LƯỢC SỬ
GIÁO XỨ HÓI DỪA
Nhà thờ Hói Dừa mới (2017)
I- VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Hói Dừa, thuộc Giáo hạt Hải Vân, có một vị trí khá đặc biệt: nằm ở phía nam phá/đầm Lăng Cô (còn gọi là đầm Lập An hay vụng An Cư), sát sườn đèo Hải Vân, thuộc thôn Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Một vùng sâu vùng xa của Tổng Giáo phận Huế, cách Tòa TGM Huế 75 km về phía đông đông nam.
II- NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
1- Từ một nhóm tín hữu Quảng Nam đi tìm đất sống
Đầu thế kỷ 20, một số chừng 12 giáo dân thuộc Giáo xứ Phú Thượng, Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (lúc bấy giờ thuộc Giáo phận Qui Nhơn), đi bộ băng rừng vượt núi, trèo đèo Hải Vân, ra vùng đất Lăng Cô kiếm kế sinh nhai[1]. Phía tây Lăng Cô là một thung lũng dài, chạy nép theo sườn núi, nơi có nhiều suối thác, khe lạch. Suối thác đổ về xuôi, hợp lưu làm thành ba con hói lớn, được đặt tên: Hói Mít, Hói Cạn và Hói Dừa. Chính 2 bên bờ Hói Dừa này (sát sườn Hải Vân) là nơi nhóm giáo dân Phú Thượng đã chọn làm chốn cư trú, khai canh, dựng thôn, lập nghiệp. Họ trồng khoai sắn, cấy lúa, tỉa mít, ươm dừa. Ngoài thời vụ thì lên rừng đốn củi, đốt than, xẻ gỗ, bắt thú đem về xuôi bán.
2- Thành Giáo họ, trực thuộc Giáo xứ Lăng Cô (1903).
Năm 1903, Quản xứ tiên khởi của Lăng Cô là cha Martin Mendiboure (cố Nhơn, 1874-1897-1957) thuộc hội Thừa sai Hải ngoại Paris. Đến giúp giáo dân Hói Dừa sống đạo giữa núi rừng bạt ngàn, chính cố đã dựng lên một nhà nguyện mái tranh vách đất, làm nơi thờ phượng (1903). Đồng thời một ban chức việc (hội đồng giáo xứ) được bầu lên, gồm: ông Nguyễn Lập (biện trưởng), ông Phan Chương (biện phó), ông Nguyễn Văn Khuyến (thư ký), ông Nguyễn Linh (thủ quỹ).
Năm 1906, cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng về làm Quản xứ Lăng Cô, kiêm Hói Dừa. Nhờ lòng hảo tâm dâng cúng tiền bạc của một giáo dân nhiệt thành tên Chín, cha đã cho xây một nhà nguyện mái ngói vách gạch, và “Đức Bà Xuống Tuyết”[2] được chọn làm bổn mạng giáo xứ.
Năm 1920, cha Gioan Nguyễn Văn Chất làm Quản xứ Lăng Cô. Ban hành giáo Hói Dừa lúc ấy gồm: ông Nguyễn Khương (biện trưởng), ông Nguyễn Đại (biện phó), ông Nguyễn Cữu (thư ký).
Năm 1931, khi cha Phaolô Văn Đình Vĩnh (8/1931-7/1936) làm Quản xứ Lăng Cô, thì ban hành giáo Hói Dừa gồm: ông Nguyễn Văn Khuyến (biện trưởng), ông Lê Cấp (biện phó kiêm thủ quỹ), ông Nguyễn Bỗ (thư ký).
Năm 1936, cha Giacôbê Nguyễn Văn Phượng, được bổ nhiệm làm Quản xứ Lăng Cô. Ban hành giáo Hói Dừa lại đổi, gồm: ông Nguyễn Khóa (biện trưởng), ông Nguyễn Hiệu (biện phó), ông Trần Lượng (thủ quỹ).
Năm 1938, cha Phêrô Trần Văn Lượng về làm Quản xứ Lăng Cô. Hai năm sau, ngài cho đại tu nhà nguyện Hói Dừa.
Năm 1940-1944, cha P.X. Trương Văn Lương làm Quản xứ Lăng Cô kiêm Hói Dừa.
Năm 1944-1953, cha P.X. Bùi Quang Ninh Quản xứ Lăng Cô kiêm Hói Dừa
3- Trực thuộc Giáo xứ Loan Lý (1954).
Năm 1954, Giáo xứ Loan Lý từ Cửa Tùng, Quảng Trị di cư vào sinh sống lập nghiệp ở Lăng Cô và vẫn giữ tên cũ. Hói Dừa lúc ấy nhảy sang trực thuộc giáo xứ này và ở dưới sự chăm sóc kiêm nhiệm của các vị quản xứ Loan Lý như cha Giacôbê Phan Văn Cơ (1954-1957), cha Phêrô Trần Văn Điển (1957-1958), cha Gioan Baotixita Trương Văn Thắng (1958-1963), cha Phaolô Ngô Văn Triệu (1963-1965), cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Cần (1965-1966), cha Tađêô Hồ Bảo Huỳnh (1966-1969), cha Phêrô Huỳnh Văn Hóa (1969-1972), cha Giuse Ngô Văn Trọng (1972-1975).
Thời kỳ nầy, các ông Võ Hòa, Nguyễn Chút, Nguyễn Nhất, Nguyễn Cữ, Nguyễn Văn Ái, Nguyễn Tú, Nguyễn Kiệm, lần lượt được chọn vào ban hành giáo phục vụ Giáo xứ Hói Dừa.
Năm 1975, biến động chính trị làm thay đổi vận mạng đất nước đã khiến nhiều tín hữu Hói Dừa di cư nhưng rồi hồi hương, tái thiết quê nhà, khôi phục giáo xứ, và được sự chăm sóc cai quản của cha Batôlômêô Nguyễn Văn Phước, Quản xứ Sáo Cát và Lăng Cô từ tháng 5-1975.
Năm 1976, một nhà nguyện bằng tranh được dựng lên trên nền nhà nguyện cũ. Ban hành giáo thời kỳ nầy gồm: ông Nguyễn Tú, Nguyễn Thần, Nguyễn Trọng.
Năm 1978, cha Phước vì lý do sức khỏe, không thể kiêm nhiệm Hói Dừa, nên Tòa Tổng Giám Mục Huế lại chuyển Hói Dừa qua quyền quản nhiệm của cha sở Loan Lý vừa mới nhậm chức là Giuse Cái Hồng Phượng. Năm 1991, cha Phượng đã giúp giáo dân xây dựng một ngôi thánh đường bằng gạch ngói ngang 7 m dài 24 m, cách nền nhà cũ gần 1 km về phía nam, cách ga xe lửa Lăng Cô một ngọn đồi.
Nhà thờ mới này đã được Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể làm phép ngày 29-4-1992, trong dịp ban bí tích Thêm sức cho các trẻ nhỏ. Khuôn viên nhà thờ lúc ấy được mở rộng thêm là nhờ cha sở tài trợ mua một mảnh vườn khá lớn kề sát đất nhà thờ.
Năm 1992, một Hội đồng Giáo xứ được bầu chọn, gồm các ông Nguyễn Trọng, Võ Phước Thành, Nguyễn Yêm và Nguyễn Đức Ngôn.
4- Lại trực thuộc Giáo xứ Lăng Cô (1999).
Sau nhiều năm được đặt dưới sự chăm sóc mục vụ của cha sở Loan Lý, kể từ năm 1999, Hói Dừa lại được giao cho cha sở Lăng Cô. Ngày 15-1-1999, cha Gioan Baotixita Phạm Ngọc Hiệp đã đến nhận xứ Lăng Cô, và bắt đầu công việc mục vụ tại Hói Dừa kể từ ngày 17-1-1999.
Về phương diện đạo đức: Giáo dân đáp ứng lời cha sở, đã đông đảo thường xuyên đến nhà thờ dâng thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện, dù đường đi khó khăn cách trở, đêm khuya tăm tối không đèn. Cha tổ chức lại các lớp giáo lý, nhất là khối giáo lý viên để các anh chị có đủ trình độ kiến thức chuyển đạt lại cho các em nhỏ. Phụng vụ nghiêm trang sốt sắng, nhờ các bài suy niệm và lời ca tiếng hát nhịp nhàng của ca đoàn.
Về mặt xây dựng: Tháng 11+12-1999, hai trận hồng thủy đã dìm Hói Dừa dưới biển nước. Đáp lại lời thỉnh cầu của cha xứ, nhiều nhà hảo tâm xa gần tận tình giúp đỡ, nhiều cơ sở được tái dựng. Đầu năm thánh 2.000, cha xây tạm một nhà xứ ba phòng. Ngày 24-6-2000 bổn mạng, cha đặt viên đá đầu tiên xây mới một nhà đa dụng: giáo lý, hội họp, sinh hoạt, tránh bão lụt v.v… Ngay sau lễ Hiển Linh năm 2001, cha cho xây một lầu chuông cao 12 m, với cái chuông nặng 200 kg đặt mua từ lò đúc nổi tiếng ở Bùi Chu. Chúa nhật Lễ Lá 8-4-2001, lần đầu tiên tiếng chuông nhà thờ được gióng lên làm nức lòng giáo dân, vang dậy cả một vùng núi rừng.
Từ xa xưa, Hói Dừa là vùng sâu vùng xa, không có điện lưới. Bắt đầu tháng Mẹ năm 2001, cha giúp xây phòng máy điện, để phục vụ âm thanh ánh sáng cho nhà thờ. Giáo dân ngày càng tăng số, trước lễ Phục sinh 2002, cha kéo dài nhà thờ thêm một phòng thánh, mở rộng thêm hai cánh tả hữu, thành hình thập giá và hai hành lang hai bên. Dịp lễ bổn mạng giáo xứ, Đức Bà Xuống Tuyết, ngày 5-8-2005, cha xây đài Đức Mẹ bên cạnh nhà thờ, trước nhà đa dụng của giáo xứ.
Về văn hóa: Hói Dừa ở vùng sâu hiểm trở, bị ngăn cách với Lăng Cô một cái đầm mênh mông, dân chỉ có ghe đò làm phương tiện đi lại, hậu quả là tại Hói Dừa, chỉ có lớp 1 đến lớp 4. Lên cấp 2 cấp 3 phải qua Lăng Cô. Nhưng nghèo khổ làm sao đi học ? Năm 2002, cha xin Dòng thánh Phaolô ở Kim Long hảo tâm tài trợ, giúp các em có điều kiện học cấp 2, cấp 3 tại Huế. Có 12 em nữ đã được ăn ở tại dòng để đi học. Trong số đó, sau này có vài em đi tu (x. mục III)
Về mặt xã hội: ngày 3-3-2004, một đoàn tàu khách SE 5 chạy hướng Bắc Nam, đến đồi đá Hói Dừa thì trật đường ray, 5 toa tàu khách bổ nhào xuống đầm, vài người chết tại chỗ; đa số bị thương tích. Giáo dân Hói Dừa biết tin, nhanh chóng tự động đến giúp đỡ: khiêng nạn nhân lên ghe, chở qua Lăng Cô để đi bệnh viện cấp cứu; hàng hóa và hành lý của các nạn nhân thì xách bộ đến ga Lăng Cô, cách đó ba km, để được niêm phong quản lý, chờ trả lại cho sở hữu chủ. Công tác bác ái thiện nguyện này đã đánh động con tim mọi người, nhất là du khách ngoại quốc, được chính quyền đánh giá cao và hứa đền ơn đáp nghĩa. Năm 2008, Nhà nước mở một con đường nhựa từ Lăng Cô đi quanh đầm Lập An, ngang qua Hói Dừa, Hói Mít. Từ đó, cư dân có đường giao thông thuận lợi.
5- Thành Giáo xứ độc lập (2007).
Tháng 4-2007, Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể đã tách Hói Dừa khỏi Lăng Cô, và bổ nhiệm cha Bênêđíctô Phạm Tuấn, đang là phó xứ Lăng Cô (2004-2007) làm cha Quản xứ tiên khởi của Hói Dừa. Ngài chính thức nhận xứ ngày 5-5-2007.
Về mặt xây dựng: Ngày 10-10-2010, cha chuẩn bị mặt bằng để khởi công xây dựng nhà thờ mới bằng đá. Ngày 11-07-2013 lễ thánh Bênêđíctô, cha khởi công xây nhà xứ mới hai tầng cũng toàn bằng đá. Xây nhà mục vụ cũng vậy. Đầu tháng 10 Mân Côi năm 2014, xây Đài Đức Mẹ trước sân nhà cha sở. Bên phía nhà thờ cũ, tận dụng tháp chuông cũ, cha làm đài thánh Giuse.
Ngày 17-07-2017 Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã chủ tế Thánh lễ tạ ơn – khánh thành Nhà thờ đá giáo xứ và thánh hiến bàn thờ. Nhà thờ rộng 16m, dài 45m, với tháp chuông cao 40 m. Bên ngoài hai cánh tả hữu nhà thờ, có tượng cha Phanxicô Trương Bửu Diệp và tượng cố Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận, để giáo dân cầu nguyện với các ngài và cho các ngài.
Về mặt xã hội: Với tài ngoại giao thần kỳ, cha Bênêđíctô có liên hệ tốt với nhiều cơ quan ban ngành đạo đời, đã thực hiện được tại Hói Dừa nhiều công trình quan trọng: đưa điện lưới quốc gia vào thôn (2010); bêtông hóa các đường chính của làng; xây cầu nối liền hai bờ con hói; khai trương Suối Mơ, biến thành điểm du lịch cho khách xa gần, và cũng là nguồn kinh tế cho giáo hữu.
Ngày 29-9-2018, lễ tổng lãnh thiên thần Micae, cha Micae Nguyễn Văn Hưng đến làm phó xứ. Nhờ đó, cha sở Phạm Tuấn có thì giờ ra vào quản lý Trụ sở vãng lai của Giáo phận ở Sài Gòn và làm trưởng ban Mục vụ Di dân của Giáo phận.
Ngày 10-5-2019, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh bổ nhiệm cha GB Nguyễn Thế Tòng, nguyên Quản xứ Phường Tây, vào làm Quản xứ Hói Dừa. Cha Tòng đã chính thức nhận nhiệm sở ngày 30-05-2019. Còn cha phó Micae Nguyễn Văn Hưng được bổ nhiệm làm quản xứ Thành Công, cha Bênêđíctô Phạm Tuấn cũng chính thức rời Hói Dừa dịp này.
III- HOA TRÁI ĐỨC TIN
1- Chủng sinh Tu sĩ
* Đại chủng sinh: Phaolô Nguyễn Trung Thật, Tổng Giáo phận Huế, phó tế năm 2019.
* Nữ tu Anna Nguyễn Thị Uyên, Dòng Thánh Phaolô, tiên khấn năm 2018.
* Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Tâm, Dòng Phan Sinh Đà Lạt, tiên khấn năm 2015.
2- Giáo dân
– Năm 2001: 390 người.
– Năm 2010: 527 người
– Năm 2015: 559 người
– Năm 2019: 559 người
Nhà thờ Hói Dừa – Bên trong.
Nhà thờ Hói Dừa cũ (1991).
————————————————————————-
[1] Lăng Cô có tên nguyên thủy là An Cư, người Pháp viết là L’An Cu, người Việt đọc trại thành Lăng Cô. Cũng có ý kiến cho rằng vùng này ban đầu có nhiều đàn cò sinh sống, do đó mang tên Làng Cò, sau đó được đọc trại thành Lăng Cô.
Lăng Cô là dải đất 10km chạy dài từ đèo Phú Gia ở phía bắc, đến tận chân đèo Hải Vân ở phía nam. Mặt quay ra biển Đông bao la, lưng dựa vào dãy núi Trường Sơn trùng điệp. Trái tim của Lăng Cô là cái đầm phá xinh xinh, hình trái xoan xanh biếc, với sơn bao hải bọc, tứ thời bát tiết phẳng lặng.
Lúc bấy giờ tại Lăng Cô có một giáo xứ vừa được thành lập (năm 1892), bắt đầu có nhà thờ và cha quản xứ.
[2] Thời cha Giuse Cái Hồng Phượng (1978-1999), lễ bổn mạng này đổi thành “Đức Mẹ Lên Trời”. Đời cha GB Phạm Ngọc Hiệp (1999-2006) lấy lại danh xưng “Đức Bà xuống tuyết” và tồn tại đến nay.
———————————————————————–
Mọi góp ý, bổ sung, điều chỉnh xin vui lòng liên hệ với Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi theo địa chỉ email: witness2005@gmail.com Xin cám ơn quý vị rất nhiều.
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.