Chân dung nữ Tân Bộ trưởng đầu tiên tại Vatican

11/01/2025

Ngày 06/01/2025, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm sơ Simona Brambilla, nữ tu người Ý thuộc Dòng Truyền giáo Consolata, làm Tổng trưởng của Bộ các Tu hội Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ, gọi tắt là Bộ Tu sĩ.

Sơ Simona Brambilla 60 tuổi, đã là một y tá chuyên nghiệp trước khi gia nhập Dòng Nữ tu Truyền giáo Consolata và đã truyền giáo ở Mozambique. Sơ đã phục vụ trong chức vị Bề trên Tổng quyền của Dòng Truyền giáo Consolata từ năm 2011 đến năm 2023.

Trước đó, vào ngày 8/7/2019, lần đầu tiên Đức Thánh Cha bổ nhiệm bảy phụ nữ làm thành viên của Bộ các Tu hội Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ. Sau đó, vào ngày 7/10/2023, sơ Simona đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng Thư ký của cùng Bộ này. Và ngày 6/1/2025, sơ trở thành người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Tổng trưởng của một Bộ của Tòa Thánh.

Vào tháng 10/2023, trong một cuộc phỏng vấn với trang tin tiếng Ý, sơ đã chia sẻ rằng “kinh nghiệm tiếp xúc với các thực tại, dân tộc, văn hóa đa dạng, các Giáo hội địa phương, các hình thức đời sống thánh hiến ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á và châu Âu đã biến đổi và củng cố trong tôi ý thức rằng cuộc gặp gỡ với người khác là nguồn tăng trưởng, trao đổi món quà và ân sủng.  Sứ vụ dạy tôi rằng nếu thực sự chúng ta được sai đi ‘gieo rắc’ Tin Mừng, thì cũng chính Chúa gieo vãi và làm cho ân ban của Người phát triển khắp nơi. Chúng ta có nhiệm vụ biết ơn, nhận ra, đón nhận và cùng nhau cử hành”.

Bổ nhiệm theo tinh thần của Thượng Hội đồng về hiệp hành

Khi được hỏi việc bổ nhiệm của Đức Thánh Cha dành cho sơ có thể được đọc trong chìa khoá của Thượng Hội đồng về hiệp hành không? Sơ nói rõ rằng hiệp hành có nghĩa là “cùng nhau bước đi” hướng về Chúa, tôn trọng và làm hài hoà những khác biệt trong Tình yêu. Điều này cũng đúng đối với sự đa dạng giữa các ơn gọi và đặc sủng, và giữa các chiều kích nam tính và nữ tính của con người. Hiệp hành là một lời mời gọi sống các mối quan hệ đích thực, thẳng thắn và tôn trọng, nhân bản và Kitô giáo đích thực, vun trồng sự trao đổi, hỗ tương và đối thoại. 

Canh tân đời sống thánh hiến

Liên quan đến cuộc khủng hoảng ơn gọi và canh tân đời sống thánh hiến, tân Tổng trưởng Bộ Tu sĩ cho rằng cần phải suy tư vấn đề này theo cái nhìn hiệp hành, nghĩa là cùng với những người nam nữ thánh hiến. Khi làm việc trong Bộ Tu sĩ, sơ mong muốn và ý thức sự cần thiết đặt mình vào trường học của những người có nhiều kiến thức và hiểu biết hơn mình. Cá nhân sơ tin rằng việc lắng nghe mọi người, những trải nghiệm và hành trình khác nhau, là bước cơ bản để Thánh Thần hướng dẫn, mở rộng tâm hồn, các giác quan nội tâm của chúng ta để đón nhận ánh sáng Người, để chúng ta có thể cùng nhau bước đi.

Đối với sơ, ngày nay chủ đề về sự nhỏ bé đáng được nghiên cứu và đặc biệt chú ý hơn nữa. Sơ ấn tượng bởi điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong cuộc gặp với các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và nhân viên mục vụ ở Kazakhstan vào ngày 15/9/2022: “Tất nhiên, khi đối diện với nhiều thách đố của đức tin – đặc biệt là những thách đố liên quan đến sự tham gia của các thế hệ trẻ -, cũng như đối diện với những vấn đề và khó khăn của cuộc sống và nhìn vào các con số, trong bối cảnh rộng lớn của một đất nước như tại đây, người ta có thể cảm thấy ‘nhỏ’ và bất tương xứng. Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp nhận cái nhìn đầy hy vọng của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ khám phá ra một điều đáng ngạc nhiên: Tin Mừng nói rằng sự bé nhỏ, khó nghèo về tinh thần, là một mối phúc, là mối phúc đầu tiên (xem Mt 5,3), bởi vì sự nhỏ bé làm chúng ta khiêm nhường trước quyền năng của Thiên Chúa và để chúng ta không đặt nền tảng hành động của Giáo hội dựa trên khả năng của chúng ta. Đây là một hồng ân! Tôi nhắc lại: có một ân sủng giấu ẩn khi là một Giáo hội nhỏ, một đoàn chiên nhỏ; thay vì phô trương sức mạnh, các con số, cơ cấu của chúng ta và mọi hình thức khác do con người, chúng ta để mình được Chúa hướng dẫn và khiêm tốn đặt mình bên cạnh mọi người. Không giàu về điều gì và nghèo về mọi thứ, chúng ta bước đi với sự đơn sơ, gần gũi với anh chị em đồng bào của mình, mang niềm vui của Tin Mừng vào những hoàn cảnh của cuộc sống. Như men trong bột và như hạt giống nhỏ nhất được gieo vào đất (x. Mt 13,31-33), chúng ta sống trong những biến cố vui buồn của xã hội mà chúng ta đang sống, để phục vụ nó từ bên trong”.

Sơ cho rằng những gì Đức Thánh Cha đã nói với đàn chiên bé nhỏ ở Kazakhstan, cũng có thể giúp ích và khích lệ đời sống thánh hiến nói chung, đang lo lắng về sự suy giảm về số lượng và năng lượng, ít là ở một số nơi trên thế giới.

Giá trị của trải nghiệm truyền giáo ở Mozambique

Về thời gian truyền giáo ở Mozambique, cụ thể là ở Mucua sơ chia sẻ trải nghiệm này đã biến đổi sơ một cách sâu sắc. Sơ luôn mang theo với lòng biết ơn tất cả những năm tháng đó. Những mối quan hệ đầy ý nghĩa đã chạm đến và hoán cải tâm hồn sơ, sự phong phú khôn ngoan của vùng đất truyền giáo đã mở ra cho sơ những chân trời nhân bản và thiêng liêng mới, sự hỗ tương của việc công cuộc loan báo Tin Mừng, và nhiều hồng ân khác mà Chúa đã ban cho sơ qua cuộc gặp gỡ với một dân tộc có tâm hồn sôi nổi, ấm áp, mãnh liệt, nhạy cảm.

Sơ nói: “Một câu tục ngữ Macua luôn là nguồn cảm hứng cho tôi: ‘Thiên Chúa không giống như Mặt Trời, chỉ đi qua thế giới để chiếu sáng mọi vật, nhưng giống như Mặt Trăng, đi cùng với những vì sao, luôn đồng hành và soi sáng trong bóng tối’. Đó là một tục ngữ rất …hiệp hành! Mặt Trăng, đối với Macua là tinh tú khiêm tốn chiếu sáng đêm tối và làm cho đêm trở nên quyến rũ và đầy bí ẩn. Tinh tú khiêm tốn bởi vì, theo cách diễn đạt của sự khôn ngoan bình dân, trong khi Mặt Trời chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời, làm lu mờ ánh sáng các ngôi sao khác vào ban ngày thì Mặt Trăng lại thích sống cùng với ánh sáng của các ngôi sao và hành tinh trong bầu trời về đêm. Mặt Trời, đối với người Macua, du hành một mình, là vị vua và chúa tể duy nhất trong ngày. Mặt Trăng, trái lại du hành cùng bạn bè, hiện hữu trong chân trời của sự hiệp thông và chia sẻ mà trong đêm, do đó, trong thời gian thân mật, một biểu hiện đặc quyền. Mặt Trời sáng đến mức chúng ta không thể nhìn vào. Chúng ta có thể ngắm Mặt Trăng, tận hưởng khung cảnh của bầu trời đầy sao và được truyền cảm hứng bởi ánh sáng bầu trời”.

Theo sơ, bí ẩn của Mặt Trăng đã mê hoặc nhiều nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà ngôn sứ và các thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại điều này nhiều lần. Ngài đưa chúng ta trở lại chủ đề về hiệp hành, đối thoại, về bản giao hưởng của những ánh sáng khác nhau cùng nhau cư trú, chiếu sáng và tô điểm cho cùng một bầu trời.

Có một câu tục ngữ Macua khác về mặt trăng cũng luôn đồng hành với sơ: “Có người ngắm Trăng ở trên trời, có người có Trăng trong lòng”. Về điều này, sơ mong ánh sáng kín đáo của Mặt Trăng chiếu vào tâm hồn mỗi người và làm cho tâm hồn trở thành nơi Mặt Trăng cư ngụ, ngày càng mở ra cho nó sự tinh tế dịu dàng và bền bỉ của những người không tỏa sáng bằng ánh sáng của mình nhưng biết ơn và hạnh phúc khi cùng với những người khác trở thành một phản ánh khiêm tốn của Ánh sáng Thiên Chúa, Đấng yêu thương sưởi ấm, che chở và biến đổi các tạo vật bằng tình yêu dịu dàng và mạnh mẽ của Người.

Phụ nữ có vị trí quan trọng ở Vatican, Giáo hội mang tính hiệp hành hơn

Vào tháng 01/2024, trong cuộc phỏng vấn của báo Avvenire của Hội đồng Giám mục Ý, sơ Simona Brambilla cho rằng việc phụ nữ hiện diện trong các vị trí quan trọng ở Vatican cho thấy Giáo hội ngày càng mang tính hiệp hành, và cởi mở hơn.

Dịp đó, sơ nhắc lại bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ trọng đầu năm, Đức Maria Mẹ Thiên Chúa: “Giáo hội cần Đức Maria để tái khám phá khuôn mặt nữ tính của mình: trở nên giống Mẹ hơn, Đấng, với tư cách là một người nữ, Trinh nữ và là người Mẹ, đại diện cho mẫu mực và hình dáng hoàn hảo; dành không gian cho phụ nữ để trổ sinh hoa trái ngang qua việc chăm sóc mục vụ được thực hiện bằng sự quan tâm và chăm sóc, sự kiên nhẫn và lòng can đảm của người mẹ”.

Khi được hỏi liệu việc bổ nhiệm phụ nữ có làm “mất tính nam” của Giáo hội Công giáo hay không, tân Tổng trưởng nhấn mạnh rằng “đó là một sự phản ánh rằng mọi người phải tiếp tục và mở rộng, nhưng điều đó cũng phải được chuyển thành một thực hành hiệu quả chắc chắn có sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ ở các cấp độ khác nhau của đời sống Giáo hội”.

Điều này cũng đòi hỏi “một nghiên cứu cẩn thận về chiều kích nữ tính của Giáo hội và sứ vụ theo nghĩa rộng: các mô hình và năng động của suy nghĩ, tình cảm, sự nhạy cảm, linh đạo, hành động, sứ vụ thể hiện hai chiều kích quan trọng, nữ tính và nam tính và tính đến sự tương tác cần thiết, mang lại ích lợi và phúc lành cho cả hai phái.

Nguồn: hdgmvietnam.com