Chị Thương loay hoay gỡ những bông Hoa Cỏ May còn vướng chi chít trên vạt áo dài, do hôm qua chị tiễn đưa một người bà con ra nghĩa trang. Chị thầm nghĩ, sao cuộc đời ngắn ngủi quá. Mới cách đây mấy hôm, chị gọi điện thoại nói chuyện với Bác, mà nay đã cách xa ngàn trùng. Bác ra đi đột ngột để lại đàn con thơ dại. Trong số năm người con của Bác, có một người bị khuyết tật và đứa con gái út mới lên năm. Bé út 5 tuổi ngây ngô, chẳng hiểu gì về sự ra đi đột ngột của ba, cứ thắc mắc: “Sao ba ngủ lâu quá, ba không dậy chơi với con?” Mọi người dự tang lễ, ai cũng cảm thấy đau nhói trong lòng.
Chị miên man với biết bao suy nghĩ và ký ức chợt ùa về trong tâm trí.
Hồi còn bé, mỗi lần đi ngang qua cánh đồng làng vào mùa thu, Thương rất thích đạp xe chậm chậm để ngắm vạt Hoa Cỏ May. Hoa Cỏ May trong tâm trí em có vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ, thanh thoát nhưng lại rất đỗi mong manh, chỉ cần một cơn gió mạnh hoặc một trận mưa lớn là nó ngã rạp và tàn úa ngay. Có những buổi chiều thu, nhóm bạn xóm Thương rủ nhau chơi đùa ven cánh đồng làng. Hoa Cỏ May gặp gió bay lên và vương vải trên tóc, trên áo, cả đám bạn ùa nhau xúm vào nhặt. Lúc đó, đám trẻ con vô tư, không nghĩ ngợi gì nhiều.
Thời gian trôi qua, chứng kiến sự ra đi của những người thân, hình ảnh Hoa Cỏ May đã đưa chị Thương vào những suy tư rất khác. Những bông hoa nhỏ li ti bay lả tả trong gió gợi lên trong chị cảm giác về sự hữu hạn của cuộc đời, về sự kết thúc của một chu kỳ sống. Phải chăng, Hoa Cỏ May được xem như một biểu tượng của sự chết, của sự chia ly?
Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm, chị Thương luôn xác tín: Sự kết thúc của một chu kỳ lại đồng nghĩa với sự bắt đầu của một chu kỳ mới. Hạt giống Cỏ May, dù nhỏ bé, vẫn mang trong mình mầm sống tiềm tàng, chờ đợi một ngày nảy mầm. Chính vì vậy, Hoa Cỏ May không chỉ là biểu tượng của sự chết mà còn là biểu tượng của sự tái sinh, của hy vọng.
Ngẫm về sự ra đi của người Bác yêu quý, chị càng phải sống mạnh mẽ và hy vọng. Bởi vì, Chị tin rằng cái chết không phải là sự kết thúc mà là một bước chuyển đổi, là cánh cửa dẫn đến một cuộc sống vĩnh cửu bên Chúa. Hình ảnh bông Cỏ May là chính với sự kết hợp giữa sự tàn úa và hy vọng. Sự chết không phải là kết thúc. Người Kitô hữu tin tưởng vào sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Cái chết của Chúa Giêsu không phải là sự kết thúc mà là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới, một cuộc sống Vĩnh Cửu. Hoa cỏ may, với khả năng tái sinh, cũng gợi lên niềm hy vọng vào sự phục sinh của con người. Càng ngẫm nghĩ, chị càng thấy yêu hơn quê nhà với những cánh đồng có lắm bông Hoa Cỏ May. Hoa Cỏ May tuy rất bình thường nhưng lại chuyển tải thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc.
Trong đức tin Công giáo, chị cầu mong cho linh hồn Bác và những ai đã an nghỉ, sớm được Chúa ban thưởng hạnh phúc Thiên đàng. Cầu mong cho niềm tin vào sự Phục sinh và cuộc sống vĩnh cửu giúp những ai đang phải đối diện với sự ra đi của người thân được sống trong an bình và hy vọng. Và cũng trong niềm tin ấy, chị thầm hứa sẽ cố gắng sống tốt bổn phận làm con Chúa, để mai ngày được cùng Chúa phục sinh.
Tiểu Hướng Dương
Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế