Đây là Mẹ con

08/05/2020

Văn hóa xưa nay luôn coi trọng người mẹ trong gia đình. Có những bài học xử thế sâu sắc dành cho nữ giới, cho người đang hoặc sẽ làm mẹ. Người cha là trụ cột gia đình và là tấm gương cho con cái noi theo về đạo đức làm người. Người mẹ với sự giáo dục và tận tụy chăm sóc nuôi dưỡng là rất quan trọng giúp con cái phát triển lành mạnh, để nên người tốt lành hữu ích. Sở dĩ ông Mạnh Tử nên bậc thánh hiền, ngàn đời lưu danh, đa phần đều nhờ công đức dạy dỗ của mẹ là bà Mạnh Mẫu.

1- Gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Ba lần chuyển nhà:

Hồi Mạnh Tử còn nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, suốt ngày bên cạnh nhà toàn là cảnh thê thảm: đào huyệt, kẻ la người khóc. Tuổi nhỏ hay bắt chước, Mạnh Tử cũng khóc la rên rỉ như thế. Bà Mạnh Mẫu nghĩ: “Nếu cứ ở đây lâu ngày, con ta sẽ hư hỏng tính tình”.

Bà dời nhà đến gần chợ để kiếm thêm thu nhập. Hằng ngày Mạnh Tử thấy thiên hạ mua bán, cũng bắt chước bán buôn với bạn trẻ lân cận; bỏ học, ham chơi, gian tham, ăn nói tục tằn thô lỗ. Bà suy gẫm: “Ở đây lâu ngày, con ta sẽ hư ”.

Bà lại dời nhà đến gần trường học. Thấy các bạn trẻ cắp sách đến trường siêng năng chăm chỉ học hành, ăn nói lễ phép, Mạnh Tử bắt chước noi gương. Bà rất đỗi vui mừng: “Chỗ này là chỗ tốt, ta đến ở ”… Ngay từ nhỏ, nhờ được tiếp xúc với các nhà giáo, sống trong môi trường văn minh văn hóa tốt, đã tạo cơ sở vững chắc cho Mạnh Tử học tập lễ (lễ nghi), nhạc (âm nhạc), xạ (bắn cung), ngự (cưỡi ngựa), thư (thư pháp), số (toán pháp); trở thành vĩ nhân quân tử nổi tiếng.

Để con cái nên người tốt, cần phải được giáo dục tốt và sống trong môi trường thích hợp. Bồ câu đi với quạ, lông chưa đen, nhưng lòng không còn trắng. Bà Mạnh Mẫu chấp nhận hy sinh gian khổ, không quản ngại tốn kém, ba lần dời nhà vì lợi ích của con.

2- Muốn dạy con thành người tốt, bản thân mình phải tốt, phải lấy trung thực làm gốc.

Một hôm, Mạnh Tử thấy người hàng xóm chọc tiết lợn liền chạy về nhà: “Thưa mẹ, họ giết lợn để làm gì ?”. Vì vui miệng, bà Mạnh Mẫu trả lời: “Họ giết lợn để cho con ăn thịt”. Nói xong, bà vô cùng hối hận nghĩ thầm: “Con còn bé, chẳng lẽ mình là mẹ nó mà lại nói dối”. Tuy túng thiếu, ngay hôm ấy, bà cố mua miếng thịt lợn đem về cho con ăn.

Người ta thường nghiêm khắc dạy bảo kẻ khác, mà thả lỏng cho bản thân mình. Bà Mạnh Mẫu không phải thế. Sống đạo đức nghiêm túc, chân chính trung thực từ nơi sâu thẳm nhất lòng mình, bà không dễ dãi với bản thân, nên mới có thể làm gương mà dạy con thành nhân thành tài.

3- Bền chí, kiên trì học tập: có chí thì nên

Hôm nọ, Mạnh Tử đang trong giờ học, bỗng bỏ lớp theo bạn chạy về nhà đá bóng. Bà Mạnh Mẫu ngồi dệt vải trên khung cửi, thấy con hư hỏng ham chơi bỏ học, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt dang dở trên khung. Mạnh Tử lo sợ, không hiểu vì sao mẹ hành động như thế.

Bà giải thích: “Việc học hành của con cũng giống như việc dệt cửi của mẹ. Con bỏ học chẳng khác nào mẹ cắt đứt tấm vải này; vì cắt đứt nên nó sẽ trở nên vô dụng. Người không xem trọng việc học, làm sao có thể thành tài”. Gia đình Mạnh Tử vốn nghèo; tấm vải dang dệt đó có thể là thu nhập sinh kế chủ yếu của cả nhà trong nhiều ngày. Vậy mà bà can đảm cắt đứt. Hiểu ý mẹ, từ đó, Mạnh Tử không dám theo bạn xấu ham chơi bỏ học nữa. Đạo đức, Đạo hạnh, thì quý hơn tất cả vật chất. Bà Mạnh Mẫu đã dùng một tấm vải thô mà răn dạy con thành công, thành nhân, thành tài, thành một bậc trượng phu quân tử. Đó là hoa quả giáo dục kiên trì nhẫn nại công phúc của người mẹ. Bà được hậu thế ca tụng, trở nên mẫu gương cho các bà mẹ.

4- Người đời có truyền thống dành ngày Chúa Nhật thứ hai tháng 5, để trân trọng tôn vinh tri ân mẹ trần gian. Chúng ta cũng thế, hãy kính trọng và đền ơn đáp nghĩa mẹ yêu quý của mình. Là người Công giáo, chúng ta càng hạnh phúc hơn vì có một Hiền Mẫu thân thương tuyệt diệu là Mẹ Maria (x Ga 19,26-27). “ Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào, tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào…”. Mỗi ngày trong tháng 5 và xuyên suốt đời mình, chúng ta hãy rước Mẹ về nhà mình, buông mình trong vòng tay thân ái và trái tim vô nhiễm của Mẹ. Hiệp với thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, mỗi chúng ta hiến dâng thân mình cho Mẹ: “Mẹ ơi, mọi sự của con là của Mẹ, con hoàn toàn thuộc về Mẹ” (Totus tuus). Xưa Mẹ đã thành công trong việc giáo dục Chúa Giêsu thành nhân, thành Đấng cứu nhân độ thế trên cả tuyệt vời; nay xin Mẹ dạy con nên người tín hữu như lòng Chúa mong ước, để mai sau được cùng Mẹ chung hưởng hạnh phúc quê trời !

Phan Đình