Bài giảng Thánh lễ An táng Cố Linh mục Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang

24/08/2023

Nếu ai đã từng nghe hoặc hát những bài ca sinh hoạt vang vang một thời của Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí trong những thập niên 60 và về sau, hẳn đã biết đến một bài hát có tựa đề “Người Anh Hào của Thiên Chúa”.

Được sáng tác vào thời điểm trước sau năm 1960, với tiết nhịp hào hùng phấn khởi, bài hát diễn tả người anh hùng hào kiệt – nói vắn tắt là người anh hào – nhìn chân trời còn mịt mù xa thẳm, vượt khó xông pha bước trên những nẻo đường gian khổ, cho đến lúc được ánh sao chiếu toả rạng ngời và hào hùng ở cuối con đường lữ hành.

Bài ca có câu : 

Đời người vui khi luôn hy sinh quên mình. 

Phụng sự cho Thiên Chúa uy quyền tối cao.

Đây là câu kết tinh ý nghĩa của bài hát. Hy sinh phụng sự là đặc tính của người anh hào.

Kính thưa cộng đoàn,

Tác giả của bài hát đó không ai khác, chính là Cha Cố Emmanuel của chúng ta (bút danh Lm Nguyễn Hài Đồng). Ngài đã sáng tác bài đó khi từ Ý trở về Việt Nam phục vụ cho đời sống đức tin của dân Chúa tại Giáo phận Huế.

Người ta nói: “văn là người”, đọc tác phẩm là biết con người tác giả. Nếu thành ngữ này là đúng, thì người anh hào trong bài ca ấy diễn tả chính con người Linh mục Emmanuel là tác giả.

Dựa vào cuộc đời và sứ vụ của cha cố Emmanuel mà xét, chúng ta có thể nói Hy sinh Phụng sự, đó chính là châm ngôn sống của cả cuộc đời Linh mục của ngài. 

64 năm làm Linh mục là 64 năm của một người anh hào miệt mài hy sinh phụng sự vì Chúa và vì các linh hồn, đặc biệt trong thời gian chiến tranh và hậu chiến tranh đầy máu lửa và nước mắt từ năm 1964 trở đi. Linh mục trẻ Emmanuel tình nguyện đi ra vùng Hải Lăng trong thời điểm hoang tàn nhất của Quảng Trị, đó là vào năm 1972, lúc mà thành phố bên dòng sông Thạch Hãn dường như không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.

Trong 37 năm coi sóc giáo dân Giáo sở Diên Sanh, ngài không ngại vất vả lên bờ xuống ruộng đặc biệt khi đi mục vụ trên những đường đê mương nhấp nhô bởi dấu chân trâu về vùng đồng nước cô quạnh Cây Da và Càng Mỹ Chánh.

Bị ngăn trở đến Trung tâm La Vang nơi ngài làm quản nhiệm 23 năm, Cha Emmanuel vẫn nhiều lần lén lút đi trong đêm từ Diên Sanh lên Mẹ La Vang với ý muốn duy trì những cuộc hành hương truyền thống. Có lẽ từ đó, Chúa đã cho hồi sinh dần dần những cuộc hành hương sốt sắng về bên Mẹ như chúng ta có hôm nay.

Miệt mài truyền giảng kiến thức Anh ngữ cho người giáo cũng như lương dân tại vùng Diên Sanh. Người ta mong tới tuổi nghỉ hưu để nghỉ dạy, nghỉ làm, nhưng ngài đã trên 80 tuổi vẫn tiếp tục giảng dạy cho dù đôi chân đau khớp gối phải lê lết bước đi, vẫn tình nguyện phụ trách lãnh vực truyền thông trang mạng của Tổng Giáo phận trong 9 năm trời.

Chúa đã quãng đại cho Linh mục Emmanuel có tâm và cũng nhiều tài. Ngài có khiếu văn chương: viết báo, chủ biên và sưu tập SỐNG TIN MỪNG vào những năm 90, biên soạn kịch nghệ, thi ca, những bài vè sống đạo dễ nhớ. Nhưng ngài cũng rất sành về thiết bị công nghệ kỹ thuật. Tất cả tài năng đó, ngài sử dụng để phụng sự Thiên Chúa trong mục vụ.

Cha Emmanuel có một số sáng kiến đặc biệt mới trong công việc mục vụ được sinh ra có lẽ từ tâm huyết của ngài. Ngày nay, nhiều người đã biết cách thị trấn Diên Sanh 12 cây số về phía đông có một bãi biển rất sầm uất vào dịp Hè, đó là bãi biển Mỹ Thuỷ. Nhưng vào thập niên 80, khi chưa có ai tổ chức đến đó vui chơi tắm biển, thì Cha sở Diên Sanh đã nhiều lần đưa các em giáo lý đến thưởng ngoạn như là phần thưởng sau một năm học Giáo lý. Và từ đó, dần dần, Mỹ Thuỷ trở nên bãi tắm có tiếng như bây giờ thuộc tỉnh Quảng Trị.

Để nuôi dưỡng ý chí hy sinh phụng sự Chúa tối đa và bền vững, cha Emmanuel đã ghi đề nhiều câu ý lực sống trong khắp mọi ngóc ngách của Nhà xứ, từ phòng ngủ, đến chỗ ăn, trên cửa thông phòng, hay cửa chính ra vào. Trong căn nhà, đâu đâu cũng có những câu ý lực sống, có nhiều đến mức khách đến có cảm giác là cứ mở mắt ra là đã thấy chữ và mang ấn tượng về dòng ý lực sống đó.

Đã có một số đòi hỏi mục vụ của Linh mục Emmanuel được xem hơi đặc biệt so với trạng huống cuộc sống tín hữu, cùng với lối tương tác thẳng thắn, đã làm cho người ta có phần ái ngại và hiểu khác về ngài. Âu cũng vì sự nhiệt thành cho con chiên sống Đạo và phụng sự trọn vẹn cho Chúa như ngài đã sống và khát khao nơi con chiên của mình.

Trong những lúc đau đớn trong thể xác cuối đời, cha cố Emmanuel không kêu rên. Ngài không bao giờ kêu xin để hưởng một ân huệ.

Kính thưa cộng đoàn,

Đức hy sinh phụng sự mà cha Cố Emmanuel đã sống phản ánh một phần nào mẫu gương hy sinh phụng sự tuyệt vời nơi những con người trong dòng Lịch sử cứu độ:

Trước hết, như trong bài đọc thứ nhất (St 22,1-3.9-12), Abraham hy sinh đứa con Isaac duy nhất và yêu quý. Ông chẳng tiếc khúc ruột sống của mình để hiến dâng cho Thiên Chúa. Khi sẵn lòng dâng con lên cho Thiên Chúa, Abraham hy sinh cả những ước mơ, cả những dự định, cả những hoài bảo riêng cho dòng dõi gia tộc của ông. 

Thứ đến, Đức Maria – người nữ tuyệt vời nhất của Lịch sử cứu độ, người mà cha Emmanuel đã hết lòng yêu mến – khi nghe lời bảo của Thiên sứ truyền tin, đã sẵn sàng thưa xin vâng: Lời Xin Vâng ấy bao hàm sự hy sinh đặt danh tiếng của một trinh nữ trong tay Chúa.

Cuối cùng và trọn hảo nhất, đó là mẫu gương hy sinh của Đức Giêsu Kitô. Thánh thi trong thư gửi các tín hữu ở Philiphê (Pl 2,6-11) ca ngợi vinh quang của Đức Kitô. Vinh quang ấy cốt tại Đức Kito vâng phục hy sinh trút bỏ hoàn toàn vinh quang của mình, hy sinh đặc quyền của vai vế Thiên Chúa để hạ mình làm người, dấn thân phụng sự cho Thiên Chúa Cha và đã chết trên thập giá trong yêu thương.

Kính thưa cộng đoàn,

Cha Emmanuel của chúng ta suốt đời vì hai chữ HY SINH PHỤNG SỰ. Chắc hẳn ngài đang được hưởng phúc Thiên Đàng của Thiên Chúa, Đấng mà ngài đã tận tuỵ hy sinh phụng sự suốt cuộc đời Linh mục.

Kính thưa Cha Emmanuel yêu dấu, Cha thật là một “anh hào” của “Thiên Chúa uy quyền tối cao”.

Lm. Giacôbê Nguyễn Xuân Lành

Giám đốc Tiền Chủng viện Huế