ĐTC Phanxicô: Nền dân chủ đang không khoẻ, cần sáng tạo để xây dựng tương lai

08/07/2024

Sáng Chúa Nhật 7/7, ĐTC Phanxicô đã thăm thành phố Trieste, miền bắc nước Ý, để tham dự Tuần lễ Xã hội Công giáo lần thứ 50 với chủ đề: “Nơi trung tâm của nền dân chủ. Sự tham gia giữa lịch sử và tương lai”. Ngài nhấn mạnh rằng “sự thờ ơ là căn bệnh ung thư của nền dân chủ”.

Trong bài diễn văn tại Đại hội Tuần lễ Xã hội Công giáo, ĐTC Phanxicô chỉ ra rằng “Rõ ràng trong thế giới hôm nay, nền dân chủ không được khoẻ mạnh. Điều này khiến chúng ta quan tâm và lo lắng, bởi vì lợi ích của con người đang bị đe dọa, và không có gì thuộc về con người lại có thể xa lạ với chúng ta”. Do đó, ngài kêu gọi đảm nhận trách nhiệm “xây dựng điều gì đó tốt đẹp trong thời đại chúng ta” trong khi “chú ý đến những người vẫn ở bên ngoài hoặc bên lề của các tiến trình”.

ĐTC Phanxicô cũng nhấn mạnh đến thái độ và trách nhiệm của các Kitô hữu trước những biến đổi xã hội khi nền dân chủ bị khủng hoảng nơi các thực tại và các quốc gia khác nhau.

Ngài xem cuộc khủng hoảng dân chủ như một trái tim bị thương tích. Ngài nói: “Mỗi khi có ai đó bị gạt ra ngoài lề xã hội thì toàn thể xã hội cũng bị tổn thương. Nền văn hóa vứt bỏ tạo ra một thành phố không có chỗ cho người nghèo, trẻ chưa sinh, người yếu đuối, người bệnh, trẻ em, phụ nữ, người trẻ, người già. Đây là văn hóa vứt bỏ. Quyền lực trở nên tự quy chiếu – đây là một căn bệnh hiểm nghèo – không có khả năng lắng nghe và phục vụ con người”.

Một nền dân chủ từ việc đào tạo

ĐTC Phanxicô nhận xét: “Sự tham gia không thể là tùy cơ ứng biến, nhưng phải được học từ khi còn nhỏ, khi còn là người trẻ, và phải được ‘đào tạo’, nó cũng mang ý nghĩa phê bình đối với những cám dỗ về ý thức hệ và chủ nghĩa dân túy”.

Ngược lại, sự thờ ơ là căn bệnh ung thư của nền dân chủ. Ngài nói: “Dân chủ luôn đòi hỏi sự dịch chuyển từ việc đứng về phe nào sang sự tham gia, từ ‘cổ vũ’ sang đối thoại”. “Mỗi người đều có giá trị; mỗi người đều quan trọng”. Do đó, tất cả mọi người đều phải cảm thấy mình là thành phần của một dự án cộng đồng; không ai nên cảm thấy mình vô dụng. Điều gì đằng sau sự xa cách đối với các thực tế xã hội? Đó là sự thờ ơ, dửng dưng là căn bệnh ung thư của nền dân chủ, là sự không tham gia.

Tham gia với sự sáng tạo

Khi nói về trái tim được chữa lành, ĐTC Phanxicôô đã liệt kê rất nhiều ví dụ về các dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần vốn là biểu hiện của sự sáng tạo. Chẳng hạn: những nhà tuyển dụng người khuyết tật vào công việc kinh doanh của họ hoặc các cộng đồng năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy hệ sinh thái toàn diện.

Lời khuyên của ĐTC Phanxicô là đừng tìm kiếm những giải pháp dễ dàng, nhưng là mong ước lợi ích chung và với tư cách là Kitô hữu, “hãy can đảm đưa ra những đề xuất về công lý và hòa bình trong các cuộc tranh luận công khai”.

Người Công giáo lên tiếng “không phải để bảo vệ các đặc quyền”, nhưng phải là “tiếng nói tố giác và đề xuất trong một xã hội nơi có quá nhiều người không có tiếng nói”. Ngài nhấn mạnh: “Điều này là tình yêu mang tính chính trị, không hài lòng với việc xử lý hậu quả mà tìm cách giải quyết nguyên nhân”. Ngài khuyến khích: “Chúng ta hãy rèn luyện mình trong tình yêu này, để nó lan tỏa trong một thế giới thiếu vắng niềm đam mê dân sự”.

Kết thúc bài diễn văn, ĐTC Phanxicô cầu chúc các tín hữu Công giáo Ý tham gia các dự án chính trị tốt đẹp có thể làm sống lại niềm hy vọng. Đặc biệt hướng tới Năm Thánh sắp đến, Đức Thánh Cha mời gọi thúc đẩy các sáng kiến ​​đào tạo về chính trị và xã hội cho người trẻ, cung cấp những nơi thảo luận và đối thoại cũng như khuyến khích sự hiệp lực vì lợi ích chung.

Nguồn: Đài Vatican News