Dòng dõi – Thảo hiếu – Tổ tiên

31/12/2018

Adam bên cạnh Eva

Cùng nhau xây dựng chữ Nhà đầu tiên

Ðường huyết thống vô biên rộng mở

Biển kính yêu  muôn thuở không vơi

Cõi Trần tô điểm Nước Trời …

  1. MỞ ÐẦU

Từ ngàn xưa, người Việt Nam trân quý gia đình trên hết mọi sự đời. Dù sống ở phương trời Ðông hay Tây, trong nền văn minh cũ hoặc mới, thâm tâm người Việt nào có đầy đủ lương tri cũng muốn gia đình mình thể hiện nhiều nét đẹp trước mắt con người, cả đồng bào lẫn đồng loại. Ba yếu tố nòng cốt cho vẻ đẹp gia đình là Dòng Dõi, đức Hiếu Thảo, và lòng  Tôn Kính Tổ Tiên.

Truyền thống này làm gia tăng chữ Thiện, giảm bớt chữ Ác, trong đời sống người Việt. Do đó, những nét đẹp phô bày từ dòng dõi, đức hiếu thảo, và lòng tôn kính tổ tiên thuộc về từng gia đình Việt Nam đã và đang đóng góp không ngừng vào kho tàng quý báu của nền Văn Hoá Việt Nam, truyền lại cho các thế hệ thứ hai, thứ ba, v…v… của người Việt hải ngoại cũng như quốc nội, hầu duy trì được mãi mãi cái Chân Thiện Mỹ, làm sáng danh Ðấng đã tạo nên trời đất, vạn vật, và đặc biệt là loài người.

Trước khi đi vào chi tiết về ba nguồn của cải trong nền Văn Hoá Gia Ðình Việt Nam, ta hãy để sang một bên ba điều :

* Thứ nhất, chủ nghĩa “tam vô” xuất hiện ở nước ta từ giữa thế kỷ thứ Mười Chín và đang trên con đường mai một ;

* Thứ hai, với hiện tượng “mất gốc”, một số không nhỏ người Việt, nhất là giới trẻ, di dân hoặc tỵ nạn tới các nước Âu Mỹ từ cuối thế kỷ Hai Mươi, cũng đang chuyển mình theo tiếng gọi chính con tim họ ;

* Thứ ba, những tìm hiểu khoa học không ngừng về nguồn gốc con người ngày càng phức tạp và đôi khi mâu thuẫn.

Chúng ta chỉ nói đến ở đây cái tư tưởng thật nhân bản và thiêng liêng. Ðó là sự sáng tạo ra ông Adam và bà Eva. Nhân bản, vì tư tưởng ấy hợp với toàn thể các giống người; thiêng liêng, vì triết lý ấy mang dấu ấn của Ðấng Cao Xanh; tất cả đã tạo nên lịch sử về nguồn gốc gia đình của nhân loại, được duy trì biết bao đời nay và vẫn còn nối tiếp, theo Luật Thiên Nhiên của Tạo Hoá.

Ông Adam và bà Eva là ai ? Luật Thiên Nhiên về gia đình của Thượng Ðế là gì ?

Khi Con Người tự thấy mình có cái gì đẹp, họ thường cụ thể hoá cái đẹp đó thành tác phẩm, để cùng cuộc đời trân quý thưởng thức tác phẩm đó. Bài thơ, bức hoạ, bản nhạc, áng văn,… tuyệt vời, sẽ tồn tại mãi trên đời.

Thượng Ðế là tập trung những gì hoàn hảo nhất của Chân Thiện Mỹ. Cho nên, Ngài đã cụ thể hoá chính Ngài bằng cách tạo nên Adam, sau khi đã tạo ra Trần Gian với biết bao sinh vật, thảo mộc, có khả năng sinh sản vô tận bằng sự phối hợp giống cái giống đực. Trong Sáng Thế Ký 1.11 và 1.22, Ngài phán : “Ðất phải sinh cây cỏ; cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất”, “Hãy sinh sản thêm“. Ngài dựng nên Adam là hình ảnh Ngài với kiến trúc tinh vi thần kỳ của từng tế bào xương thịt, máu, thần kinh hệ, não bộ, … đứng giữa vạn vật với dáng vẻ hiên ngang cùng tiếng nói oai hùng (phương tiện truyền thông độc nhất vô nhị của Con Người). Ngài phán :”Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất “. Adam cũng cần phải duy trì dòng giống của ông, tức là Con Người, với một thực thể thứ hai vừa giống ông vừa khác ông, từ vật chất đến tinh thần. Eva ra đời mang dáng vẻ yêu kiều cùng giọng nói dịu ngọt, với lời truyền của Thượng Ðế trong Sáng Thế Ký 2.18 “Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó ” và trong Sáng Thế Ký  2.24 “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt “.

Ra khỏi vườn Ðịa Ðàng Eden, Adam cùng Eva xây dựng mái nhà, hình thức gia đình đầu tiên của Con Người, với hai dòng con, Ca-in (tám đời con cháu) và Sết (chín đời con cháu) (Sáng Thế Ký 5). Từ đó, loài người xuất hiện và gia tăng nhanh chóng trên Trần Gian. Nhưng Con Người ngày càng hỗn loạn, hung ác, nên bị nạn Ðại Hồng Thủy tiêu diệt (Sáng Thế Ký 6), chỉ riêng Nô-e và một số người vật ngay lành được buông tha (Sáng Thế Ký 7). Họ thờ phượng Ðức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 8) theo qui luật gia đình của Ðức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 9). Thế rồi, do sự phát triển ba ngành con trai của Nô-e (các ông Sem, Cham, và Gia-Phết), Con Người lan tràn trên mặt đất (Sáng Thế Ký 10). Từ thành Ba-bên, tiếng nói Con Người được Ðức Chúa Trời phân hoá thành nhiều ngôn ngữ khác nhau cho các giống người khác nhau (Sáng Thế Ký 11). Dòng dõi lớn nhất do Ap-ram (đến từ ông Sem) tiếp tục thờ phượng Ðức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 12). Sáng Thế Ký 13 đưa ra ý niệm về bốn phương tại một điểm đặc biệt nào đó trên mặt đất. Theo quyển sách thứ nhất của ông Môi-Se là Sáng Thế Ký (các đoạn 14 đến 50), thuộc Kinh Thánh Cựu Ước Công Giáo, từ đời Ap-ra-ham đến Giô-sép, Con Người sinh sôi nảy nở trên Trái Ðất và cố gắng tạo dựng Văn Hoá, Truyền Thống, Luật Lệ, để loài người được gìn giữ tốt đẹp.

Như thế, theo toàn bộ Sáng Thế Ký của THÁNH KINH (La Genèse), từ 1 đến 50, gia đình loài người được Thượng Ðế thiết lập theo Luật Thiên Nhiên của Ngài : Kết hợp bởi hôn nhân giữa nam và nữ có khả năng sinh sản lập nên tiểu gia đình sau khi rời cha mẹ thuộc gia đình gốc. Ðại và tiểu gia đình đều có lề luật để được hoà thuận, trật tự, hạnh phúc, giữa cha mẹ, anh chị em, vợ chồng con cái, họ hàng nội ngoại xa gần. Tất cả đều được luật pháp mỗi  nước bảo vệ.

Sự kiện dân Việt Nam xưa nay tha thiết với gia đình, họ hàng, tổ tiên, chứng tỏ rằng chúng ta không đi ra ngoài Luật Thiên Nhiên của Thượng Ðế ban cho từ thuở khai thiên lập địa.

Tóm lại, gia đình đích thực, theo ý Ðức Chúa Trời trong Thánh Kinh, được bền vững hơn, một khi dòng dõi được duy trì nghiêm túc, đức hiếu thảo luôn luôn hợp lý quân bình, và tổ tiên lúc nào cũng được tôn kính một cách thành khẩn.

II. DÒNG DÕI

 Nói về Dòng Dõi, xin được trình bày rộng rãi rõ ràng ba điểm : Dân Tộc , Họ Hàng, Gia Ðình.

  1. Dân Tộc : Dân tộc Việt Nam có Lịch Sử và Truyền Thống riêng biệt.

A. Lịch Sử.

Theo Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư của Lê Văn Hưu, Phan Phu Thư, Ngô Sĩ Liên … biên soạn, và một số tài liệu khác bằng Việt ngữ và Pháp ngữ, Việt Nam trải qua nhiều thời, tóm lược như sau :

Thời đại Thái cổ (TRƯỚC Thế Kỷ 29 – TRƯỚC Tây Lịch); Hồng Bàng (2879 TTL – 258 TTL);  An Dương Vương (257 TTL- 208 TTL); Nhà Triệu (207 TTL – 111TTL); Thời kỳ bị Tàu đô hộ (110 TTL – 39 TÂY  Lịch) (Lần thứ nhất);  Thời Nữ vương họ Trưng (40 – 43 TL);  Thời kỳ bị Tàu đô hộ (43 – 544 TL) (Lần thứ hai) – Bà Triệu;  Nhà Lý (544 – 602 TL) (Tiền Lý);  Thời kỳ bị Tàu đô hộ (603-938 TL) (Lần thứ ba);  Nhà Ngô (939 – 968 TL);  Nhà Ðinh (968 – 980 TL);  Nhà Lê (980 – 1009 TL) (Tiền Lê);  Nhà Lý (1010 – 1225 TL) (Hậu Lý); Nhà Trần (1225 – 1377 TL) – Trần / Hồ (1378 – 1406 TL);  Hậu Trần Kháng Chiến Chống Tàu (1407 – 1413 TL) (Hậu Trần);  Thời kỳ bị Tàu (nhà Minh) đô hộ (1414 -1427 TL) Khởi nghĩa Lam Sơn;  Nhà Lê (Hậu Lê) (1428 – 1527 TL);  Thời Lê – Mạc tranh quyền (1527 – 1592), Thời Lê trung hưng (1592 – 1788) trong giai đoạn này có thời kỳ phân ly Trịnh-Nguyễn (1600-1777);  Nhà Tây Sơn (1788 – 1802 TL);  Nhà  Nguyễn (1802 – 1884); Pháp Xâm Chiếm Việt Nam ( 1885 – 1945 ) / Nguyễn Ánh do Pháp đưa lên, Nhật tranh quyền đô hộ với Pháp ở Việt Nam / Kháng Chiến / Nam (Việt Nam Cộng Hoà) và Bắc (Cộng Sản) chia đôi / Cộng Sản (1945 tới ngày nay).

Với dòng Lịch Sử lâu dài bền bỉ, Việt Nam là một quốc gia như mọi quốc gia khác trên thế giới với tất cả thăng trầm hiển nhiên và đáng khâm phục.

B- Truyền Thống.

 Việt Nam ngay trong thời gian đầu lập quốc đã có những truyền thống rất đặc biệt và giá trị.

a) Tên tuổi.

Tuổi tính theo ngày ta kể từ khi trong bụng mẹ. Tên gọi khi còn sống theo thứ tự lúc sinh ra (cả, hai, ba, tư,…), hoặc theo chức vụ (ông phủ, ông huyện,…). Tên viết theo thứ tự Họ + Lót + Tên (Nguyễn văn Bá). Khi nói chuyện, người ta gọi ông ta là “ông Bá”, hoặc “Nguyễn văn Bá”, chứ không gọi là ông Nguyễn. Khi chết, người ta có tên cúng cơm (Thùy Vân, Quế Lan, …) để cúng. Người đàn bà khi lấy chồng vẫn dùng tên cũ (Ngô thị Bằng, …), chứ không lấy họ chồng để thành, thí dụ, Ðỗ thị Bằng.

b) Cưới xin.

Dân ta chú trọng đến hôn nhân nhằm mục đích nối dõi. Tuổi lập gia đình : Con gái 13, con trai 16. Nghi thức cưới hỏi ngày xưa có sáu thời kỳ : Ðến đính ước, vấn danh (hỏi tên tuổi cô gái), nhận đính ước, ăn hỏi, xin cưới, đám cưới.

c) Y phục và trang sức.

Xưa kia, hàng ngày, dân Việt mặc quần áo ngắn mầu nâu hoặc đen. Khi đi lễ hội, họ mặc quần áo dài, chít khăn, đội nón, đi guốc. Về trang sức, đàn ông không có hoặc rất ít. Ðàn bà cài trâm, giắt lược, đeo hoa tai, kiềng, nhẫn. Cả hai nam nữ búi tó, nhuộm răng đen. Ðặc biệt các cô mang cái yếm thắm che ngực, thắt lưng màu xanh hoa lý, áo dài tứ thân hoặc năm thân, còn gọi là áo năm tà, đầu vấn khăn để lộ đuôi tóc dài như đuôi gà, khăn chít khum khum, nón xứ Nghệ, có nơi còn gọi là nón ba tầm hay nón thượng quai thao,…

d) Ăn uống.

Món chính : cơm, cá, rau, mắm, thịt lợn, bò, gà, vịt. Món phụ : Ngô, khoai, sắn, đậu, hoa quả. Người xưa cũng ăn thêm : Thịt trâu, dê, cừu, chó, rắn, chuột, ếch, một số dã thú (chim, cà cuống, nhộng, dế, trứng kiến, mật ong). Họ dùng đồ nấu như muối, hàn the, vôi, phèn chua. Họ uống nước lạnh và trà. Có ba bữa ăn chính : sáng, trưa, chiều. Ngày lễ có bánh chưng (bánh tét), bánh dầy (bánh ít), bánh cốm, rượu trắng, rượu nếp, chè bà-cốt, chè đậu xanh, chè lam, chè đậu đen, v…v…

Nói chung, việc ẩm thực của dân ta có nhiều món và cách nấu khác với những nước chung quanh, kể cả Trung Hoa.

e) Sinh hoạt.

 Dân Việt làm việc nhiều, và chỉ nghỉ ngơi vui đùa khi việc đồng áng được toàn thể cộng đồng ngưng lại để vui chơi Hội Tết. Họ cũng có những thú như : Cầm, kỳ, tửu.

f) Thần thoại.

 Dân ta ưa thích truyện Thần Thoại, dùng mô tả nguồn gốc thiên nhiên, con người, thú vật, vì họ có nhu cầu giải thích mọi sự trên đời do nghề nghiệp và thời đại mang đến. Ðôi khi, họ chuyển loại truyện này từ các truyện tích Phật, Tiên, hoặc truyện xưa cũ. Do đó, ta mới nghe nói tới Thần Mưa, Thần Lúa, Bà Mụ, Tổ Thần, huyền thoại Chử Ðồng Tử, tích Trầu Cau, …

Xét như trên, ta thấy Dòng Dõi Việt Nam là một thực thể hiển nhiên, không chối cãi được, và cần phải được nghiên cứu sâu xa cũng như duy trì cùng phát triển một cách hãnh diện và trân quý bởi tất cả các thế hệ già trẻ Việt Nam sinh sống khắp nơi trên thế giới, ngõ hầu đóng góp ngần nào có thể vào Vẻ Ðẹp Trần Gian. Dòng Dõi Việt Nam trên giải đất chữ S không thể bị làm cho suy suyển một tý nào về tinh thần cũng như vật chất, nếu chúng ta biết bảo vệ những thứ đó bằng bất cứ giá nào theo Thiên Ý.

Sự minh xác Dòng Dõi Việt Nam nói trên là một đảm bảo hùng hồn cho giá trị từng Dòng Họ, từng Gia Ðình của dân Việt chúng ta, tại quốc nội cũng như hải ngoại, theo bất cứ hệ thống tư tưởng và tín ngưỡng nào.

  1. Dòng Họ: Có khoảng 140  dòng họ Việt Nam, với chừng 30 dòng họ gốc Việt hoàn toàn. Thường gặp nhất là những dòng họ : NGUYỄN, PHẠM, PHAN, TRẦN, LÊ, VŨ / VÕ, TRƯƠNG, HUỲNH / HOÀNG, bên cạnh 16 dòng họ từng cai trị trong lịch sử Việt Nam : THỤC, TRƯNG, TRIỆU, MAI, KHÚC, LÝ, PHÙNG, KIỀU, NGÔ, ÐINH, LÊ, TRẦN, HỒ, MẠC, TRỊNH, và NGUYỄN.

Dòng  họ Việt Nam đều mang một ý nghĩa. Thí dụ : ÐINH mang nghĩa “công dân, con người”, QUÁCH mang nghĩa “vật chắc chắn, lớp thành ngoài”, LÊ mang nghĩa “dân chúng nói chung”. Ta cũng không quên những dòng họ kép (VŨ-ÐỖ, ÐẶNG-TRẦN, TRẦN-LÊ,…). Có những  dòng họ + tên đệm (ÐẶNG-XUÂN, MAI-ÐỨC, NGÔ-TRỌNG, NGUYỄN-KHIÊM, …

Trong gia tộc Việt Nam, có nhiều từ ngữ chỉ mối liên hệ : cô, chú, dì, cậu, mợ, thím, bác, dượng, …

Dòng họ ở  Việt Nam thường gắn chặt cơ cấu làng xã nông nghiệp. Nhiều khi một làng chỉ có hai hay ba dòng họ, nhiều khi chỉ có một dòng họ bá chủ cả một làng.

Một dòng họ nổi tiếng không vì số đông hay vì giàu có, nhưng còn vi truyền thống nổi bật về khoa bảng, trí thức, quan quyền. Trong cuốn ’Gia Ðình và Dân Tộc’ (1999), ông Nguyễn Thế Long cho chúng ta hai thí dụ: Trong lịch sử dân tộc  nhiều dòng như họ Lê của Lê Qúy Ðức ở Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, dù làm đến tham tụng, mấy đời trong hàng quốc lão… Dòng họ Ðường phát tích từ xã Lạc Ðạo, huyện Gia Lâm với Ðường Phúc Tử đỗ trạng nguyên năm 1547, sau đó chia thành bao nhiêu chi đi Phú Thị ’ Khóai Châu’, vào Nghệ An…  đã có hàng chục người đỗ đại khoa và hàng trăm người trung tiểu khoa thì truyền thống hiếu học của dòng họ này là rất rõ rệt. Dòng họ Ngô ở Tả  Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội với Ngô Gia Văn Phái thực sự là có truyền thống văn học. Trong các dòng họ ở Việt Nam, không có một dòng họ nào theo nho học và sáng tác nhiều loại hình với nhiều nội dung phong phú như dòng họ Ngô:  15 tác giả từ Ngô Thì Úc, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm đến Ngô Thì Chí, Ngô Thì giai, ngô Thì Ðiển… với 36 tác phẩm còn được lưu giữ ở thư viện thông tin khoa học xã hội. (trang 17, 18)

Việc phát huy truyền thống những dòng họ cần được đặt trong sự xem xét lịch sử và hiện đại. Dòng họ là sự phát triển của một gia đình qua nhiều thế hệ như dòng họ Lý của Lý Công Uẩn qua 10 thế kỷ đã có tới 20 đới gồm nhiều chi, có chi đã đổi họ Lý sang thành họ Nguyễn, có chi đã sang tận Hàn Quốc (trang 15).

Như trên đã trình bày, dân tộc gồm nhiều dòng họ và dòng họ gồm nhiều gia đình. Mỗi dòng họ phát huy truyền thống của mình sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần khiến con cháu tự hào, noi theo để làm vẻ vang cho tổ tiên dòng họ, cũng như chính  cho dân tộc.

  1. Gia Ðình: là căn bản đời sống dân Việt. Ðơn vị nhỏ nhất của gia đình Việt Nam gồm có vợ chồng con cái, đúng như luật thiên nhiên trong Sáng Thế Kýcủa Ðức Chúa Trời. Tuy nhiên, vì lòng Hiếu Thảo và Tình Huynh Ðệ, và trong thời gian đất nước thanh bình thịnh vượng, khi một người nam (thường là con trưởng, theo phong tục Việt Nam) lấy vợ, người đó vẫn mời cha mẹ và các em còn độc thân ở chung một nhà. Do đó, gia đình Việt Nam thường gồm có ba thế hệ sống chung với nhau : Ông bà, cha mẹ (gia trưởng), con cháu. Có khi một gia đình gồm năm thế hệ sống chung với nhau gọi là Ngũ Ðại Ðồng Ðường.

Khi đất nước tao loạn, nền kinh tế khó khăn, thêm vào đó, việc phân chia nhiệm sở làm hoạt động nghề nghiệp trở nên phức tạp, các tiểu gia đình thường rời đại gia đình đi lập nghiệp tại những chỗ khác nhau trong tỉnh, vùng, hoặc miền, xa gần. Họ không quên tụ họp trong các dịp lễ. Do đó, mỗi tiểu gia đình có một gia trưởng.

Gia trưởng có nhiều quyền hạn và chịu trách nhiệm thờ cúng. Mỗi đại gia đình phát triển trong hoàn cảnh bình thường (không bị chiến tranh gây chia cắt đảo lộn) đều có một Gia Phả (arbre généalogique). Gia phả Việt Nam có từ năm 1026 Tây Lịch (thời Lý Thái Tổ), phát triển mạnh ở Bắc Việt và Trung Việt. Nam Việt ít có gia phả vì dân thời xưa muốn tránh sự khủng bố của thực dân Pháp. Nguồn gốc gia phả phát sinh ra từ khi tổ tiên ta lập ra “sổ điền” để phân chia ruộng nương cùng kiểm kê dân số cho nhà vua. Sau lại có “sổ đinh”, hoặc “sổ bộ”, ghi họ tên hộ tịch từng người trong gia đình. Từ đó, gia trưởng mỗi gia đình lập một sổ riêng ghi đầy đủ các chi tiết về cưới hỏi, sinh đẻ, tang ma trong một gia phả lưu truyền từ đời ông cha đến đời con, cháu, chắt, chút, chít. Nếu một gia trưởng là con trưởng của đại gia đình, người ấy thành trưởng họ và có bổn phận ghi những chi tiết về các người thân thích và dòng dõi của cả gia tộc mình.

Mỗi người Việt thuộc bất cứ tôn giáo nào, dù sống tại quê hương trong hoàn cảnh xã hội khác với thời cộng hoà, hoặc tha phương nơi hải ngoại theo các nền văn minh ngoại lai, trong đó phải kể văn minh Âu Mỹ, sớm muộn họ đều sẽ ý thức rằng Con Người chỉ có giá trị nếu họ luôn luôn bảo tồn được dòng dõi của họ.

Người Việt Nam ý thức hơn ai hết rằng Gia đình là nền tảng của xã hội và quốc gia.  Chính Liên Hiệp Quốc đã minh định như vậy và đã ấn định rằng  quốc gia phải bảo trợ cho gia đình. Trong bản ’Tuyên Ngôn Nhân Quyền’  do Đại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc  ban hành vào tháng  năm 1948, ở điều 18  có nói rõ nguyên văn như sau : ’La famille est l’élément naturel et fondamental de la société  et a droit à la protection de la société et de l’État’ (Phạm Côn Sơn, ’Nền nếp gia phong’, Ðồng Tháp, , tr.0).

Nếu gia đình là căn bản của quốc gia và xã  hội, thì chính gia đình là nơi con người phải được  giáo dục và phát triển tài năng: ’Tổ ấm gia đình là một pháo đài vững  chắc để mỗi cá nhân có thể được tôi luyện khả dĩ vươn ra ngoài  xã hội, hòa nhập và làm lợi ích cho xã hội (sd tr.29).

Họ còn đi xa hơn nữa trong việc tổ chức đời sống gia đình, nơi mà hành động và tư tưởng được hướng dẫn bởi những chỉ dạy của tôn giáo họ, hoặc của xã hội nếu họ thuộc về tập thể “phi tôn giáo” (thành phần người Việt này tự cho mình là theo “đạo ông bà”) để phát triển đức Hiếu Thảo trong gia đình họ. Do đó, hàng ngày việc thi hành đức Hiếu Thảo truyền lại từ ngàn xưa cho con cháu Việt trở nên tốt đẹp.

III. HIẾU THẢO

Từ xưa tới nay, đa số dân Việt thuộc bất cứ tôn giáo nào kể cả những thành phần  phi tôn giáo đều thi hành bằng cách này  hay cách khác Ðức Hiếu Thảo dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau theo những chỉ dạy của gia đình và xã hội. Sau đây chúng ta sẽ đề cập đến ba điểm: 1) Chỉ dạy về Hiếu Thảo trong các tôn giáo tại Việt Nam. 2) Nét độc đáo của Hiếu Thảo: Tôn kính tổ tiên; 3) Những thi hành Hiếu Thảo.

  1. Chỉ dạy của tôn giáo xưa và nay cho dân Việt :

A. Nhờ triết lý Tam Giáo, Ðạo Khổng Ðạo Lão và Ðạo Phật, đã thấm nhuần lâu đời và sâu xa trong dân gian, Ðức Hiếu Thảo được thi hành rất liên tục và đầy đủ.

Theo Khổng giáo, căn bản cách sống nằm trong đức Hiếu Thảo : Kính yêu, Phụng dưỡng cha mẹ ngay từ thủa còn bé.

Phật giáo dạy người ta phải làm đầy đủ năm bổn phận :

a) Phụng dưỡng kính yêu cha mẹ khi các người còn khoẻ mạnh cũng như lúc các người trở nên yếu đuối trong tuổi già về vật chất lẫn tinh thần ; hãy tránh việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão khi mình còn đủ phương tiện tối thiểu ;

b) Nối tiếp những công tác gia đình lớn nhỏ, để cha mẹ được thảnh thơi di dưỡng tuổi già ;

c) Bảo vệ và gìn giữ lề lối cố hữu tốt đẹp do cha mẹ truyền lại ;

d) Nếu được thừa hưởng tài sản do cha mẹ chia cho, ta phải dùng hết khả năng quản lý và làm phát triển tài sản đó một cách trang trọng ;

e) Khi cha mẹ còn sống, ta phải hành sử sao cho các người luôn luôn an vui hạnh phúc ; khi các người mất, ta phải tiếp tục ăn ở thật tốt, sao cho cha mẹ ở thế giới bên kia được hưởng lây công đức của ta mà được tái sinh tốt đẹp.

Lão giáo chỉ dạy thực hành đức Hiếu Thảo đối với các vị đã qua đời : Ma chay, cúng giỗ, đốt vàng mã, tụng kinh, đặt bài vị ông bà cha mẹ có ghi tên các người lên bàn thờ. Ở đó, luôn luôn đèn được thắp sáng, nhang được đốt toả khói bốc hương. Lão giáo còn đi xa hơn nữa bằng cách chỉ dạy việc cúng kiếng hàng năm các vong hồn ngoài gia đình để không bị họ quấy nhiễu.

B. Với từ ngữ Ả-Rập Al-Quor’an (tiếng Pháp là Coran) mang nghĩa chung “bài học thuộc lòng” (la Récitation) và nghĩa riêng của Hồi giáo là “Thông điệp tối hậu của Trời do tiên tri Mouhammad thông truyền đến nhân loại ‘Hồi giáo dùng kinh Coran nói về Giê-Su và Mẹ Ngài là Maria một cách vô cùng kính cẩn. Do đó, Hồi giáo chú trọng đến Mẹ Maria với những phép lạ và lòng nhân từ của Người mà giáo dân phải nhớ làm lòng. Như vậy, mặc nhiên Hồi giáo chú trọng đến gia đình, củng cố tình tương thân tương kính mà cha mẹ là nền tảng. Lý do là Hồi giáo coi Hiếu Thảo là một trong những thực hành của giáo dân mà đấng Allah tối cao yêu thương nhất. Ðối với người Hồi giáo, Hiếu Thảo đồng nghĩa với “vâng lời kính trọng cha mẹ, chịu lụy với các người, làm điều thiện vì các người, phụng dưỡng cha mẹ và họ hàng, cũng như đối xử tốt với bạn bè của các người”. Ðiều quan trọng là trong đạo Hồi, các quyền của người mẹ lớn nhất, vì người mẹ đã phải mang nặng đẻ đau.

C. Công giáo giống các tôn giáo nói trên với Ðiều Răn thứ Năm (Hãy hiếu kính cha mẹ) vì Chúa muốn chúng ta yêu mến, tôn trọng và hết lòng phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sống. Khi cha mẹ qua đời, chúng ta phải lo an táng chu đáo. Sau đó, chúng ta phải sống hoà thuận trong gia đình, dòng họ, láng giềng, làm những điều tốt đẹp cho rạng rỡ dòng họ mình. (Xin đọc thêm “phần B /Ðạo Hiếu Trong Công Giáo“, từ trang 282 đến trang 293,  của tác giả Bình Huyên viết, chung với các tác giả khác trong cuốn VĂN HOÁ Và ÐỨC TIN, do GIÁO XỨ VIỆT NAM tại Paris xuất bản năm 2004).

  1. Chỉ dạy của xã hội đối với cá nhân và tập thể Phi Tôn Giáo (Ðạo Thờ Ông Bà).

Theo truyền thống của các gia đình phi tôn giáo, thường tự cho mình theo Ðạo Thờ Ông Bà, người Việt vô đạo chú trọng đến những gì thật trần tục, những gì sống thật, cảm thấy thật, sự chết, gia đình, tang chế, liên hệ họ hàng, cha truyền con nối. Quan niệm Hiếu Thảo của người Việt vô đạo nằm trong chiết tự của chữ HIẾU (chữ Nho): một phần chữ LÃO (già) 老 [ch. lao] dựa trên chữ NHI (trẻ con)子 [ch.zi], thành chữ  HIẾU 孝  [ch. xiào].

Vì thế từ xưa ngườI Việt vẫn bảo nhau:

      Công Cha như núi thái sơn,

       Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

       Một lòng thờ mẹ kính cha,

       Cho tròn chữ hiếu mớI là đạo con.

       Công Cha Nghĩa Mẹ chớ quên,

       Ơn vua lộc nước mau đền con ơi.

       Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,

       Càu cho cha mẹ sóng đời với con.

       Ân Cha nghĩa Mẹ nặng triều,

       Ra công báo đáp ít nhiều phận con.

       Ân Cha nặng lắm con ơi,

       Nghĩa Mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

       Mẹ Cha trượng quá ngọc vàng,

       Ðền bồi sao xiết muôn ngàn công ơn…

  1. Những thi hành Hiếu Thảo hàng ngày của dân Việt.

Qua lịch sử Việt Nam chúng ta có thể chia việc thi hành Hiếu Thảo thành hai giai đoạn: Ngày Xưa và Ngày nay :

A. Ngày Xưa gồm những chyuện cũ mà chúng ta có thể chia thành hai thời kỳ:

a) Thời kỳ thứ nhất: Từ thời Thái Cổ khoảng 2900 năm trước Tây Lịch đến cuối nhà Tây Sơn 1802 ;   Trước tiên, phải nhắc đến hai mươi bốn gương Hiếu Thảo được ghi trong cuốn Nhị Thập Tứ Hiếu, nói về gương Hiếu thảo của người xưa bên Tàu được nhà văn Quách Cự Nghiệp (1277-1367) đời nhà Nguyên sưu tầm và biên soạn, truyền qua Việt Nam. Ông Lý văn Phức (1785-1849, đậu Cử Nhân, làm quan dưới ba triều vua nhà Nguyễn : Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức) dịch truyện Nhị thập tứ Hiếu ra thơ song thất lục bát. Truyện gồm có :

* Vua Ngu Thuấn khi còn hàn vi kính yêu cha ruột mẹ ghẻ, thương quý em cùng cha khác mẹ, mặc dầu bị cả ba đối xử tàn tệ, nên được vua Nghiêu gả con truyền ngôi;

* Vua Hán Văn Ðế, con Hán Cao Tổ Lưu Bang, rất mực thờ kính phụng dưỡng mẹ là Bạc Hậu khi bà đau yếu;

* Ông Châu Thọ Xương làm quan đời nhà Tống đã từ quan đi tìm mẹ (trước kia bị vợ cả đuổi đi) về phụng dưỡng;

* Ông Vương Tường đời nhà Tấn hết lòng phụng dưỡng mẹ ghẻ ác nghiệt và đã được bà ta thương yêu;

* Cậu bé Ngô Mãnh đời nhà Tấn đã hy sinh cởi trần bên ngoài phòng cho muỗi đốt để cha mẹ được ngủ yên bên trong, vì nhà nghèo không có mùng;

* Ông Hoàng Hương đời Hậu Hán mồ côi mẹ, phụng dưỡng cha bằng cách quạt nồng ấp lạnh được vua Hán ban thưởng;

* Bà Ðường thị, dâu nhà họ Thôi, đã cho mẹ chồng bú sữa mình vì bà mẹ không còn răng để ăn;

* Ông Khương Thi cùng vợ là Bàng thị đời nhà Hán, gánh nước bắt cá ngoài sông xa về dâng mẹ, đã được Trời thương tạo cho một dòng suối ở gần nhà có mùi nước sông và có cá để hai vợ chồng khỏi lặn lội đường xa;

* Ông Ðinh Lan đời nhà Hán đã bỏ vợ vì bà này quái ác dùng kim châm vào kẽ tay của hai tượng gỗ cha mẹ chồng, khiến tượng gỗ chảy nước mắt và kẽ tay chảy máu;

* Cậu bé Lục Tích đời Ðông Hán khi lên sáu tuổi theo cha mẹ đi ăn tiệc đã giấu quít để mang về cho cha mẹ;

* Ông Vương Thôi người nước Ngụy thời Tam Quốc, thường ra nằm ấp mồ mẹ mỗi khi có sấm sét, lại thương xót cha bị chết về tay Tư Mã Chiêu (là người đã diệt Ngụy, Ngô, và Thục, mở ra nhà Tây Tấn), nên suốt đời ông không nhận lời làm quan cho Tây Tấn;

* Ông Mạnh Tông đời nhà Ngô thời Tam Quốc mồ côi cha, có mẹ già mùa đông đau nặng thèm canh măng, nhưng trái mùa, nên ông ôm cây tre khóc lóc và được một búp măng xám mọc ra giúp ông dùng nấu canh dâng mẹ khiến bà ta ăn xong khỏi bệnh;

* Ông Quách Cự đời nhà Hán, nhà nghèo, cùng vợ đào hố định chôn sống đứa con trai ba tuổi để dành phần ăn dâng mẹ già, nhưng họ đào được một hũ vàng, nên đứa bé thoát chết;

* Cậu bé Dương Hương mười bốn tuổi, người đời nhà Tấn, đã liều mình đánh đuổi con hổ cứu cha bị hổ vồ;

* Ông Thái Thuận đời nhà Hán loạn lạc, mồ côi cha, nhà nghèo, khi đi hái dâu chín và dâu xanh, bị giặc chặn lại lục soát tra vấn, ông khai sẽ dùng dâu chín dâng mẹ, còn dâu xanh để mình ăn, nên giặc thương hại cấp cho ông gạo thịt mang về nuôi mẹ;

* Ông Mẫn Tử Khiên người nước Lỗ ở với cha cùng mẹ ghẻ và hai em khác mẹ, đã xin cha đừng đuổi mẹ ghẻ vì bà ta không cho ông mặc áo lạnh mùa đông, nên đã được mẹ ghẻ thương yêu như con ruột;

* Ông Tử  Lộ người nước Lỗ, học trò giỏi của Ðức Khổng Tử, được vua trọng dụng nhưng không quên lúc hàn vị thường nấu canh rau phụng dưỡng mẹ cha khi họ còn sống;

* Ông Lão Lai Tử người nước Sở thời Xuân Thu tuổi đã bảy mươi mà còn làm trò con nít mua vui cho cha mẹ già;

* Ông Diễm Tử đời nhà Châu hay khoác bộ da giả làm hươu non, để vào rừng vắt sữa hươu mang về dâng cha mẹ, suýt nữa bị thợ săn bắn chết;

* Ông Ðổng Vĩnh đời Hậu Hán, nhà nghèo, cha mất phải đi vay tiền về làm đám ma với lời cam kết sẽ dệt 300 tấm lụa trừ nợ, đã được Chức Nữ hiện xuống tới ở chung cùng dệt lụa cho nhanh, và khi dệt xong nàng tiên nói sự thật rồi biến mất;

* Ông Giang Cách đời Hậu Hán loạn lạc cõng mẹ chạy giặc, bị giặc bắt, đã khóc lóc kể lể và được tha cho đi;

* Ông Sưu Kiềm Lâu người nước Tề, nhờ linh cảm đã từ quan để về thăm nhà, thấy cha đau nặng, ông nghe lời thầy thuốc nếm phẩn và biết bệnh cha khó trị, ông khấn vái Trời Ðất, nên được Ơn Trời cứu cha ông khỏi bệnh;

* Ông Hoàng Ðình Kiên làm quan Thái Sử đời nhà Tống, đã tự chăm sóc lau rửa đồ dùng tiểu tiện của cha mẹ;

* Thày Tăng Tử người nước Lỗ thời Xuân Thu, là học trò giỏi của Ðức Khổng Tử, khi hàn vi phụng dưỡng cha mẹ đầy đủ, vâng lời cha mẹ mang thức ăn thừa cho người ta, đã từng có linh cảm nhậy bén đối với mẹ khi bà ta cần tới ông đang ở trong rừng xa.

Những gương trên đây đều có nội dung thật là súc tích, tuy nhiên, người Việt Nam từ xưa đến nay đều biết noi gương Hiếu Thảo trong cuốn Nhị Thập Tứ Hiếu một cách thận trọng. Lý do là trong dân gian, người ta đã từng bàn tán về ít nhất ba điển tích không được hoàn hảo trên phương diện nhân bản : Ngô Mãnh 8 tuổi bị để cho muỗi hút máu (cha mẹ bất nhân); Lục Tích 6 tuổi trộm quít đem về biếu mẹ (phạm lẽ công bằng ngoài đời); Quách Cự và vợ vì mẹ định chôn con (bất nhân). Như vậy, trên phương diện thực tế, với hai mươi mốt điển tích còn lại về chữ Hiếu bên Trung Hoa, dân Việt đã áp dụng một cách khôn ngoan theo cá tính và truyền thống Việt Nam. Phải chăng nhờ ảnh hưởng của những gương hiếu thảo như trên mà có nhiều trường hợp hiếu thảo giữa người Việt Nam thật đáng ghi vào sổ sách như trường hợp dưới đây:

  • Công Chúa An Thường là con gái thứ tư của vua Minh Mạng, tức là chị ruột của Tuy-Lý-Vương. Công Chúa rất thông minh và hiếu hạnh. Năm công Chúa lên chín, thân mẫu bị bệnh. Nhằm lễ vạn thọ, công Chúa được vờI tớI dùng cơm vớI vua cha, Có món thịt vú dê vua chia cho ăn, công chúa ngậm mãi không nuốt. Vua Cha lấy làm lạ truyền hỏi. Công chúa khóc mà thưa rằng: ’Mẹ con mắc bệnh không được đội ơn; con nghe vị này bổ lắm nên giữ đem về để dâng mẹ con’. Vua nghe nói, khen lắm, liền truyền lấy riêng một khay nhỏ thịt vú dê sai người đüa sang cho mẹ công chúa’. Khi vua Minh Mạng mất, bà lên ở lại lăng cha trọn hiếu ba năm. Lãy chồng, thờ mẹ chồng rất hiếu, dạy con rất nghiêm, thật xứng  đáng là tấm gương cho mọi giới. Bà mất năm Tân mùi. (Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam Danh Nhân từ điển, c.I tr.12).

Hơn nữa, người Việt còn được thừa hưởng rất nhiều giáo huấn về gương Hiếu Thảo mang đến nước ta từ nhiều truyền thống cũng như tôn giáo khác nhau trên thế giới.

Dân gian, nhất là người Công giáo, đều biết rằng Ðức Giê-su là một người con hiếu thảo với cha mẹ Người. Ta thường nhớ đến những lời của thánh Lu-ca trong các đoạn Kinh sau đây :

“Khi Người đuợc mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. ( Lc 2, 42)  

 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. ( Lc 2, 43 )

Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. ( Lc 2, 44 )

 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Lc 2, 45 )

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. ( Lc 2, 46 )

 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. ( Lc 2, 47 )

 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! ( Lc 2, 48 )

 Người đáp: Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. ( Lc 2, 49-50 )

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. ( Lc 2, 51 )

Câu chuyện Kinh Thánh thứ 56 : TIệC CƯỚI CANA (Ðức Giê-su biến nước thành rượu để làm vừa lòng mẹ Maria) :

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Giê-su. Ðức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.

Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Ðức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Ðức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi! ” Và họ đổ đầy tới miệng. 

Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông.

Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng đãi rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.”

 Ðức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.

 Trước khi trút hơi thở cuối cùng trên Thập Giá, Ðức Giê-su trối trăng nhờ môn đệ yêu quý của Ngài là thánh Gio-an ở lại chăm sóc mẹ Maria của Ngài.

Bên Việt Nam, cũng vào Thời Kỳ I (từ trước năm 2900 trước Tây Lịch đến 1802 sau Tây Lịch) có gương hiếu thảo của ba vị vua Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, và Trần Anh Tông. Vua Lý Nhân Tông(lên ngôi trong khoảng 1072-1127) đã cho bãi dịp lễ Trung Nguyên trong đó có tổ chức yến tiệc với bách quan đến chúc tụng nhà vua. Thay vào đó, nhà vua cho làm lễ Vu Lan Bồn để cầu siêu cho Mẫu Hậu, theo đúng ý nghĩa Phật giáo. Con vua Nhân Tông  là vua Lý Thần Tông (lên ngôi trong khoảng 1128-1138) cũng truyền bỏ dịp lễ như trên để tổ chức lễ Ðại Trai Ðàn cầu siêu cho Phụ Hoàng. Như vậy ta có gương hai vị vua Việt Nam báo hiếu cha mẹ đã mất. Sau này lại có chuyện vua báo hiếu cha mẹ còn sinh tiền. Ðó là vua Trần Anh Tông (lên ngôi trong khoảng 1293-1314). Trong khi nhà vua say rượu nằm trên long sàng, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông (1279-1308) từ cung Thiên Trường về thăm. Bách quan đều có mặt trừ vua Anh Tông. Vua cha giận ra về. Anh Tông tỉnh rượu hay chuyện, vội đến Thiên Trường lạy xin vua cha tha lỗi, rồi từ đó không bao giờ uống rượu nữa.

b) Thời kỳ thứ hai: Từ lúc bắt đàu nhà Nguyễn 1802 cho đến hết thế kỷ XX.

Ðây là thời kỳ nước Việt Nam loạn lạc, rơi vào tay ngoại bang, nên các gương Hiếu Thảo mặc dầu vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng không được ghi chép đầy đủ.

Bên ta, có vua Tự Ðức và Hoà Thượng Nhất Ðịnh nêu gương Hiếu Thảo cho dân ta. Vua Tự Ðức (lên ngôi trong khoảng 1829-1882) trong cuộc đi bắn chim ở rừng Thuận Trực, An Nong, gặp nước lũ nên thuyền về chậm. Thái Hậu lo lắng sai quân đem thuyền đi đón. Về đến cung ở Thương Bạc, vua Tự Ðức sửa sang y phục chỉnh tề, vội vã sang chầu Mẫu Hậu. Bà làm mặt giận. Vua Tự Ðức nằm xuống, cho gác roi lên lưng, xin chịu tội. Thái Hậu vứt roi không đánh, chỉ quở trách dạy dỗ vua phải ít chơi mà chăm chỉ làm việc. Vua Tự Ðức xin vâng lời, làm việc suốt đêm hôm ấy, và từ đó không còn bỏ bê công việc trong triều nữa. Nhà vua lại tỏ ý rất cảm phục một vị chân tu cùng thời. Ðó là Hoà Thượng Nhất Ðịnh (1784-1847), mặc dầu đã sáu mươi tuổi vẫn hàng ngày đi mua cá mang đến nuôi mẹ đã tám mươi tuổi.

B. Ngày nay:

Trên thế giới có nhiều gương hiếu thảo. Một trong những gương đó là ông cựu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant người Miến Ðiện mặc dầu bận việc quốc tế vẫn không sao nhãng bổn phận đối với mẹ già của ông. Hình ảnh đăng trên một tờ báo tại Kuala Lumpur, Mã Lai, cho đời thấy ông đang quỳ xuống dâng cơm nước cho bà cụ.

Sự thi hành  Hiếu Thảo dần dần trở thành biến cố tập thể, phần do tính tự nhiên của con người, phần vì tâm lý quần chúng khiến con người chú ý và làm theo những gì các tập thể hay làm, nhất là những thi hành ấy phát xuất từ tiếng gọi thiết tha của gia đình. Chúng ta dù ở tôn giáo nào cũng biết đến các ngày Lễ Vu Lan, Lễ Valentin, Lễ Thánh Gia, và Lễ Mẹ, Lễ Cha.

 Lễ Vu Lan được tổ chức rầm rộ khắp nơi vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch để báo hiếu ông bà, cha mẹ. Nhà sư Ấn Ðộ Dharmaraksa dịch từ ngữ Ullambana Sutra ra chữ Hán (khoảng vài trăm năm sau Tây lịch) đã chuyển âm tiết lam (trong từ ngữ ullambana) ra lan. Theo chữ Hán, lan không chỉ là hoa lan mà còn mang ý nghĩa thơm tho, thanh tao, tinh tuyền trong sạch. Âm ul  được chuyển thành vu, theo chữ Hán có nghĩa là cái chậu, cái bát .

Lễ Valentin vào ngày 14 tháng Hai Dương lịch là Ngày Tình Yêu : Tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình vợ chồng con cái, và tình yêu Thiên Chúa.

Bên Công giáo có Ngày Lễ Thánh Gia thật trang trọng vào những Chủ Nhật sau lễ Giáng Sinh khi đó người ta đọc Kinh trong lúc các Linh Mục làm lễ thánh hoá gia đình.

Tại các nước Âu Mỹ mỗi năm có ngày Lễ Mẹ. Bên Anh quốc, ngày này gọi là Mothering Day, được ấn định vào ngày Chủ Nhật thứ tư của muà Xuân. Bên Hoa-Kỳ, ngày này gọi là Mother’s Day được các gia đình tổ chức vào ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng Năm. Một số nước như Ðan-Mạch, Phần-Lan, Ý-Ðại-Lợi, Thổ-Nhĩ-Kỳ, Úc châu cũng tổ chức Lễ Mẹ cùng một ngày như Hoa-Kỳ. Riêng nước Bỉ, ngoài ngày nói trên, người ta còn tổ chức Lễ Mẹ vào các ngày khác nhau tùy theo vùng. Có vùng tổ chức Lễ Mẹ vào ngày Ðức Mẹ Maria lên Trời (15 tháng Tám Dương Lịch). Bên Pháp, Fête des Mères được tổ chức ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng Năm; nếu ngày đó trùng với lễ Pentecôte, Lễ Mẹ sẽ được dời vào Chủ Nhật đầu tháng Sáu.

Lễ Cha cũng được tổ chức sau Lễ Mẹ một tháng (khoảng cuối tháng Sáu). Hai ngày lễ này đã lan tràn khắp thế giới, nhất là từ thập niên ’70.

Trong hai ngày lễ này, tình cha mẹ con cái được biểu lộ một cách nồng nàn chân thật. Cha mẹ được ấm lòng khi nhận được thiệp chúc và quà biếu, nhất là những cái hôn má  ôm vai cùng những lời thảo kính phát ra tự đáy lòng con cái họ. Con cái được thoải mái vì có dịp chứng tỏ một cách tự nhiên lòng kính yêu của mình với mẹ, với cha, đồng thời có thể xoá bỏ hoặc hàn gắn một vài hiểu lầm, cọ sát nhẹ, trong gia đình.

Ngoài ra, những ngày lễ Giáng Sinh, Phật Ðản, Tết Tây, Tết Ta, Sinh Nhật cha hoặc mẹ, cũng là những thời gian trong đó lòng kính yêu cha mẹ của dân Việt được thể hiện càng ngày càng nồng nhiệt.

Theo nhận xét cụ thể được truyền thông qua nhiều phương tiện tối tân, chúng ta thấy rõ rằng giới trẻ Việt Nam (từ thế hệ thứ hai trở xuống) càng ngày càng yêu thích tổ chức các ngày lễ theo dân bản xứ nơi họ di cư từ trên dưới nửa thế kỷ nay, như một trong những cách thi hành lòng Hiếu Thảo luôn luôn hiện diện trong tâm hồn họ, ở mọi tầng lớp xã hội. Người Việt Công giáo được coi là thành phần xã hội thi hành Hiếu Thảo đều đặn, chăm chỉ, chân thành, không thua kém tín đồ các tôn giáo khác.

Cuộc đời trên Trần Thế trôi đi như dòng nước kỳ diệu chứa đầy văn minh tiến hoá phục vụ Con Người sinh sản đông đảo hơn. Tất cả khiến hoàn cảnh năm châu bốn bể thay đổi không ngừng cả tinh thần lẫn vật chất. Tuy nhiên, Luật Thiên Nhiên bất di dịch. Cho nên, dòng lịch sử in biết bao hình ảnh, kỷ niệm, dấu tích, do các thế hệ đã qua để lại, vẫn không vượt khỏi quy luật của Thượng Ðế đặt ra khi tạo nên loài người : Tiếp tục sinh sản, nối dài huyết thống, duy trì hình ảnh Chúa Trời. Cùng đích tối thượng của mỗi con người là hành sử sao cho lòng yêu thương đồng loại, tôn kính tiền nhân, luôn luôn tồn tại trên cõi đời. Của cải hành trang đó, mỗi người mang theo khi sống, truyền lại khi chết, hiến cho toàn thể loài người nguồn Hạnh Phúc bao la tuyệt đẹp, khiến cuộc sống trần thế luôn luôn đầy ý nghĩa. Của cải hành trang đó chính là dụng cụ trang sức vô giá dùng tô điểm cho thực thể Nước Trời vẻ đẹp thân quen với cảm quan con người. Nước Trời không còn là ý niệm trừu tượng nữa, mà là quê hương vĩnh cửu của từng con người sau khi trút bỏ thể xác trần tục. Quan niệm này làm nảy sinh ra lòng Tôn Kính tự nhiên đối với Tổ Tiên trong tâm hồn mỗi con người quân bình về vật chất và tinh thần.

Tại Giáo Xứ Việt Nam Paris (và chắc còn nhiều Cộng Ðoàn Việt Nam khác trên thế giới) tổ chức Lễ Thượng Thọ để để người trẻ tỏ lòng biết ơn các bậc cao niên, lễ Kỷ niệm Hôn Phối để con cái chúc mừng và tạ ơn Thiên Chúa với Cha Mẹ, và Ngày Lễ Cha Mẹ để trẻ em dâng hoa và chúc mừng Cha mẹ. Hôm đó, các em sẽ hát  bài Cầu Cho Cha Mẹ của Phanxicô:

  • Xin Chúa chúc lành cho đời, cho đời cha mẹ của con. Công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn trời, và ơn cha mẹ suốt đời coi nhẹ khổ đau.
  •  An vui cũng như đau buồn, luôn đẹp tấm lòng mẹ cha. Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà. Mai con lớn lên rồi, ra đi tung cánh trog đời, dù xa vô bờ, vẫn nhớ đến tình mẹ cha.
  • Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời, Cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan.

IV.TÔN KÍNH TỔ TIÊN

Lòng hiếu thảo đói với ông bà cha mẹ hay những bậc mình thụ ơn không chỉ được thi hành khi các ngài còn sống, nhưng còn phải cẩn thủ khi các ngài đã quá vãng. Chính lòng hiếu thảo thâm sâu, rộng dài vô biên này đối với người quá cố được cô động lại trong việc Tôn Kính Tổ tiên. Chúng ta sẽ nói về lòng Tôn Kính Tổ Tiên dưới ba điểm sau đây: Trước tiên là ý thức và nguyên do của lòng Tôn Kính Tổ Tiên, thứ đến là những thực hành lòng Tôn Kính Tổ Tiên của người Việt nam, và sau cùng là những thể hiện khác về lòng Tôn Kính Tổ Tiên.

  1. Ý thức và Nguyên do của lòng Tôn Kính Tổ Tiên :

Dân Việt nói chung, và người Việt Công Giáo nói riêng, đều tôn kính Tổ Tiên một cách tự nhiên. Sự kiện này không thể chối cãi được một khi từng người Việt cả xưa lẫn nay đều trân quý Dòng Dõi của mình : Niềm hãnh diện về gia đình dòng họ của từng cá nhân, bên cạnh các gia đình dòng họ khác chung quanh mình khi còn ở quê hương, bên cạnh những cộng đồng thuộc những quốc tịch khác khi di dân sang các nước ở năm châu. Văn minh hiện đại không thể xoá nhoà quan niệm này trong bất cứ tâm hồn người Việt nào, mặc dầu không thể tránh được trường hợp một vài cá nhân trong một thời gian nào đó tương đối ngắn dài đã bị cơn lốc văn minh hoặc cơn lũ học thuyết làm cho lung lay bản ngã. Tuy nhiên, những trường hợp này không kéo dài vĩnh viễn trong tâm hồn con người với dấu ấn của Thượng Ðế. Họ dần dần từ bỏ những ý nghĩ ngông cuồng nhất thời để trở về với nguồn gốc Con Người nói chung và người Việt nói riêng với nền Văn Hiến Việt Nam đã tồn tại trên bốn ngàn năm.

Ðó là ý thức và nguyên do quan niệm Tôn Kính Tổ Tiên của dân Việt đang ngửa mặt nhìn thế giới, hãnh diện với dòng giống Lạc Hồng.

Quan niệm này cần phải thực hành. Và đó lại là chuyện của từng tôn giáo. Riêng với Công Giáo, quá trình Tôn Kính Tổ Tiên đã trải qua nhiều thăng trầm, vì lý do truyền thống nói riêng, và cũng vì lý do hành đạo theo chỉ giáo của Vatican nói chung.

Thật vậy, Tôn Kính Tổ Tiên đòi hỏi nhiều thủ tục, trong đó có việc lập bàn thờ, tổ chức giỗ chạp, và nhất là việc hành lễ, nhằm mục đích tỏ lòng tôn kính ông bà cha mẹ đã khuất và ngay cả tiền nhân cứu dân dựng nước Việt Nam từ thời Hồng Bàng cho đến nay.

  1. Vấn đề thực hành lòng Tôn Kính Tổ Tiên của người Việt Nam :

Ðối với Tam giáo và Hồi giáo, vấn đề thực hành lòng Tôn Kính Tổ Tiên không mang lại một khó khăn nào cho dân Việt.

Ðối với người Việt Công giáo, là những tín đồ tuân theo Mười Ðiều Răn của Chúa, vấn đề Tôn Kính Tổ Tiên đã trải qua nhiều thăng trầm trong ba thế kỷ (17 – 20), trước khi giáo dân được hoàn toàn yên tâm thực hành bổn phận Tôn Kính Tổ Tiên mà vẫn giữ được Ðức Tin của mình.

Trong Mười Ðiều Răn, bên cạnh Ðiều Răn thứ Năm “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi“, có hai Ðiều Răn đã từng gây nhiều sóng gió giữa Toà Thánh Vatican và các xã hội Tam giáo cùng Hồi giáo :

Ðiều Răn thứ Nhất “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác

Ðiều Răn thứ Hai “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình … Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó.

Tuy nhiên, người Việt Công giáo đã nhờ cậy sự cứu chuộc của Ðấng Ki-Tô nên vừa giữ trọn Mười Ðiều Răn, vừa thực hành thoải mái truyền thống của nước Việt Nam trong việc Tôn Kính Tổ Tiên. Hãy suy ngẫm hai câu sau đây trong sách Rô-Ma của thánh Phao-Lô.

Theo Rôma 3:20vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ðức Chúa Trời, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi.

Mục đích của thánh Phao-Lô cho chúng ta thấy rằng luật pháp của Ðức Chúa Trời là căn bản đạo đức. Tội nhân phải nhờ Chúa Giêsu Kitô mới làm vui lòng Ðức Chúa Trời.

Theo Rôma 7:25cảm tạ Ðức Chúa Trời, vì nhờ Ðức Chúa Giêsu Kitô, là Chúa chúng ta ! Như vậy, thì chính mình tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Ðức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi.

Thánh Phao-Lô chỉ dạy cho chúng ta biết rằng “nhờ Ðức Chúa Giêsu Kitô, con người có thể thắng tội lỗi“.

Muốn hiểu rõ hơn công lao cứu chuộc của Ðấng Kitô giúp Con Người giữ trọn Mười Ðiều Răn đồng thời thực hành tốt đẹp việc Tôn Kính Tổ tiên, chúng ta cần thông suốt những điểm sau đây.

a) Các Văn Kiện Toà Thánhcủa các triều đại Giáo Hoàng  đối với những nghi lễ sử dụng trong việc Tôn Kính Tổ Tiên, trước khi đạt đến Thông Cáo của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về việc này.

– Sắc cấm nghi lễ thờ lạy ông bà tổ tiên (đền thờ, bàn thờ, chủ tế, vái lạy,…) của Ðức Giáo Hoàng Innocent X ra ngày 12 tháng 9 năm 1645, gửi đến Trung Hoa năm 1649 ;

– Sắc cho thi hành nghi lễ thờ lạy ông bà tổ tiên của Ðức Giáo Hoàng Alexandre VII ra ngày 23 tháng 3 năm 1656;

– Văn thư được Ðức Giáo Hoàng Clément IX phê chuẩn ngày 20 tháng 11 năm 1669 cho biết cả hai sắc nói trên đều có giá trị : Sắc 1645 cấm nghi lễ thờ lạy ông bà tổ tiên nếu việc này được thực hành như một tôn giáo Sắc 1656 chấp thuận nghi lễ thờ lạy ông bà tổ tiên nếu việc này được quan niệm là những thực hành có tính cách dân sự và xã hội ;

– Chiếu Chỉ cấm nghi lễ thờ lạy ông bà tổ tiên của thừa sai Charles Maigrot (1652-1730, với bốn tên gọi khác : Yan Dang, Jialuo, Yen Tang, Chia-lo), Ðại diện Tông Toà (Sacrosanctum Concilium SC) tại Phúc Kiến, Trung Hoa, thuộc hội Thừa Sai Paris, M.E.P. / Missions Étrangères de Paris) ra ngày 26 tháng 3 năm 1693 được trình lên Toà Thánh, nhưng việc duyệt xét bị đình trệ với cái chết của Ðức Giáo Hoàng Innocent XII, đồng thờ gây bất bình với các vị đồng đạo ở ngoại quốc. Trong khi đó, vua Khang Hy trả lời thư thỉnh ý của bốn Cha Dòng Tên, xác định rằng luật nước cho phép thờ Trời, phục vụ chính quyền và cha mẹ, kính trọng các bậc thầy cũng như các vị cao niên. Nhà vua đồng ý với bốn Cha Dòng Tên rằng việc thờ lạy ông bà tổ tiên là để tỏ lòng hiếu thảo, chứ linh hồn người quá cố không ngự trong các bài vị, còn việc dâng của lễ chỉ là biểu lộ sự tưởng nhớ những người quá cố với niềm hy vọng được các linh hồn đó trở về trong đám giỗ ;

– Sắc của Toà Thánh cấm nghi lễ thờ lạy ông bà tổ tiên, vì việc này mang màu sắc dị đoan, với sự phê chuẩn của Ðức Giáo Hoàng Clément XI ngày 20 tháng 11 năm 1704, ra lệnh cho các thừa sai ở Trung Hoa phải tuân theo bản điều luật, nếu không sẽ mắc vạ cũng ra lệnh cho các thừa sai phải qua sự khảo hạch của Triều đình nếu muốn làm việc tại Trung Hoa;

– Sắc của Ðức Giáo Hoàng Clément XI ra ngày 25 tháng 9 năm 1710 tuyên bố giá trị tuyệt đối của Sắc 1704 cấm thực hành nghi lễ thờ lạy ông bà tổ tiên;

– Sắc Ex illa die buộc các thừa sai ở Trung Hoa phải tuyên thệ chống lại các hình thức lễ nghi thờ lạy ông bà tổ tiên của Trung Hoa. Sắc này gây ác cảm giữa người ngoại đạo và dân trí thức Trung Hoa với người Công giáo. Ðã có những cuộc bách hại người Công giáo tuyệt thông. Lệnh này gây khó chịu cho vua Khang Hy, và nhà vua đã xảy ra tại Trung Hoa ;

– Chiếu Chỉ của Ðức Giáo Hoàng Clément XII ra ngày 26 tháng 9 năm 1735 có ý muốn chấm dứt cuộc tranh chấp, nhưng Ngài qua đời và để lại công việc này cho Ðức Giáo Hoàng kế vị Benoit XIV;

– Sắc Ex duo singulari cấm chỉ mọi bàn thảo, can thiệp, và thực hành lễ nghi thờ lạy ông bà tổ tiên của Ðức Giáo Hoàng Benoit XIV đã khoá sổ vấn đề này ;

Chính quyền Nhật và Mãn Châu xác định với các Giám mục rằng việc bái đầu trước các bài vị anh hùng liệt sĩ cũng như của Khổng Tử chỉ mang tính cách dân sự, và cũng để tỏ lòng tôn kính đồng thời khuyến khích tinh thần yêu nước của người dân. Sau đó, các Huấn Dụ 1935 cho Mãn Châu và Huấn Dụ 1936 cho Nhật Bản của các Giám mục đã khiến Bộ Truyền Bá Ðức Tin đưa raHuấn Dụ Plane compertum, với sự phê chuẩn của Ðức Giáo Hoàng Pie XII, ngày 8 tháng 12 năm 1939 cho phép người Công giáo Trung Hoa bái lạy trước hình tượng hay bài vị của Khổng Tử, tham dự các nghi lễ công cộng không có tính cách dị đoan, và được bái lạy trước thi thể, hình ảnh hay bài vị người chết.

b) Trong Thông cáo của Ðức Tổng Giám Mục Phao-lô Nguyễn văn Bình ngày 15 tháng 11 năm 1964, có đoạn :”Ðây thực là một ngày lịch sử, một hiện tượng mới cho toàn thể Giáo hội Việt Nam. Chúng tôi đại diện cho Hàng Giám mục Việt Nam, xin long trọng công bố tin mừng này…”, kèm theo lời căn dặn :”Còn việc đưa áp dụng thực hành, chúng tôi sẽ ban bố sau những chỉ thị và mẹo mực cho từng trường hợp.” Ngày 14 tháng 6 năm 1965, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ra một Thông Cáo về việc Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ Việt Nam, gồm hai phần :

* PHẦN I: Giáo hội Công giáo đối với nền Văn hoá và Truyền thống các dân tộc”

Giáo hội không khinh chê tư tưởng, nghệ thuật của người ngoài Công giáo. Trái lại, Giáo hội thanh luyện và thánh hoá phong tục tập quán của các dân tộc. Giáo hội đã đưa vào Phụng vụ của mình những nghi lễ của các dân các nước trong việc tưởng nhớ mầu nhiệm hoặc tôn kính các Thánh (trích dẫn Evangelli praecones, 2-6-1951 của Ðức Giáo Hoàng Pie XII, và Princeps Pastorum, 28-11-1959 của Ðức Giáo Hoàng Jean XXIII ). Thêm vào đó, Giáo hội tôn trọng giá trị tinh thần và luân lý của các tôn giáo khác (trích dẫn Ecclesiam suam, 6-8-1964 của Ðức Giáo Hoàng Paul VI).

* PHẦN II : “Thể thức áp dụng Huấn thị Plane compertum est ” Có ba Khoản :

Khoản I : Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia, tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình, tập quán, đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với Tổ Tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ, có tính cách thế tục, lịch sự, và xã giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ, và tuỳ theo trường hợp.

Khoản II : Ðể bảo vệ Ðức Tin Công giáo, một số việc làm “không phù hợp với giáo lý Công giáo” bị cấm, chẳng hạn : nghi lễ của một số giáo phái (sectes) diễn tả sự phục tùng và lệ thuộc vào thụ tạo giống như với Thiên Chúa, nghi lễ đốt vàng mã, và nghi lễ cử hành tại những nơi dành riêng cho việc tế tự.

Khoản III: Trường hợp hồ nghi, hãy hành động theo lương tri và hoàn cảnh. Nếu việc làm biểu lộ của một niềm tin ngoài Kitô giáo, người Công giáo không được phép tham dự.

c) Nguyên tắc Phụng Vụ của Giáo Hội và sự thích nghi Văn Hoá Dân Tộc với các nguyên tắc Phụng Vụ đó.

Ngày 19 tháng 4 năm 1972, Ủy Ban Giám Mục về Truyền Bá Phúc Âm (TBPA) ra Quyết Nghị : “Ðể đồng bào lương dân dễ chấp nhận Tin Mừng, Hội Nghị xét rằng : một ít cử chỉ, thái độ, lễ nghi sau đây có tính cách thế tục, lịch sự, xã giao là để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ “.

Tháng 11 năm 1974, Quyết Nghị về “Lễ Nghi Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên” được chấp thuận, với sáu điểm theo thứ tự như sau:

– Bàn thờ Ông Bà Tổ Tiên được phép đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ Gia Tiên đó không bày biện những gì có tính cách dị đoan ;

– Ðược phép đốt hương, đèn nến, và xá lạy, trước bàn thờ Ông Bà Tổ Tiên, để tỏ lòng hiếu thảo và tôn kính ;

– Ðược phép cúng giỗ theo ngày giỗ cũng như Kỵ Nhật trong gia đình theo phong tục địa phương, nhưng không được phép làm những việc dị đoan, như đốt vàng mã, đồng thời giảm thiểu và canh cải những lễ vật (dâng hoa trái hương đèn) để biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà Tổ Tiên ;

– Trong đám cưới, cô dâu chú rể được phép làm “Lễ Tổ”, “Lễ Gia Tiên”, vái lạy trước bàn thờ , giường thờ Ông Bà Tổ Tiên, để tỏ lòng biết ơn tôn kính, đồng thời để trình diện, với Ông Bà Tổ Tiên ;

– Trong tang lễ, được phép chít khăn trắng, đốt hương và vái lạy trước thi hài người quá cố, theo phong tục địa phương, để tỏ lòng tôn kính linh hồn người đã khuất ;

– Ðược phép tham dự nghi lễ tôn kính Thành Hoàng tại đình làng, để tỏ lòng tôn kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải để xin ơn hoặc biểu diễn sự mê tín đối với các “yêu thần tà thần”.

Chúng ta cũng không quên, dầu tháng Tư năm 2005, tại Việt Nam, người Công Giáo chít khăn trắng để tang Ðức Giáo Hoàng Jean-Paul II trong chín ngày.

  1. Những Thể Hiện Khác Về Lòng TÔN KÍNH ÔNG  Bà TỔ TIÊN.

Ðức Giáo Hoàng Jean-Paul II trong Thông Ðiệp Slavorum Apostoli, số 21, ngày 2 tháng 6 năm 1985, đã nói :”Hội nhập văn hoá là sự nhập thể của Tin Mừng vào trong các nền văn hoá tự lập và đồng thời giới thiệu những nền văn hoá này vào trong đời sống của Giáo hội.”

Ngày 7 tháng 12 năm 1990, trong Thông Ðiệp Redemptoris Missio, số 52, Ðức Giáo Hoàng lại nói :”Hội nhập văn hoá là một động thái hai chiều trong đó Giáo hội làm cho Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hoá khác nhau, đồng thời Giáo hội giới thiệu các dân tộc cùng văn hoá của họ vào trong chính cộng đoàn riêng của Giáo hội.”

Quả vậy, trong cuộc sống Kitô hữu, những sinh hoạt của Giáo hội được đưa vào sinh hoạt gia đình, và những sinh hoạt gia đình được đưa vào vào sinh hoạt Giáo hội. Nói một cách khác, dân tộc và văn hoá của dân tộc đó được giới thiệu vào trong cộng đoàn của Giáo hội, để tìm ra những nguyên tắc trong Phụng Vụ. Sau đó, Tông Toà hay Hội Ðồng Giám Mục sẽ quyết định thêm bớt trong Phụng Vụ.

Trong số những thể hiện khác về lòng Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên của dân Việt, có những đề nghị thêm về nguyên tắc phụng vụ cho việc Cưới Hỏi, Tang Lễ, và Lịch Phụng Vụ.

a) Cưới hỏi.  

 Sau khi làm phép nhẫn và trao nhẫn, cô dâu chú rể có thể đến thắp hương vái lạy rồi khấn cáo Ông Bà Tổ Tiên về tin vui trong gia đình của hai người trước một bàn thờ Ông Bà Tổ Tiên của gia đình hai họ. Bàn thờ này được đặt ở một chỗ xét thấy xứng đáng trong Nhà Thờ.

Trong quá khứ, việc đưa tập tục và nghi lễ quốc gia vào Bí Tích Hôn Phối ở Anh quốc đã từng được Ðức Giáo Hoàng Grégoire Cả cho phép thi hành vào khoảng năm 596 Công Nguyên. Sau này, Giáo Hội Phi Luật Tân đã có nghi thức hôn phối phù hợp với phong tục tập quán của họ từ năm 1983 (Thí dụ : Cô dâu chú rể đặt tay họ vào tay một người lớn tuổi trong họ hàng bà con để biểu lộ lòng tôn kính đối với ông bà, cha mẹ, người đỡ đầu, và các vị cao niên. Tục này gọi là mano po).

b) Tang Lễ.

 Ngoài những nghi thức an táng được Nghi Thức 1969 cho phép, gồm có từ một đến ba chặng : Tại tang gia (kể cả bệnh viện, nhà dưỡng lão), tại Nhà Thờ, tại Nghĩa Trang), có những đề nghị sau đây.

* Tại tang gia : Thường có những buổi đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố (Nghi Thức An Táng, Kinh Nguyện Gia Ðình trang 231-244) trước và sau khi chôn cất.

Ðề nghị: Trước khi chôn cất, mỗi người tham dự có thể vái lạy và rẩy Nước Thánh lấy từ trong bình để gần quan tài, rồi lại vái lạy khi rời chỗ đó. Sau khi chôn cất, người tham dự có thể thắp hương vái lạy trước di ảnh, rồi lại vái lạy khi ra về. Thêm vào đó, có thể có giờ canh thức (Kinh Nguyện Gia Ðình, trang 246-247). Trước và sau giờ canh thức, mọi người có thể thi hành thủ tục vái lạy trước quan tài.

* Tại Nhà Thờ : Lúc quan tài được chuyển vào Nhà Thờ, trước khi vị Linh mục làm lễ , hoặc ra khỏi Nhà Thờ, mọi người trong đám tang có thể vái lạy để chào đón, và cũng vái lạy để tiễn đưa người quá cố.

 * Tại nghĩa trang : Mọi người trong đám tang có thể vái lạy, rẩy nước Thánh, hoặc bỏ hoa xuống huyệt, trước khi huyệt được lấp lại, nếu là huyệt riêng. Nếu là huyệt chung, như trường hợp huyệt các linh mục Dòng Xuân Bích, hoặc hầm mộ nhiều tầng (caveaux) của gia đình, chỉ vái lạy trước khi đóng nắp huyệt là đủ.

c) Lịch Phụng Vụ.

Những đề nghị đối với Lịch Phụng Vụ liên hệ tới sinh hoạt xảy ra trong nước Việt Nam hơn là ở hải ngoại. Mục đích của đề nghị là để tạo nên sự hoà hợp giữa người Việt Công giáo với người Việt thuộc các tôn giáo khác.

Nước Việt Nam có lễ hội Thanh Minh vào tháng Ba Âm lịch, và lễ Vu Lan vào rằm tháng Bảy Âm lịch.

Lễ hội Thanh Minh là dịp cho dân Việt đến nghĩa địa hoặc về quê thăm mộ phần của các người thân trong đó có ông bà cha mẹ anh chị em cùng các người trong họ hàng đã thất lộc. Những người không có hoặc không biết ngươi thân quá cố của họ nằm ở đâu, vì lý do nào đó, cũng theo chân các người tảo mộ trong ngày hội Thanh Minh. Nên dịp này còn được gọi là Hội Ðạp Thanh(theo Nguyễn Du), tức là Lễ Xuân (fête printanière) là thời gian người ta đi tới vùng thiên nhiên có những mồ mả đó đây, và chân dẵm lên cỏ xanh.

Lễ Vu Lan (như đã trình bày ở mục III /3 / ’Ngày nay’ trên đây khi nói về sự thể hiện lòng Hiếu Thảo của dân Việt) được tổ chức trong Mùa Báo Hiếu, còn gọi là lễ Trung Nguyên. Ðây là dịp mà toàn dân Việt rầm rộ chuẩn bị và tổ chức tại chùa chiền trên khắp các tỉnh thành thôn quê những buổi lễ với lễ vật cùng chương trình hành lễ vô cùng long trọng mà không kém tưng bừng, để cùng nhau nhớ tới ông cha tổ tiên và những người thân ở thế giới khác.

Ở bên Pháp, sau Lễ Các Thánh vào mùng 01 tháng 11, có ngày Lễ Các Ðẳng Linh Hồn (Fête des Morts) theo Lịch Phụng Vụ, vào mùng 02 tháng 11, trong đó người ta viếng thăm các nghĩa trang. Nếu Trong Lịch Phụng Vụ có thêm chương trình các ngày lễ Thanh Minh và Vu Lan, tinh thần Quốc Việt trong các thế hệ tín hữu Công giáo sẽ thoải mái hơn, đồng thời mối  cảm thông  giữa người Công giáo với tín đồ thuộc các tôn giáo khác sẽ sâu xa rộng lớn hơn. Do đó, sự Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên của dân Việt trong và ngoài nước sẽ được thể hiện đầy đủ hơn.

V. KẾT LUẬN.

Ba yếu tố Dòng DõiThảo HiếuTôn Kính Tổ Tiên, bảo đảm sự quân bình của gia đình, là thực thể được cấu tạo từ ngàn xưa theo đúng Luật Thiên Nhiên và được tổ chức theo Mười Ðiều Răn của Thiên Chúa. Công trình này một khi được thi hành sẽ làm thoả mãn Tự Ái Làm Người, xây dựng Tình Người, và sau hết giúp Con Người duy trì thuyết Nhân Bản rất cần thiết cho việc bảo tồn Trái Ðất, là tác phẩm tuyệt vời vĩ đại nhất của Tạo Hoá. Do đó, những dòng thơ ở đầu bài này còn tiếp tục,…

…Vinh danh Dòng Dõi, sáng ngời Tổ Tiên,

Truyền thế hệ luân phiên Thảo Hiếu,

Gương Ma-ri-a chiếu Cõi Ðời

 Ðượm Tình Yêu Ðức Chúa Trời

 Nhẹ nhàng thể xác, thảnh thơi tâm hồn…

 (Viết xong vào ngày Lễ An Táng Ðức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II)

Ðồng tác giả BÌNH HUYÊN 

Nguồn: http://giaoxuvnparis.org

 ——————————–

 Tài liệu tham khảo:

 – Mười Ðiều Răn

 – Thánh Kinh Sáng Thế Ký

 – Tôn Kính Tổ Tiên (Ðức Ông Mai Ðức Vinh, trong cuốn VĂN HOÁ và ÐỨỨC TIN)

 – Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư của Lê Văn Hưu, Phan Phu Thư, Ngô Sĩ Liên…

 – Mười Tám Ðời Vua Hùng Vương (Nguyên Nguyên)

 – Lược Sử Tên Họ Người Việt (Nguyễn Vy-Khanh)

 – Kinh Nghiệm Thành Ðạt của Cuộc Ðời Ðức Khổng Tử (Vietsciences)

 – Giá trị Gia Ðình (MS Phan Thanh Bình)

 – Cội Nguồn (Hoà Ða)

 – Về Nguồn (Ðào Viên)

 – Ngũ Ðại và Tam Tộc Trong Hệ Thống Gia Ðình Á Ðông (BS Lê văn Lân)

 – Ðạo Hiếu Xưa và Nay (không biết tác giả)

 – Một Vài Phong Tục Tập Quán Việt Nam Xưa và Nay (Trần Thanh Trung)

 – Chữ Hiếu và Tình Người (Thích Chơn Thiện)

 – Cuộc Toạ Ðàm về Chủ Ðề “Tôn Kính Tổ Tiên” tại Toà Tổng Giám Mục Huế (1999) (Ðức Ông Peter Nguyen van Tai, Radio Veritas, Phillippines)

 – Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên Giữa Người Công Giáo (Peter Võ Tá Ðề, SVD)

 – Lịch Sử Ngày Lễ Mẹ (Vietsciences, Nguyễn Vũ Ngân Hà).