Ngài là con của bà Maria, một góa phụ giàu có ở Giêrusalem có một căn nhà rộng rãi làm nơi tụ họp các tín hữu… Năm 43, sau khi thoát khỏi ngục tù, Phêrô đã chọn nhà này làm nơi trú ngụ (Cv 12,12-17).
Như thế, Máccô sớm quen thuộc với những ghi nhận của Phêrô. Hai năm sau, tức là năm 45, Máccô và Barnaba cùng đi trong cuộc hành trình thứ nhất của Phaolô. Nhưng khi đoàn truyền giáo đi về hướng bắc, Máccô đã trở về Giêrusalem (Cv 13,13).
Mặc dù không ở trong số mười hai tông đồ nhưng Máccô có quan hệ bà con với Barnaba tông đồ. Máccô nổi tiếng vì ngài đã viết một trong bốn sách Tin mừng. Phúc âm Máccô tuy ngắn gọn nhưng cung cấp nhiều chi tiết mà chúng ta không thấy có trong các sách Phúc âm khác. Ngài được biểu trưng bằng hình con sư tử vì Phúc âm của ngài mở dầu bằng tiếng nói oai hùng của Gioan Tẩy giả từ trong sa mạc.
Máccô cũng là người môn đệ rất yêu dấu của Tông đồ Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi. Phêrô gọi Máccô là “con”. Một số người cho rằng Phêrô có ý nói là ngài đã rửa tội cho Máccô.
Máccô được truyền chức giám mục và được sai đến Alêxanđria, nước Ai Cập. Ở đó, Máccô đã hoạt động tích cực nhằm rao giảng cho người ta nhận biết tình yêu của Đức Giêsu và Giáo hội của Người. Truyền tụng từ thế kỷ III cho rằng Máccô thiết lập giáo đoàn Alexanđria, nơi đây Ngài đã tử vì đạo.
Thi hài của Ngài ban đầu được tôn kính gần Alexanđria, rồi được các lái buôn thành Venise chuyển về thành phố của họ vào thế kỷ IX. Các thánh tích của Ngài hiện được lưu giữ và tôn kính tại đại thánh đường dâng kính Ngài ở Venise.