1885-1890, cha Anphong Trần Bá Lữ (gốc Sơn Công), phó xứ Phủ Cam, về dạy đạo tại Cầu Hai. Đặc biệt cha Anphong ở phó cùng một lúc cho hai vị : cha Antoine Stoeffler ở Diêm Tụ và cha Eugène Allys (Lý) ở Phủ Cam. Diêm Tụ ở dọc đầm Hà Trung, còn Cầu Hai ở bờ gần đầm Cầu Hai, dọc bên kia Quốc lộ I hiện nay. Cha Anphong Lữ đã xuôi ngược khi ở Diêm Tụ, khi ở Cầu Hai, mở đạo tại hai họ nầy[5].

Có thể vào thời Văn Thân, giáo dân các họ vùng Cầu Hai, Nước Ngọt bị khủng bố, một số bị dao động, chối đạo cũng có, lơ đạo cũng có. Cha Lữ được gởi về đây để củng cố đức tin cho tín hữu và đưa họ trở về với Chúa cũng như truyền giáo cho lương dân. Từ năm 1900-1906, cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng, phó xứ Phủ Cam, cũng phụ trách truyền giáo các vùng dọc quốc lộ trong đó có Cầu Hai và đặc biệt quan tâm những người tân tòng.

3- Phát triển nhờ kế hoạch truyền giáo

Vào những năm trên, cha Allys (Lý), lúc đó là quản xứ Phủ Cam kiêm quản hạt Bên Thủy[6] có sáng kiến gởi những gia đình Công giáo Phủ Cam đi mở đạo tại các làng quê. Họ đến sinh sống tại những cụm dân lương hoặc những cộng đoàn tín hữu mới, vừa truyền giáo vừa lập nghiệp.

Cha Lý đã gửi đôi vợ chồng đạo đức là ông bà Phạm Văn Tuấn về Cầu Hai để gầy dựng và phát triển Giáo xứ. Ông Tuấn là con trai của cụ Phạm Văn Hoằng họ Phủ Cam. Cụ Phạm Văn Hoằng bị triều đình Huế bắt vì đạo và chết lưu đày tại Lạng Sơn[7]. Ngoài cụ Hoằng còn có ông Phạm Văn Giám cũng bị lưu đày vì đạo. Ông bà Phạm văn Tuấn sinh được người con trai duy nhất là Phaolô Phạm Văn Tú. Đến tuổi trưởng thành, ông Tú kết hôn với bà Anna Hồ Thị Trông, một giáo dân nổi tiếng đạo đức của Giáo xứ Tân Mỹ. Ông Tú đã giữ chức vụ câu trưởng Cầu Hai (tương đương chủ tịch Hội đồng giáo xứ) cho tới khi qua đời. Thi hài của ông cố Phạm Văn Tuấn và ông bà Phạm Văn Tú được an táng tại nghĩa địa Cầu Hai. Hết đời ông Tú, con trai trưởng của ông là Giuse Phạm Bá, và con trai út là GB Phạm Ngọc Phước, đã lần lượt làm câu họ tại đây.

Ông bà Phạm Văn Tú có một người cháu nội làm linh mục phục vụ Tổng Giáo phận Huế, đó là cha G.B. Phạm Ngọc Hiệp. Đây là hoa quả đầu tiên về ơn gọi tận hiến của giáo xứ Cầu Hai, và cũng là phần thưởng quý báu Thiên Chúa ban thưởng cho công lao truyền giáo và sống đạo của dòng tộc họ Phạm tại nơi này.

Vào năm 1747, Cầu Hai có 100 giáo dân theo bảng kê khai danh sách các họ đạo trong giáo phận của các cha Thừa sai lúc bấy giờ. Nhưng đến năm 1939, tập san Les Missions Catholiques en Indochine tại Hồng Kông, lại cho biết vào năm nầy, thời quản xứ của cha PX Lê Văn Định (1934-1939), Giáo xứ Cầu Hai có 878 người với 4 giáo họ, 2 trường học với 58 học sinh. Có thể đó là các họ Đá Bạc, Phước Tượng, Chánh Xuân như hiện thời! Đây hẳn là công trình mở đạo của Đức cha Allys (Lý), cha Anphong Lữ và cha Inhaxio Dõng cùng một số gia đình đạo đức ở Phủ Cam.

Như vậy, cách đây hơn một thế kỷ, tại Giáo phận Huế đã có sáng kiến truyền giáo bằng cách gởi những gia đình đạo đức đến ở giữa lương dân để làm muối men, rao giảng Tin Mừng, với sự hỗ trợ của các chủ chăn làm mục vụ lưu động.

III- CÁC LINH MỤC CHÍNH XỨ.

Năm 1910, Đức cha Allys (Lý) chọn họ Cầu Hai làm giáo sở chính gồm các họ nhánh Đá Bạc, Phước Tượng, Chánh Xuân[8]. Không kể thời gian bắt đầu biết đạo đời cha Emmanuen Bổn và thời gian coi sóc của các thừa sai M.E.P., giáo sở Cầu Hai từ 1910-2019 đã được các linh mục sau chăm sóc mục vụ:

  1. Phêrô Nguyễn Văn Lập (Dương Sơn) 1910-1917

Xây nhà thờ Cầu Hai năm 1910. Đây là nhà thờ có nét kiến trúc mộc mạc, tiền đường là một mái hiên hẹp với hàng trụ chống mảnh khảnh, với một lan can chạy từ bên nầy sang bên kia.

  1. G.B. Lê Văn Tài (Kim Long) 1917-1923
  2. Tađêô Nguyễn Văn Tin (Kim Long) 1927-1933

Xây nhà thờ Đá Bạc năm 1927.

  1. Phaolô Nguyễn Văn Mầu (Ngọc Hồ) 1933-1934
  2. P.X. Lê Văn Định (Cổ Vưu) 1934-1939
  3. Phaolô Nguyễn Văn Chính (Ngọc Hồ) 1939-1943
  4. Phaolô Mai Xuân Hiến (Tam Tòa) 1947-1949
  5. Antôn Nguyễn Văn Bằng (Tam Tòa) 1949-1953
  6. Giuse Lê Văn Hộ (Trí Bưu) 1953-1955

Xây dựng cơ sở giáo dục cho Cầu Hai từ năm 1955: một ngôi trường khang trang, và một cụm nhà cho các chị Dòng. Cha đã mời các nữ tu Mến Thánh Giá Phủ Cam đến thường trú, dạy văn hóa cho các em; phụ trách các hội đoàn, ca đoàn, lớp giáo lý.

  1. Simon Huỳnh Minh Tâm (Bồ Khê) 1955
  2. Gioan Nguyễn Đăng Bình (Ba Ngoạt) 1955-1962
  3. Phêrô Huỳnh Đình Kinh (Phủ Cam) 1962-1968

Xây nhà xứ lợp ngói, lập sở nữ tu, giao cho Dòng Mến Thánh Giá (Phủ Cam) phụ trách.

  1. Phaolô Nguyễn Văn Hiển (Hà Thanh) 1968-1972
  2. Antôn Nguyễn Văn Huề (An Bằng) 1972-1975
  3. Gioakim Nguyễn Văn Hùng (Hà Thanh) 1975-2004

Xây mới hoàn toàn một nhà thờ khác năm 1991, thông thoáng hơn, dài 24m, rộng 7m, cao 12m. Đây là một thánh đường gọn nhỏ, nằm khuất trong một khuôn viên nhìn ra Quốc lộ I cách đó khoảng 60m. Nhà thờ dâng kính Thánh Giuse Thợ (1-5).

Ngoài ra còn có cơ sở các nữ tu được xây dựng năm 1996 với 2 chị Dòng MTG Huế phụ trách hội Mẹ gia đình, Ca đoàn, dạy giáo lý… và coi sóc nhà trẻ (xây dựng năm 1997).

  1. G.B. Lê Văn Nghiêm (An Vân) 2004-2015
  2. Antôn Nguyễn Như Hùng Dũng (Lương Văn) 7/2015…..

IV- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục:

– G.B. Phạm Ngọc Hiệp, sn: 1949, lm: 1975. (Cháu nội của ông Phaolô Phạm Văn Tú)

– Giuse Nguyễn Thanh Liêm, lm: 1999, Atlanta, Hoa Kỳ. (Chắt ngoại của ông P. Phạm Văn Tú)

– Giuse Nguyễn Phi Long, lm: 2017, Dòng Biển Đức, Ban Mê Thuột. (nt)

– Giuse Hoàng Nguyên Vũ, Lm: 2017, Giáo phận Ban Mê Thuột. (nt)

– Phêrô Nguyễn Quang Long, sn: 1984, lm 2019, Giáo phận Huế. (nt)

2- Tu sĩ nam nữ:

– Tu sĩ Giuse Lê Nguyên, sn 1985, khấn tạm 2013, Dòng Đaminh

– Nữ tu Maria Nguyễn Thị Xuân, Dòng Mến Thánh Giá Huế.

– Nữ tu Maria Lê Thị Vàng, Dòng Mến Thánh Giá Huế

3- Giáo dân (Cầu Hai + Đá Bạc)

– Năm 2010: 1560 người.

– Năm 2015: 724 người.

– Năm 2018: 724 người.

*************************************

LƯỢC SỬ

GIÁO HỌ ĐÁ BẠC

 I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo họ Đá Bạc, thuộc Giáo xứ Cầu Hai, Giáo hạt Hải Vân, nằm trên địa bàn xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, cách Toà Tổng Giám mục Huế khoảng 35 km nằm về hướng đông đông nam, cách cầu Đá Bạc 50m về phía tây.

II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Khai sinh từ một kế hoạch truyền giáo

Vào năm 1888, Đức cha Louis Caspar (Lộc), cha Eugène Allys (Lý) và cụ Thượng thư Micae Ngô Đình Khả đã lập ban truyền giáo nhằm mở đạo tại hai huyện Phú Lộc và Phú Vang. Cũng có một số giáo dân Phủ Cam tham gia phong trào nầy, xuống tận các làng quê, ăn ở hay định cư để mở đạo.

Cha Đôminicô Lê Văn Phẩm, phó xứ cho cha Allys, đặc trách Giáo xứ Nam Phổ (huyện Phú Vang) từ 1900, cũng được gởi về vùng Phú Lộc để truyền giáo.

Lúc bấy giờ tình hình Giáo phận Huế tương đối yên. Những vụ khủng bố sát hại người Công giáo của Văn Thân vào các năm 1883-1886 chỉ còn là những kỷ niệm.

Năm 1889, Thành Thái lên ngôi vua (1889-1907), nhưng vì còn nhỏ (mới 10 tuổi), nên mọi việc trong triều đều do hai quan phụ chính Nguyễn Trọng Hợp và Trương Như Lương nắm giữ. Bên cạnh Nam triều là các khâm sứ Pháp trong đó có ông Lévêque là một trong những người theo bè Tam Điểm, có tinh thần bài đạo quyết liệt. Đa số quan người Việt cũng chẳng thích gì Công giáo[9].

Tại mọi làng quê, các hương chức lý trưởng, thừa lệnh trung ương, thực hiện chủ trương “cải giáo hoàn lương”, một chủ trương được khâm sứ Lévêque ủng hộ, nên cố ép giáo dân bỏ đạo và tìm cách ngăn cản lương dân theo đạo.

Trong bối cảnh yên mà không lặng đó, tức cách đây hơn một thế kỷ, cư dân Đá Bạc đã đón nhận Tin Mừng, và những người tân tòng đã phải thắng mình, thắng sự sợ hãi, mới dám gia nhập đạo. Theo bác Giuse Lê Trung Đán, chức việc họ, Đá Bạc ban đầu có 5 gia đình theo Chúa. Đó là những cột trụ đức tin lập nên giáo họ sau nầy.

Cũng theo bác Đán, trước đây giáo họ Đá Bạc có một nhà thờ bằng tranh tre nằm trong thôn bên kia đường tàu hỏa.

Năm 1927, Cha Tađêô Nguyễn Văn Tin, quản xứ Cầu Hai kiêm Đá Bạc đã làm nhà thờ Đá Bạc[10] do ông bà Lê Phát An giúp tài chánh. Ông Lê Phát An là cậu ruột của Nam Phương Hoàng hậu, vợ Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn ở Việt Nam.

Cha Tin đã mua gạch và vôi về xây nhà thờ nầy. Đây là nhà thờ mới và được làm ở vị trí mới, gần quốc lộ I (nơi đang tọa lạc ngôi nhà thờ hiện thời).

2- Lớn lên giữa thời tao loạn

Trong những năm chiến tranh (1945-1975), giáo dân các giáo xứ khác như Thiện Loại, Truồi, Vinh Hòa, Mỹ Lợi… đã rời bỏ làng xóm về đây sinh sống, vì giáo họ Đá Bạc ở gần đường quốc lộ I, tương đối an toàn và dễ dàng đi lại. Họ sống quanh nhà thờ, nơi xóm cỏ, bến tàu, ven sông.

Đặc điểm của giáo họ là một nửa dân số gốc Thiện Loại làm nghề chài lưới, một nửa còn lại làm nghề nông, buôn bán, chẻ đá granit (đá hoa cương, vốn đầy dẫy trên đồi núi trong vùng dưới dạng khối to hay nhỏ) v.v…[11]

Đá Bạc từng có các nữ tu Dòng MTG Huế đến giúp vào thời cha Phaolô Nguyễn Văn Hiển (1968-1972). Giáo họ lúc ấy đã mua lại nhà của một giáo dân là ông Gioakim Hồ Út, để làm sở các chị. Cha Hiển cũng đã xây một trường học 2 lớp để các chị dạy học.

Sau biến cố 1975, sở các chị bị bỏ trống. Khoảng tháng 8 năm này, có 3 chị thuộc nhóm Loan Tin Mừng được Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền gửi về Đá Bạc để phục vụ. Tuy nhiên sau một thời gian vắn, hai trong ba về lại gia đình, chỉ còn lại một chị kiên trì phục vụ đến năm 2004. Đó là chị Maria Nguyễn Thị Hồng (hiện phụ trách huynh đoàn nữ Tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu).

Vào khoảng năm 1993, nhà thờ trên nói bị cha Gioakim Nguyễn Văn Hùng, Quản xứ giáo sở, cho phá đi để xây dựng lại cái mới với vài sắt do ông Nguyễn Văn Đồng (Sô) người Phủ Cam thiết kế. Đây là một nhà thờ gọn nhỏ, tiền đường có vẻ quang đãng và thanh thoát, dài 25m rộng 8m, dâng kính Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, có tượng ngài nhìn ra quốc lộ I.

Năm 1995, nhờ tiền tài trợ của cơ quan từ thiện nước ngoài, Giáo xứ đã xây dựng được một cơ sở mới, một nửa dùng làm nhà ở cho các nữ tu, một nửa làm phòng học giáo lý.

Giáo họ có sinh hoạt gia đình trẻ, thanh nữ, ca đoàn và mẹ gia đình. Buổi tối cũng có tổ chức đọc kinh hôm tại nhà thờ. Mỗi tuần, có hai thánh lễ thường xuyên vào chiều thứ Tư, sáng thứ Năm và một thánh lễ vào chiều Chúa Nhật hoặc chiều thứ Bảy thay thế ngày Chúa Nhật.

Có người nghĩ Giáo xứ nằm cạnh đường, lòng đạo dễ bị chết non. Nhưng hơn 100 năm, Đá Bạc vẫn tồn tại. Có gập ghềnh nhưng không đổ sụp. Đó là hình ảnh của những khối đá granit vốn nằm lổm chổm tại Giáo xứ nầy.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN:

– Đại Chủng sinh Antôn Lê Thanh Hải, sn: 1998, vào ĐCV: 2018

– Đại Chủng sinh Phêrô. Trần Ngọc Quý, vào ĐCV: 2019

– Nữ tu Maria Trần Thị Phận, Dòng Mến Thánh Giá Huế

– Nữ tu Maria Trần Thị Ny, Dòng Mến Thánh Giá, Huế.      

———————————————————–

[1] Sau tên của các Giám mục hoặc Linh mục, khi có 3 niên đại thì số đầu chỉ năm sinh, số giữa chỉ năm chịu chức Giám mục hoặc linh mục, số cuối chỉ năm qua đời.

[2] Lê Ngọc Bích. Những linh mục Việt Nam trong thế kỷ XVII, tr. 27-28.

[3] Lịch sử Giáo phận Huế qua các triều đại vua chúa 1596-1945. Stanislas Nguyễn văn Ngọc và Giuse Nguyễn văn Hội 1993, tr. 92-93

[4] Annales des Missions Etrangères. vol. 742 p. 166 hay A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, T. II, tr. 166

[5] Linh mục Nguyễn Kim Bính, Lịch sử giáo xứ Phủ Cam. 1982, bản đánh máy chữ.

[6] Trong cơ cấu tổ chức thời ấy, Giáo phận Huế chia làm 3 Giáo hạt: Giáo hạt Bên Thủy bao gồm những giáo xứ, giáo họ từ Phủ Cam chạy dài đến Lăng Cô, dọc đường thiên lý bắc nam, và từ Cự Lại xuống tận Vinh Hòa, dọc đầm Hà Trung đến tận cửa Tư Hiền. Giáo hạt Bên Bộ gồm những giáo xứ từ phía bắc Sông Hương ra tới Kẻ Văn, Hương Lâm, Thanh Hương. Giáo hạt Dinh Cát gồm những giáo xứ từ nam Quảng Trị ra đến Quảng Bình (tới bờ nam sông Gianh). Cha Allys làm quản xứ Phủ Cam kiêm quản hạt Bên Thủy 23 năm trời (1885-1908)

[7] Gia phả Trương Đình, tr. 8

[8] Phước Tượng và Chánh Xuân nay đã thành các giáo xứ biệt lập

[9] St. Nguyễn Văn Ngọc và G. Nguyễn Văn Hội, sđd, t.3, tr. 390.

[10] Nhà thờ Đá Bạc: hình nhà thờ cũ nay không còn nữa.

[11] Đá được chẻ vuông vắn góc cạnh như những viên bờ-lô, bán cho khách hàng mua về xây móng làm nhà.

—————————————————-

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.