Lược sử Giáo xứ Đá Hàn

09/09/2019

LƯỢC SỬ

GIÁO XỨ ĐÁ HÀN

I. VỊ TRÍ ĐỊA DƯ

Giáo xứ Đá Hàn, thuộc giáo hạt Thành phố Huế, nằm ở ngã ba giao nhau của 2 nguồn sông Hương là Tả Trạch và Hữu Trạch, gần như đối diện với lăng Minh Mạng, trên địa bàn thôn Thạch Hàn, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách Toà Tổng Giám mục Huế 20km về phía tây nam. Nhà thờ Đá Hàn cách lăng Gia Long, tiên đế triều Nguyễn, 5km về phía tây bắc.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

1- Từ những tín hữu chạy trốn lên miền núi

Khi chúa Minh Nguyễn Phúc Chu cai trị đất nước từ nam sông Gianh trở vào (1691-1725), vùng Thừa Thiên (lúc ấy gọi là Thuận Hóa) có 30 họ đạo thuộc quyền Đức Giám mục François Pérez (1691-1728), Đại diện Tông tòa Giáo phận Đàng Trong.

Vào thời kỳ bắt đạo của chúa (1699-1704)[1], năm 1700 cha Pierre Langlois, Quản xứ Phủ Cam bị chết rũ tù. Còn tại Thuận Hóa nói chung, theo tường thuật của giáo sĩ Juan Antonio Arnedo (Dòng Tên) viết ngày 31-7-1700, giáo hữu một số họ đạo bị bắt giam, đánh đập, chịu tử hình và nhiều người phải chạy trốn để bảo toàn đức tin lẫn tính mạng. Giáo đoàn kinh đô Huế đã sống trong những tháng ngày đen tối. Đức cha chính Pérez và Đức cha phó Charles-Marin Labbé phải ẩn náu ở vùng nam Giáo phận. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy nói đến địa danh Đá Hàn và Buồng Tằm[2].

Thời Đức Khâm sai Elzéar des Achards de la Baume sang Việt Nam (1-5-1739), tên hai họ đạo vùng núi vừa nói mới bắt đầu xuất hiện trong các bản tường trình của ngài gởi Tòa thánh. Truyền thuyết cho rằng chính các tín hữu vùng xuôi (như Phủ Cam) khi chạy lên vùng núi để thoát cơn bách hại đã khai sinh các họ đạo này.

2- Trực thuộc các giáo xứ miền xuôi

Theo sử gia Adrien Launay, Lịch sử truyền giáo tại Đàng Trong, Tài liệu lịch sử, tập II (Histoire de la mission en Cochinchine, Documents historiques t. II, 1728-1771, tr. 100), sau nhiều năm không vị Thừa sai nào đặt chân đến Đá Hàn và Buồng Tằm, thì có cha Chính Jean-Antoine de la Court (MEP) đang coi sóc họ đạo lớn Phủ Cam (1743-1746), kiêm nhiệm hai cộng đoàn này.

Theo bản tường trình của các thừa sai lên vị Khâm sai Tòa thánh thứ hai là Đức cha Hilario Costa di Jesu tại Giáo xứ Thợ Đúc năm 1747[3], Đá Hàn lúc ấy có 200 tín hữu và Buồng Tằm 270[4]

Các vị mục tử Phủ Cam hay Ngọc Hồ (cách Đá Hàn 5km về hướng bắc) tiếp tục kiêm nhiệm 2 giáo họ này. Những vị cuối cùng là cha Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên, Quản xứ Phủ Cam (1866-1880), cha Luca Nguyễn Hữu Tín, Quản xứ Ngọc Hồ (từ 1871) và cha Anrê Trần Văn Doãn, Quản xứ Ngọc Hồ (từ 1879).

Tháng 12-1883, quân Văn Thân xâm nhập giáo họ Buồng Tằm để thiêu sát tín hữu. Lúc đó nơi ấy có hơn 150 giáo dân nhưng 75 người đã bị giết chết. Sau biến cố này, số giáo dân ít ỏi sống sót đã quy tụ và xây dựng lại cộng đoàn. Khi ấy, Văn Thân cũng định tấn công Đá Hàn nhưng ý đồ này đã không thành, các tiền nhân cho là có bàn tay che chở của Đức Mẹ.

Truyền khẩu ông cha kể lại rằng: “Thời Văn Thân bắt đạo, quân lính kéo đến để tiêu diệt người có đạo ở giáo xứ Đá Hàn; trên tay họ gươm giáo, súng, gậy gộc, khuôn mặt hằm hằm sát khí. Họ vừa bước xuống bờ sông thì thấy có một bà đẹp ngồi trên một con ngựa trắng, sau bà là cả đạo quân hùng hậu cờ xí đang bảo vệ giáo xứ. Lần thứ nhất họ hoảng sợ rút lui. Ít ngày sau họ quyết tâm đến tiêu diệt người có đạo ở Đá Hàn nhưng lần này họ cũng thấy như vậy.”

Chính vì thế, để ghi ơn Đức Mẹ, Giáo xứ đã chọn lễ Sinh nhật của ngài (ngày 8 tháng 9) làm bổn mạng.

3- Thành Giáo sở độc lập

Kể từ năm 1897, Đá Hàn và Buồng Tằm được liên kết với nhau, trở thành Giáo sở  Đá Hàn, có cha Quản xứ chính thức. Và tính đến hôm nay là có 14 đời Quản xứ.

– Cha Têphanô Đặng Văn Hiệp, người họ An Vân, là Quản xứ tiên khởi Giáo xứ Đá Hàn và Buồng Tằm (1897-1903). Xác Ngài nay được chôn trong nhà thờ Đá Hàn[5].

– Cha Phaolô Huỳnh Văn Thế: 1903-1925. Lần thứ I.

– Cha Gabriel Pieters (cố Phiên): tháng 6/1926 đến 1932.

– Cha Louis Bertin (cố Khánh): 1933-1944.

– Cha Phaolô Huỳnh Văn Thế: 1945-1946. Lần thứ II.

– Cha Đôminicô Nguyễn Văn Trân: 1946-1961. Ngài đã xây lầu nhà xứ Đá Hàn để tránh lụt.

– Cha Matthia Nguyễn Văn Triêm: 1962.

– Cha Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc: 1963-1964.

Sau năm 1966, vì tình hình bất an, phần đông giáo hữu Đá Hàn và Buồng Tằm về định cư ở vùng Nam Giao và trực thuộc giáo xứ Phủ Cam. Đến giữa năm 1975, họ mới hồi cư.

– Cha Giuse Đỗ Bá Ấn: 1975-1980. Khôi phục giáo xứ sau 9 năm trời phiêu bạt.

– Cha G.B. Phạm Ngọc Hiệp: 1980-1987. Ngay từ ngày đầu đặt chân đến Đá Hàn, cha ưu tiên tổ chức các lớp giáo lý khai tâm, thêm sức, bao đồng, giới trẻ và hôn nhân. Lúc bấy giờ giáo xứ không có nữ tu phục vụ, cha phải thành lập nhóm giáo lý viên, bồi dưỡng Thánh Kinh và khoa sư phạm, giúp họ có thêm đạo hạnh và kiến thức để truyền đạt lại cho các em.

Thời điểm này, có các tu sĩ Dòng Thánh Tâm Huế lao động ở khu vực dưới chân núi Kim Phụng (cách Đá Hàn chừng 10 km về phía tây tây bắc). Mỗi chiều thứ bảy và sáng Chúa nhật, các thầy Châu, Quỳnh, Đầy, Dũng, Vang và chú Đại (về sau tất cả thành linh mục), đến Đá Hàn tham dự thánh lễ, rồi giúp dạy giáo lý, hướng dẫn cầu nguyện, tập xướng âm, dạy đàn cho các em nhỏ.

Nhà thờ, nhà xứ, hội quán Đá Hàn lúc bấy giờ xuống cấp trầm trọng. Nhưng rồi cha con đã chung sức xây dựng lại.[6]

Từ năm 1984 đến 1994, Giáo xứ Bình Điền được sáp nhập vào Giáo xứ Đá Hàn, nên cha GB. Phạm Ngọc Hiệp rồi cha Giuse Đặng Thanh Minh thay nhau kiêm nhiệm. Trong thời gian này, giáo dân Bình Điền về Đá Hàn tham dự thánh lễ.

– Cha Giuse Đặng Thanh Minh: 1987-1995, sửa tiền đường và tháp nhà thờ, nhà hội. Cha rời giáo xứ để đi du học Pháp.

– Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ: 1995-2000. Vào năm 1999, có trận lụt thế kỷ 1999, khiến 100 gia cư và nhà thờ Buồng Tằm bị cuốn trôi, một số gia đình trong giáo xứ di dời qua bên kia sông, hình thành một làng mới gần lăng Minh Mạng, dọc theo quốc lộ 49. Từ đó Đá Hàn chia làm hai : bên này sông có nhà thờ, bên kia sông là quốc lộ đi lên Bình Điền, hoặc xuôi về thành phố Huế; mỗi lần tham dự thánh lễ giáo xứ, phải đi ghe đò sang sông. Năm 2000, cha Phêrô và giáo xứ đã xây nhà xứ, trường mẫu giáo, đào giếng nước sạch và sửa chữa lại nhà thờ sau trận lụt thế kỷ.

Tháng 5/2000, cha Phêrô rời giáo xứ (không rõ lý do) nhưng mãi đến tháng 2/2001, cha Đôminicô Phan Phước mới về kế nhiệm. Trong 9 tháng vắng mặt Quản xứ này, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, Thiên An rồi Thánh Tâm tạm thời đến dâng lễ.

– Cha Đôminicô Phan Phước : 2001-2008. Tiếp tục xây dựng và hoàn thành nhà thờ Đá Hàn, với cung thánh khang trang xinh đẹp. Nhà thờ dài 35m, rộng 13m, cao 8m, tháp cao 40m. Cha thành lập phong trào Thiếu nhi Thánh Thể và hội Legio Mariae. Ngài cũng xây nhà thờ Buồng Tằm trên vùng đất mới, nhưng chưa hoàn thiện.

Nhà thờ Đá Hàn (bên trong)

– Cha Giuse Phan Văn Quyền: 9/2008-10/2016. Tiếp tục công trình của các cha trước để lại là củng cố và thăng tiến giáo sở về tinh thần lẫn vật chất.

Ngày 02-11-2009, xây dựng Đất thánh Đá Hàn

Ngày 24-11-2009, trùng tu lăng 75 vị tử đạo Buồng Tằm và khánh thành.

Tháng 5-2010, mở rộng và bêtông hóa con đường bên phải nhà thờ Đá Hàn.

Ngày 25-3-2011, khánh thành nhà thờ và nhà xứ Buồng Tằm.

Ngày 8-9-2012, khánh thành hang đá Đức Mẹ.

Ngày 02-11-2012, khánh thành sân bóng đá.

Ngày 10-7-2015, thành lập phong trào Cursillo.

Tháng 8/2015, linh mục Giuse Trần Hữu Đạt được bổ nhiệm làm cha phó.

Đầu năm 2016, một cộng đoàn Dòng Mến Thánh Giá Huế được thành lập tại Đá Hàn.

– Cha Stêphanô Nguyễn Hữu: ngày 12 tháng 10 năm 2016 chính thức nhận xứ.

Ngày 15-10-2016, cha phó Giuse Trần Hữu Đạt được Đức Tổng Giám mục Phanxicô Lê Văn Hồng bổ nhiệm chính thức làm Quản xứ tiên khởi Giáo xứ Buồng Tằm. Buồng Tằm từ nay tách hẳn Đá Hàn.

Ngày 13-5-2017, lễ Đức Mẹ Fatima, giáo xứ khởi công nhà mục vụ & đài Thánh Giuse. Khánh thành ngày 8-9-2017, lễ Sinh nhật Đức Mẹ, bổn mạng giáo xứ.

Ngày 13-2-2018, khởi công đài Đức Mẹ. Khánh thành ngày 19/3/2018, lễ Thánh Giuse.

Ngày 01-5-2018, thành lập hội Gia trưởng.

Ngày 27-8-2018, thành lập hội Hiền mẫu.

Ngày 19-8-2019, thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ mới, do Đức nguyên TGM Phanxicô Lê Văn Hồng chủ sự.

III- HOA TRÁI ĐỨC TIN

1- Linh mục:

– Louis Đào Xuân Hà (O.M.I) (phong chức linh mục 08/12/2018)

2- Nữ tu:

– Maria Lê Thị Phương Uyên, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

– Maria Lê Bảo Ngọc Quỳnh, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng

3- Giáo dân:

– Năm 2010: 910 người (Đá Hàn+Buồng Tằm)

– Năm 2015: 1061 người (Đá Hàn+Buồng Tằm)

– Năm 2018: 900 người (Đá Hàn)

– Năm 2019: 854 người (Đá Hàn).

Hiện nay Giáo xứ có 289 gia đình, chia làm 4 khu vực: Fatima, Mân Côi, Vô Nhiễm và Thánh Mẫu. Hoa trái đức tin này cần tiếp tục phát triển sau 280 năm giáo xứ tồn tại (1739–2019)[7].

[1] Mùa thu 1699, triều đình tra xét bắt đạo Thiên Chúa, phàm nhân dân ta ai có đạo thì phải bỏ để trở lại làm dân bình thường, lấy nhà tu làm nhà ở, lại còn đốt sách vở của đạo Thiên Chúa, người phương Tây thì buộc họ phải về nước(https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Ph%C3%BAc_Chu). Năm 1704: Chúa Minh đình chỉ việc cấm đạo vì quý mến một số giáo sĩ dòng Tên người Tây Ban Nha trong đó có cha Juan Antonio Arnedo. Ngài là nhà thiên văn giỏi và là nhà thầy thuốc riêng của chúa tại kinh đô.

[2] Giáo xứ Buồng Tằm nằm trên địa bàn xã Dương Hoà, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, cạnh nguồn sông Hương dòng Tả trạch, gần lăng Gia Long, cách toà Tổng giám mục 25km về phía nam và cách giáo xứ Đá Hàn 10km về phía đông nam.

[3] Ngài đang là Giám mục Đại diện Tông tòa Giáo phận Đông Đàng Ngoài, được Tòa thánh cử đi kinh lý Giáo phận Đàng Trong. Ngày 19-6-1747, Đức Khâm sai Hilario chính thức mở cuộc thảo luận giữa các nhóm thừa sai tại nhà các cha dòng Phanxicô ở giáo xứ Thợ Đúc.

[4] Theo Adrien Launay, Histoire de la mission en Cochinchine, Documents historiques, t. II, tr. 188.

[5] Theo tiểu sử các linh mục Giáo phận Huế, có một cha tên là Kiết (Tường), không rõ họ, đã chết tại Đá Hàn năm 1843 và di hài được chôn trong nhà thờ Đá Hàn. Nhưng cho tới nay, không tìm thấy dấu vết nào về bia mộ của ngài cả.

[6] Thời điểm này, giáo dân sống bằng nghề làm ruộng, trồng khoai sắn, đi bứt tranh, chặt củi trên rừng về bán để độ nhật. Đến năm 1982, người dân tình cớ phát hiện trong rừng sâu nước độc có trầm hương. Thế là trai tráng trong thôn làng đổ xô băng rừng vượt suối tìm trầm. Cuộc sống kinh tế của giáo dân trở nên khấm khá. Nhờ đó, họ đã quảng đại dâng cúng để sửa sang nhà thờ, hội quán, lầu chuông, và phục vụ một số sinh hoạt khác của giáo xứ.

Vì ở đầu nguồn sông Tả Trạch, hằng năm cứ đến mùa mưa là Đá Hàn hứng lũ lụt ; giáo dân phải bồng bế nhau lên đồi cao lánh nạn. Cái lụt lịch sử năm 1983 và 1985 khiến nhà thờ bị ngập nặng, bàn ghế hư hỏng gần hết. Cơn bão kinh hoàng năm 1986 làm nhà thờ gần như hoàn toàn sụp đổ. Cha sở và giáo dân khẩn trương dựng tạm nơi thờ phượng.

[7] Con số 1739 là thời điểm Đức Khâm sai Elzéar des Achards de la Baume sang Việt Nam (1-5-1739) và làm bản tường trình gởi Tòa Thánh trong đó có nhắc tới tên hai họ đạo vùng núi Đá Hàn và Buồng Tằm.

————————————————————————-

Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.

Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.