Lao trong gió

17/05/2020

“Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi”.

Kính thưa Anh Chị em,

Những lời đầy yêu thương của Chúa Giêsu nói với các môn đệ Chúa Nhật hôm nay nằm trong bối cảnh bữa ăn cuối cùng lúc Thầy trò sắp chia tay; Thầy đi vào thương khó, trò thì tan tác mỗi người một ngả. Đó là một lời trấn an đầy yêu thương cũng là một lời hứa trịnh trọng, “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi”.

Đấng Phù Trợ đó chính là Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ở với các môn đệ, ở với Hội Thánh cũng như ở với chúng ta hôm nay. Đấng đó sẽ ở luôn mãi, ở kề bên, ở trong… nghĩa là ngày đêm, sáng chiều bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, chúng ta đều có sự hiện diện của Ngài. Thánh Phaolô nói, “Nào anh em chẳng biết, anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”. Thánh Thần đó, Đấng bảo trợ đó, đang ở với Hội Thánh trong những ngày đầu tiên khi Hội Thánh còn trong phôi thai, rõ ràng nhất là biến cố Ngũ Tuần. Để từ đó, mạnh mẽ thay cho yếu nhược; can đảm thay cho sợ hãi; mở toang thay cửa đóng then cài. Chúa Thánh Thần đã ở trong Têphanô, vị tử đạo tiên khởi; ở trong Phêrô, một thủ lãnh xuất thân từ chài lưới; ở trong các môn đệ đang tan tác; ở trong Phaolô, một biệt phái hung hãn nên tông đồ hăng nhiệt. Và hơn hai ngàn năm qua, Ngài có đó để làm bao việc diệu kỳ.

Thật đáng để chúng ta cảm tạ và ngợi khen liên lỉ tình yêu của Thiên Chúa vì trong cuộc đời mỗi người, khi vui khi buồn, khi hạnh phúc khi bình an hay cả những lúc gian nan thất bại, Chúa Thánh Thần luôn có đó để đỡ nâng mỗi người mỗi cách theo từng hoàn cảnh. “Chúa ở cùng Anh Chị em”, nghĩa là Thiên Chúa Ba Ngôi đang ở cùng chúng ta, Chúa Thánh Thần đang ở với chúng ta; Ngài đang bảo ban, dạy dỗ, khích lệ chúng ta nhất là lúc khó khăn.

Trong những tháng qua, dịch bệnh lan tràn khắp nơi trên thế giới, nhiều người phải ở nhà với sự bức bối không thể chịu nổi. Với những người không quen, họ cảm thấy như bạo lực với chính mình. Dân Mỹ biểu tình chỗ này, xuống đường chỗ kia… đòi mở cửa; dân Tây cũng vậy, xưa nay không có gì thật sự làm cho họ bằng lòng. Tướng De Gaulle nhận xét rất đúng, “Pháp có hơn 300 thứ fromages nên cai trị dân Pháp cực kỳ khó khăn!”. Những ngày đại dịch, ở nhà tránh lây lan, Tây không chịu; đi ra ngoài, nhiễm bệnh thì la làng. Kết quả thăm dò của YouGov trên 1006 người gồm nhiều thành phần xã hội tuổi từ 18 trở lên thì từ 20 tháng 3 đến nay, sau 55 ngày, cho thấy một tình trạng tâm lý xã hội chưa từng có của dân Pháp. Mọi sự như ảo tưởng, đúng vậy, vì có ai tưởng tượng trong hai tháng đóng cửa vừa qua, đại đa số dân Pháp chỉ ở trong nhà không quá 15 ngày. Có nhiều trường hợp còn ít hơn! Với nhiều người, đó là một thế giới kỳ lạ mà người ta sống như đang bị phạt vì kỷ luật. Tuy nhiên, vẫn có một số người rất đạo đức, đa số là những người trên 60, họ coi dịch bệnh là thời gian nghỉ ngơi, gần gũi với người thân. Với những người công giáo, đây là thời gian thanh luyện mà Chúa Thánh Thần đang mời gọi mọi người tĩnh tâm, xét lại cung cách sống, xét lại các mối tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Họ ý thức Chúa đang ở với tôi, đang dạy dỗ tôi, đang nâng đỡ tôi và Ngài đang cho tôi những trải nghiệm quý báu.

Chúa Thánh Thần đang nâng đỡ chúng ta trong những lúc nguy nan nhất, đó là những lúc bão tố nổi lên trong cuộc đời.

Bo Sanchez, một nhà giảng thuyết lừng danh chia sẻ, “Tôi thích đại bàng, những sinh vật này nhanh nhẹn và đạt đến độ cao đáng kinh ngạc. Những con chim khác chỉ thu mình lại với ý nghĩ thoả mãn khi bay cao 300m, nhưng đại bàng thì phải 6,000m. Và khi những con chim khác tìm nơi trú ẩn trong những cơn bão dữ dội, thì đại bàng bay vút và lao trong gió; chúng thực sự như một đầu đạn. Vậy đâu là bí mật? Nó không bay. Con đại bàng tung mình, nó không sử dụng năng lực của đôi cánh để di chuyển; nhưng khôn ngoan nắm lấy sức mạnh của cơn gió ào ạt, bắt lấy lực lặng lẽ của nó phía sau và bên dưới và đó là lý do tại sao nó yêu bão. Gió càng mạnh, sức bay của đại bàng càng lớn. Đại bàng khiến tôi suy nghĩ về cách tôi cố gắng tự mình làm mọi việc, thúc đẩy bản thân đạt đến độ cao bằng sức riêng đôi cánh của mình; không có gì ngạc nhiên khi tôi dễ dàng kiệt sức. Nhưng nếu tôi để cho gió Thánh Thần của Chúa đỡ nâng linh hồn, giúp tôi vượt qua những thất bại và điểm yếu của mình… tôi có thể mạnh dạn đối mặt với những tình huống khó khăn nhất, vượt qua những cơn bão dữ dội nhất. Vâng, vấn đề càng lớn, tôi càng mạnh mẽ. Như vậy, càng vỗ cánh, tôi càng sớm kiệt sức; nhưng càng để Thánh Thần đỡ nâng, tôi càng bay cao và được nghỉ ngơi, ngay cả trong bão tố”.

Anh Chị em,

Hãy để Chúa Thánh Thần nâng đỡ chúng ta. Kinh Cúi Xin Chúa Sáng Soi nhắc nhở chúng ta, chính Chúa Thánh Thần đang ở trong chúng ta để trong mọi việc, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Hãy cầu xin cho được mỗi ngày biết tựa nương vào Chúa Thánh Thần hơn và đừng quên, trong bảy ơn của Ngài có ơn khôn ngoan và ơn can đảm.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng đang ở trong con, xin cho con cũng biết buông mình trong Chúa để cũng có thể lao trong gió”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)